Khi chiến tranh không còn, một linh hồn buông lơi trong dấu yên lặng vĩnh cửu, một cõi vĩnh cửu của những kẻ đã chết. Người tồn tại sau cuộc chiến lại là sự mỏi mòn của già nua. Vết thương chiến tranh luôn gặm nhấm trong giấc ngủ, trong cơn điên loạn, dần dà không cảm xúc. “Nơi vó ngựa chiến đi qua, mười năm sau cỏ chưa mọc và gió thổi còn mang mùi máu…”
Người sinh ra trong thời bình, viết về chiến tranh không bao giờ nhập thân được, như người sống đứng dự đám tang của bao người quen, chẳng thấy chút rợn với cái chết. Phải nấn ná ở lại nghĩa địa một buổi chiều tà giữa bao nhiêu nấm mồ con, mả lớn, lòng mới lạnh lẽo hãi hùng. Sợ chết và sợ chiến tranh, không ai muốn nhắc nữa. Tôi không nhắc những cuộc chiến tranh xâm lược, những cuộc chiến phi nghĩa, mà muốn nói đến một loại chiến tranh mơ hồ, huyền bí, siêu linh, còn và tiếp diễn đâu đó trong dân gian.
Khoa nghi chẩn tế là một tác phẩm văn học mang đậm nét nhân văn, loại văn học tình người, giữa người sống gởi gắm tấm lòng đến người đã khuất. Song, mặt trái của tác phẩm này, theo riêng tôi nó là bộ sách luôn khiêu chiến giữa hai dân tộc Hoa – Việt, thấm đẫm kịch tính chiến tranh trong cõi vô hình. Tôi đi ngay vào nội dung của tác phẩm. Ngay phần thỉnh Thập nhị loại cô hồn âm hồn:
Chủ sám triệu thỉnh vua chúa:
Một lòng kính xin triệu thỉnh, các triều vua chúa, lớp lớp bá hầu; chín từng điện ngọc cao sang, muôn dặm nước non chiếm cứ.
Tả bạch:
Phương Tây ồ ạt, chiến hạm rền vang. Ngàn năm vượng khí hiên ngang, phút chốc tàu thâu thê thảm. Phương Bắc xe loan, mịt mờ vó ngựa. Năm nước oan khiên tiếp diễn, ngậm ngùi ngập xác sanh linh!
Hữu bạch:
Hỡi ôi, đỗ quyên thảng thốt hoa đào nguyệt, máu nhuộm cành cây hận mãi hoài. Hôm nay kính thỉnh, trước thì vua chúa, sau đến bá hầu…, hết thảy đều là những cô hồn khốn khổ.[1]
Văn trên nói gì, đế chúa trong bao nhiêu triều đại,… sống cao sang trong cung điện… Nhưng chiến thuyền Tây Tấn (chỉ triều đại nhà Tấn, sau thời Tam quốc) ào đến đánh chiếm Đông Ngô năm 280, thì vượng khí… bất ngờ tan mất trong chốc lát. Năm nước oan khiên tiếp diễn: Bắc Tống bị giặc Kim đánh đuổi, đày cả 5 chi của họ ấy vào sa mạc Mông cổ, chết cả ở đó, tiếng gào oan khóc đến nay chưa tắt.[2]
Văn tiếp, chủ sám triệu thỉnh tướng võ:
Một lòng kính xin triệu thỉnh: Dựng đàn bái tướng, vạch cõi phong hầu…
Tả bạch:
Trướng hùm sương lạnh, công lao hãn mã[3] chiến binh, gió lặng đìu hiu, mịt mờ sói hú…
Hữu bạch:
Hỡi ôi, … trước thì tướng soái, sau đến ba quân… đều là những vị cô hồn khốn khổ![4]
Hán Cao tổ Lưu Bang dựng đàn phong Hàn Tín làm nguyên soái, chọn đất xung yếu mà phong hầu… Nhưng rồi sương lạnh thấm ướt trướng vẽ hình cọp thị uy, uổng phí công lao chiến mã, tan nát ước vọng chức tước vinh hoa.
Cư dân trong Dục giới, gồm sáu hạng chúng sanh, như thường xuyên được nhắc đến trong các kinh điển nguyên thủy: chư thiên, loài người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh. Nếu ghép a-tu-la vào hạng chư thiên thì còn lại năm. Địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh, ba hạng này gọi là khổ thú (duḥkhagati), tức định hướng tái sinh khổ. Đến thời Thế Thân (Vasubandhu, thế kỷ thứ 5), ông lý luận thêm một hạng nữa tự thể này sau khi chết trước khi sinh còn ở giữa gọi là là trung hữu (中有, antarā-bhava). Ông dẫn Tỳ-bà-sa nói, trung hữu tồn tại chỉ trong một thời gian ngắn, vì nó mong cầu đi tái sanh. Nếu trường hợp sinh duyên chưa hội đủ thì nó phải sinh phương xứ khác. Ví dụ nó sẽ sinh làm ngựa các thứ nhưng lúc ấy không đúng thời, do nghiệp tăng thượng, ngựa sẽ giao hợp trái thời để trung hữu đến. v.v.[5] Không thấy ông nhắc gì đến thế giới côn hồn.
Có người cật vấn, mình không thấy thế giới đó đừng nên phủ nhận. Vậy nếu có, thì sao? Tôi mượn chuyện văn thần Giang Văn Minh (1573-1637) thời Lê Thần Tông, quê làng Mộng Phụ, huyện Phú Lộc, tỉnh Sơn Tây. Năm Mậu Thìn 1628 làm đến tự khanh, tước hầu. Năm 1637 được cử làm phó sứ sang nhà Thanh dâng lễ cống. Theo sách đại Việt lịch triều đăng khoa lục, khi đến nơi, đại thần nhà Thanh ra câu đối: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng đến nay rêu đã xanh), ông đối lại: Đằng giang tự cổ huyết do hồng (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ). Người Thanh giận, giết chết, tẩm xác vào thuỷ ngân, rồi cho đưa về nước.[6] Giang Văn Minh chỉ mới đối đáp liên quan nỗi nhục thua trận mà triều đình Trung Hoa giận tím gan đến như vậy; huống gì ngày ngày trên khắp quê hương từ tư gia cho đến chùa chiền luôn tổ chức trai đàn chẩn tế, lớn nhỏ khác nhau; nếu quý thầy mời thỉnh tướng tá “những người đã khuất” của Trung Hoa đến dự, thì tướng tá “người thiên cổ” của Việt Nam có chịu đứng yên cho họ bước vào bờ cõi này không? Dĩ nhiên Hai Bà Trưng (42-43), Bà Triệu (248), Mai Hắc Đế (chiến tranh Đường-Việt), Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt v.v…, chắc chắn có mặt tại đàn tràng này.
Nếu lập luận, tác phẩm này do người Trung Hoa viết, tất nhiên triệu thỉnh chiến sĩ trận vong của họ, liên quan gì để chúng ta mà bàn thảo, kẻ ôm rơm rặm bụng!? Vậy chúng ta nên tự vấn, nếu nói thế thì có nhất thiết áp dụng trong khoa nghi nhà chùa nữa không?
Không biết khoa nghi này xuất hiện tại Việt Nam từ khi nào, tương truyền có thể xuất hiện thời Lý Anh tông, niên hiệu Đại định 11 (1150), Đỗ Anh Vũ bị tội. Để cứu tình nhân của mình, Lê Thái hậu tổ chức nhiều pháp hội và vua ban hành lệnh đại xá thiên hạ. Nhờ vậy, Anh Vũ được hưởng lây và lần lần phục chức. Hoặc khoa nghi này xuất hiện thời Tăng thống Huệ Sinh tịch năm Gia khánh thứ 6 (1064), đời Lý Thánh tông, có để lại tác phẩm Pháp sự trai nghi, rất có thể nói đến nghi thức chẩn tế. Về sau đến thời nhà Nguyễn, các chúa thường hay tổ chức các pháp sự hay trai đàn tại chùa Linh mụ. Theo tiểu sử chùa, năm Giáp ngọ, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, chùa được trùng tu, nhân đó, Chúa cho tổ chức đại trai đàn. Gia Long năm thứ 2 (1803), vua tổ chức trai đàn bạt độ cho các quan linh tử trận.[7]
Có lẽ nghi cúng chẩn tế này được sử dụng rất phổ biến trong triều Nguyễn cho nên nó đã ảnh hưởng nhiều vào tư tưởng các bài văn tế chiến sĩ trận vong của thời ấy, như Văn tế nghĩa sĩ trận vong của Nguyễn Văn Thành. Năm 1802, sau khi diệt xong nhà Tây Sơn, vua Gia Long ủy cho tướng Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn xứ Bắc; vào tháng Chạp năm đó, Nguyễn Văn Thành đã soạn một bài Văn tế nghĩa sĩ trận vong và đứng ra sửa một tuần rượu tế các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh với lực lượng Tây Sơn. Văn rằng:
“Than ôi! Trời Đông Phố vận ra Sóc Cảnh, trải bao phen gian hiểm mới có ngày nay; nước Lô Hà chảy xuống Lương Giang, nghĩ mấy kẻ điêu linh những từ thuở nọ.
Cho hay sinh là ký mà tử là quy; mới biết mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ.
Xót thay! Tình dưới viên mao, phận trong giới trụ.
Ba nghìn họp con em đất Bái, cung tên ngang dọc chí nam nhi; hai trăm vây bờ cõi non Kỳ, cơm áo nặng dày ơn cựu chủ….
“Ba nghìn họp con em đất Bái, cung tên ngang dọc chí nam nhi”, Nguyễn Văn Thành viết vậy ví cho những người theo Gia Long cũng khảng khái như quan sĩ theo Hán Cao tổ. Xưa Hán Cao tổ Lưu Bang (256 trước Tl. – 195 trước Tl.) khi khởi nghĩa ở đất Bái, họp quân tử đệ 3000 người.[8]
Kỳ thật, ngày xưa, sau khi đánh bại Sở bá vương Hạng Vũ, thống nhất Trung Hoa, Hán Cao tổ Lưu Bang rất kiêu căng ngạo mạn, hay chế giễu chửi bới các nhà Nho. Có khi gặp Nho sinh bắt họ bỏ mũ ra rồi Cao tổ Lưu Bang tiểu vào mũ của họ. Nhà trí thức Giả Nghị thấy thế khuyên Cao tổ Lưu Bang đọc sách, Lưu Bang trả lời: “Nãi công cư mã thượng nhi đắc thiên hạ an sự thi thư?” Nghĩa là “Ta đây ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ, cần gì phải đọc sách.” Giả Nghị thưa: “Chúa công có thể ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ, nhưng không thể ngồi trên lưng ngựa mà trị thiên hạ.” Vậy gương Lưu Bang có đáng cho Nguyễn Văn Thành nêu cao không?
Tại sao chúng ta không triệu thỉnh những hồn người Việt từng ngã xuống vì dân tộc này, gương sáng ấy rất nhiều: Nguyễn Trãi, Phi Khanh, Trần Bình Trọng, Mạc đĩnh Chi v.v. Tôi phải dừng lại ở đây một cách luyến tiếc, như Nguyễn Du tránh họa bút mực thời phong kiến mà nói khiêm cung trong đoạn cuối tác phẩm Truyện Kiều của ông:
“Lời quê chắp nhặt dông dài;
Mua vui cũng được một vài trống canh.”
Phật lịch 2565, Việt Nam.
Bhikhu Cittacakkhu
_____________
[1] Du-già tập yếu thí thực nghi quỹ《瑜伽集要施食儀軌》卷1, X59, no. 1080, p. 262a12:「一心召請。累朝帝主。歷代侯王。九重殿闕高居。萬里山河獨據。(白)西來戰艦。千年王氣俄收。北去鑾輿。五國冤聲未斷。(嗚呼)杜䳌叫落桃花月。血染枝頭恨正長。如是前王後伯之流。一類孤魂等眾。惟願承三寶力。仗祕密言。此夜今時。來臨法會。」Cf. Thích Huyền Tôn, Du-già diệm khẩu thí thực khoa nghi, 2007, tr. 76-78.
[2] Cf. Tỳ-kheo Thích Trí Quang, Để hiểu đàn chẩn tế, Pl. 2557, tr. 302-305.
[3] Hãn mã 汗馬, hay gọi hãn huyết mã. Tên một loại tuấn mã ở Đại uyển, loại ngựa này sau khi phi nước đại, mồ hôi thấm trên lông đỏ giống chảy máu.
[4] Ibid., p. 262, a18:「一心召請。築壇拜將。建節封侯。力移金鼎千鈞。身作長城萬里。(白)霞寒豹帳。徒勤汗馬之勞。風息狼煙。空負攀龍之望。(嗚呼)將軍戰馬今何在。野草閒花滿地愁。如是英雄將帥之流。一類孤魂等眾」
[5] Câu-xá II, Việt dịch Tuệ Sỹ, 2013, tr. 198, 230.
[6] Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, nxb Văn Hoá, 1993.
[7] Tuệ Sỹ Văn tuyển I, Nxb Hồng đức, tr. 277.
[8] Cf. Thạch Trung Giả, Văn học phân tích toàn thư, Lá bối 1973, tr. 211; Văn tế nghĩa sĩ trận vong – thivien.net.