Huế
Ngày 13 tháng 04 năm Quý Mão (5-5-1963)
Cờ đèn đã chuẩn bị cả rồi. Niềm hân hoan lan cùng mọi ngã. Tim Cẩm Thủy sống dậy trong mùa Vô Ưu bừng nở. Lòng Cẩm Thủy tươi mát hơn cả bao giờ.
Mùa xuân của áo Lam đã về!… Vạn cánh bướm màu Lam tung bay giữa lòng vũ trụ. Xuân của dân tộc, của thế gian an lành tắm mình trong vườn Đạo thơm hương.
Đêm nay, quỳ gối dưới Phật đài, Cẩm Thủy cầu xin cho tất cả nguồn an lạc.
10 giờ đêm
Thông tư của chính quyền ra lệnh triệt hạ Giáo kỳ được phổ biến.
Ồ, cái gì thế? Cẩm Thủy mơ chăng?
Mình chuẩn bị và lo lắng ngày vui muôn thuở của Cha lành hơn tháng nay, bỗng nhiên không được toại nguyện.
Mình bàng hoàng nghe tim đau nhói từng cơn, mình cảm nghe niềm phẫn uất dâng tràn lên khóe mắt.
Từ lâu rồi, Đạo mình bị dồn nén vào một sự áp bức vô bờ. Tu sĩ Phật giáo bị thủ tiêu, chôn sống, tù đày, ngược đãi quá nhiều mà lòng người vẫn man dã đến cao độ, nỡ đành tâm chà đạp nguồn sống của một Tôn giáo.
Ngày 14 tháng 4 Quý Mão
Có ai tôn trọng lệnh áp bức ấy đâu? Giáo kỳ vẫn ngập trời, vẫn tung bay phần phật trong niềm hoan lạc của những tâm hồn thương Đạo.
Hoa Đàm nở!…
Mùa Xuân của dân tộc bừng dậy rạng rỡ như ánh bình minh.
Lòng Cẩm Thủy rộn lên… Ngoài kia, cờ sáu sắc cũng đang phơi phới theo gió!
Ánh Đạo về, tràn lan mọi nẻo.
Nhưng!
Não nề chưa? Đèn, cờ rủ màu như xác lá. Lệnh đốc thúc hạ cờ đã đi vào thành phố.
Từng phố một, nhà một, đau đớn xuống cờ trước áp lực. Mắt mình mờ lệ… Mờ dần trong màu cờ không còn lộng gió…
6 giờ 30 chiều
Phố đã lên đèn. Nhưng ánh đèn không tỏa sắc. Không đủ quét sạch màn vô minh. Không dâng được niềm sống Đạo.
Ôn Tường Vân (Ngài Hội chủ) cùng với các Tăng lữ về họp tại Tòa Tỉnh trưởng Thừa Thiên.
Lòng mình rộn ràng… Từng đoàn tín đồ từ đâu quy tụ về nơi đây đông nghẹt. Bên trong các Tăng lữ đang họp với ông Tỉnh trưởng thì bên ngoài tiếng người lao xao, lá cờ Phật giáo ngoắc gọi trên vạn đầu người.
“Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ”
“Phật giáo Việt Nam bất diệt”
Sôi nổi quá! Lòng người yêu Đạo đã đến lúc bộc phát như nước thủy triều dâng lên. Họ đến đây từng đoàn… rồi từng đoàn… Họ đang tìm niềm tin và lẽ sống…
Ngày 15 tháng 4 Quý Mão
Thức giấc dậy lễ Phật xong mình qua Diệu Đế để dự lễ rước Phật.
Cả một hội rừng Lam quy tụ về nơi đây
“Cờ xí rợp trời
Trống kèn dậy đất
Mây lành ngũ sắc
Song đượm niềm hân hoan”.
Mình đi trong những âm thanh của cờ bay cuồn cuộn, nhưng hòa lẫn với những âm thanh cuồn cuộn kia vẫn là những u uất chưa giải tỏa.
Các em Thiếu nữ cứ hỏi mãi “Chị Cẩm ơi! Sao họ không cho mình treo cờ rứa Chị?…”
– Có lẽ bởi tại độc tài hay vì lòng người chưa được đạo Giác ngộ rạng soi, nên mới có sự kỳ thị trong màu Cờ.
Cuộc rước Phật với những cờ hoa phơi phới, với biểu ngữ “Kính mừng Phật Đản” muôn màu.
Có tiếng xì xào. Cẩm Thủy nhìn lui. Ờ kia! Một tấm biểu ngữ chen lẫn trong hàng ngũ Gia đình Phật tử: “Lá cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ”.
Ớn lạnh chạy khắp toàn thân Cẩm Thủy. Cẩm Thủy không dám nhìn lâu, máu chảy mạnh. Bên tai Cẩm Thủy, tiếng thì thào:
– Em có sợ chết không?
Một chút ngập ngừng:
– Thưa anh không.
– Thế thì em căng tấm này lên đi.
Trời ơi! Lại thêm một tấm biểu ngữ!
Cẩm Thủy nhìn theo đôi chân thoăn thoắt, nhỏ thó của một Ban viên Hướng dẫn GĐPT tim như đập mạnh. Cẩm Thủy chắc chắn sẽ có những sự lạ…
Lo âu… nhưng hãnh diện…
Đoàn rước đang hùng dũng tiến gần đến Bệnh viện thì bổng nhiên dừng lại… 3 phút… 5 phút… 15 phút… đoàn rước vẫn đứng yên không động đậy… Các đoàn theo sau ngơ ngác, phân vân, nôn nao thúc đẩy, chỉ sợ trễ giờ làm lễ tại Lễ đài… nhưng đoàn Thiếu niên vẫn cuộn tròn biểu ngữ đứng chờ… Thì ra, đi đến đây Thượng tọa Trưởng ban Tổ chức lễ Phật đản thấy chuyện khác thường đã ra lệnh cất biểu ngữ…
Các đoàn sinh tuân lệnh cuộn tròn biểu ngữ và không chịu đi … 20 phút … 25 phút trôi qua… Yên lặng… Cảnh sát, Hiến binh khách qua đường cũng xôn xao, không hiểu vì đâu có sự lạ lùng, ngay cả đoàn rước dài trên cây số cũng không mấy ai hiểu gì!…
Thấy đứng lâu quá, một người trong đoàn rước lên tin quý Thượng tọa tại lễ đài, thì thấy Thượng tọa T.Q. thân hành xuống tại chỗ… đoàn rước lại tiếp tục diễn hành hiên ngang, hăng hái hơn trước với nhiều biểu ngữ khác được căng lên…
“Phật giáo đồ chỉ ủng hộ chính sách bình đẳng tôn giáo”
“Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ chánh pháp dù phải hy sinh”…
Lúc đi ngang qua tòa Tỉnh trưởng các biểu ngữ dừng lại và xây vào.
Ngoài kia gió từ mạn sông Hương lộng thổi căng phồng những biểu ngữ như biểu dương tất cả ý chí quật khởi oai hùng. Hai bên đường, người dừng lại, chăm chú đọc, chạy theo đọc…
Họ nghĩ gì? Ai mà biết được, chỉ thấy có người mở to mắt ra, có kẻ ngơ ngác như gặp một hiện tượng lạ.
Đoàn rước Phật đã tề tựu trước sân Chùa Từ Đàm thành một rừng người cuộc sóng. Những nét mặt bộc lộ niềm phẩn uất lên tột độ.
9 giờ, lễ chính thức bắt đầu, bầu không khí căng thẳng bao trùm cả rừng người.
Thượng tọa THÍCH TRÍ QUANG Hội trưởng Phật giáo miền Trung được Thượng tọa ĐÔN HẬU thỉnh lên máy vi âm vì những biểu ngữ ngoài chương trình Ban tổ chức.
Biểu ngữ thỉnh nguyện được giương lên.
Hết câu này đến câu khác, với một giọng lôi cuốn, Thượng tọa TRÍ QUANG giải thích từng biểu ngữ, Thượng tọa đọc:
“Cờ Phật giáo không thể bị triệt hạ”, và giải thích vì là cờ Phật giáo, là cờ hòa bình, không hề bị hoen ố, lá cờ chỉ đem lại thịnh vượng cho quốc gia, và thịnh vượng cho dân tộc… thì chao ôi! Tiếng hoan hô chen lẫn với tiếng la thét “ Phật giáo Việt Nam bất diệt” kéo dài, kéo dài và tưởng chừng như bất tận nếu không có lệnh ngừng bằng một cử chỉ khoác tay đơn giản.
Và lòng Cẩm Thủy cũng dào dạt một niềm vui, một niềm vui khó tả mà máu bùng sôi dồn lên khối óc, chạy khắp toàn thân…
Vạn hoa lòng cởi mở, vạn tâm hồn nở hương…
Phật giáo bất diệt.
Ôi Từ Đàm! Từ Đàm yêu dấu! Từ Đàm lịch sử… Từ Đàm chất chứa mọi thịnh suy của Phật giáo nay lại ghi thêm một biến cố của 17 thế kể Phật giáo Việt Nam.

Ngày 16 tháng 04 năm Quý Mão
Tới Đà Nẵng từ chiều hôm qua. Sáng nay, mình thức dậy trong những âm thanh huyên náo.
Tin từ Huế đưa vào: Phật tử tập trung tại Đài Phát thanh Huế để nghe buổi phát thanh Phật giáo. Nhưng đã bị sức mạnh của chính quyền đàn áp.
Súng nổ, người tử thương.
Mình vội tốc xe ra Huế, lo lắng quá! Xe chạy với tốc lực tối đa 80 cây số một giờ, nhưng mình vẫn có cảm tưởng như rùa bò. Miệng mình không ngớt thúc giục. Thân thể như bị kim châm. Nóng ruột và nóng ruột…
Đêm hôm qua gia đình mình ra sao không nhỉ? Các em mình nữa. Nóng ruột quá!
Về đến nơi mình mới chứng kiến được một thực trạng não nề…
Một khẩu hiệu bằng vải vàng viết chữ đỏ như màu máu: “Hãy giết chúng tôi đi. Trời ơi! Ghê rợn. Hãy giết chúng tôi đi. Sau biểu ngữ, một nhóm đoàn sinh Gia đình Phật tử trong đó Cẩm Thủy biết mặt một Huynh trưởng Thành nội đang phanh áo đưa ngực, a vào lưỡi lê của quân đội gìn giữ an ninh. Mình phải nhắm mắt lại, người bàng hoàng khó tả. Cái gì đây đã xảy ra?
Người ta kể lại. Mấy chục nạn nhân đã ngã gục dưới làn mưa đạn. Lựu đạn cay bốc khói mờ mịt, xe vòi rồng phun nước vào đám người tụ tập. Súng nổ chát cả tai. Thiết giáp xa bừa lên đám người đứng. Tiếng khóc van rân, tiếng rú rợn người. Trước áp lực quá tàn bạo, đoàn người xôn xao chạy trốn để lại sự im ắng với trên 8 xác chết và một số người bị thương.
Lạy Phật! Não nề lắm! Toàn thể lòng người xứ Huế cảm xúc dâng đầy lên khóe mắt. Họ nức nở trước những xác chết mất đầu, mất tay thi hài nát bấy như tương của những tín đồ vô tội.
Đêm qua máu đã đổ, tô thắm Phật kỳ. Họ uống cạn hình ảnh của hôm nay để khắc ghi vào tận cùng tâm khảm, nguyền hy sinh cho giáo kỳ, cho nguồn sống Từ bi vượt ngàn trùng ranh giới.
Từng đoàn… từng đoàn người lũ lượt đi trong sức nóng cao độ. Cờ phần phật rung trong nắng; lòng người cũng phần phật lửa hờn đốt cháy cả tâm can. Bây giờ thì không còn một sức mạnh nào có thể đàn áp họ được nữa.
Từng đoàn… vẫn từng đoàn người cuồn cuộn đi khắp các nẻo đường. Cuộc lưu thông của thành phố hầu như bị gián đoạn. Họ vẫn quyết đi tìm một cái gì cho lẽ phải. Ngọn cờ Phật giáo sáu sắc quằn quại giữa nền trời xanh, hòa cùng máu đào đã nhuộm đỏ của những con người đã bỏ mình vì Đạo.
Tình thế đã đến lúc quá căng thẳng. Thượng tọa THÍCH TRÍ QUANG, vị lãnh đạo Phật giáo miền Trung đứng lên kêu gọi tất cả Phật tử hãy trở về với sự bình tĩnh để Giáo hội định liệu công việc. Nếu không tuân lệnh, Thượng tọa sẽ tuyệt thực cho đến khi nào tín đồ trở lại sự bình tĩnh.
Lệnh Thượng tọa được tuân theo răm rắp, Tín đồ lặng lẽ ra về.
Đêm lắng xuống theo tiếng nguyện cầu tha thiết, trong niềm uất nghẹn chưa vơi…
Ngày 17 tháng 4 Quý Mão
Niềm uất nghẹn vẫn chưa vơi… Sự đau khổ lên đến tột độ. Nhưng tuân lệnh Thượng tọa, tất cả im lặng.
Im lặng!…
Nghẹn ngào…
Những ánh mắt mờ lệ… chờ đợi!…
8 giờ sáng. Lệnh triệu tập của Thượng tọa ban ra. Chỉ trong một khoảnh khắc 2 tiếng đồng hồ mà sân Từ Đàm đã chật nghẹt cả người. Một rừng người nhấp nhô như vừng sáng của Đại dương.
Cờ và biểu ngữ dâng cao. Những nỗi lòng tha thiết. “Trả con tôi về lại cho tôi! Trả những tín ngưỡng của Phật giáo về lại cho chúng tôi.”
Tiếng gào thét đến thảm thương. Cẩm Thủy nghe tâm hồn xúc động hơn bao giờ cả.
Não nùng quá! Này đây là một đoàn thể của Ni – Tăng, những con người hiền nhất của trần thế.
“Chúng tôi đã quá biết ai giết chúng tôi. Đả đảo hành động sát nhân, vu khống”.
“Hãy giết chúng tôi đi”.
“Máu đã chảy, chúng tôi sẵn sàng đổ máu”. Tất cả nguyện hy sinh để bảo vệ Chánh pháp. Hờn uất hơn bao giờ cả, là lòng Thanh thiếu niên Phật tử hăng sôi.
“Đả đảo hành động sát nhân”.
Từng giọt nước mắt rơi nhanh trên những gò má hốc gầy đệm buồn với những lời kinh tiếp dẫn cho những hương linh đã bỏ mình vì Đạo.
Giọng kinh trầm buồn đến tê dại…
Trời sương hãi hùng nức nở!…
Nước mắt đã ngập tràn cả bốn bể Đại dương.
Kính lạy Đức Phật Thích Ca!
Hơn hai nghìn năm trăm năm chưa bao giờ đổ máu. Vì Đại nguyện Đạo Ngài đến đâu, suối tình thương đến đó. Thế mà giờ đây người ta đành tâm chà đạp.
Đảnh lễ đêm nay, con cầu xin Ngài ban về cho cuộc thế một tình thương xóa tan hận thù chia rẽ.
Ngày 18 tháng 4 Quý Mão
Đám tang của các nạn nhân Phật giáo trong thành phố Huế đã cử hành. Toàn thể dân chúng của thành phố Huế xôn xao… Lòng người xứ Huế nao nao đi theo các quan tài của các nạn nhân.
Này đây là một gia đình có một đứa con trai đã chết, đầu văng mất đi đằng nao? Người mẹ đau đớn gục đầu trên vai một người bạn nhìn hình ảnh cuối cùng của đứa con vùi dưới lòng đất thẳm. Tham dự lễ đám táng hôm nay có đủ tất cả Quý vị Thượng tọa Đại đức, Gia đình Phật tử, Sinh viên v.v…
Lòng người quá hồn căm trong lời điếu văn ai oán, bao quanh các quan tài mọi người đều xúc động nghẹn ngào. Những giọt nước mắt hòa lẫn với nước mắt kết nên cho lòng Đại dương thăm thẳm những buồn đau tê tái.
Tiếng nấc vang lên từng cơn, khi Thượng tọa Trí Quang phủ phục trước nấm mồ trên đám đất gồ ghề lởm chởm đá.
Thời gian như ngừng hẳn lại…
Thánh Tử Đạo! Thánh Tử Đạo!
Những Thánh tử đầu tiên của Đất Việt.
Người không còn là những kẽ phàm trần! Cái chết của Người gắn liền với lịch sử Phật giáo bất diệt!
Thánh Tử Đạo!
Thánh Tử Đạo!
Cung trời xứ Huế vẫn nóng như thiêu nhưng sức nóng kia chắc gì đã ngang đồng với nhiệt độ đang sôi trào của người dân xứ Huế!
Ngày 20 – 04 Quý Mão
Thật là ức. Thông cáo của tòa Tỉnh trưởng đổ tội cho Cọng sản đã giết hại Phật tử, lại phổ biến học tập khắp nơi gây hoang mang cho nhiều Phật tử.
Việt cọng nào mà lại có cả lực lượng xe tăng, thiết giáp bọc sắt, lựu đạn cay, vòi rồng phun nước?
Dân chúng ở đây nguyền rủa ông Đ.S. và cho rằng với chức vụ Phó Tỉnh trưởng nội an ông mới có quyền cho phép binh lính làm tàn và giết hại như thế. Nhưng mình thì mình tin tưởng lẽ phải bao giờ cũng thắng. Lòng người thương đạo sẽ lắp bằng mọi khó khăn. Máu vẫn còn đổ để tô đậm Phật kỳ.
Mình sẽ cùng với mọi người tạo một ngày mai huy hoàng.
Ngày mai ấy, vạn cánh bướm màu lam tung bay hòa đồng giữa lòng vũ trụ. Thế giới sẽ không còn hận thù, đau thương. Hương Đạo lành về tung vãi từ bi khắp cả cuộc thế.
Ngày 28 – 4 Quý Mão
Mới có 6 giờ sáng Thành phố đã ngộp cả người đi. Liễn đối băng tang đỏ rực các nẻo đường. Đó chỉ là địa phận Thành phố. Chứ xa hơn, ấp chiến lược cửa đóng, người ở đây không lên Chùa Từ Đàm được đành phải cầu siêu trong tâm tưởng. Có người lẻ tẻ xách rổ đi chợ và thẳng đến chùa. Phía Dạ Lê, An Cựu, Cảnh binh ra lệnh cho tất cả đi lui không được tham dự lễ.
Mình tiến sâu vào Thành phố. Thành phố vẫn tấp nập người đi, họ đi cuồn cuộn trong nắng mai, cờ rung theo gió kết tụ lại nơi Chùa một làn sóng vượt mức.
Nhiều người đã khóc rống lên khi nhìn thấy những vành khăn tang phủ lên đầu tang quyến của 8 gia đình nạn nhân.
Ngày 8 tháng 4 nhuận Quý Mão
Mấy hôm nay tín đồ đi cầu nguyện tấp nập. Từng buổi lễ cầu kinh, xong lại từng buổi lễ được thay nhau luân chuyển. Những buổi lễ trang nghiêm và thành kính quá! Trên máy phóng thanh của nhà Chùa đang nhắc lại cuộc tuyệt thực của 400 Tăng Ni tại Quốc hội Saigon.
Mình rảo một vòng. Đây là chợ Bến Ngự, chợ chỉ đông thưa thớt vài hàng. Đi sâu vào Thành phố, phố buồn im phăng phắt, rải rác vài ba người qua lại.
Chuông chùa chầm chậm ngân nga rơi buồn… xao xuyến vạn tâm tư, rung chuyển tận đáy lòng của hàng vạn hồn người đang tha thiết vì Đạo. Thế mà có những tâm hồn vẫn không một mảy may rung động.
Ngày 10 tháng 4 nhuận Quý Mão
Không ai bảo ai mà tờ mờ sáng người và người đã kéo nhau đi lũ lượt. Hai địa điểm Từ Đàm và Diệu Đế đã đông lắm rồi.
Tâm tư lắng xuống. Họ vận hết tâm thành theo sau các Chư Tăng.
Đoàn rước đi đầu bằng những biểu ngữ thỉnh cầu. Một đoàn từ Diệu Đế qua cầu Trường Tiền rồi đi lên ngã đường Lê Lợi. Một đoàn ở Từ Đàm đổ xuống, hai đoàn hẹn gặp nhau tại Tỉnh đường Thừa Thiên. Họ đi trong bầu không khí trang nghiêm, dọc đường không một lời nói chuyện, không một tiếng thì thào. Tiếng niệm Phật đều đều vang lên. Mình nhón gót nhìn qua bên kia: Y vàng rực rỡ đổ xuống triền dốc Nam Giao, qua cầu Lam Sơn rồi rẽ qua ngã Tỉnh đường. Trên chiếc gậy rung rinh, 6 vị Hòa thượng đang run run lần từng bước… từng bước… như bước thời gian nặng nề phủ lên mảnh hình hài khổ hạnh của quý Ngài.
Cảm xúc dâng tràn lên khóe mắt, mình cố ngẩng mặt lên trời để ngăn dòng nước mắt. Nhưng mắt mình cứ nhòa đi trong hình ảnh của màu vàng loang nắng, xung quanh mình những âm thanh tức tưởi, những giọng nói nghẹn ngào. Trên nền trời một vài chiếc máy bay rì rào đảo liệng. Từ xa… tiếng động cơ của một đoàn chiến xa đang tiến lại … ngần ngừ … rồi rẽ chiều.
Trong giây phút mình liên tưởng tới một dòng lịch sử xa xưa của một thời bạo chúa.
Ánh nắng gay gắt chiếu lên những nét mặt già nua khắc khổ. Nắng quá chịu không nổi mình bèn lần vào một gốc cây dừa bên bờ sông Hương để nghỉ chốc lát.
Tại đây mình thấy một em thiếu niên ngồi khóc ấm ức, đột nhiên mình có ý nghĩ làm ký giả phỏng vấn em thiếu niên này chốt lát.
– Này em, sao em lại khóc?
– Em xúc động vì em liên tưởng tới giờ phút mà Ngài Hội chủ của chúng ta đang tuyệt thực, Ngài đã nói:
“Từ dưới chân Đức Phật tôi đích thân tuyệt thực để nguyện cầu cho 5 nguyện vọng của Phật giáo sớm thành tựu”.
“Chị ơi! Vì em, vì Chị, vì tất cả cuộc đời đau thương mà Ngài, người cha già xế bóng của chúng ta phải đương đầu với bạo tàn, Chị ơi!…” Tiếng em buồn nấc lên… tôi quay mặt đi quệt nhanh dòng nước mắt.
Còn tôi, tôi khóc vì đang nghĩ về trang sử vàng son xa xưa của một thời thịnh Pháp. Hoàng đế A Dục, một con người lừng lẫy của một thời ngự trị bằng bạo lực đã quỳ mọp đảnh lễ Chư Tăng mỗi khi gặp ở đầu đường, sau khi trở về với Chánh Pháp.
Chừ đây, cũng y vàng sáng chói ấy, những đã thảm buồn chưa? – Những tấm thân phủ phàng đạo hạnh kia đang cúi đầu lê từng bước… từng bước để cần khẩn, để van xin nơi ma vương tàn bạo. Bất giác mình thở dài…
– Đạo đức không còn nữa chăng! Tình người đã chết đi trong dục vọng rồi ư! Lẽ nào những tiếng kêu than không dội đến những kẻ nuôi một bá vương!
Buồn thắm thía là buồn…
Ai hiểu chăng lòng những đứa con đang đau xót trong những ngày này!!!
Ngày 12 tháng 4 nhuận năm Quý Mão
12 giờ trưa
Tôi theo các anh, chị về cầu Bến Ngự, nơi đây, giữa lòng cầu và cả bốn phía, Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử đang ngồi xếp hàng để chờ mở cổng rào lên Chùa. Số người mỗi lúc mỗi thêm đông, lực lượng an ninh Quân đội đã huy động đến đây với nhiều võ trang chiến đấu.
Từng họng súng chỉa vào đoàn người non trẻ đang khẩn thiết cầu kinh.
Những cặp mắt long lên trong những chiếc mặt nạ như chực ăn tươi nuốt sống đoàn người đang ngồi chờ đợi.
16 giờ.
Nắng càng gay gắt, nước mắt người con Phật càng chan hòa. Gả Trung úy đeo kiến trắng của trại Quân cụ nét mặt đanh lại. Gả nhìn bao quát rồi khoát tay ra lệnh cho đám người dưới quyền gả ta ra tay. Những bàn tay rắn rỏi đưa lên, những tiếng rú hãi hùng. Trước mắt tôi những em nhỏ nằm sấp, những bàn tay bụm lấy mặt. Từng người dìu từng người ra khỏi đám đông. Hơi cay bốc khói mờ mịt, cảnh tàn sát vẫn đến một mức độ rợn rùng. Những bản súng nện vào những tấm lưng gầy. Một bàn tay của một gả quân nhân đang tung một quả tạc đạn mù vào đầu của một Sư ni. Bụp. Tôi nghe tim tôi như ngừng lại, máu trong người như ngừng chảy. Đầu hoa, mắt quay cuồng đảo lộn, tôi đứng bất động trong cánh tay của người bạn. Giây lát, mở bừng mắt ra, tôi cùng người bạn trở ngược lên Chùa. Đau đớn lên đến cực độ. Nhưng sao tôi không khóc mà nghe tim mình đau buốt từng cơn. Tôi thẩn thờ đếm từng nạn nhân đang nằm trên những băng ca cấp cứu.
Một, hai, ba… bốn… Hai mươi lăm, hai mươi tám… nạn nhân thứ 80. Chao ơi! Họ có tội tình chi? Tội của họ là đã trót tôn thờ hình ảnh của Chư Phật.
Tôi rời Chùa trở về nhà, lòng khắc khoải. Tôi nghe đầu mình nặng như búa bổ, trong bụng như muôn ngàn mũi kim châm. Mồ hôi ra ướt dầm cả gối. Tôi ngất đi tự bao giờ.
Bệnh viện Trung ương Huế
Ngày 15 tháng 4 Nhuận Quý Mão.
Nằm ở đây mà ruột nóng cơ hồ như lửa đốt.
Số phận các Tăng Ni của tôi ra sao? Và các em tôi nữa! Sốt ruột đến điên cuồng.
Chiều nay các em Phật tử về thăm cho hay rằng Chùa Từ Đàm đã bị phong tỏa. Không liên lạc, không tiếp tế được thức ăn, kẻ ra bị bắt, người vào bị chận. Hai anh trong Ban Chấp hành Sinh viên Huế và Sài Gòn đã bị chính quyền bắt khi đang đi thăm các nạn nhân trong Bệnh viện.
Ngoài kia, quang cảnh như chìm hẳn trong cơ nguy. Từng đoàn xe tăng, xe thiết giáp bọc sắt đang đi tuần tiểu giữa ban ngày. Giữa đường dây kẽm gai rào cả lối đi làm ngăn hết cả mọi sinh hoạt trong thành phố. Trên nền trời, tiếng máy bay rì rầm đảo liệng. Từ xa từng loạt súng đì đùng vọng lại. Thành phố Huế bị bao trùm trong tang tóc. Ngơ ngẩn… buồn đau… dâng đầy vạn nẻo.
Ngày 19 tháng 4 Nhuận Quý Mão
Đã mấy hôm rồi, Chùa Từ Đàm nằm hẳn trong tình trạng nguy ngập. Lương thực khô cạn dần, đến mức này thì cũng chết đói! Bạn tôi nói nhỏ: “Sao trên nét mặt mọi người bị phong tỏa vẫn không hề sợ hãi. Họ tươi cười và hãnh diện biểu lộ một đức tin mãnh liệt. Có lẽ họ đang nghĩ đến một cái chết vẻ vang. Một nấm mồ lịch sử vĩ đại sẽ chôn trên 400 tử sĩ vì Đạo”.
Nghĩ đến giờ phút phong tỏa kéo dài, tôi buồn vô hạn, buồn như cánh chim chiều phiêu bạt vào không gian vô tận…
Văng vẳng từ dưới phòng bệnh trẻ em vang lên tiếng hát dỗ dành của một hiền phụ:
“Hò ơi!… Nhiễu điều phủ lấy… ơ… giá gương…
Người trong một nước… phải thương… nhau cùng…“.
CẨM THỦY
(Trích Trước cơn sóng gió, Những mẫu chuyện đấu tranh của GĐPT, BHD GĐPT Trung Phần xuất bản 1964)