Người Hán gọi trung tâm văn minh của họ là Hoa Hạ: Sáng và Đẹp. Còn các sắc dân chung quanh “chưa văn minh” bị gọi là Di, mọi rợ. Họ coi việc đồng hóa các sắc dân khác là một sứ mạng tự nhiên. Mạnh Tử nhận thấy hiện tượng “Dụng Hạ biến Di,” nghĩa là dùng văn minh Hoa Hạ để thay đổi các giống Man Di. Quan niệm này cũng giống “Sứ mạng Khai hóa Văn minh” của các đế quốc Âu châu từ thế kỷ 17, 18 khi họ đi chiếm các nước ở châu Mỹ, châu Phi và châu Á (Pháp: Mission civilisatrice; Bồ Đào Nha: Missão civilizada).
Trình độ văn minh được đo lường bằng cách nào? Trong lịch sử, nhiều sắc dân sớm tiến bộ về kinh tế đã chinh phục các sắc dân khác. Bước tiến bộ đầu tiên là bỏ cách sống săn bắn, hái lượm mà trồng trọt lấy ngũ cốc và thuần hóa các giống vật, nuôi gia súc. Bước kế tiếp là cải thiện kỹ thuật sản xuất trong nông nghiệp, để một người làm đủ cho nhiều người ăn, tạo thực phẩm dư thừa. Nhờ có “của ăn của để,” họ nuôi một quân đội chuyên nghiệp, nuôi những thợ thủ công chế tạo đồ dùng mỗi ngày một khéo léo, và nuôi một số người không lao động mà chỉ sai bảo người khác. Họ có những vũ khí “tối tân” hơn nhờ sớm biết dùng đồng, dùng sắt. Những tiến bộ vật chất cộng với phương pháp tổ chức, quản trị xã hội ngày càng phức tạp hơn, được coi là “văn minh.” Với thực phẩm thặng dư, người ta cũng nuôi bộ máy thư lại dùng trong việc cai trị, các thầy cúng, các nghệ sĩ, triết gia, vân vân, đời sống của họ có trật tự, văn vẻ, đẹp đẽ hơn. Các giống dân “văn minh” đi khai hóa các sắc dân đi chậm hơn, lâu ngày biến đổi các sắc tộc chung quanh, gọi là đồng hóa. Như chúng ta sẽ thấy, một nền kinh tế mạnh có thể đi chinh phục, nhưng kinh tế không phải là khí cụ chính trong việc đồng hóa. Các đế quốc sử dụng những “sức mạnh mềm” thường có hiệu quả hơn. Nền văn minh Trung Hoa có sức mạnh bành trướng nhờ tư tưởng Khổng Giáo, chế độ chính trị Pháp Gia, được chuyên chở bằng một thứ chữ thống nhất đời Tần Thủy Hoàng.
Dùng chữ viết để đồng hóa
Người Hán khi tràn từ miền Bắc xuống miền Nam đã thực hiện việc đồng hóa với một khí cụ lợi hại đặc biệt, là một hệ thống chữ viết thống nhất. Người Trung Hoa bắt đầu đặt ra chữ viết khoảng 1,300 năm trước Công Nguyên. Chữ Hán được Tần Thủy Hoàng quy định, bắt mọi nơi phải dùng một thứ chữ vào năm 221 trước Công Nguyên, để thống nhất hệ thống cai trị. Nhà Hán thừa hưởng và hoàn tất công cuộc này trong bốn thế kỷ sau đó. Không những thống nhất các nước chư hầu vào một khối, chữ Hán có thể dùng để thống nhất “Thiên Hạ,” gồm tất cả mọi giống dân “dưới bầu trời.” Chữ Hán là một dụng cụ để cai quản các sắc dân phương Nam dưới một guồng máy hành chánh thuần nhất; được dùng trong việc ban bố mệnh lệnh và luật lệ; và rất đắc dụng trong việc giáo dục các quy tắc sống mới cho dân bị trị. Chữ Hán đã đồng hóa ngôn ngữ của hàng trăm sắc dân khác nhau, không riêng những người nói tiếng gốc Hoa Tạng mà cả những người nói tiếng gốc Thái Kadai hay ngôn ngữ Nam Á.
Chữ Hán là một lối viết theo phương pháp “tượng hình, hội ý” chứ không dùng các mẫu tự để phiên âm như những chữ La Tinh hoặc Sanskrit. Có thể dùng cùng một chữ Hán, giống như cùng một hình vẽ để ghi một ý niệm; dù người ta nói bằng các thứ tiếng khác nhau. Thí dụ như muốn diễn tả con “Ngựa,” hay cái “Miệng,” mỗi ý được vẽ (viết) bằng một hình (chữ) đủ nghĩa (logogram). Nhờ thế hai sắc dân nói tiếng khác nhau, nhưng nếu nhìn hình vẽ con ngựa (馬), hay cái miệng (口), thì ai cũng hiểu, mặc dù vẫn theo cách nói của mình. Cũng giống như bây giờ đọc hàng số 2 x 3 = 6 thì một học sinh ở Angola hay Sumatra, Peru đều hiểu cùng một ý, mặc dù họ nói khác nhau. Với chữ Hán, dù hai người nói không hiểu tiếng của nhau nhưng vẫn thông cảm được. Nhìn chữ 口 thì người Việt thì đọc là Miệng, người Tây Ban Nha đọc là La Boca, còn người Anh thì đọc là Mouth. Khi nhìn chữ 馬 thì người Pháp đọc là cheval, người Anh đọc là horse, người Việt tất nhiên biết đó là con ngựa (mã)! Thi sĩ Ezra Pound (người Mỹ, 1885 – 1972) kể rằng lần đầu tiên nhìn chữ mã này (馬), ông biết ngay nó vẽ con ngựa, mặc dù ông không học chữ Hán bao giờ cả! Tiếp xúc duy nhất của Pound là ông được trao cho một tập thơ chữ Hán dịch sang tiếng Anh của Ernest Fenollosa (1853–1908), một người rất thích thơ Đường nhưng chỉ được học thơ Đường qua một giáo sư người Nhật dạy, đọc chữ Hán lối Nhật!
Thứ chữ Hán được Tần Thủy Hoàng bắt bốn phương viết cùng một lối, chủ ý đầu tiên là để cai trị một đế quốc rộng lớn đang thành hình. Trong 400 năm sau, nhà Hán tiếp tục sử dụng công trình đó. Nó trở thành một khí cụ cai trị và đồng hóa các giống dân ở phía Nam Trường Giang. Chữ Hán củng cố nền thống nhất của đế quốc Hán tộc cũng không khác gì chữ La Tinh giữ kỷ cương cho giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã trong gần hai ngàn năm. Khi mọi dòng tu, mọi xứ đạo đều dùng cùng một thứ chữ thì hệ thống thông tin hữu hiệu hơn. Mọi người được học những giáo lý như nhau, từ Tây Ban Nha qua Phi Luật Tân hay Argentina. Thử tưởng tượng nếu giáo hội Vatican không dùng cùng một thứ chữ thì sẽ khó khăn như thế nào? Ngày nay máy rút tiền từ ngân hàng (ATM) ở Vatican vẫn dùng chữ La tinh. Khi dùng máy này, quý vị sẽ thấy hàng chữ “Inserito scidulam quaeso ut faciundam cognoscas rationem;” nghĩa là “Xin đẩy tấm thẻ vào để được sử dụng các thao tác.” Các Giáo hội Chính Thống ở phía Đông quyết định dùng mẫu tự Cyrillic, không dùng chữ La Tinh để tỏ ra độc lập với La Mã. Vì thế mà giới trí thức Nga trong nhiều thế kỷ không được tiếp xúc với những phát kiến của Copernic hay Descartes! Khi máy in ra đời thánh kinh dịch ra tiếng Đức được phổ biến, văn chương viết bằng các ngôn ngữ địa phương, thì ảnh hưởng của La Mã cũng giảm bớt.
Nhưng giáo hội La Mã không phải là một đế quốc thế tục như triều đình nhà Hán, nhà Đường. Ông hoàng đế Trung Hoa tự xưng là “Con Trời” đồng thời ông cũng thu thuế. Chúa Giêsu lại dậy phải phân biệt quyền hạn của hoàng đế (césar) với uy quyền của Thượng Đế. Nhiều lúc có những vị giáo hoàng quyền lực rất mạnh, nhưng các ông vua vẫn giữ quyền chính trị thế tục vượt ra ngoài tầm kiểm soát của hội thánh. Sự tách biệt hai thứ quyền hành tạo ra một thế cân bằng, nhiều người coi đó là một cơ duyên quan trọng giúp cho Châu Âu dễ tiến tới khái niệm về tự do dân chủ hơn các vùng khác trên thế giới. Các hoàng đế Trung Hoa không bị giới hạn như vậy. Việc sử dụng chữ Hán, cùng với việc truyền bá các quy tắc luân lý và chính trị Nho Giáo, là những lợi thế giúp cho đế quốc bành trướng và được tổ chức chặt chẽ hơn.
Các đế quốc ngày xưa đều quan tâm đến việc thống nhất ngôn ngữ, văn tự; như một công cụ để thống nhất việc cai trị. Như Claude Lévi Strauss nhận xét, “Chữ viết dùng để nô lệ hóa.” Các ông vua dùng chữ viết để kiểm soát dân, các hoàng đế dùng đi chinh phục thiên hạ. Công của Tần Thủy Hoàng đối với người Trung Hoa rất lớn, khi chúng ta so sánh với các đế quốc khác, thí dụ, sau cuộc chinh phục của Đại đế Alexander quân Macédoine và Hy Lạp đã đóng ở khắp nơi từ Lybia Phi châu tới miền Đông Ấn Độ, nhưng sau cùng đế quốc tan rã. Lý do vì các sắc dân địa phương không học được chữ Hy Lạp; mà người Hy Lạp cũng không thiết tha dậy họ; để giữ vai trò ưu tú riêng cho mình. Đế quốc Hồi Giáo đã phổ biến chữ Á Rập qua Kinh Koran, nhưng chữ viết đó không đi kèm với một hệ thống hành chánh theo kiểu mẫu của Pháp Gia. Ngay tại các quốc gia văn minh khác, việc thống nhất chữ viết chậm hơn đến hàng ngàn năm. Mãi đến năm 1539 vua Franҫois Ier nước Pháp mới làm huấn dụ ra lệnh tất cả các công văn từ cấp họ đạo trở lên phải “viết bằng chữ Pháp mẹ đẻ mà không được dùng chữ khác” (en language maternel franҫois (sic) et non autrement). Một thế kỷ rưỡi sau, năm 1694, Hàn Lâm Viện Pháp mới ấn hành cuốn Tự Điển Tiếng Pháp đầu tiên. Dù cố gắng như vậy nhưng trước cuộc cách mạng năm 1789, cả nước Pháp chỉ có 13% nói thứ tiếng tiêu chuẩn! Tiếng Pháp nay đã lan ra khắp thế giới, lập thành một khối “Francophonie” trong đó Việt Nam cũng tham dự. Đến khi tu chính hiến pháp năm 1992, người Pháp mới ghi thêm vào Điều 2 một câu cho chắc ăn, “Ngôn ngữ của nước Cộng Hòa là Tiếng Pháp” (La langue de la République est le Franҫais), mặc dù nước họ không đang sợ mất tiếng nói vì bị ngôn ngữ khác đe dọa xâm lăng!
Quyết định thống nhất chữ viết của Tần Thủy Hoàng là biến cố quan trọng nhất giúp nhất thống nước Trung Hoa. Nhờ thứ chữ viết đó, từ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, một hệ thống tổ chức để quản lý xã hội được thiết lập, đem áp dụng khắp đế quốc. Nhà Tần thiết lập chế độ tập trung quyền hành, thay thế một hệ thống chính trị cũ của nhà Chu đã thành hình từ ngàn năm trước, mà Khổng Tử vẫn muốn dùng làm khuôn mẫu cho đời sau. Sau này Mao Trạch Đông chê Khổng Tử là “phản động” chính vì xu hướng “hoài cổ” này. Mao, theo lối nhìn Mác xít, chỉ trích Khổng Tử là không nhận ra rằng, sau hơn 500 năm, xã hội đang biến hình, chế độ phong kiến của nhà Chu phải tiêu tan, chuyển sang chế độ quân chủ chuyên chế.
Chữ viết được Tần Thủy Hoàng quy định trước hết chắc chỉ để thông tin trong quân đội, ban hành mệnh lệnh, ghi sổ ruộng đất, ghi số thóc lúa để thu thuế, lập sổ dân đinh để bắt lính. Sau cùng, được dùng làm dụng cụ “giáo hóa” các giống dân “man di,” thu hút họ vào nền văn minh Hoa Hạ. Chữ viết, và hệ thống cai trị cùng các quy tắc luân lý, cả hai đều do con người tạo ra, được đem dậy cho các sắc tộc khác, rất dễ lôi cuốn. Những giống dân này học theo, bắt chước, thấy có giá trị, dần dần tự xóa mờ những sắc thái riêng, họ biến thành người Hán.
Mũ, áo biểu hiện Lễ nghĩa
Người Trung Hoa đã hãnh diện về nền Văn minh Hoa Hạ thành hình trong hai thiên niên kỷ trước Công Nguyên; trải qua ba đời Hạ (từ khoảng 2205 đến 1766), Thương (1766 – 1122), và Chu (1122 – 255 trước Công Nguyên). Những đám dân lập nghiệp ở châu thổ sông Hoàng, sông Hoài tự coi nơi họ sống là trung tâm của thế giới văn minh (Trung Nguyên = Vùng đồng bằng nằm giữa; Trung Quốc = Nước ở giữa thiên hạ). Chung quanh họ là các sắc tộc gọi là “Man” gồm có giống Di (Rợ) ở phía Nam, giống Địch ở phía Bắc, các người Khương, Nhung ở phía Tây. Khuynh hướng tự nhiên của họ là bành trướng; họ phát triển dọc theo hai con sông này, rồi lan xuống phía Nam, đi tới đâu thiết lập các định chế chính trị mới.
Hệ thống chính trị của nền văn minh Hoa Hạ có hai ưu điểm. Một là tổ chức hành chánh, quân sự, trên có vua với triều đình quan lại; theo những quy tắc đã dùng thử nhiều đời, được một tầng lớp chuyên viên gọi là “sĩ” áp dụng. Hai là một nền nếp trật tự xã hội dựa trên Lễ (các quy tắc về hành vi, đối xử), và Nghĩa (những bổn phận với người chung quanh) có thể thi hành cho bất cứ sắc tộc nào. Khổng Tử nói: “Lễ dùng để phân biệt (các thứ bậc trong xã hội), Nhạc là để hòa đồng.” (Lễ giả vi dị, Nhạc giả vi đồng; Lễ Ký). Đó là những “khí cụ” để cai trị và duy trì trật tự xã hội. Khi chiếm đất của các giống dân khác, người Hán lập hệ thống chính quyền theo mẫu của Trung Nguyên. Người cầm quyền có thể bị lật đổ, quan lại có thể bị đuổi đi, dân Man Di nhiều lần đứng lên tự cai trị lấy, cũng xưng vương, thiết lập triều đình không khác gì người Hán. Nhưng ảnh hưởng Hán hóa lâu dài vẫn duy trì được, vì sau khi đuổi các quan người Hán đi rồi, dân bản xứ vẫn giữ nguyên cách tổ chức xã hội trật tự theo mẫu mà người Hán đã dùng. Ảnh hưởng lâu dài khác là thứ chữ viết đã được “định chuẩn,” có thể dùng để viết tất cả các tiếng nói khác nhau, nhất là những ngôn ngữ đơn âm tiết, mỗi tiếng một vần như tiếng Việt, tiếng Quảng.
Những di sản văn hóa đó là niềm tự hào của dân Hoa Hạ và sức mạnh của họ. Nhóm dân nào cũng có thể tập họp lại dưới quyền một ông vua; nhưng cách ông vua cai trị, cách người dân cư xử với nhau như thế nào, qua đó mới thấy dấu hiệu của trình độ văn minh. Có lẽ đời nay chúng ta cũng đồng ý như vậy. Nhiều quốc gia có những hiến pháp bên ngoài rất dân chủ nhưng bản chất vẫn độc tài. Khổng Tử đã so sánh: “Di Địch chi hữu quân bất như chư Hạ chi vô dã” (子曰:“夷狄 之有君 不如諸夏之無也; Luận Ngữ, Thiên III, câu 5). Nghĩa là các giống dân Di, dân Địch dù có thủ lãnh (quân tức là vua) cũng không bằng các nước Hoa Hạ lúc không có vua. Nhiều khi đất Trung Nguyên rối loạn, phân ly, không có ông vua nào nắm quyền, nhưng họ vẫn theo theo luân lý truyền thống của Hán tộc. Cho nên họ vẫn được Khổng Tử coi là tiến bộ hơn so với các dân Di, Địch. Câu nói trên cho thấy khi phán đoán một xã hội là văn minh cao hay thấp, Khổng Tử đặt tầm quan trọng của các định chế văn hóa, cao hơn việc thiết lập tổ chức chính quyền. Cũng như các nước ngày nay đã tạo được truyền thống dân chủ ngay trong sinh hoạt hàng ngày của dân chúng, thì dù chính quyền có bị tê liệt một thời gian, họ vẫn sống tự do dân chủ. Ngày nay chúng ta không đồng ý với tư tưởng coi “Trung Hoa là nhất;” nhưng trước đây 25 thế kỷ, người dân Hoa Hạ tự nhiên suy nghĩ như Khổng Tử. Vì vậy, họ thấy việc bành trướng lãnh thổ là tự nhiên, để giúp “khai hóa” các sắc dân ở chung quanh.
Những người sống bằng nông nghiệp ở vùng sông Hoàng, sông Hoài không tiến lên phía Bắc hay sang phía Tây Bắc. Đó là những nơi đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt; những sắc dân dũng mãnh chuyên cưỡi ngựa, bắn cung quần tụ trong các thảo nguyên; lâu lâu họ đói lại vào vùng Trung Nguyên cướp thực phẩm. Con đường phát triển tự nhiên của dân Hoa Hạ là tiến xuống phương Nam màu mỡ. Họ tiến qua Tây Nam cướp đất của dân Ba, dân Thục và các bộ lạc giống Thái, Tạng rồi vượt Trường Giang tiêu diệt các ông vua và giới quý tộc các nước Sở, Ngô, Việt, Mân … Người Hán đã học được kỹ thuật bắn cung, cưỡi ngựa, và làm vũ khí bằng sắt của các sắc dân phương Bắc; chiếm ưu thế kỹ thuật trên đường chinh phục. Từ trước thời Tần Thủy Hoàng, “Nhưỡng Di Địch, phạt Man Khương” tức là “Gây rối ở các nước Di, Địch và đánh các nước Man, Khương” đã trở thành một khẩu hiệu bành trướng; khẩu hiệu đó được sử dụng suốt hai ngàn năm sau.
Khi tới miền Nam Trường Giang người Hán phổ biến các kỹ thuật nông nghiệp mà nhiều sắc dân ở đó chưa biết, như sử dụng cầy bằng sắt, dùng trâu để kéo cầy. Người Hán dùng trâu bò kéo cầy ít nhất từ thời Xuân Thu, mà theo sử ghi thì lúc đó dân trong vùng tỉnh An Huy bây giờ vẫn chưa biết. Thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, khi Triệu Đà làm vua nước Nam Việt gồm Quảng Đông, Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam bây giờ, có lúc ông ta bị Cao Hậu nhà Hán “cấm vận kinh tế.” Bà không cho bán những món dụng cụ cày bừa bằng sắt, cấm bán cả trâu cái, ngựa cái, dê cái cho dân Nam Việt. Triệu Đà tức giận, đoạn giao, xưng đế trở lại; tấn công quận Trường Sa, tàn phá mấy huyện để “cho một bài học” rồi rút về.
Sự kiện này ghi trong sử sách chứng tỏ nông cụ bằng sắt và trâu bò dùng trong nông nghiệp là những “kỹ thuật cao cấp” mà người Hán cung cấp cho các vùng phía Nam Trường Giang. Hậu Hán Thư chép chuyện vào đầu thế kỷ thứ nhất các quan lại Nhà Hán dậy dân sống ở tỉnh Hồ Nam bây giờ nghề trồng dâu nuôi tằm và trồng một loại cây gai mới lấy sợi để kết làm dép đi. Trong sử Trung Hoa nhiều khi người ta nói quá đáng để đề cao công “giáo hóa” dân phương Nam về kỹ thuật nông nghiệp. Hậu Hán Thư kể vào đời Hán Quang Vũ trung hưng, các ông Tích Quang ở Giao Chỉ, Nhâm Diên giữ Cửu Chân (Từ Bắc Việt xuống miền Bắc Trung Việt) đã “dậy dân cầy ruộng và cấy lúa.” (Ư thị giáo kỳ canh giá, 光武中興, 錫光為交阯, 任延守九真, 於是 教其耕稼). Có lẽ hai ông này chỉ làm công việc nhập cảng các lưỡi cầy bằng sắt, thay thế các nông cụ bằng đá hay bằng đồng; còn việc cấy lúa chắc dân hai quận đã biết từ cả ngàn năm trước không cần ai dậy cả. Hậu Hán Thư cũng cho biết hai ông “quan tốt” này còn bắt dân Giao Chỉ, Cửu Chân thay đổi trang phục “chế vi quan, lý, 制為冠履;” tức là chế tạo ra mũ đội và làm dép đi vào chân.
Những hình thức bên ngoài như đội mũ, mặc áo, đi dép cũng nằm trong định chế văn hóa được quy định theo Lễ, Nhạc mà người Trung Nguyên nghĩ các sắc dân khác noi theo họ cho văn minh hơn. Xưa nay thay đổi y phục vẫn là một biểu lộ theo nếp sống mới. Đến thế kỷ 21 nhiều người ở Á Châu hay Phi Châu thích mặc Âu phục và chải tóc, tô mầu tóc theo “mốt” chắc cũng vì muốn tỏ ra mình “văn minh!”
Niềm tự kiêu của người Hoa Hạ đối với các sắc dân “ở xa trung tâm” đã lộ rõ trong thời Xuân Thu. Một học trò Khổng Tử là Tử Cống hỏi thầy nghĩ gì về ông Quản Trọng (725 – 645 trước Công Nguyên). Thời đó nước Tề có hai công tử muốn giành nhau ngôi vua. Quản Trọng là thuộc hạ của một người, sau lại theo ông hoàng đối nghịch đã giết chủ mình, rồi suốt đời tận lực giúp ông chủ mới làm nên nghiệp bá. Người như vậy là tốt hay xấu? Khổng Tử không chỉ trích Quản Trọng về hành động thay đổi chủ; lại ca ngợi ông ta có công bảo vệ văn hóa, phong tục của dân Trung Hoa: “Vi Quản Trọng, ngô kỳ bí phát, tả nhậm hĩ.” (微管仲, 吾其被髮左衽矣; Luận Ngữ XIV, 18). Nghĩa là “Nếu không có Quản Trọng thì bây giờ chúng ta đã bỏ tóc xõa (không đội mũ) và mắc áo cài nút bên trái rồi.” Trong sử Trung Hoa, người ta vẫn hay mô tả các giống dân “man di” ở phía Nam với những phong tục khác với người Trung Hoa, thí dụ họ “cài nút áo bên trái,” cắt tóc ngắn, và vẽ mình, vân vân. Ăn mặc khác người Trung Nguyên cũng đủ bị coi là “chưa văn minh” rồi. Tới thế kỷ 11, Tô Đông Pha còn nhắc đến công đồng hóa miền Hoa Nam của Mã Viện, viết rằng: “… nếu không nhờ Tuân Tức Hầu (Mã Viện) chịu khó đánh dẹp thì dân chín quận vẫn mặc áo cài bên trái cho đến bây giờ.” Chắc Thầy Khổng không biết đến tổ tiên của giống dân Việt chúng ta, ở quá xa vùng Sơn Đông quê hương ông, cũng cài nút áo bên trái và vẽ mình. Nhưng qua câu đối thoại này thì thấy Khổng Tử khen Quản Trọng tức là ông không chủ trương “ngu trung,” mỗi người chỉ được theo một ông chủ cho đến chết! Ngược lại, ông ca ngợi Quản Trọng bảo vệ văn hóa Hoa Hạ.
Sử Ký Tư Mã Thiên chép, vào năm 179 TCN, khi Triệu Đà giải thích với sứ giả của Hán Văn Đế tại sao ông ta bỏ vương hiệu mà xưng đế, ông đã phân bì địa vị của mình với thủ lãnh những nước chung quanh. Chung quanh ông nhiều người xưng vương quá, cho nên ông phải xưng đế cho cao hơn: “Ở phía Đông nước Mân Việt chỉ có mấy ngàn dân, cũng xưng là vương; ở phía Tây nước Âu Lạc dân còn sống trần truồng, vua cũng xưng vương!” Sử gia Lê Mạnh Thát căn cứ vào câu này kết luận rằng vào năm 179 nước “Âu Lạc” của Thục Phán vẫn độc lập cho nên Triệu Đà mới phân bì rằng họ vẫn có vua! Cũng năm đó Triệu Đà tấn công rồi chiếm Âu Lạc, nhiều người coi đó là thời điểm dân ta bắt đầu bị lệ thuộc phương Bắc. Ở đây chúng ta chú ý đến hình ảnh “dân còn sống trần truồng chưa biết mặc quần áo” mà Triệu Đà dùng để mô tả tình trạng “chậm tiến” của dân “Tây Âu-Lạc Việt.” Dưới con mắt một người tự coi mình là “văn minh” thì những sắc dân ăn mặc không đúng “mốt,” thí dụ mặc váy mặc yếm mà không mặc quần áo đầy đủ, đều bị coi như còn ăn ở trần truồng cả!
Nhưng nhiều người Hán xuống phương Nam sống cũng dần dần theo phong tục địa phương. Năm 196 TCN trước đó, Lục Giả đã xuống gặp Triệu Đà, ông ta chê trách “Úy Đà bắt chước phong tục bọn rợ phương Nam.” Lý do vì sứ giả nhà Hán nhìn thấy Úy Đà bỏ không đội mũ, không đeo giải như y phục người thượng lưu phương Bắc. Có nơi chép Triệu Đà còn đóng khố, ngồi xổm (ngồi kiểu nước lụt) ngay cả khi gặp sứ giả Thiên Triều. Nhưng mười bảy năm sau, năm 179 Triệu Đà lại tự hào mình “Hán hóa trở lại,” ít nhất là về y phục, và tự hào về hình ảnh “tiến bộ” đó. Cho nên ông mới lên giọng chê vua Tây Âu là vua của đám “dân ở truồng,” một lý do khiến ông phải xưng Đế. Vào cuối thế kỷ 20, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều bỏ kiểu áo Mao mà mặc Âu phục cho giống các chính khách Âu Mỹ. Chắc họ vẫn theo một quan niệm về Lễ mới; phải mặc quần áo cho giống những người cùng cấp bậc với mình ở các xã hội Âu Mỹ, mình cũng tiến bộ. Ở Á Châu hiện nay chỉ còn thấy các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Miến Điện, Phi Luật Tân hoặc Indonesia hay mặc quốc phục, để chứng tỏ trước công chúng họ rất tự tin vào nền nếp cổ truyền của dân tộc.
Hữu giáo vô loại
Khổng Tử chê lối mặc “áo cài nút bên trái” của dân Man Di; ông không muốn người Hán bắt chước họ. Nhưng chúng ta không nên nghĩ ông coi các sắc dân bên ngoài là những chủng tộc thấp kém. Ông không phân biệt chủng tộc mà chỉ dùng thước đo “Lễ, Nghĩa” để phân biệt các nhóm người đã “tiến bộ” hoặc “chưa tiến bộ.” Mà theo ông, những người để tóc thõng không đội mũ, mặc áo cài bên trái “không giống ai” thì chưa tiến bộ. Dùng hình ảnh “tóc xõa, áo cài bên trái” ông chỉ muốn dọa người Hoa Hạ hãy coi chừng, nếu không đề phòng có ngày sẽ bỏ cả Lễ Nghĩa để sống theo lối dân Di, Địch. Nhưng về vấn đề chủng tộc thì chúng ta thấy nhiều điều chứng tỏ Khổng Tử không coi thường các sắc dân khác người Hán.
Khổng Tử chắc không nghĩ người Man Di là những chủng tộc kém dân Trung nguyên. Ông có lúc nói rằng nếu ở Trung Quốc người ta không theo Lễ và Nghĩa thì ông sẵn sàng “vượt biển” đi sống với người xứ khác, để dậy Lễ Nghĩa cho họ. Ý định vượt biển di cư ông đã có lần đem hỏi một học trò dũng mãnh nhất là Tử Lộ: “Đạo bất hành, thừa phu phù ư hải, tòng ngã giả, kỳ Do dư?” (道不行 乘桴浮于海。從我者其由與; Luận Ngữ, V, 6). Nghĩa là: “Nếu đạo lý không thi hành được, ta sẽ cưỡi bè vượt biển, chắc chỉ có anh Do đi theo ta thôi nhỉ!” Học trò là Trọng Do, tức Tử Lộ, nghe vậy vui lắm, như Luận Ngữ kể; chứng tỏ đây là một câu chuyện đứng đắn chứ không chỉ nói đùa chơi.
Trong Luận Ngữ, Tử Hạ nhắc lại lời Khổng Tử: “Người trong bốn biển đều là anh em.” (Tứ hải chi nội giai huynh đệ dã! 四海之內 皆兄弟也; Luận Ngữ, XII, 5). Câu này đã được chính phủ Trung Hoa Dân Quốc yêu cầu ghi vào bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, họ muốn chứng tỏ tư tưởng Khổng giáo có giá trị phổ biến chứ không phải chỉ dành cho một chủng tộc.
Khổng Tử coi Lễ Nghĩa là thước đo trình độ văn minh, nhưng ông tin rằng tất cả loài người đều có thể sống theo Lễ Nghĩa chứ không riêng một giống dân nào. Ông từng nói “Hữu giáo vô loại” (有教無類; Luận Ngữ, XV, 38). Nghĩa là: Trong việc dạy dỗ, không phân biệt các loại. Ai cũng có thể giáo hóa để thành văn minh. Người ta thường hiểu chữ “loại” này nói về các đẳng cấp xã hội, ông thu nhận học trò không phân biệt sang, hèn. Nhưng cũng có thể hiểu rộng hơn, “vô loại” là không phân biệt các dân tộc khác nhau. Ông nhấn mạnh điều đó vì chính ở Trung Nguyên cũng gồm nhiều sắc dân. Có lần ông nói việc đi xa, sống chung với “Chín Giống Rợ.” Có học trò ngạc nhiên, ông đã giải thích rằng người giống nào cũng có thể học Lễ Nghĩa được, mà khi biết Lễ, Nghĩa rồi thì không còn ai là “Rợ” nữa. “Tử dục cư cửu Di. Hoặc viết: Lậu, như chi hà? Tử viết: Quân tử cư chi, hà lậu chi hữu?” (子欲居九夷。或曰:“陋,如之何? 子曰: 君子居之, 何陋之有; Luận Ngữ, IX, 13). Nghĩa là: “Khổng Tử muốn sống với chín bộ lạc Di (Rợ). Có người nói, ‘Họ quê mùa (bỉ lậu) làm sao sống với họ được?’ Khổng Tử trả lời: ‘Người Quân tử đến đó ở thì đâu còn bỉ lậu nữa?’” Ông tin rằng giống dân nào cũng có thể được giáo hóa như nhau, không ai hơn kém ai. Không những thế, ông còn khuyên “người quân tử nên tùy theo vị thế của mình mà cư sử (Quân tử tố kỳ vị nhi hành, 君子素其位而行); do đó, “Ở nơi người Di, Địch, hãy cư sử theo lối người Di, Địch (Tố Di, Địch, hành hồ Di, Địch; 素夷狄, 行乎夷狄 Trung Dung,14).
Phân biệt Di, Hạ
Mạnh Tử ra đời sau khi Thầy Khổng qua đời một thế kỷ, được tiếp xúc nhiều hơn và phải tranh luận với nhiều luồng tư tưởng đương thời. Khi bài bác các học thuyết của Dương Chu và Mặc Địch, Mạnh Tử ca ngợi Chu Công, người giúp vua Vũ lập nên nhà Chu; nói rằng Chu Công đã “thâu phục các sắc dân rợ cũng như đã đuổi các loài mãnh thú cho dân được yên ổn (Châu Công kiêm Di Địch, khu mãnh thú, nhi bá tánh ninh, 周公兼夷狄 驅猛獸而百姓寧). Mạnh Tử nhắc lại lời Kinh Thi viết khen Chu Công: “Đánh dẹp rợ Nhung (phía Tây), rợ Địch (phía Bắc); trừng phạt các nước Kinh (Sở), nước Thư (ở phía Nam), khiến không còn ai dám chống cự” (Nhung Địch thị ưng, Kinh Thư thị trừng; tắc mạc ngã cảm thằng; 戎狄是膺, 荊舒是懲,則莫我敢承, Đằng Văn Công Hạ, đoạn số 9). Ông đã ca tụng công “đánh dẹp” các loài rợ ở bên ngoài Trung Quốc. Nói “dẹp Di Địch” tức là cưỡng ép các bộ tộc khác biến đổi lối sống, cho “văn minh” hơn. Thực ra, chính các ông vua khai sáng nhà Chu gốc tích từ miền Tây Bắc, cũng thuộc những bộ tộc được gọi là Di, Địch. Cho nên những chữ Di, Địch dùng để nói đến trình độ “văn minh thấp,” chứ không phải là những chủng tộc thấp kém.
Khổng Tử chỉ khen Chu Công về công thiết lập các định chế chính trị gương mẫu cho nhà Chu; Mạnh Tử lại ca ngợi cả công đánh dẹp và thâu phục các “giống dân Rợ” của Chu Công. Ta thấy sau hơn một thế kỷ, từ thời ông Khổng đến thời ông Mạnh, tư tưởng giới trí thức Trung Hoa đã thay đổi. Với Mạnh Tử, lòng tự hào về văn minh của người Hán lên cao hơn; và khuynh hướng đề cao chủng tộc hiện ra rõ hơn.
Cho nên Mạnh Tử “quá khích” hơn; ông coi thường “trình độ văn minh” của những sắc dân sống không xa, như dân nước Sở ở ngay vùng Trường Giang, sát phía Nam khu vực gọi là Trung Quốc. Trong sách Mạnh Tử, quyển Đằng Văn Công (phần thượng), chúng ta nghe kể về Hứa Hành, một học giả từ nước Sở ở phía Nam Trường Giang lên bàn việc trị quốc với ông vua nước Đằng. Hứa Hành thu hút được nhiều người theo học. Mạnh Tử đã công kích nặng nề các chủ trương của Hứa Hành. Bất đồng ý kiến sâu sắc nhất giữa hai bên là chủ trương kinh tế của Hứa Hành bị Mạnh Tử phản đối kịch liệt: Ông thầy người nước Sở không quan tâm đến việc phân công trong xã hội.
Mạnh Tử đã biện luận rất hùng hồn tại sao trong xã hội phải có phân công mỗi người một nghề nghiệp, công việc khác nhau. Quy tắc phân công này biện minh tại sao có những người quý tộc làm việc cai quản bên cạnh những người khác chỉ lo sản xuất. Đó là tập tục mà dân Hán ở phương Bắc đã chấp nhận từ lâu; mà chắc vào thời đó người phương Nam chưa Hán hóa còn sống trong nền nếp phóng khoáng, tự do, bình đẳng hơn. Nhưng trong khi bài xích ý kiến của Hứa Hành, Mạnh Từ còn chê bai cả xuất xứ “miền Nam” của triết gia đối lập. Ông gọi người nước Sở là Man Di, gọi Hứa Hành là “Người Man ở phía Nam nói ‘tiếng chim quých,’ không theo đạo lý của các vua đời trước” (Nam Man quých thiệt chi nhân, phi tiên vương chi đạo; 南蠻鴃舌 之人,非先王之道). Ngày nay chúng ta sẽ phản đối việc đem ví tiếng nói của người ta với tiếng chim để chế nhạo. Với quan niệm bây giờ thì ai có thái độ đó không xứng đáng danh hiệu “đại trượng phu!”
Mạnh Tử phân biệt văn hóa cao thấp khi khuyên bảo một người nước Tống là Trần Tương đừng nên học theo Hứa Hành. Ông giải thích: “Ta nghe (con chim) từ bỏ chỗ hang tối lên đậu trên cây cao chứ chưa nghe nói bỏ cây cao mà xuống vào hang tối vậy” (Ngô văn xuất ư u cốc, thiên vu kiều mộc giả; vị văn há kiều mộc nhi nhập ư u cốc giả, 吾聞出於幽谷遷于喬木者, 未聞下 喬木而入於幽谷者, Mạnh Tử III, Đằng Văn Công, thượng, đoạn số 4). Ông nói rõ hơn, “Ta từng nghe nói việc dùng văn hóa Hoa Hạ mà thay đổi người Di chứ chưa nghe nói (người Hoa Hạ) lại biến theo người Di.” (Ngô văn dụng Hạ biến Di giả, vị văn biến ư Di giả dã, 吾聞用夏變夷者,未聞變於夷者也).
Không phải chỉ đến người đời nay mới phản đối thái độ phân biệt của Mạnh Tử. Sử gia Lê Văn Hưu ở nước ta đã bài bác sự phân biệt Man Di với Hoa Hạ trong việc trị nước. Ông nêu lên thí dụ: “Đại Thuấn là người Di từ phương Đông mà là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế; Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại; như thế thì biết người trị nước giỏi không cứ gì từ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay người Di. Chỉ so sánh đức độ mà thôi.” Đời sau, Lý Văn Phức khi sang Phúc Kiến cũng nêu lên những thí dụ tương tự để chống lại hành động của viên quan địa phương khi họ gọi sứ giả nước Đại Nam là “Di sứ.”
Tuy nhiên chúng ta sẽ bất công nếu gán cho các ông Khổng, Mạnh chủ trương đề cao chủng tộc Hán. Họ không đề cập tới chủng tộc mà cố yếu chỉ phân biệt trình độ văn minh. Tiêu chuẩn để họ phân biệt là các quy tắc như Lễ Nghĩa. Thực ra, các ý kiến, tư tưởng của Khổng Mạnh có tính cách nhân bản và phổ quát, chủng tộc nào cũng có thể áp dụng. Cũng như tư tưởng luân lý của nhiều triết gia Hy Lạp (nhiều người vẫn chấp nhận chế độ nô lệ), hoặc các lời dạy của Đức Phật hay Chúa Giêsu đều có thể áp dụng cho cả loài người chứ không riêng một chủng tộc nào. Tính chất nhân bản đó mang sức hấp dẫn đối với các sắc dân khác, kể cả các sắc dân như Mông Cổ, Mãn Châu đã chiếm và cai trị nước Tầu từ một đến ba trăm năm.
Nhưng các triều đình nhà Hán, nhà Đường đã lợi dụng Khổng Tử cũng như Mạnh Tử, để biện minh cho “công trình khai hóa” của họ, khi xâm lăng các nước chung quanh. Trong lịch sử, nhiều đế quốc vẫn dùng chủ nghĩa hay tôn giáo để tuyên truyền; nêu lên một mục đích cao cả như đưa các sắc dân “bán khai” vào “chính đạo;” hay là giúp đám dân “chưa giác ngộ quyền lợi giai cấp” biết đường đi đúng hướng “quy luật tất yếu của lịch sử!”
Người Hán dùng hệ thống giáo dục Nho gia để củng cố những nơi họ chiếm được. Họ thay đổi các phong tục, tập quán, truyền bá chế độ phụ hệ, dạy chữ viết; tựu chung là phổ biến Khổng Giáo. Thực ra cũng không khác gì con đường của người Việt đã làm khi xâm chiếm các nước Chiêm Thành, Chân Lạp sau này. Trong 400 năm nhà Hán cai trị Trung Quốc, họ đã bành trướng lãnh thổ lớn lên gấp ba lần. Và sau đó hơn một ngàn năm thì các người phía Nam Trường Giang không còn phân biệt người Sở, người Ngô, người Mân, người Việt nữa. Họ đều hãnh diện tự coi họ là người Trung Quốc. Quá trình Dụng Hạ biến Di đã thành công.
____________________________________
Trích chương 9, Đứng Vững Ngàn Năm. Tác giả Ngô Nhân Dụng, tức cư sĩ Chân Văn Đỗ Quý Toàn. Người Việt Books và Giấy Vụn xuất bản.
[box type=”shadow” align=”” class=”” width=””]Ảnh: Nguyễn Quang Khải: Chùa Trấn Quốc (鎮國寺) nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ), chùa có lịch sử gần 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời nhà Lý và nhà Trần. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam. [ Wikimedia ][/box]