Người Việt Nam bây giờ còn hay tự chế nhạo mình, gọi đùa mình là dân Giao Chỉ, cái tên gọi đời Hán. Cũng như nhiều người tự đùa cợt gọi nhau là “Mít,” nói tắt tên người Pháp gọi dân thuộc địa “An Nam Mít.” Trong cái tên tự chế nhạo này, có di sản thời Bắc thuộc, tên phủ An Nam, lại thêm cái đuôi Mít của các quan đô hộ Pháp.
Biết tự chế riễu mình như vậy; nhưng nếu bây giờ ai nghe một người Pháp gọi mình là Annamite thì chắc chắn người Việt sẽ nổi giận; có thể sinh ẩu đả. Cũng vậy, sau thời Bắc thuộc mà người Trung Hoa nào gọi một người Việt là “man di” chắc chắn sẽ bị phản đối.
Thực ra hai chữ man di lúc đầu không hàm ý khinh miệt. Vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, Triệu Đà gửi thư cho vua Hán tự xưng mình là “Man Di Đại trưởng lão.” Ông tự gọi tên man di chắc vì lúc đó hai chữ này chỉ là một danh từ khách quan để gọi các sắc tộc ở xa Trung Nguyên. Các chữ như “Negro” (da mầu đen), hay “Eskimo” (người ăn thịt sống) lúc đầu cũng chỉ dùng để gọi tên một sắc dân, lâu ngày mới mang ý nghĩa kỳ thị, bỉ báng. Cuối thế kỷ 18, một vị sứ thần nước ta là Ngô Thì Nhậm sang Trung Quốc, chắc phải nghe những tiếng “man di” nhiều lần với ý miệt thị cho nên ông đã công khai bác bỏ.
Trong chuyến đi từ Nam Ninh tới Tam Giang Khẩu, trong tỉnh Quảng Tây, Ngô Thì Nhậm viết bài thơ “Hoãn Nhĩ Ngâm” (Mỉm cười mà ngâm thơ). Ông chế nhạo những thành kiến sai lầm trong sách sử Tàu. Ông nêu ra những thí dụ: Sách vở Trung Hoa nói đất Lạc Dương như lòng trứng gà chia đôi; Ngô Thì Nhậm phê: “Ngoa.” Họ tin rằng vùng Kinh, Dương (bên sông Trường Giang) tỷ lệ sinh sản là hai trai, ba gái; còn vùng Bách Việt thì cứ ba gái mới sinh một trai; ông phê: “Ẩu!” (Kê noãn bình phân, ngoa-Nữ nam tam nhất, ẩu!) Ngô Thì Nhậm dành lời phê bình nặng nề nhất cho thói phân biệt, coi dân Hoa Hạ văn minh hơn dân Man di. Ông viết: “Di, Hạ, âm dương phân-Thử ngôn thái thiển lậu!” Nghĩa là: Phân biệt Hoa Hạ khác Man Di như Dương khác với Âm; Lời nói đó quá nông cạn!
Chúng ta thông cảm nỗi ám ảnh của nhiều người Việt Nam trong nhiều đời, phải tự vượt khỏi mặc cảm nước mình yếu kém so với nước láng giềng rộng lớn ở phía Bắc. Trong bài thơ trên, Ngô Thì Nhậm muốn xóa bỏ mặc cảm này.
Để thuyết phục người Trung Hoa, và những người Việt sợ Trung Quốc, ông phải viện dẫn Chu Hi, một thẩm quyền đầy uy tín trong Nho Giáo và văn hóa Trung Quốc. Chu Hi từng viết: “Thịnh xưng tây nam phiên-Văn tự đa cao thủ – Tất hữu khai kỳ tiên-Bất độc quốc trung hữu.” (Đáng khen các dân tộc miền Tây Nam-Có nhiều người giỏi văn tự – Tất họ đã khai hóa từ lâu-Đâu phải chỉ Trung Quốc mới có tiến bộ). Dẫn những lời đó rồi, ngay câu sau, Ngô Thì Nhậm bày tỏ tâm sự. Ông viết rằng, khi trở về nước nhà ông sẽ nói với bạn hữu rằng: “Hạnh tai sinh Nam bang!” May mắn thay, chúng ta sinh ở nước Nam!
Sau Ngô Thì Nhậm, một sứ thần Việt Nam sang Trung Quốc bị gọi là “man di” đã nóng mặt, “mắng trả đũa.” Cuốn Mân Thành Tạp Thảo của Lý Văn Phức kể chuyến ông đi Phúc Kiến năm Tân Mão (1831). Mân Thành là thành của người Mân, vùng Phúc Kiến tên là Mân Việt trong thời gian người Trung Hoa gọi nước ta là Lạc Việt.
Lý Văn Phức là nhà ngoại giao lão luyện, từng đi sứ một lần sang Phi Luật Tân (đảo Lucon) và hai lần qua Bengal. Ông đi sứ sang Trung Quốc tổng cộng bốn lần. Chuyến đi năm 1831, khi ông 46 tuổi, có lý do nhân đạo và giao hữu. Một gia đình người Trung Hoa tên là Trần Khải đi biển gặp bão, thuyền trôi giạt vào hải phận nước ta. Vua Minh Mạng cử một phái bộ đưa cả gia đình này về nguyên quán. Lý Văn Phức cầm đầu phái đoàn đi bằng đường biển. Nhân đó ông có dịp “đấu tranh ngoại giao” về một vấn đề nhỏ trong nghi thức thù tiếp nhưng đụng chạm tới thể diện quốc gia.
Xung khắc bắt đầu khi sứ giả mới tới, được đưa kiệu đến ngôi nhà tạm trú. Tới trước cửa, Lý Văn Phức lùi bước, không vào. Chỉ vì trên cửa có tấm giấy ghi: “Việt Nam quốc Di sứ Công quán.” Di là tên gọi các giống dân “mọi rợ.” “Di sứ” là sứ giả của dân man di. Họ vẫn coi nước Việt là “Man Di!” Vviên tổng đốc họ Tôn phải gỡ tấm bảng đó, Lý Văn Phức mới bước vào. Ngày hôm sau, họ phải thay bằng đdanh hiệu khác: “Việt Nam quốc Sứ quan Công quán.” Sứ quan, chứ không phải Di sứ!
Để xác định quan điểm của mình, mấy ngày sau Lý Văn Phức viết một bài “Biện Di Luận,” bàn luận về tên gọi Di. Sau khi mô tả nước Việt Nam sông dài, biển rộng mở ra đến các đảo ở Đại Hải; lại kể ra các phong tục tập quán, và nền giáo dục, thi cử ở nước ta không thua kém gì bên Tàu; ông hỏi: “Như thế mà lại gọi là Di được hay sao?”
Lý Văn Phức lại tìm trong sách sử Trung Hoa, trích dẫn ra: “Vua Thuấn vốn là người Đông Di, Văn Vương vốn là người Tây Di; truyện sử có chép như thế.” Hai ông đế, ông vương được kính trọng nhất nước Tàu, cũng gốc người “sắc tộc thiểu số ngoài biên giới!” Như vậy thì người Trung Hoa không có lý do kỳ thị những giống dân sống ở ngoài nước mình!
Chưa hết, Lý Văn Phức còn phân tích thêm để “nói móc” cho người dân nước Mân cũ phải hổ thẹn. Bài Biện Di Luận viết: “Có phải các ông gọi một sắc tộc là Di vì cách ăn mặc và tiếng nói của họ (khác với mình) hay không? Nếu vậy thì trong xứ Mân Thành này, quý vị ăn mặc không giống, nói tiếng nói không giống dân các tỉnh khác của Trung Quốc; quý vị cũng chỉ là “di” hay không?”
Lý Văn Phức thẳng thắn nêu ra một điều đáng cho người địa phương hổ thẹn. Hai ngàn năm trước thì Mân Việt, cũng như Lạc Việt không hề thuộc vào nước Tàu. Triệu Đà là ông tướng Tầu đầu tiên đánh chiếm Mân Việt. Bây giờ xứ Mân đã biến thành một tỉnh của Trung Quốc, người dân bị đồng hóa thành người Trung Quốc! Lý Văn Phức muốn ngầm hãnh diện nói: “Chúng tôi, người Việt Nam thì vẫn là một nước độc lập!”
Bài Biện Di Luận được Lý Văn Phức đem treo trước công quán. Dân Phúc Kiến, thầy giáo, học trò kéo nhau đến đọc, thấy văn chương hay quá nhiều người sao chép đem về. Trong hồi ký ông kể lại, có một viên quan huấn đạo (lo về giáo dục) tên là Lý Chấn Nhân đọc bài đó xong đã tự giật mũ, ném cái mũ xuống đất, nói: “Chúng ta là Di mà lại còn gọi người khác là Di làm gì!”
Chi tiết “giật mũ ném xuống đất” khéo chứa một hậu ý. Vì một trong những thứ mà người Trung Hoa đời thượng cổ tự hào họ hơn các giống Di, Địch, là họ biết đội mũ, trong khi dân man di còn búi tóc hoặc để đầu trần! Hậu HánThư đã kể công hai ông thái thú Tích Quang và Nhâm Diên dậy dỗ dân Giao Chỉ, Cửu Chân thay đổi trang phục, với việc “chế vi quan, lý, 制為冠履”-tức là chế ra mũ đội và làm dép đi vào chân. Người Phúc Kiến vào đời thượng cổ cũng quấn khăn chứ không đội mũ. Lý Văn Phức nêu ra chi tiết Lý Chấn Nhân “giật mũ ném xuống đất” trong bài văn là cố tình nhắc đến một phong tục cổ mà người Mân đã mất sau khi bắt chước người Hán đội mũ! Đọc bài Biện Di Luận, những người có học ở xứ Mân phải xấu hổ, giựt mũ ném xuống đất là đúng rồi!
Tuy vậy, chúng ta cũng không nên phân biệt, kỳ thị và coi thường người Phúc Kiến. Tổ tiên các vua nhà Trần gốc từ Phúc Kiến di cư sang Đại Việt! Hứa Tông Đạo người Phúc Kiến sang nước ta năm 1276; năm 1321 ông đã viết một “bài minh” khắc trên quả chuông ở Thông Thánh Quán (Bạch Hạc, Vĩnh Tường) ca ngợi Trần Nhật Duật. Trong bài, ông còn dùng chữ “giặc Bắc sang xâm lược” để chỉ quân nhà Nguyên mới thua trận ở nước ta. Những di dân gốc Phúc Kiến đi làm ăn khắp Đông Nam Á nhiều người rất giỏi và thành công. Một thi sĩ Việt Nam nổi tiếng đầu thế kỷ 20, Đông Hồ Lâm Tấn Phác gốc người Phúc Kiến; nhưng không người Việt nào phân biệt gốc tích gia đình ông. Cũng như không ai bàn chuyện nhà văn Vương Hồng Sển gốc Phúc Kiến hoặc thi sĩ Hồ Dzếnh gốc Quảng.
Nhưng câu chuyện Lý Văn Phức kể trên cho thấy người Việt Nam thường hãnh diện về nước mình; vì mình không mất gốc, không biến thành dân nước Trung Hoa.
Ngược lại, nhiều người ở miền Hoa Nam có thể thấy “thương hại” vì người Việt không được như họ! Tách ra độc lập từ thế kỷ thứ 10 nên bây giờ dân Việt không được làm công dân của một cường quốc với sản lượng kinh tế cao nhất thế giới; và đang phóng những hỏa tiễn Hằng Nga, vệ tinh Ngọc Thố lên cung trăng! Có cơ hội “nhập tịch” làm dân đại quốc mà lại bỏ mất, uổng quá!
Chúng ta khó so sánh để nói giữa người Lạc Việt với người Quảng hay người Mân ai may mắn hơn ai. Số phận các dân tộc do nhiều biến cố lịch sử, cùng với địa thế, núi sông quyết định; không phải tất cả đều do con người. Các sắc dân gọi là Bách Việt ở Triết Giang, Hồ Nam, Phúc Kiến, Vân Nam, Quảng Đông bây giờ có thể đang tự hào họ là thành phần của Trung Quốc. Họ cũng đóng góp, đã tạo ảnh hưởng trênnền tảng văn hóa của người Hán, chứ không chỉ thụ động tiếp nhận. Trong lịch sử gần đây nhiều người lên cầm đầu cả nước Tầu mà gốc từ Quảng Đông (Tôn Văn), Hồ Nam (Mao Trạch Đông), Tứ Xuyên (Đặng Tiểu Bình). Những nơi đó trước đây hai ngàn năm chưa phải là Trung Quốc. Như vậy cũng đáng cho những sắc dân ở các vùng này hãnh diện, vì họ đã tranh đấu để được coi ngang hàng với dân gốc Hán.
Tổ tiên đã lựa chọn
Nếu một người Việt và một người Trung Hoa cãi nhau về vấn đề này thì chắc không thể nào đồng ý được. Nhưng giữa người Việt với nhau, có lẽ chúng ta có thể bỏ qua tự ái dân tộc, thử suy nghĩ với tinh thần bình tĩnh, khách quan về câu hỏi: “Làm dân một nước lớn, hay một nước nhỏ, có hơn kém nhau không?” Nói rõ hơn: Người Việt Nam có tiếc nước mình đã mất cơ hội không được gia nhập, trở thành một phần của Trung Quốc hay không?
Nghe câu hỏi này chắc đồng bào Việt nghe sẽ nổi giận trả lời ngay: Không bao giờ! Nhưng muốn suy nghĩ cho rốt ráo, vẫn nên đặt mình đứng bên ngoài, thử phân tích khách quan, thẳng thắn. Người Trung Quốc có thể nghĩ tiếc cho tổ tiên người Việt ngày xưa dại dột, không tình nguyện làm dân Trung Quốc cho con cháu được nhờ? Tổ tiên chấp nhận thì bây giờ con cháu không ai phải đi biểu tình đòi quần đảo Hoàng Sa, thác Bản Giốc; mà cũng không phải lo sẽ mất hết Trường Sa!
Chúng ta nên theo tiêu chuẩn khách quan khi xét lại quyết định của tổ tiên, khi các cụ chọn tự xây dựng một quốc gia nhỏ của riêng dân tộc mình. Thước đo thực tế để thẩm lượng lựa chọn này là: Quyết định lập quốc sẽ tăng thêm hạnh phúc hay chuốc lấy tai họa cho con cháu đời sau? Bởi vì, làm dân một nước lớn hay nhỏ không quan trọng. Tiêu chuẩn chính để thẩm định là làm người dân nước nhỏ hay nước lớn thì dễ sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Khi đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng ta càng biết ơn tổ tiên nhiều hơn. Các cụ đã lựa chọn đúng!
Việt Nam vẫn là một quốc gia trong vùng Đông Nam Á chứ không chìm trong biển người Trung Hoa, vì tổ tiên mình, khi giành được quyền tự chủ rồi, không ai nuôi tham vọng mở rộng quyền lực lên phía Bắc! Thử nhìn vào những triều đại như nhà Nam Hán ở Quảng Đông, các nước Nam Chiếu, Đại Lý ở Vân Nam, chúng ta thấy số phận người dân mỗi vùng thay đổi do quyết định của người lãnh đạo. Có thể nói, các vị anh hùng lập quốc của chúng ta không vì tham vọng quyền hành mà bỏ mất gốc rễ! Có thể vì họ thương người, sợ chiến tranh kéo dài chỉ chết lính, làm khổ dân. Nguyễn Trãi gọi đó là chủ trương “toàn quân.” Khi so sánh, mới thấy tổ tiên mình không nuôi tham vọng “làm vua nước lớn” là điều may cho con cháu.
Đạo quân Nam Chiếu đã đi chinh phục các “chiếu” khác vì được vua quan nhà Đường khuyến khích. Lập quốc rồi, các ông vua Nam Chiếu vẫn chưa thấy đủ, họ đi chiếm thêm đất đai, tiến sang đến cả Miến Điện, tàn phá, giết chóc, xóa tan một vương quốc Pyu, và tiến qua tận nước Lào. Quân sĩ “hồ hởi” chạy theo các vị chủ tướng đi cướp nước. Người trên thì cướp ngôi vua, bên dưới thì cướp của. Họ hợp tác với nhau vì lòng tham, không ràng buộc bằng máu mủ ruột thịt, hay một “tinh thần dân tộc” nào cả. Khi ngôi vua Nam Chiếu bị diệt thì quân lính cũng tan rã. Không có một ý thức dân tộc làm điểm quy tụ thu hút lòng trung thành của họ, nước Nam Chiếu tan biến. Những người lên thay lập ra nước Đại Lý, rồi cũng không khác.
Quân Nam Hán sang đánh nước ta vào thế kỷ thứ 10 vì ông vua, cũng như các triều đại Tề, Lương trước đó, nuôi tham vọng làm chủ một lãnh thổ lớn; muốn chiếm tất cả Trung Quốc hay ít nhất một nửa. Họ không thỏa mãn nếu chỉ làm vua một nước nhỏ, một vùng trong nước Nam Việt cũ. Ngày nay những nước Nam Hán, Nam Chiếu, Đại Lý đã biến mất.
Các nhà lãnh đạo nước ta thì khác. Họ chỉ quan tâm đến nước mình, không nuôi tham vọng cả lục địa Trung Hoa. Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh đã chọn nước Việt Nam đủ rồi. Lý Thường Kiệt kéo quân sang đánh châu Ung, châu Liêm, tàn sát dân bản xứ một cách tàn nhẫn không kém đoàn quân Nam Chiếu khi chiếm thành Đại La. Nhưng sau đó quân ta rút về ngay, vì các vua nhà Lý không ham mở rộng đất đai lên phía Bắc. Trong một quốc gia nho nhỏ, vừa đủ để cai trị “theo lối gia đình,” ông vua đỡ mệt mà dân cũng đỡ khổ cực vì chiến tranh. Nhờ thế, nước Đại Cồ Việt vẫn còn, là nước Việt Nam ngày nay khác số phận Quảng Đông, Vân Nam.
Một điều chúng ta biết chắc, là chính các sắc dân các vùng từ Phúc Kiến, Quảng Đông cho tới Vân Nam, Tứ Xuyên, họ không tự ý lựa chọn xin gia nhập nước Trung Hoa! Đất đai của họ bị chiếm đóng và khai thác; dân chúng bị đồng hóa, bị nuốt vào trong bụng Trung Quốc; không khác gì người Mãn Châu và nhiều người Mông Cổ sau này. Nếu trước đây mười thế kỷ được tự do lựa chọn, được trưng cầu ý kiến, thì không biết họ sẽ bỏ phiếu theo giải pháp nào? Họ sẽ chọn làm dân một tỉnh của Trung Quốc hay muốn độc lập?
Lịch sử không phải là một cuộc thí nghiệm, có thể xóa đi bầy lại xem nó sẽ ra sao. Nhưng chúng ta đã chứng kiến lịch sử gần đây nhiều nhóm người Trung Hoa rời khỏi lục địa, sống ở những lãnh thổ nhỏ và riêng biệt. Họ vẫn giữ ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa. Nhưng không ai muốn trở lại làm dân Trung Quốc. Như trường hợp dân Singapore và Đài Loan. Không ai muốn “nước họ” nhập vào nước Tầu. Một phần vì họ không thể chấp nhận sống dưới chế độ độc tài toàn trị. Mặt khác, có thể vì họ thấy làm dân một nước nhỏ mà vẫn ấm no hạnh phúc thì sướng hơn, không cần làm dân một đại cường quốc cho mệt.
Giáo sư Benedict Anderson kể chuyện có lần ông dậy một lớp về phong trào dân tộc (nationalism) ở Đại học Yale, ông yêu cầu các sinh viên cho biết họ thuộc dân tộc nào. Một sinh viên từ Singapore đến đã phản đối khi bị ông thầy gọi là người Tàu. Anh ta giận dữ nói: “Tôi là người Singapore… Tôi không phải người Tàu!”
Trong khi đó, có lẽ nhiều người Trung Hoa trong lục địa lại ước ao được di cư sống ở những nước nhỏ như Đài Loan và Singapore! Nếu được tự do lựa chọn, biết đâu bây giờ người dân các tỉnh Quảng Đông cũng muốn tái lập một quốc gia nhỏ gọi là nước Nam Việt, như cái tên gọi thời ông Triệu Đà?
Quy tắc lựa chọn thuần lý
Trên đây chỉ là những thí dụ đơn lẻ. Muốn bàn cho rốt ráo, thử đặt lại một câu hỏi tổng quát cho mọi dân tộc: “Nếu được tự do lựa chọn, quý vị thấy nên chọn làm dân một nước to lớn như Trung Quốc, hay làm dân một nước nho nhỏ?”
Giả thiết vào các thế kỷ thứ 9, thứ 10, người Việt bàn nhau về vấn đề này, nếu suy nghĩ hoàn toàn dựa trên lý trí, phân tích lợi hại không thôi, tổ tiên chúng ta sẽ lựa chọn thế nào?
Để cho việc quyết định chọn “nước lớn, nước nhỏ” có tính chất khách quan, công bằng, phải giả thiết rằng trong hai quốc gia tưởng tượng này chỉ có diện tích đất đai và dân số lớn nhỏ khác nhau thôi. Còn các điều kiện khác, như lợi tức đầu người, chế độ chính trị, tài nguyên, địa thế, vân vân, tất cả đều tương tự như nhau hết (quy tắc ceteris paribus khi nghiên cứu khoa học).
Với một câu hỏi (hoàn toàn lý thuyết) như vậy, chúng ta có thể phân tích lựa chọn này giống như một quyết định thuần lý theo lối kinh tế học. Thí dụ, khi đầu tư người ta phải cân nhắc các rủi ro, so sánh rủi co với lợi nhuận, xem có đáng đầu tư hay không. Nếu hy vọng lợi nhuận cao thì mới đáng mạo hiểm gánh chịu rủi ro cao. Nhà đầu tư biết tương lai có nhiều điều “bất định,” ngoài tầm kiểm soát của mình. Họ phải đoán trước những điều bất định nào có thể xẩy ra, mỗi trường hợp sẽ đem lại lời hoặc lỗ bao nhiêu, ước tính xác suất của mỗi trường hợp đó lớn hay nhỏ. Từ những tính toán rủi ro và lời lỗ, người ta chọn một dự án đầu tư có vọng lượng (expected value) tương đối cao nhất.
Hãy thử quyết định chọn làm dân nước nhỏ hay nước lớn theo phương pháp thuần lý, giả thiết rằng ai cũng muốn tránh rủi ro, sợ bất trắc, như các nhà đầu tư khi lựa chọn giữa hai dự án lâu dài.
Đối với các dự án đầu tư lâu dài, yếu tố an toàn thường được đề cao, khác với các vụ làm ăn “chụp giựt.” Dựa trên tiêu chuẩn đó, người ta sẽ tính toán, nếu kỳ vọng về lợi suất ngang nhau, xem con đường nào nhiều rủi ro nhất thì tránh, chọn dự án nào an toàn hơn. Đối với một quốc gia vào mười thế kỷ trước đây, công nghiệp và thương mại chưa phát triển, vọng lượng lời lỗ chỉ tùy thuộc vào một thứ là tài nguyên, đất đai. Mà tài nguyên thì không thay đổi, dù làm dân một tỉnh của nước lớn hay làm dân một nước nhỏ độc lập. Cho nên có thể thu vấn đề vào một câu hỏi cụ thể về rủi ro: Làm dân nước nhỏ hay nước lớn, lựa chọn nào nhiều rủi ro nguy hiểm hơn?
Với giả thiết ceteris paribus như trên, trước lựa chọn sống trong một nước lớn hay nước nhỏ, chúng ta thấy chỉ một điều khó tiên đoán và đáng lưu ý nhất, là chính quyền trong tương lai sẽ tốt hay xấu hơn.
Đời xưa chưa có thể chế dân chủ, dù sống trong một nước lớn hay nhỏ, có khi dân may được minh quân cai trị, và có khi xui xẻo thì gặp phải tay bạo chúa tham tàn. Chế độ quân chủ độc tài luôn luôn là một cuộc sổ số, hên xui tùy thuộc cá nhân người lãnh đạo. Một nước, dù nhỏ hay lớn, cũng có thể sẽ gặp các ông vua hiền hay ông vua dữ. Nếu gặp minh quân thì dân cùng sung sướng, cùng dễ thở, dù nước lớn hay nhỏ.
Tóm lại, nếu gặp may thì hai lựa chọn nước lớn, nước nhỏ có giá trị bằng nhau, không bên nào hơn hay kém.
Ngược lại nếu bị xui gặp những chính quyền hà khắc, tàn bạo, thì dân một nước lớn sẽ khổ cực hơn, khổ gấp nhiều lần so với dân nước nhỏ.
Những bạo chúa nho nhỏ không có khả năng gây tai họa lớn. Nhưng trong một nước rộng và đông người, mỗi chính sách sai lầm thường gây tai họa lớn hơn. Phải chờ cho tai họa tích tụ quá mức, lúc đó đám dân cùng khổ mới nổi lên đòi thay đổi người cầm quyền. Trong thời gian chờ đợi, dân đen cứ tiếp tục gánh tai họa. Nghĩa là khi một dân tộc không may mắn, thì nếu chỉ làm dân một nước nhỏ họ sẽ đỡ khổ hơn làm dân nước lớn.
Nếu may mắn thì hai lựa chọn có giá trị bằng nhau; nếu rủi ro thì làm dân nước lớn dễ bị khổ hơn dân nước nhỏ. Theo phương pháp quyết định thuần lý trong cuộc đời có may có rủi, chúng ta thấy tốt nhất là nên chọn làm dân một nước nho nhỏ, một nước vừa phải thôi, đừng lớn quá!
Lối phân tích trên đây, trong môn học về “Quyết định trong Hoàn cảnh Bất trắc” (Decision Making under Uncertainty), người ta gọi là “Stochastic Dominance,” nghĩa là Ưu thế trong Hoàn cảnh Bất trắc. Theo phương pháp này, người ta giả thiết một người phải lựa chọn giữa hai đường, gọi là A hoặc B chẳng hạn. Với tương lai bất trắc, mỗi lựa chọn sẽ đưa tới hậu quả khác nhau.
Thí dụ tính bất trắc giản dị nhất là gặp may hoặc rủi, giống như trời sẽ mưa hoặc sẽ nắng. Một thí dụ: Nếu trời mưa chẳng hạn, mà hai lựa chọn A và B có giá trị như nhau; còn nếu trời nắng thì lựa chọn A có ưu thế hơn B. Quyết định khá dễ hiểu, ai cũng biết nên chọn A. Dù không biết xác suất mưa hay nắng là bao nhiêu; lúc nào A cũng hơn B. Bởi vì khi mưa thì A và B bằng nhau, còn khi nắng thì A hơn B.
Trên bàn cân Phúc, Họa
Như chúng ta thấy trong thực tế, làm dân một nước lớn mà gặp chính quyền ngu dốt, thối nát, hoặc tàn bạo, thì tai họa lớn hơn dân các nước nhỏ. Nếu nước Ukraine không bị ép gia nhập Liên Bang Xô Viết thì chắc dân tộc này không bị chết đói tới bốn triệu người hồi 1934 khi ông Stalin thí nghiệm tập thể hóa nông nghiệp. Đối với một quốc gia rộng lớn như Liên Xô, bốn triệu người chết không làm cho vị bạo chúa động lòng. Vì ông ta phải quan tâm đến “hạnh phúc” của hàng trăm triệu người. Ông lại muốn giải phóng cả nhân loại, thí nghiệm một cuộc cải cách ruộng đất, cho cho mọi dân tộc khác học tập. Bài học này sau đã áp dụng cả cho người Việt Nam. Năm 1990 bao nhiêu nước nhỏ trong Liên bang Xô viết lục tục kéo nhau rút ra hết, dù có nước chỉ vài ba triệu dân. Cũng vì họ đã rút kinh nghiệm, làm dân một nước nho nhỏ cho an toàn!
Người Việt Nam đứng riêng, không làm dân nước lớn Trung Quốc, cũng tránh được khá nhiều mối họa như dân Ukraine phải chịu. Trung Quốc thường trải qua nhiều cuộc phân ly, tao loạn kéo dài. Như những cuộc nội chiến hàng trăm năm vào thế kỷ thứ 9, thứ 10, sau đời Đường và trước đời Tống; hoặc vào thế kỷ 16, 17 giữa nhà Minh và nhà Thanh. Trước khi một triều đại mới thống nhất thiên hạ thì hàng chục triệu người dân chết đói, chết rét, bị cướp bóc, bị phe này giết hay phe kia giết, hoặc cả hai, mạng người không bằng cỏ rác. Một cuộc nổi loạn Thái Bình Thiên Quốc vào thế kỷ 19 cũng làm chết trên ba chục triệu người; nếu Việt Nam đã trở thành một tỉnh của Trung Quốc thì thế nào cũng phải đóng góp một số nhân mạng! Sang thế kỷ 20, một chính sách kinh tế sai lầm của Mao Trạch Đông gọi là “Bước Nhẩy Vọt” chỉ trong mấy năm đã khiến ba chục triệu người chết đói. Rồi Cách Mạng Văn Hóa lại đầy đọa hàng chục triệu người nữa. Nếu Việt Nam cũng là một tỉnh, như Vân Nam, Quảng Đông, thế nào mà chẳng phải đóng góp một số mạng người trong đám nạn nhân đó?
Tại những nước nho nhỏ, nếu có các bạo chúa thì họ cũng không đủ sức gây ra những tai họa lớn. Vì họ thiếu phương tiện và không có cơ hội giết nhiều người như vậy. Có một thời gian người Việt cũng dại dột bắt chước phương pháp giết người của ông Mao Trạch Đông, bắt con tố cha, xúi vợ chửi chồng, nhưng chạy theo được nửa đường thì cũng phải ngừng. Vì dù có mù quáng và sắt đá đến mấy, người ta cũng phải cảm thấy đó không phải là cách người Việt vẫn quen sống với nhau.
Nước Việt Nam khó sinh ra một ông Napoléon hay Hitler; những người có chí lớn và muốn dân chúng nước mình cùng chia sẻ cao vọng của họ làm chủ một lãnh thổ lớn hơn, đông dân hơn. Có người Việt cứ còn tiếc sao vua Quang Trung không sống thêm vài chục năm để tấn công đòi lại đất Quảng Đông, lập một nước lớn như nước Nam Việt của nhà Triệu. Nghĩ vậy là không hiểu ý tổ tiên mình. Từ mười thế kỷ trước, các cụ tổ đã quyết định chọn mình làm dân một nước nhỏ.
Châu Âu may mắn hơn Trung Quốc
Trung Quốc cũng nhiều lần phân liệt, chia ra nhiều nước nhỏ. Họ thường hay tách thành hai miền Nam Bắc trên và dưới dòng Trường Giang, cách phân chia tự nhiên, hợp với địa dư nhất. Mỗi miền lại lập ra một hay nhiều nước khác; mỗi nước nhiều ông vua thay phiên nhau cai trị, mà biên giới luôn thay đổi. Ví thử các nước nho nhỏ đó cứ thế giữ được nền độc lập, nước Trung Hoa bây giờ sẽ là một lục địa với nhiều nước nhỏ, giống như các nước ở Âu Châu. Thử hỏi, nếu lịch sử diễn ra như thế thì người dân có sung sướng hơn hay không? Hay là được làm dân “Trung Quốc vĩ đại” thì họ được lợi hơn?
Có thể nghĩ rằng được làm dân nước lớn cũng không sướng gì hơn dân nước nhỏ. Trong lục địa Âu Châu nhiều nhóm dân nhỏ bé đã liên tục tranh đấu để giữ nền độc lập từ ngàn năm nay. Và, cho tới bây giờ họ vẫn tồn tại như các quốc gia có chủ quyền. Các nước Hòa Lan, Thụy Sĩ, Ba Lan, Cộng Hòa Tiệp, Slovakia; các nước vùng Baltic hoặc Thụy Na Đan ở Bắc Âu; mỗi nước này có thể nhỏ hơn một quận, huyện của Trung Quốc. Người Phần Lan, người Lithuania nhất định không chịu làm dân Nga, dù nước Nga rất lớn. Các nước Ukraine, Georgia sau khi tách ra khỏi Liên Xô rồi, rất khó thuyết phục họ gia nhập vào một liên bang do người Nga đứng đầu!
Người dân các nước nhỏ đó vẫn tiến bộ. Chẳng cần làm công dân của một đại cường quốc nào cả mà họ vẫn ấm no, hạnh phúc. Nước Slovenia sau khi tách khỏi Nam Tư, cả nước chỉ có vài triệu dân, cũng thực hiện chế độ dân chủ, giúp cho kinh tế phát triển nhất trong vùng. Có lần tôi gặp một nhóm học sinh tiểu học người Slovene trong một quán trọ thanh niên ở Wien, nước Áo. Vài chục em bé vui vẻ đùa rỡn trong phòng ăn của quán trọ. Mấy thầy giáo, cô giáo dẫn các em đi “du lịch và học hỏi” tíu tít chăm sóc học trò. Họ phải ngăn không cho các em tranh giành chỗ ngồi, không được đuổi nhau chạy quanh bàn. Đúng là cảnh “trông con mọn.” Hỏi thăm, nói đến thời nước họ còn nằm trong Nam Tư, các thầy cô cười ồ, nhún vai. Trông các em bé ngây thơ dưới 10 tuổi nô đùa, chọc nhau, cãi nhau chí chóe, lại bùi ngùi nghĩ đến các cháu bé nước mình. Sao một quốc gia chỉ có 2 triệu dân mà trẻ em tiểu học cũng được cho đi du lịch tập thể ra nước ngoài như vậy nhỉ? Ở một nước nhỏ khác, cũng tách ra từ liên bang Nam Tư cũ, dân Croatia cũng sung sướng với tài nguyên nhỏ bé của nước họ. Tôi đã gặp một người Việt Nam theo chồng về sống ở Croatia, chị kinh doanh thành công, gặp đồng bào thì vui vẻ mời về nhà, nhưng chị rất bận rộn vì có mấy cơ sở làm ăn, đặt ở mấy hòn đảo khác nhau (mà những hòn đảo ở Croatia thì đẹp lắm).
Âu Châu có diện tích gần bằng Trung Quốc. Lịch sử Âu Châu cũng có thời bị các đế quốc rất lớn thống trị, từ thời các hoàng đế La Mã, thời Charlemagne, cho tới những ông Napoleon, Hitler; ông nào cũng muốn “nhất thống thiên hạ.” Nhưng cuối cùng, không đế quốc nào thành công trong việc thâu tóm Âu Châu làm một như các ông Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ đã đặt nền tảng cho Trung Quốc.
Như vậy có thể nói rằng người dân Âu Châu thiếu may mắn, và thua kém người Trung Hoa hay không? Nhìn vào đời sống của người dân Âu Châu bây giờ thì chúng ta thấy họ đang tiến bộ, hạnh phúc hơn người Trung Quốc rất nhiều. Họ đã phát triển kinh tế và dân chủ hóa sớm hơn Trung Quốc vài thế kỷ. Mà đây không phải là chuyện tình cờ.
Nguyên nhân chính của tình trạng khác biệt là Trung Quốc đã thống nhất từ hai ngàn năm nay; còn bên Âu Châu vẫn chia ra nhiều dân tộc, nhiều văn hóa, tập họp trong nhiều quốc gia độc lập. Trong hoàn cảnh đó chính quyền các nước phải ganh đua với nhau. Cạnh tranh tạo cơ hội tiến bộ. Âu Châu mới thí nghiệm “thống nhất” một cách lỏng lẻo từ cuối thế kỷ 20; với hiệp ước Maastricht năm 1993, tuy vậy vẫn còn nhiều nước không muốn tham dự; năm 2017 người Anh đã bỏ phiếu rút ra. Việc tham dự vào Liên hiệp Âu Châu (EU) hay việc sử dụng đồng euro hoàn toàn do dân chúng mỗi nước tự quyết định bằng lá phiếu, cho nên nó chậm chạp. Nhưng cứ chậm như vậy lại an toàn hơn.
Trong lịch sử loài người, khi nào quyền chính trị được tập trung quá thì sẽ cản trở những tiến bộ văn minh. Khi nào quyền hành được phân tản, con người được tự do hơn thì dễ tiến bộ hơn. Tại Âu Châu không triều đại nào đứng trùm cả “thiên hạ” hàng ngàn năm như bên Tầu. Nhiều lúc ở một, vài quốc gia châu Âu có một bạo chúa nắm quyền, nhưng bên láng giềng vẫn còn các dân tộc khác sống tự do với chủ quyền độc lập.
Các nước độc lập đó trở thành nơi trú ẩn cho các người “bất đồng chính kiến” từ các nước đang bị cai trị hà khắc. Nhiều triết gia, văn sĩ, nhiều nhà khoa học ở các nước độc tài chạy sang nước khác lánh nạn, có khi lại còn được vua chúa nước khác mời đón nồng hậu, nhờ thế họ có cơ hội tiếp tục làm việc và sáng tạo. Một vài nước nhỏ có nếp sống bao dung được nhân tài các nơi về quy tụ. Những người Do Thái bị bức hại ở Tây Ban Nha đã chạy lên Hòa Lan, rồi sinh ra Spinoza. Những nhà khoa học, triết gia Pháp được đón tiếp ở Thụy Điển, Đức, Thụy Sĩ hay Nga. Họ giúp cho khoa học, kỹ thuật, thương mại và văn hóa các nơi đó phát triển; sau cùng dân Âu Châu đều được hưởng. Bị vua Pháp cấm đạo thì cả một nhóm người bỏ sang Anh sống để giữ tôn giáo của mình. Một ông vua ngăn sông cấm chợ thì các thương gia kéo nhau đi nước khác, làm giầu cho quê hương mới! Máy in được dùng đầu tiên ở nước Đức, năm 1439 nhưng trong nửa thế kỷ sau nghề in phát triển mạnh nhất ở Venezia (Venice), thương cảng sầm uất ở nước Ý. Lúc đầu máy in chỉ được các học giả dùng, đa số là tu sĩ. Nhưng Venezia là thành phố của các thương gia, với chế độ chính trị cởi mở, chấp nhận mọi xu hướng tư tưởng, cho nên giới trí thức kéo về đó, các tay thợ in giỏi di cư tới. Và các nhà buôn thấy in sách là một nguồn lợi tức lớn. Năm 1488 có 200 nhà in, năm 1494 có 268. Venezia trở thành “Thung lũng Silicon” cuối thế kỷ 15, sản xuất một phần tư số sách in của khắp châu Âu.
Trong khi đó, ở Trung Quốc thì chỉ cần một ông vua ra lệnh cấm đoán là hàng trăm triệu con người trong cả một lục địa phải tuân theo. Đời nhà Minh, nghề hàng hải của người Trung Hoa đứng hàng đầu thế giới, chính người Á Rập đã học nghề của họ cho nên sau này kiểm soát được đường hàng hải từ châu Âu qua Ấn Độ dương. Nhưng sau đó nghề đi biển của người Trung Quốc tàn lụi; đến thế kỷ 21 mới cố phục hồi vì một ông hoàng đế ra lệnh cấm đi biển, cấm đóng thuyền.
So sánh hai câu chuyện của Christopher Columbus và của Trịnh Hòa ta sẽ thấy chế độ chính trị độc tài trên một quốc gia rộng lớn gây tai hại như thế nào.
Columbus tin rằng trái đất tròn, nên “lập dự án” theo đường biển về phía Tây để tìm cách khác sang Ấn Độ. Ông hy vọng con đường biển mới sẽ ngắn hơn đường đi về phía Đông, lúc đó phải vòng xuống qua mũi Hảo Vọng ở phía Nam châu Phi, tốn quá nhiều thời giờ. Ông trình bầy dự án đó với vua Bồ Đào Nha từ năm 1485, mấy lần không được ủng hộ, vì các quan cận thần ghen ghét dèm pha. Ông lại đem “bán” dự án này cho chính quyền các thành phố thương mại Genoa, Venezia, vân vân, cũng bị bác bỏ, vì họ thấy nhiều rủi ro bất trắc quá so với kỳ vọng về lợi nhuận. Đến năm 1492 ông mới tìm được nhà bảo trợ là vua Ferdinand và Hoàng Hậu Isabella ở nước Tây Ban Nha. Khi kho tàng của nhà vua không đủ tiền trợ cấp, Columbus đã dùng uy tín của hoàng gia đi gây vốn với các thương gia người Ý. Những “nhà đầu tư mạo hiểm” này đóng góp gần một nửa chi phí, với hy vọng được chia lời nếu dự án phiêu lưu này thành công. Columbus lên đường. Câu chuyện này không khác gì các tay đầu tư mạo hiểm (venture capitalist) ở Mỹ góp vốn khởi công cho các xí nghiệp mới, bắt đầu khai phá kỹ thuật tin học, internet và AI, trí khôn nhân tạo đời nay!
Cũng trong thế kỷ 15 đó, ở nước Trung Hoa, nhà Minh nắm toàn quyền sinh sát. Một ông vua Chu Lệ (Minh Thành Tổ) sủng ái Thái giám Trịnh Hòa, từ năm 1421 trao quyền và cấp tiền cho ông ta thực hiện những chuyến hải hành lớn nhất thế giới. Nhưng sau khi hai vua cũ chết, người cháu lên nối ngôi đổi chính sách, cấm mọi người Trung Hoa không được đi ra nước ngoài. Ra lệnh cấm đóng tầu đi biển, triều đình còn sai phá hết các xưởng đóng tầu mà vị đô đốc cũ xây dựng, đốt cả các tài liệu và các kỷ vật mà ông thái giám đã tích trữ được sau những chuyến hải hành! Hậu quả là nghề hàng hải của nước Trung Hoa ngưng suốt mấy thế kỷ, không phát triển được như trước.
Nếu ở Âu Châu có một ông vua toàn quyền cũng “nghe lời sàm tấu” mà cấm dân không được đi biển, như Minh Nhân Tông bên Tàu, thì một ông Trịnh Hòa ở đó sẽ làm theo lối Columbus. Ông ta sẽ đi tìm mời một ông hoàng một nước nào khác bỏ vốn. Các thợ đóng thuyền chuyên môn khéo tay sẽ di cư sang nước này tìm việc, và chắc sẽ được trọng dụng.
Kỹ thuật hàng hải của Trung Hoa thụt lùi, chậm chân hơn người Âu Châu mất mấy trăm năm. Thống nhất thiên hạ sớm, để thành một đế quốc vĩ đại có ích lợi gì hay không?
Xét cho cùng, làm dân một nước nhỏ hay nước lớn đều phải chịu những họa phúc bất ngờ. Nhưng cái họa ở nước lớn thì cũng lớn, còn cái phúc có khi lại đến với nước nhỏ nhiều hơn. Vào đầu thế kỷ 21, so với Việt Nam thì kinh tế Trung Quốc tiến mạnh hơn; giới lãnh đạo của họ có trình độ cao hơn, thanh niên, trí thức được tự do phát biểu nhiều hơn trên các mạng vi tính. Những ưu thế đó không phải là nhờ họ là nước lớn. So với các nước nhỏ khác như Hàn Quốc, Đài Loan, dân Trung Quốc vẫn chỉ mong đuổi theo cho kịp. Vì vậy, không thể nói làm dân nước nhỏ thì thua thiệt so với dân nước lớn.
Tổ tiên người Việt đã chọn làm dân một nước nhỏ bé độc lập, đã giúp con cháu đời sau tránh được nhiều tai họa mà dân Trung Quốc phải chịu trong mấy ngàn năm lịch sử. Nếu bây giờ nước mình không tiến bộ bằng họ thì lý do cũng không phải vì nước mình nhỏ, mà chỉ vì giới lãnh đạo mình lầm lẫn, và dân mình còn nhiều người không đủ ý chí tự cường. Có lúc nhiều người Việt lại nhắm mắt học tập Mao chủ tịch để lập lại đúng những sai lầm của người Trung Hoa; không biết rằng hoàn cảnh nước mình nhỏ hơn, dân ít hơn, mà người Việt cũng không ăn ở với nhau như lối của người phương Bắc.