Tiếng Việt Nam ngày nay dùng rất nhiều chữ Hán Việt khiến ngay cả người mình cũng có khi lầm, nghĩ rằng ngôn ngữ của mình đã Hán hóa cả rồi. Thực ra, mức độ Hán hóa trong từ vựng, tức là các tiếng lẻ để dùng trong tiếng Việt, không cao hơn trong tiếng Nhật Bản, một nước suốt lịch sử chưa bao giờ bị người Hán cai trị. Sống bên cạnh nền văn minh Trung Hoa, thấy những cái hay của họ, dân tộc nào cũng muốn học. Học rất nhiều, nhưng vẫn không mất gốc, đó mới là thành tựu đáng kể.
Bây giờ thì người mình không lo tiếng Việt “chết” nữa. Nhưng có thể tưởng tượng trong một ngàn năm Bắc thuộc chắc tiếng nói của tổ tiên mình đã bị áp lực rất mạnh của giống dân đến cai trị mình. Chắc có nhiều lúc tiếng Việt bị đe dọa đến mức có thể tiêu vong. Nếu dân Việt bị đồng hóa thì tiếng Việt có may mắn sống sót cũng chỉ còn là một ốc đảo thổ ngữ trong nước Trung Hoa rộng lớn. Một phép lạ là sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, tiếng Việt vẫn tồn tại cho tới bây giờ mà không “chết.” Nói “phép lạ” thì cũng hơi ngoa. Vì khi quan sát hiện tượng các ngôn ngữ đã chết, hoặc dù bị tấn công vẫn không chết, chúng ta có thể giải thích và hiểu được tại sao tiếng Việt không chết.
Nói chung, các ngôn ngữ có thể “chết,” giống như các sinh vật khác. Khi những người cuối cùng nói một ngôn ngữ qua đời thì ngôn ngữ đó chết. Trên thế giới hiện nay có khoảng sáu đến bảy ngàn tiếng nói khác nhau; trong đó có hơn 3,000 tiếng nói rất ít người sử dụng; đó là những ngôn ngữ đang “trên giường bệnh,” đang lo sẽ chết. Hiện nay, trung bình cứ nửa tháng lại có một ngôn ngữ biến mất luôn trên mặt đất. Ngay tại khu đô thị New York ở Mỹ, trong số 800 ngôn ngữ do di dân từ khắp thế giới về đó sử dụng, có khoảng một trăm ngôn ngữ sắp biến mất, vì chỉ còn một vài cụ già nói thông thạo. Các sinh viên ngữ học ở New York đang có một đề tài để đua nhau làm luận án! Đó là những cái chết “tự nhiên,” không phải vì bị “bức tử.” Trong thời Bắc thuộc, tiếng Việt cũng có thể chết một cách tự nhiên, nếu không được tổ tiên chúng ta giữ gìn.
Mạng lưới xã hội bảo vệ tiếng nói
Khi nào người ta có thể tạo áp lực khiến một giống dân thay đổi, nói một ngôn ngữ khác, mất luôn tiếng nói gốc của họ? Chinh phục bằng vũ lực không đủ để truyền bá tiếng nói. Đại đế Alexander từng đặt quân đóng đồn và di dân Hy Lạp sang các nước vùng Tây châu Á. Nhưng sau khi quân đội ông rút về thì tiếng Hy Lạp không còn phổ biến nữa, giờ chỉ thấy trên một số ngôi mộ cổ và bia đá. Những đạo quân của Thành Cát Tư Hãn, qua hai ba thế hệ đã gieo rắc hạt giống di truyền khắp vùng Trung Á, Ba Tư, sang tới Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Đông Âu; nhưng sau cùng ngôn ngữ các sắc dân địa phương không bị thay thế bằng chữ hay tiếng Mông Cổ.
Trong điều kiện nào thì nào một ngôn ngữ có thể lấn áp, thay thế, biến một tiếng nói khác thành thổ ngữ? Nicholas Ostler trong cuốn Empires of the Word: A Language History of the World, (Harper Collins, USA, 2005) nêu ra nhiều thí dụ để hiểu vấn đề này. Người Norman đã chinh phục và thống trị, nhưng không làm dân Anh nói tiếng Pháp. Các đạo quân Franks, Vandals, Visigoths không thay đổi được ngôn ngữ các sắc dân ở Tây Âu. Ostler nhận thấy họ thiếu một số điều kiện. Muốn đem ngôn ngữ của một nhóm người ngoài đến thay thế tiếng nói cũ, phải tạo được vài điều kiện. Một điều kiện là: Số di dân mới đông gấp bội so với dân bản địa. Hoặc một số rất đông người địa phương học và sử dụng tiếng nói mới, “tự đồng hóa” trong thời gian dài nhiều thế kỷ. Nếu hội được một trong hai điều kiện đó thì tiếng nói thống trị mới có cơ hội trở thành tiếng nói chính; tiếng nói bản địa cũ rút lại trở thành một thổ ngữ của thiểu số.
Dựa trên ý kiến của Nicholas Ostler coi lại lịch sử nước ta thì thấy mối đe dọa của tiếng Trung Hoa trên tiếng Việt cũng nặng nề nhưng không quá nặng. Người Hán cai trị nước ta lâu thật, một ngàn năm. Họ có chính sách đồng hóa hữu hiệu thật, bằng cớ là miền Nam Trung Hoa đã bị Hán hóa cả. Nếu có rất nhiều người Việt học tiếng họ nói, liên tục gia tăng trong một ngàn năm đó thì chắc tiếng Việt đã bị tiếng Hoa thay thế rồi. Tiếng Việt vẫn còn, chứng tỏ hiện tượng “tình nguyện tự Hán hóa” không xảy ra. Lý do chắc là vì, thứ nhất, tiếng Việt đã phát triển cao, có nền tảng kiên cố, và ý thức dân tộc của tổ tiên người Việt đã rất mạnh; và thứ hai, chính những người Hán sang nước ta trong mười thế kỷ không tạo thành một khối áp lực ngôn ngữ đủ mạnh để lấn áp. Họ không đủ đông mà cũng không thuần nhất.
Vào thời nhà Hán bắt đầu cai trị trực tiếp ở nước ta, khoảng đầu kỷ nguyên Tây Lịch, dân số Giao Chỉ đã lên khoảng gần triệu người. Số quân lính và di dân người Hán chắc không đông hơn được. Khi sang nước ta, chắc họ cũng sống tập trung với nhau, không chung đụng nhiều với người bản xứ. Vào thời Vương Mãng cướp chính quyền, nhiều di dân mới từ Trung Quốc sang nước ta tránh loạn nhưng chắc họ cũng không đông tới mức gây được ảnh hưởng. Theo các cuộc kiểm tra dân số đã dẫn, tỷ số di dân không cao lắm so với dân bản xứ. Hơn nữa, những nhóm di dân từ các vùng khác nhau bên Trung Quốc họ cũng nói những thổ ngữ riêng, chính họ trở thành những nhóm ngôn ngữ thiểu số bên cạnh khối người nói tiếng Việt đông đúc hơn. Sau đó, vì khí hậu, thủy thổ không thích hợp, nhiều di dân từ phía Hoa Bắc cũng không muốn ở lại nước ta lâu dài; trừ những gia đình như tổ tiên ông Lý Bôn, họ ở lại và dần dần đã Việt hóa. Có lẽ áp lực lớn nhất là việc các quan lại và nho sĩ tị nạn mở trường dạy học, truyền bá tiếng nói và chữ viết. Nhiều người Việt có lẽ đã sẵn sàng Hán hóa sau khi được dạy dỗ và được hưởng các quyền lợi cao hơn. Nhưng trong đại đa số dân chúng thì ảnh hưởng của tiếng Hoa không mạnh. Như Cao Hùng Trưng nhận xét trong An Nam Chí Nguyên, trong thời Bắc thuộc chỉ có những người Việt đi học, làm quan ở nơi thành thị là “được giáo hóa, biết theo phong tục Trung Hoa,” còn những nơi xa vẫn “giữ nguyên phong tục cũ không bỏ hẳn được.”
Sức đề kháng của tiếng Việt được hỗ trợ bởi cả cơ cấu xã hội Việt Nam khá bền chặt, truyền lại từ đời trước và vẫn được gìn giữ. Chúng ta có thể suy đoán như vậy vì thấy trước mắt kinh nghiệm của các sắc dân khác, hiện nay vẫn bảo vệ được tiếng mẹ đẻ.
Stephen J. Schooling (1990), trong một bài nghiên cứu về hiện tượng bảo tồn ngôn ngữ thổ dân tại Nouvelle Calédonie thuộc Pháp, đã giải thích tại sao dân địa phương vẫn giữ được tiếng nói của họ; mặc dù chính quyền thuộc địa muốn thay thế tất cả bằng tiếng Pháp trong một thế kỷ rưỡi vừa qua. Pháp chiếm Nouvelle Calédonie từ năm 1853, mười năm sau tiếng Pháp được ấn định là ngôn ngữ chính thức dùng trong việc hành chánh và giáo dục. Đến nay đó vẫn là ngôn ngữ chính được sử dụng khắp mọi lãnh vực, mà trong dân chúng Nouvelle Calédonie ai cũng biết nói tiếng Pháp. Nhưng thổ ngữ của người Calédonie vẫn không chết. Năm 1983 dân số Nouvelle Calédonie được kiểm tra là 145,368 người, trong đó người bản địa gốc Mélanésien chiếm 42%, người gốc Pháp chiếm 37%, còn lại là người ngoại quốc (có đến năm ngàn người Việt Nam ở đó). Thổ dân, mặc dù với một con số rất nhỏ, sau hơn một thế kỷ, vẫn giữ được tiếng nói riêng của họ, vẫn sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình và những giao tiếp xã hội.
Cái gì đã giúp cho tiếng nói của dân bản địa Mélanésien tại Nouvelle Calédonie được bảo tồn?
Stephen J. Schooling giải thích rằng chính các “mạng lưới xã hội” (social networks) của thổ dân đã giúp cho khả năng bảo vệ ngôn ngữ của họ mạnh hơn. Có ba yếu tố giúp sức ngôn ngữ tự vệ. Thứ nhất là các quan hệ xã hội chặt chẽ giữa những người nói cùng một thứ tiếng, tạm gọi là Cường độ của mạng lưới xã hội (Schooling dùng chữ Denseness). Thứ hai là mức độ phức tạp của những quan hệ xã hội chồng chéo (Complexity) sẽ giúp tăng cường sức đề kháng. Và yếu tố thứ ba là trong xã hội đã có sẵn những Tập hợp (Cluster) của người dân sống với nhau, trong đó họ chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ cũng đủ rồi.
Dân Nouvelle Calédonie thường tập hợp với nhau qua nhiều mối quan hệ; thí dụ họ hàng thân tộc; hoặc sống gần nhau trong một khu vực địa dư; hoặc tiếp cận qua các nghề nghiệp; hoặc cùng tham gia các tổ chức thiện nguyện. Một người có thể thuộc vào nhiều tập hợp. Các tập hợp này đáp ứng đủ thứ nhu cầu của họ; như nhu cầu sinh sống; nhu cầu tình cảm; và những nhu cầu văn hóa, sáng tạo, phát triển cá nhân. Nếu mối liên hệ giữa mọi người trong các tập hợp chặt chẽ; giúp thỏa mãn nhiều nhu cầu của các cá nhân tham dự, thì những tập hợp này sẽ giúp tiếng nói của họ được bảo vệ một cách tự nhiên, không cần ai cổ động, không cần một chủ trương hay chính sách nào cả. Vì những người sống trong các mạng lưới xã hội đó, dù là trong gia đình, trong khu xóm, trong một họ đạo hay một nhóm có mục đích thể thao, ca hát, hay nghề nghiệp, chính họ tự nhiên muốn hòa hợp với người chung quanh. Muốn sống hòa hợp và được mọi người chấp nhận, ai cũng phải tuân theo các tập tục chung, trong đó việc sử dụng tiếng mẹ đẻ là thói quen tự nhiên nhất.
Các phân tích và nhận xét của Stephen J. Schooling có thể giúp chúng ta hiểu thêm tại sao tiếng Việt Nam lại được bảo vệ kiên cố trong một ngàn năm Bắc thuộc, đủ sức kháng cự trước ảnh hưởng Hán hóa. Vì từ mấy ngàn năm trước, người Việt Nam đã có những mạng lưới xã hội rất vững chắc, bền bỉ. Người Việt quần tụ trong các làng xóm, mỗi làng là một mạng lưới rất chặt chẽ, với rất nhiều quan hệ chồng chéo, đan kết với nhau qua các hội hè, đình đám. Nhiều làng ở miền châu thổ sông Hồng đã lập ra từ ba ngàn năm trước đây. Chúng ta sẽ bàn riêng về mạng lưới làng xóm trong một bài sau; nhưng có thể nói ngay rằng làng xóm Việt Nam có đủ các yếu tố mà Schooling mô tả, với cường độ đủ cao để bảo vệ cả phong tục lẫn ngôn ngữ Việt Nam. Xã hội nông thôn thiết lập các tập quán, phong tục riêng; ai muốn được chấp nhận là “dân làng” đều phải tuân theo. Sống trong những môi trường như thế, do áp lực tự nhiên, mọi người cố giữ hành vi của mình sao cho phù hợp với những tiêu chuẩn chung; trong đó có ngôn ngữ. Vì vậy, dù tiếp thụ rất nhiều tiếng gốc chữ Hán, tiếng Việt vẫn không chết.
Viết Hán văn lối Việt
Khi đem các chữ Hán mới học ghép lại, xếp đặt tiếng trước tiếng sau cho có nghĩa, thì tiếng Việt vẫn còn, nhờ nền tảng khác tiếng Trung Hoa. Một thí dụ rất dễ thấy: Người Việt nói “trong nhà, trong lòng;” đặt giới từ trước danh từ; còn người Hán nói ngược lại, để giới từ sau danh từ: “gia trung, tâm trung” (nhà trong, lòng trong). Nói một cách chủ quan, tiếng Việt nói suôi, còn tiếng Trung Hoa nói ngược. Các sắc dân Đông Nam Á từ Mã Lai qua Indonesia, tới các đảo phía Tây Nam Thái Bình Dương đều nói suôi như người mình. Tính khác biệt này đã biểu lộ ngay từ hai ngàn năm trước. Đặc biệt, nhiều khi người Việt dùng chữ Hán cũng nói xuôi theo lối mình, không theo văn phạm của họ.
Khi nghiên cứu Lục Độ Tập Kinh, do một vị sư người nước ta dịch (hoặc biên soạn) vào thế kỷ thứ 3, sử gia Lê Mạnh Thát đã thấy rất nhiều từ ngữ Hán văn mà lại xếp đặt như khi nói tiếng Việt. Thí dụ trong Lục Độ Tập Kinh Thiền sư Khương Tăng Hội viết các chữ “trung tâm” theo nghĩa là trong lòng; “trung cung” với nghĩa là trong cung; “thần thọ” với nghĩa là thần của cây; “ngoại dã” là ở ngoài đồng; “thủy vũ” nghĩa là nước mưa; vân vân. Nếu viết đúng cú pháp Hán Văn thì phải đặt thứ tự ngược lại: cung trung, thọ thần, dã ngoại, vân vân. Trong kinh này, Lê Mạnh Thát tìm thấy khoảng 15 lần chữ Hán được viết theo cú pháp “nói suôi” của tiếng Việt như vậy.
Khương Tăng Hội gốc người Trung Á, sinh ở Việt Nam và học đạo Phật ở đó trước khi sang giảng đạo ở miền Giang Nam, thuộc nước Ngô thời Tam Quốc. Lê Mạnh Thát cũng tìm thấy các thí dụ tương tự trong Tạp Thí Dụ Kinh, một tác phẩm khác của Khương Tăng Hội. Trong truyện số 31, ông dùng chữ “Tượng Phật” theo lối nói Việt Nam (người Hán phải viết là Phật Tượng). Cuốn kinh này cũng được Khương Tăng Hội dịch ở Giao Châu trong cùng thế kỷ thứ ba. Những ấn bản sau của cuốn kinh này, ra đời từ thế kỷ 13 trở về sau mới sửa lại, viết đúng cú pháp chữ Hán là “Phật tượng;” nhưng riêng bản kinh còn lưu hành ở Hàn Quốc thì vẫn không đổi.
Trong Kinh Thi cũng nhiều lần dùng chữ “trung tâm” theo nghĩa trong lòng. Kinh Thi là bộ sách do Khổng Tử soạn, sưu tập các bài ca dao cổ Trung Quốc. Do hiện tượng này, có thể suy ra rằng trước Công Nguyên nhiều bài ca dao từ miền Nam Trung Quốc đã được truyền lên tận nước Lỗ, miền Sơn Đông, rồi được Khổng Tử chép lại nguyên văn khi san nhuận Kinh Thi. Những bài hát đó mang dấu vết ngôn ngữ của người dân phương Nam. Hiện nay còn có người thiểu số ở Quảng Đông vẫn nói lối giống như người Việt mình; họ nói “kê hùng” (gà trống, chủ ngữ đi trước bổ ngữ) chứ không nói ngược, “hùng kê” theo lối tiếng Hán. Những người này thuộc các nhóm dân sống ở miền núi xa và cao, chắc tổ tiên họ đã di cư lánh nạn khi người Hán tới, vì thế tiếng nói của họ chưa bị Hán hóa. Lê Mạnh Thát thấy lối văn “nói ngược” này ảnh hưởng tới cả việc viết chiếu, biểu các đời Hán, Ngụy và trong văn của Tống Ngọc. Nhưng ông thấy sau mấy thế kỷ đầu Công Nguyên thì ở Trung Hoa không thấy ai viết theo cú pháp kiểu ngược nhiều bằng thời nhà Hán nữa. Có thể suy đoán là lúc đó lối nói của người phương Nam đã bị lối người phương Bắc lấn áp hoàn toàn. Tất nhiên, trừ ở vùng Giao Châu.
Một lối nói khác cũng theo cú pháp Việt Nam được sử dụng trong Lục Độ Tập Kinh là thói quen đặt tính từ sau danh từ, xếp đặt ngược với lối tiếng Hoa. Trong kinh, Lê Mạnh Thát đã tìm thấy 14 trường hợp văn chữ Hán viết theo cú pháp Việt Nam như vậy. Một thí dụ là “Quốc phong dân phú” (nước giàu, dân giàu); người Hán sẽ nói ngược lại “phong quốc, phú dân.” Thí dụ khác là “Sơn cao cốc thâm” (núi cao hang sâu), hoặc “Thế cường” (thế mạnh), vân vân. Những từ đó nếu theo cú pháp Hán văn thì phải viết khác hẳn, “cao sơn, thâm cốc, cường thế.” Điều này cho thấy là Thiền sư Khương Tăng Hội, tuy được Tôn Quyền mời sang Kiến Nghiệp giảng đạo Phật và sống tại đó, ông đã quen sử dụng cú pháp của tiếng Việt không thay đổi.
Thân phụ Khương Tăng Hội gốc người nước Khương Cư (Sogdiane, nằm giữa hai sông Amu Darya và Syr Darya, nay thuộc vào Afghanistan, Uzbekistan và Tajikistan), đến Giao Châu buôn bán. Bà mẹ chắc là người Việt Nam, ông đã thấm nhuần “tiếng Mẹ Đẻ” nên dùng cú pháp Việt một cách tự nhiên ngay cả khi viết chữ Hán. Nhưng một điều đáng chú ý nữa, là các môn đồ và độc giả người Trung Hoa đầu tiên của ông, đều chấp nhận lối văn đó mà không yêu cầu sửa lại trước khi phổ biến! Chắc là các quan lại, triều đình nhà Ngô vào thời đó, cũng như các Phật tử theo học Khương Tăng Hội, họ vốn dân miền Giang Nam, tổ tiên họ cũng nói theo cú pháp giống người Việt mình. Họ có thể đọc sách của người phương Bắc, nhưng bình thường vẫn còn nói với nhau theo cú pháp phương Nam.
Tiếng Việt căn bản vốn khác tiếng Hán; nhưng nhiều thứ tiếng nói ở miền Nam Trung Quốc lại giống tiếng Việt. Nhiều vết tích chứng tỏ các ngôn ngữ cổ ở miền Hoa Nam liên hệ chặt chẽ với với ngôn ngữ vùng Đông Nam Á. Người dân miền Nam Trung Quốc vào thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên còn nói “Za” phát âm giống như tiếng Chết trong tiếng Việt Nam, và Chot trong tiếng Mon Khmer. Con sông Dương Tử, người Trung Hoa gọi là Trường Giang, trước kia chỉ có tên là “Giang.” Lúc đó Giang là một tên riêng; về sau người Hán biến Giang thành một danh từ chung, nghĩa là con sông. Từ “Giang” này thời xưa phát âm gần giống như người Việt Nam nói “Sông.” Mà Sông, gốc trong tiếng Việt cổ là “krong” hoặc “klong;” còn tiếng Môn gọi là Krun. Ở nước Ngô, nước Việt thời Chiến Quốc (ngày nay là các tỉnh Giang Tô, Triết Giang thuộc Trung Quốc), xưa cũng gọi sông là Giang, theo lối phát âm cổ. Tiếng nói gốc của người Mân Việt ở tỉnh Phúc Kiến có nhiều sắc thái của tiếng Nam Á, mà một số dân ở đó là từ nước Việt cũ của Câu Tiễn di cư xuống. Ngày nay, trong tiếng nói của người Quảng Đông, người Phúc Kiến còn rất nhiều tiếng rất giống tiếng Việt (không kể những tiếng do người Việt bắt chước di dân từ các vùng này). Một số từ của họ giống tiếng Việt nhưng dùng hai tiếng (lưỡng âm) còn tiếng Việt thì đơn âm. Tuy nhiên, chúng ta biết tổ tiên người Việt xưa kia cũng nói tiếng phức âm, một từ gồm nhiều âm tiết, như vào thế kỷ 16 còn nói “bờ lời;” về sau thu gọn làm một âm “trời”. Chỉ sau khi tiếp xúc với tiếng Tày – Thái tiếng Việt mới dần dần trở thành đơn âm. Các ngôn ngữ Thái, Mèo, Diêu, và Việt có nhiều cấu trúc và văn phạm giống nhau, và đều có âm thanh trầm bổng; nếu không cùng chung một mẹ thì ít nhất đã ảnh hưởng lẫn nhau qua rất nhiều đời.
Việt Nhân Ca
Một tài liệu liên hệ tới ngôn ngữ cổ xưa của người dân phía Nam Trường Giang là bài Việt Ca, hay Việt Nhân Ca, có lẽ xuất hiện từ thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Các công trình nghiên cứu về bài hát cổ này là một bằng chứng về liên hệ mật thiết giữa tiếng nói của nhiều sắc dân ở phía Nam Trung Quốc. Lê Mạnh Thát đã phân tích bài này khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời thượng cổ. Đây là một bài viết bằng chữ Hán nhưng chỉ ghi lại phiên âm; theo một bản gốc hát lên bằng âm thanh trong tiếng nói một sắc dân được người Hán gọi tên là Việt. Lưu Hướng chép bài phiên âm này trong Thuyết Uyển, kèm với bản dịch nghĩa sang chữ Hán, cho nên chúng ta có một tài liệu rất xưa về tiếng nói gốc của một nhóm trong những dân tộc mà người Hán gọi là Bách Việt.
Lưu Hướng sinh năm 77 chết năm 8 trước Công Nguyên; ông chỉ sưu tầm và chép lại; còn người thực sự ghi âm bài hát này từ trước có lẽ sống trước ông dăm thế kỷ. Trong Thuyết Uyển (说苑) Lưu Hướng chép lại chuyện Sở Tương Vương (楚襄王) trong “Tương Thành Quân Thủy phong chi nhật” (襄成君始封之日). Trong truyện kể vua Sở Hùng Ngạc (楚熊咢) đi thuyền ngắm cảnh, nghe thấy một người chèo thuyền hát Bài Ca của người Việt (越人歌), bèn sai người ghi chép, và dịch sang tiếng nước Sở.
Bài ca này là một tài liệu ngôn ngữ rất cổ, đã trở thành một đề tài nghiên cứu, tìm hiểu ngôn ngữ của các sắc dân sống ở phía Nam Trường Giang hơn hai mươi thế kỷ trước đây. Nhiều người am hiểu các ngôn ngữ ở phía Nam Trung Quốc đã đoán rằng bản ký âm Việt Nhân Ca có thể là tiếng nói của một trong nhiều sắc tộc đó, chưa biết chắc đó là tổ tiên sắc dân nào hiện nay. Họ đọc các âm trong bài Việt Nhân Ca rồi thử “giải mã” bằng cách viết lại trong tiếng nói của một sắc tộc, xem có ý nghĩa không.
Bài Việt Nhân Ca gây ra một cuộc “chạy đua giải mã” cho các nhà ngữ học. Một học giả người Trung Hoa đoán bài hát này gốc là tiếng của người Choang (Tráng tộc, 壮族), nay ở Quảng Tây. Có học giả Nhật còn phỏng đoán đây là một bài hát tiếng Champa, Chiêm Thành. Có người đã ghi lại theo tiếng Thái. Nhiều nhà nghiên cứu suy ra đó là tiếng nói một trong số các sắc tộc thiểu số ở miền Nam Trung Quốc, như Người Đồng (侗族), người Thái (傣族), người Lê (黎族), người Bố Y (布依族), Mao Nam (毛南族), Hạ Lào (仫佬族), vân vân. Trong năm 2011, một sinh viên Việt Nam ký tên “liketolearn” và tự giới thiệu ở lứa tuổi 20, sống tại miền Nam California, USA, đã phổ biến kết quả công trình nghiên cứu rất công phu của mình trên mạng lưới internet, với một bản Việt Nhân Ca bằng tiếng Việt!
Lê Mạnh Thát đã “giải mã” bài Việt Ca theo lối của ông và đưa ra một bản hoàn toàn bằng tiếng Việt thời cổ, ông cho rằng có ý nghĩa và rất sát với âm thanh theo bản văn Lưu Hướng để lại. Lê Mạnh Thát đưa ra giả thuyết táo bạo là bài Việt Nhân Ca này không chỉ được truyền miệng mà đã được “viết” bằng thứ chữ của người Việt thời đó, rồi được một vị vua nước Việt Thường chép lại, gửi tặng triều đình nhà Hán. Sau này Lưu Hướng mới tìm thấy bài đó trong văn khố, dùng làm tài liệu phổ biến cho đời sau đọc, trong bộ Thuyết Uyển. Việt Thường là tên người Trung Hoa gọi một quốc gia ở phía Nam từ đời thượng cổ; có thể trong vùng nước ta.
Cuộc nghiên cứu về bài Việt Nhân Ca hiện nay còn chưa đưa tới một kết quả được mọi người dứt khoát đồng ý. Tuy nhiên, khi nhiều người thấy tiếng nói của người dân xưa gọi là Bách Việt giống nhau đến nỗi một bài ca xưa có thể viết lại thành tiếng Thái, tiếng Việt, tiếng Choang; thì điều đó cho thấy tiếng nói của các đám dân gọi là “Bách Việt” này có chung nguồn gốc với nhiều dân tộc khác trong vùng Đông Nam Á.
Bách Việt chỉ là một tên gọi chung do các sử gia đặt ra; không nhất thiết đã có hàng trăm bộ lạc cùng mang tên là Việt. Cũng không thể nói rằng có nhiều nước nhỏ trong đám đó thuộc cùng một chủng tộc và tự gọi chủng tộc đó là Việt. Những tên Mân Việt, Âu Việt, Lạc Việt, vân vân, do các sử gia ghi lại có thể là tên người Hán gọi tên các sắc dân này, ghi vào sách. Tên này được mọi người chấp nhận; cũng không khác gì đời xưa vua nước ta tự nhận là An Nam Quốc Vương; nhiều người Việt tới thế kỷ 20 vẫn còn đùa, tự gọi mình là người An Nam, như khi viết: “Nhà văn An Nam khổ như chó!” Hiện tượng này cũng giống như người Miến Điện có thời chấp nhận tên thủ đô gọi là Rangoon (sau đổi lại là Yangoon); hoặc người Ấn Độ nhận tên thành phố của họ là Bombay theo lối người Anh đặt tên (sau đổi trở lại là Mumbai).
Sức bành trướng của Hán tộc đã thay đổi văn hóa, phong tục của nhiều sắc dân “Bách Việt” này, từ miền Giang Tô xuống đến Quảng Đông; và thay đổi cả tiếng nói của họ. Trong một ngàn năm Bắc thuộc người Hán đã dùng nhiều biện pháp để đồng hóa người Việt Nam nhưng cuối cùng người Việt vẫn giữ được dòng giống và tinh thần tự chủ; một phần quan trọng là nhờ vẫn giữ được cách nói năng của dân tộc mình.
Vì căn bản ngôn ngữ của người Việt đã sẵn trong cơ cấu những yếu tố “phương Nam,” khác tiếng Trung Hoa từ phương Bắc đem tới. Khi tiếng Việt còn giữ được những đặc tính riêng trong cơ cấu thì tiếng nói khó mất. Nhờ giữ được tiếng nói riêng nên dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Cũng như dân Phần Lan dưới sức ép của tiếng Thụy Điển và tiếng Nga vẫn bảo vệ được ngôn ngữ của họ suốt bẩy thế kỷ, chờ ngày phục quốc. Trong cuộc tiếp xúc với người Trung Hoa, người Việt Nam “nhập cảng” biết bao nhiêu tiếng Hán vào kho từ vựng của họ, nhưng họ lại sử dụng các từ vựng đó theo lối riêng. Người Nhật Bản, người Hàn Quốc, mặc dù không bị đô hộ như dân Việt Nam nhưng cũng đều vay mượn các từ vựng Trung Hoa, và cũng dùng chữ Hán theo cách riêng của họ, như người mình vậy.