Nhiều người Việt tránh không muốn dùng các tiếng gốc Hán, vì muốn bảo vệ tiếng Việt thuần túy. Thực ra không cần. Chúng ta dùng nhiều từ Hán Việt thì cũng giống như đang mặc “quần áo Tây” hay thắt “cà vạt” kiểu Tây, không vì thế mà mình bớt là người Việt Nam! Nếu thấy trong tiếng Việt nhiều chữ Hán quá mà lo lắng, thì hãy coi thí dụ tiếng Anh, một ngôn ngữ đang tràn ngập thế giới. Trên căn bản tiếng Anh thuộc họ ngôn ngữ Tiền Nhật Nhĩ Man (Proto-German) như tiếng Đức, tiếng Thụy Điển. Nhưng trong kho từ vựng tiếng Anh có đến một nửa là những tiếng vay mượn người ngoài. Đó là những tiếng người Norman và tiếng La tinh, không có họ hàng gì với tiếng Đức, tiếng Anh.
Tiếng Nhật dùng nhiều chữ Hán cũng nhiều như trong tiếng Việt, mà đến nay họ vẫn dùng chữ Hán để viết. Nếu các thanh niên Nhật mà từ chối không học chữ Hán thì họ sẽ không thể lên đại học, đọc báo có khi không hiểu hết!
Các nước Á Đông dùng chữ Hán cũng giống như người Âu Châu trước kia dùng chữ La tinh; ngôn ngữ chung của giới trí thức Âu Châu trong hàng ngàn năm. Chính các triết gia La Mã đầu tiên lại dùng chữ Hy Lạp. Có vốn chữ La Tinh và Hy Lap, người Âu châu dùng đặt ra các từ vựng mới. Khi chế ra cái máy truyền và nhận được hình ảnh từ xa tới, họ gọi là Television, ghép tele (Hy Lạp, từ xa) với vision (La Tinh, nhìn). Nếu người Việt gọi công việc mới đó là truyền hình thì cũng tiện, mà cả hai đều gốc chữ Hán Việt. Đến bây giờ các nhà nghiên cứu quốc tế khi muốn đặt ra các từ mới, như đặt tên một loài vi khuẩn mới tìm thấy hay một ngôi sao mới phát hiện, họ có sẵn trong tay các tiếng La tinh hay Hy lạp để đặt tên. Trong các môn khoa học hiện nay, bao nhiêu thuật ngữ được đặt ra dựa trên chữ La tinh hay Hy Lạp. Khi Auguste Comte đề nghị một môn học mới gọi là Sociologie (trong tiếng Pháp) vào năm 1838, tên gọi này nửa gốc La Tinh (Socio), nửa gốc Hy Lạp (Logy). Khi người Nhật Bản biết môn này, họ dịch là Xã hội học, ghép hai chữ Hán lại. Người Trung Hoa chưa bao giờ ghép hai chữ xã và hội vào nhau như thế. Nhờ có sẵn kho chữ Hán, dân Á Đông có thể làm giầu cho tiếng nói của chính mỗi nước, không khác gì người Pháp, người Anh sử dụng chữ Hy Lạp, La tinh.
Dùng các chữ Hán Việt, chúng ta sáng tạo các từ mới diễn tả một ý trừu tượng, mặc dù đã có sẵn một từ chỉ những vật cụ thể, cùng một ý, cùng nghĩa. Chẳng hạn, nói “thể diện” thì chúng ta hiểu theo một nghĩa trừu tượng; khi dùng từ “cái mặt” thì thường chỉ hiểu nghĩa cụ thể. Mình nói “mặt tiền” cái nhà, nhưng lại nói “mặt sau” chứ không phải “mặt hậu.” Khi muốn diễn tả một khái niệm trừu tượng, thí dụ mối liên hệ từ một sự việc này sinh ra sự việc khác, như cây sinh trái, hoặc hút thuốc gây bệnh ung thư, chỉ cần nói liên hệ “nhân quả” là đủ, vừa gọn vừa dễ hiểu. Cùng theo cách đó, chúng ta có những từ như “hóa hợp, quỹ đạo, tế bào, đạo hàm,” vân vân. Khi dùng chữ “máy bay trực thăng” thì có điều tiện lợi là sẽ đến lúc có thể cắt gọn lại, chỉ nói “trực thăng” là người ta hiểu mình đang nói chuyện máy bay. Nếu dùng toàn tiếng Việt như “máy bay lên thẳng,” thì sẽ khó rút ngắn lại theo kiểu đó. Nói “cái lên thẳng” người nghe sẽ phải nghĩ lâu lắm mới hiểu mình nói gì; nếu hiểu lầm còn sinh giận nhau nữa.
Ngay cả khi những người Việt (hay người Nhật) biểu tình hô to: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược, Đả đảo!” thì cả khẩu hiệu đó đều dùng các tiếng gốc Hán! Nếu không dùng chữ Hán, khi muốn soạn một bộ “Danh từ Khoa học” của Hoàng Xuân Hãn, thì chúng ta sẽ mệt hơn nhiều. Cụ Hoàng Xuân Hãn đã bớt được rất nhiều thời giờ và công sức nhờ thừa hưởng cả một kho các từ khoa học mà người Nhật Bản hay người Trung Hoa đã đặt ra khi họ bắt đầu học các môn mới. Nếu người Việt Nam chưa quen dùng các chữ Hán Việt từ thời trước, thì cũng nên nhập cảng ngay vào mà dùng, nếu không thì việc chế ra các từ mới sẽ vất vả hơn nhiều.
Giới trí thức ở Việt Nam đời xưa chịu ảnh hưởng tư tưởng Trung Hoa, nhưng ảnh hưởng đó phần lớn nằm trong các quy tắc luân lý, tổ chức chính trị, rồi đến văn chương, nghệ thuật. Trong đời sống bình thường dân mình vẫn giữ nhiều phong tục chia sẻ với các sắc dân Đông Nam Á. Đối với các dân tộc có bản lãnh, dù học hỏi của người ngoài rất nhiều, hấp thụ rất sâu, họ vẫn không để bị đồng hóa.
Ghép chữ Hán vào tiếng Việt
Ngôn ngữ là một hiện tượng có tính chất cơ cấu, phức tạp và sống động như các sinh vật. Mỗi ngôn ngữ chứa những cơ cấu ẩn tàng, với những quy luật thể hiện tự nhiên theo cảm thức đã quen của người nói. Nói như nhà ngữ học Phan Ngọc, “Ngôn ngữ không phải như một cái chợ, ai muốn ra, vào cũng được.” Vì vậy ảnh hưởng do một tiếng nói mới đưa vào một ngôn ngữ khác thường chỉ thu hẹp trong phạm vi từ vựng, mà không thay đổi cấu trúc nền tảng. Người Việt Nam dùng các từ vựng Hán, biến chúng thành những chữ “Hán Việt,” giống như thêm các vật liệu mới để xây dựng, trên nền tảng vốn ngôn ngữ của mình. Cách chúng ta phát âm các tiếng Hán Việt giống lối phát âm đời Đường, là thời kỳ sau cùng dân ta bị người Hán đô hộ. Bây giờ nói lên người Trung Hoa nghe cũng không hiểu, chúng đã biến thành tiếng Việt.
Ông Phan Ngọc đã đếm trong Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh (in năm 1931) thấy có khoảng 40,000 chữ Hán Việt, bây giờ chắc chắn còn nhiều hơn. Chỉ có khoảng 5,000 âm tiết được dùng và ghép lại để tạo nên các từ Hán Việt đó. Phần nhiều (ba phần tư) các âm tiết gốc chữ Hán không được người Việt dùng độc lập mà chỉ đem ghép với các từ khác. Chẳng hạn chữ ngoại nghĩa là ở ngoài, không ai nói cây mọc ở ngoại cái nhà, nhưng mình vẫn nói ngoại thành, hàng ngoại, bà ngoại, cháu ngoại, họ ngoại. Chỉ có một phần tư âm tiết Hán Việt có thể dùng độc lập, đó là những tiếng nghe tự nhiên như tiếng Việt thuần túy, như khi nói thành, lũy, sở, cây bút, cái bàn.
Phan Ngọc nêu giả thiết là khi tổ tiên chúng ta bắt đầu du nhập các tiếng Hán Việt thì tiếng Việt không còn phức âm nữa mà đã “đơn tiết hóa” gần như hoàn toàn rồi, do ảnh hưởng tiếp xúc với ngôn ngữ Tầy-Thái. Khi đó, mỗi âm tiết trong tiếng Việt đều có thể đứng độc lập và có ý nghĩa. Tự nhiên, nhiều từ vựng Hán Việt đem vào sẽ trùng nghĩa với những tiếng Việt có sẵn. Thí dụ chúng ta thấy người Trung Hoa có chữ Diện, nhưng trong tiếng mình đã có chữ Mặt rồi. Khi đó, chữ Hán được dùng như những tiếng phụ chứ không thay thế tiếng Việt. Chỉ có một số ít tiếng diễn tả các vật thật sự mới, các sự việc hay ý tưởng hoàn toàn mới, là có thể đứng độc lập. Quần là chữ Hán, nhưng Váy là tiếng Việt! Những âm tiết mới đứng độc lập đó tự nhiên được coi như tiếng Việt thuần túy, lâu ngày dùng quen người ta quên cả nguồn gốc Hán của chúng. Thí dụ, số đếm một “vạn,” các loại cây mới như “tùng, lê, đào;” công việc hay vật dụng mới như “học,” “bút,” “đọc,” “sách,” vân vân, đều gốc chữ Hán cả, nhưng trải qua thời gian đã thành thuần Việt. Cũng giống như ngày nay người Việt nói những tiếng gốc Âu châu: Mét, Lít, Ô tô, Át xít, Lô gích, vân vân, các tiếng “Tây” đó đều được dùng như tiếng thuần Việt. Không biết bao giờ những tiếng như “Ô Kây,” “Sua” “Cash” cũng nhập tịch trở thành tiếng Việt Nam?
Phần lớn tiếng Hán Việt không đứng một mình được, luôn luôn chỉ đóng vai phụ trợ. Người Việt mượn từ Nhân (人) trong chữ Hán, Nhân nghĩa là Người; nhưng không bao giờ chúng ta đem từ Nhân thay thế cho từ Người đã có sẵn. Chữ Nhân không bao giờ đứng một mình độc lập; không ai nói “Có ba nhân ngồi đó;” mà nói “ba người.” Chữ Nhân chỉ được dùng để ghép với các chữ khác, cũng gốc Hán Việt, như cá nhân, hoặc nhân gian, nhân sinh, nhân dụng, vân vân..” Những từ Hán Việt khác như “quốc (nước), gia (nhà), thụ (cây), thảo (cỏ), vân vân” đều được dùng theo lối phụ trợ đó. Người Việt không dùng chữ Thảo, nghĩa là Cỏ, một mình. Không ai nói “Thảo mọc” mà nói “Cỏ mọc.” Nhưng vẫn dùng chữ Thảo trong các từ kép, như thảo dã, thảo nguyên, thanh thảo, vân vân. Sử dụng các từ Hán Việt theo cách đó cũng giống như lối tổ tiên chúng ta ghép tiếng Thái vào tiếng Việt thành “Chim Chóc;” “Mặt Nạ;” không ai dùng những tiếng “Chóc, Nạ” độc lập, dù có cùng một nghĩa là chim và mặt.
Chúng ta rất dễ nhận ra những âm tiết Hán Việt chuyên đóng vai phụ; vì khi đem chúng dùng một mình nghe sẽ thấy ngây ngô. Thí dụ, không ai nói “ba thụ” mà chỉ nói “ba cây,” không nói “cô nữ đẹp” mà chỉ nói “cô gái đẹp.” Còn những chữ Hán được Việt hóa hoàn toàn, dù qua đường Hán Việt hay đi vào trực tiếp mà được dùng như tiếng thuần túy Việt Nam, đều có thể đứng độc lập mà không cần ghép với một tiếng Việt khác. Thí dụ ta gọi cây Côn, cái Bàn, thanh Kiếm, tất cả đều gốc Hán Việt.
Người Việt Nam nhiều khi dùng một từ Hán Việt với nội dung khác lối hiểu của người Trung Hoa. Người Hoa gọi con Trâu hoặc Bò là Ngưu, người Việt dùng chữ Ngưu chỉ để gọi con Trâu. Chữ Dương người Hán hiểu là con Dê hoặc con Cừu, người Việt chỉ dùng để gọi con Dê (giống tiếng Tiều). Người Việt nói “Lịch Sự” với nghĩa là “đẹp, sang” (quần áo) hay “lễ độ” (cử chỉ, lời nói) trong khi trong tiếng Trung Hoa hai chữ đó vẫn hiểu theo nghĩa gốc là “Từng trải.” Hai chữ “Sinh sản” trong tiếng Việt thường chỉ nói đến việc sinh đẻ con cái; trong tiếng Trung Hoa lại có nghĩa là sản xuất (kinh tế). Người Việt gọi một người “Chủ tọa” buổi họp, người Trung Hoa gọi là “Chủ trì.” Có nhiều tiếng Hán được Việt hóa theo cách không còn dính đến nghĩa gốc trong chữ Hán. Thí dụ, một người tính hiếu thắng, thích tranh giành, bị gọi là “Đáo để.” Mà hai chữ này người Trung Hoa chỉ hiểu là “tới tận đáy.” Chữ “Tiểu tâm,” người Trung Hoa dùng theo nghĩa “cẩn thận” (có ý tốt) được Việt hóa theo nghĩa là “nhỏ mọn” (xấu)! Người Việt Nam nói “Náo nhiệt” nhưng người Trung Hoa nói “Nhiệt náo!”
Nhiều chữ Hán Việt được biến chế hoàn toàn theo lối Việt Nam, có khi cắt bớt cho gọn, có khi lại ghép thêm cho dài hơn. Người Hoa nói “đảm đang,” mình chỉ cần nói “đảm;” họ nói “yểu điệu,” mình chỉ nói “điệu” cũng đủ. Ngược lại, người Hoa nói “biến,” thì người Việt nói rõ hơn, “biến đổi;” hoặc họ nói “bồi” thì mình nói “bồi đắp” cho nghĩa mạnh hơn.
Người Việt còn đảo ngược các từ kép trong chữ Hán, thí dụ họ nói “cáo tố” còn mình nói “tố cáo;” họ nói “lợi quyền,” mình đổi ra “quyền lợi.” Những từ “thích phóng, đảm bảo, cử tiến, hạn kỳ,” vân vân đều đã bị đảo ngược khi đưa vào tiếng Việt. Không biết vì lý do nào mà người Việt lại đảo ngược chữ Hán khi đem dùng? Chỉ có thể giải thích là do “cảm thức ngôn ngữ” của dân mình, cách mình nghe và nói các âm tiết cho hợp với lỗ tai nó khác với người phương Bắc. Cũng vì khiếu thẩm âm khác nhau mà người Việt vẫn giữ được tiếng nói, không chịu “bịt tai” tập nói theo lối của họ. Trong một thời gian nhiều người Việt gần gũi các cố vấn Trung Quốc quá cho nên bắt chước nói giống họ. Những người này đã sửa cách nói của mình rồi họ đem phổ biến trong các phương tiện truyền thông mà họ nắm độc quyền, do đó tạo áp lực khiến người khác nói theo họ. Họ muốn chữ Hán Việt phải giống chữ Hán của người Trung Hoa: Nói “đảm bảo” thay vì “bảo đảm,” “hạn kỳ” thay vì “kỳ hạn,” vân vân. Nhưng dần dần, người Việt Nam vẫn trở về với lối nói cũ. Có thể vì nghe thuận tai hơn, cũng có thể đó là một phản ứng chống đối tinh thần lệ thuộc.
Nhiều tiếng Hán Việt nếu viết ra cho người Trung Hoa đọc thì họ không thể hiểu giống như mình. Trong tiếng Hán, chữ “đinh ninh” có nghĩa là dặn dò nhau; nhưng trong tiếng Việt lại có nghĩa là ghi nhớ trong lòng. Người Hán nói “bồi hồi” với nghĩa là đi qua đi lại; người mình dùng từ đó để tả một tâm trạng không yên. Đây là một khuynh hướng tự nhiên trong ngôn ngữ Việt Nam, hay dùng các hình ảnh cụ thể để diễn tả một tâm trạng, như khi chúng ta nói trong lòng “ngổn ngang” hoặc bụng dạ “rối bời.”
Nhiều trường hợp chữ Hán được nhập vào tiếng Việt hoàn toàn đổi nghĩa. Mở một cuốn Từ Điển Hán Việt chúng ta thấy nhiều chữ, như “mạt sát,” gốc chữ Hán nghĩa là lau chùi thật kỹ; sang tiếng Việt nghĩa là nói xấu một cách nặng nề. Cũng vậy, “sát phạt” gốc nghĩa là chém, giết, chúng ta dùng theo nghĩa là đánh bạc. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết nghĩa gốc của những chữ mình dùng, như phương phi (hoa cỏ tốt đẹp), khốn nạn (gặp khó khăn), ác liệt (xấu), biểu tình (bầy tỏ tình cảm), vân vân.
Tất nhiên, người Việt gọi cái bút là “Bút nguyên tử” thì không những người Trung Hoa mà chắc cả thế giới không ai hiểu tại sao! Đem bom nguyên tử ghép vào với cây bút thì “táo bạo” thật! Chỉ vì vào lúc loại “bút bi” được đưa vào nước ta thì trong trí nhớ dân mình vẫn còn giữ hình ảnh hai trái bom nguyên tử thả trên nước Nhật; khiến người ta dùng chữ “nguyên tử” để nói về tất cả những kỹ thuật mới lạ.
Chúng ta không những phát âm các chữ Hán Việt khác người Trung Hoa mà còn đổi cả ý nghĩa các từ đã vay mượn. Có thể từ khi người Việt chấm dứt tiếp xúc hàng ngày với người Hán, tức là từ thế kỷ thứ 10, sau đời Đường, thì ngôn ngữ người Trung Hoa ở nước họ đã thay đổi nhiều, trong khi người Việt đã nghe và dùng các chữ Hán vẫn theo giọng đọc và dùng với ý nghĩa cũ. Nhưng sự khác biệt giữa chữ Hán Việt và chữ Hán người Trung Hoa dùng cũng do cảm thức ngôn ngữ của dân Việt có bản sắc riêng và rất cứng, rất mạnh; khiến người Việt dùng ngôn ngữ khác theo cách riêng của mình.
Mượn trực tiếp các tiếng địa phương
Ngoài những tiếng Hán Việt đọc trong sách, tổ tiên chúng ta còn vay mượn các tiếng nói miệng (khẩu ngữ) của người phương Bắc, thí dụ như: Ghế (Kỷ), Xe (Xa), Bánh (Bính), Sen (Liên), Vạch hoặc Gạch (Hoạch), vân vân. Các từ mới có thể đứng độc lập, trở thành thuần Việt, khiến cho các từ gốc Hán Việt (như Kỷ, Xa, Liên) không thể đứng một mình nữa. Chúng ta nói bông Sen, mà không nói bông Liên; mặc dù vẫn nói Liên Hoa, ghép hai chữ Hán Việt với nhau.
Tiếng Việt Nam thu nhận nhiều tiếng theo cách phát âm các thổ ngữ Trung Hoa, nhiều nhất là tiếng Quảng Đông. Ở miền Nam thì đầy tiếng gốc Triều Châu (đọc Vương Hồng Sển chúng ta sẽ học được rất nhiều!) Những tên gọi thức ăn như Oằn thắn, Xủi cảo, Lạp xưởng, ai cũng biết; còn bữa “Điểm tâm” được gọi là “Tỉm xắm.” Hai chữ Hán Việt “Khách Trú” nhập vào tiếng Việt theo ngả khác, nhại theo phát âm Quảng Đông là “Cắc Chú.” Nói “Khách Trú” thì không sao, nhưng khi dùng tiếng “Cắc Chú” thì dần dần mang nghĩa coi thường, có khi còn ngụ ý chê bai, bài xích. Hiện tượng này cho thấy những chữ Hán Việt mang ý khách quan, nghe có vẻ trang trọng hơn so với những tiếng nhập vào từ khẩu ngữ.
Có nhiều tiếng Hoa vào tiếng Việt qua con đường khẩu ngữ mà không qua tiếng Hán Việt. Nhà ngữ học Nguyễn Hữu Phước, trong cuốn Tiếng Việt gốc Ngoại Quốc (California, USA, 2008) cho thấy trong tiếng Hán Việt không ai nói Trư Cốt (xương lợn) nhưng hai tiếng này đi vào tiếng Việt trên ngả đường trực tiếp, thành “Xí quách.” Cũng vậy, cái áo dài của phụ nữ Trung Hoa mình gọi là Xường Xám, không ai nói Trường Sam; Phổ ky chứ không có Hỏa ký, nói Xá lỵ thay vì Tuyết Lê.
Người Việt có chữ Chú cho nên không cần dùng chữ Thúc đứng riêng, nhưng vẫn nói “Anh em thúc bá,” nghe long trọng hơn “con chú con bác.” Người miền Nam nghe người Triều Châu gọi ông chú là Chiệc (Thúc), hoặc Chệt theo thổ âm của họ; cho nên dùng chữ này để gọi chung các Hoa kiều. Giáo sư Nguyễn Hữu Phước cho biết: Gọi người Tiều là Chiệc họ thấy là bình thường vì tiếng đó nghĩa là Chú; nhưng nếu gọi những người Việt gốc Hoa khác là Chệt thì họ sẽ giận lắm. Lý do chắc vì có nhiều lúc người Việt chống người gốc Hoa về thương mại, gọi chung họ là Chiệc hay Chệt, với ác ý, kỳ thị hoặc báng bổ. Ý nghĩa kỳ thị đó dính luôn vào tên Chiệc vốn gốc rễ hiền lành, không ngụ ý kỳ thị. Nhiều tên gọi bình thường sau biến thành nghĩa chê bai, chỉ trích, vì các biến động trong xã hội. Trong ca dao có bài lời người vợ Việt Nam khóc ông chồng gốc Hoa: “Ba mươi Tết Tết lại ba mươi – Vợ thằng Ngô đốt vàng cho Chú Khách”. Bài này kết thúc với câu khóc: “Ới chú Chiệc ơi là chú Chiệc ơi!” Trong bài đó một người chồng gốc Trung Hoa được gọi là thằng Ngô, chú Khách và chú Chiệc, tất cả đều gợi ý kỳ thị và bỉ báng. Một lý do, là đời xưa người Việt vốn kỳ thị tất cả các phụ nữ lấy chồng ngoại quốc, không cứ người Hoa hay người Pháp.
Một số tiếng Hán Việt loại này “xâm nhập” và chiếm chỗ của tiếng Việt cũ. Một thí dụ do nhà ngữ học Phan Ngọc nêu ra: Tại miền Bắc Việt Nam chữ Đầu (Hán Việt), như khi nói cái đầu, đầu cổ, đã thay thế hẳn tiếng cổ của mình là Trốc (trừ một thành ngữ: “Ăn trên ngồi trốc”) trong khi ở miền Trung nhiều nơi người mình vẫn nói Trốc. Thí dụ khác: Những chữ Hoa, Quả (Hán Việt) ở miền Bắc đã được dùng hoàn toàn thay thế tiếng gốc Việt xưa là Bông, Trái; trong khi các tiếng cũ đó vẫn còn thông dụng ở miền Nam. Người Việt khi di cư vào miền Trung và Nam đã mang theo và giữ nguyên các tiếng cổ trong nhiều đời, và bảo vệ các tiếng cổ mạnh hơn những người còn ở lại quê cũ. Cũng giống như người Québec di cư từ Pháp sang, bây giờ còn nói tiếng Pháp theo giọng nói và nhiều từ vựng cổ xưa từ thế kỷ 17 trong khi ở chính nước Pháp đã biến đổi. Người Việt miền Nam không bỏ những chữ Trái, Bông, có lẽ vì họ ở xa Trung Quốc; mà cũng vì ở đó số ông đồ đọc Hán Văn rất ít so với số người dân cầy cấy. Dân miền Bắc đổi sang Hoa, Quả, những chữ Hán, chắc do ảnh hưởng của các ông đồ Nho!
Áp lực ngôn ngữ
Các thí dụ tiếng Hán “chiếm chỗ” tiếng Việt, như Hoa Quả, cũng cho ta thấy áp lực của một “ngôn ngữ mạnh” trên “ngôn ngữ yếu” diễn ra thường xuyên. Chỉ quan sát cách người Việt Nam sống ở nước ngoài nói và viết tiếng Việt cũng thấy. Sống ở nước ngoài nhiều người dùng tiếng Anh, Pháp, vân vân, pha vào tiếng Việt. Một bảng quảng cáo trước cửa chợ Việt Nam tại Mỹ viết: “Free Nước Mắm,” hoặc trong tiệm ăn viết “Free Nước Mát” theo lối các siêu thị Mỹ quảng cáo: “Free Soda!” Không những họ dùng một chữ Anh (Free: được tặng cho, khỏi trả tiền) mà người ta còn ghép tính từ đặt trước danh từ theo lối Anh ngữ nữa! Hoặc người chủ tiệm muốn dùng chữ Free như một động từ, nghĩa là “tặng không.” Ngay ở trong nước phong trào dùng tiếng Anh cũng lan tràn, có người đã “chóng mặt,” và báo động trên mặt báo.
Các cụ đời xưa ghép các tiếng Hán theo cấu trúc tiếng Việt khác cách của họ. Tuy vậy, áp lực ngôn ngữ cũng hiển hiện; giống như hiện tượng “Free Nước Mắm”. Nhà Nho chịu ảnh hưởng của sách vở nhiều quá, có lúc đã “nói tiếng Việt” theo lối Hán văn mà họ quen đọc trong sách! Người Việt nào không học Hán văn cổ thì không quen biết với chữ “Kỳ, 其” dịch nghĩa là “Thửa,” mà chữ “Thửa” này cũng không ai dùng trong tiếng Việt cả. Trong văn cổ chữ “Kỳ, 其” là một tính từ, khi nói “kỳ công đức” hiểu là “công đức ấy,” hay “công đức của người đó.” “Thực nhi bất tri kỳ vị” (食而不知其味, Đại Học, 9) nghĩa là “Ăn mà không biết vị của nó (thức ăn).” Nhưng trong Truyện Kiều có câu, “Thửa công đức ấy ai bằng – Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!” Chữ Thửa trong câu đầu có thể mang nghĩa là “một thửa” nhưng nhiều phần đã dịch nguyên văn chữ “Kỳ, 其” theo lối Hán văn. Nguyễn Văn Vĩnh khi dịch câu này sang tiếng Pháp đã chú thích “Thửa, car. ch. adjectif possessif” nghĩa là “chữ Hán, tính từ sở hữu.” Nếu Nguyễn Du viết Thửa theo lối chữ Kỳ trong Hán văn, như phần lớn mọi người đều hiểu, thì ông rất táo bạo! Không những ông thêm tự vựng mới mà còn thay đổi cả cú pháp Việt Nam (giống như các người làm thơ tự do sau này viết tiếng Việt mà sử dụng cú pháp tiếng Âu Tây vậy).
Một thí dụ khác về ảnh hưởng của Hán văn thấy trong truyện Lục Vân Tiên. Khi Vương Tử Trực từ chối đề nghị của Kiều công, chàng không chịu lấy Nguyệt Nga, và giải thích: “Nguyệt Nga là Trực chị dâu – Chị dâu em bạn dám đâu lỗi nghì.” Ba chữ “Trực chị dâu” thay vì nói tiếng Việt “chị dâu của Trực” có thể chỉ là một câu thơ viết vội vàng, gượng ép; nhưng tác giả có thể đã bị ảnh hưởng của lối viết Hán văn! Hai thí dụ trên cho thấy khi tiếp xúc với văn chương, ngôn ngữ Trung Hoa, người Việt Nam chịu áp lực rất lớn. Những người yêu tiếng mẹ đẻ như Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu cũng khó cưỡng lại áp lực của một ngôn ngữ quen dùng. Nếu mọi người đọc Kiều và Lục Vân Tiên cứ thế mà bắt chước thì tiếng nước ta sẽ có những từ mới và cú pháp mới; giống như người Việt bây giờ hay chêm tiếng nước ngoài vào trong câu chuyện chỉ vì họ sống ở ngoại quốc lâu ngày.
Dùng một ngôn ngữ nước ngoài lâu ngày, chúng ta không chỉ nhận thêm nhiều từ vựng mà còn bị ảnh hưởng trong cú pháp. Những người Việt phải đọc và nói tiếng Pháp, tiếng Anh hàng ngày cũng nhiễm thói quen khi nói hay dùng những từ “bị, được, bởi,” theo thể cách thụ động (passive voice) rất thông dụng trong các ngôn ngữ đó. Đọc báo chí ở cả trong nước cũng thấy những câu viết theo cách thụ động không cần thiết, câu văn nghe “rất Tây.” Thí dụ, một nhà báo viết, “thời cơ này đã được Trung Quốc chuẩn bị trước …” thay vì viết, “Trung Quốc đã chuẩn bị trước thời cơ này.”
Nguyễn Hiến Lê và Trương Văn Chình, trong Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (Đại học Huế, 1963) đã nhận thấy tiếng Việt hay nói theo cách cụ thể, tránh trừu tượng. Thí dụ, trong một câu thì động từ đóng vai chính (thí dụ, Trời sáng); trong khi tiếng Pháp hay dùng danh từ lên trước nên nghe trừu tượng hơn (Ánh sáng của bầu trời). Ngày nay đọc trên báo chí tiếng Việt chúng ta thấy lối diễn tả trừu tượng của Tây lại rất thông dụng. Thay vì nói đến một hành động, người ta hay nói về một sự kiện. Thí dụ, người ta viết “Hoạt động mua bán nhà đang tăng” thay vì “Nhiều người mua bán nhà hơn trước.” Trên báo chí, những chữ “sự,” “tính” được dùng rất nhiều, đó là những tiếng dùng để biến một động từ hay tính từ thành danh từ; biến cụ thể thành trừu tượng. Người ta viết: “Phải bảo vệ tính trong sáng của tiếng Việt” theo lối tiếng Pháp, tiếng Anh. Theo lối Việt Nam, mình sẽ nói: “Phải bảo vệ tiếng Việt trong sáng.” Tuy nhiên khi nói những chuyện bình thường hàng ngày, người Việt Nam vẫn cưỡng lại các áp lực ngoại lai đó, họ vẫn nói tiếng Việt theo lối Việt; mà ngay cả khi “nhập cảng” tiếng ngoại quốc họ vẫn dùng theo lối Việt Nam (Nước Mắm Free!!)
Bảo vệ ngôn ngữ chỉ vì “tôi yêu tiếng nước tôi;” tình yêu tự động sinh ra một cách. Tiếng Hán Việt được nhận vào rồi tiêu hóa một cách tự nhiên, theo cơ cấu tiếng Việt có sẵn, hay theo “cảm thức ngôn ngữ” của những người nói tiếng Việt. Các nhà ngữ học có thể phân tích cả kho tiếng Hán Việt và việc sử dụng chúng để trình bầy “cảm thức ngôn ngữ” của người Việt Nam. Nhưng người dân Việt không cần định nghĩa cái cảm thức đó ra sao. Họ chỉ nói, nói theo lối đã quen từ nhiều ngàn năm trước, khi tổ tiên họ đã từng nói tiếng Môn-Khơ Me, thêm tiếng Mã Lai, ghép với tiếng Tầy – Thái; rồi mới học thêm chữ Hán. Việc dùng các tiếng Hán Việt không làm mất, cũng không làm hại tiếng Việt. Ngược lại, chúng giúp tiếng Việt phong phú và biến hóa uyển chuyển hơn nhiều. Nếu không dùng kho từ Hán Việt thì chúng ta sẽ mất rất nhiều thời giờ sáng chế ra những từ để diễn tả “Hóa học Hữu cơ,” “Chính sách Kinh tế Vĩ mô,” hay “Cơ quan Nguyên tử lực.” Hiện tượng mượn tiếng Hán dùng trong cơ cấu Việt diễn ra một cách tự nhiên, nói theo lối bây giờ là “có tính hữu cơ.” Vì ngay từ đầu khi tiếp xúc với người Hán thì tiếng Việt Nam tự căn bản đã đủ mạnh mẽ, rất khỏe khoắn rồi. Nhờ thế nó mới đủ sức “nuốt trôi” các yếu tố ngôn ngữ mới mà không nghẹn, và không bị bệnh khó tiêu!
Nhưng nếu chỉ nhờ riêng vào tiếng nói thì chắc người Việt Nam chưa đủ sức bảo tồn nền độc lập dân tộc. Ngôn ngữ chỉ là một phần trong gia tài văn hóa, trong đó nhiều thứ tạo thành “Hồn Tính” Việt Nam. Ngôn ngữ được hỗ trợ, được củng cố nhờ những yếu tố khác trong tổng thể đời sống văn hóa. Chúng ta giữ được tiếng nói cũng nhờ sức mạnh và trình độ vững vàng đạt được trong các lãnh vực khác. Tất cả tạo ra nền nếp tinh thần của dân tộc đã sẵn có trước khi tiếp xúc với Hán tộc, củng cố cho mạnh hơn ngay trong thời gian sống lệ thuộc.
Nền nếp tinh thần của một xã hội biểu lộ trong cuộc sống hàng ngày. Trong liên hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, phong tục tập quán của người Lạc Việt đã được thiết lập từ lâu. Trước khi các quan cai trị nhà Hán đưa các quy tắc Khổng Mạnh sang dậy, những truyện cổ tích từ đời Hùng Vương chứng tỏ người dân Việt đã sống với các quy tắc luân lý, những tín ngưỡng và một trật tự xã hội. Tổ tiên chúng ta có thể tự hào mà đem kể lại cho con cháu nghe đời này sang đời khác, để biết đạo làm người. Nền móng đạo lý và tâm linh của dân Lạc Việt đủ phong phú và sâu xa, nhờ các tín ngưỡng dân gian có sẵn. Lại thêm một tôn giáo được đưa từ Ấn Độ qua, là Phật Giáo, làm nền tảng cho một vũ trụ quan giải thích các quy tắc đạo đức đang được áp dụng. Các sức mạnh tinh thần này không nhìn thấy cụ thể như quần áo, nhà cửa, đồ gốm hay trống đồng; nhưng đó chính là những nền tảng để giữ bản sắc dân tộc Việt Nam. Các tín ngưỡng cổ truyền và mới du nhập đã giúp thêm sức mạnh cho tổ tiên chúng ta đứng vững trước cơn sóng của nền văn minh Hoa Hạ.
Chúng ta sẽ hiểu hơn về sức mạnh của các tín ngưỡng khi nhìn vào kinh nghiệm chung của cả loài người, sống trên cùng trái đất này. Nhiều quốc gia thành hình chỉ vì lý do tôn giáo. Ít nhất, tôn giáo đã giúp nhiều sắc dân gây được ý thức dân tộc để lập thành quốc gia. Vì cả hai đều là những cộng đồng thành hình trong trí tưởng tượng của mọi người, cộng đồng tôn giáo mạnh sẽ giúp cho cộng đồng dân tộc được mạnh hơn.