Dân Lạc Việt định cư tại vùng giao thoa giữa hai nền văn minh cổ nhất châu Á, Ấn Độ và Trung Hoa; cùng chung nguồn gốc, chia sẻ một nếp sống với các sắc dân ở Đông Nam Á.
Đây là một “ngã ba quốc tế” từ hơn 2000 năm trước. Giao thương trên biển dễ dàng nhờ hiện tượng gió mùa đều đặn mỗi năm. Dân đảo Sumatra, Java và bán đảo Mã Lai đã mở con đường thương mại với Ấn Độ, sang tới bờ biển Đông châu Phi. Người La Mã cũng biết tiếng Mã Lai là nơi sản xuất nhiều vàng và thiếc. Các thương gia Ấn Độ, Á Rập qua eo biển Malacca sang phía Đông, lên tới duyên hải Bắc Việt và miền Nam Trung Quốc.
Ấn Độ và Trung Hoa đã bắt đầu giao thương trên đường bộ xuyên qua vùng Trung Á nhiều thế kỷ trước Công Nguyên. Con đường Tơ Lụa bị ngăn trở vì biến loạn từ thế kỷ thứ tư đến thứ sáu, giao thương qua eo biển Malacca tăng thêm. Những di tích tìm được ở Óc Eo, Việt Nam, cho thấy đây là một hải cảng thương mại rất phồn thịnh.
Dân miền biển
Người miền Nam châu Á khác người Hán vì địa lý, phong thủy. Triết gia Pháp de Montesquieu, thế kỷ 18, đã nhận xét về ảnh hưởng của khí hậu trên phong tục và luật lệ. Ông ghi nhận dân miền nóng thường phóng khoáng trong các luật lệ hạn chế tình dục; còn dân xứ lạnh thì dễ dãi hơn đối với tật say sưa vì uống rượu. Ông còn thấy trẻ con gốc Âu châu sinh ra ở Ấn Độ, nơi khí hậu ấm áp, cũng mất cái “đức can đảm” của bố mẹ, những người sinh tại Âu châu, khí hậu khắc nghiệt hơn. (Sách 14 của bộ Tinh thần Pháp luật, De l’esprit des lois, 1748).
Nền tảng Văn minh Trung Hoa là nông nghiệp. Nông dân sống bằng tài nguyên ruộng đất cố định, chia nhau các mảnh ruộng mà diện tích tổng cộng đã bị giới hạn sau nhiều thế hệ khai phá; người chiếm được đất ruộng lớn hơn thì ruộng của người khác phải nhỏ hơn. Họ nhìn đời sống như một trò chơi trong đó anh này ăn thì anh kia thua, cộng lại thành số không (zero-sum game). Các định chế chính trị được đặt ra đáp ứng nhu cầu phân chia ruộng đất và lợi tức, hoa mầu. Mỗi cuộc nổi loạn và thay đổi triều đại ở nước Tàu đều bắt nguồn từ vấn đề phân bố tài nguyên này. Tài sản ruộng đất được truyền từ đời trước sang đời sau; cho nên gia đình thành một đơn vị xã hội căn bản, quyền của cha trên con, người chồng đối với người vợ được quy định chặt chẽ.
Tổ tiên người Việt sống ven sông, ven biển. Người đánh cá không cạnh tranh ráo riết; mà có thể cộng tác để cùng nhau khai thác thứ tài nguyên lưu động này. Việc trồng lúa nước cũng đòi hỏi những tổ chức hợp tác lớn hơn gia đình, trong đó có việc đắp đê, khai sông ngòi. Cuộc sống tương đối tự do, khuyến khích phân công và hợp tác. Cộng tác sẽ sinh thêm nguồn lợi, không còn là “zero-sum game” nữa, mà là “positive-sum game,” hai bên đều được lợi.
Trên các trống đồng thấy hình những chiếc thuyền lớn, có các nghi lễ ở trên mặt nước, diễn tả cuộc sống tập thể của dân miền sông, biển.
Ngay từ lúc bắt đầu bị quân Hán chiếm đóng, năm 111 TCN, tổ tiên người Việt phải thấy cách mình sống khác hẳn những người trong đạo quân chinh phục hay các thư lại người Hán.
Khí hậu nóng tất nhiên y phục và phong tục cũng giản dị. Dân miền sông miền biển hàng ngày cởi trần ra ngoài làm việc là điều tự nhiên. Khổng Tử nói “Người trí thích nước, người nhân thích núi,” (Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn), nhưng không thấy chính ông Khổng hay ông Mạnh nói họ đã trông thấy biển bao giờ. Ông Khổng nghe nói có những người vẽ hình tôm cá lên mình thì cho là họ là “man di,” lo ngại người Hán sẽ bắt chước. Nếu mọi người ganh đua vẽ hình cho đẹp, thì tất nhiên là họ sẽ cởi trần tự nhiên! Lễ nghĩa của nhà Nho coi đó là một hành động phóng túng, mất phẩm giá, có thể xúc phạm người khác.
Dân vùng biển ở phía Nam có không gian rộng rãi nên tính tình tự do phóng khoáng chứ không quá nghiêm túc, khắc khổ như người Hán phương Bắc. Họ ôn hòa, rộng lượng, thường không quá khích, cực đoan; một phần vì đời sống kinh tế dễ dãi; phần khác vì đã tiếp xúc với người ngoại quốc. Họ gặp gỡ các nhà buôn hoặc tu sĩ Ấn Độ trong cả ngàn năm trước Công nguyên. Năm thế kỷ TCN, những tổ chức quốc gia đã ra đời ở Campuchia và ở Việt Nam.
Người Hán ở phương Bắc coi trọng gia tộc; học thuyết chính trị và luân lý Khổng Mạnh đặt trên căn bản gia đình. Họ đề cao quyền gia trưởng, từ đó tôn kính những người đàn ông nắm quyền hành. Dân ven biển làm chủ đời sống riêng của mình hơn dân ở lục địa nên họ biết tôn trọng cá nhân chứ không xóa bỏ cá tính để bắt mọi người phải giống nhau. Họ tôn trọng vai trò phụ nữ trong xã hội; một thái độ được giữ mãi, sau khi nếp sống phụ hệ đã thịnh hành cũng không thay đổi. Xã hội Việt Nam dựa trên làng xã; trong làng xóm có nhiều thứ tổ chức tự nguyện, các tổ chức tập họp hàng ngang.
Nếu chỉ đọc các sử gia người Hán mô tả thì xã hội Lạc Việt trong hai thế kỷ đầu tiên vẫn còn rất “man rợ”: Chưa biết may quần áo mặc; chưa biết cầy ruộng; trai gái chung chạ không hôn thú chính thức; vân vân. Các sử gia này căn cứ vào đâu mà viết như thế? Chắc họ chỉ có thể dựa vào báo cáo hay hồi ký của các quan cai trị được nhà Hán gửi sang Giao Chỉ. Những quan lại này thế nào cũng hạ thấp trình độ của dân địa phương xuống để thổi phồng “thành tích giáo hóa” của họ.
Người Việt là nước duy nhất ở Đông Nam Á bị người Trung Hoa chiếm đóng, chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa trực tiếp và sâu đậm. Dân các nước Đông Nam Á khác đều theo Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, hoặc cả hai.
Ảnh hưởng Ấn Độ
Đạo Phật và Ấn Độ Giáo được phổ biến trong vùng Đông Nam Á, từ đảo Java đến Capuchia. Srivijaya ở phía Đông Nam đảo Sumatra đã trở thành một trung tâm thương mại, là nơi Phật Giáo Bắc Tông (Đại Thừa) phát triển. Giới quý tộc lập đền thờ các vị thần Ấn Giáo, học sử dụng chữ Sanskrit; các vị vua dùng danh hiệu và viết tên các thành thị bằng chữ Sanskrit. Dân Đông Nam Á theo người Ấn Độ, thờ các vị thần Siva, Visnhu, có khi cả hai nhập làm một; nhưng họ không áp dụng hệ thống đẳng cấp như tại Ấn Độ. Dân chúng thì vẫn giữ các tín ngưỡng cổ truyền.
Khoảng ba bốn thế kỷ trước Công Nguyên, sắc dân Môn-Khơ Me tách ra hai nhóm, đa số người Môn sống ở Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai; còn người Khơ Me (Khmer) tập trung ở Campuchia và phía Nam Lào. Dân Khơ Me sống ven biển đã buôn bán với Ấn Độ, học văn minh Ấn Độ qua đường biển. Giữa thế kỷ thứ ba TCN, các đoàn truyền giáo của Vua Ashoka đã dậy đạo Phật cho người Môn và người Khơ Me. Tại vùng phía Tây Miến Điện từ hai thế kỷ trước Công Nguyên, người Môn đã lập một vương quốc; buôn bán với Ấn Độ. Thế kỷ thứ 7, một vương quốc Môn cai trị miền Tây Thái Lan và miền Nam Miến Điện
Vương quốc Phù Nam thành lập chung quanh biển hồ Tonlesap và sông Mekong (Cửu Long) từ thế kỷ thứ nhất, do sự kết hợp của một ông hoàng gốc Ấn Độ từ biển tới, với một nữ vương bản xứ từ miền núi. Nghe cũng giống như truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ của nước ta. Dân Phù Nam nói tiếng Môn-Khờ Me. Lê Mạnh Thát phát hiện chuyện Một Mẹ Trăm Trứng có nguồn gốc từ Mahabharata, bản anh hùng ca cổ nhất của Ấn Độ.
Tên Phù Nam là do cách ghi chép của một sứ giả người Trung Hoa sau một cuộc thăm viếng vào năm 230. Nguồn gốc tên gọi này là chữ Phnom, nghĩa là Núi. Vị sứ giả Trung Hoa nhận xét là dân chúng Phù Nam da đen, tóc quăn và sống “lõa thể;” vì thế ông kể công của mình đã khuyến cáo nhà vua hãy bắt dân chúng mặc quần áo cho đứng đắn! Vào thế kỷ thứ ba đế quốc Phù Nam mở rộng sang đến Thái Lan, bán đảo Mã Lai qua tới vùng phù sa bồi đắp ở cuối giòng sông Cửu Long, nay thuộc Việt Nam.
Thế kỷ thứ 6, lãnh tụ một tiểu quốc người Khơ Me lật đổ quốc vương Phù Nam; từ năm 550 Phù Nam diệt vong. Đế quốc Khmer mới được sử Trung Hoa gọi là Chân Lạp, mở rộng từ thế kỷ thứ 7. Thủy Chân Lạp bao gồm vùng Biển Hồ và hạ lưu sông Mekong. Trong đất liền thì Lục Chân Lạp mở rộng lên qua địa giới Lào và miền Đông Thái Lan bây giờ. Cuối thế kỷ thứ 7 nước Chân Lạp tan rã vì nội loạn, các nước chung quanh chia nhau chiếm đóng, đến đầu thế kỷ thứ 9 mới khôi phục lại, mở đầu một thời kỳ bành trướng và xây dựng đền đài gần ba thế kỷ.
Nếu chúng ta giả thiết rằng trình độ tiến hóa của người Việt trong mấy thế kỷ đầu kỷ nguyên Tây Lịch cũng tiến bộ ngang với người Khmer và người Champa thì cũng không có gì quá đáng. Nước Phù Nam ra đời vào thế kỷ thứ nhất, sau đó người Champa lập nước Lâm Ấp vào thế kỷ thứ hai. Có thể suy ra rằng, nếu trong cùng thời gian đó mà nước ta không bị quân Hán chiếm đóng thì người Việt chắc hẳn đã thành lập một quốc gia lớn không khác hai nước này.
Làn sóng Văn minh Ấn Độ tự nhiên cũng tràn tới địa phận nước ta. Khi nghiên cứu Lục Độ Tập Kinh, Lê Mạnh Thát nhận thấy người Việt thời Hùng Vương đã ấn định lịch mỗi năm 360 ngày; mỗi tháng 30 ngày; một tuần là bẩy ngày giống như lịch pháp Ấn Độ, trong khi lịch Trung Hoa thời đó ấn định một tuần là 10 ngày. Một tấm bia cổ tìm thấy tại làng Võ Cảnh, Nha Trang, viết bằng chữ Sanskrit, niên đại xác định vào thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên. Có thể suy ra rằng tại vùng này chữ Sanskrit đã thông dụng từ trước, vào đầu kỷ nguyên Tây lịch hay sớm hơn. Nhiều phần, những người Ấn Độ tới đó là nhà buôn, nhiều người cũng thuộc đẳng cấp bà la môn, Brahmin, quen dùng chữ viết. Họ đã dựng bia ở Nha Trang, đi tới cả vùng ven biển ở Quảng Đông.
Các cụ tổ mình trong huyền thoại như An Tiêm, Chử Đồng Tử đã tiếp xúc với họ. Chuyện cổ tích cho thấy An Tiêm đã học được niềm tin nhân quả; Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã được một nhà sư Ấn Độ dậy đạo Phật. Ngoài ra ba nhân vật trên còn học được của các nhà buôn người Ấn Độ những lợi ích của thương mại. Theo cổ tích, cả ba vị, An Tiêm, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đều nhờ buôn bán mà khá giả. Bờ biển Việt Nam cống hiến những địa điểm có thể thành trung tâm “thương mại quốc tế” từ hơn hai ngàn năm trước. Ở Óc Eo người ta đã thấy cả những đồng tiền mang hình hoàng đế La Mã.
Văn minh Ấn Độ tới các nước Đông Nam Á theo một quá trình hòa bình, khác cuộc bành trướng của văn minh Trung Hoa. Các dân tộc Đông Nam Á không phải đánh nhau chống lại một đạo quân từ bán đảo Ấn Độ tới. Ảnh hưởng của Ấn Độ hoàn toàn là do tính chất hấp dẫn về tôn giáo, văn hóa của họ, trong cuộc giao tiếp giữa những người bình đẳng.
Văn minh Ấn Độ
Các tu sĩ Ấn Độ cùng các thương gia tới Việt Nam nhiều thế kỷ trước quân nhà Hán. Khi nghiên cứu Lục Độ Tập Kinh, Lê Mạnh Thát nhận thấy người Việt thời Hùng Vương đã ấn định lịch mỗi năm 360 ngày; mỗi tháng 30 ngày; một tuần là bẩy ngày giống như lịch pháp Ấn Độ, trong khi lịch Trung Hoa thời đó ấn định một tuần là 10 ngày. Nhờ tiếp xúc với văn minh Ấn Độ, người Việt học đạo Phật có sẵn một căn bản tinh thần, những quy tắc đạo đức và một vũ trụ quan mở rộng.
Ấn Độ là một lục địa rộng lớn với nhiều chủng tộc, nhiều ngôn ngữ cũng như Trung Quốc. Tuy vậy, người Ấn Độ chỉ thành lập quốc gia vào năm 1947, tức là sau Tần Thủy Hoàng 22 thế kỷ. Trên bán đảo rộng như một lục địa này cũng diễn ra một quá trình đồng hóa, với một nền văn minh từ phía Bắc tràn xuống Nam. Công cuộc đồng hóa kéo dài mấy ngàn năm, các sử gia gọi là Aryan hóa hoặc Sanskrit hóa.
Nhưng ở Ấn Độ không có một giống dân mạnh nhất tìm cách lấn chiếm và đồng hóa các sắc dân khác, như vai trò của người Hán bên Trung Quốc. Những vị vua khai sáng các đế quốc ở Ấn Độ phần lớn lại là người ngoại quốc, chỉ huy các đạo quân xâm lăng tạp chủng. Có nhiều người từ các nước Trung Á, có những đạo quân gốc Mông Cổ; rồi đến người Ba Tư, người Á Rập, cuối cùng là người Anh. Các hoàng đế thường không chiếm trọn cả bán đảo Ấn Độ. Ngay cả những vị anh minh lẫy lừng như Ashoka cũng chỉ truyền ngôi được vài đời là chấm dứt; con cháu lại trở về đóng vai các tiểu vương trong các đế quốc mới. Ashoka dựa trên giáo lý đạo Phật đưa ra những quy tắc đạo lý để cai trị cả một đế quốc rộng lớn; nhưng triều đại của ông không kéo dài; phải đợi tới thế kỷ 20 chính phủ Ấn Độ mới phục hồi các di sản của ông. Biểu tượng của nước Ấn Độ bây giờ là một trong những trụ đá ghi các lời giáo huấn, do Ashoka dựng lên.
Các hoàng đế Ấn Độ không truyền bá một tín ngưỡng, cũng không huấn luyện một hệ thống thư lại mới sau khi chinh phục. Họ không bắt “thiên hạ” phải sử dụng một thứ chữ viết chung, như Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc. Hồi Giáo mang chữ Á Rập vào nhưng chỉ những người cải đạo tụng kinh, trong các giáo đường. Ngoài dân gian, trong giới trí thức, người Ấn Độ vẫn dùng những chữ viết gốc từ chữ Sanskrit.
Ấn Độ Giáo truyền tới đâu lại thu nhận các thần thánh của dân địa phương vào ngôi đền chung; không bắt ai xóa bỏ tất cả bàn thờ của họ. Trong quá trình Aryan hóa, một vị thần của Ấn Độ Giáo dần dần thêm rất nhiều hóa thân. Cứ tới một vùng mới người ta lại khám phá ra có một vị thần ở đó với nhiều đặc tính giống như một vị thần mình đang thờ. Cứ như vậy, Ấn Độ Giáo chuyển hóa và phát triển khắp bán đảo rồi bành trướng qua Thái Lan, Phù Nam, Chiêm Thành, các vương quốc tại Java, Sumatra, Indonesia, trong vùng Đông Nam Á.
Khác với chữ Hán, chữ Sanskrit không mang theo sức mạnh đồng hóa. Vì Sanskrit là chữ ký âm chứ không tượng hình, hội ý như chữ Hán. Cho nên, dù người ta có thể mô phỏng các mẫu tự ABC trong chữ Sanskrit hoặc Pali để viết và phiên âm các ngôn ngữ địa phương, như người Thái Lan, Miến Điện đã làm, nhưng khi viết ra thì chỉ những người nói ngôn ngữ đó mới đọc là hiểu được thôi. Giống như chữ Việt bây giờ dùng chung các mẫu tự như tiếng Bồ Đào Nha hoặc tiếng Pháp, nhưng nếu dân các nước này đọc chữ Việt thì cũng không hiểu. (Trừ tiếng “congay” trong tự điển Larousse giải nghĩa là “con gái An Nam mít,” và chữ “bánh mì” đã ghi vào tự điển Oxford, giải thích đó là “xăng uých” làm theo lối Việt Nam!)
Ngược lại với chữ Sanskrit, khi một chữ Hán viết ra, các sắc dân dùng thổ âm đọc lên khác nhau, nhưng nhìn mặt chữ thì tất cả cùng hiểu một nghĩa. Nhờ thế, có thể sử dụng chữ Hán như một khí cụ để ra lệnh hoặc truyền bá kiến thức, tư tưởng cho dân cư một đế quốc rộng lớn.
Văn minh Ấn Độ đóng góp nhiều cho nhân loại. Tư tưởng người Ấn đã đi nhiều bước sớm trước cả thế giới. Những hệ thống triết học lớn, sâu xa và đa dạng ra đời. Các tăng đoàn Phật Giáo đã thực hành những quy tắc nghị sự có tính cách dân chủ và bình đẳng sớm nhất thế giới. Tập tục biểu quyết trong tăng đoàn ra đời hàng thế kỷ trước các thành thị Hy Lạp; mà tại Hy Lạp quyền bỏ phiếu chỉ dành cho một thiểu số gọi là công dân. Trong tăng đoàn chấp nhận những bất đồng ý kiến; nếu phân ly cũng không gây ra thánh chiến.
Người Ấn Độ khai sáng các môn toán như đại số học, lượng giác, phát triển mạnh và truyền cho người Á Rập. Cách viết các con số tại Ấn Độ được người Á Rập sử dụng rồi đem dậy cho người Âu Châu từ thế kỷ thứ 11, 12 đời Trung Cổ. Không có cách viết các con số này, nếu châu Âu vẫn dùng những chữ số La Mã, thì các môn số học và đại số học sẽ khó phát triển. Có lẽ sáng kiến vĩ đại nhất của người Ấn Độ là nghĩ ra số không, zero! Nếu không có cách biểu hiện tình trạng “không có gì hết” bằng một con số thì nền toán học của thế giới sẽ tiến rất chậm, mà không biết đến đời nào loài người mới sáng chế ra máy vi tính computer để viết như thế này! Sáng kiến toán học này đi song hành với khái niệm về “không” – tính trống rỗng-trong văn học Bát Nhã của Phật Giáo.
Khác với đế quốc Trung Hoa, nền văn minh Ấn Độ không tạo ra một “giai cấp thư lại” làm giềng mối cho hệ thống hành chánh, như vai trò của các Nho sĩ ở Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của Nho học. Đẳng cấp Brahmin ở Ấn Độ cha truyền con nối, còn kẻ Sĩ ở Trung Hoa từ đời Xuân Thu đã mở rộng cho tất cả mọi người tham dự. Vì thế, xã hội Trung Hoa đã “chuyên môn hóa” một đạo quân hành chánh, ở Ấn Độ thì không. Cho tới khi đế quốc Anh đến, mang theo một guồng máy thu thuế và luật lệ, nước Ấn Độ mới có một hệ thống “bureaucracy” thống nhất. Nước Ấn Độ bây giờ còn thừa hưởng guồng máy hành chánh đó, cùng với hệ thống tư pháp kiểu Anh quốc và chế độ dân chủ đại nghị.
Văn minh Ấn Độ không được truyền bá qua Đông Nam Á qua những cuộc chinh phục. Các tu sĩ Ấn Độ Giáo, và những tăng đoàn Phật Giáo do vua Ashoka gửi đi vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, lên thuyền với các nhà buôn, không theo các đạo quân viễn chinh. Khi Ấn Độ Giáo truyền tới đâu lại thu nhận các thần thánh của dân địa phương vào ngôi đền chung; không bắt ai xóa bỏ tất cả bàn thờ của họ. Trong quá trình Aryan hóa, một vị thần của Ấn Độ Giáo dần dần thêm rất nhiều hóa thân. Cứ tới một vùng mới người ta lại khám phá ra có một vị thần ở đó với nhiều đặc tính giống như một vị thần mình đang thờ. Cứ như vậy, Ấn Độ Giáo chuyển hóa và phát triển khắp bán đảo rồi bành trướng qua Thái Lan, Phù Nam, Chiêm Thành, các vương quốc tại Java, Sumatra, Indonesia, trong vùng Đông Nam Á.
Di sản Đông Nam Á
Lịch sử dân tộc Việt Nam, trong hai, ba ngàn năm trước khi tiếp xúc với người Hán, không thể tách rời khỏi lịch sử vùng Đông Nam Á. Ảnh hưởng của văn minh Đông Nam Á đã giúp dân Việt có một nền tảng vững chắc, bảo vệ bản sắc của mình. Sau một ngàn năm Bắc thuộc dân ta vẫn không bỏ nhiều tập tục của các sắc dân vùng biển phía Nam. Thí dụ tục nhuộm răng, ăn trầu, tục vẽ mình, búi tóc mà không đội mũ, mặc áo ngắn, và mặc váy không mặc quần. Một sắc thái đặc biệt nhất là quan niệm coi đàn bà và đàn ông bình đẳng, liên hệ nam nữ không phân biệt, câu nệ như phong tục người Hán.
Vào thời đồ đá cũ, năm bẩy ngàn năm trước, một giống người da đen (negritos) sống rải rác trong vùng Đông Nam Á, lan tới Hoa Nam. Các thổ dân ở Úc châu bây giờ còn giữ các đặc tính cổ xưa nhất của giống negritos này. Dân Môn-Khơ Me thuộc họ Nam Á từ Ấn Độ đi qua Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, chung sống cùng các thổ dân da đen. Một làn sóng di cư lớn khác, hai ba ngàn năm trước Tây Lịch, đưa những người thuộc giống dân Nam Đảo tới Đài Loan, qua Phi Luật Tân; họ cũng tới các bờ biển Việt Nam và Mã Lai, miền Nam Thái Lan, và các đảo thuộc Indonesia. Một làn sóng di dân khác thuộc giống người nói tiếng Thái từ vùng Tứ Xuyên đi xuống Vân Nam. Họ theo thung lũng các con sông theo hướng Bắc Nam phát xuất từ cao nguyên Tây Tạng, định cư ở Thái Lan, Miến Điện, Lào, miền Bắc Việt Nam. Các đợt di dân này tạo thành các dân tộc vùng Đông Nam Á ngày nay.
Văn minh Đông Nam Á biểu hiện trong các di tích của nền văn minh Hòa Bình, Bắc Sơn, đặt tên theo những địa điểm tìm được nhiều di chỉ sớm nhất. Tên gọi Văn minh Hòa Bình bao gồm cả nước Việt Nam, Campuchia, Lào, miền Đông Thái Lan, và bán đảo Mã Lai. Từ ba ngàn năm trước Công Nguyên, dân vùng này đã biết làm ruộng, nuôi heo, làm đồ gốm, làm thuyền, buôn bán, và thờ tổ tiên.
Trung tâm Đông Sơn thuộc vùng Thanh Hóa bây giờ; nổi bật với đồ bằng đồng, chế tạo dao, rìu, đồ trang sức, và những trống đồng. Nền văn minh này bao trùm tới các đảo Sumatra, Java, phía Nam đảo Borneo và cả đảo Celebes với các hòn đảo cực Đông của Indonesia ngày nay.
Nền văn minh vật chất ở Đông Nam Á đã đạt được nhiều tiến bộ sớm hơn người Trung Hoa ở vùng sông Hoàng, từ ba ngàn năm trước Công Nguyên. Các di chỉ khảo cổ ở Hòa Bình, Việt Nam và Non Nok Tha, Ban Chiang, Thái Lan, cho thấy họ đã trồng lúa trước vùng Hoa Bắc. Đồ gốm, đồ đồng bắt đầu có ở Đông Nam Á cùng một thời kỳ với miền Mesopotamia (Iraq bây giờ), là nơi người ta vẫn nghĩ là cái nôi cổ nhất của văn minh nhân loại. Dân Đông Nam Á ở những cánh đồng nhiều sông lạch đã thay loại lúa trồng trên đất khô bằng loại lúa nước. Họ biết dùng thủy triều dẫn nước vào ruộng, do đó chắc phải có một hình thức chính quyền để phụ trách các công tác tập thể này.
Các nhà khảo cổ đào được di tích những bộ xương súc vật ở những khu người cư ngụ, chứng tỏ trước đây gần 4, 000 năm họ đã thuần hóa các loài gia súc như gà và lợn; nhất là đã nuôi trâu để kéo cầy. Nhờ các tiến bộ kỹ thuật đó nên họ sản xuất dư thực phẩm, đủ để nuôi những thợ thủ công, và các công nhân khai mỏ.
Vào khoảng 1, 600 năm TCN, dân ở Thái Lan bây giờ đã biết chế ra hợp kim đồng và thiếc; vì họ sống trong vùng rất nhiều mỏ thiếc, nay còn đào được những mũi giáo, vòng đeo tay, chuông khánh. Trống đồng kiểu Đông Sơn cũng tìm thấy ở khắp vùng Đông Nam Á, từ các quần đảo tại Indonesia sang đến tận New Guinea, và lên phía Bắc đến tận nước Điền, ở tỉnh Vân Nam bây giờ. Nhờ có nhiều mỏ thiếc, quặng đồng được pha chế cho cứng cáp hơn. Nhiều nhà sử học Thái Lan cho rằng chính dân vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia) đã học được nghề đúc đồng từ Đông Nam Á, vì miền Lưỡng Hà ít mỏ thiếc hơn. Trong tiếng Trung Hoa, đồng được gọi là “tong,” tên gọi này xuất phát từ ngôn ngữ cổ của miền Đông Nam Á, người Hán có thể đã học từ dân Đông Nam Á.
Trong thời Bắc thuộc, quận Giao Chỉ ở gần Trung Quốc nên áp lực Hán hóa được tập trung rất mạnh. Nhưng quận Cửu Chân, từ Thanh Hóa trở vào, trong một ngàn năm sau vẫn là một cái nôi của tinh thần phản kháng ách đô hộ. Đó cũng là nơi người Việt còn tiếp xúc liên tục với các sắc dân Champa và Khơ Me; kể cả những nhà buôn Nam Đảo, từ đảo Sumatra và Java, thuộc Indonesia, và Mã Lai. Vào thế kỷ thứ hai người Champa đã lập vương quốc Lâm Ấp, từ Huế trở xuống. Ảnh hưởng Ấn Độ vẫn dể lại trong nhiều di tích từ Quảng Nam vào đến Bình Định. Người Champa cùng một gốc với người Việt thời cổ, Lê Mạnh Hùng cho rằng họ cũng là một sắc dân Lạc như người Việt thời Hùng Vương.
Tổ tiên chúng ta phải thấy người Lâm Ấp và người Phù Nam gần gũi với mình hơn người Trung Hoa từ phương Bắc. Từ thế kỷ thứ 6, người Champa đã quay hướng phát triển tiến xuống phía Nam, chinh phục vùng hạ lưu sông Cửu Long, sang tới Campuchia bây giờ, có lúc họ là một đế quốc mở rộng tới biên giới Thái Lan. Thành công của các dân tộc này chắc chắn đã tác động trên ý thức tự chủ của dân Việt.
Các quan nhà Hán coi dân hai quận Cửu Chân và Nhật Nam, từ Thanh Hóa vào đến Quảng Bình bây giờ, là khó cai trị nhất, vì “tính hay nổi loạn.” Đầu thế kỷ thứ 8, rất nhiều người thuộc các sắc dân phía Nam đã có mặt trong đoàn quân của Mai Thúc Loan. Trong Nhìn Lại Sử Việt), Lê Mạnh Hùng đã nêu lên mối quan hệ giữa các cuộc chiến tranh trong vùng Đông Nam Á, đặc biệt là giữa các đảo thuộc Indonesia bây giờ, với cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Trong đoàn quân hỗn tạp của Mai Hắc Đế chắc có nhiều sắc dân Đông Nam Á; có thể vì vậy nênkhông lôi cuốn được dân miền Sông Hổng cùng nổi lên theo, vàkhi thất bại thì tan rã rất nhanh. Biến cố này có thể là một cố gắng liên minh những giống dân Đông Nam Á chống lại sự bành trướng của người Hán.
Nhưng mối dây liên kết giữa tổ tiên chúng ta và các sắc dân Đông Nam Á không phải là những liên minh chính trị hay quân sự. Đáng kể nhất là những quan hệ về phong tục, tập quán, vì người phương Nam sống trong các điều kiện địa lý, khí hậu giống nhau.
Một điểm nổi bật trong phong tục người Lạc Việt cũng như dân các đảo miền Nam Thái Bình Dương là tôn trọng vai trò của người phụ nữ, trong gia đình cũng như trong xã hội, khác hẳn “lẽ giáo” của Nho gia đề cao nam giới. Các người nghiên cứu xã hội đều công nhận phụ nữ vùng Đông Nam Á ngày nay đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị hơn các vùng khác. Họ có thể làm chủ những công việc như buôn bán, những địa vị thường dành cho đàn ông ở Âu châu, ở Ấn Độ, miền Trung Đông và Trung Quốc. Nhiều học giả đã nghiên cứu vấn đề này, như Jane Monnig Atkinson và Shelly Errington, trong cuốn Power and Difference: Gender in Island Southeast Asia (Stanford: Stanford University Press, 1990); hay Penny Van Esterik, ed., Women of Southeast Asia (DeKalb: Center for Southeast Asian Studies, Northern Illinois University, 1996). Văn minh Đông Nam Á đề cao vai trò phụ nữ là một điều phân biệt tổ tiên người Việt với người Hán.
Xã hội Trung Hoa đề cao uy quyền của người đàn ông. Trong cuộc đời Khổng Tử, không thấy bóng dáng một người đàn bà nào cả; dù người ta biết ông mồ côi sớm, được mẹ nuôi, và có đứa em trai khác cha. Ông Tăng Sâm được đề cao như một tấm gương về đạo Hiếu. Nhưng chính bà mẹ ông lại chỉ nổi tiếng như một gương xấu khi một người bị ảnh hưởng của “tuyên truyền, mất cả niềm tin ở đứa con có đạo đức của mình. Bà mẹ nghe người ta đồn đãi bậy bạ “Tăng Sâm giết người” nhiều lần, sợ quá đang ngồi dệt vải cũng bỏ cả khung cửi mà trốn đi! Tại sao người Trung Hoa rất tôn kính ông con trai mà lại đi nói xấu bà mẹ ông suốt mấy ngàn năm như vậy? Một phụ nữ hiếm hoi ở Trung Quốc đời xưa đã được tuyên dương là mẹ thầy Mạnh Tử. Nhưng tại sao bà được ca ngợi? Chỉ vì bà biết chọn chỗ ở nuôi đứa con trai gần một trường học; được tuyên dương vì công cung cấp cho xã hội một người đàn ông hữu dụng. Những người đàn bà có tài ở Trung Quốc, khi nắm chính quyền đã sử dụng guồng máy cai trị vào nhiều việc ích lợi cho quốc gia, như Lã Hậu đời Hán, Võ Hậu đời Đường; nhưng họ đều bị người Trung Hoa lên án về tội thoán đoạt, chiếm lấy một công việc dành cho nam giới. Nói chung, chỉ các phụ nữ yên phận làm con, làm vợ, làm mẹ, mới được văn hóa Trung Hoa đề cao.
Dân miền Đông Nam Á và các quần đảo phía Nam không quen suy nghĩ theo lối đó. Phải nêu rõ sự khác biệt này, vì trong cuộc sống của loài người khắp nơi, mối tương quan giữa người nam và người nữ có ảnh hưởng lớn trên tất cả các tương quan khác. Người phụ nữ được đối xử bình đẳng ra sao thì cách đối xử giữa người và người với nhau cũng vậy. Những xã hội tôn trọng phụ nữ thì luật lệ khoan nhu, nhân đạo hơn, phong tục phóng khoáng hơn. Khi phụ nữ được đối xử bình đẳng về kinh tế, như trong việc chia gia tài cho các con, hay con gái được đi học như con trai, thì sức sản xuất của cả xã hội cũng lên cao hơn. Xưa nay người Trung Hoa ít chú ý đến vấn đề nam nữ thiếu bình đẳng vì các sách lịch sử và tư tưởng đều do đàn ông viết. Có mỗi một nữ sử gia Trung Hoa nổi tiếng là bà Ban Chiêu 班昭, 49-140) thì bà cũng chỉ đóng vai phụ cho Ban Cố (班固, 32–92 SCN), rồi được lệnh vua viết tiếp Hán Thư sau khi ông anh qua đời. Nhưng tác phẩm của bà được nhắc tới nhiều nhất là bộ Nữ Giới, cuốn sách nhắm giáo dục phụ nữ, không thuộc mônlịch sử là nghề gia truyền.
Dân Việt trọng phụ nữ theo phong tục của các sắc dân Đông Nam Á. Vì thấy ở nước ta địa vịphụ nữ cao hơn ở bên Tàu, cho nên các quan lại nhà Hán như Tích Quang, Nhâm Diên thấy dân bản xứ còn “man di.” Nhiều sắc dân bắt đầu tự coi minh tiến bộ, văn minh khi đàn ông nắm quyền và coi thường nữ giới. Cả hai nền văn minh Hy Lạp và Hoa Hạ đều như vậy. Người Giao Chỉ theo đạo Phật tập nhiễm một thái độ khác hẳn. Đức Phật Thích Ca đã nhượng bộ bà mẹ mình, thay đổi giới luật tăng đoàn để nhận phụ nữ; bãi bỏ độc quyền của nam giới mà các Brahmin trong Ấn Độ Giáo vẫn nắm giữ.
Các sử gia Hy Lạp gọi những sắc dân từ Châu Á tiến sang vùng Hắc Hải bị là man di. Họ mang theo những đặc tính gì mà bị khinh rẻ như vậy? Ngôn ngữ Hy Lạp phân biệt dân “văn minh” và dân “man di” (barbarian) từ thời Aeschylus (525-455 TCN) và Euripides (480-406 TCN), hai sử gia kể chuyện các cuộc xâm lăng của quân Ba Tư. Họ mô tả dân man di tính tình hung dữ, không có kỷ luật bản thân, sống theo tình cảm, ham chuộng xa xỉ, khác hẳn người Hy Lạp vốn đề cao lý trí và đức khắc khổ, tự tiết chế. Có một đặc điểm của dân man di mà người Hy Lạp không thể nào chấp nhận được, là họ để cho phụ nữ nắm quyền trên cả đàn ông. Đối với họ, chỉ những xã hội do đàn ông làm chủ mới là văn minh. Một sử gia thời trước đó là Herodotus (480-425 TCN) không kỳ thị quá đáng như thế, vì ông đã thăm các nước xa xôi, được thấy nhiều hơn. Herodotus kể huyền thoại xã hội Amazon do đàn bà làm chủ.
Những đạo quân và di dân từ Trung Á tiến về phía Tây vì đồng cỏ bị người Thổ Phồn xâm lấn là dân Scythian và Samartian; cả hai đều có các nữ tướng. Các bà cũng cầm gươm, cưỡi ngựa, chỉ huy các đạo quân! Đó là điều người Hy lạp “văn minh” không tưởng tượng nổi! Thế giới Tây phương bây giờ vẫn còn chịu ảnh hưởng của cách nhìn này. Ở Mỹ, tới năm 1919 phụ nữ mới chính thức được quyền làm chủ ruộng đất. Tại nước ta Luật Hồng Đức đã công nhận quyền con gái được chia gia tài ruộng đất như con trai từ thế kỷ 15, phản ảnh một tập quán lâu đời.
Việt Nam trước đây vài ngàn năm chắc cũng bị người Hán coi là “man di” khi thấy các nữ tướng của hai Bà Trưng, và bà Triệu ra mặt trận thúc quân tiến lên bằng tiếng “cồng.” Cồng là một nhạc khí hình tròn, bằng đồng, thường theo trên giá gỗ, đánh bằng dùi như dùi trống. Người Việt có câu tục ngữ “Lệnh ông không bằng Cồng bà;” có thể bắt nguồn từ hiện tượng các nữ tướng đánh cồng. Các vị quan lại Trung Hoa đầu tiên tới nước ta chắc đã kinh ngạc khi thấy người Việt tôn trọng phụ nữ. Người lạc Việt tự xác định mình không giống người Hán. Tinh thần bình đẳng được giữ gìn cho tới khi nước mình giành quyền tự chủ. Khi các sử gia giải thích sự kiện Hai Bà Trưng, Bà Triệu lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa sớm nhất, người ta thường coi đó là do chế độ mẫu hệ vẫn tồn tại. Nhưng phải nhìn xa tới căn nguyên của hiện tượng này, là người mình thừa hưởng nền văn minh Đông Nam Á. Sau khi chế độ mẫu hệ đã chấm dứt thì các bà tướng chỉ huy kháng chiến vẫn được suy tôn làm vua, thờ làm thần. Nước mình vẫn còn đến ngày nay là nhờ các bà “Mẹ Việt Nam.” Câu tục ngữ “Phúc đức tại mẫu” được truyền tụng như một sự thật không cần bàn cãi.
Phụ nữ phương Nam
Như chúng ta thấy, hai ông “quan tốt” Tích Quang, Nhâm Diên đã “cải tổ hôn phối,” nhằm xóa bỏ phong tục của người Việt. Họ cấm trai gái không được tự do gặp gỡ; bắt các con phải lấy họ của bố; đặt quyền gia trưởng trong gia đình. Sau năm 43 trong số những “Hán luật” được Mã Viện áp dụng ở Giao Chỉ, khi thay đổi “hơn mười điều Việt luật,” chắc phải có những điều đề cao quyền gia trưởng theo quy ước “nam ngoại, nữ nội.” Hành động này chắc chắn gây phản ứng chống đối trong dân Lạc Việt, sau nhiều thế kỷ họ vẫn chưa thành công.
Từ thế kỷ thứ nhất Bà Trưng được tôn lên làm thủ lãnh thay vì ông chồng (Thi Sách) cũng là con một lạc tướng. Bà Triệu được dân tôn là “Triệu Tướng,” và “Bà Vương“ chứ không suy tôn ông anh (Triệu Quốc Đạt). Nhiều cuốn sử đã ghi lầm, nói ông Thi Sách bị Tô Định giết nên Trưng Trắc khởi nghĩa trả thù, dựa theo Lĩnh Nam Chích Quái, một tập truyện viết vào thế kỷ 15. Nhưng các cuốn sử Trung Hoa sớm hơn, đáng tin cậy hơn, không nơi nào nói Thi Sách bị giết. Thủy Kinh Chú chép rằng: “Con lạc tướng Chu Diên là Thi Sách lấy con gái lạc tướng Mê Linh là Trưng Trắc. Trắc là người có can đảm dũng lược cùng Thi khởi binh đánh các châu quận, hàng phục được các lạc tướng; họ đều suy tôn Trắc lên làm vua… Hán sai Phục Ba Tướng Quân Mã Viện đem quân đánh, Trắc, Thi chạy vào Kim Khê Cứu, ba năm mới bắt được.” Chi tiết Trưng Trắc nổi loạn để “trả thù cho chồng” có thể được đời sau thêm vào, nêu ra một lý do cá nhân gây nên cuộc khởi nghĩa; làm lu mờ nguyên nhân quan trọng hơn là tinh thần đề kháng của cả một dân tộc.
Bà Trưng Trắc đứng đầu một châu chứng tỏ một phụ nữ có quyền thừa kế chức vụ chỉ huy quân sự của người cha, không phải nhường địa vị này cho em trai hay các chú. Các lạc tướng khác cũng đồng ý tôn bà lên làm vua, chứ không suy tôn ông chồng lên để ông giữ ngôi cao hơn vợ; điều này cũng trái với “lễ nghĩa” Nho giáo. Sử gia Phan Huy Lê căn cứ trên thần phả ở các làng, ghi nhận một phần ba đến một nửa các tướng của Hai Bà là phụ nữ: “Trong số 69 tướng của Hai Bà ở Vĩnh Phú có 32 nữ tướng,… (trong đó có 23 cô chưa lấy chồng)… Hầu hết (các nữ tướng của Hai Bà) là những cô gái mười sáu, đôi mươi” (Tìm Về Cội Nguồn, I, Hà Nội, 1999).
Dưới những triều đại Trần, Lê, sau khi chịu ảnh hưởng Nho giáo sâu đậm, các nhà chép sử nước ta, hoặc người kể chuyện Hai Bà, đã nói Thi Sách bị giết; chắc vì họ thấy cảnh người vợ làm vua, ở ngôi vị cao hơn ông chồng là khó hiểu, không phù hợp với tinh thần trọng nam khinh nữ mà họ đã tiêm nhiễm. Đến thế kỷ thứ 20, một nhà Nho là Phan Bội Châu, trong bài “Ai là tổ nước ta” (Báo Tiếng Dân, số 656, ngày 6 tháng Giêng năm 1934) đã táo bạo đề nghị người Việt Nam hãy thờ Trưng Nữ Vương làm Quốc Tổ, thay vì thờ Hùng Vương. Ít nhất, Hai Bà Trưng là những nhân vật lịch sử chắc chắn có thật chứ không phải chỉ là truyền thuyết như các vua Hùng. Phan Bội Châu thấy Trưng nữ vương là nhân vật đầu tiên có thật và đóng vai lãnh đạo trong sử sách! Nói đến các anh hùng đời sau, Phan Bội Châu còn hỏi: “Thế thời truy nguyên ra không phải bà Trưng đẻ ra các vị anh hùng ấy sao?” Bà đáng gọi là quốc tổ!
Chúng ta nhớ lại Tích Quang cai trị Giao Chỉ suốt 25 năm vào đầu kỷ nguyên; coi tất cả một vùng dọc theo sông Hồng bao gồm cả Mê Linh và Chu Diên. Nhâm Diên đến Cửu Chân từ năm 29. Nhưng người Lạc Việt vẫn chưa chấp nhận các phong tục mới do các ông áp đặt. Bà Trưng nổi lên vào năm 40, sau khi hai ông “quan tốt” này đã “giáo hóa” dân Giao Chỉ và Cửu Chân hơn một thế hệ, bắt dân ta theo chế độ phụ hệ.
Thời Bà Triệu khởi nghĩa ở Cửu Chân năm 248, hai thế kỷ sau cuộc chinh phạt của Mã Viện. Sách sử nhà Ngô đời Tam Quốc viết rằng Bà Triệu làm cho “toàn thể châu Giao chấn động.” Dân ta vẫn tôn trọng phụ nữ, chưa “thấm nhuần” những Hán luật mà Mã Viện bắt thi hành, trong hai trăm năm. Cho nên một cô gái ngoài 20 tuổi có thể đứng ra lãnh đạo, nhân dân các quận đều quy phục. Đến thế kỷ thứ sáu Lý Bôn đã lập đền thờ, phong bà Triệu làm “Bật chính Anh liệt Hùng tài Trinh nhất Phu Nhân” cũng chứng tỏ ông vẫn giữ lòng kính trọng nữ giới, thừa kế văn hóa Lạc Việt.
Dân Trung Hoa thường chỉ phong thánh, lập đền thờ đàn ông, như Phục Ba Mã Viện, Quan Vân Trường, Nhạc Phi, vân vân. Còn các phụ nữ Trung Hoa được thờ cúng thường là những người đàn bà đã phục tùng chồng hay cha. Đó là những bà tử tiết vì chồng hoặc thay cha đi lính, chứ không phải các nữ anh hùng cưỡi voi, đánh giặc như các Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cuốn Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội, 1993, do Nguyễn Tài Thư chủ biên) có ghi tên bốn vị nữ thần được thờ phụng từ thế kỷ thứ hai, sau này được dùng làm tên những chùa Tứ Pháp: Bà Dâu (chùa Pháp Vân), Bà Đậu (chùa Pháp Vũ), Bà Giàn (Pháp Lôi), Bà Tướng (Pháp Điện). Danh hiệu gọi là “Bà” nghe thấy thân mật, gần gũi. Họ được người bình dân chứ không phải vua quan “phong thần.”
Trong các huyền thoại và trong tín ngưỡng, chúng ta thấy Chử Đồng Tử và Tiên Dung được coi trọng như nhau, không ai cao, thấp. Những nhân vật trong chuyện Trầu Cau sau khi chết được thờ chung, nam và nữ bình đẳng. Nếu đây là một “chuyện Tàu” thì người đàn bà trong chuyện đó đã bị lên án vĩnh viễn là “thất tiết.”
Quyền bình đẳng giữa mọi người phải được diễn tả bằng quyền lợi kinh tế, thí dụ như khi chia gia sản. Trong truyền thống dân ta, quyền lợi của người phụ nữ không bị hạ thấp như ở Trung Quốc đời xưa. Trong tạp chí Acta Asiatica, 1970, Yamamoto Tatsurò (Sơn Bản Đạt Lang) đã suy nghĩ về sự tích Lạc Long Quân chia con với Âu Cơ. Tại sao mỗi vị lại được chia người 50 con bằng nhau? Ông đoán rằng trong phong tục cổ của dân Việt con trai và con gái được hưởng gia tài bằng nhau, hoặc khi ly dị thì tài sản được chia đều cho vợ và chồng. Trong hai ngàn năm, dân Việt kể cho nhau nghe câu chuyện “chia con” của hai quốc tổ mà không ai thắc mắc tại sao hai cụ lại chia đôi, không người nào lãnh phần lớn hơn. Kể chuyện đó mà không thắc mắc, cho thấy người Việt vẫn coi nam nữ có quyền bình đẳng là điều tự nhiên.
Sang thời kỳ tự chủ, sau khi chế độ phụ hệ đã được củng cố vì ảnh hưởng luân lý Nho giáo, vai trò kinh tế của người phụ nữ trong các làng xã Việt Nam vẫn rất quan trọng. Trong cuốn sách nghiên cứu Cơ cấu tổ chức của Làng Việt cổ truyền (1984), Trần Từ đã nhận xét: “Luồng tiểu thương rất phát đạt trong vùng châu thổ (và vùng trung du Bắc Bộ) thực ra là nằm trong tay của phụ nữ;” và trong gia đình thì người phụ nữ ‘nắm tay hòm chìa khóa.’”
Phụ nữ nắm quyền
Tinh thần bình đẳng nam nữ vẫn được giữ cho tới sau khi nước ta đã tự chủ. Nhiều khi một phụ nữ chi phối cả triều đình văn võ toàn nam giới. Một nhân vật độc đáo vào thế kỷ thứ 10, làm nổi bật vai trò chính trị của phụ nữ, là bà Dương Vân Nga. Bà là một trong năm hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng; rồi làm hoàng thái hậu khi con trai, mới có 6 tuổi, lên ngôi. Khi quân nhà Tống sắp sang đánh nước ta, năm 980, bà đã theo lời các tướng đề nghị tôn Lê Hoàn lên làm vua, “lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Lê Hoàn (Lê Đại Hành) lại phong Dương Vân Nga làm hoàng hậu.
Năm 1479 tức là gần 5 thế kỷ sau Dương Vân Nga, khi triều đình nhà Lê đã lấy Tống Nho làm khuôn mẫu, sử gia Ngô Sĩ Liên chỉ trích Lê Đại Hành là “tam cương không chính,” và kể tội: “Lập đến năm hoàng hậu mà lại gian dâm với bề trên là Đinh Hậu, thế là không có đạo vợ chồng… chứa chất điều bất nhân vậy. ”Ngô Sĩ Liên lấy quan điểm cực đoan của nhà Nho phê phán: “Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, giềng mối của vương hóa… Đại Hành thông dâm với vợ vua rồi nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả tấm lòng biết hổ thẹn vậy.” Nhưng nếu sống trước đó năm, ba thế kỷ thì chắc sử gia sẽ thấy đó là chuyện bình thường trong phong tục nước ta!
Nhưng cũng trong Đại Việt Sử KýToàn Thư Ngô Sĩ Liên vẫn ghi nhận một sự thật là ở cố đô Hoa Lư, về sau: “tục dân lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng và Đại Hành và tượng Dương Hậu cùng ngồi, từ hồi mới mở nước vẫn còn như thế.” Thờ một bà hoàng hậu ngôi giữa hai với hai chồng cho thấy trong thế kỷ thứ 10 và 11, dân Việt Nam vẫn coi việc một phụ nữ sau khi chồng cũ chết thì lấy chồng mới là chuyện tự nhiên; không khác gì một người đàn ông có hai đời vợ sau này. Hơn thế nữa, lập đền thờ để cùng một lúc thờ cả hai ông chồng cùng với bà vợ chung, cho thấy người ta kính trọng, chấp nhận một phụ nữ có quyền lấy hai chồng.
Đó cũng là một phong tục của thời còn chế độ mẫu hệ để lại. Cuối thế kỷ thứ ba, Tiết Tổng còn nhận xét tại Giao Chỉ và Cửu Chân, một phụ nữ khi chồng chết thì được lấy em trai chồng. Theo phong tục đó, thì Lê Hoàn chỉ đóng vai như một người em của Đinh Bộ Lĩnh. Gia đình Dương Diên Nghệ gốc vùng Cửu Chân là cái nôi nuôi dưỡng tinh thần tự chủ, xuất phát nhiều thủ lãnh các cuộc nổi dậy trong thời Bắc thuộc. Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn lấy vợ họ Dương cũng để bảo đảm tính chất thừa kế chính thống của họ. Ngô Quyền, người miền Bắc, cũng là một ông con rể của gia đình này, và cũng từ vùng đó xuất quân ra Bắc đánh đuổi giặc xâm lăng.
Trong đời Lê, có lúc nước ta do một phụ nữ nắm quyền cai trị hoàn toàn, từ năm 1443 đến năm 1453. Đó là bà thần phi họ Nguyẽn, tên là Anh, vợ vua Lê Thái Tông. Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn kể, khi con trai bà lên nối ngôi Nhân Tông mới có ba tuổi, triều đình đã dâng “kim sách” suy tôn bà là hoàng thái hậu, chính thức xin bà “buông rèm coi việc,” tức là chính thức cai trị, thay mặt ông vua nhỏ. Lê Quý Đôn cho biết: Bà ba lần “khiêm nhường không chịu nhận,” các quan phải dâng sớ đến lần thứ tư bà mới chấp thuận.
Chắc hẳn trong triều đình có những phe chống lại tình trạng một phụ nữ cầm quyền, vào lúc dân ta mới đánh đuổi được quân Minh hơn 20 năm. Bà thần phi đã khôn ngoan lùi một bước để tiến ba bước, đến năm 1453 chính thức “lui về ở cung riêng.” Nhưng năm đó thì ông vua con chỉ mới 13 tuổi, chắc mọi việc vẫn do bà mẹ quyết định! Có lẽ vì bà vẫn nắm quyền thật sự cho nên bà mới bị Nghi Dân (Lạng Sơn Vương) giết trong cuộc đảo chính cung đình năm 1459. Thử nghĩ lại, cả một triều đình đồng ý để một phụ nữ cầm quyền trong 15 năm! Sau khi học Nho Giáo hàng chục thế kỷ, dân ta và cả giới học thức vẫn không coi thường nữ giới!
Trong lịch sử Trung Quốc có những phụ nữ cầm quyền nổi tiếng, từ Lã Hậu đời Hán, Võ Hậu đời Đường, Từ Hy Thái Hậu đời Thanh. Trong số đó, Võ Hậu đã được công nhận là một vị nữ vương tài ba kiệt xuất. Nhưng cả ba phụ nữ này đều bị các nhà Nho chỉ trích là chiếm quyền một cách phi pháp. Chỉ bây giờ lịch sử Trung Quốc mới công bằng hơn, thừa nhận dưới thời Võ Hậu nước Trung Hoa phát triển kinh tế, ngoại giao, cả văn hóa lên cao nhất.
Sau thời Bắc thuộc, địa vị người phụ nữ vẫn được dân Việt tôn trọng. Tinh thần này biểu lộ trong bộ luật Hồng Đức vào cuối thế kỷ 15 với nhiều điều bảo vệ quyền lợi của người vợ, của người con gái khi chia di sản của bố mẹ. Con gái cũng được hưởng gia tài, như con trai. Luật có bẩy trường hợp người chồng không được phép bỏ vợ. Và khi ly dị thì chồng phải chia tài sản cho vợ.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, khi phiên âm, dịch và chú giải Quốc Triều Hình Luật đã nhận xét rằng trong thời Bắc thuộc nhà Hán đã áp đặt chế độ phụ hệ, “Việc kế thừa và lãnh đạo thì chuyển từ con gái sang con trai…” Nhưng ông thấy, qua bộ Luật Hồng Đức, chính sách đồng hóa đó không thể xóa sạch phong tục lâu đời của người Việt. Giáo sư Phan Huy Lê cũng nhận xét, 722 điều luật Hồng Đức vẫn phản ảnh các tập tục cổ truyền: “một số phong tục tập quán dưới dạng luật tục dân gian có hiệu lực lâu đời đã được ghi nhận và pháp chế hóa…” Luật Hồng Đức ra đời sau khi nhà Lê đã đề cao Nho Giáo; và hơn nửa thế kỷ sau 20 năm chiếm đóng của nhà Minh thi hành một chương trình cưỡng bách Hán để xóa sạch gia tài văn minh của người Việt. Đạo luật này chứng tỏ những phong tục tập quán của dân Việt, chia sẻ với các giống dân vùng Đông Nam Á vẫn bám rễ sâu bền trong tâm lý, xã hội người Việt.
Một nước Việt Nam độc lập có thể coi là “một cái chốt” chặn đứng sự bành trướng của người Hán xa hơn về phía Nam. Nhờ có nước Việt Nam làm con đê ngăn cản, đế quốc Trung Hoa không thể xuống sâu hơn vào miền Đông Nam Á.
Các đạo quân phương Bắc cũng đã tìm đi theo đường biển, tiến nhiều lần vào Lâm Ấp, Chiêm Thành, và giao thiệp với cả đế quốc Phù Nam. Nếu ngay từ thời nhà Hán, nhà Đường mà các triều đình Trung Hoa bỏ qua quận Giao Chỉ, tiến thẳng xuống miền đồng bằng sông Cửu Long. Nếu họ chinh phục, di dân vào đất của người Champa và người Khmer, thì có những đầu cầu vào cả vùng Đông Nam Á. Và nếu người Việt bị vây bọc cả hai phía Bắc, Nam như vậy thì dưới sức ép hai đầu, sức đề kháng phải yếu hơn, dân Việt có thể đã bị đồng hóa, biến thành dân Trung Quốc rồi. Tuy nhiên, cũng khó đoán được lịch sử sẽ đi theo hướng nào trong vài ngàn năm trước, nếu các biến cố xẩy ra theo cách khác!