Người Tây phương thường khó phân biệt người Việt với người Tàu, người Nhật, hay Hàn Quốc. Khi mới sang sống ở Québec, Canada, tôi thường gặp những người bản xứ hỏi: “Người Việt Nam các anh có gì khác người Trung Hoa?” Ở Canada có hai sắc dân chính Anh và Pháp thường tranh cãi nhau về quy định “ngôn ngữ chính thức,” cho nên tôi tìm được một câu trả lời giản dị để giải thích người Việt khác người Trung Hoa như thế nào: Tiếng Việt Nam khác tiếng Trung Hoa cũng như tiếng Pháp nói khác tiếng Anh vậy. Người Việt chúng tôi nói “Cái nhà trắng,” giống như tiếng Pháp “une maison blanche;” còn người Trung Hoa nói “Cái trắng nhà” (bạch ốc) giống tiếng Anh nói “a white house.” Giải thích như vậy họ hiểu ngay. Vì văn pháp tiếng Anh và tiếng Pháp khác nhau theo cách tương tự như tiếng Hoa khác tiếng Việt. Người Québec hồi đó đang thúc đẩy việc bảo vệ tiếng mẹ đẻ, vì chỉ có hơn mười triệu người nói tiếng Pháp, sống dưới áp lực của hơn 300 triệu người nói tiếng Anh ở Bắc Mỹ. Quốc hội Québec đã đặt ra đạo luật số 101 để chặn bớt không cho tiếng Anh lan tràn, sợ nó lấn át tiếng Pháp. Người Việt Nam đời Bắc thuộc không có quyền làm ra những đạo luật bảo vệ tiếng Việt như dân Québec vào cuối thế kỷ 20. Chỉ có ý chí tự chủ và niềm tự hào về bản sắc dân tộc giúp tổ tiên chúng ta cưỡng lại, bảo vệ tiếng nói không để bị mất.
Nếu có người hỏi “Dân Việt Nam đã thành hình như thế nào?” thì có thể mạo muội phỏng theo Kinh Thánh trả lời rằng: “Bắt đầu, là tiếng nói.” Người Việt và người ngoại quốc khi nghiên cứu lịch sử nước ta đều công nhận một lý do chính giúp dân ta không bị Hán hóa là người Việt giữ được tiếng nói. Nhiều dân tộc khác cũng trải qua những kinh nghiệm giống như vậy. Tìm hiểu vai trò của ngôn ngữ trong việc thành hình các dân tộc và quốc gia khác, ta sẽ thấy đây là một hiện tượng thật đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lần, trong lịch sử loài người.
Ngôn ngữ là một lợi khí của giới thống trị trong mỗi quốc gia hay đế quốc. Các chế độ trung ương tập quyền thường quy định một ngôn ngữ chính thức để củng cố quyền hành, một thứ “sức mạnh mềm” không thể thiếu. Tần Thủy Hoàng quy định một cách viết chữ Hán duy nhất bắt dân các nước chư hầu đã bị xóa bỏ phải dùng chung. Napoleon đề cao tiếng Pháp, lập ra Hàn Lâm Viện thống nhất một cách nói đúng nhất, làm mẫu cho mọi người theo. Cả hai nhà độc tài đều đem tiếng nói phục vụ mục tiêu chính trị. Sau khi Đế quốc Anh giải thể, tiếng Anh còn được sử dụng như ngôn ngữ chính thức ở nhiều thuộc địa cũ, từ Nam Phi đến Ấn Độ, chưa kể Mỹ, Úc và Canada. Tiếng Anh còn giúp nền cai trị thống nhất ở các nước như Ấn Độ, Pakistan, và giữ lại ảnh hưởng Anh tại cựu thuộc địa. Nhiều người thích đọc báo The Economist, du học bên London, qua Anh du lịch, mặc áo, đội mũ theo mốt các nhà quý tộc Anh, đều do ảnh hưởng của việc truyền bá ngôn ngữ dùng trong thời đế quốc.
Kháng cự với sức lôi kéo vào trung tâm của tiếng nói chính thức, các sắc dân thiểu số sống trong một liên bang lớn hay một đế quốc rộng ở đâu cũng lo bảo tồn ngôn ngữ riêng của họ. Họ dùng ngôn ngữ riêng để tự xác định cá tính, kháng cự giống dân đông người và hùng mạnh đang cai trị mình. Người Pháp gốc miền Bretagne, người Tây Ban Nha ở miền Basque, lúc nào cũng tranh đấu đòi tiếng nói của tổ tiên họ được tôn trọng và bảo tồn. Thử nghĩ nếu mình là người Basques, thì mình sẽ nghĩ sao khi hễ cho con đi học là phải học bằng tiếng Tây Ban Nha? Tây Ban Nha là một ngôn ngữ cùng họ với tiếng Pháp, tiếng Đức, và cả tiếng Hindi, Punjab, nhưng lại khác thứ tiếng người Basques vẫn nói. Vì tiếng Basque là một ngôn ngữ khác hẳn, không cùng trong một họ Ấn Âu như các nước trên. Người Basques phải bảo vệ ngôn ngữ của tổ tiên, nếu không cố gắng thì sẽ có ngày tuyệt chủng, bị chìm đắm trong một biển ngôn ngữ khác!
Ngày nay, khi một chính quyền muốn chứng tỏ đức bao dung và sự bình đẳng giữa các sắc dân thì họ đưa ngôn ngữ của người thiểu số lên địa vị cao hơn. Hiến pháp Ấn Độ công nhận hàng trăm ngôn ngữ chính thức, nhờ thế mới quy tụ được bao nhiêu vương quốc lớn nhỏ tình nguyện gia nhập vào liên bang khi mới thành lập năm 1947. Từ đó mới thuyết phục được họ cùng theo một quá trình dân chủ hóa, giảm bớt vương quyền, tiến tới một quốc gia hiện đại. Chính phủ Đài Loan phải bảo vệ ngôn ngữ của các thổ dân, mà tổ tiên của họ cùng nói một thứ tiếng với tổ tiên của người Phi Luật Tân, người Indonesia, cũng như người Việt Nam. Tại New Zealand, ngôn ngữ của người Maori được dùng ngang hàng với tiếng Anh trên các cáo thị viết tại các nơi công cộng, để chứng tỏ lòng tôn trọng một sắc dân đã tới miền đất đó ba bốn ngàn năm trước khi những người nói tiếng Anh đặt chân lên. Các chính quyền trên đã nhượng bộ trước khát vọng bảo vệ tiếng nói của các nhóm dân ít người.
Nối kết người cùng tiếng nói
Tiếng nói đóng vai trò quan trọng trong xã hội loài người vì đó là một sợi dây vô hình nối kết họ không khác gì tình máu mủ, ruột thịt. Tiếng nói còn tạo ra một đường ranh giới phân biệt các sắc dân, để biết bên trong khác với bên ngoài, “chúng ta,” khác với “chúng nó.” Người Việt Nam khi mới đến Québec sống thường nhận xét rằng dân xứ này rất ngại tiếp xúc với người ngoại quốc. Đi chợ, tới quầy trả tiền thấy nét mặt các cô giữ “két” cứ khó đăm đăm. Nhưng mình chỉ cần bập bẹ mấy câu tiếng Pháp là bộ mặt họ thư dãn hẳn ra, nhìn mình với đôi mắt thân thiện ngay. Ngôn ngữ đưa những người xa lạ vào chung một cộng đồng, tưởng tượng mà có thật. Đó là một nền tảng tạo ra ý thức dân tộc. Phạm Duy cảm được điều này trong câu hát, “Tiếng nước tôi, tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi; thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi.”
Đối với những người Việt sống trong lũy tre làng, từ những thế kỷ bắt đầu thời Bắc thuộc, họ không cần học lịch sử, địa dư, không cần thảo luận về vai trò của quốc gia, về bổn phận công dân; nhưng họ biết có “nước tôi” vì đang nói “tiếng nước tôi.” Nếu chúng ta tin rằng thần phả giữ tại các đình làng thờ các tướng của Hai Bà Trưng thì câu ca dao “Người trong một nước phải thương nhau cùng” đã xuất hiện từ thế kỷ thứ nhất, như Sở Cuồng Lê Dư khám phá. Ý thức mình là “người trong một nước;” rằng có “một nước” của mình phân biệt với nước của họ, được nuôi dưỡng bằng những lời ru con như vậy. Những em bé lớn lên trong các làng quê, từ Bắc Ninh vào đến Nghệ Tĩnh, cùng nghe kể chuyện Tấm Cám trong một ngàn năm, cùng thuộc lòng những câu được lập đi lập lại, “Bống ơi Bống, mày ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, đừng ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.” Các em phải được đào luyện một cảm thức ngôn ngữ chung với những âm thanh trầm bổng, với vần, nhịp nối vào nhau như câu thơ lục bát. Các bà mẹ ru con và kể chuyện cổ tích đã bảo vệ hồn tính dân tộc. Công trình các bà mẹ giữ gìn hồn nước âm thầm trong suốt ngàn năm chưa được sử sách nào ca ngợi!
Tiếng nói nối kết mọi người, tạo thành một cộng đồng tưởng tượng trong không gian. Lại nối liền tổ tiên đời trước với con người đang sống, và các thế hệ sẽ ra đời. Nhờ thế người ta nuôi nấng hình ảnh một dân tộc trường tồn, người đã chết, người đang sống và những đứa trẻ sắp sinh ra đều thuộc cùng một tập hợp. Dù tiếng Việt không phải là lý do duy nhất bảo vệ dân tộc Việt Nam, nếu không có tiếng Việt, không giữ được tiếng Việt thì chắc dân tộc Việt Nam không còn nữa.
Những người Việt đi sống ở nước ngoài hiểu thấm thía mối dây liên kết thâm sâu, bền chặt này. Khi tới một xứ lạ, giữa một đám đông nói nhiều thứ tiếng, nghe thấy ai nói một câu tiếng Việt ở đâu đó tự dưng chúng ta đã thấy gần gũi, thân thiện, muốn tìm tới làm quen ngay. Giáo sư Nguyễn Xuân Kỳ, một vị thầy cũ của tôi ở trường Chu Văn An, kể chuyện lúc còn trẻ ông đã lưu lạc sang Tàu trên đường đi làm cách mạng chống Pháp. Ông còn nhớ kỷ niệm một đoàn mấy người Việt Nam đang vừa đi vừa trò chuyện, gặp một người phụ nữ Tôi đứng bên đường. Người đàn bà này lắng nghe mấy người lạ nói với nhau bằng tiếng Việt, rồi rớt nước mắt. Hỏi chuyện, bà thú nhận chỉ nghe tiếng nói của mấy người này mà thấy xúc động nôn nao. Hình như thời còn rất nhỏ bà đã nghe thứ tiếng này rồi, bây giờ chỉ còn giữ lại kỷ niệm của những âm thanh trầm bổng. Giáo sư Nguyễn Xuân Kỳ đoán rằng bà này chắc là một trong những trẻ em Việt Nam thời xưa bị “thổ phỉ” bắt cóc đem qua biên giới bán cho những gia đình Trung Hoa hiếm muộn. Sau một đời nói tiếng nói địa phương, bà vẫn còn giữ trong đầu những âm thanh của tiếng mẹ đẻ cũ, nghe lọt mấy câu đã không cầm được giọt lệ.
Chia sẻ một tiếng nói là một hành động tự nhiên tạo ra mối ràng buộc thâm sâu trong đời sống một xã hội; cho nên người ta yêu tiếng nói cũng giống như yêu cha mẹ, ông bà mình, và muốn thiết tha bảo vệ. Năm 1777 người cuối cùng nói tiếng Cornish ở nước Anh qua đời, đó là một ngôn ngữ đang trên đường tuyệt chủng, thuộc họ Celtic, chung gốc với tiếng Anh. Hiện nay, sau vài trăm năm, cháu chắt của những người nói tiếng Cornish đã dùng các văn bản cổ để học lại ngôn ngữ của tổ tiên. Sau một thời gian, nhiều gia đình quyết định khi nói chuyện với nhau chỉ dùng tiếng Cornish. Vào đầu thế kỷ 21 đã có được 2,000 người nói thông thạo thứ tiếng cổ xưa đó, theo báo The Economist. Chính quyền địa phương cũng viết chữ Cornish trên các bảng chỉ đường để hỗ trợ công trình phục hồi văn hóa này!
Tại sao người ta yêu tiếng nói của mình như vậy? Nó đúng là một thứ tình máu mủ, khó giải thích, nhưng có sức mạnh giúp các dân tộc đứng vững. Vào thế kỷ 19 tại Âu châu, phong trào lập quốc của các dân tộc phần lớn dựa trên ngôn ngữ. Những người nói tiếng Đức hay tiếng Ý đang bị chia ra làm nhiều mảnh, sống dưới quyền các đế quốc lớn, bỗng muốn có một lãnh thổ riêng để lập thành quốc gia. Họ không muốn số phận tiếng nói và văn hóa của mình nổi trôi theo những cuộc mặc cả giữa các cường quốc nữa. Trong thế kỷ 20 người Canada nói tiếng Pháp ở tỉnh Québec làm luật bắt dân trong tỉnh phải dùng tiếng Pháp trong văn kiện hành chánh; chữ Pháp phải chiếm chỗ chính trên các bảng hiệu; bắt trẻ em di dân mới phải học trường Pháp, trừ khi cha mẹ chứng minh được rằng họ đã học trường tiếng Anh từ nhỏ. Người Québec muốn bảo vệ ngôn ngữ của họ, nói rộng hơn là bảo vệ cả cách sống, cách cảm nghĩ, và nền văn hóa của tổ tiên. Nhìn vào các nỗ lực của họ chúng ta có thể suy ra trong thời Bắc thuộc người Việt mình đã phải cố gắng ra sao để bảo vệ tiếng nói của tiền nhân; trong lúc dân mình không có thẩm quyền như quốc hội Québec, cũng không được chính quyền hỗ trợ như người nói tiếng Cornish bây giờ.
Ngay trong một nước đông dân và hùng mạnh vẫn có nhiều người lo “mất tiếng nói,” tức là lo mất bản sắc riêng của mình. Nhiều người Mỹ đang chống việc dùng tiếng Tây Ban Nha dạy trong trường công; vì sợ sau này nước Mỹ sẽ không còn thuần nhất như lúc mọi người đều chỉ nói tiếng Anh. Người Pháp ở chính quốc cũng đang lo ngôn ngữ của họ bị “ô nhiễm” bởi tiếng Anh, biến Franҫais thành tiếng Franglais! Mối lo tiếng nói bị ô nhiễm, hư hoại vì ảnh hưởng ngoại lai đời nào cũng có. Cho nên người ta hay lo lắng quá, chỉ sợ ngôn ngữ của mình đã “chết rồi!” Vào năm 1843, có hai ông Victor tranh luận trong Hàn Lâm Viện Pháp (Académie Franҫaise). Nhà giáo Victor Cousin trách những người đang thay đổi “chính tả” tiếng Pháp, ông tố cáo họ đang hủy diệt một di sản ngôn ngữ quý giá. Nhà văn Victor Hugo không đồng ý, hỏi ngược lại, làm sao có thể hủy hoại được tiếng Pháp? Ông Cousin quả quyết nó đã bị giết chết rồi, ông còn biết rõ nó bị mưu sát từ lúc nào. Ông tuyên bố: “Việc hủy hoại tiếng Pháp bắt đầu từ năm 1789!” Đó là năm cách mạng dân quyền tại Pháp. Victor Hugo bình tĩnh hỏi thêm chi tiết: “Vào lúc mấy giờ vậy, thưa ngài?” (À quelle heure, s’il vous plait?).
Năm 2012 ở Việt Nam có một bài báo than “Tiếng Việt đang méo mó,” đến mức chóng mặt. Hai tác giả, Hạ Mi – Minh Luân đưa ra những thí dụ tiêu biểu cảnh tiếng Anh (Mỹ) đang xâm nhập tiếng Việt ở trong nước trong những câu đối thoại hàng ngày: “Bên công ty đó còm plen (complain), mình đã ex plen (explain) cái giá phích (fix) rồi mà họ vẫn kêu ếch pen xi (expensive). Cần trắc (contract) tiếp theo chắc hổng sua (sure) rồi.” Tiếng Việt đang bị bóp méo thật, nhưng chắc không đến nỗi bị hủy hoại đâu!
Người ta lo lắng tiếng nói của mình bị méo mó, bị hủy hoại, vì tình yêu. Một tình yêu thuần túy; không vì lợi lộc, không vì danh vọng; ít nhất mọi người đều nghĩ như thế. Tình tự này khó giải thích, cho nên tiếng nói giúp mọi người muốn đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau. Họ ý thức mình thuộc một nhóm dân riêng, khác hẳn các nhóm nói tiếng khác; đặc biệt là mình phải khác đám người đang cai trị đáng ghét, nói những thứ tiếng nghe “ủng ẳng như tiếng ễnh ương!”
Vì vậy, các nhóm thiểu số trong một nước lo bảo vệ tiếng nói riêng của mình. Ở vùng Catalonia trong nước Tây Ban Nha, người dân vẫn tích cực dùng “thổ ngữ” của họ trên các tấm bảng chỉ đường, các cáo thị ở nơi công cộng. Những quốc gia mới thành lập dùng ngôn ngữ để củng cố các định chế chính trị xã hội cho chặt chẽ hơn. Cũng để chặn bớt ảnh hưởng của các nước lớn chung quanh.
Benedict Anderson nhận ra một thứ “phong trào dân tộc dựa trên ngôn ngữ,” (linguistic nationalism) vào thế kỷ 19 ở châu Âu. Phong trào này xác định đặc điểm của mỗi dân tộc nằm trong tiếng nói riêng và văn chương truyền khẩu của họ. Trong thời gian đó, các dân tộc Hungary, Ukraine, Ba Lan, Serb, Na Uy đã nỗ lực hoàn tất các cuốn tự điển cho ngôn ngữ của họ. Dân Việt Nam vẫn giữ gìn được tiếng nói trong ngàn năm bị đô hộ mặc dù chưa soạn từ điển. Đó là công của các bà mẹ Việt Nam truyền cho con “tiếng mẹ đẻ” ngay từ lúc nằm nôi, một hành động tự nhiên giống như việc cho con bú sữa. Giữ được tiếng nói chắc là nhờ “Phúc đức tại mẫu!”
Nhiều ngôn ngữ nhờ được chính quyền ủng hộ mà được phát triển. Đầu thế kỷ 19 các hoàng đế cai trị nước Nga rộng lớn gồm nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau. Các Nga hoàng (Tsar) và giới quý tốc Nga thích nói tiếng Pháp với nhau, coi tiếng Nga là thứ ngôn ngữ của dân quê mùa, nói tiếng Pháp mới văn minh, sang trọng. Nhưng khi dân các vùng trong đế quốc bắt đầu nổi lên phong trào phát huy tiếng mẹ đẻ, ở Ukraine, Phần Lan, Georgia, vân vân, thì chính giới thống trị ở Nga thấy nhu cầu xác định “cộng đồng tưởng tượng” của chính họ, dựa trên những người cùng nói tiếng Nga. Từ hai chục năm cuối thế kỷ 19, Nga hoàng bắt đầu chiến dịch buộc tất cả các thần dân trong đế quốc phải học tiếng Nga! Câu chuyện này cũng giống như ở Nhật Bản. Thời Tokugawa, các sứ quân Mạc Phủ cấm các sắc dân Aimu ở phía Bắc và dân Ryukyu (Lưu Cầu) không được mặc y phục như người Nhật; các sứ thần từ Ryukyu tới triều cống tại Edo (Tokyo bây giờ) phải mặc lễ phục giống như người Trung Hoa. Nhưng trong cuộc cải cách chế độ của Minh Trị (Meiji) vào thế kỷ 19, thiên hoàng bắt các sắc dân “man di” này phải Nhật hóa, phải ăn mặc và nói giống người Nhật.
Thiên hoàng đã thành công ở Nhật nhưng kế hoạch Nga hóa của các Tsar hoàng thì không; từ Phần Lan cho tới Georgia người ta vẫn bảo vệ tiếng mẹ đẻ. Trong liên bang Nam Tư sau này cũng vậy; người Serb chiếm đa số và nắm quyền cũng muốn phổ biến tiếng Serb. Khi Nam Tư tan vỡ sau năm 1991, dân Bosnia tách ra, cổ động cho “quốc ngữ” của mình. Sau hiệp ước Dayton năm 1995, tiếng Bosnia được công nhận ngang hàng với tiếng Serbo-Croat trong cả các vùng có người Bosnia cư ngụ ngoài lãnh thổ Bosnia. Khi Montenegro được tách ra làm một quốc gia, dân xứ này bắt đầu bỏ tiếng Serb, quyết nói tiếng mẹ đẻ nhiều hơn.
Cùng thời gian đó, dân Moldova muốn tách ra khỏi Romania, vì họ nói một thổ ngữ riêng biệt. Họ đòi lập quốc mặc dù tiếng nói của họ cũng không khác tiếng Rumania bao nhiêu. Nhiều người chỉ trích việc đề cao “Tiếng Moldova” này có tính chất “nhân tạo,” do một âm mưu xúi dục của người Nga để làm yếu Rumania, với mục đích duy trì ảnh hưởng của nước Nga. Dù điều đó đúng hay sai thì nó cũng chứng tỏ sức mạnh của ngôn ngữ trong việc gây thành ý thức dân tộc và tinh thần độc lập của một sắc dân.
Một tấm gương nổi bật cho thấy vai trò “dựng nước” của ngôn ngữ là ở nước Israel. Dân Do Thái từ khắp Âu Châu đã quay về tái lập quốc gia Israel. Những người nói tiếng Yiddish và đủ các thứ tiếng ở Đông Âu đã quyết định từ nay họ chỉ sử dụng tiếng Hebrew. Một ngôn ngữ cổ coi như đã chết rồi, trước đó chỉ còn dùng trong các Kinh Thánh, dành cho các học giả, đã được dựng dậy, hà hơi cho tái sinh, trở thành một ngôn ngữ sống, sáng tạo ra bao nhiêu từ ngữ mới. Những nhà văn viết chữ Hebrew làm giàu thêm cho “tiếng mẹ đẻ,” mặc dù trước đó họ viết bằng tiếng Yiddish hay ngôn ngữ ở nước họ cư ngụ. Một người đã đoạt giải Nobel văn chương là Shmuel Yosef Agnon. Nhiều người gốc Do Thái đã được giải thưởng này, như Henri Bergson, năm 1927; Boris Pasternak, năm 1958. Agnon là người đầu tiên đọc bài diễn văn nhận giải bằng tiếng Hebrew, trong đó ông ca ngợi tổ tiên: “Tôi vẫn nghĩ tôi sinh ra ở Jerusalem. Tôi là một đứa con của bộ lạc Levi.” Thực ra ông sinh ở Buchach, trong đế quốc Áo Hung, nay thuộc Ukraine, từng sống bên Đức; chỉ trở về ở hẳn nơi “đất tổ” tại Palestine năm 1924. Sau giải Nobel năm 1966, có lần ông viết thư than phiền về tiếng xe cộ ồn ào khiến ông ngồi trong nhà cũng không thể viết được. Hội đồng thị xã đã biểu quyết đặt một tấm bảng trên quãng đường ông cư ngụ: “Cấm xe cộ qua lại. Nhà văn đang làm việc.” Vì họ thiết tha, yêu kính đối ngôn ngữ của tổ tiên, cho nên coi nhà văn là một quốc bảo! Người việt có quý trọng nhà văn được như vậy hay không? Có ai săn sóc phần mộ, nhà thờ của các nhà văn, nhà thơ đời trước hay không? Một nhà văn kiệt xuất như Phan Khôi mới qua đời nửa thế kỷ nay, mà bây giờ con cháu phải làm một ngôi mộ giả ở quê hương để thờ, vì sao đến nông nỗi đó?
Khi tiếp xúc với một ngôn ngữ, văn tự mạnh, đông người dùng, những người nói tiếng thiểu số chịu một áp lực rất mãnh liệt. Nếu lơ là thì ngôn ngữ của họ có thể biến mất dưới ảnh hưởng tiếng nói thống trị. Nhìn vào gương người Mãn Châu để thấy rõ. Người Mãn đời xưa vẫn nói và viết chữ riêng. Họ rất giỏi chiến trận, đã nhiều lần xâm lấn và cai trị phần phía Bắc Trung Hoa, lần sau cùng vào thế kỷ 17 đã chiếm cả nước Tàu. Trong ba thế kỷ cai trị Trung Quốc, các ông hoàng chỉ được kết hôn với các cô gái người Mãn, bảo đảm hoàng gia vẫn giữ một chủng tộc thuần nhất. Vậy mà ông vua cuối là Phổ Nghi sau cùng không còn nói thông thạo tiếng mẹ đẻ của mình nữa. Khi nhà Mãn Thanh sụp đổ, năm 1911 ở Mãn Châu còn hàng chục triệu người nói tiếng Mãn, đến năm 2011 thì thế hệ những người biết nói tiếng Mãn đang chết dần dần. Tuần báo The Economist kể tại một làng Sanjiazi vào năm 1979 còn 50 người nói được tiếng Mãn; đến năm 2011 chỉ còn có 2 người nói thông thạo, cả hai đều 86 tuổi. Không giữ được tiếng nói thì mất nước.
Tìm về tiếng mẹ đẻ
Cho nên chúng ta có thể tin rằng ngôn ngữ là một thứ thành trì bảo vệ một dân tộc thoát khỏi nạn đồng hóa và giữ được độc lập. Tiếng nói là một động cơ thúc đẩy người ta thương yêu, đoàn kết. Khi cùng quyết tâm dùng tiếng mẹ đẻ thì họ đồng thời nâng cao ý thức dân tộc; tiến tới giành quyền tự chủ. Dân tộc Phần Lan trên con đường lập quốc đã bắt đầu bằng việc phục hồi và giữ gìn ngôn ngữ; kinh nghiệm của dân tộc này giúp chúng ta hiểu thêm tổ tiên đời xưa và hãnh diện về di sản tiếng nói của mình.
Dân số Phần Lan rất nhỏ; họ nằm giữa hai đế quốc mạnh là Thụy Điển và Nga. Người Phần Lan sống ở phía Bắc biển Baltic, họ nói một thứ tiếng hoàn toàn khác tiếng nói của hai nước láng giềng thuộc họ ngôn ngữ Ấn Âu. Tiếng Phần Lan lại có họ hàng với tiếng Hungary ở xa tuốt phía Nam trong lục địa Âu Châu. Dân tộc Phần Lan bị các nước láng giềng Thụy Điển và Nga thay phiên nhau thống trị trong gần một ngàn năm, không khác gì người Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ. Nhưng đến nay họ đã giành được độc lập. Lý do mạnh nhất là nhiều người nông dân vẫn giữ được tiếng nói; đến một lúc nổi lên một phong trào tìm cách phục hồi, phát triển ngôn ngữ, dùng đó làm động cơ đoàn kết, chống ngoại xâm.
Khi đế quốc hợp nhất Đan Mạch – Thụy Điển đô hộ Phần Lan (từ thế kỷ 13) tiếng Thụy Điển được dùng làm ngôn ngữ chính thức. Thứ tiếng của đám con cháu dân Viking trở thành ngôn ngữ duy nhất trong hệ thống hành chánh, trong văn hóa, giáo dục. Giới quý tộc Phần Lan học nói tiếng Thụy Điển trong năm thế kỷ liền, họ tiếp tục sử dụng sau khi Thụy Điển phải nhường miền đất này cho các Nga Hoàng. Một cuộc tấn công văn hóa khác, chiến dịch “Nga hóa” kéo dài trong hơn thế kỷ sau đó. Năm 1900 Nga Hoàng ra lệnh dân Phần Lan phải dùng tiếng Nga trong mọi giao dịch với guồng máy hành chánh. Nhưng trong thời gian bẩy thế kỷ này, những nông dân Phần Lan sống xa cách các vị quan cai trị vẫn chỉ nói tiếng mẹ đẻ! Dần dần những người Phần Lan ở thành thị cũng có ý thức, họ chịu học tiếng nói của tổ tiên, biết hãnh diện về ngôn ngữ và các truyền thống do tổ tiên để lại. Phong trào dân tộc bùng lên, giới trí thức thành phố tự nguyện tìm về nông thôn để học lại cách nói tiếng mẹ. Phong trào“trở về nguồn” này dần dần đưa tới cuộc vận động đòi độc lập quốc gia.
Phần Lan là một bằng chứng cho thấy vai trò của ngôn ngữ trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc. Tập truyện huyền thoại Kalevala ra đời năm 1835, được viết bằng tiếng mẹ đẻ, ghi lại các chuyện cổ tích, một thứ Lĩnh Nam Chích Quái của dân Phần Lan. Nhạc sĩ Jean Sibelius lấy cảm hứng từ các bài thơ Kullervo trong tập truyện này, viết một giao hưởng khúc. Bản nhạc được trình bày lần đầu tại Helsinki năm 1892, những âm thanh đã làm nức lòng dân Phần Lan khắp nước. Tinh thần yêu nước mạnh thêm, thúc đẩy phong trào phục hồi tiếng mẹ đẻ và đòi độc lập. Năm 1892 tiếng Phần Lan mới được công nhận ngang hàng với tiếng Thụy Điển và tiếng Nga. Sang thế kỷ 20 Sibelius sáng tác bản Finlandia, một “anh hùng ca không lời” diễn tả tinh thần dân tộc hào hùng bất khuất. Một người ở Việt Nam nghe Finlandia cũng có thể hình dung những vách đá sừng sững và rừng tùng bách bạt ngàn ở đất Phần Lan! Hơn nữa, nghe Finlandia rồi mình cảm thấy nức lòng yêu nước Việt Nam hơn. Mà người dân nước nào cũng có thể nghe bản nhạc đó mà thấy yêu quê hương mình hơn. Cũng như khi chúng ta nghe trường tấu khúc “Tổ Quốc Tôi (Má Vlast) của Bedřich Smetana, ai nghe tới đoạn mô tả con sông Vltava (Moldau) ở Tiệp chảy rì rào từ những dòng suối nhỏ gom xuống dưới đồng bằng thành con sông cái, cũng có thể liên tưởng tới những dòng sông cuồn cuộn mênh mang ở nước mình, lòng yêu nước dào dạt dâng lên.
Hiện nay Phần Lan có 6 triệu dân, trong đó nhiều người gốc Thụy Điển vẫn nói tiếng của họ. Giữa thế kỷ 18 dân số Phần Lan là 428,000 người. Như vậy thì khi bắt đầu bị Thụy Điển chiếm đóng từ năm thế kỷ trước, dân số Phần Lan thấp hơn nhiều. Với số dân nhỏ như thế, dân tộc họ vẫn giữ được tiếng nói và giữ được một quốc gia tồn tại đến bây giờ.
Thử so sánh lịch sử Phần Lan với nước ta. Khi vùng đất từ Giao Chỉ đến Cửu Chân lệ thuộc nhà Hán vào thế kỷ thứ 2, số nhân khẩu người Việt chắc chắn đông hơn dân số Phần Lan vào thế kỷ 13. Sử gia Lê Thành Khôi dẫn từ Tiền Hán Thư cho mấy con số ở nước ta như sau: Giao Chỉ tức Bắc Việt có 746,237 người, Cửu Chân (Thanh, Nghệ Tĩnh) 166,013 người, Nhật Nam (từ Hoành Sơn đến đèo Ải Vân) 69,485 người; tổng cộng gần một triệu nhân khẩu (Histoire du Việt Nam, Paris: Sudestasie, 1981). Với số người đông đảo như vậy cùng nói một ngôn ngữ, lẽ nào người Lạc Việt lại lại để tiếng nói của mình biến mất?
Các sắc dân khác ở miền Nam Trung Quốc đã gia nhập đại gia đình Hán tộc, trong một hai ngàn năm sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất chữ viết, việc Hán hóa tiến hành từng bước chắc chắn. Tiếng Việt là một ngoại lệ, đã đứng vững không bị nuốt vào bụng con mãnh thú khổng lồ đó. Chúng ta đều nhớ câu: “Tiếng ta còn, nước ta còn.” Câu nói của Phạm Quỳnh cũng giải thích lịch sử: Nếu không giữ được tiếng nói trong một ngàn năm Bắc thuộc, thì chắc bây giờ không còn dân tộc Việt Nam. Một nửa ngữ vựng Việt Nam có gốc từ chữ Hán, tiếng Nhật cũng vậy. Nhưng người Việt và người Nhật Bản đều sử dụng các chữ vay mượn đó theo cú pháp của mình, chứ không bỏ mất gốc.
Tiếng nói là một sáng tạo tập thể. Phải có rất nhiều người đồng ý với nhau cùng sử dụng thì mới có tiếng nói chung. Yêu một tiếng nói thì cũng yêu những người cùng nói thứ tiếng với mình. Tiếng nói nối kết mọi người với nhau, gây nên ý thức mình thuộc một dân tộc. Tìm cách diễn tả sao cho hay, cho đẹp để làm cho tiếng nói của dân mình phong phú, nhuần nhã hơn, là góp phần xây dựng dân tộc. Người Việt Nam sống ở nước ngoài, ở đâu cũng lập ra các “Lớp Việt ngữ” cho các thế hệ trẻ cũng chỉ vì tình tự đó. Họ cảm thấy rõ ràng, còn giữ được tiếng nói thì còn “mang theo quê hương.” Tiếng Việt Nam được tạo thành, rèn giũa và bối đắp trong suốt bao nhiêu thế hệ là một nền tảng tạo nên sức đề kháng cứng cỏi của dân tộc Việt Nam. Công trình này được xây dựng nền tảng từ hàng chục ngàn năm trước đây. Trong thời gian đó cứ một vài ngàn năm lại được bồi đắp thêm nhờ tiếp xúc với các lớp di dân lớn kéo tới. Ngôn ngữ đó lại tách ra thành nhiều ngành vì các cuộc di cư khiến các đám người phải sống cách xa nhau quá lâu. Sau cùng, một nhóm người còn ở lại sống trong vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã còn nói một ngôn ngữ chung, vun trồng cho nó ngày thêm tốt tươi, bây giờ chúng ta gọi là tiếng Việt.