Các hoàng đế Trung Hoa ngày xưa, nếu cướp được các vùng đất ngoài biên cương của họ thì chiếm lấy; nếu không đủ sức thì cũng gom các nước khác vào trong vòng ảnh hưởng của họ để tuyên dương “Thiên Hạ thái bình.” Ông vua ở Trường An vẫn tự coi mình trị vì cả thế giới, trên lý thuyết. Nếu có cơ hội, các hoàng đế bên Tàu đem quân chinh phạt, dạy “một bài học” cho vua các nước chung quanh. Họ nhân danh Mệnh Trời, cái mệnh lệnh cho phép họ đóng vai giữ trật tự cho cả thiên hạ. Vua các nước chung quanh như Việt Nam, Cao Ly, phải coi hoàng đế Trung Hoa là bậc trên, tự xưng là thần tử, trên hình thức giống hệ thống chư hầu đời Chu. Vua các nước khác được các hoàng đế Trung Hoa phong “vương,” chịu giữ một danh phận thấp hơn “đế.” Các vị vua Việt Nam tự xưng hoàng đế với dân; nhưng khi giao dịch với vua Tàu thường chỉ xưng vương; trừ khi muốn tỏ thái độ kình chống.
Các vị vua Việt Nam từ thời lập quốc đã không chấp nhận nước mình chỉ là một chư hầu của Trung Quốc; và chắc chắn không thể nào nhận mình là một quận huyện của Trung Quốc. Vào thế kỷ 15, trong lúc còn đang kháng chiến giành độc lập, Nguyễn Trãi đã dựa vào sách Thượng Thư, thiên Vũ Cống (尚書/禹貢); và dẫn chương Thiên Văn trong sách Hoài Nam Tử (淮南子/天文) viết rằng “Thiên hữu cửu dã, địa hữu cửu châu”(天有九野, 地有九洲) để tranh luận với một tướng nhà Minh, ông vạch ra: “Trung Quốc chỉ có chín châu mà thôi! Đất Giao Chỉ không bao giờ nằm trong Trung Quốc cả!”
Vua nước Tàu gọi các nước Cao Ly, Việt Nam, Khiết Đan, Tây Hạ, vân vân là những nước “phiên thuộc,” tức là ở bờ rào (phiên, 藩), ở bên ngoài, địa vị thấp, không được coi ngang hàng. Chúng ta biết mối liên hệ “trên dưới” này chỉ có tính cách nghi lễ, không ràng buộc gì về chính trị, kinh tế. Các nước nhỏ vẫn có đủ chủ quyền quốc gia, theo nghĩa chúng ta hiểu bây giờ. Phan Huy Chú giải thích trong Lịch triều Hiến chương Loại chí: “Nước Việt ta có cõi đất phía Nam mà thông hiếu với Trung Hoa, tuy nuôi dân dựng nước có quy mô riêng nhưng ở trong thì xưng đế mà đối với ngoài thì xưng vương…” Nói “Ở trong” là nói với dân, “đối với ngoài” là bang giao với Trung Quốc.
Để chứng tỏ mình chịu làm phận dưới, vua các nước nhỏ phải “cống tiến” cho các hoàng đế Trung Hoa. Tiến cống là một hình thức trao đổi. Phẩm vật tiến cống thực ra không quan trọng; miễn theo đúng Lễ là được. Có khi những thứ ông vua Tàu đáp lễ giá trị cao như món cống phẩm họ được tặng. Sử Ký của Tư Mã Thiên kể có vị vua nhà Hán đã làm cho ngân khố cạn kiệt vì lo cung phụng cho các ông chúa những bộ lạc phiên thuộc phía Tây chạy về Trường An cư trú. Vì ông vua nhà Hán tự coi mình là thiên tử, có bổn phận cung cấp cho thần tử, không để họ thiếu thốn! Cống phẩm nước ta đời xưa bao gồm vàng, bạc, trầm hương, ngà voi, sừng tê giác, vải vóc … là những thứ sản xuất ở trong nước. Có thể coi đó là một cách đóng thuế, nhưng không nhất thiết. Vì khi được cống tiến thế nào ông vua Trung Hoa cũng có quà cáp đáp lại. Triều cống đúng nghĩa chỉ là hiến tặng phương vật (thổ sản) tuỳ theo địa phương. Một chính sách của triều đình Trung Quốc là “hậu vãng bạc lai” nghĩa là những thứ họ tặng lại bao giờ cũng nhiều hơn cống phẩm đem tới – theo cách tính toán giá trị của họ. Trong nhiều nền văn hóa cổ, cho quà thường là một hành động để chứng tỏ mình là bề trên, quà càng lớn thì địa vị của người tặng càng cao.
Ngoài đặc tính trao đổi thổ sản, mục đích chính của hành động “cống tiến” là “giữ lễ.” Nhưng trong văn hóa Trung Hoa, Lễ là một một đề mục rất quan trọng. Chữ Lễ bao gồm những quy tắc cư xử, gồm các hành động, cách nói năng, để phân biệt ai trên, ai dưới, cái gì phải, cái gì trái. Những nước chung quanh chỉ cần bầy tỏ lòng kính trọng ông vua Tầu bằng cách xưng hô là đủ được sống hòa bình. Trừ khi trong nước mình chia rẽ, có người phải nhờ vua Tàu giúp đỡ, cố vấn hoặc bị họ can thiệp vào chính sách người cai trị đối xử với dân; như đã xảy ra vào cuối đời Trần, nhà Hậu Lê hay sau này.
Thể thống và chủ quyền
Người Việt Nam vốn gọi thủ lãnh của mình là Bua, hay Vua, sau này dùng chữ Đế vì ảnh hưởng ngôn ngữ Trung Hoa. Sau khi tiếp xúc với người Hán tổ tiên chúng ta mới dịch chữ vương là vua. Người đầu tiên liên quan đến nước ta xưng đế là Triệu Đà; ông xưng Triệu Vũ Đế khi lên ngôi ở nước Nam Việt, đặt kinh đô ở Phiên Ngung, Quảng Châu bây giờ. Từ năm 179, chiếm được Âu Lạc rồi, nước Nam Việt gồm cả miền Bắc nước ta. Chính dân Nam Việt ở vùng Quảng Đông, cũng có sắc thái văn hóa khác người Hán; họ cũng được gọi là giống dân Việt (粵), viết khác với chữ Việt (越) tên nước mình. Một công viên lớn ở Quảng Châu mang tên là Việt Tú, vẻ đẹp của nước Việt, thì chữ Việt lại viết (越秀) theo tên nước Nam Việt xưa. Khi viết thư cho vua nhà Hán, Triệu Đà tự xưng là “Man di đại trưởng lão;” hai chữ “trưởng lão” thường vẫn dùng để gọi người đứng đầu các bộ tộc ở miền biên giới nước ta và Trung Quốc. Đời sau vẫn còn nhiều người ở vùng đó chiếm lại đất, lập lại nước Nam Việt hay Nam Hán, muốn gồm thâu miền Bắc nước ta nữa.
Sử gia Lê Văn Hưu (1230 – 1322) và Ngô Sĩ Liên (thế kỷ 15) đều xếp Triệu Đà như một vị vua của nước ta. Chắc vì họ muốn nêu danh Nhà Triệu để chứng tỏ nước ta đã thành thể thống một quốc gia, một ông hoàng đế, cùng thời với Hán Cao Tổ. Đó cũng là dụng ý khi các sử gia kể dòng dõi Hùng Vương bắt đầu từ Thần Nông, một nhân vật hoang đường bên Trung Quốc; từng tranh giành với Hoàng Đế. Thời Hùng Vương còn dính líu tới cả các vị hoàng đế thời cổ xưa như Đế Minh, Đế Nghi, Đế Lai, mà có lẽ họ chẳng liên can gì tới dân mình. Không phải các sử gia nước ta “thấy sang bắt quàng làm họ.” Các cụ chỉ muốn chứng tỏ dân mình có lịch sử lâu đời ngang với dân Trung Quốc, con cháu không có gì phải nghĩ mình thấp kém! Coi Triệu Đà làm vua nước Nam Việt cũng là một triều đại của nước ta thì Nguyễn Trãi mới có thể viết hai câu song song: “Triệu, Đinh, Lý, Trần” đối chọi với “Hán, Đường, Tống, Minh.”
Người Việt chắc đã có ý thức mình như một dân tộc riêng biệt từ trước thời Trưng Vương. Ý thức đó được nung nấu trong một ngàn năm Bắc thuộc khi đụng chạm với các quan lại và quân lính từ phương Bắc tới. Phản ứng này dễ hiểu. Cũng giống như tình tự dân tộc của người Trung Hoa đã nổi lên vào thế kỷ 19 khi họ cảm thấy nhục nhã trước cảnh bị các nước Tây phương lấn áp. Quan niệm chủ quyền quốc gia người mình được chính thức công bố vào năm 1076 với những câu thơ của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư.” Xác nhận núi sông, lãnh thổ nước Nam riêng; và xác nhận quyền làm chủ của Đế nước Nam. Bài thơ này là một bản Tuyên Ngôn Độc Lập của dân tộc ta. Lý Thường Kiệt dùng chữ Nam Đế, không dùng chữ Vương, xác nhận ông vua Việt Nam ngang hàng với vua Tầu. Ý tưởng độc lập này chắc đã phát khởi từ thế kỷ thứ 6, khi Lý Bôn xưng Đế.
Người đầu tiên xưng đế ghi trong lịch sử là Triệu Đà, ở nước Nam Việt. Nguyễn Trãi và các sử gia trước ông vẫn coi nhà Triệu là một triều vua Việt Nam. Đến thế kỷ 18 Ngô Thì Sĩ mới bác bỏ, ông coi Triệu Đà chỉ là một người ngoại quốc tới chiếm đóng nước Văn Lang. Phải công nhận, Ngô Thì Sĩ là một nhà Nho có bản lĩnh, tự tin, dứt bỏ một mặc cảm. Tuy nhiên, ông vẫn thuộc thành phần thiểu số! Ý tưởng coi Nam Việt cũng là nước mình còn giữ tới đầu thế kỷ 19; khi Gia Long xin nhà Thanh phong vương đã chọn quốc hiệu là Nam Việt. Sợ có người Việt “ý đồ” đòi lại cả vùng Lưỡng Quảng của nhà Triệu, cho nên vua nhà Thanh yêu cầu đổi tên thành Việt Nam! Một trăm năm sau, Trần Trọng Kim, trong Việt Nam Sử Lược (1925), vẫn ghi nhà Triệu là một triều vua của nước ta.
Ý kiến coi nhà Triệu như vua nước mình đã có từ xa xưa trong ký ức tập thể. Lý do chính có lẽ vì họ Triệu chống lại nhà Hán. Lữ Gia là vị tể tướng cuối cùng của nhà Triệu, đã kịch liệt phản đối việc đưa vua sang triều phục vua Hán, cho đến khi ông bị giết. Trần Thái Tông, Quang Trung sau này vẫn từ chối những chuyến công du tương tự. Riêng điều đó cũng đủ cho dân Việt Nam yêu quý Lữ Gia; và do đó, cả nhà Triệu. Đến thế kỷ thứ tám Tiết độ sứ Cao Biền muốn lấy lòng dân ta còn kể lại mình đã nằm mơ thấy Lữ Gia hiện lên hứa sẽ giúp chống quân Nam Chiếu từ Vân Nam xuống đánh. Gần đây năm 2011 khi báo chí loan tin tìm thấy hàng ngàn bộ hài cốt chôn tập thể trong núi ở tỉnh Sơn Tây cũ, nhiều người vẫn tin truyền thuyết, nói rằng đó là “những người lính của Lữ Gia bị quân Tẩu giết!” Tức là nhiều người Việt vẫn coi Lữ Gia như “người mình,” Nam Việt là nước mình. Theo Bắc Ninh Dư Địa Chí của Đỗ Trọng Vĩ, tại xã Xuân Quan, huyện Gia Lâm, và xã Chu Sơn, huyện Quế Dương có miếu Triệu Vũ Đế, cho thấy người Việt đời trước vẫn coi Triệu Đà là một hoàng đế của nước mình. Sách còn dựa theo truyền thuyết kể chuyện Triệu Vũ Đế đi thuyền chơi ở bến đò Xuân Quang, thấy con rồng vàng hiện trên sông nên cho xây một ngôi điện gọi là Điện Long Hưng (Rồng Lên).
Triệu Đà phải bỏ đế hiệu để xưng vương sau khi sứ nhà Hán đe dọa vua Hán sẽ đào mả tổ tiên ông ta ở bên Tàu. Nhưng sau ông lại xưng đế trở lại, rồi tấn công sang vùng Hồ Nam, lấy cớ nước ông bị Lã Hậu “phong tỏa kinh tế,” không cho dân Hán bán nông cụ bằng sắt qua Nam Việt. Thua trận, ông lại chịu bỏ đế hiệu xưng vương trở lại, các cháu chắt kế vị ông cũng chỉ xưng vương thôi. Nhưng năm 1983 ở Quảng Châu người ta tìm được ngôi mộ Triệu Văn Vương là cháu nội ông. Trong mộ, thấy cái con dấu (ngọc tỷ) vẫn viết bốn chữ Văn Đế Hành Tỷ, chứng tỏ đối với bên trong ông vẫn tự coi là Đế ở nước Nam Việt.
Có lẽ vì xưng “đế hiệu” cho nên họ Triệu hấp dẫn các sử gia Việt Nam hơn. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, sử sách cũng chỉ ghi bà xưng là Trưng Vương thôi. Năm thế kỷ sau, giữa thời Bắc thuộc, Lý Bôn (503 – 548) mới tự xưng Lý Nam Đế. Hai vị vua xưng đế hiệu sớm nhất được ghi trong sử nước ta, họ Triệu và họ Lý đều là người gốc Trung Hoa. Triệu Đà là “di dân đời thứ nhất,” tới miền Hoa Nam; sống ở vùng Quảng Đông quá lâu chắc ông đã “nhập tịch.” Vào thời đó, văn hóa vùng Quảng Đông và nước ta không khác nhau bao nhiêu, cả hai lại đều khác hẳn người Hán. Cho nên Triệu Đà từng bị sứ giả nhà Hán chỉ trích là “theo phong tục man di,” quên hết lễ nghi người phương Bắc khi tiếp “mệnh vua!” Lý Bôn là con cháu của những di dân từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, sau năm thế kỷ chắc hẳn nhiều thế hệ cha ông đã biến thành người Việt. Hai vị hoàng đế này trở thành những hình ảnh làm mẫu, các vị vua Việt Nam thời độc lập về sau nghĩ cũng có thể bắt chước mà xưng hoàng đế, không chịu thua kém các ông đế ở bên Tàu.
Giữa thế kỷ thứ 10, Ngô Quyền chỉ xưng vương, đến năm 966 Đinh Bộ Lĩnh lại xưng đế. Xưng đế rồi thì phải chứng tỏ thẩm quyền bằng hành động phong vương cho người cấp dưới. Muốn cho đế hiệu của mình có ý nghĩa, không thể khác được, năm 967 Đinh Tiên Hoàng Đế đã phong người con mình là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương. Tuy các vua đời Lý Trần khi giao thiệp vẫn chỉ xưng vương, không muốn giành danh hiệu “hoàng đế” với vua Tàu, nhưng trong thực tế họ đều xưng đế đối với dân chúng. Và họ vẫn phong vương cho con cháu hay các công thần. Khi Lý Thường Kiệt kể thần nhân trong mộng nói đến “Nam Đế,” ai cũng hiểu là chủ quyền của người phương Nam đã được xác định, ngang hàng với nước Tàu.
Từ đời Lý, Trần các vua đều nhận “sắc phong” của vua Tàu làm An Nam Quốc Vương; nhưng trong nội bộ họ vẫn tự coi là hoàng đế. Đây cũng là chính sách của vua các nước chung quanh Trung Quốc, như Tây Tạng, Cao Ly (Hàn Quốc), Miến Điện. Kể cả vua Mông Cổ, sau khi triều đại nhà Nguyên của họ bị lật đổ..
Trong mối quan hệ với các ông vua Trung Quốc, các vị vua Việt Nam và các sứ thần luôn luôn bảo vệ thể thống quốc gia; gây nên những cuộc đấu tranh về ngoại giao rất gay go. Như đời Trần, Thái Tông đã từ chối không nhận tiếp vị sứ giả của vua Nguyên vì ông ta mang danh hiệu “Đạt lỗ hoa xích” (Darughachi). Theo Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm (Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Hà Nội, 1968), đó là một chức vụ giống như quan Toàn quyền. Gọi bằng chức đó là nhục mạ nước ta. Vua Trần Thái Tông lý luận với nhà Nguyên: “Chức Đạt lỗ hoa xích chỉ nên đặt ở các vùng man di ngoài biên ải; còn tôi đã được phong vương… mà còn đặt Đạt lỗ hoa xích để giám sát, há không bị các nước chư hầu cười cho sao?” Vua Trần đề nghị: “Tất cả các viên quan thiên triều sai tới xin đổi lại, gọi là Dẫn Tiến Sứ để tránh cái tệ (sai lầm) Đạt lỗ hoa xích.” Cuối cùng nhà Nguyên phải chịu nhường. Nếu bây giờ chính quyền Trung Quốc cử một vị đại sứ sang Hà Nội mà lại phong cho ông ta chức Thái thú hay Thứ sử, thì chắc người Việt Nam cũng nổi giận như vua Trần đời xưa vậy!
Bao nhiêu đời người Mông Cổ thường bắt thủ lãnh các nước nhỏ phải đến cho các đại hãn nhìn mặt, ai không nghe là đem quân tới làm cỏ thành trì. Các vị vua đầu tiên đời Trần cũng được mời qua bệ kiến nhiều lần nhưng đã từ chối không nghe. Sau khi quân ta đã đánh quân Nguyên tơi tả rồi, vua nhà Nguyên vẫn còn đòi Trần Nhân Tông phải vào chầu; Hốt Tất Liệt ra lệnh: “Theo chế độ của tổ tông ta đã định, phàm nước nội phụ thì: Quân trưởng phải thân vào chầu, con em phải làm con tin …”
Trong cuốn Văn Học Việt Nam trên những chặng đường chống Phong kiến Trung Quốc xâm lược, 1981, Trần Thị Băng Tâm viết bài “Khí phách Đông A trong thơ sứ trình đời Trần,” đã thuật lại cuộc tranh đấu ngoại giao của các vị vua nước ta, nhiều lần cương quyết bác bỏ đòi hỏi “triều kiến” với lời lẽ nhún nhường và vững chắc. Vua Nguyên thì luôn “mắng mỏ,” nhắc đi nhắc lại: “Nếu quả là thành tâm sao không đến tận nơi mà bày tỏ?” Và dụ dỗ: “Chi bằng quy mệnh đến chốn khuyết đình lại được sủng vinh …” Nhưng Trần Nhân Tông lúc nào cũng từ chối, lấy cớ đường xa, lo khí hậu không thích hợp sẽ bệnh tật, vân vân; với những “lời phơi bày gan phổi.” Tờ “biểu” (một chữ khiêm cung để gọi lá thư) năm 1278 viết: “Tôi sinh trưởng ở đất Việt Thường, sức người yếu đuối, không quen thủy thổ, không dạn nắng mưa …” Đến năm 1292 lại viết: “Tôi sinh trưởng ở xứ xa ngút, không phục thủy thổ, không quen nắng mưa, các sứ thần tiểu quốc qua lại thường trong mười người thì sáu bảy người chết vì lam chướng …” Nhưng lý luận cứng rắn nhất là khi Nhân Tông vin vào một bức thư do chính Hốt Tất Liệt viết, năm 1261, niên hiệu Trung Thống. Lúc đó quân Mông Cổ chưa chiếm được hết nước Tàu (năm 1271 Hốt Tất Liệt mới thực thụ lên ngôi) cho nên cách đối xử còn dễ dãi. Bức công hàm ngoại giao này, gọi là “sắc,” viết: “Phàm các việc điển lễ, phong tục, nhất nhất y theo lệ cũ của bản quốc không cần thay đổi.” Bản quốc đây tức là nước Đại Việt.
Năm 1292, Hốt Tất Liệt lại dọa dẫm đang “sắm sửa binh mã sẵn sàng mà đợi” nếu vua Trần không vâng lệnh vào chầu. Trần Nhân Tông lại từ chối, và nhắc lại: “… năm Trung Thống thứ hai, có xuống lời chiếu phong vương tước, lại có sắc riêng nói rằng quân Thiên triều không vào tiểu quốc và các tục cũ về y quan, lễ nhạc đều không thay đổi …” Nhà vua còn nhắc đến việc tiếp nhận chiếu của vua Tàu nhưng theo nghi lễ của nước mình: “Nước tôi đã nhận được chiếu bảo cứ theo tục lệ cũ. Phàm nhận chiếu thì cứ để nơi chính điện còn mình thì lui vào ở nhà riêng. Đó là điển lễ của nước tôi” (An Nam Chí Lược). Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, trong sách viết về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đọc thấy ngụ ý của câu đầu là vua nhà Trần lúc đó đã không chịu “bái lạy” khi nhận chiếu, như sứ thần nhà Nguyên yêu cầu. Nhà vua giải thích đó là “điển lễ của nước tôi.”
Trong cả vùng Á Đông, các nước nhỏ đều chịu nhận mình nằm trong một “trật tự toàn cầu,” không ai muốn tranh giành ảnh hưởng với hoàng đế Trung Hoa. Nhiều dân tộc có lúc mạnh hơn Trung Quốc; quân Tây Tạng đã từng chiếm đất của triều đình Trung Hoa, đánh phá Trường An; quân Nam Chiếu và Đại Lý cũng tiến vào chiếm đất trong tỉnh Thiểm Tây; hay người Mãn Châu (nhà Liêu, nhà Kim) đã bắt vua Tống thần phục. Nhưng các nước đó sau cùng đều bị thôn tính và đồng hóa cả.
Vào thế kỷ 19 có những người ngoại quốc thiếu hiểu biết, nghĩ rằng Việt Nam trước đây là một phần của Trung Quốc, lấy lý do là ông vua Việt Nam được các ông vua Tàu phong nhậm. Đến thế kỷ 21 còn nhiều người Trung Quốc nói Việt Nam trước đây là một tỉnh của nước họ, sau đã tự ly khai. Thực dân Pháp lúc mới chiếm nước ta cũng hiểu như vậy, khi đòi đem chiếc ấn của nhà Thanh ban cho vua Việt Nam về Pháp; rồi vì triều đình Huế không chịu mới cử hành buổi lễ nung chảy cái ấn ra. Theo Nguyễn Duy Chính, quả ấn An Nam Quốc Vương hay Việt Nam Quốc Vương không phải là một bằng chứng lệ thuộc. Quả ấn đó không dùng vào việc nào khác ngoài việc đóng dấu trên văn thư gửi sang Trung Hoa; chứng tỏ đây là văn thư đích thực. Vì mỗi khi bên Tàu họ gửi ấn sang cho vua nước ta, họ luôn luôn giữ một mẫu dấu ấn với mục đích để đối chiếu, xác nhận đây không phải là thư giả mạo. Người ta không hiểu, hoặc cố tình không hiểu rằng cái ấn và việc phong nhậm đó chỉ là một dấu vết tượng trưng phân biệt nước nhỏ với nước lớn, không có một ràng buộc thực tế nào cả. Chủ trương hòa hoãn của các vị vua Việt Nam như Trần Nhân Tông, Lê Thái Tổ, Quang Trung, sau khi đánh thắng quân phương Bắc rồi lại dâng biểu “cầu hòa,” xin được phong làm An Nam Quốc Vương ngay. Đó chỉ là một đường lối ngoại giao khôn ngoan, một thủ đoạn ngoại giao để “hối lộ,” vuốt ve lòng tự ái ông vua Tàu, Nguyễn Trãi gọi đó là “kế toàn quân.”
Một đường lối ngoại giao mềm dẻo, cộng với thái độ cương quyết bảo vệ chủ quyền, sẵn sàng chống cự khi bị xâm lấn, đó là chính sách tổ tiên chúng ta đã áp dụng trong suốt ngàn năm sau khi được tự chủ.
Dùng Nho Giáo viết tuyên ngôn độc lập
Nguyễn Trãi đã tái xác nhận thể thống quốc gia và chủ quyền dân tộc trong Bình Ngô Đại Cáo, năm 1428. Bài “Đại Cáo” này viết ngay từ câu đầu: “Đại thiên hành hóa hoàng thượng nhược viết;” nghĩa là “thay trời hành động hoàng thượng nói rằng.” Nguyễn Trãi nói vua Lê nhận được “Mệnh Trời,” và xác định vua nước mình cũng ngang hàng với ông vua Trung Quốc, cả hai đều “thay Trời hành hóa.” Nguyễn Trãi cũng xác nhận thêm một điều khác, là các vị vua ở nước ta xưa nay đều xưng Đế: “Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương;” nghĩa là cùng các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên bên Tàu mà xưng đế một phương, không khác các ông vua bên Tàu.
Ngày nay mỗi lần đọc lại Bình Ngô Đại Cáo người Việt Nam nào cũng có thể rưng rưng nước mắt, xúc động và cảm thông với tấm lòng yêu nước của tổ tiên trước đây sáu thế kỷ. Nhưng cũng cảm phục tinh thần bao dung văn hóa trong truyền thống dân tộc. Mặc dù biểu dương tinh thần độc lập, ca ngợi các chiến công hiển hách trước kẻ địch, cũng trong bài cáo Bình Ngô này Nguyễn Trãi vẫn sử dụng những ngôn ngữ và tư tưởng từ lý thuyết chính trị của Nho Giáo. Điều này cũng chứng tỏ các lý thuyết Khổng Mạnh, cũng như giáo lý của các tôn giáo lớn không thuộc vào một giống dân nào, có giá trị phổ biến, có thể áp dụng cho tất cả mọi dân tộc.
Nguyễn Trãi cố ý mở đầu bài Đại Cáo với hai giá trị vẫn được Khổng Tử đề cao là Nhân và Nghĩa: “Nhân Nghĩa chi cử, yếu tại an dân, Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo.” (Bản dịch của Bùi Kỷ: Việc Nhân, Nghĩa cốt ở yên dân; quân điếu phạt chỉ vì khử bạo). Nếu một nhà chính trị Việt Nam thời nay viết bài cáo Bình Ngô mà muốn diễn tả ý giống như Nguyễn Trãi thì có thể mở đầu bằng câu: “Công việc chính trị đều có mục đích giúp dân được sống bình yên.”
Thay vì nói “Việc chính trị cốt để yên dân,” Nguyễn Trãi đã viết: Việc Nhân Nghĩa. Mặc nhiên xác định tôn chỉ việc chính trị là thực hiện Nhân và Nghĩa. Trong nhiều đoạn sau ông nhắc lại nhiều lần hai chữ Nhân, Nghĩa: “Dĩ đại Nghĩa nhi thắng hung tàn, Dĩ chí Nhân nhi địch cường bạo.” (Đem đại Nghĩa để thắng hung tàn – Lấy chí Nhân mà thay cường bạo). Hai chữ Nhân và Nghĩa từng được Khổng Tử và môn đệ nhắc đến rất nhiều lần trong Luận Ngữ, đã trở thành những giá trị phổ biến cho cả loài người ở trong vùng Á Đông. Sau khi đề cao các quy tắc chính trị đó, Nguyễn Trãi có thể dùng các tiêu chuẩn Nho giáo để kết tội quân nhà Minh, gọi là “Bại Nghĩa thương Nhân,” (hủy hoại các quy tắc Nhân, Nghĩa).
Nguyễn Trãi trước đó trong thời gian kháng chiến vẫn sử dụng các quy tắc Nhân Nghĩa để thuyết phục các tướng sĩ chỉ huy quân Minh, trong các văn thư trao đổi còn chép trong Quân Trung Từ Mệnh Tập. Nguyễn Huệ Chi nghiên cứu rất kỹ lưỡng các văn thư này, nhận thấy, “những phạm trù tư tưởng đạo Nho: ‘nhân nghĩa,’ ‘thành,’ ‘tín,’ ‘thời thế,’ được tác giả vận dụng như những nguyên lý phổ quát …” Như trong thư gửi Phương Chính: “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên lập công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu.” Bức thư dụ hàng quân giặc đóng trong thành Tam Giang viết: “Thư bảo cho tướng hiệu quan viên cùng quân nhân thành Tam Giang biết: Cái điều đáng quý ở người quân tử là biết thời thông biến …” Và lá thư gửi Vương Thông ở Đông Quan: “Lấy thành thực đãi người thì người cũng thành thực đáp lại. Cái đạo chí thành có thể động tới trời đất, cảm được quỷ thần, huống chi là người.” Nguyễn Huệ Chi nhận thấy các quy tắc trên quán xuyến cách suy nghĩ suốt cuộc đời Nguyễn Trãi (trong Nguyễn Trãi – Khí phách và tinh hoa dân tộc, Hà Nội, 1980, trang 198-228).
Sử dụng các quy tắc chính trị của Khổng Giáo trong lúc tuyên dương việc đấu tranh giành độc lập của dân mình, Nguyễn Trãi đã thể hiện một truyền thống lâu dài: Dân tộc Việt Nam sẵn sàng học hỏi những nguyên tắc phổ quát từ nền văn minh lớn mà mình được tiếp xúc, đồng thời không bao giờ chịu lệ thuộc về chính trị. Đây là một nét đặc trưng của hai ngàn năm lịch sử nước ta kể từ thời có sử.
Hành động khôn khéo sử dụng các quy tắc trong đạo lý Khổng Giáo để chống đế quốc nhà Minh của Nguyễn Trãi cũng không khác gì các nhà lập quốc Hoa Kỳ vào thế kỷ 18 sau này. Họ cũng nổi lên chống lại vua nước Anh, nhưng vẫn nhân danh các quy tắc dân quyền và nhân quyền của các triết gia người Anh và Tô Cách Lan, từ Hume, Mill, cho tới Locke. Chính các nhà quý tộc Anh và giới tư sản nước Anh cũng từng viện dẫn các quy tắc đó để đòi giới hạn quyền hành của ông vua Anh. Khi Jefferson hoặc Adams viện dẫn quyền tự nhiên của con người phải được sống tự do và có quyền theo đuổi hạnh phúc, họ cũng chỉ nêu lên những ý kiến do các hiền giả đời trước bên Anh quốc đề xướng. Các quy tắc chính trị đó đã trở thành gia tài chung của nhân loại, giống như tư tưởng Nhân, Nghĩa của Khổng Mạnh đã trở thành gia tài chung của các nước Á Đông trong hàng ngàn năm trước.
Bản tuyên ngôn độc lập Bình Ngô Đại Cáo còn mang dấu vết những kích thước “siêu hình” và “toàn cầu,” vượt lên trên những vấn đề chính trị quốc gia. Nguyễn Trãi chứng tỏ nếp sống tinh thần của dân Đại Việt đã có trình độ cao không thua Trung Quốc. Để xứng đáng với vai trò một hoàng đế chịu mệnh trời, một hoàng đế phải nhìn xa hơn, cao hơn việc chính trị thế tục và các tranh chấp giữa các quốc gia. Nguyễn Trãi viết lời vua Lê “cảm ơn trời đất, tổ tiên thiêng liêng,” khi tuyên bố từ nay “bốn biển được thanh bình.” Ông dùng các chữ “Tứ hải vĩnh thanh” mà không dùng những chữ Thiên Hạ Thái Bình, mặc dù cũng diễn tả cùng một ý. Và ông nhấn mạnh đến “tổ tông” ngay sau hai chữ “thiên địa” để xác định, ngoài lý do hành động hợp với đạo Trời, Đất, một yếu tố quyết định cuộc kháng Minh thành công chính là nhờ vong linh tổ tiên hỗ trợ, khi mình quyết giữ giòng giống Việt, độc lập với nước Trung Hoa.
Mặc dù người Việt Nam chống lệ thuộc người phương Bắc nhưng vẫn chấp nhận, học hỏi và thực hành những đạo nghĩa và tư tưởng do các triết gia Trung Hoa đề xướng. Hai khuynh hướng vừa học theo, vừa giữ độc lập không hề mâu thuẫn với nhau.
Tuy nhiên, không phải tất cả những truyền thống chính trị, văn hóa của nước Trung Hoa đều nhất nhất được người Việt bắt chước. Trong bốn thế kỷ đầu thời tự chủ, Nho giáo chưa chiếm địa vị độc tôn. Bởi vì các ông vua bên Tàu dùng Nho học để tuyển chọn quan lại chỉ nhằm mục đích củng cố guồng máy chính quyền tập trung. Cho nên họ chọn lựa và chỉ đề cao những “khẩu hiệu” nào giúp họ củng cố quyền hành dễ nhất. Các quy tắc chính trị khuôn mẫu của Nho Giáo lần lần bị các vua chúa bóp méo khi đem áp dụng. Ở Trung Hoa, chế độ tập trung quyền hành có thể đáp ứng nhu cầu tự nhiên của một nước rộng lớn. Áp dụng chế độ đó vào một nước nhỏ như Việt Nam thì không ích lợi mà chỉ làm tê liệt tinh thần tự lập, soi mòn óc sáng tạo, tiêu diệt thói quen phê phán độc lập.
Phải nhắc đến quan niệm về thiên hạ của người Trung Hoa và nhìn lại mối tương quan giữa nước Việt Nam và Trung Quốc trong thời tự chủ để chúng ta nhìn thấy toàn cảnh lịch sử dân tộc khi phải sống bên cạnh một quốc gia với một nền văn minh lớn mạnh và luôn luôn nhòm ngó nước mình. Nếu như nước Việt Nam không bao giờ bị người Hán đô hộ, như Nhật Bản, Miến Điện, thì thái độ kiên cường đó có lẽ dễ hiểu. Nhưng tổ tiên ta vẫn giữ vững một khí phách độc lập sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc thì càng đáng kính nể hơn.
Để thấy đức kiên cường tự lập của dân Việt, cần thấy rõ sức mạnh bành trướng của khối người Trung Hoa, bắt đầu từ thời Tiên Tần và kéo dài đến thế kỷ thứ 10. Vì cùng thời gian nhà Tần, nhà Hán đưa quân xuống chiếm đóng nước ta, các sắc dân ở phía Nam Trung Quốc cũng bị chiếm đóng và sau đó họ dần dần bị đồng hóa cả. Xét về chủng tộc và ngôn ngữ, những sắc dân đó vốn giống người Việt Nam hơn là giống người Hán. Khi chưa tiếp xúc với người Hán, khi nền văn minh Hoa Hạ chưa bắt đầu tràn xuống phía Nam, thì tổ tiên của khối dân miền Hoa Nam là những anh em họ xa của tổ tiên người Việt; người phương Bắc mới thực là “người ngoài.” Nhưng bây giờ họ đều là dân Trung Quốc, cùng nhận thuộc Hán tộc cả.
Muốn thấy rõ điều này, cần phải nhìn lại những cuộc di dân trong lục địa châu Á từ năm, bảy ngàn năm trước. Nhìn lại, sẽ biết rõ những tương đồng giữa dân Việt và các sắc dân khác trong vùng Đông Nam Á cũng như trong miền Hoa Nam; thấy dân Việt khác người Hán vì họ thuộc vào khối các sắc dân Đông Nam Á.
______________
Trích “Đứng Vững Ngàn Năm” của tác giả Ngô Nhân Dụng, tức Cư sĩ Chân Văn Đỗ Quý Toàn. Người Việt Books xuất bản, 2013. Giấy Vụn, 2014