Ai tới các đền đài cung điện ở Bắc Kinh đều thấy những tấm bảng viết bằng 5 thứ chữ, ngôn ngữ của 5 giống dân Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng. Năm sắc dân này được tượng trưng bằng 4 ngôi sao nhỏ quay quanh ngôi sao lớn trong lá cờ Trung Quốc hiện nay. Không phải ông Mao Trạch Đông hay ông Tôn Trung Sơn đã gom bốn sắc dân nhỏ vào với dân gốc Hán để xác định dân tộc Trung Hoa. Ý kiến này được thực hiện từ các vị vua nhà Thanh, cốt để chứng tỏ việc họ thống trị thiên hạ là phù hợp với đạo cương, chế độ, tập tục. Nhà Thanh gốc từ Mãn châu; họ cần biện minh tại sao một nhóm dân thiểu số lại được ngồi trên đầu những người dân Hán chiếm đa số. Biện minh bằng một lý thuyết ngay trong truyền thống Trung Hoa, nói rằng Thiên Hạ là của chung. Trung Quốc có năm giống dân thì người thuộc sắc tộc nào lên làm thiên tử cũng được.
Vì tham vọng trị vì tất cả thiên hạ của các hoàng đế Mãn Thanh nên bây giờ dân Mãn châu mất gốc rễ (những người nói thông thạo tiếng Mãn hiện đang chết dần; ông vua sau cùng là Phổ Nghi không nói thông thạo tiếng mẹ đẻ). Các hoàng đế Mãn Thanh không chủ trương bắt người Hán phải học tiếng nói của họ, vì chính tiếng nói là đặc điểm khiến họ giữ bề ngoài sang quý, tách biệt với các thần dần. Người Mãn cai trị Trung Nguyên ba thế kỷ thì đất Mãn Châu nhập vào Trung Quốc. Cũng như người Mông Cổ năm thế kỷ trước đã đánh Đông dẹp Bắc, mở mang bờ cõi, cuối cùng để lại một cương thổ rộng lớn “làm cỗ sẵn” cho các ông vua người Hán hưởng. Nhiều người Mông Cổ ở vùng Nội Mông bây giờ vẫn đang sống bằng nghề chăn nuôi như tổ tiên họ hàng chục ngàn năm trước. Nhưng các cánh đồng cỏ đang bị các công ty Trung Quốc gặm nhấm dần bằng những cây cần trục và các máy đào đất nhập cảng từ Mỹ, Nhật. Nằm dưới đất là quặng “đất hiếm,” nguyên liệu cần thiết trong công nghiệp điện tử cả thế giới.
Nhưng thành công lớn nhất của người Hán không phải là việc họ đã gom các sắc tộc ngoài biên ải vào thành một nước Trung Hoa. Công trình lớn lao và quan trọng hơn nhiều, thực hiện trong suốt hai ngàn năm trước và sau Công Nguyên, là họ đã thu phục miền Nam, với số dân đông gấp trăm lần các sắc dân Mông Cổ, Mãn Châu, Tây Hạ, Hồi Hột. Người Hán đã đem nền văn minh sông Hoàng, sông Hoài từ miền Bắc xuống phía Nam, đồng hóa hoàn toàn các sắc dân sống từ bờ sông Dương Tử (Trường Giang) xuống tới biên giới Hoa Việt.
Muốn thấy công trình đó đặc biệt như thế nào, chúng ta thử tưởng tượng nếu lịch sử Âu châu theo một con đường tương tự. Thí dụ, có một sắc dân nào đó ở phía Bắc Âu Châu như người Viking, đã chinh phục hết các nước từ Đức, Pháp xuống tới bờ Địa Trung Hải, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, thống nhất Âu Châu thành một quốc gia; sau hai ngàn năm người dân tất cả các nước đó tự coi mình là Viking hết. Hay ngược lại, tưởng tượng một giống dân La tinh ở phía Nam tiến lên Bắc Âu; hoặc dân Tư Lạp Phu (Slavic) ở miền Đông, tiến sang phía Tây xâm chiếm các vùng thuộc Ba Lan, Pháp, Đức, lên tới miền Thụy-Na-Đan ở Bắc Âu, và sau hai ngàn năm, họ đồng hóa tất cả các giống dân ở đó, lập một quốc gia lớn.
Ở Âu Châu chuyện đó không xảy ra. Có phải vì đất đai quá rộng, giao thông khó khăn; hay vì dân Châu Âu đông đúc, phức tạp quá hay không? Chắc không phải. Nếu so sánh với nước Trung Hoa thì dân sống ở Âu Châu tương đối còn thuần nhất hơn. Cả lục địa chỉ có hơn năm chục tiếng nói thuộc vào mấy họ ngôn ngữ, họ gốc lớn nhất là tiếng Ấn Âu. Lục địa Trung Quốc rộng lớn hơn, cũng bị nhiều núi non ngăn cách như ở Âu châu. Các sắc dân ở Trung Quốc nói hàng trăm thổ ngữ khác nhau, tính tình, phong tục khác biệt. Khối người sống trong lục địa Trung Quốc cũng phức tạp không khác gì dân trên bán đảo Ấn Độ, và phức tạp hơn các sắc dân Âu Châu. Trung Hoa không phải là một dân tộc theo định nghĩa thông thường. Trước đây vài ngàn năm hai miền Nam Bắc nước Trung Hoa khác nhau về chủng tộc, ngôn ngữ, phong tục, cũng như họ khác với người Việt mình vậy. Vậy mà cuối cùng tất cả đã được gom lại thành một Trung Quốc. Nói như Lâm Ngữ Đường, đó là điều không hề xảy ra ở các nơi khác!
Người Hán đã thành công thống nhất sơn hà qua một quá trình đồng hóa theo lối “tầm ăn dâu,” chậm, chắc, và bền bỉ. Họ chỉ ngừng bước khi đụng tới đám dân Lạc Việt ở vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã. Nhìn lại quá trình Hán hóa miền Hoa Nam chúng ta càng thấy rõ sức mạnh đề kháng của tổ tiên người Việt.
Lâm Ngữ Đường, trong lúc chế nhạo các hủ tục của người dân nước ông, cũng công nhận tình trạng khác biệt đó. Ông viết: “Nhìn hình dạng người miền Bắc với miền Nam thì thấy rõ sự khác biệt… Ngày nay không ai có thể chỉ ra được ai là “người Trung Hoa thuần túy.” Ông còn giải thích: “Dân tộc Trung Hoa sở dĩ tồn tại đến ngày nay là nhờ được tiếp máu ngoại tộc một nửa…. Người miền Bắc hỗn hợp với ngoại tộc nhiều cho nên có cái sức mạnh của phương Bắc mà người miền Nam không có.” Lâm Ngữ Đường viết: “Bao nhiêu triều đại đế vương đều ở Bắc Trường Giang, không có triều đại đế vương nào ở Nam Trường Giang cả.” Ông nhắc lại câu tục ngữ, “Người ăn mì có thể làm đế vương, người ăn gạo không thể làm đế vương.” Bằng chứng: Vũ Vương, Tần Thủy Hoàng, Đường Thái Tổ sinh ở miền Lũng Tây. Hán Cao Tổ sinh ở Giang Bắc; Tống Thái Tổ sinh ở Hà Bắc, Tấn Vũ Đế, Minh Thái Tổ sinh ở Hà Nam. Ông nêu nhiều thí dụ cho thấy “miền Giang Hoài là vùng hang ổ của đạo tặc thì cũng là nơi phát tích các đế vương.”
Dù được thống nhất từ thời Tần Thủy Hoàng nhưng người Trung Hoa quen sống trong một đế quốc, chứ không phải một quốc gia theo khái niệm bây giờ. Những đế quốc như La Mã, Ottoman, Đế quốc Anh không phải là những quốc gia. Khi trung tâm tan rã thì các dân tộc trong đế quốc lập tức tách ra tự trị, hoặc rơi vào tay một đế quốc mới. Trong đế quốc Trung Hoa người ta sống như vậy trong mấy ngàn năm. Cho nên dân Trung Hoa cũng sẵn sàng chấp nhận sống dưới quyền cai trị của người Mông Cổ, người Kim, hoặc người Mãn. Ý thức Dân tộc của người Trung Hoa thực sự chỉ nổi lên từ thế kỷ 19; trước mối nhục nước họ bị người Âu Châu và Nhật Bản xâu xé; triều đình người Mãn đang cai trị họ thì quá thủ cựu và bất lực.
Nhưng bốn ngàn năm trước, vào lúc người Hán bắt đầu văn minh, thì các sắc dân ở miền Nam cũng không còn sống bán khai. Thời nhà Hạ (từ thế kỷ 21 đến thế kỷ 18 trước Công Nguyên), trước khi vua Hạ Vũ làm kế hoạch dẫn nước vào ruộng (trị thủy), phần lớn dân miền Hoa Bắc vẫn còn sống theo lối du mục (chăn nuôi) hoặc du canh (đốt rừng làm rẫy). Cùng thời gian đó những sắc dân ở Hoa Nam đã định cư, đã phát triển nông nghiệp. Vì ở phương Nam có những miền đất phì nhiêu, từ hai bên bờ Trường Giang cho tới các vùng châu thổ Tây Giang ở Quảng Đông bây giờ. Kinh tế no đủ tạo nền tảng cho văn minh phương Nam phát triển. Các nước Sở, Ngô, đã thành hình với các nét văn hóa, nghệ thuật khá cao, không thể gọi là “man di.” Trong phần sau chúng ta sẽ thấy, bài hát “Việt Nhân Ca” ra đời mấy trăm năm ở phía Nam trước khi được triều đình nhà Hán đem về lưu trữ trong văn khố ở Trường An.
Điều kiện địa lý, đất trồng trọt không cung cấp đủ thức ăn, những năm mưa nắng không điều hòa thì chết đói hàng loạt, đã thúc đẩy các giống dân phía Bắc phải tràn xuống phía Nam tấn công, khai phá, chinh phục các sắc tộc bản địa. Họ không chỉ đánh, cướp của, rồi rút đi như dân cướp biển hay các đạo quân người du mục. Họ chinh phục để bành trướng đời sống định cư.
Người Việt sau này Nam tiến lấn chiếm đất của người Champa, người Khmer cũng theo cùng một lối không khác gì mấy. Họ rút kinh nghiệm các phương pháp “thực dân” của người Hán, đem áp dụng trên đường Nam tiến. Người Việt chú trọng tới các định chế xã hội, chính trị cho nên mạnh hơn các những sắc dân Champa, Khơ Me từng hấp thụ ảnh hưởng văn minh Ấn Độ và Hồi Giáo.
Văn hóa hai miền Nam, Bắc Trung Quốc không giống nhau một phần do ảnh hưởng địa lý, phong thổ tạo ra, chứ không phải chỉ vì chủng tộc khác biệt. Người ta “sống đâu âu đó,” sau hàng chục ngàn năm thì thổ ngơi, khí hậu đưa tới những cách sinh nhai, quần tụ, tạo ra tính tình và phong cách riêng biệt. Người vùng sông Hoàng Hà sống cực nhọc hơn các sắc dân ở các đồng ruộng phì nhiêu quanh Trường Giang. Vì thế, trong hàng chục ngàn năm, tánh tình, phong cách, phong tục dân hai miền Nam Bắc lục địa Trung Hoa phát triển theo hai chiều đối nghịch, cách tổ chức cuộc sống tập thể cũng khác.
Miền Hoa Bắc khô khan, gió Tây Bắc mỗi năm thổi cát vàng từ sa mạc Gobi vào; con sông Hoàng dữ tợn có khi lại đổi giòng nước gây thêm tai biến. Cuộc sống chiến đấu trường kỳ với thiên nhiên bắt họ phải tập họp ngày thêm đông người, lấn thêm đất, tạo ra những con người khắc khổ, chấp hành kỷ luật và đề cao uy quyền. Đối với dân Hoa Bắc, sống là tranh đấu và đoàn kết để chế ngự thiên nhiên và bảo vệ an ninh. Người miền Bắc quen chinh chiến, vì bao nhiêu đời vẫn phải tranh giành nhau từng mảnh đất. Họ lại luôn luôn phải đối phó với các đoàn dân du mục từ phía Bắc kéo xuống để cướp thóc gạo, gia súc, bắt nô lệ và cướp phụ nữ để sinh con đẻ cái cho đông hơn. Các quy tắc Nho Giáo và tổ chức của Pháp Gia tự nhiên thích hợp và trở thành cần thiết để duy trì cuộc sống tập thể trong hoàn cảnh khó khăn đó. Tất nhiên, người miền Bắc phải là một giống dân chiến đấu giỏi và gan dạ, như Khổng Tử mô tả: “Nằm ngủ vẫn mặc áo giáp và đeo binh khí; chết cũng không sợ,” khi phân biệt với sức mạnh của người hai miền Nam, Bắc.
Miền Hoa Nam đất ruộng dễ khai thác, nhiều sông lạch tiện cho việc giao thông, tính tình con người thành dễ dãi, phóng túng. Con người phương Nam được thiên nhiên ưu đãi, nhìn thiên nhiên với thiện cảm, cho nên sau này phát sinh những tư tưởng trong truyền thống Lão, Trang chủ trương sống hòa hợp với “tự nhiên.”
Công cuộc đồng hóa miền Nam Trung Hoa bắt đầu bằng vũ lực, chiếm thành, cướp của cải, đặt quan cai trị lâu dài, bắt dân đi lính, phục dịch và thu cống phẩm. Chinh phục bằng quân sự là điều kiện cần nhưng không đủ để đồng hóa các sắc dân khác. Phải có sức mạnh văn hóa. Bằng cớ là quân Mông Cổ đã từng chiếm từ Á châu sang Đông Âu, đến tận núi Ural; nhưng sau cùng chính họ lại bị đồng hóa bởi các nền văn minh ở nơi họ chiếm đóng. Từ việc chinh phục đất đai tiến tới đồng hóa một sắc dân, phải qua nhiều thế kỷ. Người Hán không đồng hóa các sắc dân khác bằng một tôn giáo, như người Á Rập hay người châu Âu khi sang chiếm châu Mỹ. Khí cụ chinh phục mạnh nhất của họ là nền nếp văn minh Hoa Hạ với những định chế hữu hiệu: Thứ nhất là chữ viết; thứ hai là cách tổ chức xã hội, chính quyền bằng các quy tắc luân lý phổ quát dễ được chấp nhận.
Chinh phục bằng văn hóa
Trên thế giới, các làn sóng bành trướng diễn ra một cách tự nhiên khi một giống dân tiến bộ về kinh tế sớm hơn tràn ra thu phục các sắc dân khác. Dân định cư làm nghề nông thường bị dân du mục tấn công cướp bóc; nhưng sau đó gây ảnh hưởng ngược lại, chính họ sẽ thay đổi lối sống của người du mục khi những người này đổi sang việc trồng trọt và nuôi gia súc.
Mối lo lớn nhất của mọi xã hội thời xưa là làm sao bảo đảm có thức ăn đầy đủ và thường xuyên. Một nhóm người tìm ra kỹ thuật canh tác mới giúp thực phẩm tăng lên nhanh, họ dư thức ăn để nuôi thêm những thành phần không trực tiếp “lo cho cái bao tử.” Thí dụ, việc dùng lưỡi cày bằng kim loại thay cho đồ đá sẽ gặt hái được nhiều ngũ cốc hơn dù trồng trên cùng một mảnh đất. Dùng một con bò hay ngựa kéo cày, một người làm ruộng nuôi được hàng chục người làm công việc khác. Tạo thêm thực phẩm dư thì xã hội mới nuôi được thêm những người thợ thủ công, những nghệ sĩ ca múa hay chuyên kể chuyện cổ tích, và những người ghi chép sổ sách. Trong số đó có những người không làm công việc sản xuất gì cả mà chỉ làm “lãnh tụ,” sai khiến người khác.
Giống dân “tân tiến” đi truyền bá “văn minh” bằng cách dậy lối sống mới cho những đám người còn “chậm tiến;” nhất là những nhóm người vẫn sống bằng việc hái lượm hoặc đốt rừng làm rẫy, mỗi năm lại thiên cư. Sau khi bắt chước các kỹ thuật canh tác, dân bán khai sẽ được an toàn hơn về nguồn cung cấp thực phẩm. Giống dân tìm ra các kỹ thuật trồng trọt hoặc chăn nuôi có hiệu quả nhất sẽ có khả năng chinh phục và đồng hóa các giống dân ở những nơi còn “xa ánh sáng văn minh.” Họ mang theo các loại ngũ cốc chưa có; mang theo cả các nông cụ bằng đồng, bằng sắt, thay thế cho đồ đá. Sử sách Trung Hoa thường nhấn mạnh đến khía cạnh “khai hóa” này; ghi nhiều chuyện các quan cai trị người Hán dậy dân miền Nam nuôi trâu bò để kéo cày. Nhiều vị quan được ghi công trạng đã khuyến khích dân trồng dâu, nuôi tằm, và trồng cây đay để lấy sợi làm dép. Nhiều vị quan người Hán dậy dân khai mỏ đồng và sắt. Hậu Hán Thư kể chuyện vào năm 53 (Công Nguyên) một viên quan gọi là Đệ Ngũ Luân đến miền Nam đã ra lệnh dân bảo vệ trâu bò để kéo cày, không được giết, dù hy sinh để cúng tế. Ông ta bắt các thầy cúng bỏ tục lệ giết trâu cúng thần, hậu quả cũng thay đổi tín ngưỡng của dân địa phương.
Nuôi trâu bò, ngựa, heo không những gia tăng giá trị dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn giúp việc canh tác hiệu quả hơn; vì mục súc cung cấp cả phân bón. Đó là những tiến bộ kỹ thuật gia tăng năng suất nông nghiệp; các sắc dân biết nuôi trâu, bò, ngựa đầu tiên có nhiều ngũ cốc để ăn và còn dư. Khi sắc dân “mới tiến bộ” đã no đủ hơn, họ sẽ học thêm các hoạt động kinh tế cao hơn việc kiếm ăn. Như học thêm chữ viết, các tín ngưỡng mới, và một hệ thống cai trị rất cần thiết để quản lý xã hội khi dân số đông hơn. Sau một vài ngàn năm, những người “văn minh” sẽ dần dần biến đổi dân bản địa tập sống như họ, suy nghĩ và nói năng, hành động theo lối của họ.
Tuy sử sách người Hán thích kể công khai hóa, nhưng thực ra từ thời thượng cổ trình độ tiến bộ kinh tế của các sắc dân phía Nam Trường Giang không thua kém người Hoa Bắc. Trước đời Tần, Hán, hai miền phía Nam Bắc phát triển nông nghiệp song song không ai kém ai; miền trên trồng kê, lúa mì, miền dưới trồng lúa. Có thể họ đã học việc trồng lúa của dân Đông Nam Á, nơi được coi là xuất phát của cây lúa gạo.
Những giống dân sống trong vùng Đông Nam Á đã bắt đầu trồng lúa và biết sử dụng đồ đồng trước người dân vùng sông Hoàng. Nhiều sử gia cũng thấy chính dân miền Đông Nam Á và Hoa Nam đã truyền kỹ thuật làm đồ đồng cho người Hán phương Bắc. Một trong những chiến lợi phẩm của Mã Viện sau khi chinh phục nước ta là cướp rất nhiều trống làm bằng đồng của dân Lạc Việt, đem nấu ra đúc tượng ngựa bằng đồng dâng vua Hán.
“Sức mạnh mềm” 2000 năm trước
Sử sách của người Hán hay đề cao việc dạy dân miền Nam các kỹ thuật canh tác mới, nhưng việc đồng hóa miền Hoa Nam thực ra là nhờ vào những “Sức Mạnh Mềm,” (soft power) nói kiểu Joseph Nye bây giờ. Sức mạnh riêng của người Hán là họ sáng tạo một cách tổ chức cai trị có hiệu quả hơn trong việc thu thuế và bắt lính; trong khi các sắc dân phía Nam chưa bị thúc đẩy phải đặt ra các kỹ thuật cai trị đáp ứng các nhu cầu đó. Nhiều sáng chế trong guồng máy cai trị dùng ở các nước phía Bắc được đem áp dụng để cai trị dân miền Nam.
Sáng chế quan trọng nhất của người Hán là chữ viết, một dụng cụ thông tin hữu hiệu nhất vào hai ngàn năm trước; quan trọng không khác gì các sáng chế tin học thời nay. Trên chiến trường, mệnh lệnh viết ra chính xác hơn lời truyền miệng. Trong việc hành chánh, các luật lệ viết trên giấy, khắc trên đá được phổ biến rộng và dân dễ học thuộc hơn. Chữ viết thống nhất việc quản trị các địa phương, khắp nơi có thể cùng theo một khuôn mẫu. Trước khi được bổ nhiệm vào guồng máy thư lại, “bureaucracy,” các thư ký phải biết đọc và viết chữ thông thạo. Nhờ chính sách của Tần Thủy Hoàng bắt dân bốn phương phải viết cùng một lối dù nói tiếng khác nhau, nên việc kiểm soát một đế quốc rộng lớn được dễ dàng hơn. Thứ chữ thống nhất này là khí cụ giúp Hán tộc đồng hóa các sắc dân phía Nam, tạo thành nước Trung Hoa bây giờ.
Chữ viết đã được nhiều giống dân đặt ra cùng một khoảng thời gian; ở các vùng Sumer, Ai Cập hay Mexico chữ viết đã xuất hiện sớm hơn ở Trung Quốc. Nhưng trong các xã hội cổ sơ đó, việc học và sử dụng chữ viết bị giới hạn, không chỉ hạn chế vì kinh tế eo hẹp mà còn vì tập tục, văn hóa. Ở hầu hết mọi nền văn minh ngoài Trung Quốc, những người được huấn luyện biết đọc và viết chữ thường chỉ gồm các thầy cúng tế trong đền thờ, hay các thư ký giữ kho tàng cho vua chúa, Chữ viết có khi mang tính chất thiêng liêng, hoặc được coi là dấu hiệu của uy quyền; càng có lý do phải kiểm soát và hạn chế. Khi số người sử dụng một thứ chữ viết không đông đảo thì việc phát triển, cải thiện và gia tăng số chữ viết để diễn tả nhiều thứ khác nhau cũng chậm chạp. Khi một hệ thống chính quyền sụp đổ, chữ viết có thể biến mất theo. Chữ cổ Ai Cập sáng chế từ ba ngàn năm trước Công Nguyên đã chết mấy ngàn năm, tới thế kỷ 19 mới được Jean-François Champollion “giải mã.” Năm 1908 các nhà khảo cổ đã tìm thấy một cái đĩa bằng đất nung ở đảo Crete, trung tâm của nền văn minh Minoan tối cổ tại Hy Lạp. Trên cái đĩa “Phaistos” này có những “chữ in nổi” bằng khuôn, người ta dùng khuôn ấn trên đất mềm trước khi nung đĩa. Có thể coi là họ đã bắt đầu có nghề “ấn loát.” Trên đĩa này, các hàng chữ uốn vòng hình trôn ốc rất đều đặn, có 241 hình, trong đó nhận ra được ít nhất 45 “chữ cái,” giống như các mẫu tự A,B,C. Cho tới nay vẫn chưa ai “đọc” được các chữ in rất khắc công phu và có tính toán mỹ thuật này, xuất hiện từ 1,700 năm trước Công Nguyên. Cả ngôn ngữ lẫn chữ viết của dân Minoan không phát triển thêm; biến mất từ hơn ba ngàn năm. Mà nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới cũng từng biến mất, không phát triển được, chỉ vì việc sử dụng chữ viết là độc quyền của các thầy cúng tế trong đền thờ, hay một số thư ký phục vụ các vua chúa.
Từ ba, bốn ngàn năm trước, chữ viết sử dụng ở Trung Quốc không bị những giới hạn như vậy. Chữ Hán được phổ biến trong đời sống thế tục, không bị các thầy cúng tế chiếm độc quyền. Việc học đọc và viết đã phổ cập tới nhiều người từ ngàn năm trước kỷ nguyên Tây lịch. Biến động xã hội thường xuyên, với những cuộc di dân và chinh phục, các chế độ thay đổi, tạo ra một lớp người biết chữ để dùng làm “thư lại” giúp việc các lãnh chúa. Các trường tư đã xuất hiện từ thời Xuân Thu. Từ 500 năm trước Công Nguyên những ông thầy như Khổng Tử, Mặc Tử đã sống bằng nghề dạy học. Các ông thầy giỏi được học trò đua nhau tới thụ giáo, được các vương hầu kính trọng.
Sĩ là tên gọi lớp người được huấn luyện có quy củ đó; lớp người này không phải chỉ gồm các văn thần hay thư lại, mà gồm cả các hiệp sĩ, các tướng lãnh và chiến lược gia, mưu lược gia, các chuyên viên quản trị, ngoại giao. Khi viết giới thiệu Chiến Quốc Sách (bản dịch 1989), Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê cho biết trong thời Chiến Quốc (479 – 221 Trước Công Nguyên) chữ Sĩ chỉ bốn hạng người: Học sĩ, Sách sĩ (mưu sĩ, biện sĩ), Phương sĩ (chuyên gia về các kỹ thuật đương thời như như y học, canh nông, phương thuật, bói toán), và các Hiệp sĩ. Đọc sử Trung Hoa ta thấy trường tư của Quỷ Cốc Tử dạy rất nhiều nghề cho nhiều học trò giỏi, từ Tôn Tẫn, Bàng Quyền đến Tô Tần, Trương Nghi, không khác gì các phân khoa trong một “đại học tổng hợp” bây giờ. Nhờ nhiều người sử dụng cho nên chữ viết được hoàn thiện; nhiều chữ mới được đặt ra liên tục từ đời này sang đời khác để diễn tả những khái niệm mới nghĩ ra, các hiện tượng mới quan sát. Mấy thế kỷ thời Chiến Quốc là một giai đoạn người Trung Hoa đặt ra nhiều chữ mới và cách viết mới, tốc độ nhanh hơn một ngàn năm trước.
Trong khoảng thế kỷ thứ sáu và thứ năm trước Công Nguyên, cuối thời Xuân Thu (770 – 476 TCN) sang thời Chiến Quốc (475 – 221), rất nhiều trào lưu tư tưởng nảy sinh trong vùng Hoa Hạ. Nhiều vị thầy nổi tiếng và nhiều người đi học để được gia nhập tầng lớp “Sĩ” đang lên. Trong hoàn cảnh đó, sách vở được trước tác nhiều, được sao chép thành nhiều bản trên thẻ tre chuyền tay nhau. Có lẽ vì nhu cầu này mà một phong trào đặt các chữ mới, bày ra cách viết mới đã “bùng nổ” vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, giống như các mạng blog đua nhau ra đời trong những thập niên đầu thế kỷ 21! Phong trào “thông tin bùng nổ” đó có thể là một động cơ khiến bộ tham mưu của Tần Thủy Hoàng thấy nhu cầu phải quy định các tiêu chuẩn đồng nhất; để thống nhất tư tưởng, ngăn cản các ý kiến “không theo lề bên phải.” Ít nhất, tránh trường hợp các “blogger” viết ra những bản văn bằng thứ chữ mà các quan kiểm duyệt đọc không được! Thống nhất chữ viết cũng giống như đặt ra một bức tường lửa, hay là bắt tất cả các blog phải dùng chung một “máy server” vậy!
Nhưng chúng ta cũng không nên nghĩ rằng có một nhóm người, hay một giống người chủ ý sáng chế một thứ chữ viết để đi đồng hóa người khác. Tất cả mọi phát minh đều do nhu cầu của người sử dụng. Một chính quyền như nhà Tần cũng không nghĩ trước rằng nếu họ thống nhất chữ viết thì việc đồng hóa các sắc dân “man di” sẽ dễ hơn. Nhu cầu tiên khởi của ông vua Tần là sai bảo, ra lệnh cho quan lại, tướng sĩ dễ dàng, nhanh chóng, chính xác hơn. Nhưng các triều đại sau ở Trung Quốc đã dùng thứ “khí cụ” này để truyền bá cả một nền văn minh có khả năng thu hút và đồng hóa hầu hết các sắc dân bị họ cai trị.
Chữ viết mang theo nội dung
Đám quan lại đời Tần, đời Hán được đào tạo trong nghề cai trị khi đi chinh phục đã mang theo lối viết chữ thống nhất, thứ “vũ khí” nhẹ và dễ mang trong đầu nhưng có sức mạnh lớn vô cùng! Các giống dân ở phía Nam Trường Giang tự thấy mình “không biết chữ,” chậm tiến hơn các quan cai trị, sẽ dễ chấp nhận rằng lớp người “tiên tiến” này đáng ngồi ghế trên ra lệnh cho mình! Và họ cũng tò mò muốn học hỏi, muốn bắt chước từ kỹ thuật canh tác mới cho đến lối sống mới, y phục, tóc tai kiểu mới của đám người tiến bộ, văn minh đó. Đầu thế kỷ 20, ở Việt Nam chẳng đã diễn ra một phong trào cắt tóc ngắn và bỏ nhuộm răng đen cho giống Tây, hợp với thời trang đấy sao?
Những người dân ở Hoa Nam “hội nhập nhanh” sẽ hãnh diện khi đọc được sách chữ Hán. Học chữ Hán là một phương tiện thăng tiến trong xã hội. Sau nhiều thế kỷ, ở vùng Giang Nam, những người đã học đọc, học viết, tay cầm quyển sách chữ Hán, miệng ê a mấy câu “Tử viết” theo thổ âm miền Bắc, chắc đã trở thành lớp người tiến bộ nhất trong làng xóm. Không khác hình ảnh những người ôm một cái iphone hay ipad đang đi trên đường phố khắp thế giới vào năm 2012! Những người biết chữ Hán chắc cũng bắt đầu tập đọc chữ và phát âm theo tiếng người phương Bắc. Cứ như thế, nhiều người bị đồng hóa, họ đóng vai thành phần tiến bộ nhất lôi cuốn theo những người đồng chủng.
Người Việt mình ngày xưa gọi việc học chữ Hán của người Tàu là “Học Chữ Nho;” mà chắc đời xưa các người dân ở phía Nam Trung Quốc cũng gọi như vậy. Lối gọi tên này có ý nghĩa rất quan trọng. Nho không phải là tên một nước hay một sắc dân. Học chữ Nho không phải là học tiếng ngoại quốc mà chính là học một hệ thống tư tưởng, là học “Đạo Nho;” chữ Nho đi đôi với lớp người gọi là Nhà Nho. Chữ Nho trở thành một thứ chữ đáng kính, có khi thành thiêng liêng. Thủa bé tôi ở nhà quê, hễ thấy một mẩu giấy có viết chữ nằm dưới đất là phải nhặt lên; đốt đi chứ không được vứt vào chỗ rác rưởi. Người Á Rập khi chinh phục các sắc dân khác cũng truyền bá tôn giáo và chữ viết của họ; người dân bị trị học chữ Á Rập để đọc Kinh Koran. Cuốn kinh được đặt ở một nơi tôn kính trong đền thờ; người không theo đạo không được sờ vào. Đối với những người cải đạo, chữ Á Rập cũng trở thành hình ảnh thiêng liêng vì là ngôn ngữ duy nhất có khả năng diễn đạt các lời dạy của Thượng Đế; các ngôn ngữ khác không thể so sánh được. Người Ba Tư đã từng chiếm ngôi vị thống trị cả đế quốc Hồi Giáo, nhưng khi cầu kinh thì vẫn dùng tiếng Á Rập. Năm 1970 tôi được một nhà văn Iran giới thiệu với một học giả nước bà, từng là bộ trưởng Bộ Giáo Dục; công trình lớn của ông được bà nêu ra để ca tụng là ông đã dịch xong Kinh Kuran sang tiếng Ba Tư; một việc chưa từng ai làm được trong mười mấy thế kỷ.
Truyền bá chữ viết mới cũng là truyền bá một nền văn minh mới. Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người Việt ở miền Bắc còn gọi việc học chữ quốc ngữ (A,B,C) là học “Chữ Tây,” cũng hàm một ý nghĩa như khi gọi chữ Hán là Chữ Nho. Họ nghĩ ABC là thứ chữ do các “Ông Tây” dùng để truyền bá nền văn minh phương Tây. Học chữ Nho, hay chữ Tây, không phải là học đọc, học viết một thứ chữ, mà chính là thâu nhận cả một nền nếp văn minh.
Người dân nào miền Nam Trường Giang chịu học chữ Hán thì được nhiều lợi ích, không khác gì các sắc dân theo Hồi Giáo học chữ Á Rập để đọc kinh. Dưới chế độ cai trị của các vị calíp, những tín đồ Hồi Giáo không phải đóng thuế như các người theo tôn giáo khác. Tự nhiên, ai học chữ Á Rập được gia nhập một giai tầng ưu đãi. Trong một ngàn năm, những người dân miền Hoa Nam học Chữ Nho cũng được thăng tiến như vậy. Họ chuẩn bị tham dự vào hàng ngũ thư lại, mà trong đời nhà Đường triều đình đã mở ra cho tất cả mọi người, không phân biệt sắc tộc. Với chế độ “tiến cử” hay thi cử, học trò ở Quảng Châu, Côn Minh trên nguyên tắc cũng được “đối xử bình đẳng” như người Hán ở Hà Bắc. Từ đời Hán thuộc, đặc biệt là trong đời Đường, một số người Giao Chỉ hay Giao Châu được “tiến cử” đưa qua bên Tầu làm quan!
Khổng Giáo có thể áp dụng cho mọi sắc dân, cộng với chính sách tiến cử người địa phương lên làm quan ở “thiên triều,” đã giúp công cuộc bành trướng của Hán tộc thành công nhanh hơn. Người dân vùng Hoa Nam bị chiếm đóng, khi học chữ Hán, tập phát âm các chữ đó theo lối vị thầy người phương Bắc, tức là bắt đầu tập nói tiếng phương Bắc. Khi nhiều người cùng thay đổi ngôn ngữ theo thời thượng, thứ tiếng nói của tổ tiên họ bị đẩy lùi dần, sau một vài ngàn năm chỉ còn là thổ ngữ, thổ âm của một thiểu số, một “patois” như người Pháp gọi thứ thổ âm miền Provence đang chết dần.
Một ngôn ngữ lấn áp và chiếm chỗ các ngôn ngữ khác không phải chỉ vì nó hay hơn, đẹp hơn. Ngôn ngữ nào cũng có khả năng phát triển tới mức tinh vi, diệu xảo, nếu giống dân nói tiếng đó phát triển đông đúc hơn và có cơ hội sống còn. Nhà ngữ học Max Weinreich chuyên nghiên cứu tiếng Yiddish, một ngôn ngữ của người Do Thái sống ở Đông Âu, với nhiều ảnh hưởng của tiếng Đức. Tiếng Yiddish là một “thổ âm” luôn luôn bị đe dọa “tuyệt chủng;” vì những người Do Thái đã về Israel rồi thì nói tiếng Hebrew, những người ở các nước Âu Mỹ thì sống tại đâu nói tiếng người ở đó. Nhưng những người nói tiếng Yiddish vẫn hãnh diện về tiếng mẹ đẻ của họ. Nhà văn Isaac B. Singer (Giải Nobel 1978) viết bằng chữ Yiddish, từng nói: “Mấy trăm năm nay người ta vẫn hỏi bao giờ tiếng Yiddish tuyệt giống; và tôi đoán mấy trăm năm nữa vẫn có người hỏi như vậy.” Ông Weinreich đã phân biệt “ngôn ngữ, language” với “tiếng thổ âm, dialect,” bằng một hình ảnh: “Một Ngôn ngữ là một Thổ âm đi kèm theo các đạo lục quân và hải quân.”
Khi các đế quốc Hán, Đường bành trướng thì tiếng nói của các sắc dân miền Nam Trung Quốc, thiếu một đạo quân bảo vệ, dần dần chỉ còn là những “thổ âm” sau khi bị “ngôn ngữ” của người Hán lấn áp. Chỉ có ở nước ta là tiếng Việt không bị biến thành thổ ngữ, vẫn còn là một ngôn ngữ chính; ngay trong thời dân ta chưa tự lập, chưa có Lục quân và Hải quân!
Ngay tại miền Nam Trung Quốc, những nông dân không biết đọc biết viết vẫn chiếm đa số trong suốt hai ngàn năm Hán hóa. Họ vẫn nói thứ ngôn ngữ cũ của cha ông, vì trong việc sinh nhai họ không tiếp xúc với các quan thứ sử, các tiết độ sứ. Cho nên đến bây giờ ở Hoa Nam vẫn còn những nhóm người nói các thổ âm tiếng Mân, tiếng Quảng, tiếng Hẹ, tiếng Tiều, nhiều người vẫn không thích học nói tiếng Phổ Thông (hay Quan Thoại). Nhưng dù vẫn tiếp tục nói tiếng địa phương, họ cũng chịu ảnh hưởng của chữ viết qua các văn kiện, mệnh lệnh hành chánh, và ảnh hưởng của hệ thống giáo dục. Vì thế những người bình dân bắt đầu thay đổi cách nói năng của họ; thay đổi đến cách ghép các chữ đặt câu nói, sửa đổi cả ngữ pháp, hay văn phạm. Thí dụ, thay vì nói “nhà lớn” như tổ tiên họ nói, dân địa phương bắt đầu nói “lớn nhà” theo cú pháp người Hán.
Học cách nói năng mới có thể do nhu cầu, cũng có thể vì ý thích, tự nguyện. Đối với đám dân tự thấy mình còn bán khai thì việc học cách nói năng mới chẳng phải là dấu hiệu của tiến bộ, văn minh hay sao? Hồi giữa thế kỷ 20, ở miền Bắc nước ta dùng chữ “kẻng” để khen những người ăn mặc kiểu “mới, đẹp, hơn đời.” Kẻng gốc từ tên gọi người Mỹ, “A mê ri keng,” đọc theo tiếng Pháp “Américain. Vào thế kỷ thứ 7, thứ 8 chắc những người ở miền Hoa Nam và Giao Châu bập bẹ được mấy tiếng nói của các ông quan, được khen là “người Hán tốt – hảo Hán” chắc cũng thấy mình “kẻng” như vậy. Cái thói này đời nào cũng có. Chúng ta từng nghe quen những tiếng như “chỉnh huấn,” “hạ phong,” “khẩn trương,” “đối tác,” hay mới đây có những chữ “tập đoàn kinh tế,” “hợp tác chiến lược,” các tiếng đó trở thành thông dụng trong tiếng Việt sau mấy chục năm học các cố vấn Trung Hoa. Gần đây lại đến những tiếng mới gốc gác từ Mỹ, nói ra rất “kẻng” nên được dùng hoài, như “động thái” (behavior), “siêu sao” (super-star), có người nói ngay tiếng Anh như “free,” “Good!” “Again?” Thời nào cũng có các phong trào chạy đua theo ngôn ngữ thời thượng!
Lớp người “ưu tú” tiến bộ nhất trong xã hội Nam Hoa đã chấp nhận bị Hán hóa; nhiều người còn được triều đình nhà Hán, nhà Đường trọng dụng đưa về Tràng An hoặc bổ làm quan nơi khác. Thế là dòng sông Hán hóa cuốn hút các sắc dân ở Hồ Nam, Phúc Kiến, dân Quảng, dân Tiều, dân Hẹ, giòng nước chảy hoài sau một ngàn năm không quay ngược lại nữa. Giống như con sông Hoàng Hà “Bôn lưu đáo hải bất phục hồi,” cuốn theo bao nhiêu đám dân khác người Hán, đưa họ vào Dòng Chính – “Mainstream” của văn minh Hán tộc. Riêng tại Việt Nam, quá trình đồng hóa đã ngưng lại rồi không tiến xa hơn được nữa.
__________________________________________
Trích chương 10, Đứng Vững Ngàn Năm. Tác giả Ngô Nhân Dụng, tức sư sĩ Chân Văn Đỗ Quý Toàn. Người Việt Books và Giấy Vụn xuất bản.
[box type=”shadow” align=”” class=”” width=””][dropcap]“[/dropcap]
Ảnh và chú của Chinh Dohoang | Làng Việt xưa & nay: Từ Lương Xâm (Hải Phòng), thờ Đức Ngô Quyền.Từ được xây dựng từ thời Hậu Lê song trùng tu vào thời Nguyễn, nên phong cách nghệ thuật kiến trúc của Từ đều mang phong cách thời Nguyễn. Rồng thời Nguyễn: đầu dữ như đầu thú, có răng nanh, có sừng có tai, độ nổi cao, chân có 5 móng thường ẩn hiện trong các đám mây, đuôi xoáy. Rồng thời Nguyễn mang đầy vẻ uy lực, oai nghiêm tượng trưng cho sức mạnh quyền lực của vua chúa thời bấy giờ. Một buổi chiều ráng mây rất đẹp, như hào quang toả trên nóc Từ.[/box]