Mục này sẽ được chư tôn đức Tăng Ni và cư sĩ am tường Phật học luân phiên phụ trách từng kỳ, hoặc từng chủ đề. Số đầu tiên chưa có câu hỏi của độc giả, chúng tôi tạm thời trích đăng 86 câu vấn-đáp về lịch sử Đức Phật, trong chương Lịch Sử, từ cuốn “Phật Giáo Sơ Học” của Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục, xuất bản lần thứ nhất năm 1943; nửa thế kỷ sau, năm 1993, được tái bản bởi Phú Lâu Na Tùng Thư với tựa sách được HT. Thích Chánh Lạc mạn phép đổi lại cho thích hợp: Phật Giáo Cơ Bản. Nay lại trải thêm 13 năm nữa, mà tập sách vẫn giữ được giá trị cốt lõi của nó. Do vậy, chúng tôi xin đăng lại để góp tài liệu cho quý độc giả chưa có cơ hội tìm hiểu về Đức Phật và những điều căn bản cần biết về lịch sử Phật giáo. (Tạp chí Phương trời cao rộng, 2007)
PHẬT GIÁO SƠ HỌC
(trích Phú Lâu Na Tùng Thư 13, trang 11 – 30)
A) LỊCH SỬ
- Đạo Phật là gì?
Đạo Phật là con đường tu hành đưa đến chỗ giải thoát do Phật chỉ dạy. - Phật có phải là một vị Trời hay một vị Thần không?
Trời và Thần còn là chúng sanh đương chịu sự luân hồi sanh tử.
Đức Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn đã giải thoát ra ngoài vòng luân hồi.
- Chữ Phật có phải là một tên riêng không?
Không. Chữ Phật là một tên chung để gọi các bậc giác ngộ hoàn toàn. Các kinh điển ghi chép rất nhiều bậc giác ngộ như vậy.
- Đạo Phật trên thế giới này do đức Phật nào truyền dạy?
Đức Thích Ca Mâu Ni nghĩa là đức Thánh học Thích Ca. Khi nói đến Phật mà không chỉ danh hiệu riêng, tức là nói về đức Phật Thích Ca, vì Ngài là giáo chủ chúng ta hiện thời.
- Tên thật của Ngài là gì?
Tên Ngài là Tất Đạt Đa (Siddhartha), họ Thích Ca (Sakya) một nhánh của họ Kiều Tất La (Kosala), là một đại quý tộc xứ Ấn Độ. Như họp cả tên lẫn họ thì tên Ngài là Kiều-tất-la Thích-Ca Tất-Đạt-Đa.
- Thân phụ và thân mẫu Ngài tên là gì?
Ngài là con vua Tịnh Phạn (Suddhodana) nước Ca-tỳ-la vệ (Kapilavastu). Thân mẫu Ngài là bà Ma Gia (Maya).
- Nước Ca-tỳ-la-vệ ở đâu?
Ở Ấn Độ, nay là xứ Térai. Kinh đô nước ấy nay không còn dấu tích gì nhưng theo địa đồ bây giờ thì có lẽ là quận Pipaova ở phía đông bắc thành Ba-la-nại (Bérarès) phía tây bắc thành Patra, phía nam nước Népal bên bờ phương tây sông Kohama (xưa gọi là Rohini) là một chi lưu sông Hằng Hà (Gange).
- Thái tử Tất Đạt Đa sanh năm nào?
624 năm trước Tây lịch. Ngài sanh ra khi mặt trời mới mọc ngày rằm (ngày trăng tròn) tháng hai Ấn Độ, tức là tháng tư lịch Tàu.
- Ngài sanh nơi nào?
Dưới một cây vô ưu (Asoka) trong vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini) thuộc nước Câu-li (Koli). Vườn ấy ở phía đông thành Ca-tỳ-la-vệ chừng 40 dặm, là một huê viên của vua Thiện Giác, cậu ruột của Phật. Khi qua Ấn Độ, ngài Huyền Trang còn thấy cây vô ưu ấy. Năm 1897 trong rừng Térai, Bác sĩ A. Fuhrer có đào lên được một cái trụ đá của vua A Dục chôn để làm dấu chỗ Phật ứng sinh.
- Tướng mạo Phật như thế nào?
Đẹp đẽ, phúc hậu, đủ các tướng tốt.
- Vua cha có săn sóc đến sự giáo dục của Ngài không?
Sự giáo dục của Thái tử rất chu đáo. Các ông thầy toàn là bậc giỏi nhất trong xứ. Học chưa đầy mấy năm, Thái tử đã được văn võ toàn tài, không ai sánh kịp.
- Thái tử vốn sống trong cảnh phong lưu phú quý phải không?
Phải, phụ vương Ngài xây cho 3 tòa lâu đài hợp với thời tiết trong ba mùa của xứ Ấn Độ, mùa nóng có chỗ mát, mùa lạnh có chỗ ấm, mùa ôn hòa có chỗ không nóng không lạnh. Cung điện trang hoàng cực kỳ mỹ lệ, vườn tược có đủ hoa thơm cỏ lạ, hương bay ngào ngạt, màu sắc lộng lẫy. Vua Tịnh Phạn lại ban cho 500 thế nữ kiều diễm đêm ngày ca múa đàn hát, các môn vui chơi trong nước không còn thiếu một món gì.
- Thái tử sống một mình sao?
Không, lúc lên 17 tuổi, Ngài kết hôn với Công chúa Gia Du Đà-La (Yasodhana) con vua Thiện Giác.
- Thái tử kết hôn cách nào?
Theo tục quý phái xưa, Thái tử đã chiến thắng tất cả thanh niên đến dự các cuộc đấu võ thi tài và lựa bà Gia Du Đà-La là người tươi đẹp hiền thục nhất trong các Công chúa muốn được làm vợ Ngài.
- Ngài chứng đạo Bồ đề trong cung điện giữa cảnh phong lưu, phú quý ấy sao?
Không, một hôm Ngài bỏ tất cả cảnh giàu sang vương giả, một mình len lỏi vào rừng tìm đạo, sau mới giác ngộ.
- Ngài phát tâm tầm đạo thế nào?
Ngài quyết tìm nguyên nhân các nỗi khổ và phương pháp để thoát khổ.
- Có phải vì lòng tư kỷ mà Ngài hành động như thế chăng?
Chỉ vì lòng từ bi thương xót tất cả chúng sinh mà Ngài hy sinh tất cả để tìm đạo.
- Ngài đã hy sinh những gì?
Ngài đã bỏ cung điện giàu sang, giường cao nệm ấm, cao lương mỹ vị và cả ngôi của của Ngài. Cho đến vợ đẹp con yêu, Ngài cũng từ giã để tìm hạnh phúc chân thật cho chúng sanh đang đau khổ. Sự hy sinh lớn lao ấy đã khiến mọi người ái mộ và nhiều tín đồ đã noi theo gương cao quý của Ngài.
- Nào phải chỉ có Phật mới biết vì kẻ khác mà hy sinh của cải, gia đình, thân mạng đâu?
Giữa đời cũng có kẻ biết hành động như thế, nhưng điều Ngài hy sinh lớn lao hơn hết là vì lòng từ mẫn chúng sanh. Ngài đã từ bỏ cả sự vui trong Niết-bàn. Trong một kiếp trước, đời đức Phật Không Vương, Ngài là một vị Bà-la-môn tu hành đến bậc tối cao sắp vào Niết-bàn, nhưng vì lòng thương chúng sanh làm Ngài quên sự vui riêng, Ngài nguyện trở về Dục giới để hóa độ chúng sanh.
- Ngài vào núi lúc mấy tuổi?
Lúc 29 tuổi.
- Nhân duyên gì khiến Ngài xuất gia?
Vì Ngài thấy nhiều cảnh tượng thống khổ giữa đời.
- Những cảnh tượng ấy thế nào?
Ba lần ra khỏi thành dạo chơi, Ngài thấy ba cảnh tượng đau khổ làm Ngài thương xót vô cùng. Lần thứ nhất Ngài gặp một ông già tiều tụy, da nhăn lưng còm, mắt lòa tai điếc. Lần thứ hai Ngài thấy một người bệnh tật, bụng to cổ trướng, rên la khổ sở. Lần thứ ba Ngài gặp một thây chết thối rữa. Sau cùng Ngài gặp một vị Sa môn thanh cao và bình tĩnh. Từ đó Ngài nuôi trong trí cái ý định xuất gia tầm đạo.
- Chỉ một mình Ngài thấy các cảnh tượng ấy sao?
Các quan hầu Ngài như ông Xá Nặc cũng thấy.
- Tại sao trước những cảnh tượng ấy, người thường vẫn thản nhiên mà Ngài lại xúc động đến nỗi phát tâm vào núi tầm đạo?
Vì Ngài sẵn có lòng thương không bờ bến, lại nhận thấy những cảnh ấy lần đầu tiên và liên tiếp trong một thời gian ngắn nên sự xúc động mạnh hơn.
- Sao lại lần đầu tiên?
Vì lúc Ngài mới sinh, các vị tiên xem tướng Ngài có nói rằng một ngày kia Ngài sẽ bỏ ngôi vua đi tu và sẽ thành Phật. Phụ vương Ngài không muốn mất người nối dòng nên đã kiếm hết cách không cho Ngài thấy các sự đau khổ của người đời. Ngài chỉ sống trong cảnh mỹ lệ hoa thơm vườn đẹp và cung điện nguy nga. Các nơi Ngài ở đều có tường cao bao bọc, trong ấy vua cha không để lộ một dấu vết gì của các thảm trạng trong nhân loại.
- Chắc tâm trí Ngài cũng có vẻ dị kỳ mới làm cho Phụ vương thận trọng đến thế?
Phải, Ngài rất thương yêu tất cả sinh vật. Hồi Ngài còn bé vua cha dắt Ngài xem dân cày cấy. Thấy người vật hì hục vất vả dưới ánh nắng như thiêu, như đốt, chim chóc giành nhau mổ ăn các loài côn trùng giẫy dụa trên luống đất mới, Ngài thương xót buồn rầu vô hạn. Từ đấy vua cha hết sức giữ gìn nuôi Ngài trong cảnh tưng bừng vui sướng mãi cho đến lúc chứng kiến cảnh già, đau, chết vừa thuật trên kia.
- Ngài có ngỏ ý định xuất gia cùng Phụ vương Ngài không?
Sau những cuộc ngự du kia, Ngài tâu xin lìa khỏi chốn hoàng cung để tìm nguyên nhân và phát minh phương pháp giải thoát khỏi những nỗi đau khổ ấy.
- Vua cha có ưng thuận không?
Không, nhưng sau cùng có hứa rằng nếu có cháu nối dòng vua sẽ bằng lòng để Thái tử được tự do làm theo chí nguyện.
- Thái tử có vâng lời không?
Thái tử tuân theo ý muốn của cha, chờ ngày có con nối nghiệp. Khi con Ngài là La-hầu-la (Rahula) đã ra đời, Ngài mới nhất quyết xuất gia tầm đạo giải thoát.
- Sao Ngài phải xuất gia mới tầm được đạo giải thoát?
Vì Ngài đã học tất cả học thuyết thế gian mà không được thỏa mãn; nên Ngài muốn tìm các vị tiên, các vị đạo sĩ chuyên tu trong núi để học hỏi. Ngài nghĩ rằng cần phải chuyên tâm suy nghĩ mới tìm được đạo, mà muốn cho rảnh trí chuyên tâm, Ngài cần phải từ bỏ tất cả những gì có thể làm cho tâm trí xao lãng.
- Ngài có cho vua cha hay lúc từ bỏ hoàng cung không?
Không, Ngài sợ vua cha thương nhớ quên lời hứa mà giữ Ngài lại, nên đêm kia, sau một bữa yến tiệc linh đình, Ngài thừa lúc mọi người còn đang ngủ, lặng lẽ ra khỏi cửa thành. Ngài định thức bà Gia-du Đà-la để ngỏ đôi lời từ biệt, nhưng biết rằng lòng nhi nữ hay bịn rịn có thể ngăn trở ý định mình, Ngài chỉ đành nhìn vợ, nhìn con một lần chót, rồi gọi quan hầu trung thành là Xá Nặc thắng ngựa Kiền-trắc, thầy trò ra đi, quân canh mãi ngủ, không hay biết gì cả.
- Ngài đi đâu?
Ngài đi đến sông A Nô Ma (Anoma) cách xa thành Ca tỳ-la-vệ.
- Rồi Ngài làm gì?
Ngài xuống ngựa, lấy gươm cắt tóc, giao cho Xá Nặc đem tất cả đồ trang sức và ngựa về cung tâu lại sự tình cùng Phụ vương. Rồi Ngài đi lần đến thành Vương Xá (Rajagriha) là kinh đô của vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) xứ Ma Kiệt Đà (Magadha).
- Ngài đến đó làm chi?
Vì các vùng lân cận có các đạo sĩ chuyên tu, nên Ngài đến theo học mong được giác ngộ.
- Các đạo sĩ ấy tu theo tông giáo nào?
Đạo Bà-la-môn.
- Đạo ấy dạy thế nào?
Phải tu theo lối khổ hạnh mới giải thoát.
- Thái tử có tin thế là đúng không?
Ngài có thí nghiệm phương pháp các đạo sĩ ấy dạy đến nơi đến chốn mà chẳng được kết quả gì đáng gọi là giải thoát. Về sau trong rừng Ưu-lâu-tần-loa xứ Phật-đà Già da (Bouddhagaya) Ngài tu khổ hạnh và suy nghĩ chuyên cần trong sáu năm luôn mà vẫn thấy vô hiệu. Nhân đấy Ngài hiểu rằng lối tu khổ hạnh không thể giúp Ngài tìm được nguyên do sự khổ và đường lối giải thoát.
- Ngài tu khổ hạnh một mình sao?
Có năm người bạn đồng tu là: Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lịch Ca Diếp, Ma Ha Nam Câu Li và Bạc Đề (Kondnya, Assaji, Vappa, Mahànâman, Bhaddiya).
- Ngài tu thế nào?
Ngài ngồi tham thiền chuyên tâm suy nghĩ các vấn đề quan hệ đến đời sống, không để ý gì đến thanh sắc bên ngoài, cốt ý giữ tâm khỏi xao lãng.
- Ngài có nhịn đói không?
Ngài tập nhịn đói, tập ăn ít dần, đến sau mỗi ngày chỉ cần một hột gạo hay một hột mè cũng đủ sống.
- Tu như thế có giác ngộ chăng?
Chỉ càng ngày càng yếu, cho đến nỗi một ngày kia, lúc vừa đi vừa suy nghĩ, Ngài mất sức, té xỉu xuống đất.
- Các người bạn đồng tu nghĩ thế nào?
Họ cho rằng Ngài đã chết, nhưng sau Ngài tỉnh dậy và định không tu theo cách khổ hạnh ấy nữa, thì họ nghi Ngài đã thối chí nên bỏ Ngài mà đi.
- Ngài nghĩ thế nào?
Ngài nghĩ nhịn đói và hình phạt thân thể không ích gì. Người cầu đạo cần phải mở mang trí tuệ mới mong được giác ngộ. Chính Ngài nhịn đói sắp chết mà nào có hiệu quả gì đâu! Nghĩ thế, Ngài nhất định ăn lại như thường để giữ lại cái thân làm lợi khí trong công việc tìm đạo giải thoát.
- Ai cúng dường cho Ngài ăn?
Một thiếu nữ giòng quý phái tên là Tu Xà Đa (Sujata) thấy Ngài nằm dưới gốc cây, đem sữa đến dâng, Ngài dùng rồi, sức lại hồi phục. Ngài xuống sông Ni Liên Thuyền (Néranjarâ) tắm rồi trở về rừng.
- Rồi Ngài làm gì?
Sau khi suy nghĩ chín chắn, Ngài đến dưới gốc cây Bồ đề mà tĩnh tọa. Hiện cây ấy vẫn còn và có tháp Mahâbôdhi để kỷ niệm. Ngài quyết định nếu không giác ngộ thì không rời nơi ấy.
- Rồi Ngài chứng được quả gì?
Đầu hôm Ngài đặng Túc-mạng-minh, biết tất cả thế giới trong vũ trụ; cuối đêm đặng Lậu-tận-minh, dứt sạch nguồn gốc mê lầm. Đến khi sao mai mọc trí giác mở mang như hoa sen trắng nở, Ngài liền chứng đặng đạo vô thượng của chư Phật.
- Ngài đã tìm ra nguyên nhân khổ của đời người chưa?
Rồi, cũng như ánh sáng mặt trời làm tan mờ tối của đêm và làm lộ hình dáng của mọi vật, hào quang của trí huệ đã làm tan tất cả các mê lầm để lộ chân tướng của vũ trụ, nguyên do sự khổ và phép thoát khổ.
- Ngài có cần nhiều công phu mới giác ngộ được chăng?
Nhiều công phu lắm. Ngài phải thắng các tật xấu của thân thể, các điều ham muốn của kiếp người từ xưa che lấp không cho thấy chân lý. Ngài phải thắng ảnh hưởng xấu xa của hoàn cảnh đầy tội lỗi. Như một chiến sĩ xung đột với trăm nghìn kẻ thù, Ngài đã chiến đấu với một nghị lực phi thường, một sức cố gắng dõng mãnh. Và vị anh hùng ấy đã thắng trận một cách vẻ vang. Ngài thấu được nguyên lý sâu kín của đau khổ và rõ được đường giải thoát.
- Ngài chứng đạo rồi định thế nào?
Một thời Ngài ngần ngại, chưa chịu truyền đạo.
- Vì sao?
Vì đạo ấy thậm thâm vi diệu, e ít người hiểu thấu, dễ bị lầm nhận và sẽ làm bối rối tâm trí họ như ánh sáng rực rỡ chiếu vào ngục tối làm cuống cuồng những tội phạm lâu năm chìm đắm trong u ám.
- Nhưng về sau vì sao Ngài lại truyền đạo?
Vì Ngài xét căn cơ của chúng sanh và biết rằng lý nhân quả có thể dìu dắt chúng sanh lên đường giác ngộ. Lý ấy trí người có thể hiểu rõ và nương theo mà giải thoát.
- Ngài truyền đạo cho ai trước?
Trước hết, Ngài trở về chỗ ông Kiều Trần Như đã đồng tu khổ hạnh với Ngài lúc trước để thuyết pháp cho họ nghe.
- Năm người ấy lúc bấy giờ ở đâu?
Trong vườn Lộc Giã gần thành Ba La Nại.
- Chỗ ấy nay còn không?
Còn. Hiện nay có một cái tháp ở đó nhưng cũng đã hư sụp nhiều.
- Năm người ấy có nghe theo Phật chăng?
Ban đầu họ không nghe, nhưng tướng mạo và oai lực cùng pháp âm êm dịu, đứng đắn của Ngài làm cho họ hết sức hoan hỷ vâng theo.
- Cuộc thuyết pháp ảnh hưởng đến họ thế nào?
Vị lớn tuổi hơn hết là Kiều Trần Như khai ngộ đầu tiên và được Phật cho pháp hiệu là A Nhã Đa (Hiểu). Bốn người khác về sau đều chứng quả A La Hán.
- Sau có ai theo?
Một thanh niên tên là Da Xá (Yasa) và thân phụ của người này là một vị đại thương gia. Chỉ trong khoảng ba tháng Phật đã thu hơn 60 đệ tử.
- Những người đàn bà nào đã tin Phật đầu tiên?
Mẹ và vợ của Da Xá.
- Rồi Phật làm gì nữa?
Ngài hội các đệ tử lại dạy cho hiểu đạo cặn kẽ, rồi thọ ký cho đi truyền đạo khắp nơi.
- Rồi đức Phật đi đâu nữa?
Ngài đến Ưu-lâu-tần-loa.
- Ở đó Ngài làm gì?
Ngài độ cho ba anh em ông Ca Diếp, tổ sư của đạo thờ lửa, rất thần thông, rất có trí thức và rất có thế lực.
- Sau lại độ vị nào danh tiếng nữa chăng?
Vua Tần-bà-sa-la xứ Ma Kiệt Đà.
- Còn vị nào nữa?
Ông Xá Lợi Phất (Sâriputra) và ông Mục Kiền Liên (Moggallâna).
- Vì sao hai vị ấy có danh tiếng?
Vì ông Xá Lợi Phất trí tuệ đệ nhất và ông Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất.
- Các tài ấy có gì là huyền bí không?
Không, nếu ai biết cách tu luyện thì đều phát triển được.
- Sau khi Phật từ giã cung điện có được tin tức gì về Hoàng gia không?
Có, sau khi từ giã gia đình 7 năm, lúc đã thành Phật đang thuyết pháp tại thành Vương Xá, Tịnh Phạn Vương nghe tin, truyền sứ giả đến nơi mời Ngài về để vua thăm.
- Ngài có trở về chăng?
Có, khi nghe tin Ngài về, vua cha mừng hết sức, cùng hoàng tộc và triều đình đón rước.
- Ngài có chịu nối ngôi vua không?
Không, Ngài tâu với Phụ vương rằng Thái tử Tất Đạt Đa đã diệt rồi. Nay Ngài đã chứng đạo Bồ đề thấy rõ muôn loài đều là cốt nhục của Ngài, Ngài không thể chỉ lo cai trị một dân tộc, mà phải chuyển pháp luân để độ tất cả chúng sanh.
- Ngài có gặp bà Gia-Du Đà-La và con Ngài là La-Hầu La không?
Có gặp. Từ lúc Ngài đi, bà Gia-Du Đà-La sống một đời rất tinh khiết, nghe Ngài về, bà mừng rỡ cùng con đi đón.
- Ngài đối với gia đình như thế nào?
Ngài giảng cho mọi người phép giải thoát. Phụ vương, Di mẫu, Gia-Du Đà-La, La Hầu La, em là Nan-Đà, em họ là A-Nan và Đề-Bà-Đạt-Đa đều theo Phật; ngoài ra còn có các bậc có danh tiếng như A-na-luật-đà và Ưu-bà-ly cũng xin nhập làm đệ tử.
- Người đàn bà nào được nhận làm Tỳ kheo Ni trước tiên?
Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Maha-Pra-papati) di mẫu của Phật, về sau bà Gia-Du Đà-La cùng nhiều người khác, cũng được xuất gia.
- Khi vua Tịnh Phạn thấy con, cháu đều xuất gia thì thái độ Ngài thế nào?
Ngày lấy làm phiền lòng và than thở với Phật; nhân đó Phật mới thiết ra luật không cho kẻ vị thành niên nào được phép xuất gia, nếu không có cha mẹ hay người đỡ đầu bằng lòng.
- Trong các đệ tử có ai phản Ngài chăng?
Có, Đề-bà-đạt-đa. Ông này rất thông minh, thấu hiểu Phật pháp rất mau, nhưng vì tánh tham không dứt, lúc học biết Phật Pháp thì khởi lòng kiêu căng và tham sự lợi dưỡng, Phật biết thế quở trách ông nên ông đem lòng bất bình tìm mưu hại Phật; sau ông lại xui Thái tử A-xà-thế (Ajatashatru) con vua Tần-bà-ta-la giết cha và giết anh để chiếm ngôi và làm đồ đệ mình.
- Đề-bà-đạt-đa hại Phật được chăng?
Ông xui vua A-xà-thế thả voi dữ giết Phật, nhưng giết không được và vua A-xà-thế lại tin theo Phật. Ông thuê võ sĩ bắn Phật, tên không làm hại được Phật mà bọn võ sĩ lại tin theo Phật. Sau cùng các quả dữ do Đề-bà-đạt-đa đã tạo ra xoay lại làm cho ông chết một cách thảm thiết.
- Phật thuyết pháp trong bao nhiêu năm?
Trong 45 năm, mỗi năm Phật và đồ đệ đi thuyết pháp trong các tháng nắng còn trong các tháng mưa thời chuyên tu trong các tinh xá mà vua và thiện tín phú hào đã lập để Phật ở.
- Xin kể những tinh xá và các nơi thuyết pháp danh tiếng nhất?
Kỳ Hoàn tinh xá, Trúc Lâm tinh xá, Đại Lâm tinh xá, vườn Lộc Giả, vườn Câu Si La, núi Linh Thứu, rừng Ngưu Giác, rừng Sa La.
- Phật độ những hạng người nào?
Tất cả các hạng người và thuộc tất cả các nước không phân biệt, từ giòng Ba Ly A cho đến giòng Bà La Môn, từ người rất hèn cho đến các vị trưởng giả, quan quyền, quý phái, quốc vương. Đạo Ngài ai cũng theo được.
- Đức Phật nhập diệt như thế nào?
Phật biết rằng mình sắp vào Niết-bàn, một buổi chiều ngày trăng tròn tháng Hai Ấn Độ (tháng Tư theo lịch Tàu) Ngài đến xứ Cân Ly cách thành Ba-la-nại chừng 120 dặm, trong khu rừng Sa La. Ngài khuyên bảo các hàng đệ tử một lần cuối, rồi Ngài từ giã mọi người một cách bình tĩnh hoàn toàn.
- Trước khi nhập diệt Ngài có độ người nào không?
Ngài độ cho một người Bà-la-môn già và thông thái tên là Tu-bạt-đà-la (Subhadra). Ngài lại nói pháp cho các vua giòng Ma La và những người hầu cận. Đến gần sáng, Ngài nhập định rồi vào Niết-bàn.
- Trước khi nhập diệt Ngài có để lại những lời di chúc gì không?
Có, Ngài để lại rất nhiều di chúc, nay còn chép lại trong kinh “Di Giáo.”
- Hiện nay ở Ấn Độ có còn dấu tích xưa của Phật không?
Người ta mới tìm ra những tháp chùa có ghi trong kinh điển, những bản khắc bằng đá, những bia mà các vua chúa đã xây để kỷ niệm Ngài sau khi Ngài nhập diệt.
- Giáo pháp của Ngài truyền bằng cách nào?
Chính năm Ngài nhập diệt và về sau trong nhiều thời đại khác, tín đồ Phật giáo thiết lập hội nghị để thu góp những lời dạy của Ngài, góp lại thành kinh điển còn lưu truyền mãi đến bây giờ.
- Còn di hài của Ngài?
Sau khi hỏa táng, xá lợi của Phật tức là những hòn ngọc do thi hài Ngài hóa thành, được chia ra cho 8 vị quốc vương hiện diện. Mỗi quốc vương đều có dựng một tháp riêng để cúng dường. Phần của vua A-xà-thế (Ajatashatru) thì cúng dường trong một tháp ở thành Vương Xá. Gần 100 năm về sau vua A Dục lấy xá lợi ấy, chia khắp nước ngoài.
- Vua A Dục có làm những công đức gì?
Vua mời các vị thánh tăng kết tập và ghi chép các kinh điển của Phật dạy.
- Những tên gì dùng để ca tụng oai đức của Phật?
Như Lai, Thế Tôn, Đại hùng, Đại lực, Bà-dà-bà, Chuyển luân pháp vương, Điều ngự trượng phu v.v…
- Xin tóm tắt những giai đoạn đáng kỷ niệm trong đời đức Phật?
Đức Phật giáng sinh vào ngày rằm trăng tròn trong tháng Hai Ấn Độ (tháng Tư âm lịch) năm 624 trước Tây lịch; năm 29 tuổi vào tuyết sơn tu hành, năm 35 tuổi thành đạo, năm 544 trước Tây lịch nhập diệt, thọ 80 tuổi. Các ngày ấy đều nhằm vào ngày trăng tròn tháng Hai Ấn Độ cả, cho nên tín đồ đạo Phật làm một lễ kỷ niệm chung long trọng đặc biệt vào ngày rằm tháng Vesakha (tháng Hai Ấn Độ) tức tháng Tư âm lịch đúng vào ngày Phật giáng sinh. Lễ ấy gọi là Vêsâk.