Thời điểm trong đó chúng ta thực sự hiện hữu, thực sự sống chính là hiện tại. Quá khứ chỉ thực khi nó là hiện tại, và tương lai cũng chỉ thực khi nó trở thành hiện tại. Bởi thế dù ta xem nó là thiên đường hay địa ngục thì hiện tại cũng vẫn là giây phút duy nhất trong đó chúng ta thực sự sống và thở. Hiện tại là Đạo, là Niết-bàn, là sự Sống.
Khi cảm thấy hạnh phúc, con người muốn kéo dài thời khắc hiện tại để ở mãi trong trạng thái hạnh phúc ấy. Nhưng vừa móng khởi ham muốn kéo dài thời khắc hiện tại thì nó đã tuột mất. Nhà thơ lãng mạn Pháp Lamartine trong bài thơi Le Lac đã kêu réo thời gian hãy ngừng đôi cánh:
Ô temps, suspends ton vol, et vous, heure propice
Suspendez votre cours
Laissez nous savourer les rapides délices
Des plus beaux de nos jours!
(Hỡi thời gian, hãy dừng cánh lại! Và ngươi, hỡi giờ khắc tốt lành! Dừng lại cho ta thưởng thức những niềm vui qua nhanh, những niềm vui đẹp nhất đời ta!)
Nhưng thời gian vẫn thong dong đi tới theo nhịp điệu ngàn đời của nó, như dòng sông Seine lặng lờ trôi dưới cầu Mirabeau: “Sous le pont Mirabeau coule la Seine” (Guillaume Appolinaire – Poèmes philosophi ques) bất chấp yêu cầu của con người.
Ngược lại, khi đau khổ người ta muốn thời gian trôi nhanh, muốn lật nhanh qua những trang đời đen tối để trốn thoát cái hiện tại phũ phàng. Nhưng ước muốn ấy chỉ bôi đen thêm hiện tại vì ta không thể nào thoát khỏi nó.
Muốn kéo dài nó cũng không được, muốn trốn khỏi nó cũng không xong: hiện tại là tất cả, là Niết-bàn tịnh lạc hay hỏa ngục vạc sôi lò lửa, là thực hay mộng, là bất cứ gì tâm tư thác loạn của ta nghĩ về nó. Nhưng khi giảm bớt tốc độ, lắng lòng nhìn kỹ mặt mũi cái hiện tại mà ta đang muốn kéo dài hay tránh né đó thì sẽ thấy nó hoàn toàn tuột khỏi ta như nước lọt qua kẽ tay khi ta muốn nắm bắt. Vì khi ta muốn bắt cái hiện tại để xác định “nó đây rồi” thì nó đã trở thành quá khứ. Bởi vậy, hiện tại là cái gì mà ta chỉ có thể sống chứ không thể nghĩ bàn phân tích, vì khi nghĩ bàn về nó thì nó đã trở thành xác chết. Có người hỏi Phật, làm sao Ngài vượt qua bộc lưu (dòng sông sinh tử)? Ngài đáp: “Ta không đứng dừng cũng không bước tới, vì dừng lại thì chìm, bước tới thì trôi giạt. “Dừng lại” là thái độ của triết gia duy tâm chuyên phân tích mổ xẻ xác chết thực tại bằng luận lý. “Bước tới” là thái độ duy vật buông trôi theo trào lưu vật chất. Phật không duy tâm, không duy vật. Ngài không dừng lại, không bước tới. Ngài không lạnh hơn mùa đông, không nóng hơn mùa hè.
Cái hiện tại bất khả đắc không thể nắm cũng không thể buông bỏ đó là tất cả những gì ta thực có, thực là. Là Niết-bàn, là Đạo, là sự Sống, là Sát-na, là Vĩnh cửu. Ấy vậy mà khi ta nhìn thẳng vào nó thì dường như nó không là gì cả.
Khi trực nhận điều ấy, ta bỗng thấy rằng không phải ta sống cuộc đời, mà cuộc đời nó tự sống, tự túc tự cường. Nó không muốn cho ta thọc bàn tay chủ quan chấp ngã của ta vào. Nếu cứ để yên cuộc đời như vậy thì nó cũng sẽ để ta yên, không còn vấn đề gì nữa. Và cuộc đời bao gồm tất cả: hiện tại, quá khứ, vị lai, sống và chết, có và không, sinh và diệt, khổ và lạc, sinh tử và Niết-bàn, xấu và tốt, phàm và thánh, mê và ngộ. Nó đồng thời là Một và Tất cả. Nó là cái vĩnh viễn bây giờ (l’éternel maintenant).
[trích Tịch mịch ký]