BÚT KÝ DƯƠNG NGHIỄM MẬU
NGÀY THÁNG RỜI
nhật ký của Dương Nghiễm Mậu
30-5-63
Xe ngang qua Xá-Lợi thấy có nhiều xe đò đậu phía sau trường Gia-Long cùng với một số cảnh sát có xe jeep. Tôi linh cảm có chuyện gì đây. Lên tới chợ Bến Thành thì đã rõ: các nhà sư biểu tình trước trụ sở Quốc Hội. Đi men lên chỗ Thông Tin Mỹ thì bị chặn lại, tôi trông thấy một số biểu ngữ, nhiều chữ nhỏ đứng xa đọc không được ngoài chữ NHỊN ĐÓI lớn. Ghé nhà in, gặp ai cũng bàn tán. Sự thực ở Huế ra sao? Tôi nói với anh T.: Sự việc này chưa thể lường được, nhất nữa nó đã trở thành công khai.
2-6
Được T. báo: anh T. chết ở Pleiku. Tôi ghé lại Xóm Chùa. Tiếng mõ tụng kinh. Bà mẹ khóc. Người vợ có mang ngất đi mê sảng. T. nói hồn anh ấy nhập vào. Xác vẫn chưa đưa về. Hai đứa đứng dưới chân cầu thang nói chuyện. Anh T. chết vì mìn. T. kết luận: vô lý, sao lại chết. Mọi người chết ở mặt trận để làm gì? Chết cho ai. T. nói về thằng N.Q. bây giờ cạo trọc đầu đi làm cho H. hắn bảo: làm vậy vì muốn cho anh em có xe hơi đi. T. nói chở nó đằng sau xe khi ngang qua đường xe lửa khi muốn hắn rớt xuống cho chuyến tàu chạy ngang, thật là thời quỷ vương.
4-6
Chiều cùng anh T. lên đưa đám. Hạnh Thông Tây. Những chiếc huyệt đào sẵn, tôi đã lảng xa lúc hạ huyệt.
Tin tức về những cuộc tuyệt thực ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Trị… Biểu tình ở Huế làm 54 sinh viên bị thương báo chí loan tin dè dặt.
8-6
Gặp S.N. Tôi gặp Th. đi café nói về một Thượng Đế Ba Ngôi. Đọc cho Th. nghe một đoạn vừa viết. Th. kêu: bi quan, cô đơn, quá nhiều mâu thuẫn và nghi ngờ cả chính mình. Mình đã nói: không có gì khủng khiếp cho bằng khi biết không có một tương lai được phác lược.
11-6
Đang ngồi ở nhà in H. chạy về mồ hôi mồ kê nhễ nhại nói không ra hơi: tự thiêu ở ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, tôi bỏ ra phố, chỗ nào cũng nói, cũng bàn và tên một người rất lạ được nhắc đến: Thích Quảng-Đức, và hình ảnh bi hùng được vẽ ra… không thể nghĩ hay tưởng tượng được… Tu sĩ chết vì tôn giáo bị kỳ thị. Tại sao đã bao nhiêu năm nay bị đàn áp, bị tước đoạt tự do, bị treo bút mà chúng ta chịu im, ôi hèn!
12-6
Cảnh sát và lính đầy phố. Không khí hoang mang chán nản. Lo âu.
Chiều ra phố, café… những lo âu kéo lên những chán nản nằm đó. Không thể viết, đọc, hay nằm im. Quy có lại sao anh buồn? anh buồn thì làm sao em hiểu, làm sao nói ra? làm sao? làm sao?
5-7
Cuốn sách xong hôm nay. Đi coi Ngã rẽ tâm tình ở rạp Hưng Đạo. Lúc về gặp lính soi đèn pin vào mặt hỏi giấy.
8-7
Chiều đọc báo được tin Nhất-Linh chết. Tự tử bằng thuốc véronal. Báo chí chỉ viết vắn tắt, nhiều chỗ bị đục trắng. Tối T. mang tới cho mấy lời di chúc của Nhất-Linh đánh máy nhoè nhoẹt. T. hỏi: Phải làm gì? Tôi nói: muộn mất rồi, đến khi hỏi nhau như thế thì đã muộn, chúng ta đã làm gì trong mấy năm qua, chúng ta đã sửa soạn gì đâu mà nói đến làm. Người ta đã chửi tôi khi nghĩ rằng phải có một ý thức hệ, khi tôi viết về xã hội, về một ý thức tranh đấu… Bây giờ làm gì? tôi không biết nữa. Làm gì khi chúng ta tay không với khối óc tan loãng, không mục đích, không tin tưởng.
Sự thật bày ra làm chúng ta thức tỉnh, nhưng đã tỉnh thật chưa?
Người ta bảo Phật giáo bi quan, yếm thế. Nhìn ngó và nghĩ xem có thực vậy không? Chúng ta mất gốc thật sự. Chúng ta theo Tây phương. Chúng ta biết gì, hiểu gì về Phật, Lão, Khổng? Dân tộc tính là gì? Truyền thống là gì? Thiên chúa giáo mang đến đây những gì? Tôi nói: Thiên chúa giáo gặp hai trong những trường hợp bất hạnh ở Việt-Nam: Pháp đã lợi dụng, người Việt nhiều nơi cho rằng người theo đạo Thiên chúa là theo Tây và bây giờ lại đang gặp một hoàn cảnh ngộ nhận như thế nữa. Thế lực chính trị và tôn giáo? Chế độ Franco ở Tây Ban Nha nhân danh gì? Nhân cái chết của N.L. tôi có viết một bài có mấy đoạn: “Bây giờ Nhất-Linh đã chết thật rồi, nghe tin ông chết tôi nôn nao khó nói, nắp quan tài đã đậy lại, bây giờ đã là lúc đủ điều kiện để phê phán nhận định về tư tưởng và hành động của Nhất-Linh chưa?
Tại sao Nhất-Linh đã không còn là thần tượng của tôi và của những người trẻ tuổi khác khi ông bước trở ra sân khấu cuộc sống, sự từ chối của tôi, của người hai mươi tuổi không hề toa rập với sự từ chối của những người thuộc thế hệ Nhất-Linh và những thế hệ tiếp như thế hệ 40, 30, bởi vì trước đó khi Nhất-Linh còn là thần tượng tôi đã từ chối họ rồi, bởi vì trong dĩ vãng cũng như hiện tại họ đã chẳng có gì để tôi nhìn vào đó. Tôi gọi đó là một thế hệ đã bị bôi nhem, họ đã chẳng là thần tượng mà còn là kẻ có tội với thế hệ tôi và tôi chờ đợi Nhất-Linh, nhưng khi Nhất-Linh trở lại thì chúng tôi cũng thấy Nhất-Linh đã không còn là của thời đại chúng tôi nữa, ông là của dĩ vãng, ký ức, ông là người của một thời đã qua, ông không sống trong, không nói được, không làm ra những gì chúng tôi đang sống, cần nói, phải làm… Trong một bài báo viết từ năm 1861 về vấn đề văn nghệ Dostoïevski đã đưa ra một ví dụ lý thú. Ông nhắc lại một trận động đất ở thành Lisbonne vào cuối thế kỷ thứ 18. Trận động đất hết sức dữ dội: nhà cửa, lâu đài tan nát, phân nửa dân chúng tử nạn hoặc bị thương, con khóc cha, vợ khóc chồng, cảnh tượng hết sức thê thảm.
Sáng hôm sau tờ báo Mercure de Lisbonne phát hành như thường lệ. Những nạn nhân sống sót, tuy không còn thời giờ và trí óc nào để đọc báo, cũng tò mò muốn biết các nhà văn nghệ đã viết những gì về thiên tai vừa qua. Ngay nơi trang đầu, vào chỗ danh dự, có bài thơ của thi sĩ trứ danh thời đó. Và bài thơ tạm dịch như thế nầy:
Thì thầm, hơi thở âm thầm,
Tiếng hát run run chim sơn ca.
Lóng lánh bạc
Giấc mơ giòng suối.
Ánh sáng đêm trường, bóng tối đêm trường,
Bóng tối vô tận:
Biến chuyển nhiệm mầu
Của gương mặt Thượng-Đế
Hôn, mơn trớn lệ,
Ôi! Bình mình! Bình minh!
Dostoïevski không rõ số phận của thi sĩ như thế nào, khi dân chúng Lisbonne đã đọc bài thơ ấy. Nhưng ông phỏng đoán rằng họ đã đem chàng ra phân thây hay treo cổ giữa chợ cho hả giận. Mà họ giận chàng không phải vì bài thơ từ đầu tới cuối không có đến một động tự, hay là vì nó phạm đến thuần phong mỹ tục. Họ giận là vì bài thơ trong hoàn cảnh đó, có ý nghĩa bỡn cợt quái gở, bỡn cợt sự đau khổ của ta”(1). Vậy từ 1954 đến nay, những nhà văn của chúng ta đã làm gì? viết gì? có phải chúng ta đã đùa cợt, đã mơ mộng, đã xa lánh cuộc sống, đã bỏ chạy, đã quên mất thiên chức của người cầm bút? Chúng ta đã ca hát giữa một xã hội bưng bít, giữa sự chết chóc bi thảm, giữa những áp bức đè nặng, chúng ta bỏ quên sự thật như thế mà những nhà văn của chúng ta chưa bị treo cổ lên thì kể dân chúng Việt-Nam cũng hiếu hoà lắm. Hay họ đã khinh chúng ta quá lắm, họ không còn muốn biết đến nữa. Bởi vì rõ ra đó, những thảm khốc đầy rẫy mà chúng ta im lặng, có kẻ hoan hô, ghi ơn. Kẻ sĩ đã chết hết thật rồi sao? Rõ ràng rằng xã hội đang đàn áp cả những người tu hành, nhân danh tự do, dân chủ, độc lập, dân tộc, yêu nước để buôn xương máu của chính anh em, bà con, dân chúng Việt mà sao chúng ta lại im.
Ngọn lửa Nhất-Linh sáng lên. Điều mà tôi không hề chờ đợi. Ngọn lửa một chiến sĩ, cộng vào ngọn lửa của một tu sĩ đã làm sáng lên trong tôi rằng: Giữa đêm tối bưng bít của lịch sử đã có ánh sáng mở đường, và thần tượng Nhất-Linh trở lại ngự trị trong tôi.
Tôi chia văn học Việt-Nam theo hai giòng chính: Giòng tâm linh Lý Trần. Giòng tình cảm từ Nguyễn Du tới nay.
Có một sự kiện trên thế giới: sau thử thách Mác-xít, nhiều người đã từ chối cực tả để trở về cực hữu.
Ở Việt-Nam cũng có những trường hợp như thế nhưng lại quay về hai nhánh ngách khác nhau, sau khi tôn thờ khoa học Tây Phương, sau thử thách cách mạng và Mác-xít thế hệ đó: một là lui vào vỏ cá nhân vị kỷ tìm lấy tự do trong cô đơn và phủ nhận tất cả; hai là trở về nguồn chấp nhận và muốn phục hưng một thời xưa cũ: áo dài, khăn đóng, đi cày, thắp đèn dầu, tiêu cực khước từ xã hội đương thời. Đó là một sự thật cay đắng. Đó là hậu quả những hành động tùy thuộc tình cảm: Thấy nước nô lệ thì tìm cách giải phóng, thấy cộng-sản ác độc thì chống đối. Không bao giờ hành động trên một căn bản tư tưởng cho nên giải phóng được đất nước chúng ta không giữ được độc lập và trong khi chiến đấu chống cộng-sản, nhìn thấy những nhầm lẫn phi nhân tàn bạo của chủ nghĩa Mác-xít mà chúng ta vẫn chưa có một hệ thống tư tưởng để phủ nhận nó và xây dựng một xã hội mới.
Phảng phất đâu đây tư tưởng tổng hợp manh nha một viễn tượng. Đó là một con đường, đó là con đường độc đạo khó khăn. Ở đó văn hóa nắm vai chủ yếu. Tôi nghĩ một nền văn hóa tiến bộ của thế giới và Việt-Nam phải là một nền văn hóa hướng về viễn tượng đó.
Sự cô đơn của thế hệ chúng tôi mỗi lúc một lớn. Thế hệ tôi đứng ở một ghềnh đá cheo leo, chiếc cầu tre mong manh của hai ba thế hệ trước đã bị chặt đứt, chúng tôi mất chỗ lùi chân lấy đà để vượt qua những khó khăn sừng sững. Sự vinh dự rất lớn mà sự nhục nhã cũng rất lớn. Chúng tôi vừa phải tiến bước vừa phải kiếm tìm khó khăn những giá trị tinh thần cũ làm vốn liếng mà không có người giúp đỡ, đó là trách nhiệm những thế hệ cha chú mình. Cuộc phiêu du của một giai đoạn lịch sử sắp chấm dứt? Nhất-Linh đã nói với chúng ta rất nhiều, và nhiều điều chưa nói…
Nói đến tiền chiến là nói đến lạc hậu, thoái trào, nói đến văn nghệ tiền chiến với bây giờ cũng thế. Nhưng có người đã nói: các anh chê họ thì các anh đã làm gì cho thời hậu chiến của mình chưa? anh kể tôi nghe. Các anh bảo họ là ảnh hưởng Tây Phương, bây giờ các anh ảnh hưởng gì, các anh đã phản ảnh được thực trạng xã hội ngày nay bằng họ ở thời họ không? Trước câu hỏi ấy, chúng ta không trả lời được. Đó là một câu hỏi rất đúng. Đó là điều đặt ra cho người cầm bút ở đây. Chúng ta có một căn bản tư tưởng nào? Tại sao chúng ta chưa nói được những điều của thời đại chúng ta?
Là một nhà văn trẻ tôi vẫn đinh ninh rằng: chúng ta có một nền tư tưởng Việt Nam, giá trị tinh thần ấy do sự kết hợp của nhiều nguồn tư tưởng mang đến trong giòng lịch sử. Hơn một thế kỷ nay nền tư tưởng đó đang được bồi đắp bởi nền tư tưởng Tây Phương. Không thể nói rằng chúng ta không có tư tưởng, không thể nói rằng chúng ta chỉ chịu ảnh hưởng cái này hay cái khác. Đã là tác phẩm của một nhà văn Việt Nam thì ở đó có hơi thở của một tinh thần Việt Nam. Tôi quả quyết điều đó. Văn chương của chúng ta hiện tại chưa hay không phản ảnh được thời đại chúng ta lỗi đó không riêng cho nhà văn, tôi không có ý muốn bào chữa giảm khinh cho trách nhiệm của họ. Tại sao? Tôi mong mọi người dành một chút suy nghĩ về những khía cạnh của nguyên do đó. Trước khi kết tội nhà văn.
13-7
Sáng đi cùng anh T. lên Grall đưa đám N.L. Khi trên xe trở về một người đàn bà nói: Thấy buồn về cái chết của anh Tam chẳng đi tới đâu. Người ta hèn quá. Mọi người đã im lặng. Im lặng vì thấy rằng bà ta có lý: đại diện của cái hội văn hóa mà N.L. sáng lập, làm chủ tịch rồi làm cố vấn chỉ ấp úng mấy câu ai điếu vào phút chót, sau nhà chính trị chiến hữu của N.L., sau nhà văn trẻ N.T. đã nói nghẹn ngào như muốn khóc lên tất cả nỗi nhục của người cầm bút bị tước đoạt tự do.
16-7
Lên nhà in, nói chuyện với S.G. về không khí khó thở như một bình hơi đã đầy, nói đến sức mạnh của Một vầng mặt trời cần thiết cho đời sống mọi người, mây mù vẫn phủ, trên nền khói nhân tạo những mặt trời giả được phóng ra nhoè nhoẹt, nhem nhuốc… mình trôi lờ đờ. Chiều gặp một người bạn: sao đã nói tự do thì phải để cho tôi tự do chứ, phải để cho tôi ghi lại những cái gì đang có đây chứ nếu không 10 hay 20 năm nữa người ta sẽ cho chúng tôi là hạng người nào? nếu không thì hãy câm hết đi. Ngoài đường, ngoài chợ kia những gì đang được nói đến sao bắt người cầm bút không được viết.
Đọc thư của N.N. một lá thư dài, bây giờ cảm thấy phải làm một cái gì đó. Mình xúc động về lời trong thư. Mình vẫn nghĩ rằng mỗi người hiện nay đang có những khó khăn về sứ mệnh mà nó phải thực hiện, nó không thể đừng được trong cuộc thử thách, nếu nó không ý thức được điều đó nó sẽ bị phá hủy. Đọc phần cuối của cuốn Tiểu thuyết hiện đại, T.T. viết về NỔI LOẠN, và cho rằng: những Sartre, Camus… nổi loạn ở Tây Phương là hợp lý, còn ở V.N. thì có gì mà cũng nổi loạn. Quả thực như vậy sao? Quả thực trong hiện đại lịch sử của xứ mình không có đối tượng gì để cho nhà văn mình phải nổi loạn nữa sao? Người ta chết ngoài mặt trận để làm gì? Tại sao phải tự thiêu? Tại sao N.L. phải tự tử?
17-7
Sáng nay lúc 9 giờ khi đi xe từ Chợ Lớn về đến Ngã Sáu thì bị kẹt. Dọc đường Lê Văn Duyệt từng đoàn các vị sư tất tả chạy lên phía chợ Bến Thành. Cảnh sát ngăn không nổi. Mình nhảy xuống xe chạy theo. Tới cửa chợ toán sư bị ngăn lại ngồi tụ vào một chỗ và cảnh sát giữ tay nhau vây chặt lại làm thành một vòng tròn. Cảnh sát xô kéo bắt từng người vứt lên xe, có người chui đầu vào bánh xe ngăn không cho chạy, có người bị đánh chảy máu đầu. Rất lâu sau cảnh sát bắt hết đoàn sư lên xe rú còi chạy về đường Trần Hưng Đạo. Số phận họ?
19-7
Nói chuyện rất lâu với anh T. về hiện tình lịch sử, hiện tình xã hội và đều đồng ý rằng đây là hiện tình nhiều bi đát. Không thể nào có cách mạng được. Vấn đề Phật giáo đặt ra một hiện tình, đánh thức lương tâm, soi sáng sự bi đát. Quần chúng ít ý thức ngay giới trí thức, thanh niên cũng lụn bại, họ du nhập nhầm lẫn những tư tưởng Tây phương. Thiếu hẳn một ý thức với chính ngay cuộc sống thực tế. Thanh niên đã hèn đi nhiều vì trong chín năm qua đã bị hoàn cảnh thái bình và sung túc giả tạo đầu độc, làm nhu nhược, làm hèn, không có lý tưởng, buông trôi… nhắc đến trường hợp Đại Hàn dân quốc… Mình nghĩ thời đại này là thời đại NGỜ VỰC. Xét lại chính rằng: cũng hèn. Đã làm được gì? viết được gì? có ý thức nhưng lúng túng không biết làm thế nào. Tương lai sẽ đen tối hàng 10 hay 20 năm nữa khởi từ lúc ngọn lửa được đốt lên…
7-8
Tính sổ, mình không ngạc nhiên vì sao báo không có người đọc. Vì người viết bị tước đoạt tự do, người đọc không đọc vì không có gì can dự đến họ. Mình bàn dẹp bỏ tờ báo, người viết không viết được ra những điều hắn muốn viết, mà viết những điều đâu đâu thì thành ra lố bịch và trong hiện tình này thì là một trò hề. Sao không được nói ra: mất tự do? sao không gác bút?
Trên ván bài không còn một cây tẩy nữa? Những thay đổi đến từ bên ngoài, không từ bên trong. Mọi người ở tình trạng thụ động không có hành động, chủ động: Hèn!
Gặp Y. Tại sao chưa XUỐNG PHỐ? Sao lại đòi Phật tử xuống phố. Đáng ra bây giờ mình phải xuống phố chứ? Phải chăng đã khôn quá, ngoan quá, cẩn thận quá, không còn cái liều? Tôi muốn kiếm tìm một ngọn cờ… Thất nghiệp, đói nghèo… T. cho một bài thơ đánh máy. Mình ở thế hệ bị hy sinh, biến động này có hai điều trông thấy rõ ràng: Phật giáo sẽ phát triển, chúng ta thấy sự mất gốc của chúng ta. Gây một ý thức cho thanh niên.
Người Tây phương không thể hiểu được về một người ngồi như tượng và lửa đỏ bốc cháy…
17-8
Tân Xuân Thu, không có lãnh tụ… Tại sao? Dân bất lực cư, sĩ vô định chí? Bây giờ là Tân Xuân Thu? Bao nhiêu ngọn lửa sẽ được đốt lên nữa?…
21-8
Sáng thức dậy nghe ra-dô tuyên bố tình trạng giới nghiêm. Việc phải đến đã đến. Mình hoang mang, mọi người hoang mang về số phận các nhà sư và số phận chính họ…
23-8
Sinh viên bãi khóa. Dân chúng lo âu, bỏ làm ăn. Biến cố này sẽ mang nhiều ảnh hưởng về tinh thần. Thiên chúa giáo ở Đông phương sẽ gặp sự thờ ơ của dân chúng và người Đông Phương sẽ tự ý phục hưng các giá trị tinh thần của họ theo với những kiến thức mới. Xã hội sẽ thêm phân tán, ảnh hưởng tinh thần Tây phương sẽ bị giảm sút.
Tất cả các trường học đã đóng cửa. Nói về thái độ của một người trí thức trong chính quyền vừa từ chức. Mình cho là một hành động xu thời… 8, 9 năm nay làm gì? Bây giờ bỏ trách nhiệm cho ai để làm anh hùng?…
25-8
Súng đã nổ ở cửa Chợ Bến Thành, có sinh viên đã chết. Ngọn lửa đã lan rộng từ giới Phật tử sang giới sinh viên, học sinh… mối lo âu khắc khoải trên khắp các bộ mặt. Bao nhiêu người đã bị bắt. Giam vào đâu cho hết.
4-10
Sau những T., Q., N…. ai sẽ bị bắt nữa… muốn quên, muốn quên.
Anh Giao,
Anh hỏi tôi trong thời gian xảy ra vụ Phật giáo tôi có viết được gì không? Không, tôi chẳng viết được gì suốt trong thời gian ấy, và tôi cũng không làm được gì cả. Giai đoạn ấy mang đến cho tôi một số vấn đề phải suy nghĩ, nhất là những vấn đề buộc người viết văn phải biết đến, ở hoàn cảnh một đất nước Việt Nam như hiện nay. Có nhiều vấn đề vẫn còn nguyên vẹn. Một chế độ đã bị thay thế nhưng xã hội chúng ta có thay đổi gì không, cuộc sống có tươi sáng hơn không? Chúng ta phải làm gì? Chép lại nơi đây những mảnh vụn của một thời gian để anh tuỳ nghi sử dụng, tôi chỉ có ý muốn gợi một số thắc mắc, băn khoăn, lo âu của mình với những người trẻ đồng lứa. Bởi vì tôi và họ còn phải sống…
Dương Nghiễm Mậu