Khởi đầu câu chuyện về Mẹ, phải viết về lúc nào và về nơi đâu để cho đúng. Bởi vì khi nói về Mẹ, nghĩ về Mẹ thì nó rộng lớn quá. Nó vĩ đại quá.
Nó lớn hơn một ôm tay của mình nên ôm không hết. Ôm mãi cũng không tròn, ôm hoài vẫn thấy thiếu. Tôi ôm tình Mẹ đã 70 năm rồi, giờ đây, ngồi hồi tưởng về Mẹ, để viết về Mẹ. Mẹ! Tình yêu nuôi lớn đời con.
Khởi đi từ lúc 3 tuổi, vừa mới chớm có chút ý thức biết nhớ Mẹ. Cứ mỗi chiều về, sau cạnh lũy tre xanh quanh nhà là tôi ngồi nhớ Mẹ. Mẹ tôi đi làm suốt ngày, có khi còn ở lại làm đêm nữa. Ở nhà chỉ có hai anh em, hai mái đầu thơ dại thì làm sao không nhớ Mẹ được? Nhớ Mẹ như là một triết lý sống đích thực hiện hữu trong lòng anh em tôi.
Mỗi khi ý thức vùng dậy nhớ Mẹ, thật khó chịu, không khí trong nhà trống vắng, nhìn trước ngó sau, thấy cái gì cũng trơ trọi, cộc lốc, chẳng thấy có chút tình tự ấm áp gì nơi đó. Mọi sự vật nó khô như khúc gỗ. Khô như chính nó khô. Và cứ mỗi lần như thế là tôi ra ngồi nơi vỉa hè trước nhà để chờ Mẹ về. Thời gian này là thời gian giá trị nhất của tôi. Ngồi trên thềm hè mà cứ dõi mắt trông ra đầu ngõ. Trông Mẹ về. Một cảm giác khó nói lắm. Có ai trông Mẹ về thì tự biết lấy.
Mẹ tôi, một bà Mẹ quê, quanh năm gồng gánh “Đòn gánh cứa vai”. Mẹ tôi, mỗi sáng ra chợ đôi gánh khoai lang, khoai mì, rau đậu… đủ mọi thứ cho đến chiều về bằng đôi thúng với những thứ khác, đường tán đen, bánh tráng, gạo, nước mắm, muối… chừng ấy gạo mắm để nuôi anh em tôi một tuần lễ, vì Mẹ tôi có lúc phải gánh hàng ra tỉnh để bán, ở lại năm ba ngày, bán hết rồi mới về, thì anh em tôi lại có được thúng gạo lưng lửng khác để nấu với khoai đậu độn cơm. Nhờ tình thương yêu của Mẹ. Tình yêu con của Mẹ mà anh em tôi được khôn lớn theo thời gian tảo tần, gồng gánh một nắng hai sương của Mẹ. Tình thương nuôi con, Mẹ không quản ngại khó khăn, khổ cực. Dường như… Mẹ có đôi chân rất vững, đôi tay rất mạnh và đôi vai rất chắc để Mẹ chống đỡ tất cả những dãi dầu nắng mưa, sương khuya, nắng sớm. Mẹ có trái tim nồng ấm, Mẹ có lời ru ngọt ngào mà anh em tôi đã lớn trong dòng sữa ấm và lời ru ngọt ấy. Đến bây giờ, tôi đã đọc nhiều tác phẩm thơ văn viết về Mẹ. Ca tụng Mẹ. Nhiều bản nhạc để hát cho Mẹ. Để diễn tả về Mẹ. Phải nói rằng những lời thơ ấy, những bản nhạc ấy mang đậm nét súc tích mỹ miều, mang nặng giá trị nhân bản, tình Mẹ vô bờ, cao rộng tột cùng và sâu thẳm. Có thể nói góp nhặt hết ngôn ngữ, chữ nghĩa của trần gian này để hiến dâng cho Mẹ mà
vẫn còn thiếu, còn hụt hẫng, chênh vênh. Ấy là cái đẹp của chữ nghĩa, cái cao sang mượt mà của ngôn ngữ, chỉ là sự tương đối, hình dung ảnh tượng của ảnh tượng trần gian.
Còn tình Mẹ, tình yêu thương, cái tình nuôi lớn đời con thì sao? Như chiều nay, Mẹ quẩy gánh về thấy con ngồi nơi vỉa hè, Mẹ bỏ đôi gánh xuống bế con vào lòng cho con bú. Mẹ không nói một lời, vì Mẹ biết con khát sữa. Mẹ biết con trông Mẹ. chừng ấy. Hình ảnh ấy. Cái hình ảnh đang diễn ra ấy, đẹp vô ngôn. Tương dung tình Mẹ. Tương nhiếp tình con. Cả hai đều im lặng. Chỉ cảm của con và ứng của Mẹ. Một trời yêu thương gặp nhau trong phút giây nhiệm mầu.
Tôi ngồi đây ôn lại chuyện xưa
Chuyện thời làm điệu
Chuyện Mẹ ru con đêm mưa
Tôi ngồi đây ôn lại chuyện mình
Chuyện thời thơ ấu xinh xinh
Chuyện làm chiếc ghe giấy
Thả theo dòng nước trên quê mình
Tôi ngồi đây viết lại chuyện tình
Tình Mẹ nuôi con bằng dòng sữa ngọt
Mẹ ru con ru hoài ngàn năm
Mẹ dạy con dạy lời đầm ấm
Mẹ dạy hoài, dạy mãi trăm năm
Con lớn khôn thì mạ không còn
Con thành người thì Mẹ mỏi mòn
Lưng Mẹ còng
Tóc Mẹ bạc
Mắt Mẹ mờ
Trán Mẹ chon von
Hôm nay đây con ngồi nhớ Mẹ
Hình bóng người sống mãi trong con
Như trăng đầu non
Trăng tròn mười sáu
Thương Mẹ vuông tròn đời con
Bây giờ con đi tìm Mẹ
Mẹ ở đâu? Con tìm nơi đâu?
Vượt biển sâu, lòng đại dương Mẹ sống?
Trên lâu đài làm bằng ánh lưu ly?
Mẹ ra đi trên đỉnh non cao
Con tìm Mẹ, dáng Mẹ hao hao
Thân Mẹ ốm, vai Mẹ gầy
Con sụp lạy Mẹ
Mẹ mãi mãi bên con
Dẫu trên đỉnh non
Hay lòng đất lạnh
Dẫu trong hiu quạnh
Hay chốn nắng mưa
Con nguyền bên Mẹ
Đời đời của con.
Tôi nhớ rất rõ về Mẹ. Từng cử chỉ, từng lời nói. Từng sự sinh hoạt hằng ngày. Rõ mồn một. Tôi có duyên đặc biệt với Mẹ nên đời này Mẹ tôi thương tôi thật nhiều.
Gia đình tôi tản cư vào thành phố Nha Trang, nơi đầu cầu Hà Ra, giữa đầu trong của cầu Xóm Bóng. Một hôm, vị Thầy con của bà cô đã đi tu nhiều năm trước, về thăm nhà. Tối đến, Mẹ tôi vào phòng và nói với tôi: “Ngày mai con theo Thầy lên chùa tu nghe.” Gọn lắm, có bấy lời. Không bàn bạc. Không hỏi han thăm dò hay ý kiến. Ngồi nhìn Mẹ, nghe Mẹ nói thật ngắn gọn, đơn giản. Khi ấy tôi cũng chẳng hỏi Mẹ, sao Mẹ muốn cho con đi tu? Con đi tu rồi ai ở bên Mẹ? Ai lo cho Mẹ về già? Cho đến bây giờ nghĩ lại, dường như những câu hỏi khi xưa tôi không hỏi ấy, bây giờ đã trả lời cho tôi rõ ràng, nhiều tác duyên vô lượng đời. Năm ấy tôi mười tuổi, chẳng hiểu thế nào là tu. Thế nào là xuất gia. Thế nào là sống đời làm điệu. Sáng quét lá bồ đề trước sân, chiều tưới cây quanh chùa trước sân hoa kiểng. Lặng lẽ đêm đó Mẹ cho ít vật dụng vào giỏ và sáng hôm sau xách đi theo Thầy về chùa Long Sơn. Đi tu như một huyền thoại.
Mẹ là nhân duyên để tôi đi tu cho đến ngày hôm nay. Theo cái nhìn của thế nhân thì trông bình thường như vậy. Nhưng thẩm thấu trong tận cùng trái tim, nó có nội hàm tuyệt vời, siêu ngôn ngữ. Mẹ đã theo ở bên tôi. Đáng lý ra phải nói tôi theo ở bên Mẹ. Con theo Mẹ. Con ở với Mẹ. Con có Mẹ trong vòng tay. Khi tôi bệnh. Lúc tôi đau đều có Mẹ tôi chăm sóc. Dù biết rằng, khi ấy tôi đã đi tu. Mẹ đã thức khuya dậy sớm, ly nước, chén cháo đã không thiếu và luôn luôn ở bên tôi. Mẹ đã không rời xa tôi, như tôi đã xa rời Mẹ.
Đi học trong Sài Gòn nhiều năm, cũng như chương trình thuyên chuyển của Phật Học Viện qua nhiều nơi, nhiều tự viện nên tôi phải xa Mẹ.
Đến khi về thăm nhà thì Mẹ tôi vui mừng, vừa khóc vừa ôm tôi vào lòng, khi ấy tôi đã lớn. Chợt nhớ: “Mẹ già trăm tuổi còn thương con tám mươi”. Được ở trong vòng tay Mẹ, tôi nhìn kỹ thì ra bây giờ tóc Mẹ bạc mầu, da Mẹ nhăn nheo. Gò má gầy hao theo năm tháng không còn đầy đặn như khi xưa, Mẹ được mọi người khen tặng: “Con gái đẹp nhất xóm”. Dù gia đình nghèo, nhưng cái đẹp của người miền quê chân thật, thuần hậu. Cái đẹp của mầu da hung hung sạm nắng. Mẹ có mái tóc dài quá lưng trên dáng người hao hao. Mỗi khi Mẹ quẩy gánh ra đường thì mái tóc ấy được búi cao, gọn gàng, trông có chút quý phái của người Mẹ miền thôn dã.
Có lần theo Mẹ ra đồng, khi ấy mới năm tuổi, thấy Mẹ xăn quần tới gối, cấy mạ thụt lùi trên đám ruộng. Khi lúa chín, Mẹ cắt lúa, gánh lúa về đập lúa, phơi lúa, sàng lúa… đủ việc để Mẹ làm, đúng là bà Mẹ quê: “Con cò lặn lội bờ sông”. Việc gì Mẹ cũng làm được, nhiều khi Mẹ thay Ba để dạy con nữa. Bây giờ Mẹ đã không còn. Ngồi nhớ Mẹ để thấy Mẹ là nhà kinh tế. Mẹ là nhà giáo dục tâm linh. Mẹ là nhà văn hóa nhân bản. Mẹ dạy con làm người tốt. Mẹ cho con một đời sống thiết thực trong nhân quần xã hội. Mẹ đề cao tình người, làng nước, gần gũi với nhau. Cứ mỗi ngày 14 rằm, 30 mồng một, Mẹ nấu xôi chè cúng Phật. Cúng xong, nhang tàn Mẹ hạ xuống, phần lớn mang cho hàng xóm. Thấy vậy, tôi hỏi sao Mẹ không dành phần xôi cho Ba, vì Ba thích xôi. Mẹ nói: “Người ta ăn thì còn, Ba con ăn thì hết.” Tôi im lặng, nhìn Mẹ quay quảy qua nhà hàng xóm.
Tôi ngồi đây để nhớ về xóm làng cũ
Nhớ con mương, hàng dậu, cái giếng trước nhà
Từ thủa ấu thơ quá đậm đà tình Mẹ
Nhưng giờ đã qua như đã mất hết rồi
Vườn trầu của ngoại xinh xinh
Ngát hương làng xóm ngát tình dân quê Tiếng hò dìu dặt trên đê
Dáng cò xuôi cánh trăng thề đầu non.
Bóng Mẹ chiều nay, trong chiếc áo bà ba đen, đầu đội nón, tay bưng cái rổ nhỏ đi chợ, chú nhìn Mẹ thấy rõ niềm vui trên khuôn mặt, thì ra vì có tôi về thăm Mẹ. Cứ mỗi lần như thế là Mẹ vui. Mẹ hết đau, hết bịnh. Như thường ngày, mỗi tối Mẹ xúc một trách than lửa rồi phủ tro để dưới giường cho ấm. Xong buổi cơm tối, Mẹ tôi ngồi bên cửa sổ nói chuyện gia đình. Mẹ nói: “Tui biết ông ở bên tui là ông khổ, nhưng tui không muốn ông đi xa tui, cho đến khi nào tui chết, thì ông tự do đi và chừng ấy ông mới hết khổ.” Nguyên văn lời nói của Mẹ là vậy. Tôi luôn nhớ cho đến hôm nay. Khi nghe Mẹ nói, tôi nhìn Mẹ cầm tay xoa xoa:
– Mẹ cho con đi tu 20 năm rồi mà, đâu có phải một sớm một chiều nữa đâu mà nói được ở bên cạnh Mẹ. Sao khi xưa Mẹ bắt con lên chùa ở, dù nhớ Mẹ, muốn về thăm mà Mẹ cũng không cho. Đi tu là phải xa nhà, xa Mẹ mà.
Tình Mẹ là vậy đó, đã cho con đi tu, nhưng luôn canh cánh bên lòng.
(trích Triết Lý và Thi Ca, Nguyên Siêu)