(Mùa Vu lan, tưởng nhớ người thầy khả kính – Thích Tuệ Sỹ)
Tựa đề trên tôi lấy từ tập thơ Những điệp khúc cho dương cầm của thầy Tuệ Sỹ. Bản tiếng Pháp do bà Dominique de Miscault dịch.
À bout de chagrin enfumés, je revis
C’est toujour L’Amour des mes songes
Innommable dès l’Origine
Comme l’éclat d’une fleur de pécher dans l’océan
Mes ailes sont lasses des cacophonies
e tends les bras vers les étoiles.
(Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói,
Vẫn yêu người từ khoảnh khắc chiêm bao.
Từ nguyên sơ đã một lời không nói,
Nhưng trùng dương ngưng đọng cánh hoa đào.
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi,
Vì yêu người ta vói bắt trời sao).
Tập thơ song ngữ Pháp-Việt: Những điệp khúc cho dương cầm, thầy Tuệ Sỹ tặng cho tôi vào năm 2009. Tập thơ 49 trang, 23 bài, khổ thơ dài ngắn khác nhau. Thời ấy, tôi chỉ “thưởng lãm” những dòng thơ Việt và sơ hốt với bản dịch tiếng Pháp, do không biết gì về ngôn ngữ này, cho nên cũng không để ý đến người dịch qua Pháp văn là ai.
Cho đến nay, sau 15 năm, đọc lại những dòng thơ của bà Dominique chuyển ngữ, quá cảm mếm mà tìm hiểu, được biết bà đến Việt Nam từ năm 1992. Dominique là một họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ… Bà có nhiều cuộc triển lãm khắp nước Pháp và nhiều nước trên thế giới. Từ năm 1995, tại Pháp, Dominique đã có 12 cuộc triển lãm với những chủ đề rất đáng chú ý về cuộc sống, văn hóa người Việt v.v. Bà Dominique làm việc cho Hội Hữu nghị Việt – Pháp, biên tập chính của tờ tạp chí “Perspective France-Vietnam” v.v… Theo như trong lời Tựa tập thơ Những điệp khúc cho dương cầm (Refrains pour piano), bà viết:
“Đó là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời mà tôi may mắn diện kiến Tuệ Sỹ với những người thân của ông từ mùa xuân 2003.
Chúng tôi đã học cách bộc lộ bản thân một chút, trao đổi thế giới của mình, diễn đạt những cảm xúc, đồng thời cũng là những giao tình thân thiết. Xin thứ lỗi, tôi không phải là một Phật tử cũng không phải nhà tu hành, lại không rành tiếng Việt, nhưng những bài thơ Tuệ Sỹ chúng tôi vẫn có thể hiểu ở cái xứ châu Âu già cỗi của chúng tôi! Đó chẳng phải là sự biểu hiện của những trống không mà các nhà thần bí nổi tiếng nhất trải nghiệm đó sao? Kinh nghiệm phiêu du trong bóng đêm và tĩnh lặng, cũng như những ‘tâm hồn’ khắc khoải, vô vọng truy tầm lời giải đáp cho những hy sinh, dù tự nguyện hay cưỡng chế…”
Bà ký tên: Dominique, Ho Chi Minh Ville, le 19 novembre 2008.
Tập thơ được ấn hành năm 2008, đến năm 2009 (ngày 27/09), tại khách sạn Legend, Sài Gòn, chính thức tổ chức một buổi tọa đàm ra mắt tập thơ, với sự hiện diện của bà và thầy Tuệ Sỹ.
Mười lăm năm sau, giờ tôi mới cảm nhận được nỗi niềm của bà, dường như bà hiểu được nội tâm của thầy Tuệ Sỹ hơn ai hết qua văn tự thơ ca, mặc dầu bà viết rất khiêm tốn:
J’ai essayé et tenté d’en saisir le fond grâce aux images et à l’espace où vit Tué Sy que je connais et qui m’ont été d’une grande aide. J’ai choisi les mots et les images le plus simples en réduisant et asséchant au maximum le terrain poétique afin d’évoquer l’aventure mystique du moine fatigué de sa vie de recherches vaines.
(Tôi cố gắng nắm bắt nội dung qua những hình ảnh, và không gian sống của Tuệ Sỹ như tôi được trông thấy và đã khai thị cho tôi. Tôi chọn những từ ngữ và ảnh tượng đơn giản nhất, đã giản lược và tát cạn tối đa thi pháp để tập trung vào cuộc phiêu lưu thần bí của nhà sư mệt mỏi bởi đời sống và những truy tầm vô vọng của ông).
“Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói”, khi chúng ta đọc qua bản dịch của bà Dominique: À bout de chagrin enfumés, je revis (Ở cuối nỗi buồn khói thuốc, tôi sống lại), cảm nhận riêng tôi, rất hay và hùng hồn. Bà đã thay mặt tiếng đập của con tim thời đại mà thâm nhập vào dòng thơ của thầy. “Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi” – Mes ailes sont lasses des cacophonies; bà là một người Pháp khi bà viết tiếng Pháp, là tiếng mẹ đẻ của chính mình thì không có gì lạ và khó, nhưng bà dùng từ “cacophonie” để truyền tải từ ngữ “ điệp khúc rộn ràng”, chỉ có một sự cảm thông thiêng liêng từ đáy lòng của bà mới có thể biểu hiện ngữ ngôn tương thích với cường độ, sắc thái của nhà thơ, làm người đọc cảm thấy những âm vang sâu lắng, mong manh trong yên lặng – “khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu”.
Bài thơ trên, là bài thứ 22, ở trang 47 theo bản gốc. Hiện nay, một số trang văn đàn trên mạng điện toán, tôi thấy bài thơ này có bản dịch Pháp văn khác xa với bản gốc:
Sur mes chagrins enfumés, je revis
’Amour des hommes à chaque instant de mes songes
Dès l’origine la parole a été retenue
Comme l’océan retient le reflet du printemps en fleur
Des refrains animent mes ailes épuisées
Pour l’Homme, j’ouvre mes mains au firmament étoilé.
Riêng tôi, vẫn thấy cách dịch của bà Dominique là kỳ tuyệt, bà không theo phong cách: dịch chữ nào nghĩa nấy, mà bà chọn cách dịch thoát ý, thoát ý mà tinh xác, linh động và gợi cảm!
“Trông lên cao hề! Sống ư, chết ư? Thấp thoáng hạc gầy nơi cửa Phật.
Nhìn lại gần hề! Răn chăng, dạy chăng? Ngậm ngùi giọng cũ lúc hoàng hôn.”
Đã nhiều năm trôi qua, thầy trò không còn an cư chung, vào những đêm có trăng trong mùa Hạ, luôn gợi lại trong lòng tôi những kỷ niệm thầy trò ngồi uống trà dưới ánh trăng đàm đạo. Mùa an cư năm nay, nhớ đến thầy, thầy đã động viên cho tôi tiếp tục con đường nghiệp học, biết thêm một ngôn ngữ đều chính nhờ ơn thầy. Trước khi thầy đi xa, thầy vẫn dạy thị giả luôn hỏi han chuyện học của tôi. Ân sư ân tựa như núi của người dạy dỗ, nợ này tôi khó trả. Nợ cũ tôi chưa trả xong thì tôi lại thọ nhận thêm “nợ” mới.
Mượn văn tự để tỏ lòng và cảm ơn dịch giả Pháp ngữ Dominique de Miscault. Bà đã đem nỗi niềm của một nhà thơ lớn trong Phật giáo Việt Nam cho người Pháp hiểu thêm về nền thơ ca này: Tiếng dương cầm hay sự im lặng như là môi giới giữa hai lục địa của chúng ta… (le piano ou le silence comme médium entre nos deux continents…). Những điệp khúc cho dương cầm đối với bà là một sự nhẹ nhàng và tuyệt đối trong cuộc sống (la légèreté absolue de la vie).
Mùa an cư năm Giáp Thìn (2024), xứ trời Châu âu.
Tâm Nhãn