Với cái đầu đề mập mờ và tổng quát này, người ta có thể bàn đến nhiều việc khác nhau của Vạn Hạnh qua lịch sử nước ta, từ chuyện làm cố vấn vua Lê Đại Hành trong cuộc chống quân xâm lược Tống cho tới việc dựng nghiệp giúp Lý Công Uẩn và tạo nên thủ đô Thăng long. Tuy nhiên, đây không phải là mục đích của chúng tôi, mặc dù chúng tôi rất muốn làm nó. Không phải là mục đích, bởi vì nếu Vạn Hạnh là một vấn đề lịch sử, thì người ta bắt buộc phải dùng những sử liệu để bàn về ngài. Và những sử liệu ấy, chúng tôi đang chưa có chúng một cách đầy đủ. Chúng tôi đã không có Đại Việt sử ký bản năm 1900 hay Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ chẳng hạn cũng như những cuốn sử Phật giáo như Thuyền uyển tập anh, Cổ châu Pháp vân Phật bản hạnh ngữ lục v.v… Cho nên, bằng cái đầu đề mập mờ đấy chúng tôi không làm gì hơn là cho dịch ra hai đoạn văn liên quan tới Vạn Hạnh của hai cuốn sử viết cách xa nhau tới hơn sáu trăm năm.Chúng gồm một cuốn sử xưa nhất hiện còn của lịch sử nước ta và một cuốn sử mới nhất viết xong vào năm 1859. Về cuốn sử xưa nhất, nó không ai khác là Đại Việt sử lược. Niên đại nó thường được đặt vào khoảng 1377-1388. Nhưng, như chúng tôi đã có dịp gợi lên, nó rất có thể là một tác phẩm do Trần Chu Phổ viết vào khoảng trước và sau năm 1225-1258, đặc biệt là khoảng trước và sau năm 1250. Nó như vậy là cuốn sử xưa nhất của nước ta hiện còn, xưa hơn cả cuốn An nam chí lược của tên phản quốc Lê Tắc. Về cuốn sử mới nhất, nó không gì hơn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Việc, chúng tôi chọn hai bộ sử này, ngoài chuyện thiếu thốn sử liệu nói trước, là nhằm choc cho thấy, Vạn Hạnh đã được lịch sử nhìn với những cặp mắt nào và cái nhìn ấy thể giúp chúng ta hiểu biết gì thêm về Vạn Hạnh trong khoảng hơn sáu trăm năm ấy. Vì cuộc đời của Vạn Hạnh hầu như đồng nhất với cuộc đời của Lý Công Uẩn, người thành lập nên nhà Lý và vì Lý Công Uẩn đã làm cho Vạn Hạnh sống thành một lịch sử sau khi Vạn Hạnh đã giúp Lý Công Uẩn làm ra một lịch sử, hai đoạn văn liên quan với Vạn Hạnh kể trên cũng chính là hai bản tiểu sử của Lý Công Uẩn, một trong Đại Việt sử lược, một trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
I
Đại Việt sử lược quyển 2 tờ 1a3-2a8 viết như thế này về sự lên ngôi của Lý Công Uẩn: “Tên Uẩn, họ Lý, người làng Cổ pháp, Bắc giang. Mẹ là Phạm thị. Sinh ngày 17 tháng 2 năm Thăng bình thứ 5 (975). Thuở nhỏ thông minh sáng trí, tính khí khôi hoạt rộng rãi. Đến học ở chùa Lục tổ, thầy Vạn Hạnh thấy cho là khác thường, nói: “Đây là một người phi thường, sau khi cường tráng tất có thể giúp đời yên dân, làm chủ thiên hạ”. Tới lúc lớn, khẳng khái có chí lớn, không màng của cải, ưa xem sạch hết kinh sử. Trong khoảng Ưng thiên, thời Trung tôn. Đến khi Trung tôn bị Ngọa triền giết, quân thần đều trốn mất hết chỉ một mình vua ôm lấy thây mà khóc. Ngọa triều khen vua trung nghĩa, phái làm Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Trong làng vua ở có một cây bông gạo bị sét đánh, dấu để lại thành văn rằng:
Gốc cây nhiều công
Cơn lá xanh xanh
Hòa đao mộc rụng
Thập bát tử thành
Cung chấn trời hiện
Cung đoài sao chênh
Sáu bảy ngày xong
Thiên hạ thái bình.
Vạn Hạnh bèn gọi vua bảo: “Tôi gần đây thấy sự lạ của sấm, biết nhà Lê đương mất, nhà Lý đương lên. Họ Lý không ai là có sự nhân từ khoan thứ rất được lòng người như ông. Tôi tuổi đã hơn 70, chỉ vì không thấy được sự thịnh trị mà lấy làm giận”. Vua sợ lời ấy tiết lộ, khiến đem Vạn Hạnh đến dấu ở Ban sơn. Cảnh thụy năm thứ hai (1009) Ngọa triều mất, tự chúa còn nhỏ dại. Vua tuổi 36, đem theo long quân năm trăm người vào chầu. Lúc đó ở trong chi hầu Đào Cam Mộc suy biết vua có ý muốn thọ thiền, bèn nhân khi ấy nói khích nhẹ rằng: “Chùa thượng mù tối ngang ngạnh, làm nhiều điều bất nghĩa. Trời ghét cái tính khí của người, nên không cho sống lâu. Tự chúa nhỏ dại, chưa kham được nhiều khó khăn, mà mọi việc thì bề bộn, bách thần không có chỗ dựa vào , đâu dưới om sòm muốn tìm một vị chúa. Thân vệ hãy nên nhơn lúc này xa theo dấu chân Thang Võ, gần soi việc làm của Dương Lê, trên thuận với lòng trời, dưới đáp lại mong ước của người, thế mà còn khư khư giữ lấy cái tiểu tiết hay sao?” Vua bên trong tuy vui lòng với lời nói đấy, nhưng nghi sợ có mưu gian, bèn giả vờ mắng rằng: “Ông làm sao mà nói lời đó? Ta tất phải bắt bỏ ngục”. Cam Mộc chầm chậm trả lời: “Tôi thấy thiên thời nhân sự như thế, nên dám nói ra. Nay nếu muốn bắt gởi cho ngục quan, thì thành thực không chối chết”. Vua nói: “Tôi đã nhẫn tâm cảnh cáo ông, ấy chỉ vì sợ nếu lời ấy tiết ra thì cả hai chúng ta đều bị giết”. Cam Mộc lại gọi vua nói: “Quốc nhân đều bảo nhà Lý đang thay cơ đồ nhà Lê. Lời sấm đã thấy, không thể bưng bít được nữa. Chuyển họa làm phúc, nay chính là lúc. Thân vệ còn nghi ngờ gì nữa ư?” Vua nói: “Tôi xem chí của ông cùng Vạn Hạnh không khác. Nếu quả như lời nói ấy thì mưu kế tất phải đề ra.” Cam Mộc nói: “Ngày nay trăm họ mỏi mệt suy vi, dân chúng không hay chịu được mệnh lệnh. Thân vệ nếu lấy ân đức mà chiêu dụ vỗ về, thì họ tất sẽ họp nhau lại mà theo, như nước chảy xuống thì ai có thể ngăn được”. Cam Mộc biết việc khẩn cấp sợ sinh biến, bèn nói với khanh sĩ trong triều, ngày hôm đó đều gặp ở triều đường, rồi mưu rằng: “ Ngày nay, dị tâm ức triệu, trên dưới rời đức, người oán sự hà khắc bạo ngược của tiên vương, nên không muốn về theo Tự quân, lại có tìm thấy cái chí hướng của Thân vệ, bọn chúng ta, nếu không nhân lúc lập Thân vệ làm thiên tử, thì thảng hoặc có biến, làm sao giữ được đầu cổ của mình ư?” Nói xong, thì họ cùng nhau nâng vua lên chính điện, lập làm thiên tử, trăm quan đều tung hô vạn tuế”.
Về phía Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên quyển 2 tờ 4a2-6a4, có viết thế này: “Công uẩn, người Cổ pháp Bắc giang. Sinh ra đã thông minh sáng trí, tư thái đẹp đẽ khác thường. Lúc nhỏ thường theo học với thầy Vạn Hạnh. Vạn Hạnh lấy làm lạ, nói rằng: “Đây là người phi thường ngày kia tất làm chủ thiên hạ”. Đến khi lớn, khẳng khái có chí lớn. Trong khoảng Lê Ưng thiên, làm việc với Trung tôn như cấm quân. Ngọa triều soán lập, đổi làm điện tiền chỉ huy sứ. Trước đó, sét đánh cây bông gạo làng Diên uẩn, dấu sét có văn rằng:
Gốc cây thăm thẳm
Cơn lá xanh xanh
Hòa đao mộc rụng
Thập bát tử thành
Đóng a nhập địa
Cây khác tái sinh
Cung chấn trời hiện
Cung đoài sao chênh
Sáu bảy năm xong
Thiên hạ thái bình.nh.
Thầy Vạn Hạnh riêng tự mình bình rằng: “Hòa đao mộc là chữ Lê, Thập bát tử là chữ Lý, Đông a là chữ Trần, nhập địa là người miền Bắc vào quấy phá, cây khác tái sinh là họ Lê sinh ra lại. Lời văn ấy có nghĩa, nhà Lê đọa lạc, nhà Lý thành lập, trong sáu bảy năm thì thiên hạ thái bình vậy.” Bèn gọi Công Uẩn bảo: “Gần suy lời sấm thì họ Lý đương lên.” Công Uẩn sợ lời nói ấy tiết lộ, khiến đi trốn dấu, nhưng cũng lấy nó làm tự phụ. Ngọa triều thường hay ăn trái ngủ liêm được hạt giữa lòng thì cảm thấy lời sấm, tìm những người giòng giống họ Lý mà giết. Công Uẩn ở tại tả hữu, song rốt cuộc cũng không biết. Tới lúc Ngọa triều băng, tự quán còn nhỏ, Công Uẩn vào trực ban đêm. Chi hầu Đào Cam Mộc nhân khi ấy nói rằng: “Trong thời gian qua chúa thượng hôn bạo, nên trời ghét cái tính khí của người. Con nối dõi thì đang còn nhỏ dại, chưa kham được nhiều khó khăn còn dân dưới thì om sòm muốn tìm một vị chân chủ, thì Thân vệ sao không nhân lúc này phát mưu hay đề kế diệu, xa xem lối chân của Thang Võ, gần ngó việc làm của Đinh Lê, trên thuận với lòng trời, dưới đáp lại nguyện vọng người, hay vẫn còn muốn khư khư giữ cái tiểu tiết? Công Uẩn vui lòng với lời nói ấy, nhưng giả vờ trách la. Ngày hôm sau, Cam Mộc lại nói: “Quốc nhân đều biết họ Lý đang lên, lời sấm đã thấy, không thể bưng bít được nữa. Chuyển họa làm phúc, chỉ trong sớm chiều. Thân vệ còn nghi ngờ gì nữa ư?” Công Uẩn nói: “Tôi biết ý ông cùng với Vạn Hạnh không khác. Nếu quả như lời nói ấy, thì kế hoạch tức phải đề ra.” Cam Mộc nói: “Sự công bình nhân từ khoan thứ của Thân vệ tất mọi người sẽ phục theo. Ngày nay trăm họ mệt mỏi suy vi,dân chúng không hay chịu được mệnh lệnh. Thân vệ nếu lấy ân đức mà vỗ về an ủi, thì họ sẽ cùng nhau đến về theo, như nước chảy xuống; ai mà có thể ngăn được ư?” Cam Mộc sợ nếu việc kéo dài thì sinh biến, bèn nói với khanh sĩ thứ quan, không một ai có lòng khác hết. Tức ngày hôm đó, họ gặp ở triều đường, cùng mưu với nhau rằng: “Ngày nay, dị tâm ức triệu, tôi dân rời đức, nếu không nhân lúc này mà đưa Thân vệ lên làm thiên tử, thì thảng hoặc có biến loạn, chúng ta có thể giữ đầu cổ mình chăng ư?” Lúc ấy, quần thần cùng nâng Công Uẩn lên chính điện, tức vị hoàng đế, trăm quan rập bái, trong ngoài đều hoan hô vạn tuế”.
II
Đây là hai đoạn văn của hai cuốn sử cách nhau hơn 600 năm mô tả về cùng một sự việc. So sánh chúng, người ta tìm thấy những gì? Mặc dù cùng nói về việc lên ngôi của Lý Công Uẩn, chúng đã có những khác nhau đáng chú ý, đóng góp không ít cho việc nghiên cứu con người Vạn Hạnh của chúng ta. Hầu hết, cái khác nhau dễ thấy nhất cố nhiên là lời sấm. Lời sấm của Đại Việt sử lược thì chỉ có 8 câu, trong khi Khâm định Việt sử thông giám cương mục chem. Thêm hai câu mới giữa câu thứ tư và thứ năm, làm nó trở thành mười câu. Như vậy, lời sấm nào là là nguyên ủy? Đương nhiên, nếu Vạn Hạnh chỉ muốn truyền cái chuyện trời cho họ Lý làm vua, thì hà tất phải dài dòng về việc nhà Trần, rồi Trung quốc xâm lược dẫn cuối cùng tới việc nhà Lê tái sinh. Hơn thế nữa, cả hai cuốn sử đều đóng ý là, dân biết qua lời sấm là nhà Lê đang vong và nhà Lý đang hưng. Thế cũng có nghĩa, tự nguyện ủy lời sấm đó chỉ có tám câu, rồi dần dà qua thời gian nó mở rộng thành mười câu, như Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại và Cương mục chép theo. Tại sao xảy ra sự mở rộng này? Và xảy ra vào lúc nào? Lý do cho sự mở rộng tất phải là tuyên truyền chính trị, như nó đã là động lực chính yếu và toàn diện cho chính sự ra đời của lời sấm. Chúng tôi đã nói, hai câu mới được thêm vào nói về chuyện nhà Trần, chuyện người Trung quốc đến xâm lược và chuyên một nhà Lê khác lại xuất hiện sau cha con, Lê Đại Hành. Chúng do đó chắc chắn phải được thêm vào dưới thời nhà Hậu Lê tối thiểu là khi Ngô Sỹ Liên hoàn thành cuốn Đại Việt sử ký toàn thư của ông, nếu không là vào thời Phan Phù Tiên viết Đại Việt sử ký vào năm 1455 hay trước đó lúc Lê Lợi mới lên ngôi, bởi vì mười câu ấy đã do Cương mục chép lại ra từ Đại Việt sử ký toàn thư. Thế thì, tại sao nó đã xảy ra vào thời Hậu Lê? Theo Cương mục thì năm Bình định vương thứ 9 (1427), dưới sự đòi hỏi của vua Minh về con cháu nhà Trần, Lê lợi đã cho một người tên Hồ Ông đổi danh thành Trần Cao và xưng là chúa vua Trần Nghệ Tôn, để cho vua Minh phong tước. Đến tháng ba năm sau, trong khi tin chiến thắng từ nhiều mặt trận đưa về, Lợi đã ra lệnh cấm “tả đạo”, mà Cương mục xác định một cách rõ ràng là “cấm vụ cổ tả đạo, giả xưng tả lý, dao động phù ngôn, dĩ hoặc nhân giả”. Qua một năm sau nữa, khi Lợi mới lên ngôi hoàng đế chưa đầy hai tháng, Cao dẫn quân làm phản. Nguyên khi Cao được tôn làm “Trần chúa”, Lợi đặt bản hành dinh của Cao tại núi Không lộ. Ngọn núi có cái tên ấy, bởi vì, Cương mục bảo, “trên nó có ngôi chùa Lạc lâm, ở đây thiền sư Không Lộ đã hóa thân” và nó ở tại huyện Thạch thất phủ Quốc oai tỉnh Sơn tây. Tới khi Cao làm phản, thì ông xuống núi và vào Nghệ an.Theo Cương mục thì chính trong cuộc chạy vào Nghệ an này, mà Cao bị bắt, dẫn về kinh và cho uống thuốc độc tự tận. Vậy thì,từ chuyện cấm “giả xưng tà lý, dao động phù ngôn, dĩ hoặc nhân giả” vào tháng ba năm 1428 đến chuyện Trần Cao làm phản vào tháng 7 cùng năm và Cao làm chuyện ấy từ ngọn núi mang tên một người, mà Lê Tắc hơn một năm trước đó đã ghi lại là, người ta bảo “Không Lộ có thuật bay trên trời”, thì chúng ta có lẽ không có gì quá lắm, khi giả thiết là, hai câu “đông a nhập địa, dị mộc tái sinh” đã được thêm vào khoảng trước tháng 11 năm Bình định vương thứ 9, lúc Lê Lợi chịu nhịn với đòi hỏi của vua Minh. “ Nó là một cách tuyên Truyền nhằm làm vững tính có thể đế vương của Lợi. Cắt nghĩa và giải thích thế này, có người sẽ cãi là, việc, bản Đại Việt sử lược ngày nay chỉ có 8 câu thôi, rất có thể đến chính tứ sự cắt xén của người Trung Quốc, nhất là khi câu đầu “ Đông a nhập địa” lại ám chỉ một cách bóng gió và thực sự đến họ. Điều này không phải là không có thể. Nhưng, như đã nói cả Đại Việt Sử lược lẫn những cuốn sử sau nó như Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã đồng nhất nói rằng “quốc nhân giai vị Lý đường đại Lê đồ, sấm dĩ kiến bất khả yếm giả” hay “quốc nhân giai tri Lý thị tất hưng đồ, sấm dĩ kiên bất khả yếm giả”. Thế có nghĩa, chúng gián tiếp khẳng định rằng, nội dung của lời sấm chỉ nói đến chuyện họ Lý đang nổi lên thay thế cơ đồ nhà Lê. Cứ vào nhận xét đó, giả thiết trên về sự cắt xén của người Trung quốc như vậy có thể loại bỏ một cách dễ dàng. Hai câu “đông a nhập, dị mộc tái sinh” do thế phải coi như một thêm thắt của những nhà tâm lý chiến thời Hậu Lê.
Việc, chúng tôi cố gắng thử xác định lời sấm nguyện ủy vừa thấy, không phải chỉ nhằm thuần túy đến sự chánh xác lịch sử, mặc dù nó rất quan trọng, bởi lời sấm ấy có thể coi như một tác phẩm của Vạn Hạnh. Chúng tôi làm nó ngoài ra còn nhằm trước hết đến việc cho thấy lịch sử đã nhìn Vạn Hạnh như thế nào. Như đã thấy, lời sấm trên cùng những cắt nghĩa mệnh danh của Vạn Hạnh đã được báo cáo tối thiểu theo hai cách khác nhau với mục đích tuyên truyền chính trị về sự chính thống của hai triều đại cách nhau những hơn hai trăm năm , đấy là triều đại nhà Lý và triều đại nhà Lê. Sự nghiệp của Vạn Hạnh do vậy được nhìn dưới hai chiều hướng khá dị biệt. Từ một hướng, Vạn Hạnh là kẻ đã có công dựng nên nghiệp nhà Lý. Từ hướng khác, ngài là người chỉ lối cho lịch Sử Việt nam, ít nhất là tới khoảng giữa thế kỷ 16, khi chúa Trịnh muốn giành ngôi vua Lê và chúa Nguyễn muốn lập một miền tự trị của mình, cả hai đã cho sứ giả đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm về một lời sấm mới. Nói cách khác, sự nghiệp của Vạn Hạnh không chỉ hạn h ẹp vào một triều đại hay một thời đại lịch sử, mà nó vẫn sống sót như một dư quang rọi đường cho hậu sinh và kết tụ ý thức hệ của dân tộc. Chinh bằng dư quang này mà ta mới thấy làm sao, khi mới thâu hồi độc lập. Lê Lợi đã cho dựng lại cái tháp Biên linh do quân Minh phá hủy một cách vô cớ và Lê Thái Tôn dưới sự chỉ dạy của Lê Sát đã cho sửa lại chùa Bảo Thiên. Nó cũng cho thấy, tại sao công tác Nguyễn Hoàng thực hiện đầu tiên, lúc mới vào trấn đất Thuận hóa, lại công tác khởi dựng chùa Thiên mụ. Giá trị lịch sử của một người như thế không chỉ giới hạn vào việc làm của người đó trong một thời kỳ lịch sử nhất định và giới hạn, mà còn nằm chính giữa lòng ảnh hưởng và dư ba của nó, sau khi người đó đã qua đời. Giá trị của sự nghiệp Vạn Hạnh chính là cái giá trị lịch sử đấy. Vạn Hạnh đã chết, nhưng vẫn thầm lặng soi đường và tự ý gợi hứng cho những người sống sau, như vậy trở thành một thứ, mà Nguyễn Trãi trước đây đã gọi là “ Khí thiêng của Tổ quốc và anh linh của Tổ tiên” chống dỡ Tổ quốc trong những giờ phút đau thương. Bằng đường nét đặc thù này của cuộc đời ngài,mà Vạn Hạnh có thể gọi là vì cao tăng của lịch sử Phật giáo Việt nam. Huệ Hạo trong lời tựa viết vào năm 519 cho Cao tăng truyện quyển 14 ĐTK 2059 tờ 419a22-26 để giải thích tại sao ông gọi cuốn sách của ông là Cao tăng truyện, đã cho ta biết thế này: “Sách vở soạn ra từ những đời trước phần nhiều gọi là danh tăng, nhưng danh vốn là khách của thật. Nếu một người thật hành lặng sáng thì họ Cao mà không đánh. Nếu một kẻ ít đức gặp thời thì danh mà không cao. Danh mà không cao, thì đấy vốn không phải là chỗ đáng ghi. Cao mà không danh, thì xin ghi đủ lại trong sách này”. Cái cách gọi và phân biệt cao tăng và danh tăng này ngày nay càng đáng được chú ý, không những đối với những thầy tu mà còn đối với tất cả mọi người. Tuy thế, như Hạo viết, “nhược thật hành tiềm quang tắc cao nhi bất danh” – nếu một người thật hành lặng sáng và vì cao mà không danh những người thuộc loại cao tăng không phải là dễ dàng cho việc nghiên cứu. Vạn Hạnh, mặc dù đã đóng một vai trò quyết định trong việc dựng nên nhà Lý, ngày nay, ngay cả năm sinh của ngài, cũng không được biết đến. Cứ tóm tắt của Trần Văn Giáp, mà chúng tôi giả thiết la đến từ chính bản tiểu sử của Vạn Hạnh trong Thiền uyển tập anh, thì ta biết thế này về Vạn Hạnh: “ thiền sư Vạn Hạnh, nguyên quán Cổ pháp, họ Nguyễn, tu ở chùa Lục tổ, xuất gia năm 21 tuổi, cùng Định Huệ thọ học với Thiền Ông; năm Thuận thiên thứ 9 (1018) không bịnh mà tịch; Lý Thái Tổ và các đệ tử làm lễ trà tỳ, rồi thu thập tro cốt, để dựng tháp thờ”. Bằng tóm tắt này, thì tất cả chúng ta biết về Vạn Hạnh ngày nay là, ngài họ Nguyễn, quê Cổ pháp, 21 tuổi xuất gia với Thiền Ông và mất năm Thuận thiên thứ 9. Bản tiểu sử do thầy Mật Thể viết trong Việt nam Phật giáo sử lược cũng không hơn gì, ngoài chuyện thêm là, Vạn Hạnh đã làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành và đã cùng với Đào Cam Mộc mưu tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, và trước khi chết, đã làm một bài thơ. Những chi tiết này, thầy Mật Thể cũng lấy ra từ Thiền uyển tập anh, như một ghi chú của Hoàng Xuân Hãn đã chứng tỏ. Vậy, cứ vào Thiền uyển tập anh, mà Chúng tôi hiện chưa có được nguyên bản, mặc dù đã viết thư hỏi, thì về phương diện niên đại, chúng ta chỉ biết, Vạn Hạnh xuất gia lúc 21 tuổi và mất năm Thuận thiên thứ 9. Năm thị tịch này có đáng tin hay không? Dựa vào những dẫn chứng trên, cả Trần Văn Giáp lẫn thầy Mật Thể đồng ý chấp nhận nó ; Vạn Hạnh như vậy mất năm 1018. Tuy nhiên, nếu đọc tiếp Đại Việt sử lược, thi ở quyển 2 tờ 4a7 chúng ta được bảo là, “Thuận thiên thập lục niên tăng Vạn Hạnh hóa thân – Năm Thuận thiên thứ 16, thầy Vạn Hạnh hóa thân. Thế cũng có nghĩa, Vạn Hạnh mất năm 1026, chứ không phải năm 1018, hay đúng hơn năm 1019, như Thiền uyển tập anh đã cho và Trần Văn Giáp cùng thầy Mật Thể đã chép lại. Ấy thì, niên đại thị tịch mới này có đáng tin hay không?
Trả lời câu hỏi này, chúng ta bắt buộc phải định lượng giá trị tư liệu của hai bản văn, Đại Việt sử lược và Thiền uyển tập anh. Về giá trị tư liệu của Đại Việt sử lược, chúng tôi đã dài dòng phân tích trong bài nghiên cứu Đại Việt sử lược chắc chắn đã bị “quyết trạch” một phần nào đó, bởi vì lời dụ ngày 17 tháng 11 năm Càn Long thứ 40 (1775) đã xác nhận “hiện tại toàn tập Tứ khổ toàn thư bộ trật kể doanh số vạn, sở thám thì văn ký đa, tư bắt năng tất kỳ thông thể hoàn thiện… Tổng tài đăng vu tư tưởng thậm quyết trạch, sử quần ngôn tất qui nhân chính.”. Vì sự quyết trạch nhằm” Khiến cho mọi lời trở về với nhân và chính”, mà trong cuốn Đại Việt sử lược của ta hiện nay không một dòng đã dành để nói tới việc Đinh Tiên Hoàng xưng quốc hiệu là Đại Cồ Việt và Lý Thánh Tôn đổi thành Đại Việt. Thứ hai, sau khi thám tấn bản đã tới kinh, chúng được sao chép, và trong khi làm việc này, nhiều sai lạc đã xảy ra, như lời dụ ngày 14 tháng 11 năm Càn long thứ 42 (1777) chứng tỏ: “Ngày hôm trước ta xem qua bản Tồn trạch tập do Từ khố toàn thư quán dâng thì trong nó chữ di bị đổi thành chữ dị chữ dịch bị đổi thành chữ địch. Ngày hôm qua, ta xem Dương kế Thạch tập, thì bên trong những viết đổi ấy cũng vậy. Còn như trong Thủ lương tập, lại không có những viết đổi nhưng có những sai khác không thể hiểu được… Đấy là lỗi của những người viết … Đến như Tổng tài v.v… thân là một vị đại thần, thì đối với những sai lầm ấy, đáng lý phải rất lưu tâm để sửa sai và hiệu kham chúng, thế mà vì việc gì chỉ có một sửa sai để làm hiệu chính những lỗi lầm?” Và hơn sáu tháng sau, Càn Long lại than thở một lần nữa. Trong lời dụ ngày 26 tháng 5 năm Càn Long 43 (1778), ông nói “Nếu trẩm không kiểm duyệt thêm, thì ai mà biết cho những sai lầm giả dối trong những bản chép ấy ư?” – nhược Trẩm bất gia kiểm duyệt, tương thính kỳ ngụy ngộ hồ?” Thí dụ cho những than vãn này của Càn Long không có khó khăn gì mà tìm kiếm trong Đại Việt sử lược. Chẳng hạn, cái tên Phạm Cự Lượng đã bị đổi thành Phạm Cự Bị. Với hai kết luận vừa thấy, giá trị tư liệu của Đại Việt sử lược không phải là toàn bích, như cái nhận xét của Hoàng Xuân Hãn, theo đấy “Việt sử lược là sách viết tự đời Trần và chưa từng bị sửa chữa lại*”, đã khẳng định một cách khá sai lầm. Tuy nhiên, dù không toàn bích, nó không đến nỗi đã biến dạng qua tay những người khác một cách thường xuyên như một số tác phẩm của nước ta kiểu Thuyền uyển tập anh, nhất là những chi tiết không quan trọng chính trị như niên đại thị tịch của một vị sư đối với người Trung quốc, bởi vì nếu một quyết trạch đã xảy ra, thì đấy là nhằm “ khiến cho mọi lời nói được trở về với nhân và chính”, nghĩa là những thứ ăn nói như “đế băng” chẳng hạn thì sửa lại là vương hoàng” cho hợp với địa vị của một vị “hoàng đế” Việt nam dưới cặp mắt của những vua quan Trung Quốc, và như thế nếu nó đã xảy ra thì đấy là một quyết trạch chính trị ; còn nếu một cải tự hay một “thù bất khả giải” đã xuất hiện thì chúng ta có thể khám phá ra chúng một cách dễ dàng. Do vậy, dẫu hai kết luận trên đã rút ra, chúng ta không có một lý do chính đáng nào, để chối từ cái niên đại thị tịch do Đại Việt sử lược ghi lại cho Vạn Hạnh. Đương nhiên, chúng ta không thể nói gì hết về những biến dạng có thể của Đại Việt sử lược trước khi nó ra mặt như một thám tán bản trong Tứ khố toàn thư.
Đối với tình trạng biến dạng giới hạn này của Đại Việt sử lược, tình trạng biến dạng của Thiền uyển tập anh, cứ vào mô tả của những người nghiên cứu trước, đã tỏ ra là khá sâu sắc và bí hiểm. Theo Ga xít pác đon, thì nó ngày nay được bảo tồn qua hai thủ bản của hai lần in khác nhau. Trong lời tựa cho lần in năm 1735, người viết nó đã thú nhận là ông đã chấp nhận sự yêu cầu của kẻ đứng in về việc “chính cú, đắc tiện trùng sạn, dĩ miễn thố mậu”. Đọc tới đoạn này, chúng ta nghĩ, có lẽ bản in năm ấy chắc không sửa chữa gì nhiều bởi vì, “chính cú” không có nghĩa nào hơn là “làm cho câu kéo ngay thẳng”. Nhưng đọc tiếp, ta mới hiểu ra hai chữ chính cú thực sự có nghĩa gì. Ông viết: “… y sở thỉnh ví chi, chính kỳ khuyết thất, trợ kỳ dị lậu”. Thế là, nguyên bản dùng cho bản in năm 1735 đã chứa đựng những chữ thiếu và mất, những chỗ sót và thoát lạc. Những chữ thiếu và mất, những chỗ sót và thoát lạc đã chiếm bao nhiêu phần trăm trong nguyên bản ấy, ngày nay chúng ta không thể biết được. Song, sau khi làm việc “chính cú” này khoảng một tuần nhật, người viết tự đã dám tự khoe là, “ngón thuyết và nghĩa lý của cuốn Lục bây giờ trở thành uyển nhiên, không kém gì ánh trăng càng thêm vẻ sáng” – tuần nhật chi gian, nhi tứ lục ngôn thuyết nghĩa lý phục vi uyển nhiên, bất thí nguyệt sắc tăng huy hỉ. Mặc dù lời khoe này, những thủ bản hiện tại đã chứa những văn cú thiếu sót lôi thôi lằng nhằng như tơ rối. Và tình trạng ấy vào năm 1858 cũng không hơn gì – Phúc Điền đã phải than thở. “Tựu trung sở ngã bất nhất, văn thố nan danh” trong lời tựa cho bản in năm ấy tạo nên không ít những nghi ngờ về tính trung thực và đáng tin cả những mẫu tin của chúng. Đứng trước một tình trạng tư liệu kiểu này, cố nhiên một kiểm soát và kiểm chứng những mẫu tin ấy bằng những dữ kiện ngoài tai là một cần thiết, mà ta có thể liệt ra như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký, Việt sử tiêu án, Đạo giáo nguyên lưu v.v… và nếu có thể tìm ra bia văn của chính ngôi mộ Vạn Hạnh. Những tư liệu vừa kể, chúng hiện chưa có dưới tay chúng tôi. Cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục không cho biết Vạn Hạnh mất năm nào. Cho nên, đối diện với niên đại thị tịch của Thiền uyển tập anh qua những giới hạn tư liệu vừa vạch, chúng tôi không thể làm gì hơn là chấp nhận niên đại thị tịch của Đại Việt sử lược như một niên đại hữu giá, cho tới khi dữ kiện hữu giá mới được tìm thấy và chứng tỏ sự đáng tin và đứng đầu của niên đại Thiền uyển tập anh. Nếu chấp nhận kết luận giới hạn và dè dặt ấy, thì từ nay trở đi chúng ta phải đặt thời thị tịch của thiền sư Vạn Hạnh vào năm 1025, thay vì năm 1018, mà những cuốn sử từ trước đến nay đã thường ghi.
Nếu Vạn Hạnh mất năm 1025, thì ngài sinh vào năm nào và thọ bao nhiêu tuổi? Cho tới lúc này không một bàn cãi đã nhằm tới câu hỏi đấy, mặc dù nhiều cơ sở và hoạt động Phật giáo cũng như không Phật giáo đã có cái vinh dự mang lấy tên ngài như mộ xưng hiệu của chúng, mà điển hình nhất là Viện Đại học của chúng ta. Viện đại học này mang tên Vạn Hạnh, thì tối thiểu cần phải biết rõ Vạn Hạnh là ai, chứ không thể, nếu hỏi đến, trả lời một cách ấm ớ mập mờ kiểu, đấy là tên một vị thiền sư đời Lý có công dựng nên nhà Lý. Vậy thì, Vạn Hạnh sinh năm nào và thọ bao nhiêu tuổi? Giải đáp vấn đề này, chúng ta may mắn có được câu nói của Vạn Hạnh do Đại Việt sử lược ghi lại: “Tôi gần đây thấy sự lạ của lời sấm, có sự nhân từ khoan thứ rất được lòng người như ông. Tôi tuổi đã hơn 70, chỉ vì không thấy được sự thịnh trị mà lấy làm giận.” – Thần cần kiển sấm văn chi dị, trí Lê đương vong nhi Lý đương hưng giả ; Lý thị vô nhược công chí khoan từ nhân phả đắc chúng tâm ; thần niên thất thập hữu dư, đản dĩ bất cập kiến thịnh trị vi hận nhĩ.
Lời nói này, Cương mục rút gọn một cách đáng tiếc thành “cận suy phù sấm, Lý thị đương hưng”, và với sự mở rộng lời sấm nó đưa ra một vài khó khăn cho việc xác định thời gian Vạn Hạnh đã nói ra lời ấy. Theo Đại Việt sử lược, việc “nhà Lê đương mất, nhà Lý đương lên”, mà Vạn Hạnh đề cập tới, xảy ra chỉ trong sáu bảy ngày mà thôi, bởi vì lời sấm ám chỉ là “lục thất nhật gian, thiên hạ thái bình”. Điều này có nghĩa, Vạn Hạnh phải nói lời trên vào hạ tuần tháng mười năm Cảnh thụy thứ hai (1009), tại chỗ Ngọa triều bệnh trĩ và mất vào ngày tân hợi tháng mười năm ấy và tháng mười một cùng năm Lý Công Uẩn tức vị. Vậy, nếu vào năm 1009, mà đã tự cho mình là “tuổi hơn bảy mươi”, thì Vạn Hạnh chắc chắn phải sinh ra trước năm 939, có lẽ vào khoảng 935, mặc dù hai chữ “hữu dư” đôi khi có thể những tới sáu bảy tám năm khác nhau. Bây giờ, nếu dùng lời sấm mười câu của Cương mục cho việc giải thích con số “niên thấp thập hữu dư” trên của Đại Việt sử lược, thì năm sinh của Vạn Hạnh chắc phải đẩy lên khoảng sau bảy năm, nghĩa là vào khoảng 929, bởi vì cái việc, “nhà Lý đương hưng”, lên tới những sáu bảy năm theo lời sấm, và Vạn Hạnh đã thốt ra lời của mình có lẽ vào khoảng năm 1002, ngay cả trước khi Lê Đại Hạnh chết. Để làm cho câu chuyện của mình đáng tin hơn, Cương mục thêm các chi tiết về việc Ngọa triều “cảm ư sám ngữ” cho tim bắt giết những người thuộc dòng dõi họ Lý, chỉ trừ Lý Công Uẩn “tại tả hữu, chung bất chi giác”. Một điều khá quái gỡ, mặc dù cuối cùng nó cho biết là, cả Uẩn lẫn Đào Cam Mộc đều sợ “nếu việc kéo dài thì sinh biến”. Những bất ổn và mâu thuẫn nội tại kiểu này của những cuốn sử về sau như của Ngô Sĩ Liên, mà Cương mục đã chép lại phần lớn, thường không khêu gợi một chỉ trích nào hết về sự “mê tín dị đoan” của chúng có lẽ vì chúng đã che dấu những bất ổn và mâu thuẫn ấy dưới những mô tả tế nhị và những nhắc nhở về “truyện thậm quái đản” v.v… Ngược lại, có người đã khen chúng là có “tinh thần duy lý” !, trong khi đi mạt sát những chuyện “ cau chín buồng”, “rùa ba chân sáu người”, “rồng xanh hiện ở thuyền vua” v.v… của Đại Việt sử lược như là biểu thị của “mê tín dị đoan”. Họ có lẽ không bao giờ thấy giá trị thực vật học và động vật học có thể của những mẫu tin như thế. Một lần nữa, với những bất ổn vừa kể của Cương mục, chúng tôi trong tình trạng nghiên cứu hiện tại có lẽ nên để nó vào vòng ngoặc và chấp nhận năm 935 như sinh niên của Vạn Hạnh. Đương nhiên, như đã nói, hai chữ “hữu dư” có thể cho phép ta đẩy năm đấy lên khoảng năm 932 chẳng hạn, do đó rất khá gần với năm 929 tính theo Cương mục. Chúng tôi nghĩ, năm 935 có lẽ không sai với sự thực bao nhiêu, dù không một chứng thực sự có thể nêu lên. Nếu Vạn Hạnh sinh năm 935 và mất năm 1025, ngài như vậy thọ tới những 90 tuổi.
Đến đây, chúng ta biết thêm là, Vạn Hạnh sống giữa những năm 935 và 1025 và thọ tới 90 tuổi. Song, đây không phải là một thành quả duy nhất do những sử liệu trên cùng hiến. Chúng còn cho biết một vài chi tiết khác khá lôi cuốn về khía cạnh tình người của nền Phật giáo thời bấy giờ. Sau khi Vạn Hạnh gọi Uẩn để bảo về chuyện “nhà Lê đương mất, nhà Lý đương lên”, thì Uẩn “sợ lời nói tiết lộ, khiến Vạn Hạnh đi dấu ở Ban sơn” – Vương khủng ngữ tiết. Sư Vạn Hạnh nặc ư Ban sơn. Câu ngắn ngủi này bao hàm thật nhiều ý nghĩa. Nó nói lên không những những lo lắng của vị thầy về tương lai của người đệ tử mà còn những lo lắng của người đệ tử với vị thầy. Uẩn sợ lời nói tiết thì thầy mình bị giết, nên đã khiến đem thầy mình đi dấu. Có một cái gì thân tình đẹp đẽ trong hành động này,mà ta không thể diễn tả hay trình bày. Nó đòi hỏi một sự thâm cảm, một cảm thức thực sự chân thành của một người con đối với người cha mới có thể hiểu được. Có một cái gì nhẹ nhàng mềm dịu như tơ trời,nhưng cứng rắn chắc chắn như kim cương, lưu lại trong ký ức ta bắt ta nghĩ về nó như một thứ âm ảnh. Trong cái thế giới “ức triệu dị tâm” ngày nay của nước ta và dân tộc ta, nếu Tổ quốc có bao giờ thanh bình, thì nó phải đến từ những gì thân tình đẹp đẽ, những gì nhẹ nhàng mềm dịu nhưng cứng rắn trong sáng như mối tình Công Uẩn đối với Vạn Hạnh. Những khổ cực tủi nhục từ hơn một thế kỷ qua đã chứng minh một cách rành mạch không chối cãi là, chỉ ân đức mới qui tụ được lòng người, và ân đức chỉ có thể bắt đầu với những thứ tình người thân tình đẹp đẽ nhẹ nhàng mềm dịu, như thứ tình người thân tình đẹp đẽ nhẹ nhàng mềm dịu, như thứ tình người Vạn Hạnh, một thứ tình người đòi hỏi chủ thể phải nghĩ đến tha nhân, đòi hỏi chính mình phải hành động cho người khác, đòi hỏi mọi người “vị quốc vong thân”. Song, nếu Vạn Hạnh đã có mối tình ấy của Lý Công Uẩn, thì cũng chính vì Vạn Hạnh đã gieo rắc nó cho tới khi đơm bông. Cuộc đời Vạn Hạnh, dù có tạo ra bao nhiêu sự nghiệp đi nữa, cũng có thể tóm tắt một cách dễ dàng trong câu nói vắn tắt dẫn trên: “Tôi nay tuổi hơn bảy mươi chỉ vì không thấy được thịnh trị mà lấy làm giận”. Nếu mọi người cùng cảm thấy tức giận trước sự không thịnh trị của Tổ quốc và âm thầm làm việc cho nó dưới sự chỉ đạo của một thứ tình người đẹp đẽ mềm dịu như tình người Vạn Hạnh thì chắc chắn Tổ quốc đã không chịu nhiều đau thương như đã chứng kiến. Nếu mọi việc làm chỉ đánh giá trên cán cân thịnh trị và chỉ nhằm đến thịnh trị, thì chắc hẳn những khốn nạn ngày nay đã không xảy ra. Một lần nữa, có một cái gì rất đơn giản nhưng rất sâu sắc trong câu nói ấy. Có một cái gì đặc biệt, mà ta không thể diễn tả bằng lời nói và chỉ bằng hành động. Hơn 70 năm phục vụ Tổ quốc, mà không thấy được sự thịnh trị nên lấy làm giận. Nhưng không chỉ giận mà không thấy được sự thịnh trị nên lấy làm giận. Nhưng không chỉ giận mà thôi là xong chuyện. Vạn Hạnh đã âm thầm dạy dỗ Lý Công Uẩn, đã âm thầm chuẩn bị cho Uẩn, để cuối cùng Uẩn có thể nói với Đào Cam Mộc là, “Ta xem chí ông cùng với Vạn Hạnh không khác”. Cuộc đời Vạn Hạnh do thế quả là một cuộc đời “thật hành tiềm quang,” một cuộc đời làm việc thực sự để cho ánh sáng lặng lẽ tỏa ra. Vì lặng sáng, hiểu biết chúng ta ngày nay về ngài đang gặp phải nhiều thiếu thốn đáng tiếc dần một vài chi tiết bàn cãi trên đã soi sáng một phần nào.
LÊ ĐẠT NHÂN
(trích Tạp chí Tư Tưởng số 6&7, năm 1972)