Tiểu sử Thiền sư Vạn Hạnh theo “Đại nam Thuyền uyển Truyền đăng Tập lục”:
“Đệ thập nhị thế, thất nhân, nhị nhân khuyết lục.
Vạn Hạnh thiền sư.
Thiên đức phủ, Dịch bảng hương, Lục tổ tự, Vạn Hạnh thiền sư, Cổ pháp nhân dã. Tính Nguyễn thị,gia thế phụng Phật. Sư ấu tuế siêu dị, cai quán tam học, nghiên cứu Bách luận kỳ thị hiên miện đạm như đã. Niên nhị thập nhất xuất gia dữ Định Huệ câu sự Lục tổ Thiền Ông, cân lý chi hạ, học vấn vong quyện.
Ông diệt hậu, nãi chuyên tập Tổng trì tam ma địa môn dĩ vi kỷ vụ. Thời hoặc phát ngữ tất vi thiên hạ phù sấm.
Lê Đại Hành Hoàng đế sưu sở tôn kính. Thiên phúc nguyên niên Tống Hầu Nhân Bảo lại khấu, đồn quân vu Cương giáp Lãng sơn. Đế triệu sư vấn viết:
Thắng, bại?
Đối viết:
Tam thất nhật trung, tặc tất thoái!
Hậu quả nhiên. Cập dục phạt Chiêm thành dữ nghị vị định, sư tấu thỉnh tốc hành vô thất cơ hội. Hậu chiến quả thắng.
Thường hữu gian nhân Đỗ Ngân dục mưu hại sư, sư dự ư vị phát, tống dĩ kệ vân:
Thổ, Mộc tương sinh Ngân dữ Kim,
Vi hà mưu ngã uẩn linh khâm;
Đương thời Ngủ Khẩu Thu Tâm tuyệt
Chân chí vị lai bất hận tâm.
Ngân cụ nãi chỉ. Kỳ tiên tri vãng giám xuất đa loại thử.
Thời Ngọa triều hà bạo, thiên nhân yếm đức. Lý thái tổ thời vi Thân vệ vị túc thủ thiện vị. Kỳ gian yêu tường tạp xuất như Cổ pháp Ứng thiên Tâm tự Hàm Toại viện, bạch khuyển mao bối thành Thiện tử tự, lồi chấn mộc miên thụ văn tích, Hiển Khánh đại vương mộ tứ phương dạ tụng thanh, Song lâm tự, dung mộc bì trùng thực văn thành Quốc tự đẳng sự, giai tùng kỳ văn kiến nhi biện tích chi, mỗi phù “Lê khuệ Lý hưng chi triệu”. Cố Thái tổ túc vị nhật, sư tại Lục Tổ tự tiên tri chi, vị bá thúc nhị vương viết:
Thiên tử dĩ băng, Lý Thân vệ tại gia Lý để thành nội túc trực, thiện sổ nhật trung Thân vệ tất đắc thiên hạ.
Nãi bảng ư thông cù viết:
Tật Lê trầm bắc thủy,
Lý tử thụ nam thiên
Tứ phương can qua tĩnh
Bát biểu hạ bình an.
Nhị Vương văn chi thậm cụ, sử nhân tư vấn, quả như ngôn.
Hậu dĩ Thuận Thiên cửu niên, ngũ nguyệt, thập ngũ nhật, vô tật thuyết kệ vân:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bổ úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Hựu thị đồ viết:
Nhữ đẳng yếu vãng hà xứ? Ngã bất dĩ sở trụ nhi trụ bất ỷ vô trụ nhi trụ!
Hưu khoảnh nãi thệ. Đề cập sĩ thứ thu kỳ đồ duy dư cốt khởi tháp dĩ hướng hỏa yên.
Nhân Tông hữu truy tặng kệ vân:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm ky;
Hướng quan danh Cổ pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.
(Đại nam thuyền uyển truyền đăng tập lục).
Dịch nghĩa:
Đời thứ XII (dòng Tì Ni) có 7 người, 2 người thiếu truyện.
Thiền sư Vạn Hạnh (… 1025)
Thiền sư là người Cổ pháp làng Dịch bảng, phủ Thiên đức ở chùa Lục tổ. Sư vốn họ Nguyễn, đời đời trong nhà thờ Phật. Thuở nhỏ sư tỏ vẻ khác thường học thôn Tam tạng là ba học, nghiên cứu đến Bách luận. Sư coi công danh lạt lẽo. Năm 21 tuổi thì xuất gia, cùng với Định Huệ thờ Thiền Ông làm thầy ở chùa Lục Tổ. Ngoài giờ phục vụ, sư học hỏi không biết mỏi. Sau khi Thiền Ông quy tịch rồi, sư chuyên luyện tập khoa Tổng trì Tam muội lấy làm nhiệm vụ chuyên của mình, thường nói ra lời thành phù sấm tiên tri ở thời bấy giờ cho thiên hạ.
Vua Lê Đại Hành hết sức tôn trọng sư. Năm đầu niên hiệu Thiên phúc (980) có tướng nhà Tống bên Tầu là Hầu Nhân Bảo đem quân đến xâm lược, đóng quân ở núi Cường giáp Lãng. Vua mời sư đến hỏi về sự thắng bại của quân ta.
Sư tâu vua rằng:
Trong 3-7 (21 ngày) giặc ắt thoái lui. Sau quả nhiên như thế. Đến khi vua định đi đánh Chiêm thành triều đình bàn nghị phân vân chưa quyết, sư liền tâu xin gấp đi đánh không thì bỏ lỡ mất cơ hội. Về sau đánh quả nhiên toàn thắng.
Bấy giờ có kẻ thù hiềm sư, tên là Đỗ Ngân ngầm định mưu hại, sư liệu trước khi xảy ra, cho người mang bài kệ đến y:
Thổ Mộc tương sinh Kim với Cân
Cớ sao mưu hại giấu trong thân
Lúc này lòng ta buồn hết sức
Thật đến sau ta chẳng hận ngầm.
Chữ Thổ với chữ Mộc là chữ Đỗ.
Chữ Cân với chữ Kim là chữ Ngân.
Chữ Ngũ với chữ Khẩu là chữ là Ta
Chữ Thu với chữ Tâm là chữ Sầu.
Tên Ngân sợ liền thôi. Đại khái nhiều sự việc như thế cả.
Thời ấy vua Lê Ngọa triều bạo ngược tàn ác, trời người đều chán ghét. Lý Thái Tổ còn đang làm Thân vệ, chưa nhận nhường ngôi. Trong khoảng thời gian ấy có nhiều điềm báo trước lành dữ lẫn lộn, như ở châu Cổ pháp, chùa Ứng thiên tâm, viện Hàm toại, lông trên lưng chó trắng hiện thành chữ Thiên tử, sét đánh vào cây bông gạo thành vết chữ văn, ở mộ Hiển Khánh Đại vương đêm đến bốn phía có tiếng tụng đọc. Ở chùa Song lâm, vỏ cây xi sâu ăn thành vệt chữ quốc. Tất cả các sự ấy được sư mắt thấy tai nghe mà phân giải đều ứng vào điềm nhà Lê đổ nhà Lý lên thay. Bởi thế mà ngày Lý Thái tổ lên ngôi, sưở chùa Lục tổ đã biết trước rồi nên mới nói với anh em vua rằng:
“Thiên tử băng hà, Lý Thân vệ hiện đang túc trực trong thành, khoảng một ngàn ngày nữa thì Thân vệ tất được cả thành, khoảng một ngàn ngày nữa thì Thân vệ tất được cả thiên hạ.” Rồi sư thông báo yết bảng trên đường đi lại rằng:
Nhà Lê chìm biển tắc
Nhà Lý nẩy phương nam
Bốn phương hết đâm chém
Khắp nước hưởng bình an.
Hai ông Hoàng nghe thấy rất sợ, sai người dò hỏi thì quả thật như lời. Về sau vào niên hiệu Thuận thiên thứ 16 (1025) ngày 15 tháng 5 sư không bệnh, thuyết bài kệ:
Thân người chớp nhoáng có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, héo thu đông
Tùy vận thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương trong.
Lại bảo đệ tử rằng:
Các con đòi đi đâu về đâu? Ta không lấy nơi dừng để dừng, không nương vào nơi không dừng để dừng”.
Được một lát thì mất. Vua Lý Thái tổ cùng các quan dân thu lượm xá lỵ hỏa thiêu, còn lại xây tháp để phụng thờ.
Vua Lý Nhân tông về sau có bài kệ truy tặng:
Vạn Hạnh họp ba kiếp
Chân thật lời sấm xưa
Quê hương tên Cổ pháp
Gậy Pháp giữ nghiệp vua.
Trên đây là tài liệu chính thức cốt yếu về Vạn Hạnh theo sách “Thiền uyển truyền đăng tập lục” một tác phẩm đầu nhà Trần đáng tin cậy, đã được các học giả “Trường Viễn đông bác cổ” (E. F. E. O) ở Hà nội kiểm nhận là tài liệu lịch sử chính xác.
Ngoài ra nói về Vạn Hạnh ở chính sử cũng thấy những điều phù hợp với “Thiền uyển truyền đăng tập lục” trên đây.
Việt sử lược có ghi, liên quan đến Vạn Hạnh như sau:
“ Vua (Lý Thái tổ) khi còn bé đã thông minh khí độ rộng rãi. Du học chùa Lực tổ, sư Vạn Hạnh trong thấy vua lấy làm lạ nói rằng: “ Đây là một người phi thường! Sau này lớn mạnh lên, tất có thể cứu đời, yên dân, làm chúa thiên hạ!”.
… Trong hương vua ở có cây gạo bị sét đánh, để dấu vết thành chữ như sau:
Thụ căn diểu diểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành.
Chấn cung hiện nhật,
Đoài cung ẩn tinh.
dịch:
Rễ cây thăm thẳm
Vỏ cây xanh xanh.
Cây hòa đao rụng,
Mười tám hat thành
Phương đông hiện nhật
Non đoài ẩn tình.
Khoảng sau bẩy năm
Thiên hạ thái bình.
Sư Vạn Hạnh bèn nói với vua rằng: “Gần đây, tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng nhà Lê tất phải mất mà nhà Nguyễn (Lý) tất phải lên. Họ Nguyễn (Lý) không ai nhân từ khoan dung như ông,lại được lòng dân. Tôi đã hơn 70 tuổi, chỉ ân hận không kịp thấy đời thịnh trị mà thôi”.
Vua sợ lời nói ấy bị tiết lộ, bảo Vạn Hạnh đến ẩn náu ở Ba sơn.
(Việt sử lược II, 1b)
Năm Thời Sĩ trong “Việt sử tiêu tán” cũng ghi và bình về Vạn Hạnh rằng:
“Vạn Hạnh vô bệnh mà chết, người đời bấy giờ bảo là ông hóa thân. Vạn Hạnh có bài thơ rằng:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô.
Vạn mộc xuân sinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy.
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Vua thân đến thăm, lập đàn siêu độ. Sử thần bàn rằng: “Vạn Hạnh có kiến thức cao siêu, thần toán, biết trước mọi việc cũng là tay xuất sắc trong giới thiền, nhưng mà hay xách ẩn hành quái chỉ tu luyện về thuật không tu luyện về đạo, tạo ra các câu sấm, lưu truyền làm mê hoặc cho đời, mở mào ác nghiệp cho đời sau. Nhà Phật nói rằng: “Hết thẩy đều do tâm người tạo nên. Vạn Hạnh là thủ phạm đấy. Tiểu sử chỉ chép là “tử” đáng lắm. (“Việt sử tiêu án” – Ngô gia văn phái Ngọ Phong Ngô Thời Sĩ – Bản dịch Văn hóa Á châu trang 112-113).
TỪ YÊN LẶNG CỦA ĐỨC PHẬT ĐẾN THIỀN CỦA VẠN HẠNH
Như chúng ta đã biết Vạn Hạnh từ Phật giáo nguyên thủy của Tam học là Giới, Định, Tuệ đi đến triết học Trung quán của Bách luận rồi mới gia nhập vào Thiền tông Tì Ni Đa Lưu Chi, vì Tì Ni cũng từ triết lý “Bát bất” của |Long Thọ để dẫn Pháp Hiền vào Thiền học.
Ý thức nhân loại khai triển qua ba giai đoạn từ giáo điều phác nghiệm đến phản tình suy lý, lại từ suy lý đến giác ngộ là trực giác thuần túy. Ở đây Vạn Hạnh cũng từ Phật giáo nguyên thủy là tín ngưỡng giáo điều đi đến phê phán lý trí tức là triết học Đại thừa mà Trung quán luận là nồng cốt tinh hoa vậy. Giáo lý nguyên thủy của đức Phật Thích ca lịch sử là:
Tứ Diệu đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Bát Chính đạo: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chánh Tinh tiến, Chính niệm, Chính định.
Thập nhị nhân duyên:
Danh sắc | Nama Rupa | Tên gọi Hình tướng |
Lục nhập | Sadayatana | Sáu giác quan |
Xúc | Sparsa | Tiếp xúc |
Thụ | Vedana | Cảm giác |
Ái | Trsna | Khát vọng |
Thủ | Upadana | Thu nhận |
Hữu | Bhava | Sinh tồn |
Sinh | Jati | |
Lão tử | Jaramarana. |
Trên đây toát yếu giáo lý của Phật, không phải một hệ thống triết lý mà là một con đường giải thoát, một chỉ dẫn để khai thông cho cái dòng sinh mệnh khỏi bế tắc. Đấy không phải là lý thuyết. Phật tránh lý thuyết mà chỉ bảo cho đường lối sống thông đồng khai phóng, vì “bất thông tắc thông” “bế tắc thì đau khổ”. Đúng như một bánh xe bò đang lăn, chỉ có một điểm của bánh xe chấm đất. Và khi nó dừng lại cũng chỉ dừng ở một điểm. Cũng đúng như thế mà cuộc đời sống của một chúng sinh chỉ tồn tại trong khoảnh khắc (sạt-na) của một ý niệm. Hể niệm ấy tắt thì sinh tồn cũng dứt…
Bánh xe điều lý vũ trụ vận hành lăn đi không có sáng tạo vô thủy vô chung.” (Visuddhimagga)
Biến động sinh thành thi ngụ ở bên trong có đối kháng mâu thuẫn. Chừng nào đứng ở bên trong mà tìm ngoi ra như dòng sông chảy ra biển thì chỉ biết thể hiện khai triển mà tự đặt vấn đề tri thức có hay không, sinh tồn vĩnh cửu hay không vĩnh cửu.
“Chủ trương thế giới vĩnh cửu hay chủ trương nó không vĩnh cửu, hoặc biểu tình với một mệnh đề nào khác anh suy diễn ra, này Vaccha, ấy là một rừng thuyết lý, hoang vu thuyết lý bối rối thuyết lý, ràng buộc rừng chằng chịt về thuyết lý, lâm vào bệnh hoạn, tuyệt vọng, cuồng loạn, phát sốt. Nó không đưa đến cởi mở tự do thản nhiên, bình tĩnh, an hòa, hiểu biết và trí tuệ về Niết bàn. Đấy là sự nguy hiểm Ta thấy ở những quan điểm khiến ta gạt bỏ đi hết thẩy.
(Trung A hàm (Majjh. Nikaya)
Và bài thuyết pháp đầu tiên tại thành Lộc đã (sermon at Saanatha) đức Phật Thích ca cũng tuyên bố:
“Này các thầy sa môn! Ở đời có hai điều thái quá, người tu đạo phải lánh cho xa. Hai điều ấy là gì? Một là đam mê trong sắc dục, hai là tự bắt khổ hạnh.
Như lai đã tìm thấy con đường Trung Đạo để mở mắt, mở trí cho người đời khiến cho họ tinh thần bình tĩnh, thông suốt sáng tỏ tới Niết Bàn.
Tới Niết bàn là ra khỏi, vượt lên trên thế giới đau khổ của sinh tồn vô minh tức là thế giới tương đối nhân duyên khởi vậy,
Thuyết Nhân duyên là cơ bản giáo lý đức Phật chủ trương biện sinh là liên hệ, mà bắt đầu từ ý chí sinh tồn mê lầm, vô minh. Diệu đế I chính là Vô minh – Hành là hệ lụy nên Đau khổ vì Hành là do năng lực Nghiệp hay là động tác phản ứng vô thủy vô chung. Diệu đế II cho ta nguyên nhân đau khổ (Hành, Thức… Lão tử) Diệu đế III cho ta cách diệt Khổ. Khổ là Nghiệp báo, luân hồi. Diệt khổ là Đạo đế Niết bàn. Luân hồi và Niết bàn là hai phương diện của một Thực tại tuyệt đối nhìn ở quan điểm thế gian tương đối. Luân hồi (samsara) và Niết bàn (Nirvana) hỗ hệ cùng có, cùng mất bởi vì Tuyệt đối biểu hiện là Tương đối và hành động như sợi giây liên hệ khiến chúng có điều lý và nghĩa lý. Công thức nhân quả là cái này hiện ra liền có cái kia vì lệ thuộc vào Nhân nên Quả phải hiện. Như thế mỗi đối tượng của ý nghĩ tất nhiên là tương đối. Và vì tương đối nên không thật một cách tuyệt đối. Tất cả hiện tượng đều lệ thuộc hai cực đoan Có và Không, đấy là Maya: Ảo hóa. Cho nên thực tại tuyệt đối thì ở trên cả Có và Không bất khả tư nghị, cho nên Phật Thích ca đã yên lặng đối với những câu hỏi của đạo sĩ Vacchagotta về có hay không của cái Ngã cái nhân và thế giới nhân duyên.
Đạo sĩ hỏi Phật:
Kính bạch Gotama, không có tự tính hay sao?
Đức Phật yên lặng.
Đạo sĩ hỏi:
B ạch Ngài, có tự tính hay sao?
Đức Phật yên lặng.
Sau khi Đạo sĩ đi khỏi, A Nan bạch với Phật:
Sao Thầy không trả lời câu hỏi của Đạo sĩ hành khất Vacchagotta?
Phật đáp:
Này A Nan nếu trả lời câu hỏi của Đạo sĩ hành khất “Có một tự tính (self)?” Ta đáp y: “Có một tự tính!”, bấy giờ Ta sẽ cùng phe với hạng ẩn sĩ và Bà la môn chủ trương thuyết hằng cửu (e1terinahsme).
Nếu đối với câu hỏi: “Không có một tự tính sao?” Ta đáp y là “không có!” bấy giờ ta sẽ cùng với hạng ẩn sĩ và Bà la môn chủ trương thuyết hư vô minh (nihilism). Này A Nan, nếu ta trả lời câu hỏi của Đạo sĩ hành khất “Có tự tính không?” rằng “Có!” như thế có hợp sự biết mọi vật đều vô thường không?
Hẳn là không, A Nan thưa.
Lại nữa, khi Đạo sĩ hành khất hỏi: “phải chăng không có tự tính?” Ta đã trả lời rằng: “không là như thế sẽ làm cho Đạo sĩ đang bối rối càng bối rối hơn, vì y sẽ bảo: “Trước kia, thật ta đã có một tự tính, nhưng bây giờ ta lại không có nữa!” – (Tập A Hàm “Samytla Nykàya” IV).
Đấy là đức Phật tránh thái độ giáo điều của các lý thuyết về thực tại để trung thành với thái độ của Ngài là một sự phê phán thực nghiệm để vượt lên trên bình diện tương đối của thế giới hiện tượng nhân duyên khởi.
Lại như khi Đạo sĩ hành khất hỏi:
Nhưng Gotama có một lý thuyết nào riêng không? Ngài đáp:
Này Vacchagotta, Như lai đứng ngoài tất cả lý thuyết. Nhưng này Vaccha, Như lai biết:
“Bản tính của hình tướng và hình tướng nổi lên và biến đi thế nào… Bởi vậy nên Như lai đã đạt giải thoát và ở ngoài hệ lụy nhất là về những tưởng tượng hay là những giao động hay là những quan niệm sai lầm có liên quan đến một cái Ngã hay là bất cứ cái gì thuộc về một cái Ngã đều tan biến, đã bị tiêu diệt, đã hết, đã bị trừ bỏ” (Majj. N.I Trung A. Hàm kinh).
Đức Phật không lý thuyết về hình danh sắc tướng mà biết sắc tướng là sắc tướng, lý thuyết và lý thuyết. Ngài thấy nguyên lai của nó, kiến tính nó là đau khổ và con đường để giải thoát khỏi hình danh, sắc tướng cũng như Ngài biết tất cả yếu tố cấu tạo ra cái giả ngã, ảo tình và biết như thế là tự ý thức về nó và do đấy mà giải thoát khỏi nó. Khi ta dùng lý trí về suy luận theo cách giáo điều đề lập thuyết này, thuyết khác, ta không ý thức về tính chất của nó, nó tác động thế nào. Nhưng khi nào ta phê phán để tìm hiểu cơ cấu của lý trí, ta biết lý trí hoạt động trong vòng Có, Không, Phải, Trái, nghĩa là trong lưỡng luận bội phản (antinomies), bấy giờ ta thấy lý trí không thể đạt tới cái gì không lệ thuộc, không nhân duyên để tìm vượt lên bình diện trên Lý trí. Do đó mà Phật bài bác lý thuyết như là bệnh hoạn trên kia ; ngụ ý tất nhiên là thái độ phê phán lý thuyết tự nó không phải là lý thuyết hay quan điểm. Đấy là lý do sự im lặng của Đức Phật tiên phong cho cái biện chứng toàn diện “Không” hay cái đạo Trung quân, bởi vì thái độ Trung đạo của đức Phật không phải dung hòa các quan điểm mà vượt lên bình diện “không quan điểm”. Sách “Truyền đăng lục” Việt nam phổ thông lưu truyền sự tích các Tổ Thiền tông, thấy ghi về nguồn gốc thiền như sau:
Lời Thiền sư Thông Biện năm 1134 thời nhà Lý tâu với Hoàng Thái Hậu Cảm Linh Nhân:
Dịch nghĩa:
“Phật là biết giác ngộ vậy. Cái biết giác ngộ ấy vốn bản lai thâm thúy, thường còn bất biến. Hết thẩy chúng sinh đều cùng cái nguyên lý ấy. Song vì tình dục che lấp nên tùy theo nghiệp mà trôi nổi chuyển thành các xu hướng. Đức Phật động lòng từ bi cho nên giáng sinh xuống cõi đất Thiên trúc, vì là điểm chính giữa của Trời, Đất vậy. Mười chín tuổi xuất gia, ba mươi thành đạo, ở lại thế gian thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, mở ra các loại quyền pháp phương tiện khiến cho người ta giác ngộ đạo lý. Đấy là một thời đại tôn giáo hưng thịnh vậy. Khi Ngài sắp nhập Niết bàn, lo sợ người đời ngu mê ngưng trệ, có gọi Văn Thù mà bảo rằng:
“Suốt bốn mươi chín năm Ta chưa từng thuyết lý một chữ, sắp sửa bảo Ta có thuyết lý chăng?”
Nhân lúc ấy cầm cánh hoa giơ lên. Đại chúng hoang mang chỉ có một mình Ca Diếp (Kassiapa) nở mặt mỉm cười. Đức Phật biết ông ta đã thông hiểu, bèn lấy tôn chỉ Chính Pháp nhãn tạng giao phó cho. Thế là Tổ Thiền tông thứ nhất. Thế gọi là truyền giáo riêng ngoài giáo lý của dòng tâm tông vậy.” – (Đại nam thiền uyển truyền đăng tập lục)
Đoạn văn dẫn trên đây của một thiền sư Việt nam đủ chứng minh tôn chỉ Thiền “giáo ngoại biệt truyền chi tâm tông” là giai đoạn thúc kết tự nhiên từ thái độ yên lặng của đức Phật qua biện chứng Trung quân để đi đến thực nghiệm ý thức Không hư (Sunyata) tức là Thiền vậy. T.R.V. Murti viết trong (The Central philosophy of Buddhism – London 1955): “Đức Phật tuyên bố Sắc (rupa) Thụ (vedana)… đều huyền ảo, chỉ là bọt nổi v.v…
Trong Trung A hàm (Majjhima Nikaya) có nhận định: “Nương tựa vào đầu và bấc mà ngọn đèn cháy, nó vừa chẳng phải ở tại cái này hay ở tại cái kia, hay là ở tại cái gì nối chính nó, hiện tượng như thế tự chúng chẳng là cái gì hết. Tất cả tạo vật đều không có thật, chúng đều là những ảo vọng, chỉ có Niết bàn là thật.” Nagarjuna (Long Thọ) căn cứ vào văn kiện ấy khi ông nói: “Khí đức Thế tôn tuyên bố rằng nó là ảo vọng và huyền tưởng, Ngài ngụ ý không hư (Sunyata) – sự vật nhân duyên khởi”…
Lập trường của Trung quán (Madhyamika) đã được chứng minh ở một số kinh văn trừ danh. Đức Phật dạy chúng ta rằng có hai quan điểm chính là sinh tồn và không có sinh tồn. Không một ai chấp vào một trong hai quan điểm ấy có thể hy vọng thoát khỏi gọng kìm của sống chết luân hồi (samsara). vọng thoát khỏi gọng kìm của sống chết luân hồi (samsara). – (Majj. N. I – Udana – Jtivuttaka).
Kaccàyana muốn biết tính chất của chính kiến (sammaditthi) và Thế tôn bảo ông ta rằng thế giới quen thói tin cậy vào lưỡng tính, vào “Nó có” (atthitam) và “ Nó không có” (natthitam), nhưng đối với ai tri giác dùng sự thật và chân lý, như thế nào sự vật thế giới hiện lên và biến đi, đối với người ấy thì không còn “Có” và “Không có”. “Cho rằng sự vật có” là một cực đoan khác. Không thừa nhận hai cực đoan, đấng Thế tôn tuyên bố chân lý ( pháp, dharma) là Trung đạo, Nagarjuna căn cứ vào đoạn kinh văn ấy trong Karikas của ông để tuyên bố rằng Thế tôn đã từ chối cả quan điểm Có và Không nghĩa là tất cả quan điểm.” (sách dẫn trên của Murti tr. 50. 51)
Vạn Hạnh chắc cũng muốn tìm vượt lên trên quan điểm Có, Không, và cuối cùng ông đã thành tựu như Thiền sư dặn lại đệ tử khi lâm chung:
“Các con đòi đi đến đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ, không nương tựa vào chỗ không trụ để trụ!”
Như thế là vì Vạn Hạnh đã sớm từ Phật giáo nguyên thủy và Tiểu thừa có khuynh hướng tiêu cực giáo điều của Tam học để đi sang triết lý phê phán của Bách luận. Trung quán Đại thừa tích cực và xã hội. Hoàn cảnh văn hóa chính trị Việt nam thời bấy giờ nào Ngô Quyền thắng quân Nam hán ở trận Bạch đằng, lập căn bản khôi phục quốc thống, nào Đinh Tiên Hoàng thống nhất thập nhị sứ quân, phong trào cách mệnh giải phóng dân tộc đang bồng bột, làm thế nào mà Vạn Hạnh có thể theo dòng Vô Ngôn Thông có thái độ Phật giáo Thiền tiêu cực vô vi được. Huống chi, trong giới Phật giáo đương thời nhất là dòng Tì Ni Đa Lưu Chi, đa số thiền sư đều nhiệt tâm về thời thế như Định Không (808). La Quý An (934) chẳng đã tỏ lòng mong mỏi “minh vương”.
“(La Quý An) thường đúc 6 pho tượng Lục tổ bằng vàng, dặn lại học trò: “Nếu gặp minh vương thì cho xuất hiện, gặp âm chúa thì cất giấu đi”. – ( Thiền uyển truyền đăng tập lục). Hay là khi thầy Thiền (đệ tử Đinh Hướng) sắp tịch, bảo (La Quý An) rằng:
(- Ngày xưa thầy ta là Định Không thường dặn ta ; Con giữ đạo pháp của thầy, gặp người họ Đinh thì sẽ truyền) (idem).
Lại như:
“Pháp Thuận thiền sư… học rộng, có tài vương tá hiểu biết rõ việc đời.”
Cả đến Khuông Việt Đại sư (938-1012) từng tham gia vào công cuộc khai quốc buổi đầu dân tộc giải phóng. Tất cả những sự kiện trên tạm chứng minh cái khuynh hướng tinh thần của thời đại đã lôi cuốn tất cả giới trí thức nhà chùa là lò đào tạo duy nhất. Bởi thế nên Vạn Hạnh không thể không đi vào triết học Đại thừa để thành Bồ tát mà tế độ đồng bào, tham gia vào công việc chính trị giải phóng dân tộc. Vì Đại thừa về phương diện tôn giáo có một căn bản triết lý đặc biệt khác với tông phái trước kia về ba điểm:
Quan điểm về Bản ngã siêu nhiên của đức Phật (lokattara) như là bản thể của hiện tượng.
Lý tưởng Bồ tát (Bodhisattva) về tế độ cho tất cả chúng sinh chống với sự tế độ riêng và vị kỷ chính mình của Thanh văn Thừa và đạt đến Phật cảnh viên mãn thay vì cảnh A la hán.
Siêu hình học của Không Hư (sunyata) tuyệt đối thay vì một đa nguyên triệt để của những yếu tố cùng tột.
Trung quán luận là một hình thức hệ thống hóa về thuyết không (sunyata) của Bá Nhã ba la mật bộ (Prajnaparamita). Hai vị Bồ tát có công sáng lập nhất của hệ thống triết học vĩ đại của Đại thừa này là Nagarjuna (150s. C.n) và Araya Deva (180-200) mà Hán văn dịch là Long Thọ và Thánh Thiên. Thánh Thiên là cao đệ của Long Thọ, đã thừa kế truyền thống của Thầy nhờ thế mà Tam luận tông được truyền bá. Chính Thánh Thiên là tác giả bộ Bách luận (satasatra), một trong Tam luận mà Vạn Hạnh đã nghiên cứu trước khi xuất gia, vào dòng Thiền của Tì Ni Đa Lưu Chi vậy. “Bách luận” là bước đầu của biện chứng toàn diện Chân Không, gồm có 7 phá phẩm là:
Phả chủ thuyết thế giới còn mãi.
Phá chủ thuyết có cái Ngã cá nhân biệt lập.
Phá chủ thuyết thời gian khoảnh khắc có thật.
Phá tất cả quan điểm tri thức.
Phá cảnh, không có sự vật đối tượng của ý thức tri giác có thật độc lập khách quan.
Phá chấp vào lưỡng tính tương đối có, không.
Phá hình tướng nhân duyên, có thì chỉ có thật tương đối thôi, tự chúng không có thật độc lập.
“Theo Thánh Thiên (Arya Deva) thì thế giới, ví như ngọn lửa truyền trên cành cải, chỉ là một trò quỷ thuật, ảo hóa, một mộng huyễn, một phản ảnh, một âm vang, một bóng mây, bóng trăng đáy nước (Thủy nguyệt). Nhưng Thánh Thiên cũng chủ trương thực tại phác nghiệm của tất cả hiện tượng. Ngài nói: “vị kỷ còn hơn là hư vô. Học thuyết của chúng ta không phải hư vô.” Sự Thực Vô ngã là vượt lên trên cái Ngã phác nghiệm tương đối. Thực tại là Tự Ngã thuần túy (Cita). Ở tại bản tính của nó thì nó vượt lên trên biện biệt. tuyệt đối thuần túy, bất nhiễm và tự mình. Vì vô minh nên nó hiện ra là trí thức (in-tellect) cũng như đóa hoa trắng hiện ra có màu vì có một vật có màu để bên cạnh nó. Viên ngọc Tự Ngã, hiện ra bị nhơ bùn của vô minh. Một người hiền tức khắc phải nỗ lực thành trừ nhơ bùn ấy đi hơn là để cho nhơ bùn thêm. Vô minh là sai lầm, cũng vì như khỉ biết là sà cừ thì trai bạc biến mật, khi biết là cái thừng thì cái thừng – rắn biến di. Cũng biến như thế mà khí trí tuệ mở ra thì vô minh tan biến vậy.” – (Indian Phylosophy – Chamdradhar Sharma cd. Burner noble)
Vạn Hạnh nghiên cứu Bách luận của Thánh Thiên (Arya Deya ) tức là mới nghiên cứu biện chứng phá chấp “Bát bất” của Long Thọ (Nagarjuna), theo đấy thì ngoại vật khách thể và tâm chủ thể, vật chất, vận động, nhân quả, không gian, thời gian, phẩm tính, liên hệ, chất thể, linh hồn, thượng đế, tôn giáo, đạo đức, luân lý, Tứ diệu đế, Niết bàn và Thích ca đều là những thần cách hóa. Nhưng ở quan điểm kinh nghiệm thì chúng hầu như có thật mặc dầu cuối cùng đều tan chìm vào Tuyệt đối. Đấy là kết quả biện chứng phá chấp của Thánh Thiên (Arya Deva) ở Bách luận, cũng như của Long Thọ (Nagarjuna) ở Madhyamika Karika (Tam luận tông).
Biện chứng pháp là một vận động tinh thần tự giác, ắt là một sự phê phán lý trí trong công việc tìm biết Thật tại tối cao. Không thể có sự phê phán lý trí nếu người ta không ý thức về sự mâu thuẫn của chính đề (these) và phản về (antithese) hay là hai quan điểm trái nghịch để giải thích cùng một sự kiện. Hai quan điểm trái nghịch mâu thuẫn không phải là biện chứng pháp vì đấy mới chỉ là một mệnh đề tạm thời có quan hệ đến một tình thế đặc biệt mà thôi. Biện chứng pháp là cả một vận động mâu thuẫn của toàn thể thế giới “ La dialectique est le movement de I’être”, “Biện chứng pháp là vận động của hữu thể”.
Trong thường thức và trí thức khoa học thì không có sự mâu thuẫn ấy, tuy người ta dùng hai hay nhiều quan niệm chống đối để giải thích sự vật, có vật được coi như chớp nhoáng nhất thời, có vật coi như bất biến, tồn tại. Người ta ứng dụng cách thức phát triển hữu cơ ở khoa sinh lý và nhân văn, cách thức cơ giới ở khoa vật lý, vậy mà cả hai cách thức không được ứng dụng để giải thích một loại sự kiện hay là không một cách nào được dùng như cách thức phổ quát. Nhưng ở triết học thì khác. Triết học lựa lấy một hình thức kiểu mẫu nào trong nhiều sự kiện đem phóng đại nó ra , rồi phổ quát nó đến cùng.Cái kiểu mẫu hay khái niệm được lựa chọn và phổ quá hóa như thế trở nên một Ý niệm của Lý trí vì ở kinh nghiệm thì không có sự gì phổ quát cả, có chăng chỉ là tương tự thôi.
Chúng ta không phải bắt buộc lựa chọn một quan điểm đặc biệt nào nếu chẳng phải tự mình thích riêng. Nhưng một khi đã lựa chọn rồi thì ý thức hay vô ý thức chúng ta có khuynh hướng phổ quát hóa thành một nguyên tắc thẩm định giá trị, thành một tiêu chuẩn chung. Đấy là cái bệnh “vơ đũa cả nắm” “con sâu bỏ rầu nồi canh” như phương ngôn thường thức Việt hay nói. Như thế đủ tỏ mỗi hệ thống triết học là một sự thẩm định giá trị theo một tiêu chuẩn đặc biệt nào. Mỗi hệ thống triết học đều là cả một thế giới quan đầy đủ, một cái Duy – Isme. Ở khoa học thực nghiệm các giả định có thể gọi đến sự thử thách của thực nghiệm giác quan chứ như ở giả định triết học thì không có chỗ chứng minh như thế được, vì ngoài suy lý còn phải thí nghiệm chứ như triết học thì chỉ có sự suy lý trừu tượng siêu giác quan. Không có kinh nghiệm thực tế nào có thể hoàn toàn thích hợp với Ý niệm của Lý trí cả, nhưng tất cả kinh nghiệm thực tế đều thuộc về Lý trí. “Tout ce qui est rèel est rationnel, tout ce qui est rtonnel est réel” (Hegel), “Tất cả cái gì có thực đều hợp lý, tất cả cái gì hợp lý đều có thực.” Đây là luận điệu của triết gia biện chứng duy lý. Bởi thế mà triết học nghiên cứu cho có hệ thống đều dẫn đến sự tự mâu thuẫn không lối thoát. Biện chứng pháp ngụ trong triết học là ý thức các tình trạng xung đột mâu thuẫn ấy ở lý trí để tìm cách giải quyết vậy.
Nhưng giải quyết mâu thuẫn theo biện chứng pháp cũng khác nhau như biện chứng pháp duy tâm của Hegel bên Âu tây cận đại với biện chứng pháp Trung quán của Phật giáo Đại thừa. Biện chứng pháp của Hegel có tính cách tổng hợp các quan điểm chính đề (these) phản đề (antithese) và tổng hợp đề (synthese). Nhưng quan điểm ấy rút mâu thuẫn ở sự phân tích hợp lý các khái niệm danh lý chứ không căn cứ vào thực nghiệm thành thử biện chứng pháp duy tâm hay duy vật chỉ là quá trình vận động từ khái niệm sang khái niệm, mỗi khái niệm càng thêm phong phú hơn nhưng không ra ngoài phạm vi của lý trí. Nó vắt một khái niệm cho đến hết ý nghĩa bên trong, khái niệm Có với khái niệm Không đến hết mâu thuẫn để biến thành một khái niệm mới phong phú hơn về ý nghĩa bao hàm cả Có lẫn Không. Khái niệm tổng hợp này lại là khởi điểm cho một quá trình biện chứng chính, phân, hợp khác. Cứ thế mà tất cả vận động biện chứng của Hegel chỉ là hình thức, lý tưởng vì Hegel đồng nhất tư tưởng với thực tại (Réel với Rationnel.)
Biện chứng pháp Trung quán không tìm giải quyết mâu thuẫn của lý trí, nó vượt lên tất cả mâu thuẫn vì nó không thừa nhận tất cả quan điểm, không cho lý trí có khả năng bao hàm thông suốt Thực tại toàn diện viên dung. Thực tại siêu việt cả tư duy, lý niệm. Nó chỉ căn cứ vào sự mâu thuẫn nội tại trong mỗi quan điểm tìm biện chứng giải thoát, cho nên trên bình diện luận lý nó hoàn toàn phân tích, phủ định, Không (synya).
Người ta có thể nhìn một vấn đề theo bốn quan điểm khác nhau, hai quan điểm căn bản Có và Không, Khẳng định hay Phủ định và hai quan điểm phụ vừa Có vừa Không, chẳng Có chẳng Không nghĩa là khẳng định cả hai quan điểm Có, Không hay là phủ định cả, khẳng định và phủ định không thể qui về một được chúng là hai mặt của một đồng tiền hay là của một cái thuẫn, mặt trái và mặt phải đều có cả và khác nhau. Bốn cách nhìn trên có thể là cái khung để thu xếp thành loại tất cả hệ thống triết học. Cái thực tại coi như Hữu vi, nhất phiến, phổ quát và đồng nhất khắp cả là quan điểm khẳng định. Ở triết học Ấn độ đây là truyền thống Hữu ngã ( Atmavada) coi Atman là Sat, là thực tại duy nhất.
Quan điểm Phật giáo cũng như của Hume là Phủ định thực tính phổ quát tính, đồng nhất tính và coi thực tại là Asat Không Vô. Quan điểm Trung quán từ chối tất cả quan điểm. Nó dùng luận lý “phản phúc suy lý” (reduction à I’absurde) để chứng minh bất cứ quan một quan điểm nào cuối cùng cũng tự mâu thuẫn với nó. Bất cứ một mệnh đề nào cũng quay trở lại chống với chính mình. Biện chứng cho một chính đề nào của riêng mình. Đây là phương pháp mà Kant bên Âu tây đã dùng trong “Nhị luận bội phản” (antinomie of raison) như là một biện chứng nghịch lý thuyết minh. Hoặc như biện chứng của Phật giáo về khoảnh khắc tính của thực tại để phá thường trụ vô căn cứ. Nguyên lý của biện chứng pháp hay là triết học biện chứng là tinh thần phê phán không có cái gì tự tại, tất cả đều quan hệ nhân duyên khởi. Một thực kiện kinh nghiệm khi đem ra phân tích đều có cơ sở bên trong cơ cấu của nó. Nó không phải một tự tính độc lập, mà chỉ có trong quan hệ với vật khác ví dụ luận lý Nhân quả. Chúng ta phải phân biệt Nhân với Quả và đồng thời có quan hệ đồng nhất giữa Nhân và Quả. Quan hệ Nhân Quả không thể quan niệm như hoàn toàn đồng nhất hay hoàn toàn khác nhau, hay là vừa đồng nhất vừa khác biệt. Chúng ta không thể trừ bỏ phủ nhận tất cả. “Không một trong những vật ấy có thể thiết lập như có thật mà không được quan niệm hoặc như đồng nhất hay là khác biệt cái nọ với cái kia.” (Long Thọ).
Quan điểm thể tính cho rằng có thể có thể tính không thuộc tính hay sắc tướng.
Quan điểm sắc tướng lại chủ trương không cần thể tính.
Tuy nhiên không từng thấy ở đâu có thuộc tính (attribute) mà không có thể tính (substance) hay là trái lại.
Long Thọ hay Thánh Thiện cùng biện luận về sự quan hệ giữa một người với sự xúc động của nó mà cho rằng chúng chẳng là gì về toàn thể hay đứng riêng biệt. Không thể chứng minh cá thể là có thật độc lập hay là cả “thể” lẫn “dụng” không có tự ngã ngoài tâm trạng hay tâm trạng ngoài tự ngã để thống nhất chúng lại. Chứng cũng chẳng là gì về toàn thể cả. Lửa không phải là Dầu, sự cháy không phải chất cháy nhưng Dầu cũng không rời được Lửa vì không có Dầu thì cũng không có Lửa. Không chất cháy thì hết sự cháy. Tóm lại Thể lệ thuộc vào Dụng và trái lại. Thể Dụng hỗ tương mà có. Mọi sự vật đều phải hiểu như thế cả, vừa Thể vừa Dụng. Chúng đã qua tương quan mà có thì chúng không có thật một cách tuyệt đối. Quan hệ hỗ tương phải là hỗ tương giữa các tác dụng khác nhau, chống đối hay trái nghịch với nhau. Nhưng coi như tương quan có nghĩa là cái nọ lệ thuộc vào cái kia thì phải đi đến có sự đồng nhất cái nọ với cái kia. Nhưng đã tương quan thì lại phải phân biệt. Như thế thì không có sự tương quan giữa những cá thể đồng nhất với nhau hay dị biệt với nhau. Vậy Nhân và Quả cũng như Thể và Dụng, chủ thể và khách vật… đều chỉ là tương đối có chứ không phải vật tự thân có. Cái gì tương đối mà có thì không thật, chỉ là chủ quan.
Những phạm trù (catégorie), đều là những khái niệm phương tiện mà lý trí dùng để thâu đạt thực tại bản nhiên tuyệt đối.
Thực tại này không thể phạm trù hóa và biến thành tương đối. Lý trí hay trí thức đã giả tạo sự thực, không một hiện tượng của trí thức nào có thể vượt khỏi được vòng tương đối đại đồng. Đối với Trung quán thì tương quan là thiếu thể tính nội tại. Thực tại (Tattva) là cái gì tự nó có thực, tự tại, tự tồn. Lý trí hiểu sự vật qua sự phân biệt và quan hệ là một nguyên lý giả tạo, vì nó bóp méo sự thật, che lấp thực tại tự tính. Chỉ có Tuyệt đối là thực vì không lệ thuộc vào điều kiện bởi thế mà không có thể quan niệm Tuyệt đối như Hữu (bhava) hay Vô (abhava) hay là vừa có – Hữu vừa không – Vô được.
Hữu, phi hữu câu phi
Chư tông giai tịch diệt.
(Bách luận)
Nghĩa là:
Có, chẳng có đều sai
Các tông phái tắt ngấm”.
Như thế thì theo “Bách luận” là phải phá hết quan điểm tranh biện để thực nghiệm tại thân cái ý thức vượt quá tất cả quan điểm Có, Không, đạt tới bình diện trực giác Bát nhã (Prajna) Bát nhị pháp. Đấy chính là thái độ của Pháp Hiền sau khi nghe sư phụ Tì Ni thuyết cho biện chứng pháp phủ định Tam luận tông bèn bỏ vào núi Tiên du để tu định “thân hình như cây khô” “ vật ngã câu vọng” tâm vật, năng sở đều biến hóa đi mất.
Và Vạn Hạnh, sau khi nghiên cứu xong Bách luận, bèn xuất gia theo Thiền. Ông tu luyện cho đến khi Thiền Ông tịch rồi mới chuyên tâm vào thiền định, luyện tập khoa sinh lý tâm lý thực nghiệm biến hóa khí chất.
“Ông diệt hậu, nãi chuyên tập Tổng trì tam ma địa (Samadhi) môn dĩ vi kỷ vụ.” – (Thiền uyển truyền đăng tập lục)
Nghĩa là:
Sau khi Ông mất, bèn chuyên tập Khoa Tổng trì tam ma địa tức khoa Thiền định lấy làm con đường của mình.”
Phải chăng Vạn Hạnh chuyên tu Thiền ở đây là nói theo Pháp Hiền của dòng Tì Ni để đi đến tâm trạng “Vật ngã câu vong” hay là noi theo Vô Ngôn Thông ngồi quay mặt vào tường, “không nói mà thông hiểu suốt” “Vô ngôn nhĩ thông”, “Vật ngã câu vong” là trình độ ý thức trực giác tối cao của nhà tu đạo Phật, vì đạo Phật là một tôn giáo đặc biệt không lấy sự cầu nguyện thần linh, trước sau chỉ lấy tâm làm trọng tâm và cái khế cơ tâm về tôn giáo trong Phật giáo chủ yếu là ở sự tu dưỡng Thiền định. Theo Kimura Taiken trong “Tiểu Thừa Phật giáo tư tưởng luận” hay “Nguyên Thủy Phật giáo tư tưởng luận” do Thích Quảng Độ dịch ra Việt văn:
“A Tỳ Đạt Ma chia mục đích tu Thiền thành ba hay bốn loại, nhưng lấy bốn làm thông lệ.
1/ Đắc hiện pháp lạc trụ.
2/ Đắc thắng tri kiến
3/ Đắc phân biệt tuệ
4/ Tận chú phiền não.
Thứ nhất “hiện pháp lạc trụ” có nghĩa là nhờ tu định mà thần tâm được an tĩnh.
Thứ hai “thắng tri kiến” có nghĩa là được thần thông.
Thứ ba “phân biệt tuệ” tức là thấy được tính, tướng của pháp như thế.
Thứ tư “lậu tận” là được giải thoát tối cao.
(x.b. Khuông Việt tr. 503-504)
Vậy Vạn Hạnh tu Thiền đến trình độ nào? theo khuynh hướng nào trong hai dòng Thiền Việt nam thời bấy giờ?
Theo “Thiền uyển truyền đăng tập” ghi nhận về tiểu sử của Vạn Hạnh, chúng ta biết Ông là đệ tử của Tì Ni đời thứ XII. Và theo “Việt sử tiêu án” của Ngô Thời Sĩ thì:
“Vạn Hạnh có kiến thức cao siêu, thần toán “biết trước mọi việc, cũng là tay xuất sắc trong giới thiền. Nhưng mà hay xách ẩn hành quái chỉ tu luyện về đạo, tạo ra các câu sấm lưu truyền làm mê hoặc cho đời, mở mào ác nghiệp cho đời sau.”- (“Việt sử tiêu án” tr. 113 bản dịch Văn hóa Á châu” – Saigon 1960)
Ở “Thiền uyển” cũng viết:
“ Thời bấy giờ thường nói ra lời nào ắt thành lời “phù sấm” tiên tri. Vua Lê Đại Hành (981) rất kính trọng. Năm đầu niên hiệu Thái phúc tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo sang xâm chiếm, đóng quân ở Cường giáp trấn Lạng sơn. Vua triệu vào hỏi về thắng bại. Sư Vạn Hạnh tâu: “trong ba bảy ngày, giặc ắt phải thoái lui”, sau quả nhiên đúng.
“Đến khi Vua muốn đánh Chiêm thành, triều nghị chưa quyết định, Sư xin khởi hành gấp thì không mất dịp may. Sau đi đánh quả nhiên thắng như lời tiên đoán.
Thường có kẻ gian tên là Đỗ Ngàn muốn ngầm hại sư, sư biết trước việc xẩy ra, gửi cho kẻ gian bài kệ rằng:
Thổ, mộc, tướng. sinh Ngân dữ Kim.
Vì hà mưu Ngã uẩn linh khâm?
Đương thời Ngủ, Khẩu, Thu Tâm, tuyệt
Chân chí vị lai bất hận tâm.
Nghĩa:
Đất, Cây sinh ra nhau cũng như Bạc với Vàng.
Vì đâu ngầm ấp ủ trong lòng làm hại ta?
Lúc này lòng ta buồn hết sức.
Thật đến kiếp sau không có lòng oán hận.
Tên Ngân gian sợ bèn thôi. Đấy tài biết trước, xem việc đã qua cũng như thế rất nhiều.”
Như vậy thì phải chăng Vạn Hạnh đã nhờ công phu tu luyện Thiền định đến trình độ thần thông nghĩa là đến cấp thiền định thứ II “ Đắc thắng tri kiến” như nói ở A tỳ Đạt ma trên kia?
Rồi từ đấy Sư không vào rừng núi như Pháp Hiền hay ngồi nhìn vách như Vô Ngôn Thông, mà đem tài thần thông để đào luyện vua Lý Thái Tổ bấy giờ là còn là Lý Công Uẩn trở nên một vị vua khai sáng quốc gia. Và Thiền sư Vạn Hạnh đã ứng dụng cái tài “thắng tri kiến” để tạo thời thế bằng những lời sấm tiên tri ngõ hầu ảnh hưởng vào tâm lý xã hội đương thời. Như vậy thì tinh thần Thiền Vạn Hạnh không phải cầu giải thoát cho mình, cũng không phải lãnh đạm với xã hội để hướng ra thiên nhiên để sống ưu du.
Thiền của Vạn Hạnh là thiền hành động thực tế phụng sự dân tộc, “không phải như bọn ngoại đạo bảo mắt không nhìn sắc, tai không nghe tiếng, mà vẫn cứ nhìn, vẫn cứ nghe nhưng nhìn nghe đúng như thực, nghĩa là không ham đắm, không chấp trước, không để mình bị kẹt cứng trong cái mình thấy, nghe hay biết, mà luôn luôn nhìn nghe với tinh thần nghìn nghe tuyệt đối ; đó mới là chỗ cực trì của Thiền. Thần thông cũng ở đó mà ra. Mà ý nghĩa tu thiền chân chính cũng ở đó. Bởi thế, nếu nói một cách cùng cực thì Thiền chân chính không phải chỉ khi nào ngồi xếp bằng ngay ngắn trong rừng sâu núi thẩm, hoặc giữa đồng không hoang vắng mà tư duy mới là Thiền, mà ngay trong đời sống hàng ngày, có thể nói nhất cử nhất động đi, đứng, nằm , ngồi, v.v… tất cả không xa rời Thiền.
Nội tâm định chi thiền. Rồng (Phật) đi, đứng, đều định ; ngồi định, nằm cũng định, không lúc nào Rồng (Phật) không định: nó là pháp thường của Rồng (Phật). – (Theo Kimura Taiken – sách dẫn trên).
Bởi cái tinh thần dân tộc của Vạn Hạnh, hành động với tâm vô tư, luôn luôn “ ưu thời mẫn thế” lúc nào cũng thắc mắc lo lắng đến thời thịnh trị “ an cư lạc nghiệp” của nhân dân, nên mới tha thiết nói với Lý Công Uẩn:
“Gần đây, tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng nhà Lê tất phải mất, mà nhà Lý tất phải lên. Họ Lý không ai nhân trì, khoan dung như ông, lại được lòng dân. Tôi đã hơn 70 tuổi, chỉ ân hận không kịp thấy đời thịnh trị mà thôi.”” – (Việt sử lược II 1.b)
Như thế thì chúng ta có thể đoán biết rằng những lời sấm reo rắc trong dân gian cùng các điềm lạ báo trước ngày “Thành Chúa” xuất hiện chẳng phải kỳ tích gì mà là do Thiền sư Vạn Hạnh thần thông biết trước mà sáng tạo ra để sửa soạn tâm lý quần chúng cũng như ngày nay người ta rắc truyền đơn vậy. Không chỉ tâm lý xã hội các giới ở Việt nam, thời bấy giờ, sau hơn một ngàn năm chịu ảnh hưởng Nho học nhất là Nho học thời Hán phát triển cái học sấm vĩ ở kinh Dịch căn cứ nào nguyên lý siêu hình để hợp nhất nhân sinh với thiên nhiên, “Thiên Nhân hợp nhất” cho nên nhân thân là một tiểu vũ trụ, tất cả trong trời đất đều tương quan với nhau, người ta có cái tâm chí thành cũng như thần linh mà biết trước các việc sắp xảy ra “Thần tri lai, tri tàng vãng.”
Bởi vậy “chí thành chi đạo khả dĩ tiền tri, quốc gia tương hưng tất hữu trinh tường, quốc gia tương vong tất hữu yêu nghiệt, kiến hồ thì quy, động hồ tứ thể, họa phúc tương chi, thiện tất tiên tri chi, bất thiện tất tiên tri chi, cố chi thành như thần” (Trung Dung).
Nghĩa là:
“Đạo chí thành thì có thể biết trước, nước sắp thịnh vượng ắt phải có điềm lành, nước sắp nguy vong ắt phải có điềm gở, hiện ra ở cỏ thi và mai rùa (là dụng cụ bói toán) xúc động đến chân tay ; họa phúc sắp đến điềm lành ắt biết trước được, điềm không tốt ắt biết trước được. Cho nên chí thành như thần linh vậy.”
Cái tâm chí thành phù hợp với cái tâm Thiền đến trình độ không còn phân biệt đối tượng và tư lự, tâm chỉ tập vào một điểm duy nhất (cetasa ekodibhava)” (Kimura Taiken – sách dẫn trên). Chính đây là ý nghĩa triết tự của chữ Thành gồm là lý trí, là ý chí và tình cảm ba tác dụng trí, tình, ý hợp nhất vào làm một điểm. Cái điểm ấy là ý thức “dung tam tế” như Lý Nhân Tông đã hiểu tinh thần Vạn Hạnh:
Vạn Hạnh dung tam tế,
Chân phù cổ sấm cơ
Hường quan danh Cổ pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.
Vạn Hạnh thông quá khứ, hiện tại, vị lai ba cỏi,
Chân thật phù hợp với lời sấm cơ xưa
Quê hương có tên là Cổ pháp
Chống gậy nhà Phật để bảo vệ đất nước.
Vũ trụ là một dòng trôi chảy không dừng của hiện tượng sự vật, nhưng nền móng ở bên trong thì bất biến, bất dịch, luôn luôn hiện tại ví như lòng sông dưới làn nước chảy. Nền móng bản thể của sự vật như thế không có thời gian, đấy là điểm vô thời gian tâm linh, luôn luôn hiện tại ở cái nguồn “vạn vật đồng nhất thể” “Tatt tvam asi” trong tư tưởng truyền thống Đông phương. Biết về sự việc xảy ra lúc này không xác định được sự kiện. Điều người ta gọi là tiên tri của Thần linh thực ra là một sự hiểu biết không thời gian của chính lúc này nó phù hợp với sự tự do của ý chí nhân loại trong thời gian.
Thế giới biểu hiện và tất cả cái gì vận động theo cách nào đều có nguyên nhân, thứ tự và hình thức của chúng ở tại nền móng bản thể bền vững tâm linh. Định mệnh hay Thiên mệnh là chính lý tinh thần nó xếp đặt tất cả. Nhưng vận mệnh hay số mệnh là một trật tự xếp đặt bản nhiên của sự vật vô thường biến hóa. Nhờ sự xếp đặt trật tự ấy mà Thiên mệnh liên hệ tất cả sự vật thành điều lý trật tự thích đáng tức là Đạo vậy. Đạo trời, Đạo đất, Đạo người. Bởi vì Thiên mệnh cũng bao hàm toàn thể tất cả sự vật dù là phức tạp khác nhau, thiên hình vạn trạng vô cùng. Nhưng số vận làm cho sự vật vận động tùy theo vị trí hình thức và thời gian. Thành thử sự diễn tiến theo thứ tự thời gian hợp nhất sự định trước của Thần linh hay là Thiên mệnh. Và chính sự hợp nhất ấy tiến hóa và phô diễn biểu hiện ra thời gian thì gọi là số vận hay Thời vận.
Sự tiên tri không có chi là huyền bí hay hoang đường cả. Nếu một cá nhân có thể biết trước một sự việc sắp xảy ra, thì làm sao một ý thức vô lượng vô biên và biên như ý thức vũ trụ, Thiên địa chí tâm (Dịch Kinh) ý thức Tam muội (Samadhi) lại không biết trước việc tương lai rất xa được? Cái Ý thức vũ trụ ấy ở Ấn độ giáo cũng có nghĩa là “chit” hay “Ý thức, Thức. Người ta hoài nghi về cái hiện tại vĩnh cửu (Eternel present) cho rằng một trật tự trong thời gian không thể cùng có với một trật tự ngoài thời gian và một vật biến đổi không lẫn lộn với một vật bất biến như nói “Dịch nhi bất dịch”, sự hoài nghi ấy chỉ có giá trị đối với trật tự vận hành có tính cách cơ giới của sự vật vật chất của không gian. Nhưng cái Hiện tại vĩnh cửu của nhà tu Thiền, tâm linh học (Mystique) ngụ ý rằng: “Lúc này tôi vĩnh cửu, lúc khác tôi ở tại thời gian.” (A un moment, je snis eternal à un autre moment je suis dans le temps). Điều này là căn cứ vào tín ngưỡng truyền thống vào cái tối linh tính của nhân loại khiến cho Thực tại tối cao là Phật tính, là Thiên mệnh đồng nhất với linh tính ở con người “Phật tức tâm”. “Thiên mệnh chi vị tính.” “Tatt tvam asi” “ Linh khâm bảo hợp Thái hòa”. Cho nên người ta ở bình diện sinh lý thì sống trong thời gian, không gian ở bình diện tâm lý nó có thể nối với Tâm linh siêu thời gian không gian. Cái tôi ở đây có khi tự đồng nhất với Phật tính, với Thiên mệnh với Linh khâm thì nó vượt thời gian đến cái ý thức “Dung tam tế” của Vạn Hạnh, không còn quá khứ hiện tại vị lai nữa. Cái tâm trạng ấy vừa vĩnh cửu vừa hiện tại đã được nhà hành động như Nguyễn Công Trứ ở Việt nam cận đại từng kinh nghiệm mà diễn tả ra lời ca:
Ngã kim nhật tại tọa chi địa,
Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi,
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni
Ai hay hát mà ai hay nghe hát?
(Nguyễn Công Trứ, Vịnh Nhàn)
Tinh thần Vạn Hạnh hành động phụng sự dân tộc qua Lê Đại Hành đến Lý Thái Tổ tuy có công mà không nhận một chức tước gì của triều đình, chứng tỏ cái tâm Thiền đến trình độ ý thức “Dung tam tế” tức là đã đạt tới cái điểm “Vĩnh cửu hiện tại” (Eternel present) mà hành động vô cầu, chí công vô tư, cho nên nói theo luận điệu Thiền thì Ngài đã “liễu sinh tử” như bài kệ thị tịch sau đây chứng minh:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân sinh thu hựu khô,
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Nghĩa là:
Thân người chớp nhoáng có rồi không,
Cây cỏ xuân tươi, héo thu đông,
Theo điệu vận hành hết lo lắng,
Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương trong.
Xem đấy đủ thấy tinh thần Thiền của Vạn Hạnh thuộc về bậc Nhậm vận, theo cách xếp loại phép tu Thiền định của Trung hoa “Mục ngưu đồ” sau đây:
Tâm người ta ví như con trâu, người tu Thiền ví như người đi chăn, qua 10 giai đoạn:
1) Tâm với Ý của nhà tập Thiền còn đang đi tìm nhau, trâu dại đang lồng chạy, đấy là giai đoạn chưa chăn “Vị mục”.
2) Nhà tập Thiền ví như mục đồng đã lừa bắt được trâu, xỏ thừng vào mũi lôi đi, trâu hung hăng không theo, đấy là giai đoạn “sơ điều”.
3) Trâu đã chịu theo mục đồng, nhưng mục đồng còn phải canh chừng nắm giữ, ấy là giai đoạn “Thụ chế”.
4) Trâu bắt đầu thuần phục, không phải buộc mũi nữa., nhưng mục đồng vẫn phải coi chừng tức là giai đoạn “Hồi thủ.”
5) Trâu đã thuần thục hẳn, mục đồng đi đâu trâu theo đấy ấy là giai đoạn “Thuần phục”.
6) Trâu với mục đồng tin nhau rồi, mục đồng thong thả mặc cho trâu tiêu dao, trâu vẫn không rời mục đồng, tức là giai đoạn “Vô ngại”.
7) Mục đồng đi đâu trâu theo đi đấy, hoàn toàn ăn ý với nhau như bóng với hình, tức là giai đoạn “Nhậm vận”.
8) Mục đồng với trâu là một, cả hai đều không thể phân biệt, đây là giai đoạn “Tương vong”.
9) Chỉ còn lại một cái tâm sáng chiếu tức là giai đoạn “Độc chiếu”.
10) Tâm cảnh đã biến cả rồi chỉ còn lại Chân Như tức là giai đoạn “Song dẫn”.
Trong cách xếp loại trên đây trong phép tu Thiền Trung hoa thì giai đoạn Nhậm vận của Thiền sư Vạn Hạnh thuộc về giai đoạn thứ 7, ngoại vật còn, nội tâm còn, hai đàng thuận theo hòa nhịp đồng điệu vận hành không chút trở ngại lẫn nhau. Đấy là tinh thần Nhậm vận mà Vạn Hạnh đã đạt tới trước khi nhập tịch. Đấy cũng lại là quan niệm của Trang Tử về lẽ sống chết khi Trang tử viết:
“ Thả phù đắc giả thời dã, thất giả thuận dã, an thời như xứ thuận, ai lạc bất năng nhập dã, thử cổ chi sơ vị huyền giải”.
Nghĩa là: Đắc thất lai khứ là sống chết, sinh sống là thời của ta, chết đi là thuận của ta, thời là ta tụ họp, thuận là vì ta tan đi. Trời sinh ra ta có tình cảm là huyền, là trói buộc. Mặc tình nhậm vận ấy là Trời cởi trói buộc, như thế thì cứ thuận theo đạo trời, bốn mùa xuân đi lại xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng, cớ chi mà vui buồn khi người ta đã nối được đời sống cá nhân với nguồn sống vũ trụ, sinh sinh bất tuyệt. Với cái tâm hồn ấy thì Vạn Hạnh còn thắc mắc gì về sau khi thi giải sẽ đi về đâu nữa. Cho nên hết sức thản nhiên, Ngài nói với đệ tử đang khóc thương: “Các con muốn đi về đâu? Ta không trụ vào chỗ có trụ, không trụ vào chỗ không có trụ!” Đấy là “nhậm vận” “ Dung tam tế” của Thiền sư Vạn Hạnh vậy. Nhờ cái biện chứng pháp toàn diện Chân Không (sunyata) không chấp nhận tâm linh thực nghiệm, không duy vật, không duy tâm mà vượt lên tất cả hệ thống trí thức như thế, Vạn Hạnh mới mở đường cho ý thức hệ dân tộc hướng về Đông nam Á của tinh thần văn hóa “ Đồng quai nhi thù đồ” (I’Unité dans la Derersité) để xây dựng nên cơ sở dân tộc độc lập và khải phóng lâu bền, “Diên Hựu” như tên chùa Một Cột đại diện cho giấc Mộng của nhà Lý vậy.
NGUYỄN ĐĂNG THỤC
(trích Tạp chí Tư Tưởng số 6&7, năm 1972)