Thân Phật thanh tịnh tợ lưu ly
Trí Phật sáng ngời như trăng sáng
Phật ở thế gian thường cứu khổ
Tâm Phật không đâu không từ bi…
Vừa đọc xong bài Kệ Tán Phật, tôi cầm dùi thỉnh nhẹ một tiếng chuông, rồi cúi đầu đảnh lễ. Âm thanh ngân vang của tiếng chuông như vượt qua không gian vô tận và vào chiều sâu của tâm hồn, làm lòng tràn ngập niềm vui lẫn xúc cảm không sao tả hết. Khi lắng lòng, chúng ta sẽ cảm thấy biên giới giữa không gian, thời gian không còn và trở thành vô biên, vô ngại.
Nhìn lên Tôn Tượng của Đức Phật, gương mặt thoáng nhẹ nụ cười mỉm, thanh thoát như tỏa ra một sức sống hiền dịu. Một con người bình thường siêu việt trên những con người bình thường, xuyên suốt từ ngày Đản sanh, tầm đạo, và đắc quả vị Phật, tất cả như những thước phim mầu nhiệm, vô giá, nối kết quanh một nhân vật lịch sử của nhân loại – Đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Sức mạnh hay uy lực nào mà qua những hình ảnh linh diệu của cuộc đời đó lại có tác động mạnh đến muôn loài như vậy. Vì tất cả loài người từ ở nơi đâu, bất cứ quốc độ nào, v.v. nếu như biết hoặc nghe danh được Đức Phật và khi nói đến Ngài – đều phải kính phục đối với Trí tuệ siêu việt và tấm lòng Từ bi vô hạn của Ngài, vì Đạo Phật là đạo của Hòa bình, của Tình thương, của Hạnh phúc, Giải thoát và An lạc.
Những giọt sương trên cành cây lung linh theo gió, chiếu rực rỡ dưới ánh sáng mặt trời vừa ló dạng, chợt tan biến để chào đón một ngày mới xuất hiện. Một ngày thật đẹp, tưởng chừng như một ngày đẹp như bao nhiêu ngày đã qua. Nhưng hôm nay, ánh sáng của mặt trời khác lạ, trong dịu. Gió đã bao lần thổi, bao lần nối tiếp qua, nhưng lại bỗng nhiên êm đềm mát mẻ lạ thường. Bầu trời, có những đám mây vân du thay đổi màu sắc, trong xanh rồi chuyển dần qua những năm sắc màu hiền dịu, rồi hòa lẫn với nhau. Màu sắc là màu của thế giới thẩm mỹ, là màu của nội tâm sâu thẳm. Có tiếng nhạc du dương, thánh thót… của các cõi trời, của Càn-thát-bà vang vọng. Có mùi hương tỏa khắp không gian… tạo thành một không gian thánh thiện, an lành và hạnh phúc.
Mọi tâm ác bỗng run sợ, trở nên hiền hòa. Mọi thù hằn, ganh ghét, oán giận… biến thành thương yêu. Mọi khổ đau của các hữu tình đều dập tắt. Âm thanh của muôn loài đồng cất lên tiếng hát hòa bình, an lạc. Muôn sinh linh trong các cõi đều cảm thấy mình được yêu thương, tôn trọng, tự tại, thanh thoát, có giá trị sống thật sự, không vì lợi mình mà hại người, hại vật.
Các cõi trời đều vân tập lại, dày đặc trên hư không, rải hương hoa cúng dường. Muôn lòng đều chắp tay cung kính hướng về Vườn Lâm-tỳ- ni (Lumbini).
Hoàng hậu Maya trên đuờng về quê ngoại để chuẩn bị cho ngày sanh Thái tử, tách rời đoàn quân hộ tống cùng các tì nữ, đi về hướng cây Vô ưu. Cây Vô ưu vừa lúc nở hoa – đóa hoa mà theo truyền thuyết chỉ nở khi có bậc Thánh nhân ra đời. Bà cảm thấy xúc động, bồi hồi, an lạc và lòng tràn đầy niềm vui sướng. Tay vịn vào cành cây Vô ưu, mặt tỏa đầy hạnh phúc. Bà làm một trợ duyên hy hữu trên thế gian, là sanh ra một Thái tử – một vị Phật sẽ thành.
Một sự kiện tối quan trọng của lịch sử nhân loại vừa xuất hiện – đó là sự Đản sanh của Thái tử Tất-đạt-đa (Siddharta) – hoặc là Bồ-tát Hộ Minh trên cung Trời Đâu-suất giáng thế do đại nguyện độ sanh đã nuôi dưỡng qua bao nhiêu kiếp tu hành.
Những hạt mưa nhẹ do chín rồng phun xuống để tắm rửa thân Thái tử. Muôn hoa, cỏ lá, chim chóc, các loài đều đồng mở tâm chào đón Ngài.
Vườn sen tâm vừa mở
tỏa ngát một trời hương
Phật tức thời thị hiện
Trên mặt đất nhiệm mầu
đất của hồn nhân loại
đất của tâm mọi người
Minh Thanh
Các cõi trời người đều rung động. Các ma quân sợ hãi, quy phục. Trên mặt của vị Thái tử vừa chào đời, nụ cười chớm nở. Bước đi bảy bước, từng cánh sen nâng đỡ chân của Thái tử. Hương thơm của hoa ngào ngạt. Hoa sen mọc lên từ bùn nhơ, những bước chân dẫm lên trên bảy đóa sen tinh khiết, an lành. Tay chỉ trời, tay chỉ đất:
…Thiên thượng thiên hạ
duy ngã độc tôn..
Một cảnh tượng đẹp quá, huy hoàng, chấn động lòng người. Biểu tượng và huyền thoại lẫn vào nhau, đan thành hiện thực. Vị Thái tử lịch sử là linh hồn sống động của biểu tượng, khởi đầu đã bước chân dẫm trên những thất tình lục dục, để vượt lên tỏa ngời, như ánh mặt trời soi chiếu, làm tan biến bóng tối âm u, như những đóa sen vươn lên khỏi đất bùn. Bảy đời chư Phật của hiện kiếp cũng đều như vậy, vượt trên những giả tướng để hiển lộ chân tướng, vươn lên những năm trược của cuộc đời để chỉ dẫn cuộc đời.
Một cõi không gian ngời rực sáng
Muôn lòng thanh tịnh tận trời mây
trần gian chợt tỉnh, vui hoan lạc
chắp tay đổng hướng chốn nhiệm mầu
từ trong bóng tối, Vô ưu nở
từng bước chân trần, bảy đóa sen
sen hồng tỏa ngát trời hoa thảo
một cõi chân tình, tỏ bước đi…
Minh Thanh
Tiếng chuông vẫn còn vọng vang xa, riêng tôi vẫn ngồi đây vững tâm, an tịnh, thảnh thơi trong quán tưởng. Vẫn biết rằng: “không thể lấy sắc tướng để thấy Ngài, không thể lấy âm thanh… để cầu Ngài”, nhưng một chúng sinh như tôi vẫn không thể làm khác hơn được, vẫn phải đảnh lễ, vẫn phải xưng tán về Ngài.
Thời gian đã qua trên 2633 năm, bây giờ, chúng ta chỉ cảm nhận được Ngài là một vĩ nhân trên các vĩ nhân, nhưng lại không quên nói đến bối cảnh cũng như những hành trạng viên dung, tuyệt đẹp của Ngài cho con người, cho cuộc đời, cho muôn loài… đó là những điều không thể nào nói đủ, dù đã biết bao nhiêu ngòi bút, bao nhiêu tác giả, bao nhiêu người ca tụng từ ngàn xưa cho đến ngày nay và mai sau v.v…
Một xã hội tại Ấn Độ với quá nhiều bất công, giai cấp… đã tạo ra biết bao nhiêu nổi khổ cho con người – nhất là những hạng người cùng đinh, vì tất cả nhân phẩm không còn một giá trị nào, do quan niệm phân chia giai cấp theo Thần quyền Ấn giáo đã có mặt và tồn tại từ bao ngàn năm qua. Ngài là người đã phá bỏ những bất công đó: “Tất cả mọi người đều có nước mắt cùng mặn và dòng máu luân lưu trong cơ thể đều đỏ…”
Sự xuất hiện của Ngài trên cõi Ta-bà, còn để chỉ cho muôn loài nhận chân được Tánh Phật trong mình. Tánh Phật có mặt, tỏa sáng, vi diệu trên những mê lầm, nghiệp chướng, oán thù… Ngài chỉ cho chúng ta tìm thấy con người “Nhân bản đích thực” không phải ở một thế giới nào khác của loài người, không phải trên những từng mây cao vời vợi, mà Ngài chỉ cho chúng ta một vị Phật nơi chính mình: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Con người Nhân Bản đó giải thoát khỏi sự chi phối của ba độc tố si – tham – sân cấu tạo nên cái bản ngã, định kiến, chấp thủ v.v…
Hy hữu thay! Sung sướng thay! Hạnh phúc thay! Chưa một vị Giáo chủ nào trên thế gian nói được lời này.
Tôi chợt thấy mình quá nhiều phước duyên, dù đã trôi lăn qua bao nhiêu lần sanh tử tử sanh, được làm thân người và lại được là người con Phật. Con Phật sẽ hưởng được gia tài của cha là kho tàng vô tận – đó là Tánh giác của mình.
Chìa khóa mở cửa kho tàng đó, chính là sự nghe (Văn), suy tư (Tư) và thực hành (Tu). Không nghe, không suy tư và không chứng nghiệm được những gì Phật dạy qua công phu tu tập, thì đó là đi sai lạc con đường mà Đức Phật hướng dẫn, sẽ rơi vào tà kiến, mê tín.
Trong Kinh Kim Cang, Ngài Tu-bồ-đề đã thay cho chúng ta để hỏi Phật:
– “Bạch Đức Thế Tôn! Ngài thường hay giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ-tát. Như vậy, nếu muốn phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì nên nương tựa vào đâu và làm thế nào để điều phục tâm”.
Đức Phật dạy rằng: “Nếu muốn phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải hàng phục tâm họ như sau. Có bao nhiêu loại chúng sanh hoặc sanh bằng trứng, hoặc sanh bằng thai, hoặc sanh từ sự ẩm ướt, hoặc bằng sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta phải cứu giúp các loài đó đạt được Niết-bàn tuyệt đối để họ được giải thoát. Giải thoát cho vô số, vô lượng vô biên chúng sanh như thế mà kỳ thực ta không thấy có chúng sanh nào được giải thoát. Vì sao? Này Tu-bồ-đề, nếu có một vị Bồ-tát mà còn có khái niệm về “ngã” về “nhân” về “chúng sanh” về “thọ giả”, thì vị ấy không phải là vị Bồ-tát đích thực”.
Qua những lời dạy của Ngài, vượt qua những khái niệm mà đặt chính danh lại vấn đề. Tất cả yếu tố tạo nên luân hồi hay địa ngục, đều do tâm: vọng tâm, biên kiến, tà kiến, chấp trước, chấp ngã, v.v… và tất cả yếu tố tạo thành một vị Bồ- tát, một vị Tỉnh thức cũng đều do tâm: bao dung, Vô ngã – không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả.
Tự trong tâm mà chúng ta đã tạo ra bao nhiêu cảnh đời, bao nhiêu hình dạng, hay biết bao nhiêu quốc độ để thọ sanh như noãn thai thấp hóa… mà chỉ có sự quán chiếu, trực nhận, trực tâm để nhận thức được tất cả chỉ là giả tướng, để đạt đến vô tướng, để độ và chuyển hóa cho những trạng thái bấp bênh, vọng kiến do từ nhận thức sai lầm hay là gốc rễ (chủng tử) của ba độc tố si – tham – sân – đưa vào Niết-bàn mới làm hiển lộ được Chân tâm hay Tánh giác. “Niết-bàn của Diệu Tâm là Vô ngã” như lời của vị Thiền sư nào đó đã nói.
Tất cả tùy tâm “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Cái tâm lăn xăn được quán chiếu, nhìn sâu, mọi huyễn tướng không còn trụ, và đèn tuệ hiện rõ.
Đèn tuệ sáng soi, Vô minh tan vỡ
Tâm chân hoan hỉ, vọng niệm cúi đầu..
Minh Thanh
Dù theo bất cứ pháp môn nào, dù thực hành bất cứ Tông phái nào như Tịnh độ với Tín Hạnh Nguyện để đạt Bát Chu Tam Muội, đi vào Di Đà Tánh Thể hay Mật tông qua Thân Khẩu Ý tương ưng, nhập vào Tất Địa hay Thiền với Phật thiền, Tổ sư thiền, Thiền Minh sát, thiền quán, Chỉ (Ngũ đình tâm quán)… để đi vào Không Tánh, tất cả đều phải do sự thực hành. Sự dụng công tu hành mới đem con người vượt qua những biên ải của vọng kiến, vọng niệm, thể nhập vào vùng trời bao la vô tận hay kho tàng vô giá mà Phật đã chỉ dẫn.
Sự dụng công tu hành còn đưa người con Phật mở rộng tấm lòng thực sự đối với chính mình và tha nhân, vì nhận chân được sư tương duyên tương sinh và tất cả mọi việc làm mới thực sự chân thật vì xuất phát từ tâm Bồ-đề.
Trước bối cảnh của một thế giới mang nhiều phân chia, chiến tranh, thù hận, bất công… do những dị biệt về văn hóa, chánh kiến, tôn giáo, địa dư… Một con người bình thường nếu biết yêu con người, yêu mạng sống, yêu những yếu tố làm nên những nền văn minh tâm linh của nhân loại, trước những khổ cảnh như hiện đang xảy ra, thảy đều bàng hoàng, đau xót – Huống gì là người con Phật.
Chúng ta không thể nói rằng đó là chuyện những người khác, ở đâu đâu, không liên quan đến mình. Đó là một quan niệm thật sai lầm, không nhận thức được tánh duyên sanh của mọi Pháp trong Đạo Phật và không nhận thức đúng ý nghĩa Sự Đản sanh của Đức Từ Phụ.
Sự thật phũ phàng là sự chia rẽ, hận thù, cực đoan, v.v… đã len lỏi vào tất cả mọi môi trường và nực cười, đau đớn thay vì ngay chính cả tôn giáo cũng bị xâm phạm… do thành kiến, cố chấp, bảo thủ, độc tôn… làm cho con người không thể nhìn nhau, đến với nhau. Kinh nghiệm đau thương này, khi nhìn lại thấy rằng tất cả những người lớn, cha ông, những người hữu trách trong quá khứ đã vô tình hay hữu ý, tạo ra biết bao nhiêu oan nghiệt, đớn đau, thảm cảnh, v.v… mà thế hệ hiện nay đang lãnh chịu và còn ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.
Hận thù, chia rẽ, chiến tranh, khủng bố, bạo động và biết bao nhiêu là ý thức hệ, thần quyền, giáo điều, v.v… vì được xây dựng trên căn bản của viễn vông, thù hận, si mê, thiếu căn bản tình người, nên đã gây quá nhiều đau khổ cho con người, ngày nay và ngày mai, nếu thiếu sự tu tập, chánh niệm. Chính mỗi con người cần phải tư duy, tu tập, kiểm soát vọng tâm… mới có sáng suốt để có thể làm đúng, xử đúng và không gây hại cho người.
Chúng ta không thể nói đoàn kết khi chúng ta còn chia rẽ. Chúng ta không thể nói hãy yêu thương nhau, chở che cho nhau trong hoàn cảnh thương tâm hiện nay ở mọi nơi trên thế giới, khi chúng ta không thể tiếp cận, nhìn nhận nhau. Trong tâm của chúng ta còn có biết bao nhiêu hạt giống của ác nghiệp chưa gột rữa, vượt qua… khiến không thể cho nhau bàn tay nắm, chia sẻ…
Chúng tôi hiểu và trân trọng tất cả những người một thời đã qua hay hiện nay, ở vị trí quý vị… quý vị đã làm hoặc đang làm hay suy nghĩ sẽ làm… đều vì muốn đem sự tốt đẹp, hạnh phúc, an lạc cho con người, và không ai có thể nhẫn tâm đùa giỡn trên nổi khổ đau của đồng loại do sự ích kỹ, chấp ngã của mình. Cho nên, chúng tôi cầu xin rằng:
Ngày Phật Đản sanh là Ngày mang lại Hạnh phúc – An vui cho nhân loại do tấm lòng Từ bi và Trí tuệ của Đấng Cha Lành, muốn cho con người ý thức được thân phận mỏng manh của kiếp người mà làm những gì hữu ích hơn cho mình, cho xã hội, cho đồng loại.
Sự xuất hiện của Đức Phật trên cõi đời uế trược này, dù đã trải qua trên hai ngàn năm trăm năm, dù đã qua biết bao nhiêu biến thiên của lịch sử, của vô thường, sinh diệt, nhưng hình ảnh thanh thoát và giáo pháp vi diệu của Ngài vẫn còn mãi tận đến hôm nay và mãi mãi mai sau. Bởi vì, qua một con người bình dị, chân trần, thanh đạm… nhưng chứa cả một nội lực phi thường, cao siêu của Đại Trí và Đại Từ Bi, che chở và hướng dẫn cho biết bao nhiêu là con người khi dụng công tu hành, chuyển hóa tâm và giải trừ được khổ đau, u tối… để sống đời đáng sống.
Dù trải qua 49 năm dấn thân trên mọi nẻo đường, đem ánh sáng chân lý, giáo pháp giải thoát để hóa độ chúng hữu tình, với tám vạn bốn ngàn pháp môn để tùy theo “khế cơ khế lý” của chúng sinh mà ứng dụng, tu trì… nhưng vì sợ con người bị chấp pháp, chạy theo hý luận, tranh kiến thức hơn thua… mà quên đi sự tu tập, thực hành, quên đi cứu cánh giải thoát của Đạo Phật, nên Ngài nói rằng: “Trong 49 năm, ta chưa hề nói lời nào” hoặc “Như nước biển có vị mặn, giáo pháp của ta chỉ có một vị duy nhất là vị giải thoát”. Thật cao cả thay cho tấm lòng thương chúng sanh cao vời vợi, chỉ vì muốn chúng sanh đạt được Chân Tánh và thành Phật như Ngài, nên những gì Ngài nói và làm đều đúng theo Chân Như, Chân Thật.
Từ sự chiêm nghiệm và dụng công theo Giáo pháp của Đạo Phật, chúng ta sẽ chuyển những chủng tử, nội kết trong tâm đã có từ bao đời qua và được tân huân của đời sống hiện nay, pháp vi diệu này sẽ làm tâm ta trở nên an lạc, trong sáng do định tâm, sinh huệ và tự khởi lòng từ, vì Từ bi và Trí tuệ luôn song hành trong pháp tu của nhà Phật. Chúng ta sẽ đối diện với những vấn nạn của con người tạo ra cho xã hội, cho môi trường, và cho quả đất bé nhỏ này. Sự trực nhận, trực diện chính là Hùng Lực Tâm phát sinh từ tâm thanh tịnh, giả từ vọng tưởng, đến từ Từ bi và Trí tuệ chuyển hóa nghiệp lực, phiền não… nên sẽ đưa người con Phật thấy cần phải can đảm đối diện để đối thoại, để chuyển hóa, xây dựng để đem lại đời sống Chân Hạnh Phúc, thăng hoa con người.
Đó không phải là lời nói suông, viễn vông, không căn cứ… nhưng đó là tấm lòng chân thật xuất phát từ sự nhận diện
được những bản chất của những xáo trộn, những yếu tố hình thành những chuỗi khổ đau, kéo lăn thân phận con người trong những trầm luân của kiếp sống, của chính mình và từ đó, thông cảm, bao dung, chia sẻ chân tình đến kiếp nạn vong thân của con người.
Cuộc đời đã có nhiều bất công, đổ vỡ, hận thù, chia rẽ… chúng ta không thể vì sự riêng tư, ích kỹ, thiếu lòng thành thật v.v… mà gây khổ đau cho nhau. Là một người bình thường, không biết tu tập, chúng ta cũng không thể gây khổ đau cho con người, huống chi là người tự xưng là Phật tử, và là người đang dụng công, thực hành giáo pháp Từ bi và Trí tuệ của Đức Phật.
Với giáo pháp cao siêu, thâm diệu của Đức Phật, có khả năng làm đáp án cho mọi vấn đề của kiếp nhân sinh, của hành tinh mà chúng ta đang sống, từ văn hóa, chính trị, xã hội, môi sinh, hâm nóng địa cầu, hệ sinh thái, bạo động, chiến tranh v.v..và v.v…, nhưng nếu chúng ta chỉ nghiên cứu giáo pháp để thỏa mãn tri kiến, kiến thức cao sâu, tự đề cao cái ngã… mà thiếu sự tu tập, thiếu quán chiếu lại tâm, không diệt trừ những gốc rễ gây khổ đau, thì chúng ta chỉ là nhà thông thái, biện luận suông không hơn không kém, và còn không đóng góp được gì cho chính chúng ta huống là người khác.
Người con Phật thực sự, dù là sơ cơ, hay có tu tập, giữ gìn năm giới, thực hành giáo pháp, thì dù ở đâu, đến đâu, bất cứ nơi nào v.v… đều tự thân người hành giả đó tỏa ra sức sống an nhiên, an lành, bao dung và hạnh phúc để chia sẻ đến mọi người, tùy theo trình độ tu tập. Vì tôn trọng xã hội nên không làm điều gì xấu, quý trọng con người nên không làm tổn hại, và lòng luôn trong sáng, không hận thù.
Một kiếp người rồi cũng trôi qua. danh vọng, tiền tài, vật chất… tất cả đều biến thiên, Vô thường. Và quan trọng hơn hết – thân mạng con người thật tối ư quan trọng. Không có thân, chúng ta không thể làm được gì hết. Tâm phải có thân để thể hiện và thân phải theo tâm để làm những lợi ích cho đời, cho người, cho muôn loại. Nhưng, thân thì thật vô thường và với cái thân quá mong manh này, chúng ta sẽ làm gì?
Tất cả người con Phật sẽ làm gì? Đây là một vấn đề, một suy tư lớn, thật quan trọng… mà chúng tôi nghĩ rằng tất cả người con Phật có lòng với đạo, với đời, với đất nuớc, với con người v.v… nhân ngày Khánh Đản của Đấng Cha Lành, cần quan tâm, quán chiếu đến. Mình không thể nói bất cứ ai điều gì dù là nói về Từ bi, Hạnh phúc, An lạc, Đoàn kết, v..v… khi chính mình không có hoặc là không nuôi dưỡng chính những chất tố thánh thiện được nói và khuyên nhủ người khác. Đức Phật được gọi là Như Lai, vì Ngài nói và làm được chính những điều mà Ngài đã nói và chỉ dạy. Là người con Phật, chúng ta phải học và làm theo hạnh của Ngài. Tất cả mọi giá trị cao đẹp, năng động, văn hóa tâm linh, tình người, không hận thù, bao dung, hạnh phúc, giải thoát là quyền của con người và do chính con người thực hiện, định đoạt, không phải do thần quyền hay từ ai ban cho.
Cho nên, từ Thông Điệp Đản sinh của đức Phật, Đức Phật không chỉ Đản sanh nơi vườn Lâm-tỳ-ni cách đây trên 2633 năm, mà Đức Phật đang và còn mãi có mặt trong từng sát na, từng giây, từng phút và bất cứ nơi đâu khi con người còn đau khổ do vọng chấp, Vô minh…
Đó là một ước mơ rất tầm thường nhưng cũng là nguyện lớn, hướng đi làm lợi ích cuộc đời – của tất cả mọi người con Phật thành kính dâng lên Đức Phật nhân Ngày Đản Sanh của Ngài.
Nam mô Lâm Tì Ni viên, Vô ưu thọ hạ, thị hiện Đản sanh, Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.