Nhân dịp lễ Phật Đản năm nay, ghi lại
NHỮNG NÉT CHÍNH VỀ TUẦN LỄ PHẬT ĐẢN 2508 TẠI SÀI GÒN
Tường thuật của L.H
Lần đầu tiên trong lịch sử Sàigòn, thủ đô miền Nam bừng lên trong ánh sáng Đại hội. Dù đã trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử, quan trọng, nhưng Sàigòn vẫn chưa lần nào hoàn toàn thức tỉnh, náo nhiệt như trong tuần Đại lễ Phật đản 2508. Suốt hai tháng chuẩn bị, không ngân sách nào tính nổi về vật chất, không bút mực nào tả hết được tinh thần tích cực của Phật giáo đồ, ngày 15 tháng 4 đã mở đầu cho một con đường sinh hoạt mới khơi động những thiện ý vốn im lìm trong tiềm thức người dân.
Từ Khánh Hội, Vĩnh Hội qua ngã tư Bảy Hiền, từ Phú Lâm về tới Thị Nghè, toàn thể bộ mặt Sàigòn đã đổi mới. Trời có mưa nhưng lòng người quá vui, đêm có trăng nhưng không so kịp ánh đèn. Sàigòn đã thoát xác, đã trút bỏ tính tình hờ hững mà trở nên vồn vã, ngọt ngào. Người và người ràng buộc trong dây thông cảm thiêng liêng bắt nguồn từ đạo Pháp. Tình đạo tình đời gắn bó. Quên những ngày đau khổ, xa những giờ khép kín, trút bỏ tư hiềm, người dân Sàigòn đã bừng tỉnh dưới ánh đạo Từ bi. Từ trước tới nay, chưa có một tổ chức nào, một chế độ nào có thể đánh thức tâm hồn sinh hoạt của Thủ đô một cách toàn diện và sống động như tuần lễ Phật đản. Khắp nơi, từ Đại lộ tới hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng tràn ngập cờ Phật-giáo với đèn Phật đản. Đếm cho được số cổng chào, biểu ngữ, hương án, lễ đài, cờ đèn, xe hoa tưởng còn khó hơn đếm sao trên trời. Vô số và vô số. Sàigòn đang rung chuyển, Sàigòn đang chuẩn bị chào đón ngày xuất thế của đức Thế Tôn. Từ vài tuần trước, quang cảnh bến Bạch Đằng đã trở nên tấp nập về việc xây dựng lễ đài. Đây là một công phu sáng tạo và kiến thiết vô cùng trọng đại. Lễ đài cao ngót 30 thước. Bệ là một tòa sen tỏa cánh trọn một công viên. Trụ là một đại kỳ Phật giáo cao vòi vọi, trên cùng bừng nở một đóa hoa Ưu Đàm bằng kim loại lấp lánh như ánh sao sa. Tượng sơ sinh cao tám thước ngự trị cả một khoảng trời rộng, sông dài. Nhìn từ tòa đô sảnh tới, Lễ đài đột khởi cao vút lên trời xanh và những nhà lầu xung quanh bỗng nhiên thấp xuống. Ban đêm biển đèn sáng ngời chiếu rọi cả một trung tâm rộn rịp nhất Thủ đô. Lễ đài chưa cất xong đã có bao nhiều người tới lễ bái.
Nếu Lễ đài trung ương đã làm cho hai triệu dân Sàigòn kính phục thì các chiếc cổng chào, các biểu ngữ, các hương án kết bằng những cây chuối non, những bè lá dừa thô sơ, mộc mạc trong xóm nghèo cũng làm cho người ngoại quốc có đạo tâm phải xúc động đến rơi nước mắt. Ngõ nào dù lầy lội, xóm nào dù nghèo nàn, càng heo hút lại càng nhiều cờ, nhiều đèn. Bộ mặt Sàigòn càng thêm linh động nhờ những ngọn cờ phất phới trên hàng vạn chiếc xe, tung rải niềm vui khắp bốn hướng đô thành như thúc giục, như cảnh giác, như kêu gọi mọi người vào trạng thái thức tỉnh trên đường giác ngộ. Tuần trăng tròn, Thủ đô Sàigòn đã nhất tề đứng lên cất tiếng tung hô: TOÀN THỂ PHẬT GIÁO ĐỒ VIỆT NAM PHÁT NGUYỆN XẢ THÂN CÚNG DƯỜNG ĐỨC THẾ TÔN.
LỄ KHAI KINH
Khai mạc tuần lễ Phật đản 2508 là lễ Khai mạc tại chùa Ấn Quang, trụ sở lâm thời của Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Thượng tọa Thích Tâm Châu, Viện trưởng Viện Hóa Đạo chủ lễ. Hàng vạn Phật tử thuộc các đoàn thể trong Giáo hội đã phát nguyện hồi hướng công đức cầu cho quốc thái dân an và truy niệm toàn thể Tăng ni, Phật tử đã hy sinh cho chánh pháp.
Sau đó là bài giảng Khai mùa Đại hội của Đại đức Thích Giác Đức, đại hội đã khởi đầu. Đúng 18 giờ 30, lễ khai mạc PHÒNG TRIỂN LÃM VĂN NGHỆ MỸ NGHỆ PHẨM đã được cử hành vô cùng trọng thể dưới sự chứng minh tối cao của ĐỨC TĂNG THỐNG Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cùng sự hiện diện của chư vị Thượng tọa, Đại đức thuộc Viện Hóa Đạo, và rất đông các vị Tổng trưởng, Bộ trưởng, Ngoại giao đoàn. Phó Thủ tướng đặc trách văn hóa, xã hội đã cắt băng khai mạc giữa tiếng nhạc mừng của ban Đại nhạc Văn mỹ nghệ và ban hợp xướng. Sau khi Thượng tọa Thích Thiện Minh, Trưởng ban tổ chức trung ương đại lễ Phật đản tuyên bố lý do. Thượng tọa Thích Quảng Liên, Tổng vụ Pháp sự đã đọc diễn văn khai mạc. Thượng tọa đã nhận định về đường lối của văn mỹ nghệ Phật giáo.
“Sắc thái Văn Mỹ Nghệ Phật giáo có khác với các loại Văn Mỹ Nghệ khác ở chỗ không gói ghém vụng về một vài điều tình cảm răn bảo, mà mang màu sắc đạo đức linh động, có rất nhiều tác dụng đối với người thưởng ngoạn. Nó phải biểu hiện ba đức tánh: BI, TRÍ, DŨNG song song với ba yếu tố: CHÂN THIỆN MỸ là những điều căn bản của nền văn minh Phật giáo nói riêng và Đông phương nói chung…
Người nghệ sĩ không bao giờ quên mình đang sống trong xã hội, trong dân tộc, vì Phật Giáo đặt sự trường tồn của mình trên sự trường tồn của dân tộc. Xa đường lối Văn Mỹ Nghệ Dân Tộc thì khó lòng thành công trên đường sáng tác.
Nói vậy không có nghĩa là nghệ sĩ không bao giờ tìm hiểu, mà trái lại cần đưa tầm mắt nhìn xa để cho nghệ thuật ngày một tiến triển, nhưng điều căn bản vẫn phải giữ cho được những rung cảm chân thành, giữ cho được những sắc thái đặc biệt của Đông phương mà Tây phương không thể sánh bằng, Đông phương là nơi phát sanh những tôn giáo cao siêu và những nền văn hóa đạo đức. Những nét vẽ hay điêu khắc tế nhị đã làm cho người Tây phương phải ngạc nhiên và thán phục Văn Mỹ Nghệ Phật Giáo, một khi không đi xa đường lối dân tộc sẽ đóng góp phần lớn trong việc xây dựng văn hóa Việt Nam.
Chính vì thế mà cuộc triển lãm Văn Mỹ Nghệ phẩm đầu tiên của Phật Giáo, mà Quí Vị sắp chứng kiến, là những tác phẩm nằm trong đề tài Phật Giáo nói riêng và Đông phương nói chung, đã được thấm nhuần vào tiềm thức nghệ sĩ để trở thành chính cảm nghĩ của nghệ sĩ; những tác phẩm đó không hẳn nói lên bằng ngôn ngữ truyền cảm, mà có khi còn phi ngôn ngữ như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh hay âm nhạc…
Ngoài ra, cuộc triển lãm này còn mang màu sắc đặc biệt của cuộc bảo vệ Chánh Pháp vừa qua, một cuộc vận động đầy đủ ý nghĩa và sâu rộng của một dân tộc yêu chuộng Tự do, dám hy sinh đề bảo vệ bất cứ thứ Tự Do nào bị chà đạp, và được thể hiện bởi toàn dân từ những kẻ mà xưa nay người ta thường cho là thờ ơ với lịch sử dân-tộc: là các vị Tu sĩ… cho đến những học sinh 12, 13 tuổi”.
Và sau đó, Đạo hữu Nguyễn Hữu Ba, Ủy viên Văn nghệ vụ đã tỏ lời cảm tạ các giới Văn mỹ nghệ sĩ:
“… Sự có mặt của Quý bạn Văn Nghệ Sĩ qua tác phẩm đã chứng tỏ tinh thần nhất trí của PHẬT GIÁO với DÂN TỘC, của NGHỆ SĨ với NHÂN SINH thể hiện tinh thần Thống Nhất LÝ TƯỞNG, thống nhất ĐƯỜNG HƯỚNG sáng tác, rất cần thiết cho TÍN NGƯỠNG và NGHỆ THUẬT trong thời đại hiện tại.
Tuy nhiên cuộc triển lãm này chỉ mới là khởi điểm, một khởi điểm oai hùng và sống động bắt nguồn từ lịch sử. Chúng tôi hy vọng, từ ngày tốt đẹp hôm nay, Văn Mỹ Nghệ Phật Giáo sẽ đủ khả năng đem tinh thần BI, TRÍ, DŨNG xây dựng con người, đem giá trị CHÂN, THIỆN, MỸ của tác phẩm xây dựng xã hội.
Một Tôn Giáo, một triết thuyết cao siêu huyền diệu như Phật Giáo muốn đem phổ biến vào ĐỜI thì không thể không nhờ tới công năng của Văn Mỹ Nghệ. Giáo Lý mở đường tới Chân Lý, Văn Mỹ Nghệ khởi nguồn rung cảm nhịp điệu cho nhân sinh. Chúng tôi tin tưởng rằng, từ bước sơ khởi này, Quý Bạn sẽ mãi mãi có mặt cùng chúng tôi trong công cuộc góp phần xây dựng một nền Văn Hóa huy hoàng phụng sự nhân sinh, bảo tồn đạo pháp”.
Toàn thể quan khách thưởng ngoạn một Phòng triển lãm chiếm trọn Viên đình Tao đàn. Hơn 200 tác phẩm tuyển chọn trong số 700 tác phẩm gửi tới gồm đủ các loại tranh sơn dầu, lụa, thủy mặc, tranh tầu, điêu khắc, kiến trúc, nhiếp ảnh, và các mỹ nghệ phẩm kỷ niệm nội dung phản ảnh cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Đề tài tự thiêu và chân dung ngài Bồ tát Quảng Đức đã được thể hiện trong ngót 100 tác phẩm đủ loại.
Các tác phẩm trình bày mang chữ ký của rất nhiều nhà danh họa quen biết. Ngoài ra, thi sĩ Đông Hồ còn trưng bày trọn một phòng toàn là câu đối phảng phất đạo vị với nét chữ phóng túng hào hoa. Phòng triển lãm mở cửa trọn mười ngày và mỗi giờ đón tiếp chừng 3000 người xem. Một kỷ lục chưa từng có về triển lãm ở xứ này. Dù mưa hay nắng phòng triển lãm cũng không một phút nào ngơi.
NHỮNG NGÀY XÃ HỘI VÀ THANH NIÊN
Đại lễ Phật Đản năm nay không riêng cho người Phật tử mà của mọi lớp người nhất là những người đang đau khổ. Xã hội vụ đã phát khởi tuần lễ xã hội. Với thiện tâm tổ chức của Thượng tọa Thích Thiền Định, các đoàn thể trong các Tổng vụ đã tham gia công việc lạc quyên và phân phát quà tặng cho bệnh nhân trong các bệnh viện: Chợ Quán, Bình Dân, Chợ Rẫy, Quân y viện Cộng Hòa, các trung tâm cải huấn Thủ Đức, Gia Định, Chí Hòa, đâu đâu cũng có mặt của đoàn người đem vui cứu khổ. Cho đến các người già nua trong Dưỡng lão viện Thị Nghè cũng được thăm viếng, tặng quà. Có thể nói, tuần lễ xã hội đã tận tâm hàn gắn phần nào các nỗi khổ sinh, lão, bịnh, tử. Số tặng phẩm lên tới 6.000 gói trị giá hằng triệu đồng. Đối với mọi người. Tổng vụ xã hội còn tổ chức các xe hoa trong đoàn rước ánh sáng vào 2 đêm 14 và rằm. Những công tác xã hội này đã nói lên tinh thần nhập thế, tích cực của Phật giáo, tình đoàn kết tương trợ giữa đồng bào không phân biệt tín ngưỡng.
Phật Đản còn là ngày của tuổi trẻ, của thế hệ tương lai. Ngày 10 tháng tư từ sáng tinh sương đã có hơn 10.000 thanh niên thuộc Tổng vụ thanh niên gồm Sinh viên, Học sinh, Thanh Niên, Gia đình Phật tử và Hướng đạo Phật giáo đã có mặt tại sân Vận động Hoa Lư. Dưới sự chủ tọa của Thượng tọa Thích Thiện Minh, Tổng vụ Thanh niên kiêm Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Phật đản 2508. Lễ Phật đã diễn ra trong không khí vô cùng trang nghiêm. Hàng vạn đôi mắt trong nhìn lên, hằng vạn bàn tay chắp lại. Một sự kiện hoành tráng. Tiếng niệm Phật dâng như tiếng thủy triều. Trong buổi lễ Thượng tọa Tổng ủy viên đã ban Huấn từ, Thượng tọa nhấn mạnh:
“Thế mới biết, một khi anh chị em đứng dậy là y như xã hội đứng dậy. Một khi anh chị em tiến bước thì tự nhiên xã hội cũng tiến bước, những anh chị em bê tha thụt lùi thì xã hội cũng trở nên yếu kém trầm trọng”.
Thượng tọa còn phác họa con đường sẽ tới của thanh niên và kết luận: “cho nên lễ Phật đản năm nay, các anh chị em phải tích cực tham gia, tích cực làm việc, tích cực giúp đỡ đồng bào, mang niềm vui lại cho thân thuộc bạn bè, dân chúng, để nói lên rằng, ngày Phật đản, ngày đức Thế tôn giáng thế đã mãi mãi đem cho nhân loại niềm hân hoan bất tận”… lời dạy của Thượng tọa đã được biển người tuổi trẻ ấy đem thực hiện ngay. Đoàn sinh viên Phật tử viếng thăm và tặng quà 5 bệnh viện: Chợ Rẫy, Nhi Đồng, Bình Dân, Từ Dũ, Hồng Bàng. Anh em còn đi thăm Cô nhi viện Phước Thiện do sư bà Diệu Minh quản đốc vào chiều Rằm, Đoàn Học sinh Phật tử và Gia đình Phật tử làm công tác xã hội suốt 8 quận đô thành. Đoàn Hướng đạo Phật tử thăm cô nhi viện Don Bosco. Đoàn Thanh niên ủy lạo Trại giam Võ Tánh. Xóm nghèo Quốc Thanh đã cảm động rơi nước mắt khi thấy các anh chị em sinh viên hăng hái quét rác, đào mương. Công tác xã hội của anh chị em thanh niên Phật tử đã đánh tan thành kiến sai lầm về tác phong hiện tại của thanh niên. Đến tối một buổi lửa trại nêu cao tình đoàn kết và bày tỏ lòng hân hoan của giới trẻ trong ngày Phật đản. Khúc ca tạm biệt đã có thêm giọng hát của một bạn thanh niên Mỹ Quốc.
BUỔI CHIẾU PHIM ĐẶC BIỆT: BẢO VỆ CHÁNH PHÁP
Càng gần ngày Đại lễ, không khí lại càng phẩn khởi, náo nhiệt. Nhất là sự trình bày cuốn phim tài liệu Bảo vệ Chánh Pháp lại là một tác động mạnh mẽ vào tinh thần bất khuất của Phật giáo đồ trước mọi gian khổ, tinh thần thống nhất của Phật giáo đồ trước mọi âm mưu chia rẽ. Vào hồi 10 giờ sáng mồng 10 tại rạp Rex, buổi chiếu phim ra mắt quan khách của Viện Hóa Đạo và báo chí đã được Thượng tọa Thích Tâm Châu, Viện trưởng Viện Hóa Đạo chủ tọa. Các em thiếu niên nam nữ Gia đình Phật tử đã làm hàng rào danh dự tiếp rước chư tăng và Quan khách rất cung kính. Trên 1.400 quan khách đã tới dự buổi chiếu phim này. Đây là cuốn phim tài liệu sống động do các chuyên viên điện ảnh của Viện hóa Đạo thực hiện trên các tài liệu của các phóng viên các đài vô tuyến truyền hình và thông tin trong nước và ngoại quốc, đã quay được trong cuộc vận động vừa qua. Cuốn phim mở đầu bằng những phong cảnh trầm tịch của những ngôi chùa lớn trong toàn quốc biểu thị tinh thần từ bi hỷ xã của Phật giáo, chuyển sang giai đoạn đấu tranh gian khổ phát khởi từ đài phát thanh Huế, chùa Từ Đàm. Rồi đến cảnh ngài Bồ tát Quảng Đức tự thiêu, Hội nghị Diên Hồng, Thông cáo chung. Đến đoạn đám táng, tiếng kinh tiếp dẫn vang vọng khiến nhiều khán giả khóc nức nở. Sang đến đoạn đàn áp tăng ni Phật tử, không khí lại trở nên náo động và cuối cùng mọi người hân hoan ra về, mang trong lòng những hình ảnh tươi sáng của Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, và văng vẳng bên tai lời nhắn nhủ thiết tha của Thượng tọa Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Cuốn phim đã gây một xúc động lớn trong quần chúng, khơi dậy tinh thần dân tộc, tinh thần Đạo pháp không bao giờ gián đoạn. Sau đó cuốn phim đã được đem chiếu tại rạp Kim Châu, rạp Vĩnh Lợi, và giờ phút nào cũng tràn ngập người xem. Cuốn phim này đã được gửi đi khắp các đô thị lớn trong ngày Phật đản và chiếu khắp nông thôn sau đó.
NGÀY QUÂN NHÂN PHẬT TỬ
Phật tử không bao giờ quên ơn những người đã chết cho mình sống, nên một lễ cầu siêu cho các chiến sĩ bỏ mình vì Đạo pháp, vì chính nghĩa cũng đã cử hành trang nghiêm tại chùa Ấn Quang vào sáng mười hai tháng tư. Dưới sự chỉ đạo của Thượng tọa Thích Tâm Giác, Tổng Tuyên úy Phật giáo, một phái đoàn gồm các quân nhân, công chức, sinh viên, các nghiệp đoàn tự do, Gia đình Phật tử, đã đến ủy lạo anh em thương phế binh tại Quân y viện Cộng Hòa, Ngô Quyền, Bảo An, và Trung tâm cải huấn quân đội. Tại Quân y viện Cộng Hòa. THƯỢNG TỌA Thích Tâm Giác cùng sự tháp tùng của bà Trung tướng Trần Thiện Khiêm, bà Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu, bà Tổng trưởng Phạm Thái cùng nhiều phụ nữ, nữ sinh viên đã trao tặng hơn 200.000 đồng tặng phẩm.
Đặt biệt hơn cả, hùng tráng hơn cả là buổi lễ riêng của Quân nhân Phật tử tại tại Lễ đài trung ương bến Bạch Đằng. Dưới trời mưa tầm tả, hàng vạn Phật tử mà đa số là các quân nhân đủ các binh chủng các sĩ quan, các sinh viên sĩ quan Thủ Đức, các Nha sở trực thuộc bộ Quốc phòng, Nội vụ, đã hành lễ dưới sự chủ tọa của Thượng tọa Thích Tâm Châu, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Pháp Tri, Phó Viện trưởng. Đại đức Thích Giác Đức đã thuyết pháp về đức lớn BI, TRÍ, DŨNG của người quân nhân Phật tử. Mưa càng to, đèn càng sáng, giọng thuyết pháp lại càng hùng hồn lôi cuốn, Màu áo chiến binh từng xông pha tên đạn đã đúc kết dưới cơn mưa thành một trường thành vững chải sẵn sàng bảo vệ chính pháp. Nước mưa đổ xuống ào ạt, người quân nhân Phật tử vẫn lắng theo từng lời giảng dạy. Giọng thuyết pháp vẫn vang lên. Đúng là một cơn Pháp Vũ có một không hai trong đời người chiến sĩ.
Mưa mãi cũng phải ngừng, đêm mười bốn tự nhiên trời tạnh ráo. Hàng mấy chục vạn người tràn ngập khắp nơi đón rước Hội Ánh Sáng. Hơn 50 chiếc xe hoa lần lượt trẩy qua các phố Trần Quốc Toản, Lê Văn Duyệt, Hồng Thập Tự, Hàm Nghi, Lê Lợi rồi hướng trước lễ đài. Đêm mười bốn lòng người nôn nao không ngủ.
NGÀY ĐẠI LỄ
Mặc dù đến bình minh hôm rằm tháng tư mới cử hành Đại lễ, suốt đêm mười bốn chung quanh Lễ đài đã tấp nập những người. Anh em Gia đình Phật tử. Hướng đạo Phật giáo lo chuẩn bị trật tự. Tiếng cười nói reo vui vang động cả một khu trung tâm thành phố. Các quân xa chở anh em binh sĩ từ các nơi về, Các vị trong ban tổ chức lo trang bị lần chót cho buổi Đại lễ. Đèn Lễ Đài vẫn sáng suốt đêm. Thế rồi, vào bốn giờ sáng, khắp các nẻo đường, các đoàn thể đổ về. Đông thật là đông, thế mà vẫn im lặng. Vui thật là vui thế mà không thiếu trang nghiêm. Đến 5 giờ sáng thì sự đi lại của Sàigòn gần như lắng đọng. Khắp các ngả đường vào Lễ đài đều tràn ngập những người và người. Y phục chỉnh tề, hàng ngũ nghiêm trang, dáng điệu thuần nhã. Khó mà tưởng tượng được khối người hàng chục vạn tá ấy lại im lặng. Một sự yên lặng của đại dương sau cơn bão.
Trên lễ đài, Thượng tọa Trưởng ban tổ chức đã đến. Máy phóng thanh rộn rã. Đúng 6 giờ, Ngoại giao đoàn và các vị Tổng trưởng, Bộ trưởng trong Chính phủ tới. Trước lễ đài là một rừng cờ và biểu ngữ ca ngợi ngày Khánh đản, ca ngợi nền Phật giáo thống nhất, Tri ân chư thánh tử đạo, cảm tạ nhân dân thế giới. Bên trái Lễ đài là Ban hợp xướng và Ban đại nhạc gồm trên 200 nhạc sĩ. Trước đó dọc theo bến Bạch Đằng là chư Tăng Ni trong màu vàng rực rỡ. Đoàn Nhu đạo Phật tử Quang Trung gần 2.000 người võ phục thêu hoa sen. Bên phải lễ đài là Đoàn Phụ nữ Phật tử y phục trắng trắng tinh, và đoàn thiếu nữ Gia đình Phật tử với đồng phục màu lam hiền dịu.
Đúng 6 giờ 20, Đức Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất đến. Lễ nhạc cử bài cung nghinh. Kể đó Thượng tọa Thích Tâm Châu, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, chư vị Thượng tọa các Tổng vụ, Viện cao đẳng Phật học đến. Nhị vị Phó Thủ tướng đại diện Quốc trưởng Việt Nam Cộng Hòa và Thủ tướng Chánh phủ đến. Đúng 6 giờ 30 Thượng tọa Thích Tâm Châu đọc diễn văn khai mạc. Nhạc trỗi bài Phật giáo Việt Nam, hợp ca: “Nhịp vui Khánh đản”. Thượng tọa Thích Thiện Minh, Trưởng ban tổ chức Trung ương lễ Phật đản đọc diễn văn. Sau khi phác qua quá trình tranh đấu của Phật giáo đồ Việt Nam trong suốt Phật niên qua, Thượng tọa xác định tinh thần cúng dường Thế Tôn trong ngày Phật đản:
“Cúng dường Đức Phật không chỉ vụ ở hình thức nghi lễ. Cúng dường chân chính phải là làm sống dậy những lời Phật dạy trong đời sống tâm linh, cũng như trong đời sống thực hằng ngày. Một người sớm tối chuyên lo tụng niệm, nhưng lại sao lãng thờ ơ trong nhiệm vụ của một Phật tử đối với đoàn thể và xã hội thì không những không làm tròn nhiệm vụ cúng dường mà còn sa vào con đường lịch trệ đáng lo. Để tránh sự sai lầm đó, Phật tử Việt Nam phải luôn luôn nghĩ rằng người Phật tử chân chính phải đi đôi với người công dân tốt. Bởi lẽ mối liên hệ giữa Phật giáo và dân tộc là mối liên hệ bất khả phân”.
Thượng tọa Trưởng ban còn nhấn mạnh vào nhiệm vụ của Phật giáo đồ Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.
“Mặt khác, những hy sinh cao cả trong 6 tháng Pháp nạn không phải nhằm lật đổ một số người để thay thế một số người khác! Ước vọng thâm thiết của Phật tử cũng như của toàn thể đồng bào là mong muốn được sống dưới một chế độ mà trong đó tự do tín ngưỡng được tôn trọng, công bằng xã hội được bảo đảm, tình thương và đoàn kết được thể hiện. Vì vậy, những ai có trách nhiệm với quốc dân hãy tỏ ra xứng đáng và đừng đi ngược lại nguyện vọng của đồng bào, giẫm đạp lên quyền lợi thiêng liêng nhất của xứ sở. Nếu không được như thế thì hóa ra bài học lịch sử không có một ý nghĩa nào cả chăng? Riêng với chúng ta trong cương vị người dân, bài học ấy đã cho ta thấy rằng Lẽ phải, Tình thương và Đoàn kết là ba yếu tố bất khả phân để tạo thành sức mạnh tối hậu của con người cũng như của dân tộc. Sức mạnh ấy, Phật giáo đã từng đóng góp trải qua lịch sử để tạo thành nước Việt Nam “nghìn năm văn hiến” đầy sinh lực sống động và có sắc thái riêng biệt dưới vòm trời Á đông. Chính đó là yếu tố duy nhất đã giúp dân tộc ta giữ vững xứ sở qua bao nhiêu biến thiên của thời cuộc. Thực là một điều khó hiểu khi người ta nhắc nhở đến tinh thần cứu nước, dựng nước mà lại bỏ quên mất yếu tố căn bản đó!”
Thượng toạ vừa dứt lời thì ba hồi chuông trống bát nhã nổi lên vang động cả một góc trời. Đức Tăng Thống niệm hương và toàn thể Phật tử hiện diện đều nhất loạt quỳ xuống. Một quang cảnh lạ lùng chưa từng thấy. Hàng mấy trăm nghìn người, từ trước lễ đài qua tới các đại lộ Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Bạch Đằng, trên một chu vi mấy chục cây số yên lặng quỳ xuống chắp tay, nhắm mắt nhập Từ bi quán. Tại lễ đài chỉ còn nghe tiến xướng kinh, tiếng máy quay phim đều đều. Một sự thanh tịnh vô cùng thanh thoát vĩ đại đã khiến cho vô số khách bàng quan phải lặng lẽ quỳ theo. Nhìn lên đài, đức Tăng Thống và chư vị Thượng tọa, Đại đức đang lễ bái dưới tượng Phật sơ sinh. Trời xanh thêm, cao hơn. Mây như ngừng trôi, gió như ngừng thổi. Ba phút im lặng. Một sự vắng lặng làm rung chuyển cả mọi tâm hồn. Nhạc từ từ trỗi bài Ngũ đối thượng trang nghiêm, vững chải, toàn thể từ từ tỉnh túc và từ lễ đài một lời xướng cao vút tỏa ra:
Pháp vương vô thượng tôn
Tam giới vô luân thất
Thiên nhơn chi đạo sư
Tứ sanh chi từ phụ
Ư nhứt niệm quy y
Năng diệt tam kỳ nghiệp
Xưng dương nhạc tán thán
Ức kiếp mạc năng tận.
Nhất tâm đảnh lễ…” và tiếng niệm danh hiệu Như Lai vang lên, dâng lên ầm ầm như hải triều. Nếu trong phút nhập Từ bi quán, không khí trầm lặng bao nhiêu thì trong giờ phút niệm danh hiệu: “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật” lại vang lên như thác lũ. Tiếng cầu kinh như vút lên, tỏa ra vượt mọi không gian tưởng chừng vang vọng tới tam thiên thế giới, chuyển động địa cầu. Sức mạnh truyền cảm của lời kinh đã làm cho nhiều người rùng mình và ứa lệ. Sau đó, toàn thể lại trở về yên lặng, xót xa nghĩ tới chư vị Thánh vị pháp vong thân. Nhạc trỗi bài Hoài niệm.
Kế đó toàn thể cung kính nghe Thượng tọa Pháp Tri, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo tuyên đọc Thông điệp của Đức Tăng Thống. Hợp xướng: Phật giáo Việt Nam. Ba hồi chuông trống Bát nhã hồi hướng công đức. Sau cùng Đại đức Thích Giác Đức ngõ lời cảm tạ quý vị trong chính quyền, quan khách, các đoàn thể bạn. Thượng tọa Thích Minh Châu, Phó viện Trưởng viện Cao đẳng Phật học ngõ lời cảm tạ ngoại giao đoàn và các quan khách bằng Anh ngữ, văn hoa và lưu loát. Nhạc hòa tấu tiễn đưa Đức Tăng Thống, Thượng tọa Viện trưởng Viện Hóa Đạo, chư vị Thượng tọa, chư vị Phó Thủ tướng và quan khách.
Cuộc lễ rước tượng và Quả Tim Bất Diệt của Hòa thượng Thích Quảng Đức và di ảnh các Thánh tử Đạo bắt đầu. Đoàn rước đi qua đường Tự Do, Lê Lợi, ngừng lại trước bàn thờ di ảnh Đại đức Thích Quảng Hương và nữ sinh Quách Thị Trang thiết lập đơn giản tại Công viên Bến Thành. Chính nơi đây Đại đức đã tự thiêu và nữ sinh Quách Thị Trang đã bỏ mình vì Đạo.
Chưa nhắc tới các buổi thuyết pháp của chư Thượng tọa Thích Minh Châu, Thích Hộ Giác, chư Đại đức, quý vị học giả, văn nhân tại rạp Thống nhất, tại trung tâm Quảng Đức, tại các chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Giác Minh, Từ Nghiêm v v… Lễ Phật Đản 2508 trong tinh thần tập thể kiên trì của Phật giáo đồ Việt Nam, chúng tôi không thể nào dùng con số để diễn đạt mà chỉ ghi lại những nét chính. Đoàn rước tượng và Quả TIM Bồ tát ngừng lại ở Lễ Đài Lê Văn Duyệt, nơi ngài Bồ tát Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân. Lễ truy niệm diễn ra long trọng cho tới 1 giờ 30, đoàn thể cuối cùng mới rời khỏi Lễ Đài. Căn cứ vào số lượng đoàn thể ghi danh, ước lượng chừng 400 ngàn Phật tử đi trong đoàn thể. Ngoài ra, số người vọng bái đầy nghẹt hai bên đường. Các nhật báo trong nước, các hãng Thông tấn ngoại quốc đã xác nhận biển người không thể nào ước lượng nổi, nhưng đều đồng ý từ trước đến nay, chưa bao giờ ở thủ đô có một đám rước nào đông đảo đến thế.
Dù cho có nghìn mắt cũng không trông khắp, dù cho có nghìn tai cũng không nghe trọn nổi những công đức vô cùng vĩ đại của Phật tử Thủ đô và toàn quốc đã đóng góp, và thực hiện được trong tuần lễ vừa qua. Khi mà mỗi Phật tử đã tự mình viết nên một trang sử của Phật giáo, gói trọn cả tâm hồn, thì mọi sự tường thuật đều trở thành vô nghĩa. Tuần lễ Phật đản 2508 dù đã qua nhưng tinh thần ấy, tổ chức ấy, Đại lễ ấy đã đúc kết thành một nét vàng son mở đầu cho một giai đoạn mới của lịch sử Phật giáo và dân tộc.
L.H.
Nhuận Pháp sưu lục từ Đặc san Phật đản 2509 do Tuyên úy Phật giáo Không Quân ấn hành.