Trên con đường tu học nếu như ta có được những người thân thương cùng đi chung với mình thì đó là một điều vô cùng may mắn! Nhưng cũng có nhiều người không nghĩ đây là chuyện gì có ích lợi. Họ không cảm thấy sự tu học là cần thiết cho bản thân, thời giờ nghỉ hè để đi chơi xa, đi biển, đi du lịch đây đó có vui hơn không! “Tội gì phải đi tu học, vừa cực thân mà lại không thực tế.” “Ai mà lại không biết tu là gì, và tu nơi nào mà lại chẳng được, cần gì phải đến những khóa tu!” Những người bạn trẻ thường nêu lên vấn đề ấy. Mà các bác cũng vậy, các bác thấy con đường tu học có thật nhiều lợi lạc, nhưng không biết làm sao có thể khuyên nhủ con cháu mình. Thầy có giúp ý kiến gì không?
Tôi thì chỉ khuyên các bạn ấy rằng, thật ra ta chỉ cần tu học cho chính mình thôi. Chúng ta vẫn có thể giúp cho những người chung quanh, bằng sự thực tập của chính mình. Ta tập mở rộng cái thấy của mình ra, buông bỏ đi những thành kiến, và để cho tình thương có mặt. Khi ta thật lòng muốn làm vơi đi những khổ đau của người khác, họ sẽ cảm nhận được tình thương và sự quan tâm của ta. Trong cuộc đời, tôi nghĩ không có gì có thể giúp mang chúng ta lại gần nhau hơn bằng tình thương.
Tình thương là năng lượng kết nối
Trong tâm lý học Phật giáo, tâm từ, tình thương cũng được ví với yếu tố của nước, vì nước có tính chất lưu nhuận, dính liền với với nhau. Trong thiên nhiên, nếu ta đem hai vật khô khan lại gần với nhau, chúng không thể nào kết hợp được, vì không có một phương tiện xúc tác nào hết. Nhưng khi ta cho nước vào thì hai vật này có thể kết hợp, gần lại với nhau được. Cũng thế, năng lực của tình thương giúp chúng ta đến với nhau, ngồi lại với nhau, và nối liền được tất cả. Quan Thế Âm là một biểu tượng của tâm từ, ngài đem nước cam lộ rưới lên trên những khổ đau và làm tươi mát cuộc đời.
Ta không thể chuyển hóa người khác bằng giáo lý, bằng kiến thức, mà là bằng sự thực tập của chính mình. Sự trong lành và rộng mở của ta là một năng lượng chuyển hóa rất mầu nhiệm. Tu học không phải là để ta thu thập, học hỏi được thêm những gì mới lạ, mà chỉ là bỏ bớt đi thôi. Buông bỏ đi những thành kiến, những lăng xăng tạo tác, và những mong cầu, nhỏ nhen của mình! Tình thương cũng được bắt đầu bằng một sự buông xả.
Tôi nghĩ, sự tu tập của chúng ta, nhất là trong những gia đình mà người chung quanh chưa quen với vấn đề tu học, ta nên bớt đi vấn đề hình tướng. Một khóa tu có sự thực tập dành cho một khóa tu, và trong sở làm, gia đình ta cũng có sự thực tập trong môi trường của sở làm và gia đình. Sự thực tập phải có mặt trong mọi hoàn cảnh, chứ không thể chỉ áp dụng trong một môi trường đặc biệt nào.
Mà tôi nghĩ trong cuộc sống hằng ngày, ta lại có nhiều cơ hội để cho mình trải nghiệm hơn. Ta lắng nghe người khác, ta tập nhìn để hiểu, ta học tha thứ, ta bước những bước chân thảnh thơi trong những ngày có lắm mưa, khi chung quanh ta mọi người đang vội vã, xô đẩy nhau đi tìm hạnh phúc. Lẽ dĩ nhiên là ta phải có sự tu học cho riêng mình, nhưng sự thực tập ấy, phải thông minh và khéo léo!
Hãy là một vị Phật
Và cũng có những trường hợp trong gia đình mà người thương của mình lại là người không cùng một tôn giáo. Vấn đề này cũng đã gây nên không ít khổ đau cho nhau. Chắc Thầy cũng đã chứng kiến điều ấy. Tôi thấy có những trường hợp tan vỡ, và tôi cũng đã thấy có những sự chuyển hóa, hòa hợp thật bất ngờ của cả hai bên.
Có một thiền sinh Tây phương đã chia sẻ như vầy, gia đình cô ta là một gia đình theo Thiên Chúa giáo, ba má cô rất tức giận khi thấy cô tu tập theo đạo Phật. Nhưng từ khi cô buông bỏ những hình thức bên ngoài, cố gắng thực tập lắng nghe, đem tình thương đối lại với ba má cô thì có một sự thay đổi rất lớn. Ông bà chấp nhận và thương cô hơn xưa. Cô nói, “Gia đình tôi rất ghét tôi khi tôi làm một Phật tử, nhưng lại rất yêu quý tôi khi tôi là một vị Phật!”
Hạnh phúc trong gia đình rất quan trọng, và nó phải được bắt đầu bằng hạnh phúc của chính ta. Tôi thấy trong xã hội ngày nay, nhất là ở Tây phương, người ta ít xem vấn đề hạnh phúc gia đình là quan trọng. Phần lớn ai cũng có những hoài bão, những sự nghiệp, những ưu tiên khác nhau, mà trong đó vấn đề cảm thông và hiểu nhau chỉ là thứ yếu. Người ta thường nghĩ về quyền lợi cá nhân của mình nhiều hơn.
Trong một thời đại mà chúng ta có đủ phương tiện để có thể liên lạc với bất cứ ai trên trái đất này, nhưng lại không thể cảm thông được người thương sống cạnh mình là điều thật đáng buồn Thầy hở! Những kỹ thuật tân tiến ngày nay giúp trái đất này trở nên nhỏ bé hơn mấy chục năm trước, nhưng dường như khoảng cách giữa con người lại càng ngày càng rộng lớn hơn.
Nhưng thật ra, dù muốn hay không, chúng ta cũng có những liên hệ mật thiết với nhau hơn là mình nghĩ. Tôi nghĩ trong đạo Phật cái “Ta” không quan trọng. Cái “Ta” đó chỉ có thể hiện hữu trong mối tương quan với một cái gì khác. Sự sống của ta có mặt trong mối tương quan với những sự sống khác chung quanh.
Bắt đầu từ nơi ta
Và cũng nhờ thấy được sự tương quan ấy mà ta ý thức rằng, khi ta được tĩnh lặng và trong sáng thì chắc chắn rằng người chung quanh ta sẽ có được hạnh phúc. Hạnh phúc không bao giờ là chuyện riêng tư, cá nhân được. Ta không thể đóng kín mình lại và bỏ mặc hết chuyện chung quanh.
Mỗi năm chắc Thầy phải đi máy bay nhiều lần, theo Thầy Viện Trưởng đi hướng dẫn những khóa tu. Trước khi phi cơ cất cánh, tôi nhớ người tiếp viên bao giờ cũng hướng dẫn chúng ta cần phải làm gì trong những trường hợp khẩn cấp. Trong trường hợp khi bên trong phi cơ bị thiếu dưỡng khí, sẽ có những mặt nạ dưỡng khí cung cấp cho mỗi người. Và nếu ta có đi chung với các em còn nhỏ, bổn phận của ta là mang mặt nạ cho mình trước hết, rồi mới lo cho các em nhỏ sau.
Vì muốn lo cho sự an toàn của em bé cạnh bên mà ta phải mang mặt nạ dưỡng khí cho chính mình trước. Cũng vậy, trong đời sống hằng ngày, cái mà người chung quanh cần ở nơi ta là sự vững vàng và trong sáng của chính ta. Ta không thể nào ban cho người mình thương những gì mình không có! Vì hạnh phúc không thể là chuyện cá nhân nên tôi biết rằng niềm vui của tôi cũng sẽ là niềm vui của những người tôi thương. Và vì vậy mà tôi biết quý trọng sự tu học của chính mình. Có bạn khi nghe nói hạnh phúc không thể là chuyện cá nhân họ lại không đồng ý, vì như vậy có nghĩa là mình sẽ không bao giờ có hạnh phúc, trừ khi những người thân của mình có hạnh phúc chăng? Nhưng không phải vậy, điều ấy chỉ có nghĩa là hạnh phúc của những người tôi thương được bắt đầu bằng sự thực tập của chính tôi.
[trích Một chia sẻ sống đẹp]