Tết đến, xuân về, xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông, đem đến không gian ấm áp cho đất trời, cây cối, hoa trái và cả với con người. Trước cảnh xuân tươi đẹp, tâm hồn mỗi con người trở nên rộng mở, tràn ngập hương sắc mùa xuân. Hôm nay, các bạn hãy cùng lắng đọng trong cảnh sắc xuân về bằng một tâm hồn an nhiên, thư thái đầy tĩnh tại qua những thi phẩm của cố nhân.
1. Người từ khi còn là thái tử luôn mong muốn ngộ Phật, muốn được làm người tu luyện hơn là ngồi trên ngai vàng. Hơn hai mươi năm sau, Người đã có thể lên núi Yên Tử xây am thiền, tạo dựng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Người là Trần Nhân Tông. Từ đó “Phật Hoàng” bước vào con đường của hoa, đến với mùa xuân thanh thoát, đầy an nhiên và đậm đà màu sắc Phật giáo:
Thuỵ khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi.
Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay
Song song đôi bướm trắng
Phất phới sấn hoa bay.
(Xuân hiểu – Trần Nhân Tông – Ngô Tất Tố dịch)(*)
Như lời Khổng Tử: “Thiên hà ngôn tai / tứ thời hành yên / bách vật sinh yên / thiên hà ngôn tai”. – “Trời có nói đâu / mà bốn mùa luân chuyển / trăm vật trồi sinh / trời có nói gì đâu”[1]Nguyễn Hiến Lê dịch (2003): Khổng Tử & Luận Ngữ, NXB Văn Học. Vạn vật luân chuyển, chẳng ai báo, thời gian chơi trò tử sinh, chuyển hóa từ cái cũ sang cái mới mà người chẳng hay. Trời lặng im và xuân lặng im, để lại người say cảnh say tình. Nghệ thuật miêu tả tinh tế nhất trong bài thơ này có lẽ là từ hình ảnh đôi bướm trắng, bay ‘‘sấn’’ tới bụi hoa. Đôi là đẹp, là hài hòa, là sự kết giao thành đôi, thành cặp. Giữa những sắc hoa rực rỡ, người thiền sư như đang nghiêng tai nghe cánh bướm bay, nghe thanh âm của mùa xuân rộn ràng (phách phách) nhưng cũng nhẹ dịu êm (bởi tiếng phách phách kia được tạo nên bởi một đôi bướm mà thôi). Tình cảm của người thiền sư lộ ra trong tứ thơ ấy, chia vui với vạn vật. Cái tâm của người nhẹ tựa cánh bướm bay đến bên hoa. Trong phút giây đó, người và thiên nhiên hòa hợp làm một, tìm chung được sự cộng hưởng bình yên.
2.Thi nhân nơi xứ Phù Tang, từ xa xưa luôn là những con người mang trái tim tòng phục thiên nhiên. Dòng thơ được coi là gốc rễ của thi ca Nhật Bản – waka in đậm những nét suy nghĩ rất đỗi gần gũi mà cao quý của con người đất nước mặt trời mọc. “Nếu không hiểu waka thì khó lòng thưởng thức haiku và shintaishi (thơ mới) một cách trọn vẹn”[2]Nguyễn Duy Bính (2014): Tìm hiểu phong cách thơ haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa..
Hôm nay, chúng ta hãy cùng lội ngược dòng văn học sử để tìm hiểu về nét đẹp của waka (hòa ca) cũng như của tâm hồn người Nhật cổ (người Wa) qua bài một bài thơ của sư Saigyo – nhà thơ waka đứng giữa hai thời đại, Heian và thời Kamakura. Ông là nhà thơ của hoa anh đào. Tình yêu của ông đối với loài hoa ấy là vô biên. Saigyo xao xuyến vẻ đẹp nơi trần thế, để rồi mỗi lần cánh hoa tàn là một lần nhớ thương:
Hana chirade
tsuki wa kumoran
yo nariseba
mono o omowan
waga mi naramashi
Nếu trên thế gian này
Hoa kia không rụng cánh
Trăng không ẩn trong mây
Hẳn tôi không phải sống
Với nhớ thương đong đầy.
(Saigyo Hoshi – Pháp Hoan dịch)(**)
Hoa và trăng là cái đẹp mong manh. Hoa rụng xuống đời, trăng tan vào thơ, rơi xuống tâm hồn người thi nhân vẫn giữ vẹn nguyên tâm hồn hoang sơ của mình. Với những tâm hồn cô tịch, hoang sơ ấy, thế giới mới phơi ra tất cả nét đẹp vốn có. Nhưng thế gian cũng như hoa và trăng: hoa rụng hay trăng tàn đều là lẽ phù sinh. Không chỉ có thế giới, đóa hoa vô định và mảnh trăng khuất lấp ấy cũng chính là trái tim con người, đều là vô thường, từ muôn kiếp đến một sát na (***)
Cuộc ly biệt giữa người thiền sư và thiên nhiên đầy dư âm và đa nghĩa, mang không khí u sầu của hoa và trăng dần dẫn ta đến một khái niệm của mỹ học Nhật Bản: bi cảm (aware). Còn bi cảm là còn vương lụy. Thuật ngữ “mono o omou” thường được thường dùng để nói đến sự khao khát, vương vấn tình yêu của một người, nhưng ở đây, thuật ngữ này mang khái quát hơn. Niềm bi cảm mà Saigyo muốn biểu đạt trong bài thơ này được duy trì và trau dồi bằng cách đối diện với sự vô thường của thiên nhiên và vẻ đẹp ảm đạm của một vầng trăng khuất lấp sau mây. Có lẽ, niết bàn tịnh độ đối với Saigyo có lẽ chẳng là gì khác hơn niềm hoan lạc tâm linh và thẩm mỹ trong thanh thoát hoa đào và êm ả ánh trăng, nhưng chính điều này làm ông sống trong nghịch lý giữa giải thoát và nỗi bi ai, vương vấn cái đẹp vô thường của nhân gian. Bởi vậy nên những bài thơ của Saigyo là “thơ mọc lên từ trái tim người”. Có thể nói chỉ cần đọc một vài bài thơ của ông, ta sẽ thấy tâm hồn của một dân tộc của xứ mặt trời mọc hiện lên hiện lên.
3. Một thể loại khác của thi ca Nhật Bản được đông đảo công chúng biết đến là thơ haiku – một trong những viên ngọc vô giá trong kho tàng văn chương nhân loại. Nhà thơ Nhật Chiêu đã từng bình về thể thơ này như sau: “Có một thể thơ mà khi để nó lướt qua tâm hồn ta, ta có cảm giác như đang chạm vào thiên nhiên, chạm vào từng mùa… Haiku? Đọc haiku là chạm vào hơi thở của mùa. Là chạm vào hoa đào, đom đóm, là phong, tuyết trắng”[3]Hoàng Hữu Phong (2016): Nguyễn Du và Basho.. Thơ haiku có một quá trình ra đời lâu dài và đạt đến đỉnh cao với Basho. Tiếp đây, chúng ta cùng thưởng thức vẻ đẹp haiku qua một bài thơ của thi hào Basho:
Nan no ki no
Hana towa shirazu
Nioi kana
Từ cây hoa nào
Mà ta không biết
Một làn hương trao
(Nguyễn Nam Trân dịch)
Có phải hay chăng trước hoa, mọi câu hỏi siêu hình đều trở nên vô nghĩa. Kinh nghiệm giác ngộ không hề là một sự khôn ngoan triết lý. Mọi sự trên đời đều hàm chứa mâu thuẫn nội tại nên lí luận chỉ vây hãm ta trong một vòng luẩn quẩn không hồi kết. Ta đâu cần phải biết hoa đến từ đâu hay hương đến từ đâu, mà vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của hoa. Thơ Basho không phải một phong cách thơ được làm nên từ những thủ pháp khoa trương sáo rỗng, càng không phải từ các lý thuyết khô khan.
Basho đã thực sự hoà nhập thơ với đời, đời là thơ. Basho không “làm thơ” mà chính là do “thơ tự thành hình”. Ấy là chỉ khi ta hoà đồng cái tiểu ngã của mình vào đại ngã của vũ trụ, khi giữa ta với thiên nhiên vạn vật không còn những rào cản của giới nhị nguyên ngôn từ, của những mưu tính và dục vọng huyễn ảo. Bao người đối diện với thiên nhiên mà không thấy được hết vẻ đẹp của thiên nhiên. Hãy xem cách người ta thường nhìn một bông hoa: “Bông hoa này dùng để làm gì? Để ăn, để bán, để trang hoàng, để… Và bông hoa biến mất !”[4]Nguyễn Nam Trân (2006): Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, NXB Giáo Dục Việt Nam Hoa đâu còn là chính nó, đâu còn là một niềm hoan lạc cô đơn khi tâm ta đã phủ vấy bụi trần. Thiên nhiên tại tâm. Chỉ có cái tâm ưu nhiên và hư vô mới có thể đón nhận thiên nhiên với tất cả cái vẻ đẹp sơ nguyên của nó. Thơ Basho thành hình là để kêu gọi con người “hãy trở về với thiên nhiên tạo hoá”, nhận diện cái bản lai diện mục của thiên nhiên.[5]Nhật Chiêu (2015): Ba Nghìn thế giới thơm, NXB Văn học (2015)
Có thể thấy rằng, nền thi ca từ cổ chí kim vẫn luôn hướng về phía con người, căn dặn con người ta phải sống và sống như một con người có trái tim, thương yêu đồng loại, thiên nhiên, khi vạn vật được hồi sinh. Một vòng quay khác của trái đất bắt đầu chu kỳ mới. Chu kỳ mang theo biết bao niềm hy vọng, sự tử tế mà chính con người chúng ta mới có thể dành cho nhau, đồng thời, dành cho cả trái đất này.
Vô Danh
(Nguồn: CLB Sinh viên Khoa Ngữ văn)
___________
* https://www.thivien.net/…/poem-GpkeuArfeTxtEKHNDANYzQ
** https://phaphoan.wordpress.com/…/waka-21-saigyo…/…
*** Một thuật ngữ Phật giáo chỉ đơn vị thời gian nhỏ nhất
↑1 | Nguyễn Hiến Lê dịch (2003): Khổng Tử & Luận Ngữ, NXB Văn Học |
---|---|
↑2 | Nguyễn Duy Bính (2014): Tìm hiểu phong cách thơ haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa. |
↑3 | Hoàng Hữu Phong (2016): Nguyễn Du và Basho. |
↑4 | Nguyễn Nam Trân (2006): Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, NXB Giáo Dục Việt Nam |
↑5 | Nhật Chiêu (2015): Ba Nghìn thế giới thơm, NXB Văn học (2015 |