Hằng ngày chúng ta đang giẫm chân trên mặt lãnh thổ Việt Nam dày công tưới bằng màu nóng, bón bằng mồ hôi, chắc chúng ta không thể ăn quả mà chẳng nhớ tới kẻ trồng cây, uống nước chẳng nhớ tới nguồn, làm người không biết nhớ đến Tổ vậy.
Một buổi chiều tà đi trên bờ đê Hồng Nhị, cuồn cuộn dòng nước của phù sa màu mỡ, đàng xa dãy núi Tam Đảo, Ba Vì màu lam sẫm, chợt bên tai giọng véo von trong trẻo của một thôn nữ đang lúi húi dưới ruộng lúa vàng:
Ai đưa em đến chốn này
Bên kia là núi, bên này là sông
Ai chẳng thấy xúc động tâm can, mà nghĩ lung về câu hỏi thành thật hồn nhiên của một tâm hồn nông dân đa cảm. Chính vậy, ta đây với núi kia, với sông nọ, há không có một mối tương quan mật thiết từ lâu? Giang san này từ đầu mở cõi, dân tộc này đã có từ bao?
Non cao ai đắp mà cao
Sông sâu ai bới ai đào mà sâu
Và nhà thi sĩ Tản Đà diễn giải thêm
Nàng bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Mà đến bây giờ rách tả tơi.
Ấy trước Ông cha mua để lại…
Sự thực ông cha chúng ta không phải mua đắt bán rẻ của ai, cái lãnh thổ Việt Nam yêu dấu này, mà là đã dày công tranh đấu, mạnh được yếu thua như lời khóc của Phan Bội Châu khi ai điếu Phan Chu Trinh trong một văn tế đọc ở Huế:
Tuồng thiên diễn mưa Âu gió Mỹ,
Cuộc nọ kém thua, hơn được,
Ngó non sông nên nhớ bậc tiên tri;
Dầu địa linh con Lạc cháu Hồng
Người sao trước có, sau không,
Kinh sấm sét hỏi đâu lòng hậu bối.
Vậy ông cha ta là ai, đến đây khai thác tự bao giờ. Đã phải tranh đấu vật lộn như thế nào, và nay chúng ta nên nối chí ra sao, đây là những ý nghĩ nó hiện trong tâm tư của chúng ta không sao dùng được, mỗi khi đến ngày giỗ Tổ.
Hai chữ Hùng Vương nhắc lại ta hồi ức, bước đầu chập chững lập cơ sở nông nghiệp định cư, để sống cuộc đời văn minh có tổ chức quốc gia của một ngành trong các ngành Việt tộc là ngành Văn Lang vẽ mình, Từ Phúc Yên đi về Hà Nội, đi qua Loa thành còn lại nhấp nhô một vài ngọn đồi đất, rồi rẽ vào cánh đồng làng Cói, không khí nức mùi lúa tám thơm, vẳng nghe tiếng hát của cô thợ gặt tức cảnh sinh tình:
Thương cho hạt gạo tám soan
Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà!
Và chúng ta liên tưởng đến hình dáng của cái nồi đồng điếu, từ cái nồi đồng điếu đến cối giã gạo của người dân Mường ở Lương Sơn, từ cái cối ta liên tưởng đến cái dáng của trống đồng mà các nhà khảo cổ đã khai quật ở Đông Sơn miền Thanh Hóa, Chúng ta nhận cái dấu tích của trống đồng mà suy ra đến nền văn hóa Đông Sơn bao quát toàn cõi Đông Nam Á châu, đến cái xã hội bắt đầu bước vào văn minh nông nghiệp của Việt tộc, rải rác từ Triết Giang xuống tận Thanh Hóa, Nghệ An. Thật vậy cõi Đông Nam Á châu này từ sông Dương Tử trở xuống, hàng ngàn năm trước kỷ nguyên, trong khi Hán tộc còn đang mải xây dựng cơ đồ, nhà Thương, nhà Chu, ở lưu vực sông Hoàng Hà Vy thủy gọi tất cả các dân tộc ngoài Trung Quốc, nghĩa là về phía Nam Sông Dương Tử là Man Di, thì cái cõi Đông Nam Á châu này vốn là sân khấu của một số lớn dân tộc Bách Việt. Khi Hán tộc đã có tổ chức của một xã hội vững bền thì Bách Việt hãy còn sống đời bán du mục, bán nông phố, sinh nhai theo ven sông bãi bể. Sống với sản vật của sông ngòi, cho nên giỏi nghề bơi lội, lấy giống khỏe nhất ở nước là cá sấu đem thần thánh hóa bằng tưởng tượng ra, con rồng kỳ lạ, để lấy làm vật tổ, và vật tổ ấy sẽ tập trung tất cả tâm hồn của đoàn thể...
Nhân loại bấy giờ là nhân loại còn mộc mạc hồn nhiên, cùng với các thế lực tự nhiên giao dịch thân mật đồng đồng vãng lai, ấy là tinh thần ma thuật, tinh thần phù thủy, tinh thần “chài” “ngải” của Mường, Mán ngày nay hay “gồng” Chà kha. Ấy là thời kỳ chưa lấy thờ phụng tổ tiên làm căn bản xã hội tinh thần, mà lấy tục hải vật làm tôn giáo, coi vạn vật đều có linh hồn như mình cả. Ở thời ấy cá nhân chưa vị kỷ, nghĩa là chưa phân biệt đời sống của mình với đời sống chung của đoàn thể, đoàn thể là một thế lực độc nhất thiêng liêng. Hồn nước phảng phất bao bọc chung quanh mình, mình đi đâu theo đi đấy trong giới hạn của khí hậu có vật tổ của mình. Song cứ lang thang đời sống bộ lạc du mục, nay đây mai đó thì chỉ là sống cầu may, ăn sổi ở thì, ví như một nhóm người chưa có gia sản, chưa có thể tích cốc phòng cơ thì làm sao mà phát triển văn minh được, cho nên nhân loại sớm phân biệt ra làm hai nhóm dân tộc, một nhóm theo đuổi đời sống du mục trong rừng núi, với một nhóm tách khỏi đoàn thể cùng một vật tổ để tìm nơi an cư lạc nghiệp ở các bãi phù sa, có đường thủy để giao thông, có núi bể để che chở ngoại xâm, có đất màu mỡ để cày cấy. Một ngành trong Việt tộc đã dời cao nguyên Bắc bộ, mà chọn nơi đồng bằng Nhị Hà và Thái Bình, phía đông có Thái Bình Dương, phía Tây có dãy Hoành Sơn là những bức thành tự nhiên. Ở đấy đoàn thể Văn Lang trong các ngành Việt tộc đã dừng chân tìm đặt nền móng cho giang sơn đất Việt:
Nam quốc sơn hà nam đế cư!
(Sông núi Nam, dân Nam là chủ)
Sử chép: “Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: Ta là loài rồng, nàng là loài tiên, thủy hỏa tương khắc khó chung với nhau.
“Vợ chồng từ đấy ly biệt chia con làm đôi, 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về bể, cắt con trưởng lên làm vua Hùng Vương nối ngôi, đặt quốc hiệu Văn Lang đóng đô ở Phong Châu nay là Bạch Hạc, truyền 18 đời đều gọi Hùng Vương.
Từ đấy nàng ở lại phía Bắc với đàn con. Chàng đi về khai thác cơ nghiệp ở đồng bằng với đàn con. Bởi vì ở bộ lạc du mục thì còn giữ nhiều tính cách của chế độ xã hội công cộng nguyên thủy gọi là mẫu hệ, người phụ nữ được tôn trọng, con cái theo dòng họ của mẹ, cả họ là một nhà. Chuyển sang chế độ định cư nông nghiệp lang đổi thành làng, nhất thiết từ tinh thần đến tổ chức kinh tế đều thay đổi. Gia đình là đơn vị của xã hội kinh tế nông nghiệp, tinh thần bái vật biến dần sang tôn giáo tổ tiên, vật tổ biến ra tổ quốc, lấy sơn hà xã tắc làm tiêu chuẩn, chế độ phụ hệ thế cho chế độ mẫu hệ để thích ứng với điều kiện kinh tế mới, từ thiên hạ vi công biến sang thiên hạ vị gia, cần phải thừa tự, cha truyền con nối.
Trong khi ấy thì Hán tộc ở phía Bắc sông Dương Tử đã dựng xong cơ nghiệp ở lưu vực sông Hoàng Hà, Vị thủy, sẵn sàng để bành trướng xuống miền Nam, vì thấy chật hẹp và lại luôn luôn bị Nhung, Địch xâm lăng. Hán tộc bèn dòm ngó xuống phía Nam sông Dương Tử của dân Bách Việt. Sách Giao Châu vực kỷ, là quyển sách sử ký cổ nhất của Trung Hoa có viết:
“Đời xưa, khi nước Giao Chỉ chưa chia làm Quận, Huyện nghĩa là chưa bị Hán tộc đô hộ, thi lãnh thổ chia ra những cánh đồng gọi là Lạc điền, trong những cánh đồng đó, nước lên xuống theo thủy triều. Dân cư cày bừa những ruộng đó để sinh nhai.”
Lại trong sách Việt Nam chí viết:
“Đất Giao Chỉ rất phì nhiêu, nhiều dân bị di cư đến đó. Họ là những người đầu tiên khai khẩn đất. Đất đen và bốc hơi lên mạnh lắm, nên bấy giờ những cánh đồng đó gọi là Hùng điền và dân là Hùng dân; lãnh thổ đất Hùng thì chia ra cho Hùng tướng.”
Giáo sư Maspero chuyên khảo cứu về Đông phương cổ sử kết luận về nước Văn Lang của dòng giống Lạc hồng:
“Xã hội có tính cách trật tự và phong kiến tương tự với dân Thái và Mường ở miền Đà Giang và những vùng giáp giới Bắc bộ với Ai Lao.”
Người Bắc Việt bình dân không hay di chuyển và lập thành các đoàn thể nhỏ, gồm làng, đặt dưới quyền cai trị của Lạc tướng thể tập. Những Lạc tướng giữ quyền về tôn giáo, dân chính và binh bị.”
“Về phương diện vật chất thì cũng khá tiến bộ. Dân ở Bắc Việt xưa kia cày ruộng không dùng cày và trâu mà dùng toàn cuốc làm bằng đá mài. Họ đã biết cấy 1 năm 2 mùa, và nếu thực ra họ biết lợi dụng được mực nước sông lên xuống để cho nước vào ruộng, thì họ cũng đã là những nhà làm ruộng giỏi. Còn về binh khi họ có những cung lớn độ vài thước cao để dùng bắn những mũi tên có tẩm thuốc độc. Họ đã biết đúc đồng để làm đầu mũi tên.”
“Họ hay ưa vẽ mình, búi tóc ra đàng sau gáy và chít khăn cũng như bây giờ con cháu họ vẫn theo. Tuy rằng Triệu Đà gọi nước họ là ‘nước của người lõa lồ’ nhưng không nên hiểu nghĩa đen của lời nói đó.”
Xem như thế thì những truyện về đời Hùng Vương ngày nay còn truyền tụng không phải hoàn toàn là hoang đường, mà trái lại ngụ nhiều ý nghĩa xác thực. Ý nghĩa bình dân với lõa lồ đã diễn tả trong truyện Chử Đồng Tử. Không bình dân sao một công chúa như Tiên Dung Mị Nương lại kết hôn với chàng Chử Đồng Tử nghèo đến không sắm nổi cái khố, mà đến nỗi hai cha con phải dùng chung! Không bình dân mà sao anh hùng lại xuất thân nơi hàn ốc?
Lại còn câu truyện Trường Chi, anh lái đò mơ màng nàng công chúa song không được may mắn như Chử Đồng Tử với Tiên Dung Mỵ Nương. Đấy là tượng trưng tục kết hôn không phân biệt giai cấp ở dân tộc Việt từ cổ lại, “yêu nhau giả thứ bất luận tài”. Dù về sau Hán tộc có thịnh hành ở xã hội Việt Nam mà sinh ra cái lệ “môn đăng hộ đối”, nhưng môn đăng hộ đối đây là để cầu lấy dòng thi lễ, nơi trâm anh, chứ không phải có phân biệt giai cấp như ở các xã hội phong kiến khác. Cho tới ngày nay, trước tư tưởng lái buôn đang dồn dập làm dao động đến cỗi rễ xã hội Việt Nam, chúng tôi tin chắc còn nhiều bà từ mẫu sẵn lòng gả con gái yêu cho một học trò kiết. Đấy là tinh thần bình dân của văn hóa cổ truyền Việt Nam vậy.
Muốn khai khẩn đồng bằng sông Nhị, không có tài trị thủy, không biết đoàn kết để hợp tác và phân công thì làm sao giải quyết được vấn đề nước lụt ở Trung Châu Bắc Việt, để xây dựng cơ sở cho xã hội nông nghiệp. Lúc đầu còn đóng đô ở Bạch Hạc là cửa ngõ Trung Nguyên, dần dần mới tiến xuống Cổ Loa và Long Biên, ấy là tuần tự theo sau công cuộc khai thác đồng bằng và giải quyết vấn đề nước lụt. Cho nên truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh chẳng đã ngụ cái công trình khó nhọc để tranh đấu gian nan, hòng cướp lấy miếng đất phì nhiêu, màu mỡ của dòng nước phù sa cuồn cuộn hãi hùng. Nhân công tranh đấu với hóa công, nào chỉ có đối với nước lụt. Ngoài nước lụt còn phải thích ứng với thủy thổ nóng, rét bất thường, ẩm thấp sinh bệnh. Cho nên bảo rằng ruộng bốc hơi độc nên gọi là “Hùng điền”. Loài người tranh đấu với thiên nhiên bằng gì, nếu chẳng phải bằng kỹ thuật, mà kỹ thuật nông nghiệp là khí cụ canh tác.
Hơn nữa còn phải chống với những cuộc xâm lăng của các dân du mục, thường hay đi xâm chiếm vào các xã hội định cư, vì miếng ăn cho nên phải có khí giới sắc bén, nào gươm của Phù Đổng Thiên Vương, nào nỏ thần của Thục An Dương Vương. Muốn chế tạo khí cụ để tăng gia nhân công, trong công việc sản xuất, cung cấp cho một xã hội sinh sôi nảy nở đông đúc miệng ăn thì ít ra người chỉ huy cũng phải dạy cho dân cách đo lường, đo vuông và đo tròn, đây là quy củ, lại còn tỏ ra cái trí thức về tài tổ chức. Cho nên vua Hùng Vương thứ VI, sau khi đã phá được giặc Ân, nhờ bậc anh hùng dân tộc là Phù Đổng Thiên Vương, muốn truyền ngôi cho con mà trong 22 ông quan Lang, đem trân cam mỹ vị đến dâng, lại chỉ trọn lấy chiếc bánh chưng vuông, bánh dày tròn mà trao ngôi thủ lĩnh cho người con thứ 18. Ý hẳn là với quan niệm trời tròn, đất vuông, nhà vua xét ông này mới đủ kinh luân để mà: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn” cho dân tộc.
Xã hội nông nghiệp là xã hội lấy tổ chức gia đình làm đơn vị cho xã hội kinh tế cũng như cho xã hội tôn giáo chính trị. Một xã hội phức tạp là phải có tổ chức, muốn tổ chức phải lấy chế độ để quy định dường mối quan hệ giữa người với người và người với sự vật, tức là phép xử thế tiếp vật, tức là Lễ vậy. Xã hội lấy gia đình làm đơn vị, mà gia đình thì lấy cá thể là một cặp âm dương, tức là vợ chồng, chứ không phải lấy cá nhân làm đơn vị như xã hội Tây phương cận đại. “Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ.”
Đường lối người đối xử với người bắt đầu từ cách thức cư xử giữa vợ chồng. Cho nên tình vợ chồng là quan hệ căn bản, thì cách lấy nhau cũng bắt đầu quy định cho nó có một tình cách thiêng liêng. Ấy là ý nghĩa trong truyện Trầu, Cau.
Trầu, Cau có ý nghĩa siêu thần hóa tình vợ chồng, lấy tôn giáo thuần phong mỹ tục đề sửa trị dường mối xã hội. Vậy dân tộc Việt Nam, đoàn thể Văn Lang đã có ý niệm về luân thường đạo lý, trước khi chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
Và trước khi Hán tộc tràn xuống đô hộ miền Nam thì phong tục Văn Lang, nhất là về sự giao thiệp, giữa nam nữ vẫn còn tự do chất phác. Bằng chứng là ngày nay thôn quê Bắc Ninh lên đến Phú Thọ, gặp ngày đầu Xuân, trai, gái rủ nhau lên đồi, vào động, hát những câu hát phong tình:
Đêm qua sáng trăng mờ mờ,
Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
Vào vườn trầu quả cau canh
Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu
Trầu này têm những vôi tầu
Ở giữa đệm quế, đôi đầu thơm cay
Chiềng anh cơi miếng trầu này
Dù mặn, dù lạt, dù cay, dù nồng
Dù chẳng nên đạo vợ chồng,
Cầm năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương.
Lại còn tục lệ động thổ ở các làng Việt Nam từ dân làng phong tước cho thần bằng cách đặt ba nắm đất dưới gốc cây cổ thụ trước sân đình, phảng phất với tục thờ thần bên Trung Quốc, nhưng khác là ở Trung Quốc thì nhà vua ban cho chư hầu một miếng đất để về lập bàn thờ, như thế chứng tỏ xã hội Việt Nam vốn có tinh thần bình dân hơn xã hội Trung Hoa vậy.
Đấy là xã hội Việt Nam trước khi bị các văn hóa khác du nhập. Nước Văn Lang là một tổ chức nông nghiệp, có tính cách xã hội với chế độ kinh tế, bán công, bán tư, đến ngày nay vẫn còn di tích, có tinh thần dân chủ bình dân của tổ chức làng, xã có tinh thần tự do tín ngưỡng phiếm thần. Nam, nữ chưa theo hẳn quy chế “Thụ thụ bất thân” của Hán tộc, cùng nhau tỏ khí phách anh hùng trong công cuộc bảo vệ giang sơn đất nước và kiến thiết quốc gia chung. Đấy là ý thức quốc gia Dân tộc thuần túy Việt Nam ở bước đầu trên con đường Nam tiến. Từ đây trở đi, ròng rã trong khoảng hơn hai ngàn năm, từ sông Dương Tử cho chí bờ bể Thái bình dương, trên một sân khấu rộng lớn, đã diễn ra cuộc tranh hùng giữa hai chủng tộc, Hán tộc với Việt tộc. Các đoàn thể Việt tộc từ Triết Giang, Động Đình, Ba Thục, Quảng Đông, Quảng Tây đến Giao Chỉ (Bắc bộ) đến Cửu Chân (Thanh, Nghệ) dần dần bị đồng hóa vào văn hóa Trung Hoa hoàn toàn.
Các triều đại Trung Quốc dùng vũ lực thôn tính, sát nhập vào bản đồ Trung Quốc như chúng ta đã thấy. Duy có đoàn thể Lạc Việt này, sau một thời gian hàng ngàn năm đô hộ, đã nhẫn nại bền gan, theo gương Câu Tiễn, cái gì của người hay, mình thâu lấy, cái gì của mình dở thì bỏ đi, nhưng không bao giờ vong bản, luôn luôn biểu lộ cái ý chí độc lập, cái ý thức Quốc gia Việt tộc, mỗi ngày một sáng suốt. Kìa như Âu Lạc của nhà Thục, kế nghiệp Văn Lang của nhà Hùng đúng hơn của nhà Lạc, cùng là hai giống Việt tộc hợp làm một, cùng tỏ ra một tinh thần độc lập cương quyết đối với thế lực nhà Tần.
Sử chép: “Người Việt không chịu làm dân nhà Tần, trốn vào rừng ở, ngầm đặt người mạnh giỏi lên làm tướng, nhân khi quân Tần trễ nải, khởi lên đánh giết Đồ Thứ là Hiệu úy của Thủy Hoàng. Kia như Triệu Đà là người Tàu, sau khi dùng mưu mà chinh phục được Âu Lạc, đặt nước là Nam Việt, tự xưng là Việt Vương, cũng có một tinh thần không chịu sáp nhập vào Trung Quốc của nhà Hán. Lữ Gia, Thừa tướng Nam Việt cũng quả quyết giết kẻ gian thần cùng sứ bộ Tàu, sẵn sàng chống cự với quân Tây Hán. Như thế đủ thấy từ trước thời kỳ Bắc thuộc, ý thức quốc gia Việt tộc đã cương quyết, trung thành với lý tưởng: “NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ” của tướng quân nhà Lý.
Nhưng từ Hồng Bàng cho tới nhà Lý, kể đường đất còn dài, 258 trước Thiên chúa đến 1010 sau Thiên chúa tính ra có hơn 12 thế kỷ, cuộc đô hộ của Hán tộc đã thay đổi bản sắc Việt Nam như thế nào; dân tộc Việt Nam đã nhờ có sự Bắc thuộc mà tiến hóa hay đã vì nó mà thoái hóa. Đấy là một câu hỏi làm cho chúng ta phải suy nghĩ.
Người ta thường ví cuộc đô hộ của nhà Hán trên đất Giao Chỉ với cuộc đô hộ của đế quốc La Mã trên đất Gaule. Ngày này sử gia Pháp đều công nhận có cuộc đô hộ ấy mà dân Pháp đã thâu thái được văn minh La Tinh, rồi mới có điều kiện để thống nhất thành quốc gia dân tộc Pháp. Còn dân tộc Việt Nam đối với cuộc đô hộ Hán tộc thì sao? Chúng ta cũng phải công nhận một điều là Hán tộc trong cuộc đô hộ đã truyền bá văn minh sang cho ta và nhờ đó mà chúng ta đã được phát triển về các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Chúng ta không thể chối cãi rằng cày sắt trâu kéo thay cuốc thuổng bằng đá mài, đã không làm tăng gia lực lượng sản xuất của xã hội Việt Nam. Lực sản xuất tăng gia thì dân số mới tăng gia và dân tộc mới cường thịnh. Ngoài ra văn hóa Hán tộc đã là một nền văn hóa nông nghiệp cao đẳng với nền triết học phong phú uyên thâm của Xuân thu Chiến quốc hẳn đã giúp nhiều tư tưởng cho dân Việt. Dân Việt cũng hẳn nhận thấy thế mà đã lập đền thờ Sĩ Nhiếp, và thường nhắc nhở đến Tích Quang với Nhâm Diên, là những quan cai trị Tàu. Không ai chối cãi là văn hóa Hán tộc đã biểu thị rực rỡ mãnh liệt cái tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội trên nền tảng sinh hoạt nông nghiệp.
Nhưng cũng vì cái văn hóa ấy đã tỏ ra quá đồ sộ, nguy nga cho ta, kiến trúc quá chật hẹp đối với tính tình của ta, cho nên cá tính dân tộc Việt Nam đã không phát triển được tự do tiềm lực của nó.
Song nếu xét ở thành tích, lịch sử thì chúng ta thấy đại khái dân Việt vẫn luôn luôn cố giữ cá tính của mình và cố thâu thái của người để thích ứng vào tính tình của mình, chứ không bao giờ chịu hoàn toàn mượn một cách vô ý thức. Bằng chứng là trong thời Hán thuộc, hai phen khởi nghĩa đầu tiên, dân chúng đã suy tôn quyền phụ nữ, toàn dân hưởng ứng, và tuân theo sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng và của Bà Triệu. Đây là trung thành với phong tục Lạc Việt về sự tôn trọng nữ quyền. Nếu các Bà đã thất bại, không phải vì không được lòng dân, nhưng chính vì tổ chức quân đội chưa hoàn bị. Và sau này, đến Đinh Tiên Hoàng, ý thức quốc gia Việt Nam mới được thực hiện, một trong những điều kiện thành công ấy hẳn là đã thâu hóa phương pháp tổ chức chính trị và binh bị của đối phương tài giỏi hơn mình, và cũng nhờ sự học hỏi thêm tài chính trị thống nhất của Trung Quốc mà Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất được quốc gia Việt Nam bằng chính trị đi đôi với binh bị.
Về chế độ chính trị và chế độ quân chủ của Việt Nam còn giữ được nhiều tính cách bình dân, chứ không phong kiến như Trung Hoa. Bởi vì tổ chức hành chánh đã lấy làng làm đơn vị mà tổ chức làng vẫn giữ được tính cách dân chủ, như ở thời Lang, công điền đi đôi với tư điền, hành chính do sự tuyền cử chọn ra, phảng phất như một hội đồng thị tộc ngày xưa. Còn đối với Chính phủ trung ương thì tuy tôn trọng nhưng vẫn giữ tính cách địa phương tự trị. Cho nên tục lệ ít ra cũng được coi ngang hàng với pháp luật: “Luật vua thua lệ làng”.
Cái tinh thần bình dân ấy đã nhiều phen bộc phát trong lịch sử bằng cuộc cách mệnh chính trị táo bạo như Hồ Quý Ly, muốn quốc hữu hóa điền địa, hạn chế tư sản không quá mười mẫu, về tiền tệ cấm tích trữ bạc tiền, về giáo hóa thì bắt nho sĩ quay về thực học. Sau Hồ Quý Ly đến nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, lãnh đạo nông dân nghèo chống với giai cấp chỉ huy, lúc bấy giờ đã phản quyền lợi của dân tộc, đi trái với ý chí thống nhất của quốc gia. Về phương diện cải tạo xã hội nhà Tây Sơn cũng tỏ ra tính cách Việt Nam bằng cách bỏ chữ Hán thay bằng Nôm. Vua Quang Trung định hun đúc cho người Việt Nam một nền văn hóa riêng biệt, một quốc gia hoàn toàn độc lập để đối chọi với Trung Quốc vẫn thường coi Việt Nam như một Phiên thuộc. Nhưng “dục tốc bất đạt”, nhà Hồ cũng như Tây Sơn đã thất bại vì vội vàng.
Ngoài văn hóa Trung Hoa thiên về thực tiễn, dân Việt Nam còn đồng hóa vào cá tính của mình cái tinh hoa của văn hóa Ấn Độ là một văn hóa có tính cách thuần túy tâm linh. Cả văn hóa nhà Lý đã đẻ ra trong dân gian một trào lưu Phật học. Nhà vua chỉ mong làm hết nhiệm vụ để rút lui về chùa, cũng như các nho sĩ Việt Nam xuất từ cửa Khổng, nhập vào cửa Phật. Ra làm quan để thi hành chính đạo, để vì dân vì nước, lúc về già lại tiêu dao cảnh Phật, cảnh Tiên. Ví như khẩu khí của một ông quân đội nhà Lý là Đoàn Văn Khâm:
Chống gậy lên non dứt tục trần
Lặng trong ảo mộng bạn phù oan
Rắp ranh tôi muốn theo “Trừng” “Thập”
Khốn nỗi cân đai luống buộc chân!
Hay là như đời nhà Trần, hai ông vua bỏ ngai vàng trốn lên núi đi tu là Trần Thái Tôn và Trần Nhân Tôn. Tác giả kinh Khóa Hư, Trần Thái Tôn có viết: “Đạo của Phật ta lại phải mượn đấng Tiên–Thánh–Nhân để truyền bá cho đời”.
Như thế đủ thấy cái tinh thần văn hóa dân tộc của Việt Nam lấy nghĩa quân bình làm tiêu chuẩn chứ không có thiện lệch.
Quân bình bên lý với bên tình, luân lý quốc gia với tình cảm tự nhiên. Mỵ Châu, Trọng Thủy, nỏ thiêng hờ hững, giếng ngọc vơi đây, nghĩa đoàn thể, quyền cá nhân, bên nào nặng, bên nào nhẹ? Không lưỡng lự chàng nam nhi đất Việt đành cam chịu bạc với tình để đền nợ nước, còn nợ tình thì chỉ một thác cho rồi ngày xanh. Bởi vì trong thâm tâm chàng vẫn tin có ba sinh hương lửa, vốn là tư tưởng vật linh truyền thống. Đây là cái quan niệm lý tưởng về cái nghĩa sống của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa mỗi khi có sự xung đột giữa bên tình bên nghĩa, thì con người ý chí của Việt Nam tức thì xuất hiện. Con người lấy nghị lực để giải quyết sự sống hiểm nghèo, giữa hai khối Hán tộc với Hồi tộc. Cái chủ nghĩa ý chí ấy thực đã chứng minh cho cái tinh thần dân tộc Việt Nam bằng cả bộ Việt sử hơn hai ngàn năm không hề gián đoạn, và đã diễn tả bằng một câu chuyện có vẻ hoang đường là quả dưa đỏ: Một người phải dời hoàn cảnh xã hội để sống một mình tự lực nơi hoang đảo như Robinson Crusoe, rút cục, với lòng tự tin, tuy tin có thiên định, nhưng không ngừng tranh đấu nỗ lực, đã thắng nỗi cuộc thử thách của thiên nhiên.
Đấy là quan niệm Việt Nam về con người lý tưởng, con người lấy ý chí điều khiển cả tâm lẫn vật mà hạnh phúc ở tại chỗ quân bình.
Nhưng dân tộc Việt nào phải chỉ chống đỡ có một mặt Bắc với cuộc đánh đuổi dồn dập của Hán tộc mà thôi. Muốn bảo tồn cá tính và sống còn nó còn phải đối phó mặt Nam với dân tộc Hời (Chiêm thành). Dân tộc này nào phải mọi rợ, trái lại văn hóa của họ còn cao hơn dân Việt. Song mạnh được yếu thua là công lệ của các dân tộc trên mặt đất. Trong cuộc tranh hùng lấy đất sống, dân Việt đã tỏ sự thắng thế vì dồi dào sinh lực hơn dân tộc Chàm, và nhờ văn hóa thực tiễn hơn nó đã thụ hưởng được của Hán tộc. Trước sự áp bách Nam tiến của Hán tộc, người Việt tộc cũng phải tranh đấu dẻo dai anh dũng để tiến về phương Nam. Phần tử tỏ ra tinh nhuệ trong Việt tộc là Âu Việt và Lạc Việt đã mở đường tiên phong để tiến tới Hà Tiên, Châu Đốc, giáp Vịnh Xiêm La. Bởi vì dân Việt đi đồng hóa một cách ôn hòa lặng lẽ, suốt trong cuộc Nam tiến họ chỉ tỏ cái khả năng cần cù nhẫn nại, vừa khai khẩn đất hoang vừa sinh sôi nảy nở, vạn bất đắc dĩ mới phải dùng đến võ lực, và sau võ lực lại bắt tay vào công việc đồng hoa thâm nhập với đời sống của dân bản xứ. Cứ như thế với thời gian, và nghị lực cuộc di dân nếu không có điều cản trở thì hẳn còn xa hơn nữa và trên khoảng đất Đông Dương lấy Hoành Sơn làm xương sống, chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương, biết đâu một Liên hiệp Đông Dương đã không ra đời sớm hơn Liên hiệp Pháp?
Nhà địa lý nhân loại J. Sion viết: “Cuộc bành trướng của dân Việt Nam là một cuộc đồng hóa thật sự. Tính cách đó giải thích vì sao người Việt bành trướng chậm, nhưng rất chắc chắn. Cao Mên và Lào đánh nhau chỉ đem quân cướp lấy tù đem về làm nô lệ, lại có một giai cấp quí tộc thống trị dân đen, cho nên có cướp được đất cũng dễ mất ngay.
“Mục đích của người Việt lại khác. Họ không cần bắt nô lệ, họ làm lấy. Đối với họ thắng trận không phải là để có người làm, mà là để có đất cày ruộng.
“Nhiều khi chiến tranh chỉ là để xác nhận một tình thế đã rồi. Dân Việt bành trướng một cách ôn hòa, sinh cơ lập nghiệp rồi binh mới tới sau. Trước khi Việt Nam sáp nhập đất Nam kỳ về mình, người Việt đã lập ở đó những tổ chức, những đám người di cư, đã xây dựng làng xóm hay là tới ở chung với người Cao Mên, rồi lần lần nắm lấy quyền hành.
“Cuộc bành trướng thi hành bằng cách đưa đến những đám người liên tiếp, đủ các hạng người, dân cày không có ruộng, những người tù tội, những người trốn tránh chế độ hay là những quân cướp muốn chuộc tội. Cũng có khi chánh phủ thu thập những người đó, rồi đưa xuống những miền mới chiếm hay là lập những đồn điền tận biên thùy đề phòng bị lân bang tới đánh. Những đám người đó có quan lại cai trị và lập thành làng mạc.
“Cuộc bành trướng của các đám bình dân Việt đã là sức mạnh của Việt Nam, cũng như ở Trung Hoa. Cuộc di dân đã biến hóa xứ Nam kỳ thành một xứ hoàn toàn Việt Nam cũng như đất Bắc kỳ. Ngay dưới mắt ta trong cảnh thái bình, cuộc bành trướng đỏ vẫn tiếp tục khắp đất Cao Mên và đất Lào.
(Jule Sion. L‘Asie des moussons Géographie Universelle).
Lịch sử Nam tiến ấy cũng được ngòi bút của nhà bác cổ Aurousseau dẫn chứng rất tinh tường và kết luận:
“Những yếu tố, những sức mạnh có thể diệt chết một quốc gia mới thành lập, đều vô hiệu quả trước sức sống mãnh liệt của Việt Nam.
“Dân tộc Việt Nam chiếm đoạt các đồng bằng Bắc bộ ngay từ cuối thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Xã hội Việt Nam trở nên phồn thịnh tại đó. Lần lần các làn sóng người di cư tiếp tục tràn lan mãi về phía Nam, để tới một cái điểm xa nhất trong cuộc bành trướng mà người Bách Việt khởi từ thế kỷ thứ bốn trước Tây lịch.
“Người Việt tới trung phần Trung bộ ngay từ cuối thế kỷ sáu. Tới đây dân tộc Chiêm thành chặn họ lại một thời kỳ khá lâu. Khi nhiệm vụ chính đã đạt rồi, Quốc gia Việt Nam thành lập. Người Việt vẫn giữ được cái đà bành trướng như một sức mạnh âm ỷ và sau một cuộc tiến triển, sau nhiều năm chinh chiến, đã thắng được đối phương Chiêm thành vào năm 1471 để tiến mãi về phía Nam tới Quy Nhơn cuối thế kỷ 15, tới sông Cầu 1611, Phan Rang 1653, Phan Thiết 1697, Saigon 1698, Hà Tiên 1714. Cuối cùng trong nửa đầu thế kỷ 18, người Việt thực hành xong công cuộc bành trướng của dân tộc, và chiếm trọn đất đai Nam bộ hiện thời.
(Trích tạp chí Viễn Đông Bác cổ).
Và đại úy Gosselin trong cuốn L’Empire d‘Annam có nhận chân tính cách thống nhất của dân tộc Việt Nam như sau:
“Hết thảy các sử gia có nhiệt tâm tìm sự thật, đều phải công nhận rằng: Khi để chân lên đất Việt Nam, người Pháp đã phải đụng chạm đến một dân tộc thống nhất, thống nhất một cách không thể ai ngờ tới từ các miền cao nguyên thượng du Bắc kỳ cho đến biên giới Cao Mên, thống nhất về đủ các phương diện nhân chủng cũng như chính trị và xã hội.”
Xem như thế thì dân tộc Việt Nam ngày nay với một lãnh thổ chạy dài từ ải Nam Quan xuống mỏm Cà Mau với một dân số trên hai mươi triệu, với một nền văn hóa thuần nhất, ngôn ngữ thuần nhất đã là đại biểu cuối cùng và duy nhất của Việt tộc. Cái mệnh vận đặc biệt ấy của dân tộc Việt Nam không phải là một sự ngẫu nhiên. Cái sứ mệnh lịch sử của nó là một phần do giang sơn, hay là điều kiện khách quan về kinh tế, địa lý, chế độ, phong tục, ngôn ngữ tập trung lại mà ngấm ngầm ấn định.
Và cái giang sơn ấy không phải là cái xác vô hồn ngoài những điều kiện khách quan bên ngoài, nào ngôn ngữ với chúng tộc, kinh tế với chính trị còn cần một yếu tố quyết định ấy là ý thức sứ mệnh lịch sử, ấy là ý thức về quốc gia dân tộc, ấy là quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt. Cái hồn ấy là sinh lực và hình nhưng linh động, một mạch liên tục từ đời Hùng cho tới ngày nay khác nào dòng Cửu Long từ nguồn suối Tây Tạng khi xuyên sơn âm thầm, khi bộc lộ như thác ghềnh, khi quanh quất sườn đồi, khi lờ đờ trong đồng nội, mỗi ngày được mở rộng cho tới khi hòa nước ngọt của lục địa Á Tế Á với nước mặn của biển Thái Bình Dương, tìm đường thông đồng với toàn thể thế giới.
Vậy thì hồn nước ở đâu, để biết bao kẻ gọi hồn. Phải chăng hồn nước là sông núi, nhưng sông núi không có người thì đất hoang rừng rậm!
Phải chăng hồn nước ở xã tắc, nhưng xã tắc không người hương khói thì chỉ thấy nhện chăng dế khóc.
Phải chăng hồn nước ở kinh tế, ở chính trị, nhưng kinh tế và chính trị chỉ là những phương pháp tổ chức và điều khiển, nếu không có người có công tâm ý thức chỉ huy, nếu không được nhân dân góp sức nhiệt thành thì phương pháp có khỏe mấy, nước cũng lìa tan, dân cũng điêu đứng!
Phải chăng hồn nước ở nhân dân, nhưng nhân dân không ý thức thì:
Chứa chan máu quốc nước vẫn vơ hồn
Xao xác tiếng gà trời mù mịt tối.
Vậy hồn nước tại ở cái ý thức chung của đoàn thể, cái ý thức quốc gia dân tộc khi xã hội còn đơn giản thì tượng trưng là vật tổ. Khi đã trưởng thành tự giác thì tượng trưng là Tổ quốc, là sơn hà xã tắc, là Đế, là Quân, và ngày nay chủ quyền phân hóa Dân vi quý thì là ý thức quốc gia dân tộc, ý thức sáng suốt thì nước được vẻ vang, ý thức mù quáng thì nhà tan nước mất.
Ý thức ấy là gì nếu chẳng phải ý thức về thực tại dân tộc. Thực tại hiển nhiên linh động biểu diễn ra ở không gian và thời gian bằng những trang lịch sử vinh quang hay tủi nhục, nhất là tủi nhục của con cháu Lạc Hồng, cùng nhau sinh tử cộng tồn về vật chất cũng như tinh thần trên bán đảo Thái Bình Dương đầy di tích của biết bao thế hệ đã chết cho nó, mà truyền thống ngày nay còn đè nặng trên đầu người sống vậy.
NGUYỄN ĐĂNG THỤC
[trích Tạp chí Tư Tưởng, số 1/ 1974, chủ đề Quốc Tổ Hùng Vương]