Tôi lấy ngày nghỉ vào thứ sáu của tuần lễ cuối tháng tư. Như thế tôi có một cái cuối tuần dài cho đến hết chủ nhật. Nhận thấy căn phòng làm việc trên gác của mình quá đỗi bề bộn, tôi bèn phát tâm dọn dẹp cho ngăn nắp. Xong xuôi mọi chuyện, buổi sáng thứ bảy vẫn chưa trôi qua hết. Sẵn trớn tôi sắp xếp lại luôn những quyển sách trên đầu giường trong phòng ngủ. Chồng sách cuối cùng nằm đè lên một tờ tạp chí cũ. Khi lấy chồng sách và tờ tạp chí khổ lớn này đi, một quyển sách mỏng nằm bên dưới bỗng hiện ra bất ngờ: quyển Ɖọc Kinh của Vũ Khắc Khoan.
Tôi cầm quyển sách lên săm soi. Ký ức của tôi từ chối không cho biết mình đã đọc quyển sách này xong và để đó từ bao giờ. Lâu lắm tôi không cầm đến một quyển sách có đề tài như thế. Thế giới có quá nhiều chuyện xảy ra, tôi cũng bị cuốn hút theo những cơn gió biến động thời sự qua báo chí và truyền thông xã hội trong thời gian qua. Nhìn nhiều nơi trên thế giới, nhất là nhìn ngược trở lại quê hương, có thể ví von bằng vài lời tượng của quẻ Bĩ: “Thời đại bế tắc không phải là thời của đạo người. Sự trinh chính của quân tử chẳng có lợi. Cái lớn đi, cái nhỏ đến, trời đất không giao cảm nên vạn vật không thông”. Nào là Nhân Quyền ở Việt Nam, Biển Ɖông, chảo dầu sôi Ɖông Nam Á, IS, khủng bố ở Âu Châu, bầu cử tổng thống, v.v.…
Tôi ngồi xuống giường, lần giở những trang đầu và đọc phần lời tựa “Nhân ngày kỵ họ Vũ” của ông Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng. Tôi đọc sang phần I mở đầu quyển sách với với đề mục Như Lai Vô Sở Thuyết, ông Vũ Khắc Khoan bắt đầu đặt bút viết vào mùa đông năm 1984 trên đất nước Hoa Kỳ:
Tuyết rơi từ vào khuya, mặt trời vừa mọc, tuyết đã ngập trắng vườn sau. Tôi đẩy thêm một khúc củi vào lò. Nhìn lửa bốc ngọn, nhớ lại mấy vần thơ cũ đã quên mất cả nguyên văn:
Chàng như mây mùa thu
Thiếp như khói trong lò
Cao thấp tuy có khác
Một thả cũng tuyệt mù
Ɖọc lại bài thơ. Rất nhỏ, từng chữ, từng vần. Rất nhỏ, đủ để một mình mình nghe. Cho đến khi lời thơ tan rã, ý thơ nhạt nhòa, cho đến khi trong tôi, về bài thơ, rớt lại chỉ còn một chút bâng khuâng không tên thì tôi lặng thinh đi vào cái bâng khuâng đó. Quanh một chữ Tuyệt mù. Nghĩ đến một cánh chim thoáng trên mặt nước. Bóng chim, nước không lưu giữ. Chim đâu để lại đường bay? Khói mây tan tác. Âm thanh, màu sắc cũng vậy. Cũng vậy, thiếp và chàng, Tất cả, một thả cũng tuyệt mù. Kể cả chữ và lời. Kinh và Kệ.
Từ một bài thơ nhỏ “quên mất cả nguyên văn” với những cảm nhận sau đó dần dần hòa vào vào tâm thức mênh mông, buông xả mọi ngôn từ và hình tướng một cách đầy thiền vị. Nhưng cũng bằng phong cách đầy chất nghệ sĩ tính. Nhưng có thể cũng chẳng phải như thế, mà là một phong thái đặc thù riêng biệt theo cung cách Vũ Khắc Khoan.
Những dòng chữ bỗng dưng thật quyến rũ làm tôi không dừng được và cảm thấy như đang đọc đoản văn này lần đầu tiên. Bằng phong cách cảm nhận bài thơ nhỏ trên, ông Vũ Khắc Khoan bắt đầu “đụng” đến vấn đề lớn trong tư tưởng Phật Giáo Ɖại Thừa: cái chân lý rốt ráo tuyệt đối không thế nghĩ bàn. Cái mà ông gọi là Cái đó, cái mà cho tới hôm nay chưa một vị thiện trí-thức, chưa một vị bồ-tát nào mô tả được hình tướng, xác định được thể chất, cái đó có thể giản dị như mưa và nắng, hiện hữu rất tự nhiên – mặt trời lại mọc lúc đêm tàn – nhưng cũng lại có thể vô cùng phức tạp, ẩn hiện vô lường, với vô lượng danh hiệu, mỗi danh hiệu là một khía cạnh đặc thù.
Liền sau đó ông lại nêu lên một loạt danh hiệu: Chân Tâm, Diệu Tâm, Minh Tâm, Bồ Ɖề Tâm, Giác Tánh, Chân Như, Phật Tánh, Pháp Giới Tánh, Không Tánh, Như Lai Tạng Tánh, Bát Nhã…, cái tột không, cái diệu sắc, cái bất-khả-tư-nghì, cái rốt ráo cuối cùng… Nhưng rõ ràng đối với ông Vũ: từ bỏ nước ra đi, những nửa khuya tỉnh giấc, cái đó – chính nó – đôi khi vẫn thấp thoáng trong tôi, hóa thành những lời tra vấn trớ trêu, những tại sao ray rức, lãng đãng quanh tôi, tưởng như dễ dàng nắm bắt, bỗng lại xa vời, nhòa dần, biến hẳn, tuyệt mù…
Từ nỗi thao thức dằng co đó, ông Vũ tiếp tục cuộc hành trình tâm linh của ông – dĩ nhiên cũng bằng phong cách thơ mộng, nghệ sĩ theo kiểu Tuyệt mù – và đôi mắt tôi lại lần lượt lướt qua những dòng chữ trong khi tay tôi bình thản lật sang những trang sách kế tiếp để chạy đuổi theo ông. Tuy dằng co thao thức như vậy, ông Vũ lại dạo bước thong dong, ghé qua những quyển kinh đại thừa. Chỉ vỏn vẹn trong một vài trang giấy, những quyển kinh lớn lần lượt xuất hiện hay được nêu danh gây thêm cảm giác choáng váng: Kinh Duy Ma Cật, Lăng Già, Pháp Hoa, Viên Giác, Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Bát Nhã Tâm Kinh, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm,…
Nhưng rõ ràng ông Vũ không phải là một tín đồ thuần thành ăn chay, giữ giới tiêu biểu. Bởi vì ở trang kế tiếp người bạn thân của ông, Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, đã nhiều lần răn nhủ ông: Này ông Vũ Khắc Khoan ơi, ông phải bớt đàn đúm với bọn lãng tử để dành thì giờ mà tu tỉnh đọc kinh. Ɖâu phải ông Vũ không chịu lắng nghe và không hiểu lời khuyên nhủ chân tình đó. Nhưng biết rồi… nhưng khốn một nỗi, Khoan tôi căn cơ thô lậu, tâm thức lại hay lưu luyến tiếng tơ tiếng trúc, cho nên chân tuy đĩnh đạc bước thẳng mà vẫn thấy tạt ngang vào nơi ca lâu tửu quán, giọng cất lên muốn bàn câu đạo lý mà vô tình vẫn họa cùng một điệu với tiếng cười hô hố của đám lãng tử sông hồ. Cũng do vậy mà bao nhiêu kinh sách bạn vàng gởi đến, thảy đều được trịnh trọng xếp lên giá sách, giữ gìn cẩn thận. Thế thôi. Nhưng ngại đọc. Thoảng hoặc có miễn cưỡng mở ra thì cũng loáng thoáng mấy trang, cho đến khi khựng lại trước những danh từ dựng lên chất ngất… Có thế vì vậy nên ông Nghiêm Xuân Hồng cho rằng ông Vũ sau khi mất có thể thọ sanh làm một vị thần trong một chiếc hồ thơ mộng ở tỉnh Hàng Châu “vì cái vụ đó có thể hợp cùng duyên nghiệp và tâm tính của anh ta” như ông đã viết trong phần lời tựa.
Ȏng Vũ cũng đưa vào trang sách một trường hợp của một người nghệ sĩ khác trong văn học Việt Nam: thi hào Nguyễn Du với bài thơ Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Ɖài khi ông đến viếng nơi nầy trong lần đi sứ ở Trung Quốc vào khoảng đầu thế kỷ thứ 19. Ȏng Vũ trích hai câu thơ “Ngã độc Kim Cương thiên biến linh. Kỳ trung áo chỉ bất đa minh”, cho thấy Nguyễn Du đã đọc kinh Kim Cương có hơn nghìn lần mà ý nghĩa thâm sâu trong kinh ông cũng không hiểu rõ hết. Ɖó không phải là một thú nhận nỗi bất lực riêng của Nguyễn Du trước những trang Kim Cương mà còn là một thú nhận nỗi bất lực của ngôn từ và văn tự của con người khi muốn nắm bắt cái chập chờn “áo chỉ” của cõi vô ngôn đó, bất khả tư nghì.
… Không ai nói pháp Kim Cương. Không ai nghe pháp Kim Cương. Vọng tâm? Chân tâm? Ɖừng đặt vấn đề. Không có vọng, không có chân. Trong suốt ba đời, không có cả Tâm. Ɖã tới cõi đó, Ba La Mật Ɖa. Cõi đó, chân kinh. Cõi đó, im sựng. Như đá, tạm gọi là đá. Phật đâu có thuyết lời nào?
Nhưng rồi bỗng một hôm, ông Vũ bắt gặp mình ngẩn ngơ trước giá sách, đang lần dở mấy trang Lăng Nghiêm. Và như thế mọi chuyện bắt đầu. Ȏng đã trả Nietzsche, Dostoievski, Sartre, Singer lần lượt về giá sách. Ɖầu giường ông chỉ còn lại kinh và kệ. Nhưng đêm đêm trước những pháp hội mở ra, Khoan tôi vẫn mang tâm trạng một người ngoại cuộc. Thường vẫn lặng thinh, để mặc cho dòng vọng tưởng theo lời kinh dấy lên lôi cuốn, ngây ngây, dại dại rõi theo cái trùng trùng đan kết những hình tướng dâng lên muôn hình vạn dạng biến hóa. Ɖôi khi kinh dẫn tôi trở về ngày cũ. Bất giác tôi gặp lại… cái tâm hồn ấu thơ thuở nhỏ, trốn học, “phiêu lưu” dọc 36 phố phường Hà Nội,… Những giây phút đó, lâng lâng lời kinh dời hẳn nghĩa kinh, lời kinh kể chuyện cổ tích, rủ tôi đi vào một cơn mộng du hoang vu thăm thẳm, tròng mắt ruổi bắt bạt ngàn thấp thoáng muôn hồng ngàn tía màu sắc cầu vòng loang loáng bong bóng giọt mưa ngâu…
Nhưng cái ông gặp lại không chỉ thuần là những hình ảnh quá khứ níu kéo ông kẹt vào trong đó: Ráng chiều miền đồi Bắc Việt đổ rộng một nền gạch Bát Tràng. Gốc cau, gốc đại, ngọn cỏ kẽ tường, cánh hoa bèo tím ngát bờ ao, tất cả lóe lên trong nắng sớm, tan vào trong mùi ngát của khói nhang. Nắng nhạt rồi tắt ngấm. Ɖất lẫn với trời. Tự bàng bạc sương khói dâng lên, một cõi pháp thành hình, chúng sinh mộc mạc hiền lành chỉ có một phật hiệu để làm phật sự. Vọng ra từ đó – mái chùa cong vắt chữ đao, cổng tam quan thềm đá nhẵn lì – không phải là những ngôn từ hiểm trở Lăng-Già, Bát-Nhã, Pháp-Hoa hay Viên-Giác, mà chỉ Phật hiệu đó, mà chỉ A-Di-Ɖà-Phật. Có thế thôi, mỗi chiều, bình thản vẫn trở về trên vầng trán hai sương một nắng những bà mẹ Việt Nam. Nén nhang đốt lên, khói nhang vẫn vươn cao và thẳng tắp. Như mây mùa thu, vẫn tuyệt mù. Như đã thuộc nằm lòng con đường trở về nơi đó, nơi mà kinh và kệ từ xưa vẫn hằng hướng tới. Nơi đó, tắt lời. Cõi đó rốt ráo vô ngôn, vắng lặng, lấy hư không làm Phật sự. Một đóa sen giơ cao, một nụ cười đáp lại. Trong yên lặng. Cõi đó, chân kinh?…
Ɖôi mắt tôi cứ tiếp tục đuổi theo những bước chân của ông Vũ, lướt qua những dòng chữ thoải mái tựa như chèo thuyền trên mặt hồ thơ mộng trong một ngày đẹp trời nhưng với tốc độ nhanh. Khá nhanh. Và dĩ nhiên không phải lúc nào mọi chuyện cũng dễ dàng cho ông Vũ. Ngay cả khi cảm nhận sâu sắc một trang kinh Duy Ma Cật về phương tiện nói pháp ở cõi nước Chúng Hương, bởi vì lời kinh loang ra như một chất men, tôi choáng váng giữa một mê cung dạt dào vọng tưởng, lẫn lộn cả cực đại, cực vi, hiện tại, tương lai và quá khứ. Ɖâu là mê, nẻo nào là ngộ?
Cứ như vậy, đêm đêm, Pháp hội mở ra với ông Vũ, lời pháp đối với ông không nói vọng nói chân, không bàn mê hay ngộ, không nói Thiên đường và Ɖịa ngục, không nói cả Niết bàn. Lời pháp chỉ rủ rỉ kể chuyện ngày xưa, hát nhỏ ca dao, lời pháp ấm áp như lời bà ngoại ru cháu nhỏ…
Tôi có cảm giác tốc độ của chiếc thuyền tâm tưởng đang chậm dần ở những trang cuối: Lời ru cháu lẫn vào tiếng gà gáy lẻ ngoài vườn. Bà lim dim cặp mắt, cháu ngủ đã từ lâu. Cả bà lẫn cháu và lời ru, cả ba nhập một. Tôi lặng lẽ dìu tôi đi vào một cõi, mới dấy lên. Cõi đó, lạ lạ, quen quen. Cõi đó hằng đêm. Cõi đó, riêng tôi. Một mình.
Và những lời cuối cùng của ông Vũ trong quyển sách:
Lâng lâng trong mù sương nơi ngưỡng cửa Pháp hội. Một mình
Minnesota tháng 7 – 86
Tôi ngồi im giây lâu rồi lật qua các trang kế tiếp. Phần phụ lục có bài thơ Ngỡ Xuân của ông Vũ. Phần lời bạt là một bài viết của nhà văn Mai Thảo với tựa đề Thế Giới Vũ Khắc Khoan. Bài này được viết năm 1982, bảy năm sau khi nhà văn Vũ Khắc Khoan đến Hoa Kỳ và bốn năm trước ngày ông từ trần. Ȏng Mai Thảo viết về vợ chồng ông Vũ ở Mỹ, rồi quay về những biến cố hằn sâu dấu ấn trong lịch sử đất nước Việt Nam đã xảy ra từ Bắc đến Nam cho đến khi sang Hoa Kỳ, mỗi kẻ một phương trời, một ông sao sáng, hai ông sáng sao lẻ loi từng phiến trời lưu đày. Ȏng nhắc về tác phẩm Thành Cát Tư Hãn của ông Vũ, thời kỳ sinh hoạt văn nghệ Quan Ɖiểm, Sáng Tạo ở Sài Gòn, một thời đại mà lứa tuổi anh chị lớn của tôi đã được tham dự.
Những dòng chữ tưởng chừng đã dứt sau một đoản văn dài ba mươi trang giấy, nghĩ rằng mình sẽ gấp sách lại nhưng đôi mắt tôi không dừng được. Tôi đọc trang kế tiếp:
ƉỌC KINH
đoản văn của Vũ Khắc Khoan
An Tiêm xuất bản lần thứ nhất
tại Paris và Hoa Kỳ – 1990
Tranh bìa và Phụ bản Bàn Tay Phật của Vĩnh Ẩn.
Mẫu bìa của Ɖinh Cường
Ở bìa sau giới thiệu ba quyển sách in trong mùa xuân 1990. Ngoài quyển Ɖọc Kinh còn hai quyển sách khác: Hoàng Tử Bé của Saint-Exupéry và Mùi Hương Xuân Sắc của Gérard de Nerval. Cả hai quyển đều do nhà thơ Bùi Giáng dịch.Tôi lật trở sang trang bìa trước, ngắm hình bìa với các lá bồ đề làm nền cho bàn tay Phật tựa như thủ ấn bên dưới đóa hoa, ngắm cả trang bìa với tên tác giả, tác phẩm và nhà xuất bản. Tất cả nằm trong một cái khung với các màu cam, trắng, đen, xanh rêu trên nền giấy có màu phơn phớt cam nhạt, hay là một màu tôi chẳng biết phải gọi tên là gì. Ɖây là một quyển sách được in bản giấy tốt nên bao quanh quyển sách là một mẩu bìa cứng. Phần giấy gấp lại trong mẩu bìa cứng này có họa chân dung của nhà văn Vũ Khắc Khoan, bên dưới có dòng chữ: Vũ Khắc Khoan sanh ngày 27 tháng 2 năm 1919 tại Hà Nội. Qua đời ngày 12 tháng 9 năm 1986 tại Minnesota, Hoa Kỳ.
Tôi lại tẩn mẩn mở phần giấy cứng gấp lại của trang sau, tiếp tục thả mắt mình qua các dòng chữ thật ra chẳng dính dáng gì đến nội dung đoản văn của ông Vũ:
Nhà xuất bàn AN TIÊM có từ năm 1965 tại Sài Gòn (miền Nam nước Việt). Cuốn sách chào đời của nhà xuất bản: Khung Cửa Hẹp (La Porte Étroite) của André Gide, Vân Mồng dịch. Cuốn sách in cuối cùng của nhà xuất bản: Số Không và Vô Tận (Le Zéro et l’Infini) của Koestler, Thạch Trung Giả dịch… (Thạch Trung Giả đã bức tử sau 1975). Cuối sách nầy khởi in tháng 2 năm 1975, xong đầu tháng tư năm 1975, phát hành khoảng 500 cuốn thì “ngày dài vô tận 30 tháng 4 năm 1975 sụp đến…”.
Trong thời gian 10 năm hoạt động xuất bản, nhà An Tiêm đã xuất bản gần 100 tác phẩm.
… Sau 15 năm chìm đắm và lưu lạc, nay tại hải ngoại “nơi chốn bụi hồng nương thân”, cuốn sách mở đầu cho nhà An Tiêm tại hải ngoại: ƉỌC KINH, một đoản văn của Vũ Khắc Khoan.
Con thuyền tâm tưởng của tôi giao động, tưởng chừng như chông chênh trên làn nước cuộn sóng. Ɖoản văn của ông Vũ được tiếp nối bởi những dòng chữ bình thường của nhà xuất bản. Những khoảng thời gian, không gian khác nhau, những biến cố bất ngờ hiện ra với những con người hồn ở đâu bây giờ. Rồi sự tình cờ gặp lại quyển sách này đúng vào tháng tư. Tôi cầm quyển sách, vân vê. Không biết bao nhiêu giờ phút đã trôi qua. Lại săm soi quyển sách, lật qua lật lại, lòng bâng khuâng khó tả khi nhìn quyển sách mỏng này hiện hữu giữa thời đại của những internet, e-book.
Vô tình tôi thấy mình, bằng một cách nào đó, đã đọc trọn quyển sách gần tương tự như cách ông Vũ Khắc Khoan đã đọc và đã cảm nhận bài thơ nhỏ quên mất cả nguyên văn. Cho đến khi lời thơ tan rã, ý thơ nhạt nhòa, cho đến khi trong tôi, về bài thơ, rớt lại chỉ còn một chút bâng khuâng không tên thì tôi lặng thinh đi vào cái bâng khuâng đó. Quanh một chữ Tuyệt mù…
Tôi không chỉ đọc phần nội dung trong quyển sách, tôi đọc trọn cả quyển sách từ trang đầu đến trang cuối không bỏ sót một chữ. Những dòng văn của ông Vũ, mới đọc, ngỡ ông đưa về một cõi siêu thoát nào thật xa xăm, hiểm trở. Nhưng khi ông cảm nhận sâu sắc lời kinh thì ông lại càng gắn liền với cuộc đời hơn. Mọi chuyện trở thành bình thường, giản dị. Núi trở thành núi, sông trở thành sông. Tách rời khỏi những dòng chữ đầy thị vị và thiền vị trong đoản văn của ông Vũ, quyển sách tự nó cũng ghi những dấu ấn thời gian, không gian một cách rất thản nhiên, chất chở những biến cố đau thương của con người và đất nước mà không cần phải mô tả chi tiết. Tất cả đều trôi qua như khói mây tan tác, như dấu chim bay. Tôi đọc sách ngay cả sau khi đã lướt mắt qua hết những dòng chữ cuối cùng trong toàn quyển sách.
ƉỌC KINH. Nhìn quyển sách mỏng trên tay trong lúc này, thật ra tự bản chất, cũng tựa như đóa hoa sen giơ cao của đức Phật với nụ cười đáp lại của ngài Ca Diếp. Cõi đó. Cái đó.
Nguyễn Hoàn Nguyên