Tháp Tam tổ Pháp Loa | Ảnh Group FB Chùa Việt
Năm 1330, Pháp Loa viên tịch, thọ 47 tuổi. Sự nghiệp của ông gắn liền với lịch sử Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử – Việt Nam. Nếu Nhân Tông là người khơi dậy sự phát triển và định lập tông phong Trúc Lâm, thì Pháp Loa chính là người chấp pháp và hoằng dương quang đại. Trong ba vị tổ Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, thì Nhân Tông như người kiến lập, định hình từ chính trị đến tôn giáo, mở rộng ảnh hưởng đạo pháp; còn người chấp sự, triển khai sự việc có thể nói hoàn toàn dưới bàn tay Pháp Loa và các đệ tử của ông. Pháp Loa viên tịch, đệ tử tăng tục phúng viếng rất nhiều, trong đấy có bài thơ vãn tôn giả Pháp Loa của Trần Minh Tông. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề văn bản của tác phẩm đã trải qua nhiều dị biệt. Chúng tôi đã xem xét qua các văn bản như Thanh Mai Viên Thông tháp bi (gọi tắt Thanh Mai)((Thanh Mai Viên Thông tháp bi, viết tắt Thanh Mai, là văn bia tại chùa Thanh Mai trên núi Thanh Mai xã Hoàng Hoa Thám, huyện chí Linh, tỉnh Hải Dương. Văn bia có nội dung về cuộc đời của Pháp Loa, cơ bản tương tự với phần Đệ nhị tổ niên phả thực lục trong Tam tổ thực lục cũng như Đệ nhị đại tổ bi.)), Đệ nhị đại tổ bi trùng tu sự tích kí (gọi tắt Tổ bi)((Đệ nhị đại tổ bi, viết tắt Tổ bi, là văn bia có nội dung tương tự với bia Thanh Mai cũng như Thực lục. Tổ bi, chúng tôi dùng thác bản kí hiệu 13507 – 13510, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bia Tổ bi chùa Hương Hải trước thuộc thôn Tiền Trung tổng An Điền phủ Nam Sách, nay là chùa Hương Hải, thôn Tiền Hải, xã Ái Quốc – TP. Hải Dương.)), Tam tổ thực lục (viết tắt TTTL) phần Đệ nhị tổ niên phả thực lục (gọi tắt Thực lục)((Tam tổ thực lục phần Đệ nhị tổ niên phả thực lục: chúng tôi viết tắt Tam tổ thực lục là TTTL, và Đệ nhị tổ niên phả thực lục là Thực lục. TTTL, chúng tôi dùng bản A.568 lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bản cổ nhất tìm thấy hiện nay, theo bài tựa thì do Tính Quảng Thích Điều Điều và Tính Lượng san khắc vào niên hiệu Cảnh Hưng (1764). Lời tựa văn bản cho biết đã dựa vào nội dung Tam tổ ngữ lục cũng như văn bản văn bia chùa Hương Hải. Chúng tôi cho rằng văn bia chùa Hương Hải chính là Tổ bi. Ngoài ra, chúng tôi tham khảo bản in của Việt Nam Phật điển tùng san cũng như các bản in khác.)), Việt âm thi tập (viết tắt VATT)((Việt âm thi tập, viết tắt VATT, kí hiệu A.1925 Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tác phẩm do Phan Phu Tiên và Chu Xa biên tập, được coi là tác phẩm khai sinh cho loại hình sưu tập thơ văn của các tác gia Việt Nam thời Trung đại. Nó mở đầu cho nhiều tác phẩm về sau như: Trích Diễm thi tập, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển…)), Toàn Việt thi lục (viết tắt TVTL)((Toàn Việt thi lục, viết tắt TVTL, kí hiệu A.132, do Lê Quý Đôn (1726 – 1784) biên soạn thời Lê.)), Hoàng Việt thi tuyển (viết tắt HVTT)((Hoàng Việt thi tuyển, viết tắt HVTT, kí hiệu: A.3162/1-12, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hoặc tham khảo thêm kí hiệu R968, Thư viện Quốc gia Việt Nam. Sách do Bùi Huy Bích biên soạn, một tác gia lớn biên tập và soạn tiểu dẫn năm 1788 thời Lê.)) là các bản Hán văn thời Trung đại có chép bài thơ này, cùng với phần dịch của Tạp chí Nam Phong((Tạp chí Nam Phong, số 114, 1927, tr. 50, bản điện tử.)), Thơ văn Lý Trần((Thơ văn Lý Trần tập 2, Nxb. KHXH, HN, 1988.)), Tổng tập Văn học Việt Nam tập 2((Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, Nxb. KHXH, HN, 2000.)) cũng như nhiều tác phẩm liên quan văn học trung đại ngày nay để tìm ra sự dị biệt giữa các bản sưu tập cũng như nguyên do dẫn đến sự dị biệt đó. Đồng thời, chúng tôi khẳng định văn bản gốc của bài thơ là bản Thanh Mai có niên đại 1362 trên văn bia chùa Thanh Mai còn rõ ràng đầy đủ. Tuy nhiên, để làm rõ các vấn đề đó, chúng tôi tiến hành từng bước nghiên cứu so sánh và luận thuật như bên dưới.
Vấn đề tác giả bài thơ
Thực ra, tác giả bài thơ đã rất minh hiển là hoàng đế Minh Tông, bởi năm 1330, khi Pháp Loa viên tịch thì Anh Tông mất đã lâu rồi. Minh Tông đã viếng Pháp Loa, ban tên hiệu khi thiền sư viên tịch, lại ban 10 lượng vàng để xây tháp. Tuy nhiên, một số văn bản đã nhầm không phải Minh Tông mà lại là Anh Tông. Đây là nhầm lẫn đáng tiếc. Bởi, văn bia Thanh Mai, Thực lục, Tổ bi đều ghi của Minh Tông. Đến như Thánh đăng ngữ lục, phần truyện Minh Tông cũng ghi rằng, khi Pháp Loa viên tịch, Minh Tông đã viết một bài thơ viếng và bài thơ còn lưu trong phần truyện Pháp Loa. Đây chắc chắn là nói đến bài thơ này. Tuy vậy, các văn bản sưu tập thơ về sau, khi thêm tiêu đề cho bài thơ cũng như tìm tác giả mới có sự nhầm lẫn. Nhầm lẫn đầu tiên là VATT. Tác giả biên soạn đã đưa bài thơ này vào phần thơ của Anh Tông, có húy chữ Anh Tông bằng cách ghi ba dấu nháy trên đầu chữ, và đặt tiêu đề cho bài thơ đồng thời chú thích văn bản. Tuy có vẻ cẩn trọng, nhưng chính VATT lại sai sót nhiều và dẫn đến những sai sót về sau. Tiếp sau đấy, các bản TVTL, HVTT đều sai theo khi đưa bài thơ này vào phần thơ của Anh Tông.
Về phần dịch thơ, Nam Phong tiên phong trong số báo 114 năm 1927 do Đinh Văn Chấp dịch, nhưng dịch giả cũng liệt bài thơ này vào thơ của Anh Tông. Tổng tập văn học Việt Nam tập 2 cũng không kiểm định lại văn bản như Thơ văn Lý Trần, dù rằng trong phần chú thích của Thơ văn Lý Trần bản in trước đó hơn mười năm ghi rõ bài thơ này của Minh Tông, đồng thời nhấn mạnh chú thích khi Pháp Loa viên tịch thì Anh Tông đã qua đời từ lâu. Như thế, Tổng tập văn học Việt Nam đã sai lầm trong nhận định tác giả bài thơ, dù cũng trong sách này, phần Thực lục do Thích Phước Sơn dịch đã nói Pháp Loa viên tịch năm 1330 với logic hiển nhiên là trong thời kì Minh Tông làm hoàng đế.
Dưới đây là tổng kết của chúng tôi:
STT | Thanh Mai | Thực lục | Tổ bi | VATT | TVTL | HVTT | Nam Phong | Tổng tập văn học Việt Nam tập 2 | Thơ văn Lý Trần |
1 | Minh Tông | Minh Tông | Minh Tông | Anh Tông | Anh Tông | Anh Tông | Anh Tông | Anh Tông | Minh Tông |
Tiêu đề bài thơ
Bài thơ hiện nay được in trong Thơ văn lý Trần, Tổng tập văn học Việt Nam hay các tuyển tập thơ văn Trung đại đều có tiêu đề là: Vãn Pháp Loa tôn giả đề Thanh Mai tự. Tuy nhiên, thực chất bài thơ được ghi trong Thanh Mai, Thực lục, Tổ bi đều không có tên. Điều đó có nghĩa là người đời sau biên tập đã đưa vào.
Theo thống kê của Thơ văn Lý Trần thì bài thơ này được sưu tập trong VATT, TVTL, HVTT, và TTTL. Thơ văn Lý Trần đã không nhắc đến vấn đề văn bản trong Thanh Mai cũng như trong Tổ bi. Thơ văn Lý Trần đã dẫn ra một số dị biệt trong các tập thơ như vậy. Tuy nhiên, phần dịch thơ, Thơ văn Lý Trần đã dẫn dịch thơ của Đinh Văn Chấp trên tạp chí Nam Phong và không chú thích dẫn từ số báo nào của tạp chí. Thực chất, Đinh Văn Chất đã dịch và đăng bài thơ này trên Nam Phong số 114, năm 1927, nhưng chỉ có phần chữ Hán và dịch nghĩa. Không rõ Đinh Văn Chấp đã dựa vào văn bản nào để đặt tên cho bài thơ cũng như khảo nội dung.
Dưới đây chúng tôi so sánh các văn bản từ các bản sưu tập bài thơ này để thấy có bài tựa hay không.
STT | Thanh Mai | Thực lục | Tổ bi | VATT | TVTL | HVTT | Nam Phong | Tổng tập văn học Việt Nam tập 2 | Thơ văn Lý Trần |
1 | Không tiêu đề | Không tiêu đề | Không tiêu đề | Vãn Pháp Loa tôn giả đề Thanh Mai tự
挽法螺尊者題青梅寺 |
Vãn Pháp Loa tôn giả đề Thanh Mai tự
挽法螺尊者題青枚寺 |
Vãn Pháp Loa tôn giả đề Thanh Mai tự
挽法螺尊者題青梅寺 |
Vãn Pháp Loa tôn giả đề Thanh Mai tự
挽法螺尊者題青梅寺 |
Vãn Pháp Loa tôn giả đề Thanh Mai tự
挽法螺尊者題青梅寺 |
Vãn Pháp Loa tôn giả đề Thanh Mai tự
挽法螺尊者題青梅寺 |
Qua thống kê trên, có thể thấy Đinh Văn Chấp đã dựa vào một trong các bản TVTL, HVTT, hoặc VATT, dù rằng tác giả không nói đã dựa vào văn bản nào để biên dịch. Trong khi đó, ba văn bản là văn bia Thanh Mai, bản Thực lục, bản Tổ bi đều không có tiêu đề bài thơ. Chúng tôi tiến hành khảo sát ba văn bản này, thấy chúng cùng một xuất xứ do Trung Minh biên tập và Huyền Quang hiệu đính. Đến nay chúng ta không biết ai là người biên tập soạn ra bản thực lục của Pháp Loa. Còn người hiệu đính Huyền Quang chính là đệ tử của Pháp Loa, nối pháp và trở thành Đệ tam tổ Trúc Lâm. Văn bia Thanh Mai được khắc vào năm 1362, sau khi Pháp Loa viên tịch mấy chục năm. Trong khi Tổ bi được khắc lại vào năm Tự Đức thứ 9 (1866) thời Nguyễn, dựa trên một tấm bia khắc năm Chính Hòa thứ 5 (1684) thời Lê ở chùa Hương Hải. Văn bản Thực lục được biên soạn, sưu tập về sau và có niên đại 1764 thời Cảnh Hưng. Nội dung ba văn bản này cơ bản là đều dựa trên bản Thực lục do Trung Minh biên tập. Nhưng, xét bản gốc hiện nay, chúng ta có thể thấy bản văn bia Thanh Mai là văn bản gốc cho tất cả, bởi nó có niên đại cụ thể vào năm 1362 và nội dung còn khá rõ ràng. Lời tựa TTTL do Tính Quảng Thích Điều Điều thời Lê viết năm 1765 cho thấy văn bản Thực lục thực chất dựa trên văn bia chùa Hương Hải cũng như các tư liệu thời Trần nhưng không rõ là bia chùa Hương Hải nào. Chúng tôi cho rằng, có khả năng Thực lục đã dựa vào Tổ bi, bởi Tổ bi cũng ở chùa Hương Hải((Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam, Nxb. VHTT, HN, 1999, tr. 645 cho biết: Chùa Thanh Mai còn gọi là chùa Hương Hải. Tuy nhiên, khảo sát văn bia chùa Thanh Mai các giai đoạn, cũng như các sách lịch sử, địa lí Hải Dương, chúng tôi không có được tư liệu nào ghi chùa Thanh Mai là Hương Hải. Có thể tác giả biên soạn sách đã nhầm. Địa phương chí tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán Nôm, Nxb. KHXH, HN, 2009, tr. 333 cho biết: “Chùa Hương Hải ở xã Phù Vệ huyện Chí Linh, thiền sư Pháp Loa sinh ra trên đất này. Sau khi thiền sư viên tịch, rất linh thiêng, dân làng bèn lập đền thờ”. Như thế chỉ có chùa Hương Hải ở quê hương Pháp Loa, chính là chùa có văn bia Tổ bi mà thôi.)). Bởi, như trên đã luận thuật, Tổ bi có niên đại năm 1684, và chúng tôi cho rằng Thực lục có thể được khắc lại từ chính văn bia thời Chính Hòa – 1684. Tại sao khi so sánh Thực lục và Tổ bi với văn bia Thanh Mai, lại có sự sai lệch văn tự như vậy? Có thể do, đến năm Tự Đức thời Nguyễn khi khắc lại văn bia Hương Hải thì bia đã mờ; hoặc chăng khi chép từ văn bia chùa Hương Hải ra để biên tập thành TTTL thì tác giả đã nhầm lẫn trong ghi chép.
Ngoài ra, TVTL đã dùng chữ mai 枚khác với các bản còn lại. Điều này cho thấy sự dị biệt trong khi biên chép của TVTL. Đương nhiên, cũng như các văn bản, để tìm ra được bản đúng của VATT, TVTL, HVTT v.v., thì lại thêm một công phu nữa. Sự so sánh ở đây mang tính chất tương đối, nhưng phần nào thấy được sự chuyển biến của các văn bản với sự khác nhau rõ ràng.
Từ phân tích trên, chúng ta có thể thấy được, vấn đề văn bản không chỉ cho bài thơ mà còn cả tác phẩm TTTL, Tổ bi cũng như vấn đề văn bản gốc đến nay có thể cho là văn bản nền của phần truyện Pháp Loa phải chính là văn bia Thanh Mai. Và như thế, bài thơ trên không hề có phần đầu đề. Điều này dẫn đến nhận định, khi biên soạn các tập thơ, các tác giả đã đặt tiêu đề cho bài thơ này. Có thể TVTL đã chịu ảnh hưởng của VATT, và HVTT đã chịu ảnh hưởng của các tập thơ thời trước như VATT và TVTL. Bởi có thể thấy VATT hiện là bản sớm nhất có ghi tên văn bản như trên, ngoài ra còn có dòng chữ “Tôn giả Nhân Tông Anh Tông thời nhân” phụ chú phía dưới tiêu đề bài thơ. Trong đó, chữ Anh Tông được viết dấu nháy ở trên để kiêng húy. Như vậy, có thể nói, văn bản VATT là văn bản đầu tiên đến nay tìm được có ghi tiêu đề bài thơ và ảnh hưởng đến các sưu tập về sau.
Về nội dung bài thơ
Trên đây, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và nhận định về văn bản nền cũng như sự tiến triển của quá trình hình thành nên tiêu đề bài thơ. Văn bia Thanh Mai là bản nền cho các dị bản về sau. So sánh các văn bản của bài thơ trên, thì thấy rằng, các bản gần như đều có sự sai lệch văn bản với nhau. Trong đó, gần như: VATT, TVTL, HVTT là giống nhau. Riêng so văn bia Thanh Mai, Thực lục, Tổ bi, cùng văn bản các tập thơ trên, chúng tôi thấy phần khác nhau nằm ở từ thùy thủ và thóa thủ; lệ huyễn nhiên và lệ khấp nhiên, hoặc thế lệ huyền v.v.
Dưới đây là bảng so sánh phần từ sai trong các bản:
Dòng | Thanh Mai | Thực lục | Tổ bi | Việt Âm thi tập | Toàn Việt thi lục | Hoàng Việt thi tuyển | Nam Phong | Tổng tập văn học Việt Nam tập 2 | Thơ văn Lý Trần |
1 |
垂 |
垂 已 |
垂 已 |
唾 已 |
唾 已 |
唾 已 |
唾 已 |
唾 以 |
唾 |
2 | 覺王金縷 | 覺皇金縷 | 覺王金樓 | 覺王金縷 | 覺王金縷 | 覺王金縷 | 覺王金縷 | 覺皇金縷 | 覺皇金縷 |
4 | 蛻蟬 | 蛻蟬 | 蛻蟬 | 蛻蟬 | 脫蟬 | 蛻蟬 | 蛻蟬 | 脫蟬 | 脫蟬 |
7 | 相投針芥 | 相投針芥 | 相投針养 | 相投針芥 | 相投針芥 | 相投針芥 | 相投針芥 | 相投針芥 | 相投針芥 |
8 | 淚泫然 | 涕淚絃 | 淚泫然 | 淚泫然 | 淚泣然 | 淚泫然 | 淚泫然 | 淚泫然 | 淚泫然 |
Qua so sánh trên, chúng ta có thể rút ra những nhận xét như sau:
- Dòng 1: thùy. Bia Thanh Mai, Thực lục, Tổ bi không bị nhầm lẫn giữa thùy垂và thóa唾. Còn lại các bản VATT, TVTL, HVTT, Nam Phong, Thơ văn Lý Trần… đều nhầm từ thùy thành thóa. Một điều có thể thấy là toàn bộ các văn bản Hán văn theo thứ tự niên đại biên tập từ văn bản đầu tiên là văn bia Thanh Mai cho đến văn bản HVTT như liệt kê đều dùng từ dĩ 已, trong khi Thơ văn Lý Trần cũng như Tổng tập Văn học Việt Nam lại đi ngược lại, không căn cứ vào văn bản nào mà dùng từ dĩ 以. Có thể thấy đây là điểm sai của nhóm tác giả biên tập hai bản sách trên.
- Dòng 2: giác vương kim lũ. Các văn bản cũng không thống nhất. Thực lục đã chuyển từ giác vương thành giác hoàng. Giác Hoàng vốn là tên hiệu của Trần Nhân Tông được đời sau tôn xưng. Như thế, dẫn đến Thơ văn Lý Trần cũng như Tổng tập văn học Việt Nam đã căn cứ vào TTTL để lấy nội dung là Giác hoàng. Các bản từ Tổ bi đến VATT, TVTL, HVTT và cả Nam Phong đều dùng từ giác vương, đúng với văn bản gốc từ bia Thanh Mai.
- Dòng 4: thuế thiền. TVTL đã chỉnh sửa thành thoát thiền. Đây có thể chính là sự ảnh hưởng của nhau từ các văn bản. Trong khi đó, các văn bản khác dùng đúng nghĩa của từ phải là thuế thiền thì Thơ văn Lý Trần cũng như Tổng tập Văn học Việt Nam đã dùng thành thoát thiền như TVTL.
- Dòng 7: tương đầu châm giới. Trong khi các văn bản dùng đúng là tương đầu châm giới thì Tổ bi lại ghi thành tương đầu châm dưỡng. Sai sót này có lẽ do nhìn nhầm chữ giới 芥thành chữ dưỡng 养viết theo lối giản thể.
- Dòng 8: trong khi các văn bản đều đúng là lệ huyễn nhiên thì riêng Thực lục và TVTL lại có cách dùng khác hoàn toàn. Cho thấy, Thực lục đã dựa vào một văn bản khác là văn bia chùa Hương Hải như phân tích ở trên, nhưng có thể do văn bia đã mờ nên người chép đã chép nhầm. Việc nhầm lẫn của Thực lục so với văn bia Thanh Mai, trong quá trình khảo sát, chúng tôi đã gặp rất nhiều mà mấy chữ cuối bài thơ này chỉ là một phần nhỏ. Ngoài ra TVTL cũng sai, cái sai này cũng chính từ sự nhìn nhầm tự dạng của hai chữ giống nhau là huyễn và khấp.
Tạm kết: Qua các so sánh trên, từ phần tên bài tựa đến các tự dạng trong các dòng đồng dị có thể thấy Đinh Văn Chấp đã dựa vào HVTT để dịch bài thơ này trên tạp chí Nam Phong. Bởi các từ Đinh Văn Chấp tuyển chọn giống với HVTT, trong khi đối với các tập khác lại có sự đồng dị. Còn Thơ văn Lý Trần cũng như Tổng tập Văn học Việt Nam đã dùng các văn bản TVTL cũng như TTTL để đối chiếu lọc ra một văn bản gần như mới, nhưng vo hình trung, dẫn đến văn bản phát sinh và không chính xác.
Các bản dịch chú
Chúng tôi nói đến các bản dịch chú, bởi các văn bản hiện nay dùng đa phần đều sử dụng bản dịch của Đinh Văn Chấp với thứ tự bài thứ 21, trang 50, tạp chí Nam Phong số 114, năm 1927, chỉ có chữ Hán và phần dịch nghĩa mà không có phiên âm. Như trên đã chứng minh, Đinh Văn Chấp đã dựa vào HVTT, tuy rằng tác giả không hề nói đã dẫn từ tác phẩm nào. Dưới đây là bản dịch thơ của Đinh Văn Chấp:
挽法螺尊者題青梅寺
唾手塵寰以了緣, |
Viếng sư Pháp Loa (đề ở chùa Thanh Mai)
Trắng tay chẳng chút nợ trần mang, |
Nhưng Đinh Văn Chấp cũng không hề chú thích cho văn bản. Và về sau cũng có nhiều bản dịch bài thơ này rất tốt như: Việt Nam Phật giáo sử luận, Thiền sư Việt Nam… Các bản dịch này hoặc dịch mới, hoặc là dựa vào bản dịch của Đinh Văn Chấp nhưng đều cùng điểm chung là không chú thích. Trong đó, riêng Thơ văn Lý Trần đã dùng chính bản dịch thơ của Đinh Văn Chấp nhưng thêm phần dịch nghĩa cũng như so sánh văn bản và chú thích. Phần so sánh văn bản đã so sánh với VATT, HVTT, TVTL, và tác giả gần như đã dùng phần chú thích của VATT để chú thích cho phần dịch nghĩa chứ không có kiến giải mới. Như vậy, có thể thấy ngay từ đầu, phần chú thích vô cùng quan trọng của VATT đã có ảnh hưởng trực tiếp đến chú thích trong Thơ văn Lý Trần. Điều này văn bản dịch thơ Nam Phong và Tổng tập Văn học Việt Nam không làm được.
Dưới đây là bản dịch và chú thích đầy đủ của chúng tôi:
垂手塵寰已了緣,
覺王金縷得人傳。
青山蔓草棺藏履,
碧樹深霜殼蛻蟬。
夜掩講堂今古月,
曉迷丈室有無煙。
相投針芥嗟非昔,
琢就哀章淚泫然。
Phiên âm:
Thùy thủ trần hoàn dĩ liễu duyên
Giác vương kim lũ đắc nhân truyền
Thanh sơn man thảo quan tàng lí
Bích thụ thâm sương xác thuế thiền
Dạ yểm giảng đường kim cổ nguyệt
Hiểu mê trượng thất hữu vô yên
Tương đầu châm giới ta phi tích
Trác tựu ai chương lệ huyễn nhiên
Dịch nghĩa:
Nhân duyên ở cõi trần đã hết, rũ tay ra đi((Tổ bi mất chữ thùy thủ, chỉ còn trần hoàn dĩ liễu duyên.))
Chiếc y vàng((Áo vàng, nguyên văn: kim lũ 金縷, tức y lụa màu vàng, chỉ áo cà sa. Tổ bi ghi sai là: kim lâu 金樓.)) của Điều Ngự((Nguyên văn: Giác vương 覺王: tức vị vua giác ngộ, còn gọi là Giác hoàng. Đây chỉ cho Điều Ngự Giác Hoàng.)) đã có người truyền((Câu này chỉ Nhân Tông truyền cho Pháp Loa, và Pháp Loa truyền cho Huyền Quang. Đều có người để truyền thừa kim lũ.))
Núi xanh cỏ biếc chôn giày((Chôn giày, nguyên văn: tàng lí 藏履. Đây là điển tích tổ sư Đạt Ma sau khi viên tịch, đã an táng xong, khi đó có hai đệ tử đi Thiên Trúc thỉnh kinh về, khi qua sa mạc, gặp Đạt Ma quảy một chiếc giày trên vai, đi như bay. Trở về, hai người kể lại cho triều đình và tiến hành khai mộ. Quả nhiên chỉ còn một chiếc giày. Đây ý chỉ đã chứng ngộ, siêu thăng cõi Phật như Đạt Ma, còn dấu để lại là hình tướng như chiếc giày mà thôi.)) nơi phần mộ
Cây xanh trong sương mù ve thoát xác((Ve thoát xác, nguyên văn: xác thuế thiền 殼蛻蟬. Ý nói giải thoát thành tiên. Ở đây chỉ sự giải thoát của ngài Pháp Loa.))
Đêm che giảng đường trăng kim cổ
Sáng mờ mịt trượng thất khói lúc có lúc không
Nhân duyên hội ngộ đặc biệt((Nhân duyên hội ngộ đặc biệt, nguyên văn: tương đầu châm giới相投針芥. Đây vốn là thành ngữ: Châm giới tương đầu針芥相投. Duyên kim cải, nghĩa là hột cải ném ra ghim trúng đầu mũi kim, là một chuyện khó xảy ra. Nhà thiền mượn cụm từ này để chỉ nhân duyên thầy trò khế hợp thật đặc biệt hiếm thấy. (Từ điển Thiền tông))), ôi chẳng phải chuyện xưa
Gọt giũa văn buồn, lệ tràn đầy((Lệ tràn đầy, nguyên văn: lệ huyễn nhiên 淚泫然. Thực lục ghi thành: thế lệ huyền 涕淚絃. Đồng thời thêm chữ nhiên phía sau chữ huyền để vào câu mới, và bỏ qua câu “Đệ tử hơn 30 người, liệt kê dưới đây” mà chuyển luôn vào nội dung. Vào nội dung với chữ nhiên然, mặc nhiên thành tên người và kết cấu của câu đoạn này đã bị lẫn. Tổ bi đã ghi thành lệ huyễn nhiên, nhưng cũng không có câu “Hơn 30 đệ tử” mà vào thẳng nội dung giống với phần nội dung bia Thanh Mai.))
Tạm kết:
Chúng tôi tiến hành so sánh các văn bản để làm rõ sự dịch chuyển văn bản từ bản Thực lục của Pháp Loa, được khắc qua văn bia Thanh Mai, rồi dịch chuyển qua TTTL, VATT, TVTL, HVTT cho đến các bản dịch tiêu biểu về sau, qua đó, làm rõ sự dịch chuyển cũng như sự dị biệt trong vấn đề văn bản học của bài thơ viếng Pháp Loa, ban đầu không có tiêu đề, cho đến khi được thêm tiêu đề và dị biệt về câu chữ trong quá trình sao bản dẫn đến khác nhau.
Đồng thời, nhận định chính xác vấn đề tác giả của bài thơ viếng Pháp Loa là Minh Tông chứ không phải Anh Tông; cũng như cung cấp một bản dịch chú đầy đủ nhất cho văn bản.
Đài Nam ngày 22 tháng 10 năm 2014
Viết ở Phong Thiền viện
PVT
Tài liệu tham khảo:
- Tam tổ thực lục, kí hiệu A.786, Viện Nghiên cứu Hán Nôm