Anh ngữ: Dr. Chatsumarn Kabilsingh
Việt dịch: Pháp Thường
Được sinh ở Thái Lan vào năm 1944, Tiến sĩ Chatsumarn Kabilsingh tốt nghiệp đại học Visva Bharati (Ấn Độ) với bằng triết học danh dự, sau đó bà tiếp tục nhận bằng Thạc Sĩ tôn giáo học ở đại học McMaster (Canada). Năm 1982, bà nhận bằng Tiến sĩ ở đại học Magadh (Ấn Độ). Từ năm 1973, bà là trợ giáo sư triết học và tôn giáo học. Hiện nay, bà là khoa trưởng chuyên ngành triết học và tôn giáo học ở đại học Thammasat, Bangkok. Bà đã cho ra mắt nhiều quyển sách và nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị, tham dự các cuộc hội thảo quốc tế, là người chịu trách nhiệm cho tờ báo Yasodhara, và là cựu chủ tịch tổ chức phụ nữ Phật giáo quốc tế. Điều đặc biệt ở đây, tác giả bài viết này là một Ni sư có danh tiếng trong Ni đoàn Phật giáo các nước theo truyền thống Nguyên Thủy. Với sự thao thức làm sống lại tinh thần Ni đoàn Phật giáo ở các nơi trên thế giới, Ni sư đã bỏ công nghiên cứu đối chiếu các văn bản nhằm làm sáng tỏ những điểm còn uẩn khúc mà xưa nay một số học giả hiểu lầm khi nghiên cứu về truyền thống Ni đoàn Phật giáo. Từ cái nhìn đó, người viết xin mạn phép chuyển dịch bản văn ngõ hầu giới thiệu đến bạn đọc những điểm nổi bật mà ni sư đã nêu trong quá trình nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển Ni đoàn như thế nào.
Ni đoàn Tỳ-kheo được thiết lập vào thời đức Phật và vẫn tồn tại đến ngày nay. Qua nhiều thế kỷ, phái nữ được thụ giới, đã tu học, thực chứng và duy trì pháp Phật, lợi lạc không chỉ mang lại cho bản thân họ mà còn cho những cộng đồng mà họ đã sống ở đó. Trong bản văn này, tôi sẽ nêu ra một lược sử về Ni đoàn ấy, bao hàm tính lan rộng của nó sang những quốc gia khác ngoài Ấn Độ, và diễn ngôn các điểm quan yếu trong Luật tạng hay Phật luật, gọi chung là Tỳ-nại-da hay Thi-la (Vynaya).
Khi phụ vương đức Phật, vua Tịnh-phạn băng hà, Di mẫu Mahāpajapati cùng năm trăm vị vương nữ đi đến thành Ca-tỳ-la-vệ nơi đức Phật đang an trú để thỉnh Phật cho phép mình gia nhập Tăng đoàn (Saṅga). Bấy giờ, đức Phật đã trả lời, “Đừng hỏi như thế”. Di mẫu ba lần thưa thỉnh và mỗi một lần đức Phật chỉ dạy rằng, “Đừng hỏi như thế.” Lúc đó, không một ai biết Ngài đang nghĩ gì và không ai hiểu vì sao Ngài lại từ chối lời thỉnh nguyện này. Tuy nhiên, lý do mà đức Phật chưa quyết cho Bà gia nhập Tăng đoàn, theo một số người giải thích, vì đức Phật không muốn Tăng đoàn có nữ nhân. Vì vậy, một số người khác lại cho rằng, việc Ni đoàn bị mai một ở Ấn Độ khoảng một ngàn năm sau, không cần phải đặt ra. Có những người khác ngang nhiên minh chứng là Ni đoàn bất khả phục hồi dựa trên các bản văn mà họ dẫn ra, còn vấn đề nghiên cứu của chúng ta về sự phát triển trên mặt lịch sử của giới pháp này cần được quán thông hơn nữa trên mặt văn liệu và nhằm minh định rằng nó có thể phục hồi.
Đức Phật bộ hành du hóa rất nhiều ngày từ thành Ca-tỳ-la-vệ đến Tỳ-xá-ly. Cũng vào thời điểm này, Mahāpajapati đã tự mình xuống tóc, khoác Ni bào, và năm trăm vị vương nữ cũng thực hiện y như thế, rồi cùng bà đi đến Tỳ-xá-ly, sự quyết tâm của người phụ nữ nói lên là mình phải được thọ giới và phải theo đức Phật, tức là nguyện được giải thoát vậy. Có lần ở đó, bà ngồi cạnh đại môn dẫn vào tinh-xá Kỳ viên, đôi chân sưng phồng và rướm máu vì cuộc hành trình cầu Phật gian khó. A-nan, em họ và là thị giả Phật, chứng kiến hội chúng này và biết được vấn đề của họ trình bày. Rồi Ngài đại diện họ, đến bạch Phật rằng, “Bạch Phật, Mahāpajapati, vừa là dưỡng mẫu, vừa vai dì Ngài đang ở ngoài kia, và chờ Ngài cho phép được tham gia Tăng đoàn.” Đức Phật lại dạy, “Chớ hỏi như vậy.” A-nan khéo léo gắng thỉnh thêm lần nữa, “Thưa Phật, xét cho cùng, bà ấy là dì và cũng là nhũ mẫu của Ngài. Bà đã nuôi Ngài bằng chính bầu sữa của mình.” Lần này, đức Phật vẫn từ chối. Khi đó, A-nan hỏi, “Bạch Phật, dám hỏi có phải vì nữ nhân không có tiềm năng giác ngộ như nam nhân, nên họ không được xuất gia tu Phật?” Phật dạy, “Này A-nan! Không phải thế, họ hoàn toàn có giác tính bình đẳng với nam giới để thành Phật.” Trên mặt phổ kiến, lời dạy này đã mở ra một chân trời mới trong lãnh vực tôn giáo, bởi vì, người ta không thể tìm thấy bất cứ tôn giáo nào trên thế giới này tuyên bố là, nam nữ Bình đẳng giác tính thành Phật.
Lúc bấy giờ, đức Phật đã dạy, nếu Mahāpajapati có thể lãnh thọ được các luật tắc tối yếu của Bát kính pháp hay Bát kính sư pháp, thì Ngài sẽ cho phép phụ nữ thụ giới gia nhập Tăng đoàn, vì những giới pháp này là tràng hoa để các Ni tự trang nghiêm mình. Mahāpajapati đồng ý lãnh thọ. Một trong các luật tắc đó về sau gây ra quá nhiều phiền phức cho các học giả phương Tây; theo luật này, một vị Ni cho dù đã thụ và đắc đại giới (thọ cụ túc giới) một trăm năm đi nữa, thì vị ấy vẫn phải đảnh lễ một vị Tăng vừa thọ giới, dù chỉ mới một ngày. Học xứ này, xem ra cứ mãi đàn áp những vị Ni, tuy nhiên không có cách nào xem xét khác hơn. Luật tạng kể lại chi tiết câu chuyện sáu Tăng sĩ (lục quần Tỳ-kheo) cho các Ni xem đùi mình. Khi đức Phật dạy về luật này, Ngài chế thêm học xứ mới và dạy các Ni không phải đến thi lễ các vị Tăng như thế. Vậy thì, một Ni không nhất thiết phải đảnh lễ quá nhiều Tăng sĩ, ngoại trừ đối với vị nào đáng được tôn kính. Chúng ta cần có chánh kiến về mỗi một pháp Bát kính này, bởi vì, đức Phật luôn tạo ra các biệt lệ sau khi luật tắc chung đã được chế định.
Một luật đáng kể nhất trong Bát kính pháp là luật Học pháp nữ (Sīkkhamānā, thức-xoa-ma-na, theo từ nguyên Phạn văn, thì thuật ngữ này có nghĩa là nhận thức về học tập), tức chỉ cho các Sa-di-ni đang trong thời gian thử thách hai năm trước khi trở thành những vị Tỳ-kheo-ni. Luật này dạy rằng, sau khi một vị Sa-di-ni đang thời kỳ thử thách và đã học hai năm giới hạnh với một Tỳ-kheo-ni nào đó rồi, thì vị thầy này có trách nhiệm thụ đại giới hay Cụ túc giới cho học trò mình. Song, khi đức Phật truyền giới cho Mahāpajapati, bấy giờ không thấy có các Ni tập sự hay Sa-di-ni. Ngài đã trực tiếp trao giới cho bà ấy thành là Tỳ-kheo-ni. Vậy, chúng ta giải thích như thế nào về giới pháp Bát kính, mà một trong các giai vị của chúng là trước khi trở thành một Tỳ-kheo-ni, một người nữ phải là một Thức-xoa-ma-na? Xét về mặt trình tự luật này, một Tăng sĩ người Anh cho tôi biết rằng, thầy tin là giới pháp Bát kính sư pháp, nó phát sinh về sau nhiều hơn và được các sư chuyên chép sử đưa lên hàng đầu. Trong trường hợp này, rõ ràng là Bát kính sư pháp đã đặt các Ni vào vị trí thấp hơn các Tăng sĩ, vậy, đối với nhà chép Luật, có lẽ vì lợi ích của chư Tăng, mà họ đã quy cho Phật về trật tự của chúng là thế.
Chắc có vài lý do mà Phật chưa cho phép nữ nhân nhập Tăng đoàn. Người ta đã có thể nói là vì lòng bi của Ngài dành cho các Ni, nhất là đối với di mẫu, bởi vì Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đã nhận phần thức ăn của mình và lãnh thọ của bố thí trong các ngôi làng. Quý Sư được nhận rất ít của cúng dường, đôi khi chỉ đúng một nhúm gạo, một mẩu bánh mì, hay một loại tịnh phẩm nào đó trong các tịnh phẩm bằng thực vật. Hãy tưởng tượng một nữ hoàng Mahāpajapati tuổi đã cao và năm trăm vương nữ đi khất thực thì sẽ như thế nào? Điều đó hầu như khó có thể xảy ra, vì họ đã từng trải qua đời sống tiện nghi như vậy trong cung đình. Hẳn là vì lòng bi, đức Phật không muốn họ phải đối mặt với sự gian nan như vậy.
Thêm vào đó, lúc bấy giờ, Ấn Độ chưa có những đại tùng lâm. Do vậy, các tu sĩ thường sống nếp sống cơ cực, trú dưới tàng cây hay trong hang động. Ai là người có thể đồng ý cho những nữ khất sĩ này du hành ở trong các trú xứ như thế? Vả lại, ai là người sẽ dạy cho họ? Có thể, họ được thọ đại giới, xuống tóc xuất gia và mặc pháp phục, nhưng, nếu họ không được truyền thụ một pháp tu nào, thì họ chỉ như là một kẻ du hành nào đó của Ấn Độ vào thời bấy giờ. Sau hết, nên xác định rằng, Tăng đoàn cần cử ra một ít Tăng tài (thánh Tăng- exellent monk) để dạy các Ni.
Hơn thế, đức Phật vừa bị đám đông thế tục chỉ trích là người phá hoại gia cang (family unit). Thừa nhận hội chúng này, tức là Ngài đã hoại đi linh hồn của hàng trăm tổ ấm. Sau đó, đức Phật biết rằng những người chồng của hội chúng nữ này cũng vừa mới gia nhập tăng đoàn. Như vậy, việc trao giới pháp cho nữ giới, Ngài đã không làm đổ vỡ các gia đình. Là bậc Vô Tránh, Thế gian giải, Ngài biết rõ hành xử như thế nào, do đó Ngài đã chấp nhận nữ nhân vào Tăng đoàn.
Cũng có khả năng là, trước khi Mahāpajapati thỉnh nguyện, Ngài chưa từng nghĩ đến việc phụ nữ gia nhập Tăng đoàn, bởi vì theo truyền thống Ấn Độ cổ đại, người phụ nữ vĩnh viễn gắn liền với đời sống gia đình. Vào lúc ấy, phụ nữ tự mình ly gia là điều không thể tưởng tượng nổi. Thậm chí đến giờ, ở Ấn Độ, hiếm khi phụ nữ xuất gia (leave the family). Song, đức Phật biết rằng, (tất cả chúng sanh có khả tính giác ngộ) vốn là một khả tính cho nhất thiết chúng sinh, nên Ngài mở ra cánh cửa học xứ cho nữ nhân thể nhập. Đây là một tiến trình cách mạng mà xu thế xã hội lúc bấy giờ được Ngài trao cho.
Như vậy, Ni đoàn được hình thành sau Tăng đoàn khoảng bảy hay tám năm gì đó. Theo tôi, sự kiện này là một trong các lý do mà Phật đặt Ni đoàn có địa vị thấp hơn Tăng đoàn. Sự chênh lệch vai vế như thế, nằm trong ý nghĩa trật tự giữa những cô em gái với những người anh cả trong một đại gia đình, chớ không nằm trong ý nghĩa giữa những ông chủ với các người hầu.
Luật đã ghi lại rằng, chỉ sau khi phụ nữ được phép gia nhập Tăng đoàn, thì đức Phật mới dạy, “do Ta công nhận việc này, nên thời kỳ Chánh pháp chỉ tồn tại năm trăm năm.” Theo tôi, câu nói này là câu nói, nói lên tâm trạng của những Tăng sĩ ở Sri Lanka, những vị đầu tiên đã ghi Luật thành văn sau sự kiện Phật nhập Niết-bàn, khoảng 400-450 năm. Hình như các Tăng sĩ này không đồng ý cho nữ nhân tham gia Tăng đoàn hay học xứ ấy. Một vài học giả phương Tây nghĩ rằng, câu nói như vậy, sau đó được quy cho đức Phật, chớ thật sự không phải do Ngài tuyên bố. Như ta thấy, hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua, Phật pháp chẳng những vẫn luôn phát dương quảng đại mà nó còn trải rộng ra đến cả phương Tây. Lời cảnh báo Chánh Pháp chỉ tồn tại năm trăm năm sau khi cho phép phụ nữ gia nhập Tăng đoàn chẳng còn mảy may giá trị. Trong khi tra vấn về tính chính xác của vài đoạn kinh trong Phật điển, vấn đề ở đó là một tranh luận tinh tế, và như vậy, chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Tức là, bằng cách nào chúng ta có thể chứng minh mọi thứ đã đi qua mất rồi được cho đúng là lời Phật dạy? Nói cách khác, có nguy hiểm chăng, khi cho rằng một vài đoạn Kinh nào đó là do người khác tự ý thêm vào?
Sự ngờ vực đến với chúng ta chỉ khi có một đoạn Kinh nào đó không tương ưng với giáo lý nòng cốt của đức Phật mà thôi. Nói chung, ta phải thừa nhận rằng, đối với việc bảo lưu và truyền văn bản, các tu sĩ Ấn Độ có được trí nhớ cực kỳ chính xác và họ tỏ ra hài lòng về điều này. Chư Tăng là những vị còn cẩn thận hơn nữa trong việc bảo lưu và truyền thừa giáo pháp. Trong đạo Cơ-đốc, khi viết sách Tứ Phúc Âm, họ là những nam nhân sai biệt và không cần bàn bạc với nhau, còn Tăng sĩ Phật giáo, những người nắm quyền giáo đoàn đã tổ chức những cuộc kiết tập để biên soạn và hệ thống hóa pháp Phật, suốt quá trình làm việc họ đều kiểm tra mỗi một thông tin của người khác. Đúng sau khi Phật diệt độ, Hội nghị đầu tiên được kiết tập và được năm trăm vị A-la-hán chứng minh. Khoảng một trăm năm sau sự kiện đó, Hội nghị lần thứ hai được kiết tập với bảy trăm Tăng sĩ, họ cùng nhau tuyên đọc pháp Phật theo bộ phận tri thức được thừa nhận.
Sự liên hệ giữa Tăng đoàn và Ni đoàn
Hẳn như chúng ta mong chờ, trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, quý Thầy đã đối xử với các nữ tu, nói chung, giống như cách mà những người đàn ông đối xử các phụ nữ. Khi phụ nữ được thụ giới, các tu sĩ gọi họ vào để lau chùi tu viện, tẩy rửa chén bát và chăn màn y áo. Các Phật tử tại gia để ý điều này và trình lên đức Phật, họ thưa rằng, những người phụ nữ ấy muốn được thọ giới là để tu học giáo pháp, nhưng giờ đây họ có quá ít thời gian dành cho việc này. Để trả lời, đức Phật đã chế định các quy tắc cho chư Tăng liên hệ đến việc ứng xử với các nữ tu như thế nào. Chẳng hạn, đức Phật chế định các điều giới luật ngăn cấm việc chư Tăng sai bảo các Tỳ-kheo-ni giặt hay xếp đặt quần áo khăn màn của họ v.v…
Đức Phật cũng bảo hộ các Ni khỏi phải bị lợi dụng bởi các vị Tăng phóng túng. Trong luật kể rằng, một buổi sáng, có một Trưởng lão Ni (tuổi 120) đã đi khất thực, bà ấy kinh hành một chặng đường dài từ tu viện đến các thôn làng. Bà nhận thức ăn và rồi trở về tu viện với bình bát có phẩm vật cúng dường của mình. Nơi cánh cổng dẫn vào tu viện đã chờ sẵn một tăng trẻ giải đãi không chịu đi vào làng khất thực. Để ý thấy bình bát của vị Tăng đang trống không, bà đã cúng dường thức ăn của mình cho vị ấy, thức ăn chỉ đủ cho một người, vì vậy, bà đã không có gì ăn cho sự tịnh dưỡng trong ngày này.
Ngày kế tiếp, vị Tăng trẻ lại chờ bà, bà lại sớt phần thức ăn của mình. Qua ngày thứ ba, bà lại vào thôn khất thực. Có một Phật tử trưởng giả ngồi xe ngựa đi qua gần Bà, Bà nhường đường và choáng váng ngả quỵ bất tỉnh. Vị trưởng giả dừng xe, đỡ Bà dậy và phát hiện là, Bà ngả quỵ là do ba ngày nay không ăn gì cả. Vị ấy bạch Phật về tình trạng này và phản đối rằng, một nữ tu không nên bị một Tăng sĩ đối xử bằng cách ấy. Do nguyên nhân này, đức Phật đã chế định điều luật ngăn cấm việc chư Tăng nhận thức ăn từ chư vị Tỳ-kheo-ni. Tất nhiên, chánh kiến về tinh thần của mỗi điều giới luật là việc cực kỳ quan trọng; điều này không có nghĩa là khi chư Ni có cúng phẩm sung túc, sẽ không chia sẻ với chư Tăng.
Vào thời đức Phật, chư Ni đều có những quyền hạn bình đẳng cũng như bình đẳng trong mọi cúng phẩm. Có một trường hợp, cả hai Ni và Tăng đoàn được dâng cúng tám bộ Y ở một trú xứ mà chỉ có một Ni và bốn Tăng, đức Phật đã trao bốn Y cho một Ni và bốn Y cho bốn Tăng, bởi vì chúng được dâng cúng cho cả hai, nên phải được chia đều, cho dù lúc này hai nhóm có sự chênh lệch số người. Bởi vì, theo khuynh hướng chung, cư sĩ tại gia thường hay cung thỉnh chư Tăng về nhà mình để thiết trai cúng dường hơn là cung thỉnh chư Ni (vì vậy, chư Ni nhận được rất ít những thỉnh mời của các cư sĩ thế gian), cho nên, tu viện khi nhận được bao nhiêu cúng phẩm, đức Phật đem phân đều cho hai đoàn. Ngài đã hộ trì chư Ni và đối xử minh bạch với hai bộ phận này.
Hội nghị kết tập lần đầu tiên và Giới bổn Tỳ-kheo-ni
Ngài A-nan, thị giả của Phật, đã đóng một vai trò rất quan trọng đối với chư Ni. Tôn giả được chư Ni kính mến và ngài đã được cung thỉnh đến những tịnh xá của chư Ni để giảng dạy cho họ. Bởi tôn giả A-nan là người đã có cơ hội nghe được hầu hết giáo pháp của Phật và có một trí nhớ siêu phàm, cho nên ngài là nhân vật chính trong Hội nghị kiết tập lần đầu tiên, khi mà giáo pháp được phúng tụng và tuyển tập lại. Có một số vị Tăng đã không hài lòng về việc đức Phật cho phép người nữ gia nhập Tăng đoàn. Tuy nhiên khi đức Phật còn tại thế, họ không hề biểu hiện ý niệm ấy. Tại hội nghị kết tập kinh điển lần thứ nhất, với sự tham gia của 500 vị Thánh Tăng vào khoảng 3 tháng kể từ ngày đức Thế Tôn nhập vô dư niết-bàn, sự không hài lòng đó đã thể hiện rõ. Trước khi chính thức tụng lại những giáo pháp của Phật, các vị ấy đã bảo với ngài A-nan là ngài đã phạm phải tám lỗi và yêu cầu ngài phải sám hối về những lỗi lầm ấy. Một trong số những lỗi lầm ấy là việc ngài A-nan đã xin phép đức Phật cho người nữ gia nhập Tăng đoàn. Ngài A-nan đáp rằng, ngài không cho đấy là một lỗi lầm và việc làm đó cũng không vi phạm một giới điều nào cả. Tuy nhiên, để tránh gây chia rẽ trong tăng đoàn khi đức Phật nhập diệt chưa được bao lâu, ngài A-nan đã thưa rằng, nếu chư Tăng muốn ngài sám hối thì ngài sẽ sám hối.
Ni đoàn ở Ấn Độ và Sự mở rộng Ni đoàn sang các quốc gia khác
Cả Tăng đoàn và Ni đoàn đã tồn tại ở Ấn Độ mãi đến thế kỷ thứ bảy sau Tây lịch, thời điểm Hồi giáo tấn công vào đây và phá hủy các tu viện Phật giáo. Vào năm 248 trước Tây lịch, khoảng 300 năm sau khi đức Phật diệt độ, vua A-dục, một đấng minh quân đã trị vì đất nước Ấn Độ, một vị Đại hộ pháp của Phật giáo, chính vua đã gởi phái đoàn Phật giáo đi hoằng pháp chín hướng khác nhau. Con trai của vua, Trưởng lão Mahinda, đã đến Srilanka để truyền bá chánh pháp và thiết lập Tăng đoàn ở đây. Lúc bấy giờ có công chúa Anula, người em vợ của vua Devanampiyatissa ở Srilanka, đã cải đạo để về với đạo Phật khi trưởng lão Mahinda đến truyền bá chánh pháp. Sau khi nghe được những lời giảng dạy của Trưởng lão Mahinda, công chúa đã đắc quả Dự Lưu (quả Tu-đà-hoàn) và bạch tôn giả liệu cô có thể gia nhập Tăng đoàn được hay không. Trưởng lão Mahinda đã dạy rằng, để trở thành một Tỳ-kheo-ni, thì việc thọ lãnh giới pháp từ sự truyền giới của nhị bộ đại Tăng là không thể không tiến hành. Ít nhất là phải có năm vị Tỳ-kheo-ni để thành lập Ni đoàn, và một vị Giáo thọ sư phải có ít nhất 12 năm hành trì giới luật Tỳ-kheo-ni để truyền trao giới pháp. Tôn giả đã bảo với cô ta là nên nhờ vua Devanampiyatissa cho sứ giả đến Ấn Độ để thỉnh cầu vua A-dục cho con gái của vua, Ni trưởng Sangamitta, cùng với một số Tỳ-kheo-ni khác đến để truyền giới. Ni trưởng Sangamitta vốn là một công chúa, đã từ bỏ hoàng cung xa hoa để tu hành theo giáo pháp của Phật. Ni trưởng không chỉ tinh thông giới luật mà còn là một Pháp sư. Do vậy, theo sự thỉnh cầu của vua Devanampiyatissa, vua A-dục đã gởi Ni trưởng Sangamitta và các Tỳ-kheo-ni khác đến Srilanka để thiết lập Ni đoàn. Và vua A-dục cũng gởi Ni trưởng mang đến Sri- lanka một nhánh Bồ-đề được chiết từ cây Bồ-đề ở Bồ-đề đạo tràng. Ni trưởng và các vị Tỳ- kheo-ni người Ấn, cùng với Tăng đoàn đã truyền giới cho công chúa Anula và các phụ nữ khác của Srilanka. Từ đó Ni đoàn ở Srilanka được hình thành, một Ni đoàn đầu tiên ở ngoài đất nước Ấn Độ.
Khi Ni trưởng Sangamitta đến Srilanka, hàng trăm phụ nữ ở đây mong được thọ giới xuất gia, và vua Devanampiyatissa đã xây dựng các Ni viện dành cho họ. Ni đoàn ở đó đã được phát triển mạnh cùng với Tăng đoàn, cho đến khi vua Chola từ Nam Ấn tấn công vào Srilanka thì cả Tăng lẫn Ni đoàn đều bị diệt vong. Sau đó thì một vị vua Phật tử đã nối ngôi, chính vị này đã tìm kiếm chư Tăng khắp quốc đảo này nhưng vua chỉ tìm thấy duy nhất một vị Sa-di còn sót lại mà thôi. Để phục hưng Tăng Bảo ở Srilanka, vua đã cho các sứ thần đến Miến Điện và Thái Lan để thỉnh cầu các vị vua ở đó cho chư Tăng Ni đến Srilanka để tổ chức giới đàn. Tuy nhiên, vì Thái Lan chưa từng có Ni đoàn, nên không có Tỳ-kheo-ni nào được gởi đến đây, do vậy vua Srilanka chỉ có thể phục hưng Tăng đoàn mà thôi, còn Ni đoàn thì chưa.
Ni chúng ở Trung Hoa
Từ thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, nam giới ở Trung Hoa đã được thọ giới Cụ túc để trở thành Tăng sĩ. Vào đầu thế kỷ thứ tư, có một phụ nữ người Trung Hoa, cô Tịnh Kiểm, rất muốn được trở thành một Tỳ- kheo-ni. Mặc dù trước đó, cô được thọ giới Sa-di-ni, nhưng cô đã không được thọ giới Tỳ-kheo-ni, bởi vì chư Tăng Trung Hoa cho rằng, nhị bộ đại Tăng truyền giới là điều không thể thiếu. Sau đó có một vị Tăng sĩ người nước ngoài tên là Đàm-ma-yết-đa đã góp ý rằng, trong một đất nước chưa có Ni đoàn như thế này mà yêu cầu người nữ phải nhận được sự truyền giới từ nhị bộ đại Tăng là không phù hợp. Sau đó vị này cùng Tăng đoàn đã làm lễ truyền giới cho cô Tịnh Kiểm. Nhờ vậy, cô Tịnh Kiểm trở thành vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên ở Trung Hoa.
Sau này, người Trung Hoa đã thỉnh các vị Tỳ-kheo-ni từ Srilanka đến. Một số vị đã đến, nhưng vẫn chưa đủ số lượng cho việc thành lập Giới đàn sư để truyền thọ Tỳ-kheo-ni giới. Những vị này đã lưu lại Trung Hoa để học tiếng Hoa, trong khi đó thì vị chủ của chiếc tàu đã đưa quý cô đến Trung Hoa trở về Srilanka để thỉnh thêm cho đủ số lượng Tỳ-kheo-ni nhằm truyền trao giới pháp. Năm sau chính chiếc tàu ấy đã đưa thêm nhiều vị Tỳ-kheo-ni từ Srilanka đến Trung Hoa, trong đó có một vị tên là Tesara. Kết hợp với các vị Tỳ-kheo-ni người Srilanka đã đến trước đó, họ đã mở giới đàn truyền giới cho hơn 300 phụ nữ người Hoa tại tu viện Phương Nam Grove. Trong giới đàn ấy, một vị Tăng người Ấn, pháp hiệu là Sanghavarman, và chư Tăng người Hoa cũng đã tham gia truyền giới. Đấy là lần đầu tiên tại Trung Hoa, các vị Tỳ-kheo-ni được thọ giới từ nhị bộ đại Tăng.
Theo bộ luật của bộ phái Nguyên thủy được tìm thấy ở vùng Đông Nam Á – bộ luật này khác với bộ luật Đàm vô đức được tìm thấy ở Trung Hoa – một vị giáo thọ Tỳ-kheo-ni mỗi một năm chỉ được phép truyền giới cho một vị Ni mà thôi. Ngày nay một vài người nghi ngờ về giá trị của việc thọ giới ở Trung Hoa vì nhiều vị Ni được thọ giới cùng một lúc. Tuy nhiên, khi chúng ta tìm hiểu về tinh thần của giới luật, chúng ta dễ dàng hiểu được lý do số lượng những người đệ tử của mỗi vị giáo thọ Tỳ-kheo-ni được thọ giới đã bị hạn chế trong thời gian đầu. Trước hết là vì lý do an toàn, Ni chúng không thể sống trong rừng, họ phải sống trong các tịnh thất, nhưng số lượng tịnh thất thì lại không đủ. Thứ hai là số lượng phụ nữ người Ấn xuất gia lúc bấy giờ quá đông, đến độ Ni đoàn đã không đủ Giáo thọ sư để hướng dẫn họ. Một biện pháp để giới hạn số lượng Ni chúng là hạn chế số lượng đệ tử được phép thọ giới của mỗi vị Giáo thọ. Còn ở Trung Hoa thì hoàn cảnh lại khác, do vậy không có gì sai khi truyền giới cho nhiều Tỳ-kheo-ni cùng một lúc.
Sự truyền thọ giới Tỳ-kheo-ni
Sau khi Phật nhập diệt, một vài trường phái Tỳ-nại-da đã xuất hiện. Thực tế mà nói thì kinh Giới Bổn trong mỗi trường phái đã được truyền khẩu qua nhiều thế kỷ và các trường phái này đã phát triển trong các khu vực địa lý khác biệt nhau, nhưng chúng giống nhau một cách lạ thường. Tất nhiên vẫn có đôi chút khác nhau về số lượng các giới điều cũng như trong sự phiên dịch của họ. Người Trung Hoa thì dựa theo bộ luật Đàm vô đức, luật này là một nhánh phụ của Phật giáo Nguyên thủy, truyền thống Phật giáo này được truyền bá tại Thái lan, Srilanka và các nước Đông Nam Á. Còn người Tây Tạng thì theo luật Nhất thiết hữu bộ. Tôi không biết là các Tỳ- kheo-ni người Srilanka đã mang đến Trung Hoa bộ luật nào trong số các bộ luật ấy. Cần nghiên cứu nhiều hơn để làm sáng tỏ vấn đề quan trọng này. Ngày nay, có nhiều sự bàn luận về vấn đề những người phụ nữ từ các quốc gia như Thái Lan, Srilanka, và Tây Tạng đến tiếp nhận sự trao truyền giới pháp Tỳ-kheo-ni từ cộng đồng người Trung Hoa rồi trở về lại đất nước của họ, nơi mà hạt nhân của việc truyền thọ giới pháp Tỳ-kheo-ni chưa có mặt trong hiện tại. Tuy nhiên, nhìn chung thì chư Tăng ở Srilanka và Thái Lan không chấp nhận sự truyền thọ giới pháp Tỳ-kheo-ni theo truyền thống của người Trung Hoa vì việc làm này được xem như là xuất phát từ một nguồn gốc giới luật khác với truyền thống của họ. Theo tôi thì điều này không thành vấn đề vì tất cả các truyền thống ấy đều xuất phát từ một Luật tạng.
Đức Phật có dạy rằng, để Phật giáo hưng thịnh trong một quốc gia thì cần phải có đủ Tứ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc (cận sự nam), Ưu-bà-di (cận sự nữ). Do vậy, rất là hữu ích khi đưa Ni đoàn đến các quốc gia Phật giáo, nơi mà Ni chúng hiện chưa có mặt. Tôi nghĩ đến hai nhóm người thảo luận về khả năng của việc thọ giới Tỳ-kheo-ni. Một nhóm thì không tán đồng việc người nữ thọ Tỳ-kheo-ni giới, và họ đã viện dẫn lời dạy trong kinh điển để bảo vệ lập trường của mình, họ bảo rằng, “các vị hãy xem, đức Phật không hề muốn những người nữ gia nhập Tăng đoàn”. Một nhóm khác thì tán đồng và họ cũng dẫn ra những lời dạy từ cùng một bản kinh ấy và bảo rằng, “các vị hãy xem, nếu dựa theo tinh thần của giới luật thì người nữ có thể thọ giới Tỳ-kheo-ni”. Tuy nhiên, những dấu hiệu của sự thay đổi đang biểu lộ dần. Chẳng hạn như vào năm 1998, tại Bồ-đề đạo tràng, Ấn Độ, một số vị Tăng ưu tú của Phật giáo Nguyên thủy đã tham gia trong một lễ truyền thọ giới pháp Tỳ-kheo-ni do một tu sĩ người Hoa tổ chức. Tại giới đàn này có 20 vị Ni người Srilanka đã lãnh thọ giới pháp.
Các vị Ni đã dâng trọn cuộc đời của họ cho Chánh pháp, họ không có gì phải ngần ngại trong việc chứng tỏ cho người khác biết những ảnh hưởng tích cực mà họ có thể đem đến cho xã hội. Những lời dạy cuối cùng của Phật là, “hãy sống có ích lợi cho bản thân; và hãy đem lại lợi ích cho tha nhân.” Để được xã hội ủng hộ, Ni đoàn có thể chứng tỏ rằng, nhờ sự tu tập Chánh pháp mà họ có được an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống. Họ cũng có thể chứng tỏ là họ đem đến lợi ích cho người khác bằng cách giúp họ trở nên an lạc. Nếu chư Ni mạnh dạn biểu hiện những khả năng của mình thì xã hội sẽ ủng hộ họ. Và qua đó, các vị Tăng thủ cựu sẽ nhận ra rằng thật là đáng quý nếu người nữ được đứng vào hàng ngũ của Tăng-già. Họ sẽ thấy rằng các vị Ni có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề và phục vụ tha nhân theo những cách thức mà nam giới không thể làm được.
Chư Ni có thể giúp đỡ cho xã hội bằng cách nào?
Các vị Ni có thể đóng góp cho xã hội bằng cách đơn giản là làm một tấm gương tốt của những con người biết khiêm nhường và sống trong tinh thần bất hại. Bên cạnh những nghiên cứu về tâm linh và tu tập, chư Ni còn có thể trực tiếp làm lợi ích cho xã hội theo những cách khác, một trong những cách đó là quan tâm đến những vấn đề liên quan đến phụ nữ. Chẳng hạn, các vị Tỳ-kheo-ni có thể giúp giải quyết những vấn đề liên quan đến việc nạo phá thai, vấn đề mãi dâm, sự mãn kinh, và những vấn đề khác mà người nữ thích thảo luận với các chị em phụ nữ. Các vị Ni cũng có thể giúp đỡ những người mẹ mang thai trước hôn nhân, nhiều người trong số họ không muốn tiến hành nạo phá thai nhưng họ lại không biết làm sao để giải quyết trong tình huống ấy. Ở Thái Lan, chúng tôi vừa mới lập nên một căn nhà cho những người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, nhờ vậy họ có thể tránh được sự nạo phá thai và nhận được sự chăm sóc cần thiết đối với họ.
Các vị Ni cũng có thể giúp những người phụ nữ bị đau khổ sau khi nạo phá thai. Là những người Phật tử, chúng ta tìm cách ngăn chặn việc nạo phá thai, tuy nhiên vẫn có một số chị em phụ nữ đã làm điều này. Về sau, một vài người trong số những phụ nữ này cảm thấy hối hận và mang những tâm trạng rối bời về những việc làm của họ. Chúng ta cần giúp họ ý thức được rằng đấy là hành động đã phạm phải trong quá khứ, chúng ta cần chỉ dạy cho họ những biện pháp để thanh lọc những nghiệp quả của nó, và động viên họ hướng về tương lai để sống một cuộc sống không bị đè nặng bởi sự cắn rứt của lương tâm do mặc cảm tội lỗi sinh ra. Một vài nữ Phật tử ở Tây phương đã sáng chế ra những nghi thức nhằm giúp những người phụ nữ như thế sống có ý nghĩa hơn.
Ni đoàn có một tiềm lực lớn lao, bởi vì bất cứ những gì chư Ni làm đều sẽ có sự ảnh hưởng lan nhẹ dần đến người nữ Phật tử trên toàn thế giới. Tôi mong sao chư Ni sẽ sử dụng năng lượng tập thể của họ để giúp đỡ lẫn nhau, để cống hiến cho xã hội và cũng là để giữ gìn và truyền bá những lời dạy quý báu của đức Phật đến với mọi người.
[Tập san Pháp Luân, số 51 & 54]