PHẬT PHÁP
(CHƯƠNG TRÌNH CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ)
BIÊN TẬP
THÍCH MINH CHÂU, THÍCH THIÊN ÂN, THÍCH ĐỨC TÂM, THÍCH CHƠN TRÍ
______________
[box type=”shadow” align=”” class=”” width=””]
A – BẬC HƯỚNG THIỆN
1- BIẾT SỰ TÍCH ĐỨC THÍCH CA TỪ KHI SƠ SANH ĐẾN XUẤT GIA
2- BIẾT HAI CHUYỆN TIỀN THÂN HAY MẨU CHUYỆN ĐẠO.
3- THUỘC VÀ HIỂU BÀI SÁM HỐI
4- HIỂU CHÂM NGÔN VÀ NĂM ĐIỀU LUẬT CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ.
5- HIỂU Ý NGHĨA HOA SEN VÀ MỤC ĐÍCH CỦA ĐOÀN.[/box]
LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA
(Từ sơ sanh đến xuất gia)
I. THÂN THẾ CỦA THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA
Đức Phật Thích Ca tên là Tất-đạt-đa, hiệu Thích Ca một nhánh của họ Kiều-tất-la, một đại quý tộc ở Ấn Độ. Hợp cả tên lẫn họ là Kiều-tất-la Thích Ca Tất-đạt-đa. Ngài là con vua Tịnh Phạn nước Ca-tỳ-la-vệ. Mẹ Ngài là Ma-gia Hoàng hậu. Nước Ca-tỳ-la-vệ ở Ấn Độ thời ấy là một nước rất phồn thịnh, nay tức là xứ Therai, ở phía Đông Bắc thành Ba-la-nại, phía Nam nước Népal.
II. NGÀY VÀ CHỖ ĐẢN SANH THÁI TỬ
Thái tử sanh lúc mặt trời mọc, ngày Rằm tháng Hai Ấn Độ, tức là ngày Rằm tháng Tư theo lịch Trung Quốc, vào năm 544 trước Công nguyên. Như vậy đến năm 1962 là đúng với Phật lịch 2506- Ngài sanh dưới cây Vô ưu, trong vườn Lâm-tỳ-ni trong khi bà Ma-gia đang dạo chơi vườn cảnh.
III. TƯỚNG MẠO THÁI TỬ VÀ LỜI TIÊN ĐOÁN CỦA A TƯ ĐÀ
Khi Thái tử sanh có nhiều điềm rất lạ, trời mưa hoa thơm, nhạc trời chúc tụng, quả đất rung động. Thái tử sanh ra có 32 tướng tốt. Ông tiên A-tư-đà đến đoán tướng Ngài, nói rằng : “Thái tử có đủ 32 tướng tốt, nếu làm vua thì làm vị Chuyển luân Thánh vương; nếu xuất gia tu hành thì sẽ thành Phật”.
IV. SỰ GIÁO DỤC VÀ TÀI NĂNG CỦA THÁI TỬ
Sau khi sanh Thái tử được 7 ngày thời bà Ma- gia từ trần. Vua Tịnh Phạn giao Thái tử cho người dì tên là Ma-ha Ba-xà-ba-đề nuôi nấng chăm sóc. Vua hết sức lo sự giáo dục cho Thái tử. Ngài cho mời những bậc giáo sư có tiếng nhứt ở trong nước về văn cũng như về võ. Thái tử rất thông minh, chỉ học qua một lần đều thông hiểu, văn võ toàn tài không ai sánh kịp. Các vị giáo sư đều bái phục.
V. ĐỜI SỐNG CỦA THÁI TỬ
Thái tử được vua Tịnh Phạn yêu quý, ngày ngày sống trong cảnh phong lưu sung sướng. Vua xây cho Thái tử những tòa lâu đài hợp với ba mùa của xứ Ấn Độ. Mùa nóng có chỗ mát, mùa lạnh có chỗ ấm, mùa ôn hòa có chỗ không nóng không lạnh. Cung điện trang hoàng cực kỳ mỹ lệ, vườn cảnh có đủ hoa thơm cỏ lạ. Vua Tịnh Phạn lại ban cho 500 thể nữ kiều diễm đêm ngày ca múa đàn hát; các món vui chơi trong nước, không còn thiếu một món gì. Tuy Thái tử sống trong xa hoa lộng lẫy, nhưng Ngài không bao giờ say đắm, trên mặt luôn lộ một vẻ buồn kín đáo, thương người thương mọi vật. Tuy văn võ hơn người, Ngài vẫn khiêm tốn lễ độ, không kiêu căng tự đắc.
VI. THÁI TỬ LẬP GIA ĐÌNH
Đến 17 tuổi, Ngài vâng theo lời của Phụ vương kết hôn với nàng Da-du-đà-la. Theo tục quý phái xưa, Thái tử đã chiến thắng tất cả thanh niên đến dự các buổi thi và lựa nàng Da-du là người tươi đẹp thuần thục nhứt trong các Công chúa muốn được làm vợ Ngài. Thái tử sanh được một người con tên là La-hầu-la.
VII. THÁI TỬ TIẾP XÚC VỚI ĐỜI
Vì có lời tiên đoán của ông A-tư-đà, nên vua Tịnh Phạn không cho Thái tử tiếp xúc với cảnh khổ; nhưng vì Thái tử khẩn khoản cầu xin, vua Tịnh Phạn để cho Thái tử đi du ngoạn và tiếp xúc với thực trạng của cuộc đời.
1. Cảnh khổ thứ nhứt: Sống là khổ. Một hôm Ngài theo Vua cha dự lễ cày cấy. Thấy người và vật vất vả, khổ đau dưới ánh nắng thiêu đốt để đổi lấy bát cơm, chim chóc dành nhau mổ ăn các loài côn trùng giẫy giụa trên luống đất mới. Ngài thương xót buồn rầu vô hạn. Ngài thương chúng sanh đau khổ vì sống, và vì món ăn phải giết lẫn nhau.
2. Ba cảnh khổ của cuộc đời: Già, bệnh, chết. Lần sau Ngài lại xin phép Phụ vương ra cửa thành dạo chơi. Lần thứ nhứt Ngài gặp một ông già tiều tụy, da nhăn, lưng còm, mắt lòa, tai điếc. Lần thứ hai Ngài thấy một người tật bệnh bụng to cổ trướng rên la khổ sở. Lần thứ ba Ngài gặp một đám tang, thân nhân gào khóc thảm thiết. Ngài nhận hiểu được rằng: Sống ở đời giàu nghèo sang hèn đều bị đau khổ đoanh vây áp bức: già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ.
VIII. TÂM TRẠNG CỦA THÁI TỬ SAU KHI TIẾP XÚC VỚI ĐỜI
Trước thực trạng đau khổ của kiếp người, Ngài bị xúc động mạnh mẽ. Sau khi thấy sự đau khổ của chúng sanh, Ngài luôn luôn tưởng nghĩ đến chúng sanh, nghĩ đến những nỗi đọa đày lầm than của chúng sanh, và Ngài luôn luôn trù nghĩ suy tầm phương pháp cứu chúng sanh thoát khỏi biển trầm luân khổ ải. Mặt Ngài thường hiện vẻ lo buồn trầm mặc. Ngài lo buồn cho chúng sanh, Ngài trầm mặc để tìm phương pháp cứu độ chúng sanh thoát khỏi đau khổ.
IX. CẢNH GIẢI THOÁT VÀ THÁI TỬ XUẤT GIA
1. Cảnh giải thoát. Lần thứ tư ra dạo chơi ngoài cửa thành, Ngài gặp một vị Sa-môn thanh cao bình tĩnh, Ngài hỏi rằng: “Ngài là ai?”. Vị Sa-môn đáp: “Tôi là người đã thoát khỏi sự đau khổ của già, đau, chết”. Thái tử liền hiểu được rằng, chỉ có phương pháp cứu chúng sanh thoát khỏi bể khổ mênh mông là phải xuất gia tìm đạo.
2. Thái tử xuất gia. Một đêm nọ, sau buổi yến tiệc linh đình, Ngài thừa lúc mọi người đang ngủ say, lặng lẽ ra khỏi cửa thành. Ngài định đánh thức bà Da-du-đà-la ngỏ đôi lời từ biệt, nhưng sợ lòng nhi nữ hay bịn rịn có thể ngăn trở ý định, Ngài chỉ đành nhìn vợ con lần cuối cùng rồi gọi người hầu cận trung thành là Xa-nặc, thắng ngựa Kiền-trắc, hai thầy trò ra đi, quân canh còn mải ngủ chẳng hay biết gì cả. Ngài ra đi lúc 19 tuổi, vào ngày trăng tròn tháng hai.
X. KẾT LUẬN
Cử chỉ của Ngài xuất gia là một gương sáng cho mọi người soi chung. Vì lòng thương chúng sanh, lòng thương nhơn loại, Ngài đã bỏ cung điện giàu sang, giường cao nệm ấm, cao lương mỹ vị và cả ngôi báu. Cho đến vợ đẹp con yêu, Ngài cũng đành từ giã để đi tìm hạnh phúc chơn thật cho chúng sanh đang đau khổ. Cử chỉ của Ngài ra đi nhắc nhủ cho muôn loài biết rằng hạnh phúc không thể tìm trong danh vọng tài sắc, và những người thật thương yêu chúng sanh. Phải tìm chơn lý để soi sáng cho chúng sanh. Cử chỉ của Ngài lúc ra đi là cả một sức mạnh quyết tìm chơn lý, và chơn lý chỉ đến với những tâm hồn cao cả thoát tục, tràn đầy một lòng vị tha không bờ bến.