PHẬT PHÁP
(CHƯƠNG TRÌNH CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ)
BIÊN TẬP
THÍCH MINH CHÂU, THÍCH THIÊN ÂN, THÍCH ĐỨC TÂM, THÍCH CHƠN TRÍ
______________
[box type=”shadow” align=”” class=”” width=””]
B – BẬC SƠ THIỆN
1- BIẾT SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA TỪ XUẤT GIA ĐẾN NHẬP DIỆT.
2- BIẾT SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ VÀ QUÁN THẾ ÂM.
3- BIẾT BA CHUYỆN TIỀN THÂN HAY MẨU CHUYỆN ĐẠO.
4- BIẾT BA NGÔI BÁU, BA PHÉP QUY Y, SÁU PHÁP HÒA KỈNH.
5- HIỂU Ý NGHĨA ĂN CHAY NIỆM PHẬT.
6- HIỂU VÀ THUỘC NGHI THỨC PHỔ THÔNG[/box]
LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA
(Từ xuất gia đến nhập diệt)
I. THÁI TỬ XUẤT GIA
Nửa đêm mùng 8 tháng Hai, Thái tử cùng Xa- nặc thắng ngựa Kiền-trắc, vượt cửa thành ra đi. Ngài đến sông A-nô-ma, rồi xuống ngựa, lấy gươm cắt tóc giao cho Xa-nặc đem tất cả đồ trang sức và ngựa về cung tâu với phụ vương rõ chí quyết định của Thái tử. Rồi Ngài cởi áo đổi cho một người thợ săn, cương quyết đoạn tuyệt cảnh đời xa hoa vương giả, khoác chiếc áo hoại sắc, một mình một thân đi tìm đạo.
II. THÁI TỬ HỎI ĐẠO
Trước hết Ngài đi tìm hiểu và hành trì các đạo đang lưu hành trong nước, tìm xem có đạo nào là chơn chánh giải thoát cho muôn loài.
1. Thái tử hỏi đạo lần thứ nhứt: Thái tử đi lần đến thành Vương Xá đến hỏi đạo các vị Tiên ở rừng Bạc-già tu theo khổ hạnh để được làm Ma vương, Thiên thần, được thần thông. Thái tử nhận thấy tu theo khổ hạnh lên cõi Trời cũng sung sướng thật, nhưng hết phước rồi sẽ đọa vào các cõi đau khổ, chưa phải là đạo chơn chánh giải thoát.
2. Thái tử hỏi đạo lần thứ hai: Ngài từ giã các vị Tiên và đến phía Bắc thành Tỳ-xá-ly hỏi đạo ông A-la-la tu về Số luận chuyên nhiếp tâm vào định Sơ thiền v.v… để được sanh vào cõi trời Vô tưởng, đặng giải thoát. Thái tử cũng tu theo và cũng chứng đặng cõi trời Vô tưởng nhưng Ngài nhận thấy không phải là đạo giải thoát, nên Ngài từ tạ ra đi.
3. Thái tử hỏi đạo lần thứ ba: Ngài đến hỏi ông Uất-đầu-lam-phất, chuyên dạy các sự chấp trước có hình tướng hay không hình tướng đều là sai lạc, chỉ phải lãnh thọ cái thể nhiệm mầu của muôn vật mới được giải thoát và sanh về cõi trời Phi tưởng Phi phi tưởng xứ; Thái tử liền tu theo và chứng được Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Nhưng Ngài cũng nhận rằng cõi ấy chưa phải là cảnh giải thoát.
III. THÁI TỬ TU KHỔ HẠNH
Thái tử ba lần hỏi đạo, biết rằng các đạo hiện hành không có đạo nào là chơn chánh giải thoát. Ngài tự nghĩ phải chính thân hành trì chuyên tu mới có thể tìm rõ đạo chánh. Ngài liền đến rừng Ưu-lâu-tần-loa phía Nam núi Tượng Đầu bên sông Ni-liên-thuyền và bắt đầu tu khổ hạnh với năm người bạn là Kiều-trần-như, Ác-bệ, Thập-lực Ca- diếp, Ma-ha-nam, Câu-ly và Bạc-đề. Ngài tu trong sáu năm, cương quyết hành hạ tự thân ép xác đến nỗi mỗi ngày chỉ ăn một hột gạo một hột mè. Ngài càng tu khổ hạnh, càng gầy mòn yếu ốm đến nỗi một ngày kia phải té xỉu chết giấc. Khi Ngài tỉnh dậy, Ngài hiểu rằng hành hạ xác thân quá đáng không ích gì, người cầu đạo cần phải phát chiếu trí huệ mới mong được giác ngộ. Nghĩ thế Ngài nhứt định ăn uống như thường, để giữ lại cái thân làm lợi khí trong công cuộc tìm đạo giải thoát. Năm người bạn đồng tu thấy vậy tưởng Ngài thoái chí nên bỏ đi.
IV. THÁI TỬ THAM THIỀN
Khi ấy, một thiếu nữ tên Tu-xà-đề thấy Ngài nằm dưới gốc cây liền đem sữa đến dâng, Ngài dùng sữa xong, sức lực tinh phục, rồi xuống sông Ni-liên-thuyền tắm rửa sạch sẽ. Tắm xong Ngài liền đến dưới cây Bồ-đề, trải cỏ làm nệm và ngồi tịnh tọa tham thiền luôn trong 49 ngày. Ngài thề rằng: “Nếu ta không thành đạo chứng quả thì quyết trọn đời không rời khỏi cây Bồ-đề này”.
V. THÁI TỬ THÀNH ĐẠO
Ngài định tâm chuyên chú: Nhứt tâm mặc tưởng thiền vu. Các Ma vương sợ Ngài thành đạo
sẽ giác ngộ cho mọi loài bèn rủ nhau đến quyến rũ mê hoặc hại Ngài. Nhưng Thái tử định lực cao cường, nên chiến thắng tất cả sự cám dỗ của Ma vương.
Đến đêm mồng tám tháng Chạp, canh một Ngài chứng quả Túc mạng minh thấy rõ kiếp trước của mình của người; canh hai chứng quả Thiên nhãn minh giác ngộ hoàn toàn cùng khắp; canh ba chứng quả Lậu tận minh diệt trừ hết thảy mê lầm vô thỉ. Đến lúc sao mai vừa mọc, Ngài liền chứng đặng đạo Vô thượng, thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni. Lúc bấy giờ, quả đất đều rung động, nhạc trời chúc tán, mưa hoa cúng dường.
VI. ĐỨC PHẬT ĐI TRUYỀN ĐẠO
Khi Ngài mới chứng quả, Ngài còn ngần ngại chưa muốn đi truyền đạo ngay vì sợ đạo Ngài sâu xa khó hiểu. Nhưng sau Ngài quán rõ căn cơ và ứng dụng các phương tiện. Ngài mới cương quyết đem Đạo Phật ra giáo hóa chúng sanh.
Trước hết Ngài đến vườn Lộc Uyển, thuyết pháp Bốn Đế độ cho bọn ông Kiều-trần-như. Bắt đầu từ đó mới có đủ Phật, Pháp, Tăng ba ngôi báu.
Sau Ngài độ cho một thanh niên tên Da-xá và chỉ trong ba tháng Ngài có hơn 60 đệ tử. Dưới đây là một vài đệ tử có danh tiếng, do Đức Phật đã giáo hóa trong khi truyền đạo:
- Ông Ca-diếp vị Tổ sư thờ lửa và các vị đồ đệ của ông.
- Vua Tần-ba-ta-la xứ Ma-kiệt-đà.
- Ông Mục-kiền-liên thần thông đệ nhứt và ông Xá-lợi-phất trí huệ bậc nhứt.
- Ông Nan-đà, ông A-nan, ông Ưu-ba-ly và ông A-na-luật-đà.
- Bà Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề là người đàn bà đầu tiên được Đức Phật cho vào Giáo hội.
- Ông Tu-bạt-đà-la hơn 80 tuổi là vị đệ tử cuối cùng của Đức Phật.
Đức Phật thuyết pháp giáo hóa hơn 49 năm, độ cho hàng vạn ức đệ tử, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Ngài thường đi thuyết pháp trong 9 tháng nắng, còn các tháng mưa thì ở lại Tinh xá để chuyên tu.
VII. ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN
Đến ngày trăng tròn tháng Hai Ấn Độ, Ngài biết mình sắp nhập Niết-bàn, liền đến xứ Câu- thi-na, vào rừng Xa-nại, khiến treo võng nơi hai cây song thọ. Ngài hội họp các hàng đệ tử lại giảng dạy khuyên bảo lần cuối cùng rồi từ giã mọi người mà nhập Niết-bàn. Ngài hưởng thọ được 80 tuổi. Trước khi Ngài viên tịch, Ngài phú chúc cho ông Ca-diếp thọ lãnh y bát của Ngài để truyền đạo.
VIII. KẾT LUẬN
Đời Ngài từ lúc xuất gia đến lúc nhập diệt là cả một gương sáng tìm đạo, hành đạo, truyền đạo để cứu chúng sanh ra khỏi biển khổ. Ngài cương quyết đoạn tuyệt cảnh đời vương giả, dấn thân trong gian khổ để đi tìm đạo rồi lại chuyên tu khổ hạnh hơn sáu năm, tham thiền trong 49 ngày chứng quả; rồi lại đi thuyết pháp giáo hóa hơn 49 năm để truyền đạo chơn chánh cứu khổ cho muôn loài.
Người mê sẽ nhờ học mà tỉnh, người ngu sẽ nhờ học mà sáng suốt, nhờ học mới có thể sửa mình và chỉ đường cho mọi người.
KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ