I. TỪ PHẬT HỌC VIỆN PHỔ ĐÀ ĐÀ NẴNG
Nhớ lại thuở thanh xuân khi PHV Phổ Đà Đà Nẵng vừa thành lập (1959), chúng tôi từ các tự viện khắp vùng miền Nam về đây tu học, những ngày tháng ấy sao mà vô tư, sao mà tươi sáng, sao mà vui vẻ đến thế! Trừ một ít cá biệt, còn đa phần anh em chúng tôi do duyên lành đưa đến Chùa, chứ chưa ý thức được thế nào là “Phát túc siêu phương, tâm hình di tục”, nghĩa là chưa nhận định hướng đi thăng tiến tâm linh để đạt đến mục đích giải thoát giác ngộ, chưa có được sự phân biệt giữa khổ đau và giải thoát, giữa sanh tử và Niết bàn.
Riêng tôi thì:
Tôi vốn là đứa bé nhà quê khờ khạo
Nhét vở hàng rào trốn học vui chơi
Mãi đắm mình trong sông nước mênh mông
Mãi rong chơi dưới lũy tre làng rợp bóng
Mãi theo lũ mục đồng ngêu ngao năm tháng
Trên cánh đồng bát ngát cỏ xanh
Cuộc sống hồn nhiên vui vẻ yên lành
Nào mơ tưởng tương lai thay đổi
Bỗng một hôm cha tôi thúc hối
Con vào chùa học ít chữ Nho
Lẽo đẽo theo cha, mắt rưng rưng nhìn lại
Sau luỹ tre làng, bỏ lại những người thương
Mù mịt tương lai, xa thăm thẳm dặm trường
Đâu nghĩ đến chuyện siêu phương thoát tục
Nên khi vào Chùa tôi cứ thản nhiên mà sống, cứ thản nhiên mà “tọa tiêu tín thí”, cứ thản nhiên mà đùa vui năm tháng! Tuy nhiên, dần dần qua học hỏi, chúng tôi mới nhận thức được giá trị của Giáo lý Phật đà, nhiệm vụ của người xuất gia đối với đạo pháp và chúng sanh. Nhưng trần tâm vẫn trĩu nặng, ý niệm thoát tục vẫn mơ hồ. Tụng kinh thì mong cho mau hết, ngồi niệm Phật thì trông cho chóng xong, học giáo lý thì hiếm khi trả bài trôi chảy… Được cái là chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành nội qui PHV, tụng kinh, công tác, học tập đều tuân theo sự phân công, bảo đảm giờ giấc, không quậy phá, không gây tai tiếng làm tổn thương đến uy tín PHV. Ai cũng làm tròn phận sự, ai cũng ngoan hiền, cũng có ít chút nghịch ngợm nhưng không tai hại gì. (Về sau này, có một vài chú muốn “nổi loạn” “gây sốc” nhưng không tác dụng gì mấy).

Hàng đầu từ trái qua: Thầy Tâm Hòa, thầy Từ Mẫn, TT Hương Sơn, HT Tôn Bảo, thầy Quang Thể, thầy Tâm Khai, thầy Chơn Không, áo nhựt bình đà phía sau thầy Từ Mẫn là thầy Huệ Vân.
Và cứ như vậy, tháng ngày trôi qua êm đềm, chúng tôi sống và học tập dưới sự thương yêu, chăm sóc, dạy dỗ của quí Thầy, trong sự chăm lo bảo bọc của Ban ngoại hộ mà trực tiếp là quí Dì nhà bếp. Thuở sơ khai là Dì Ngộ, rồi tiếp đến là Dì Năm Ái, Dì Tôn, Dì Đường, Dì Vui… và sau này là Dì Lợi. Nhân đây, xin dành ít dòng tưởng nhớ công ơn chăm sóc của quí Dì. Quí Dì quần quật suốt ngày, người lo cơm nước cho đại chúng, kẻ lo gói, nấu bánh, nhồi, chiên mì căn làm kinh tế tự túc. Đặc biệt, Dì Năm Ái lãnh trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm do quí Dì làm ra và vận động tài chính để cải thiện bữa ăn hằng ngày cho Đại chúng. Bất kể mưa nắng, Dì phải lặn lội suốt ngày khắp hang cùng ngỏ hẻm. Quí Dì quan tâm đến đời sống của từng học tăng, xem chú nào thiếu thủ gì: áo quần, sách vở, xe đạp? Hễ thiếu thứ gì thì Dì Năm Ái sẽ vận động cung cấp thứ đó. Thời gian chúng tôi đi học phổ thông tại trưởng Trung học Bồ Đề ở đường Quang Trung, phương tiện tốt nhất để đến trưởng của đa phần anh em chúng tôi là chiếc xe đạp. Hồi đó, trừ một số rất ít anh em được Bổn sư chiếu cố, hoặc gia đình khá giả mua sắm xe hon đa, hoặc các loại xe gắn máy khác, còn đa phần chúng tôi đều nhờ vào sự vận động của Dì Năm Ái mà ai cũng có một chiếc xe đạp mới toanh, xem như tài sản lớn nhất của mình khi ấy. Tôi cũng có một chiếc, chăm chút, lau chùi, ngắm nhìn, cưng quí vô cùng, xem như người bạn chí thiết… Thế nhưng sự gắn bó giữa tôi và vật cung quí đó của tôi chưa tròn một niên học, nó đành âm thầm vội vã ra đi “không một lời từ giã”… Chuyện là như thế này, vào một sáng Chủ nhật nọ, khi mọi công tác tại Chùa đều xong, tôi đạp xe đi bỏ thư tại Bưu điện tận đường Bạch Đằng bên sông Hàn. Tôi dựng xe vào chỗ qui định, khóa xe cẩn thận (không thấy có dịch vụ giữ xe), đi vào bỏ thư. Khi xong việc đi ra, dự định đạp vòng vòng dạo quanh thành phố một chuyến, nhưng khi đến chỗ để xe thì hỡi ơi, đất trời như sụp đổ, tôi chơi vơi hụt hẫng, chiếc xe thân yêu của tôi đã biến mất! Tôi tìm quanh, chẳng thấy đâu, cũng chẳng thấy ai để hỏi. Tôi lững thững cuốc bộ về chùa mà lòng nặng trĩu lo âu… mang theo một niềm hy vọng mong manh dại khờ là bắt gặp kẻ gian đang vác chiếc xe của mình đi trên đường…
Về đến Chùa vẫn âm thầm lặng lẽ tiếc thương, chẳng dám tiết lộ với ai… Nhưng rồi ai cũng biết. Những ngày sau đó, tôi phải đi nhờ xe máy của Hồ Văn Hải hoặc xe đạp của Thái Siêu. Nhớ hôm đó, sau giờ tan học, tôi nhờ Thái Siêu chở về, tuy biết rằng anh chàng lái chưa vững lắm. Ra khỏi trưởng chừng trên trăm mét, tới một ngã tư, anh chàng quýnh quáng tông vào đám nữ sinh đi bộ qua đường. Tôi vội nhảy xuống cho nhẹ xe để chàng ta dễ lái. Ai ngờ, qua khỏi đám đông, anh chàng ngon trớn dông luôn một mạch mặc cho tôi chạy theo kêu ới ới… Không biết là anh chàng xem mình không có ký lô nào hết nên khi mình nhảy xuống anh chàng không cảm thấy giảm bớt trọng lượng hay là vừa “được” tông vào “phía trước” nữ sinh mà anh ta nghĩ vớ vẫn quên bẵng người bạn mình chở còn ngồi phía sau hay không. Thời gian sau thì tôi lại có chiếc xe mới khác, cũng do Dì Năm Ái vận động. Vận động chiếc thứ nhất đã khó khăn lắm rồi, huống là chiếc thứ hai! Sao hồi đó tôi không nhận thức được sự khó khăn đó và không nói được với Dì một lời cảm ơn chân thành mà tôi chỉ mừng là mình có chiếc xe mới! Sao tôi không tìm đến nhà thắp cho các Dì một nén hương khi tôi trở về Đà Nẵng hay tin các Dì đã lần lượt qua đời sau khi nước nhà thống nhất! Giờ đây, tôi thành tâm xin gởi đến hương linh các Dì lời tạ lỗi và sẽ lần lượt tìm đến nhà, thắp dâng một nén hương tưởng niệm tri ân tuy là đã quá muộn màng!
Ngoài việc chăm lo về đời sống vật chất, các Dì còn quan tâm đến đời sống tu hành của chúng tôi hơi kỹ. Thời kỳ học Trung học Bồ Đề, chúng tôi còn là những thiếu niên, thanh niên tăng, tuổi xuân con phơi phới. Tuy cạo tóc ở Chùa, hằng ngày đọc kinh học Phật, nhưng khi tiếp xúc với bạn học nam nữ đồng trang lứa, rất dễ hòa đồng, cùng sinh hoạt lớp, cắm trại, tăng gia sản xuất, chơi bóng chuyền, bóng bàn… tất ca đều được tham dự một cách tự nhiên, hăng hái. Ban đầu còn ngại ngùng nhưng lâu dần cùng tiếp cận và trò chuyện với các bạn nữ, cũng cảm thấy dễ chịu, rồi cũng thích chuyện trò gần gũi với cô này hơn cô khác… lâu dần cũng thấy thương thương nhớ nhớ, mơ mơ màng màng. Quả là những “con ma” dễ thương? Rồi các bạn nữ đó, hễ học lớp nào cùng chú nào, quen thân với chú nào, những ngày nghỉ thường đến chùa “hỏi bài” chú đó (đa phần các chú đều học giỏi). Các chú cũng sẵn sàng “lợi tha”, sự kiện này làm cho các Dì quan tâm lo lắng không ít, nhất là Dì Vui. Hình như Dì dược phân công ngầm để ngăn ngừa, phòng hộ các “con ma” này, không cho chúng có cơ hội thâm nhập sâu vào đời sống “cô thân chích ảnh” của các chú. Các Dì sợ “lửa gần rơm” (hay rơm gần lửa? Ai rơm ai lửa?), nên Dì Vui thưởng lảng vảng qua lại hành lang các phòng mấy chú, hễ thấy guốc dép khác lạ thì vô phòng kêu ra, đuổi về. Còn “con ma” nào đang lảng vảng ngoài sân lấp ló chưa kịp định hướng phòng của các chú để vào thì Dì “mời” đi càng lẹ hơn. Hồi đó chúng tôi cảm thấy bức bội khó chịu, vì cho là các Dì “làm mất mặt”, nhưng bây giờ nghĩ lại thấy các Dì làm như vậy là cần thiết. ít nhất có tác dụng tốt là để chúng tôi có thì giờ học tập và giữ vẻ thanh vắng chốn Thiền môn, chứ thực ra, chúng tôi chưa dám nghĩ đến chuyện yêu đương (chỉ có cảm tình sơ sơ thôi), vì tuổi còn nhỏ, sợ Ban Giám viện đuổi, sợ dư luận xôn xao và chưa định hướng tương lai như thế nào? Sau này, khi trưởng thành đủ sức tự quyết định tương lai của chính mình rồi, khi mà không thể cưỡng lại sức hút của “nửa kia” rồi, khi mà thấy “không biết quen em tự kiếp nào. Nhìn em dạ cảm thấy nao nao. Đôi môi mủm mỉm cười tươi thắm. Cặp mắt long lanh ánh rạng ngời”, rồi, và cộng thêm một chút dũng khí, một chút thuận lợi nữa thì dù cho trăm ngăn ngàn trở, dư luận có xôn xao thế nào đi nữa, cũng cương quyết vượt qua! Nhưng đó là chuyện về sau.

Hồi đó anh em chúng tôi chăm lo học tập, sống hòa hợp vui vẻ trong đại gia đình PHV. Có một kỷ niệm khó quên và vui nhất là chúng tôi không gọi nhau bằng tên thật hay tên đạo mà bằng biệt hiệu. Hễ anh em nào mới bước chân vào Viện, trước hết phải nhận ngay một biệt hiệu và từ đó thành tên “chính thức” trong sinh hoạt giao tiếp với nhau hằng ngày như là Tư Cóc, Tư Trê, Tư Bột, Tư Thộn, Tư Tiếu v.v… Tuy đó không phải là mỹ từ nhưng ai nấy cũng vui vẻ chấp nhận. Cứ gọi với nhau như vậy lâu ngay thành ra quên hẳn tên thật, đến nỗi sau này, qua mấy mươi năm xa cách, khi gặp lại không còn nhớ mặt nhau nhưng chỉ nhắc lại biệt hiệu ấy là nhớ ra ngay.
II. ĐẾN VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC NHA TRANG
Chúng tôi sống với nhau trong những tháng ngày vui vẻ vô tư như thế cho đến khi được hoán chuyển tăng sinh giữa PVH, theo trình độ phổ thông, đa phần chúng tôi được chuyển vào PVH Trung Phần Hải Đức Nha Trang. Đó là vào năm 1969, tại đây, chúng tôi cùng một trang lứa (tuổi tác không chênh lệch nhau bao nhiêu), cùng một trình độ, đang độ tuổi thanh niên, nhưng đều ghép mình vào nội quy PVH một cách nghiêm túc, dưới sự điều hành của Ban Giám viện mà trực tiếp là cố HT Luật Sư Thích Đỗng Minh (hồi đó Ngài là Giám Học). PVH nằm trên vùng đồi núi cách biệt xóm làng, mọi giao tiếp với bổn đạo hầu như không có. Ai được phép xuống phố mà đạp xe quá nhanh hoặc là cà ghé nhà Phật tủ thì khi về đến Viện là HT Giám Học kêu lên “hỏi chuyện” nên ai cũng không dám làm gì thái quá. Chúng tôi chỉ chăm chú vào việc học hành, công phu bái sám, HT Giám Học từng dạy chúng tôi: “Khi còn học tăng, học chết bỏ; khi trưởng thành (thành tài), phục vụ chết bỏ và khi già, tụ chết bỏ”. Có điều “phạm qui” này mà không biết quý Ngài có biết hay không mà chẳng thấy đã động tới Đó là tuy ngày ba bữa cơm nước đầy đủ, nhưng những cây trái ngoài vườn như mít, thanh long, mãng cầu, xoài… không có loại trái cây nào kịp chín để hái vào cúng Phật và Tăng cả. Mít mới già thì đã nằm trên mái tôn máng xối, hoặc nằm dưới lòng đất hay trong nhà để máy bơm nước; thanh long chửa kịp chuyển qua màu đỏ, mãng cầu vừa nở gai thì đã nằm gọn trong các hộc đựng áo quần rồi. Còn chuối cúng trên chùa thì sáng nào Hương Đăng cũng báo mất. Có lẽ quý Ngài cũng biết nhưng thông cảm mà tảng lờ đi.

Thuở đó, tại Viện số lượng Tăng sinh quá đông, nên quý Dì lo phục vụ cơm nước cũng nhiều. Đa phân ban đêm các Dì đi về, chỉ có vài Dì thưởng trực được ở lại. Có một bà Dì thường trực già rất khó mượn chìa khóa tủ thức ăn khi đói bụng, nhất là vào khoảng 9, 10 giờ tối! Tuy vậy, tôi cũng nghe có một số anh em cũng có cách cho Dì tự mở cửa để tự do lục soạn. Anh em chia làm hai nhóm, nhóm một tới xin mượn chìa khóa mà Dì không cho thì tìm cách gây gổ, nào là “già rồi mà còn khó tính, của chùa chứ đâu phải của bà mà bà giữ!…”. Khi Dì tức giận la lớn thì bỏ đi. Bấy giờ nhóm hai đến vỗ về an ủi: “Dì già cả, bỏ con cháu lên chùa làm công quả mà mấy đứa không nghĩ đến sự mệt nhọc của Dì, quấy phá không để Dì nghỉ ngơi, để sáng bọn tôi thưa với Thầy…”. Thế là cửa tủ được mở toang, nhóm này tự do chọn lựa theo nhu cầu, dĩ nhiên là chừa thức ăn để dành cho các thầy lớn đã được Dì khoanh vùng trước. Thức ăn xin được chẳng có gì khác ngoài ít đường, ít xì dầu, năm, ba trái ớt, ít rau, hên lắm thì được vài miếng đậu phụ… Hai nhóm cùng hưởng.
Cũng tại PHV Trung Phân Hải Đức Nha Trang, sau đó là Viện Cao Đẳng Phật Học Hài Đức Nha Trang, có một Dì phục vụ tại nhà bếp mà chúng tôi thấy là đặc biệt nhất, đó là cô Bảy. Không rõ vì lý do gì mà chúng tôi không gọi bằng Dì như các Dì khác mà gọi là Cô. Nghe nói, Cô chưa quy y, chưa đi chùa nào hết, không biết do duyên lành nào đó, từ quê hương Bình Định, Cô vào Nha Trang và được người ta giới thiệu lên Viện làm công quả. Trước Cô và sau Cô, cho đến bây giờ, tôi đã ở cũng khá nhiều chùa, nhưng chưa từng thấy ai đặc biệt như Cô. Ngoài việc nhiệt tình trong công việc như tất cả những Dì khác, Cô có một đặc tính mà trải qua rất nhiều năm ở chùa phần đông chúng tôi không có được, tuy đó là một trong những mục tiêu nhắm đến của người tu, ít nhất là trên bề mặt, trong phạm vi đại chúng (trừ quý HT – TT) đó là đức tánh bình đẳng, không phân biệt đối với tất cả mọi người (giới hạn trong chuyên trách của cô). Cô chẳng thương ai và cũng chẳng ghét ai. Ai đói bụng, bất cứ giờ nào, hễ lên tiếng là Cô đáp ứng ngay, không có thứ như yêu cầu thì sẽ có thứ khác thay thế, không bao giờ tỏ ra khó chịu hoặc lớn tiếng với ai. Bởi vậy, lúc nào thấy đói bụng, chúng tôi liền chạy xuống bếp, lên tiếng: “Cô Bảy ơi! Có gì không?” là sẽ có thức ăn được Cô “giới thiệu” ngay. Và tùy ý chúng tôi lựa chọn. Nghe nói, sau này khi đại chúng mỗi người đi mỗi ngả, còn lại một số ít Thầy, gặp lúc khó khăn, Cô đã lần lượt bán tư trang, tư dụng (của để dưỡng già mang theo lúc vào chùa) để lo bữa ăn cho quý Thầy. Sau khi đã bán hết rồi, Cô lại xe nhang để bán. Hiện giờ, Cô đã gần 90 tuổi, lưng đã còng, sức lực gần tàn, hằng ngày chống gậy lên Chánh điện ngôi ngó chùa. Thỉnh thoảng, anh em cựu học tăng về thăm Viện, có biếu cho Cô một trăm, năm bảy chục để bồi dưỡng thì Cô cũng bỏ vào tiền đi chợ.
Từ PHV Phổ Đà đến Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang năm xưa, giờ nghĩ lại thấy mình nông nổi, học chẳng đến nơi, tu không thẳng lối, hờ hững ơn sâu dạy dỗ, lãng quên nghĩa rộng áo cơm, xói mòn công phu tu tập, tô bồi bản ngã tự tôn, bỉ thử tha hồ đàm tiếu, thị phi mặc sức luận bàn. Và hiện tại thì:
Già chết đã kề rồi mới nhận thấy Làm sao báo đáp nghĩa ân sâu!
PHI LY
(Trích Kỷ yếu Về Cội – Kỷ niệm 55 năm thành lập Phật học viện Trung Phần)