Hôm nay tình cờ facebook lại nhắc, năm 2015, tôi đã viết đoản văn trên trang facebook của mình. Viết trước khi quên.
Một lần cố niên trưởng Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục ở Úc email và yêu cầu “Triết cần phải viết lại…” để giúp anh, với vai trò của một Trưởng lớn, từng là Ủy Viên Nội Vụ BHD Trung Ương Việt Nam, hy vọng còn được nể nang để có thể góp ý với anh chị em Huynh trưởng cao cấp Hoa Kỳ, trước tình trạng phân hóa trầm trọng.
Đoản văn tôi viết 2015 có nội dung đại khái: Tâm lãnh lời dạy của thầy Tuệ Sỹ, bấy giờ là đệ nhất Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, tôi về thưa với anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu: “GÐPT cần có một cơ cấu Thế giới”. Vì, đang lúc Chính quyền, thông qua Mặt Trận, Giáo Hội Nhà Nước thực hiện sách lược thu tóm, thậm chí ra tay chèn ép GÐPT truyền thống (tại VN), yêu sách phải sáp nhập hệ thống Phân Ban Nam Nữ Phật Tử, dưới sự giám sát và điều hành của các cơ quan quyền lực này, thì chí ít, đối kế tức thời cho tập thể GĐPT đang hiện diện khắp năm châu, coi đó chỉ là “một đơn vị đi lạc”.
Thực tế thì trước những yêu sách và áp lực công khai hay bưng bít, các BHD Tỉnh, Thành, Đơn vị, cá nhân, dù với bất kỳ lý do gì, đã ngã rạp không ít! Đây không phải là vấn đề lý tưởng hay trung kiên, mà trí và lực có hạn trước những thế lực hung hãn chực nuốt chửng bằng vũ lực.
Trước tình huống ảnh hưởng chung cả một cộng đồng GĐPT hoạt động khắp nơi trên thế giới tự do, lời giáo huấn đó, bấy giờ có một ý nghĩa sinh tồn nhất định: “Anh em có xây dựng bao nhiêu, mà ở trong này cái gốc đã ngã, thì ngoài đó cái ngọn cũng ngã theo”.
Phàm, vì thời điểm đó, việc thượng tôn GĐPT Việt Nam đại diện là BHD Trung Ương Việt Nam như một cơ quan tối cao, cho dù, các Châu và Quốc gia cũng có một BHDTƯ với đầy đủ nguyên tắc pháp quy để hoạt động độc lập. Đây là nét truyền thống hay, song, cũng chính là những khúc mắc khi thời cuộc thay đổi, và thay đổi trong hoàn cảnh không thuận lợi. Chúng ta không hề có một sự chuẩn bị trước, mà cần phải hiểu, bấy giờ là một cú thốc, buộc phải xây dựng một cơ cấu Thế Giới chính danh. Một thử thách không chỉ vì thời cuộc, mà còn là cơ hội thời đại.
“Con về thưa với bác Hựu, GĐPT cần có một cơ cấu Thế Giới…” Ðó là những năm Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trở mình phục hoạt trước sự đàn áp của bạo quyền, theo đó GÐPTVN cũng bị đặt vào tình huống “theo (Nhà nước) thì sống, không theo thì chết”.
Nhưng buổi đó Thầy dạy thêm, “nếu có chết thì phải chết trong danh dự”. Liền ngay sau đó, trong tình huống đó, với sự lãnh đạo của Anh Nguyên Tín Nguyễn Châu, BHDTƯ một lần nữa đã công khai minh danh đặt GĐPTVN trong lòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất như đã từng có trong lịch sử.
Ngoài này, Thượng Tọa Như Ðiển, nay là Hòa thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác, Ðức Quốc, do Thầy ủy thác, đã đứng ra nhận lãnh vai trò liên lạc, phối hợp các chi, nhánh GÐPTVN hải ngoại nhằm yểm trợ tâm nguyện của Thầy Tổ, chư tôn, trong công cuộc phục hoạt GHPGVNTN…
Ðại hội BHDGÐPT Việt Nam tại Hải Ngoại tổ chức tại chùa Viên Giác, năm 2000, đặt nền tảng cho BHD Thế Giới ngày nay. Một Tổ Chức có tầm Quốc Tế không chỉ vì sự phát triển tất yếu mà còn là giải pháp giải vay ràng buộc cho cộng đồng tập thể lam viên đã có mặt khắp năm châu lúc bấy giờ.
Đây, là điều mà giới lãnh đạo cao cấp nhất cần cân nhắc, cần quán xuyến khi suy nghĩ và hoạch địch những hoạt động, đưa ra các quyết định cần nhất quán cho hướng đi tới, đồng thời duy trì mọi chính sách nhằm bảo tồn sự vững chắc của thượng tầng GĐPTVN (TG-HN-QG), bằng ý chí và tài lực của tập thể từng gầy dựng nên, trong bối cảnh một quốc gia bị trị và một thế giới mở tự do, trong nhận thức về sự hỗ tương cả lúc không, lẫn lúc cần. Lúc bình, lẫn khi lúc biến.

Bao nhiêu năm qua, “khốn đốn tình anh em”, một phần tôi nghĩ không phải ai cũng biết hết mọi nguyên nhân xa gần của tiến trình phát triển phong trào “tùy duyên bất biến”, nhưng không tránh nó có một lịch sử phát triển với nhiều tư duy và hành động “tùy tiện” của tập thể lẫn cá nhân.
Một cách chung chung, quan sát hệ thống điều hành GÐPT vốn ngày càng cồng kềnh và phức tạp, “chúng sanh tánh” càng phức tạp hơn, nên về sau tôi nghe theo Thầy, quan tâm nhiều nhất là vấn đề giáo dục, huấn luyện. Nhỏ cần năng học, “Người lớn” (cấp lãnh đạo) càng cần năng học hơn.
Năm 2001, tôi có đảnh lễ xin Hòa Thượng Như Ðiển bài tham luận cho khóa Hội Thảo Giáo Dục tổ chức ở Miền Quảng Ðức, Hoa Kỳ. Hòa Thượng hoan hỷ gởi ngay. Cùng lúc bên nhà Thầy Tuệ Sỹ cũng chấp bút ban cho bài huấn từ, thông qua tiểu luận “Suy nghĩ hướng giáo dục Đạo Phật cho tuổi trẻ”. Trước đó không lâu, Thầy cũng cho phổ biến tham luận “Ðạo Phật và Thanh Niên” mà đến nay, những lời khuyên bảo vẫn còn nguyên giá trị.
Cũng như các anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục, Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu trước đây, ngày nay thỉnh thoảng vẫn nhiều anh chị em Huynh Trưởng nhắn tin đề nghị tôi viết lại, kể lại những sự kiện đã từng xảy ra trong GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, mà tôi từng dự phần và biết. Anh em cho tôi “là chứng nhân lịch sử”. Tôi im lặng không nói gì, nhưng thực lòng nghĩ bụng, không có một cá nhân nào có thể là chứng nhân lịch sử cho một Tổ chức, mà có một tập thể chứng nhân. Lịch sử GĐPT đi liền với nhiều nhân vật và sự kiện để tập thành một bộ sử khách quan, trung thực, được chiếu rọi từ nhiều góc độ, ở đó không có nghĩa chỉ là những khẩu hiệu tung hô, đôi khi mặn chát nước mắt. Nhưng được thanh tẩy bằng chánh pháp, sẽ chan hòa trong một vị duy nhất, là như thật!
Nhưng có một rủi ro khác nữa, lịch sử còn có những bài lịch sử không văn bản!
Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát.
Yuma, ngày 11 tháng 11, 2023
Quảng Pháp Trần Minh Triết