TÂM ĐỨC TRẦN QUANG THUẬN
NHƯ ÁNG MÂY BAY
CUỘC ĐỜI CỦA ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG
THÍCH ĐÔN HẬU
Chương 9
Công Tác Hoằng Truyền (1932-1945)
Ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam bấy lâu bị lãng quên giờ đây được sơn phết lại. Tại miền Nam Việt Nam Hòa Thượng Khánh Hòa, thiền sư Thiện Chiếu cùng chư tăng già, cư sĩ năm 1931 thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, mở Phật Học Viện, xuất bản Từ Bi Âm, Duy Tâm. Tại miền Trung, Hòa Thượng Giác Tiên, cư sĩ Lê Đình Thám cùng chư tăng cư sĩ khác thành lập Hội Phật Học Trung Kỳ năm 1932, mở Phật Học Viện Trúc Lâm, Diệu Đức, Tây Thiên, Báo Quốc, cho xuất bản Viên Âm. Tại miền Bắc Hòa Thượng Trí Hải, cụ Nguyễn Năng Quốc cùng chư tăng và các cư sĩ khác thành lập Hội Bắc Kỳ Phật Giáo năm 1934, mở trường tăng tại chừa Quán Sứ, trường Ni tại chùa Bồ Đề, cho xuất bản Đuốc Tuệ.
Chính vào thời điểm này Hòa Thượng Thích Đôn Hậu bắt đầu cuộc hành trình trên lộ trình hoằng hóa. Những năm tháng ban đầu, từ năm 1932 đến năm 1938 là thời kỳ tập sự. Từ 1939 đến 1945, hòa thượng dành trọn thì giờ trong nhiệm vụ hoằng truyền chánh pháp.
Ngày mồng 8 tháng 2, 1932 là năm Hội An Nam Phật Học ra đời trong phong trào chấn hưng Phật Giáo và cũng là năm Hòa Thượng rời tổ đình Thập Tháp trở về Huế. Chuyến đi này chỉ một mình Hòa Thượng vì những vị khác đã về trước cách đó mấy năm. Mới về được một thời gian ngắn thì Hòa Thượng được Hội Phật Học mời làm giảng sư và đóng góp bài vở vào Nguyệt San Viên Âm do Hội xuất bản.
Năm 1935 Hội đứng ra thành lập Phật Học Viện tại chùa Tây Thiên gồm ba cấp Tiểu Học, Trung Học và Đại Học và mời Quốc Sư Phước Huệ làm giáo thọ cho cấp Đại Học. Hòa Thượng ghi danh nhập học cấp Đại Học cùng với một số quí thầy khác như thầy Chánh Thống, Mật Hiển, Mật Nguyện, Trí Thủ, Thiện Trì, đồng thời Hòa Thượng được mời dạy cấp Trung Đẳng cho một số quí Thầy trong đó có thầy Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ từ trong Nam ra, thầy Trí Quảng, Chánh Pháp, Như Ý tại Huế… Hòa Thượng tiếp tục đi các Chi Hội, Khuôn Hội diễn giảng và đóng góp bài vở cho Viên Âm.
Năm 1938 Hòa Thượng tốt nghiệp Ưu Hạng, Đại Học Phật Giáo tại Phật Học Viện Tây Thiên. Trong năm này Hội An Nam Phật Học khởi công kiến thiết chùa Từ Đàm, làm trụ sở của Hội, nơi cư trú của thầy Trú Trì, nơi thập phương thiện tín đến làm lễ và nghe pháp. Trong thời gian xây cất, trụ sở của Hội dời vào chùa Từ Quang, Hòa Thượng vẫn liên tục thuyết giảng hàng tuần.
Trong buổi giảng đầu tiên tại chùa Từ Quang, trụ sở tạm thời của Hội An Nam Phật Học, Hòa Thượng đã chọn kinh Lăng Nghiêm làm đề tài cho mùa diễn giảng Phật Pháp. Sở dĩ Hòa Thượng chọn kinh Lăng Nghiêm vì hai lý do. Lý do thứ nhất mỗi lần vào buổi sáng tụng Lăng Nghiêm Thập Chú, Hòa Thượng luôn luôn xúc động trước lời thệ nguyện với Phật: “Nguyện kim đắc quả thành bảo vương, hoàn độ như thị hằng sa chúng. Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật Ân. Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh, ngũ trược ác thế thệ tiên nhập. Như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thù nê hoàn…”. Lời nguyện thành khẩn, trải lòng mình trước Phật Tổ, như kêu gọi, như đánh thức, như nhắc nhở sứ mạng của người xuất gia. Lý do thứ hai: kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh quan trọng của Đại Thừa. Trong kinh đức Phật chỉ rõ bản thể của tâm để hành giả nương vào đó chuyển mê khai ngộ. Sau khi nội tâm đã thanh tịnh, Bồ Tát an trụ vào tâm thanh tịnh để cứu độ chúng sinh. Sử dụng hình tướng, danh sắc nhưng tâm vẫn thường an trụ vô vi. Thị hiện nhập niết bàn nhưng không bao giờ tịch diệt. Thị hiện các hình tướng nhưng không hoại diệt sắc tướng. Chu du khắp mười phương quốc độ nhưng không phân biệt, vẫn giữ bình đẳng pháp tính. Thực hành các hạnh nguyện lợi tha nhưng không tự cao, kiêu mạng, buông lung. Đối đầu với ma oán, nhưng không bị ma oán chi phối, luôn luôn chan hòa tứ ái. Thị hiện đầu thai trong sáu đường, nhưng không phân biệt màu da chủng tộc. Thực hành nhẫn nhục, tìm phương tiện nói các pháp để đưa chúng sinh khỏi vòng sinh tử luân hồi. Ngoài ra diệu dụng của Thủ Lăng Nghiêm đã phá tan thần lực ngoại đạo cứu thoát tôn giả A Nan khỏi rơi vào lưới Ma Đăng Già Nữ, đưa A Nan trở về bản tánh chân tâm. Diệu dụng đó cũng đánh thức lương năng của Ma Đăng Già trở thành con người thánh thiện…
Kinh Lăng Nghiêm với đạo lý uyên thâm chỉ bày mọi phương tiện thù thắng là một bộ kinh trọng yếu trong chương trình nghiên cứu Phật Học của Học Viện Nalanda, Ấn Độ suốt hơn 12 thế kỷ. Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang đã đến Nalanda nghiên cứu học tập bộ kinh thâm ảo này. Do đó Hòa Thượng Đôn Hậu đã chọn bộ kinh này trong khóa thuyết giảng tại chùa Từ Quang, trụ sở tạm của Hội An Nam Phật Học. Hòa Thượng rất thận trọng trong việc giảng giải bộ kinh này. Suốt trong khóa giảng rất đông Tăng Ni, tín đồ Phật Tử tham dự. Ngồi ở hàng ghế chứng minh là quí Ôn, quí Thầy thuộc Sơn Môn Huế nên buổi giảng rất trang nghiêm và trọng thể. Buổi giảng đầu tiên tại chùa Từ Quang thành công rực rỡ. Hòa Thượng ghi trong Hồi Ký Trên Những Chặng Đường: “Sau buổi giảng đầu tiên đó, các vị tôn túc trong chư sơn như quí Hòa Thượng Giác Tiên, Hòa Thượng Giác Nhiên, Hòa Thượng Tịnh Hạnh, Hòa Thượng Tịnh Khiết… càng thương mến và nể vì. Sự thương mến và nể vì của các ngài giúp tôi tăng trưởng nghị lực trong nhiệm vụ hoằng pháp.”
Hòa Thượng không chỉ thuyết pháp, diễn giảng tại Huế mà Hội Phật Học còn cử ngài đi Quảng Nam, Quảng Ngãi. khắp 17 tỉnh miền Trung, một số tỉnh ở Miền Nam và sang đến các Hội Phật Tử tại Vương Quốc Lào. Hòa Thượng trong Trên Những Chặng Đường ghi: “Làm giảng sư tại Huế gần hai năm. Sau đó tôi được Hội cử vào thuyết pháp tại tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, rồi lần lượt đi giảng khắp các tỉnh ở Trung Kỳ, xa hơn nữa tận Gò Dừa thuộc huyện Thủ Đức, nơi đây phần nhiều các sư sãi thuộc giáo phái Nam Tông.”
Mỗi khi đi đến địa phương nào để thuyết pháp, Hòa Thượng trước hết tìm hiểu dân tình, tìm hiểu đối tượng nghe pháp xem có những vấn đề gì cần giải quyết. Những bài pháp của Hòa Thượng năm vào những thắc mắc về giáo lý, về phương thức hành trì. Hòa Thượng đã nhận được ở quần chúng Phật tử những ấn tượng tốt đẹp, lòng hăng say muốn tìm hiểu, tín tâm cần bồi bổ, nghi ngờ cần giải tỏa. Hòa Thượng sau mỗi buổi giảng dành ít nhất nửa giờ để giải đáp những điều thắc mắc, nghi ngờ hoặc những vấn đề mà thính chúng cần được làm sáng tỏ thêm. Hòa Thượng ghi trong Trên Những Chặng Đường: “Chắc ai cũng biết rằng vào giai đoạn từ 1930 đến 1940 Phật Giáo Việt Nam đang ở trong thời kỳ chấn hưng nên niềm tin và sự hiểu biết của quần chúng cũng có giới hạn. Vì thế nhiệm vụ của chúng tôi là phải cố gắng đánh thức được phần nào niềm tin và sự hiểu biết của quần chúng, tín đồ, nhất là đối với những người đã chịu ảnh hưởng nặng nề tư tưởng Khổng Mạnh.”
Hòa Thượng trên đường hoằng đạo thường gặp những thử thách làm phong phú thêm kinh nghiệm. Một hôm trong buổi giảng đề tài là Năm Điều Giới Cấm Căn Bản tại ngôi chùa làng Thanh Khê, huyện Hòa Khánh, tỉnh Quảng Nam. Theo thông lệ, giảng xong Hòa Thượng dành nửa giờ để thính chúng cần hỏi điều gì. Trong số thính chúng ngày hôm ấy có một vị, với hình tướng bên ngoài có lẽ là vị phụ mẫu của dân, vì vị ấy ngồi ở hàng ghế danh dự, ăn mặc chỉnh tề, ngồi vách đốc chễm chệ, có chú lính cầm bình ống điểu cẩn, bịt bạc đứng hầu một bên. Thỉnh thoảng chú lính đưa bình điếu sát miệng ông rồi quẹt diêm để ông hút. Thỉnh thoảng ông đưa tay vuốt chòm râu được cắt tỉa công phu. Hòa Thượng đang đợi thính chúng đặt câu hỏi, thì ông cất lời:
– Cho tôi hỏi một câu có được không?
– Xin mời ông.
– Nãy giờ ngồi nghe thầy giảng, tôi thấy thầy cũng đã tốn nhiều công phu nghiên cứu Phật lý. Tôi cũng thấy thầy ăn mặc tươm tất, da dẻ trắng hồng, hai bàn tay trơn tru. Thầy có bao giờ làm lao động không? Thầy đi giảng như vậy lấy cơm đâu mà ăn, áo đâu mà mặc. Thầy có biết sự cực khổ của quần chúng như thế nào không?
Hòa thượng nhận ngay ông cụ là một nhà Nho, chịu ảnh hưởng nặng nề của đạo lý Tống Nho, cho các nhà sư “Bất canh nhi thực, bất chức nhi y”. Không cày ruộng mà có cơm ăn, không dệt vải mà có áo mặc, là ký sinh trùng xã hội. Hòa Thượng thường hay gặp những nhà Nho này, nên không ngạc nhiên trước câu hỏi có vẻ đường đột và xúc phạm như vậy. Tuy nhiên được thầy tổ thường căn dặn là phải luôn luôn nhẫn nhục, luôn luôn đem tấm lòng từ và chân thật để đối phó với mọi người, trong mọi hoàn cảnh, nên Hòa Thượng từ tốn trả lời:
– Tôi sinh trưởng trong một gia đình không giàu có, cũng đã đi cày, đi bừa, gặt lúa, cuốc đất. Tôi sống chung với đám bình dân nghèo khó nên biết hoàn cảnh của họ, thân phận của họ. Ngày tôi xin phép cha mẹ xuất gia học đạo, không phải là để tránh cuộc sống cần cù, khổ sở của người dân quê, vì từ ngày vào chùa, tôi đã trải qua nhiều năm tháng thức khuya dậy sớm làm bao công quả trong chùa. Thưa cụ, nhìn qua cung cách của cụ, chắc cụ sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu và hiện nay chắc đang giữ vai trò trị nước an dân. Xin phép cụ cho tôi mạn hỏi, không biết cỏ phải như vậy?
– Gia đình tôi không thuộc thành phần thượng lưu, nhưng thuộc thành phần khoa bảng. Hiện nay tôi đang làm quan.
– Thưa cụ làm quan là lo trị nước an dân, không biết có phải như vậy?
– Vâng, chính vậy.
– Với phong thái của cụ, đi đâu có lính hầu cận, ở nhà chắc nhiều người hầu kẻ hạ, chắc chắn là cụ làm quan lớn, lương tiền bổng lộc chắc chắn phải tương xứng với địa vị của cụ?
Ông cụ đưa bàn tay vuốt chòm râu, chúm chím cười mà không trả lời.
– Thưa cụ, làm quan là lo cho dân, giáo hóa dân biết điều hay lẽ phải, ăn ở hiền lành, tôn trọng luật pháp, biết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, làm tròn bổn phận người dân. Công việc trị nước an dân đòi hỏi hầu hết thì giờ của cụ, không biết tôi hiểu như vậy có đúng không?
– Đúng vậy.
– Thưa cụ, sau khi xuất gia, tôi được quí vị tôn túc hướng dẫn, rèn luyện, lấy việc độ sinh làm sự nghiệp. Hội An Nam Phật Học mời tôi đi đó đi đây giảng giải giáo nghĩa Phật, khuyên quần chúng tu nhân, tích đức, thương yêu, đùm bọc nhau, làm tròn nhiệm vụ không những của người dân mà còn nhiệm vụ của người Phật Tử: vui cái vui của thiên hạ và buồn cái buồn của thiên hạ. Như thế thưa cụ, việc làm của chúng tôi mục đích không khác mấy công việc trị nước an dân của cụ. Công việc hoằng truyền của tôi choáng hầu hết thì giờ. Ngoài ra chúng tôi còn phải tụng kinh, niệm Phật, cố gắng chuyên cần trì trai giữ giới. Tuy vậy chúng tôi không có người hầu kẻ hạ, chi tiêu hết sức khiêm nhượng, hai bữa tương rau, không quá một phần trăm lương bổng của cụ…
Hòa Thượng vừa nói dứt lời thì tiếng vỗ tay của thính chúng xen lẫn tiếng la ó vang cả chùa. Hòa Thượng nói tiếp khi tiếng vỗ tay chấm dứt như được ghi trong Trên Những Chặng Đường: “Thưa cụ, tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta, mỗi người đều có một trách nhiệm. Chính cái trách nhiệm ấy nó tương quan mật thiết với nhau để tạo thành một xã hội. Trong một xã hội thì phải có người làm quan để điều hành sự sinh hoạt của xã hội, phải có người làm ruộng để cung cấp lương thực cho mọi người, có người buôn bán để phân phối hàng hóa từ nơi này sang nơi khác, có người hướng dẫn tinh thần để lo trau dồi về đạo đức v.v… Tất cả những điều đó là sự phân công của xã hội. Một xã hội muốn được tốt đẹp thì mọi người trong đó đều phải tuân theo sự phân công ấy.
“Chúng ta không nên quan niệm hay bắt buộc người nào cũng phải làm ruộng mới được ăn cơm, có dệt vải mới được mặc áo quần. Thưa cụ, như cụ làm quan, cụ đâu có làm ruộng, dệt vải mà vẫn có cơm để ăn, áo quần để mặc? Tôi thiết nghĩ giả như trong một xã hội loài người mà mọi người chỉ chăm làm có hai việc là lo kiếm ăn và lo may mặc, mà không chú tâm vào chuyện an bang tế thế của các nhà lãnh đạo chính trị, không chú tâm vào đạo đức của các nhà lãnh đạo tinh thần, cái xã hội ấy chắc sẽ lầm than, rối loạn đến chừng nào?”
– Thầy nói phải, xin cám ơn thầy.
Một kinh nghiệm khác mà Hòa Thượng thâu hoạch được tại Tỉnh Hội Phan Rang.
Kinh nghiệm cho thấy nếu diễn giảng mà sử dụng nhiều từ ngữ chuyên môn, giáo lý phức tạp trong một thời gian ngắn khó mang lại kết quả mong muốn mà phải sử dụng từ ngữ thông thường, biến đạo lý thâm sâu trở thành giản dị, thì mới mong mang lại kết quả mong muốn.
Sau buổi giảng tại Phan Rang, một Phật Tử đứng lên hỏi:
– Thưa thầy, tôi được tham dự buổi giảng của thầy tại thị xã Phan Thiết. Trong buổi giảng ấy, thầy nói đến phương pháp đối trị tham, sân, si. Như đối với bệnh tham, nhất là tham sắc, thì dùng phương thức quán bất tịnh để đối phó. Với bệnh sân thì dùng phương thức từ bi quán để đối phó. Hai điều này tôi hiểu được chút đỉnh. Nhưng khi nói đến bệnh Si, thầy đưa ra phương thức quán Thập Nhị Nhân Duyên để đối phó thì làm cho tôi tối tăm mặt mày. Những danh từ Phật học như vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xuyên duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử. Những danh từ này làm tôi không hiểu thầy muốn nói gì. Đạo lý duyên khởi qua 12 nhân duyên. Rồi 12 nhân duyên làm phương thuốc diệt trừ si mê, sao mà phiền toái, khó hiểu quá!
– Thưa thầy, xin thầy thông cảm hoàn cảnh của chúng tôi. Phần đông chúng tôi sống đời sống lam lũ. Tuy mến đạo, ưa nghe Phật Pháp nhưng không có thì giờ, không đủ trình độ để am tường giáo lý cao siêu. Vì vậy tôi mong thầy giảng cách thế nào cho chúng tôi không phải thông thạo danh từ Phật học mà vẫn có thể biết được phương pháp diệt trừ si mê.
Lời yêu cầu của Phật tử tại Phan Rang làm Hòa Thượng tỉnh giấc, thấy mình cần phải học hỏi thêm nhiều, cần phải am tường tâm lý quân chúng bình dân trước khi đưa đạo lý Phật đến cho họ.
Hòa Thượng cám ơn người Phật tử đặt câu hỏi. Trong Trên Những Chặng Đường, Hòa Thượng ghi: “Anh hỏi hay quá. Câu hỏi của anh cũng là ước nguyện của chúng tôi. Chúng tôi chỉ mong quí vị nghe để hiểu, để thực hành, chứ không muốn nói những chuyện xa vời không thiết thực.”
Và Hòa Thượng cắt nghĩa phương thức diệt trừ si mê bằng ngôn từ giản dị như sau:
“Si là không nhận rõ sự thật, không nghĩ đến hậu quả do ngôn ngữ và hành vi của mình đem lại, để rồi lúc đầu chỉ bằng hạt bụi mà cuối cùng đi đến hậu quả to lớn không lường… Ở đây tôi muốn kể lại câu chuyện, một câu chuyện thật. Qua câu chuyện này quí vị sẽ có một nhận định, một sự phê phán để khi nào có cơn si mê nổi lên quí vị có thể ngăn chận nó, dập tắt nó kịp thời.
“Lúc ấy tôi chưa đi tu, vào khoảng tôi được 15, 16 tuổi. Ở cạnh nhà tôi có gia đình hai vợ chồng và bốn đứa con, đời sống khá giả. Hai vợ chồng và các cháu thường hay đến nhà tôi chơi.
“Một hôm hai vợ chồng sửa soạn đi chơi. Chị vợ trang điểm xong, đến nằm trên võng chờ ông chồng cạo râu, thay quần áo rồi cùng đi. Sau khi sửa soạn xong, ông chồng đến bên cạnh chiếc võng vợ đang nằm, đùa nghịch đưa tay đẩy qua, đẩy lại cái võng ba bốn lần. Chị vợ chóng mặt không chịu nổi bảo ông chồng đừng đẩy nữa, nhưng ông cứ nghịch tiếp tục đẩy.
“Chị vợ nói: Thôi đừng đẩy nữa, em chóng mặt quá. Anh ta nghe nhưng cứ nghịch ngợm đẩy mà còn đẩy mạnh hơn nữa.
“Chị vợ la lớn: Đồ yêu, ta nói đừng đẩy mà cứ đẩy hoài.
“Anh chồng nghe mắng như vậy thì nổi lì, nổi si lên. Anh nắm đầu võng giật mạnh một cái. Chiếc võng chao từ bên này sang bên kia làm chị vợ loạng choạng té xuống đất, nằm úp mặt xuống nền nhà. Chị gượng đứng dậy, thét lên: Đồ khỉ, khốn nạn, đồ lần đân!
“Anh chồng giận, thay áo quần không đi chơi nữa. Thế là cuộc đi chơi đáng lẽ vui vẻ trở thành cuộc cãi vã, mắng nhiếc nhau. Chị vợ giận lẫy, nằm vạ không ăn uống. Việc nhà, con cái chị bỏ bê không chăm sóc. Cuối cùng hai vợ chồng không thể tiếp tục sống bên nhau, đòi ly dị.
“Hai năm sau anh ta có vợ khác. Bà vợ kế không mấy hiền thục. Mấy đứa con không được săn sóc chu đáo, thường bị bà vợ kế hành hạ.”
Quí vị có biết không, Hòa Thượng tiếp tục:
“Đó là kết quả của sự si mê. Lúc sơ khởi câu chuyện chỉ nhỏ bằng sợi chỉ, đùa không ra đùa, chơi không ra chơi, nhưng không ai thấy rõ, chẳng ai chịu nhịn ai, nên đã mang lại kết quả tai hại như vậy.
“Bình tâm mà xét, nếu một trong hai người sáng suốt một tí, nhẫn nhục một tí, không si mê một tí, thì đã không xảy ra chuyện gì. Nếu anh chồng kịp dừng tay khi chị vợ kêu chóng mặt, hoặc chị vợ ôn tồn bảo chồng đừng đẩy võng nữa thì đâu đến nỗi mang họa như vậy. Anh chồng vì nghịch ngơm sinh lì, vì sinh lì nên không nghe lời vợ.. Chị vợ vì lời lẽ không nhu mì, vì thiếu nhu mì nên khiến anh chồng tiếp tục làm cho bõ tức… Vì cái này sinh cái khác. Đó là đạo lý duyên khởi.
“Qua câu chuyện này, quí vị thấy phương pháp đối trị si mê rất đơn giản chứ cũng không cần phải đi sâu vào thuyết Thập Nhị Nhân Duyên, không đi vào trận đồ danh từ Phật Học rắc rối…”
Hòa Thượng cho biết đề tài diễn giảng tại Huế và tại 17 Tỉnh Hội, Chi Hội thay đổi tùy theo địa phương, tùy theo đối tượng nghe pháp. Mỗi nơi có đề tài thuyết giảng khác nhau. Hòa Thượng chọn đề tài cốt làm sao cho người nghe hiểu được lời dạy của Phật để có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày. Trong khoảng thời gian gần hai năm từ năm 1938 đến 1940, Hòa Thượng đã thuyết giảng không biết bao nhiêu đề tài. Có đề tài do Hòa Thượng tự chọn, có đề tài do thính chúng yêu cầu, có đề tài được xây dựng trong một hoàn cảnh đặc biệt vào một thời điểm đặc biệt.
Đến giữa mùa thu năm 1940 Hòa Thượng trở về Huế. Vừa nghỉ ngơi một tháng thì có phái đoàn Hội Phật Tử Việt Kiều ở Savannakhet thuộc Vương Quốc Lào sang mời Hội An Nam Phật Học tham dự lễ Khánh Thành chùa Diệu Giác do Hội mới kiến thiết xong, đồng thời cũng yêu cầu Hội An Nam Phật Học cử người thuyết pháp nhân lễ Khánh Thành Chùa.
Hội An Nam Phật Học nhận lời mời của Hội Phật Tử Việt Kiều Savannakhet, cử một phái đoàn gồm thầy Chánh Thống, thầy Chánh Pháp, thầy Đôn Hậu và hai vị cư sĩ. Phái đoàn được Hội Phật Tử Việt Kiều Savannakhet tiếp đón một cách long trọng và niềm nở. Sau khi dự lễ cắt băng khánh thành xong, Hội mời đại diện của phái đoàn lên giảng một thời pháp. Phái đoàn cử Hòa Thượng thay mặt Phái Đoàn và Hội An Nam Phật Học đăng đàn thuyết pháp. Hòa Thượng nhận lời và đề tài thuyết giảng hôm ấy là Tứ Ân. Sở dĩ Hòa Thượng chọn đề tài này vì một phần muốn nhắc nhở Phật Tử Việt Kiều dù ở nước ngoài phải luôn luôn nhớ ơn cha mẹ, thầy tổ, quốc gia, dân tộc:
Tứ Ân là:
Ân Cha Mẹ: Cha mẹ sinh thành dưỡng dục, nuôi ta nên người, ân đức thâm trọng suốt đời không quên, dù ở đâu, nơi nào.
Ân Chúng Sinh: Mọi người, mọi loài trên quả địa cầu, trên hành tinh, trong tam thiên đại thiên thế giới đều liên hệ mật thiết với nhau.
Ân Quốc Vương: Đời sống của chúng ta có được an toàn, bảo đảm, cơm ăn, nhà ở, tiện nghi đi lại, phương tiện hành trì, đạo đức xã hội… tất cả đều nhờ guồng máy lãnh đạo quốc gia.
Ân Tam Bảo: Nhờ Phật, Pháp, Tăng mà ta có nơi để quay về và nương tựa. Tất cả qui luật, giáo lý giúp ta thăng tiến đời sống tinh thần đều nhờ công ơn Tam Bảo.
Có nơi nói Tứ Ân là Ân Cha Mẹ, Ân Sư Trưởng, Ân Quốc Vương, Ân Đàn Na Thí Chủ. Trong Nghi Thức Tụng Niệm đề cập đến Ân Cha Mẹ, Ân Sư Trưởng, Ân Bằng Hữu, Thiện Tri Thức và Ân Chúng Sinh, hữu tình cũng như vô tình.
Hòa Thượng nói, với người xuất gia, hàng ngày trong thời công phu buổi sáng đều đảnh lễ Tứ Ân, nhắc nhở bổn phận đối với Cha Mẹ, Thầy Tổ, Quốc Vương, Bằng Hữu Chúng Sinh. Cuộc sống của chúng ta gắn bó vào nhau, vì vậy phải thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau.
Sau buổi thuyết pháp, Phật tử tỏ ra rất hoan hỷ.
Trong chuyến đi dự lễ Khánh Thành này, phái đoàn được Phật Tử Lào mời tham dự Lễ Trai Tăng tại một ngôi chùa lớn trong tỉnh Savannakhet, gần chùa Diệu Giác của Hội Phật Tử Việt Kiều. Trên Những Chặng Đường ghi: “Khi phái đoàn chúng tôi vừa đến, thì thấy Ban Tổ Chức đã cho trải sẵn tấm thảm nhung màu đỏ rất lớn ở liêu phải của ngôi chánh điện, nơi dành cho phái đoàn chúng tôi ngồi.
“Sau khi chư tăng lần lượt an tọa, một vị Thượng Tọa người Lào, có lẽ là trưởng ban tổ chức, mời tín đồ vào ghi danh cúng dường Trai Tăng. Các tín đồ lần lượt đến ghi tên của mình vào một mảnh giấy nhỏ, rồi kẹp mảnh giấy nhỏ ấy trong một cái thẻ như thẻ xăm, đem để trên một cái bàn lớn giữa Chánh Điện. Khoảng 15 phút sau, trên cái bàn lớn ấy chứa đầy các thẻ xăm. Một người được cử lên sắp xếp những thẻ xăm, trong khi hàng tín chủ đến quì trước điện Phật. Thượng Tọa trưởng ban tổ chức đọc lời cầu nguyện bằng tiếng Pali, tín chủ đọc theo. Tiếp theo đó hàng tín chủ đọc lời cầu nguyện riêng của mình, muốn cúng dường phẩm vật trai tăng cho Thượng Tọa… hay Đại Đức… Các ông Mường Trưởng (Tri Huyện, Tri Phủ) cầu mong phẩm vật trai tăng của mình được cúng dướng cho phái đoàn chư tăng Việt Nam của hội Hội An Nam Phật Học.
“Lễ cầu nguyện xong. Tất cả tín chủ ra ngoài. Ban Tổ Chức cho người đem những thẻ xăm cắm trước mặt chư Tăng theo thứ tự từ trên xuống dưới, trong đó có phái đoàn Việt Nam. Cắm xong họ lần lượt mở xăm và đọc tên vị thí chủ ghi tên trong mảnh giấy nhỏ kẹp trong thẻ xăm. Nghe đọc tên mình, vị thí chủ từ ngoài bước vào, mang giỏ đựng các phẩm vật như tiền, vải, thau, khăn, xà phòng v.v… quì xuống dâng lên cho vị sư họ muốn cúng dường phẩm vật. Phái đoàn Việt Nam nhận được những thẻ của các Mường Trưởng. Khi nghe đọc tên, các Mường Trưởng sung sướng bưng mâm cơm và giỏ phẩm vật đến đặt ngay trước mặt phái đoàn. Theo truyền thống Nam Tông, mâm cơm cúng dường trai tăng không phải cơm chay, nhưng phái đoàn Việt Nam, theo truyền thống Lào, đưa tay đặt vào mâm cơm và giỏ phẩm vật, gọi là đã thọ nhận. Thượng Tọa Trưởng Ban Tổ Chức biết phái đoàn chư Tăng Việt Nam chỉ dùng chay nên đã cho người mang xôi chuối, các loại bánh ngọt cho phái đoàn.
“Sau thời thọ trai, chư Tăng tụng kinh cầu nguyện. Phái đoàn chư Tăng Việt Nam xem đây là buổi “quá đường” trong mùa An Cư, sau khi dùng xôi chuối, bánh ngọt, tụng kinh hồi hướng”.
Tiếng tụng kinh vừa dứt thì thấy bốn người khiêng một pháp tọa cao khoảng 2 mét, trên có bảo cái, bốn cột trụ chạm rồng uốn lượn, sơn son thếp vàng. Dưới chân pháp tọa có thang cấp để bước lên. Pháp tọa được khiêng đến trước Chánh Điện. Một vị cư sĩ đến đảnh lễ chư Tăng cung thỉnh Pháp Sư thăng tòa thuyết pháp. Một vị sư người Lào, có lẽ là một Thượng Tọa đứng dậy đi đến Pháp Tọa, bước lên thang cấp, ngồi trên Pháp Tọa bắt đầu thuyết pháp. Sau thời pháp độ chừng 40 phút, vị Pháp Sư bước xuống Pháp Tọa đến chỗ mình an tọa. Một Phật Tử đến trước Pháp Sư đảnh lễ và bạch lên lời thỉnh cầu. Vị Pháp Sư đứng dậy đến trước phái đoàn chư tăng Việt Nam chấp tay đảnh lễ, thưa: Hôm nay là ngày lễ lớn của Phật Giáo Lào, chúng tôi rất may mắn được chư Tăng Việt Nam đến tham dự. Tín đồ của chúng tôi rất sung sướng, ước mong được quí vị ban Pháp Bảo. Rất mong quí vị từ bi chấp thuận lời thỉnh cầu của họ.
Phái đoàn Việt Nam hoan hỷ nhận lời, cử Hòa Thượng Đôn Hậu thay mặt phái đoàn có vài lời với Phật Tử Lào. Hòa Thượng nhân dịp này giảng về Công Đức Cúng Dường Tam Bảo, được một nữ giáo sư người Việt dạy Pháp văn nhiều năm tại Lào, thông thạo ba thứ tiếng Việt, Lào, Pháp thông dịch.
Bài giảng về Công Đức Cúng dường Tam Bảo phù hợp với khung cảnh lúc bấy giờ, nói lên truyền thống Cúng Dường Tam Bảo đã có từ xưa trong thời kỳ Phật tại thế, trong những chuyện Tiên Thân của Phật mà hiện nay người Phật Tử Lào đang tiếp nối truyền thống ấy, một truyền thống cao đẹp, nhiều ý nghĩa. Phật tử Lào chăm chú lắng nghe, trông có vẻ thích thú. Buổi giảng chỉ trong vòng 20 phút nhưng mang lại nhiều mỹ cảm đối với Phật tử Lào.
Sau thời thuyết pháp, phái đoàn Việt Nam được chư Tăng và Phật Tử Lào tiễn đưa về chùa Diệu Giác một cách thân mật và trọng thể.
Ngày sau, khi phái đoàn Việt Nam vừa dùng sáng xong thì thấy một nhà sư Lào dẫn theo một ít Phật tử đến. Nhà sư trịnh trọng thưa: “Thưa quí ngài, tín đồ của chúng tôi rất sung sướng được nghe bài thuyết pháp ngày hôm qua tuy ngắn nhưng rõ ràng và thiết thực. Họ tha thiết nhờ tôi đến cung thỉnh quí ngài hoan hỷ giảng thêm cho một thời pháp nữa. Thời gian xin tùy quí ngài quyết định.”
Quí thầy lại giao trách nhiệm ấy cho Hòa Thượng Đôn Hậu và hẹn tối mai lúc 7 giờ sẽ đến giảng.
Ngày mai đúng 6:30 tối phái đoàn Việt Nam đã đến. Phái đoàn đến sớm để xem xét tình hình, quyết định đề tài thuyết giảng. Mặc dầu đến trước nửa giờ, tín đồ đã tập trung đông hơn cả buổi lễ Trai Tăng hôm trước.
Hòa Thượng tối hôm ấy giảng về Đạo Lý Nhân Quả, đề tài rất phổ thông với Phật Tử Nam Tông. Những thí dụ được nêu ra rút từ những câu chuyện tiền thân của Phật, từ kinh Bách Dụ mà Phật Tử Nam Tông quen thuộc, khiến họ chăm chú lắng nghe, không có tiếng bàn tán xôn xao, không có một tiếng động.
Như thường lệ giảng xong, Hòa Thượng để dành nửa giờ cho thính chúng có cần hỏi điều gì. Một Phật Tử đứng dậy hỏi: “Bạch Thầy nếu đạo lý nhân quả theo như thầy giảng, tại sao con thấy có nhiều người ăn ở hiền lương mà vẫn chịu cảnh khổ sở còn người ác lại được giàu sang phú quí?”
Hòa Thượng giải thích: Có những nhân vừa tạo xong đã mang lại kết quả, có những nhân phải đợi thời gian mới có hiệu lực. Trồng lúa thì ba tháng sau có lúa để gặt, nhưng trồng nhãn phải đợi mười năm mới có trái.
Một Phật Tử khác hỏi: Nếu định luật nhân quả theo như thầy giảng, không thể thay đổi: “trồng dưa đặng dưa, trồng đậu đặng đậu” thì đâu cần lời nguyện cầu, chuyển nghiệp của chư tăng?
Hòa Thượng giải thích: Định luật nhân quả không phải là thuyết tiền định. Hành động, năng lượng luôn luôn chuyển biến, thay đổi không ngừng. Trong dòng năng lượng chuyển biến ấy – lời cầu nguyện, hồi hướng công đức… làm giảm đi hoặc tăng thêm phần nào sức mạnh của nó. Đó là đạo lý chuyển nghiệp trong nhà Phật. Không có gì đứng nguyên một chỗ. Cũng không có cái gì đi theo một đường thẳng. Tất cả đều chuyển biến, tất cả có ảnh hưởng lẫn nhau…
Phật tử thính chúng rất phấn khởi nghe những lời giải thích của Hòa Thượng. Sau thời thuyết pháp, Hòa Thượng cám ơn chư Tăng, Phật Tử Lào đã thân mật tiếp đón phái đoàn Phật Giáo Việt Nam. Vừa khi ấy thì thấy vị sư Lào hướng dẫn một Phật Tử mang cái ô bằng đồng đặt trước mặt Hòa Thượng dưới Pháp Tọa. Phật Tử lần lượt đem tiền bỏ vào cái ô ấy. Bỏ tiền xong, nhà sư mời một nữ Phật Tử đội cái ô đồng ấy đến thang cấp Pháp Tọa, nơi ấy đã sẵn có một nam tín đồ đứng tiếp bưng cái ô dâng lên cho Hòa Thượng. Người thông dịch bạch với Hòa Thượng: Đây là lễ vật của tín đồ đến nghe pháp, xin ngài hoan hỷ lãnh thọ cho. Hòa Thượng theo truyền thống Lào đưa tay đặt lên trên cái ô, ý nói hoan hỷ tiếp nhận, nhưng cũng có vài lời cùng tín đồ hiện diện: Tôi xin thay mặt phái đoàn, thay mặt Hội An Nam Phật Học nhận lãnh món quà này, tấm lòng của Phật Tử, giây liên hệ đạo tình giữa Phật Giáo Lào và Phật Giáo Việt Nam. Mọi người phá lệ, vỗ tay hoan hô.
Hòa Thượng bước xuống Pháp Tọa, cùng phái đoàn ra về trước hai hàng Phật Tử tiễn đưa từ chánh điện ra đến cổng chùa.
Phái đoàn lên xe trở về chùa Diệu Giác. Sau khi về chùa được độ mười phút thì thấy một số Phật Tử mang cái ô đựng tiền đến giao cho phái đoàn.
Đêm hôm ấy phái đoàn dù đã khuya cũng ngồi uống trà để bàn luận về phong tục tập quán của người Lào, của chư Tăng, Phật Tử Lào.
Trở về Huế Hòa Thượng tiếp tục công việc diễn giảng. Khi thì đi giảng ở Chi Tịnh Độ này, khi thì đi giảng ở hội đoàn Phật Giáo khác, liên tục ít khi rảnh rỗi cho đến giữa năm 1942 thì Hội Phật Tử Việt Kiều Savannakhet lại cử một phái đoàn đến Huế mời Hòa thượng sang Lào thăm và thuyết pháp một lần nữa. Hòa Thượng đưa chuyện này bàn với Hội An Nam Phật Học và quí thầy trong Sơn Môn. Hội và quí thầy đều khuyến khích. Hòa Thượng dàn xếp công việc, rồi cùng phái đoàn Lào qua Savannakhet.
Cũng như chuyến viếng thăm năm 1940, lần này Phật Tử Việt Kiều tại Savannakhet đến rất đông để đón tiếp Hòa Thượng và nghe Hòa Thượng thuyết pháp tại chùa Diệu Giác. Số thính chúng ngồi chật cả hội trường phải ra ngoài sân. Hòa Thượng trong hai đêm liền thuyết pháp với hai đề tài là Tam Thân và Tứ Nhiếp Pháp.
Tam Thân: Chư Phật đầy đủ 3 thân: Pháp Thân, Báo Thân, Hóa thân.
Pháp thân: Thân chân thật, thường trú, không biến đổi, không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian, không thể nắm bắt được bằng khái niệm và nhận thức, không bị sinh, lão, tử chi phối. Pháp thân là chân như, là pháp tính, là bản thể. Đức Phật Thích Ca trong dạng Pháp thân thường ở mãi với chúng ta, không sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni, không nhập diệt tại rừng Ta La Song Thọ. Chúng ta không bao giờ mất ngài. Pháp Thân cũng còn có danh hiệu là Tự Tính Thân.
Báo thân. Thân Phật thị hiện giữa cảnh giới Ta Bà, trên trời Đâu Suất, nơi thế giới Cực Lạc. Đó là thân của Thái Tử Tất Đạt
Đa tu thành chánh quả dưới gốc cây Bồ Đề, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và nhập diệt tại thành Câu Thi La. Báo thân cũng cón có danh hiệu là Thọ Dụng Thân.
Hóa Thân cũng gọi là Ứng Thân hay Ứng Hóa Thân. Do tâm nguyện cứu độ chúng sinh, chư Phật thường tùy duyên ứng hiện trong những hình hài khác nhau để dễ dàng hóa độ. Hóa Thân cũng còn có danh hiệu là Biến Hóa Thân.
Hòa Thượng nói: Chúng ta may mắn được làm con của Phật. Ngài mãi mãi ở bên ta, dắt dìu ta, an ủi ta. Có thể mắt phàm chúng ta không thấy, không khéo ngài đang là người bạn cùng ta đi trên con đường đạo. Không khéo ngài là những con vật đương giúp ta trong cuộc hành trình gian khổ đầy chông gai. Nếu vậy ta không nhìn đời bằng oán thù, kỳ thị, nghi kỵ mà bằng từ ái, khoan dung. Tất cả chúng sinh đều là Phật sắp thành. Tất cả chúng sinh đều là bạn hữu, là thầy của ta. Trong số thính chúng hôm nay có lẽ có vị là thầy của tôi đang âm thầm giúp đỡ, hướng dẫn tôi trên bước đường tu đạo và hoằng đạo. Vị ấy hôm nay đến đây để cổ võ tôi làm cho tôi thêm hăng say, không chùn bước.
Đêm thứ hai Hòa Thượng giảng thuyết với đề tài Tứ Nhiếp Pháp. Đến nghe pháp đêm hôm ấy có ông Trịnh Văn Phú, Hội Trưởng Hội Phật Tử Việt Kiều, thủ phủ Vientaine, được Hội Phật Tử Việt Kiều Savannakhet mời.
Tứ Nhiếp Pháp là bốn phương thức xử thế của người con Phật. Là Phật Tử không những ta tuân theo lời Phật dạy, sống đời sống gương mẫu mà còn phải làm thế nào để trở thành một sứ giả loan truyền nếp sống đạo hạnh cho người khác noi theo, làm rạng danh Phật Giáo, đền đáp công ơn cao dày của Phật Tổ. Cuộc sống giữa thế gian đầy thương đau, nghi kỵ, hận thù, giả trá, là Phật tử chúng ta có trách nhiệm giúp xoa dịu đau thương, xóa bỏ hận thù, nghi kỵ. Người Phật tử phải thực thi phương thức xử thế đã được đức Từ Phụ chỉ dạy, làm sao cho sự hiện diện của mình luôn luôn là cánh hoa tươi mát cho mọi người. Về phương diện này, nếp sống và cách xử thế của người Lào nói chung, của người Phật Tử Lào nói riêng cần được lưu ý.
Bốn phương thức xử thế hay Tứ Nhiếp Pháp là: Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi Hành, Đồng Sự.
Bố Thí là chia bớt, san sẻ những gì chúng ta có cho người chung quanh, có thể là tài vật, tiền bạc, của cải, vật dụng (Tài Thí); có thể là lời khuyên răn, an ủi, lời vàng ngọc của Phật áp dụng cho đời sống hàng ngày, cho tiến trình phát triển tâm linh (Pháp Thí); có thể là tinh thần dũng cảm không sợ nguy hiểm khi phải đương đầu với ác ma, tội lỗi, không dùn chân trước những công tác lợi mình, lợi người. An nhiên tự tại, tâm trí bình thản trước mọi giao động của cuộc đời (Vô Úy Thí).
Ái Ngữ là lời nói thân tình, chân thật, ôn hòa, thành khẩn, phát xuất từ tình thương, có công năng gây thiện cảm, mỹ cảm, làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu, vơi bớt sự buồn phiền, khổ sở.
Lợi Hành: làm những việc có thể giúp người trên phương diện vật chất cũng như tinh thần..
Đồng Sự: tham gia, hợp tác, hòa mình trong công việc chung, có lợi ích chung.
Hòa Thượng nói: Quí vị được an bình sống trong Vương Quốc này, phải biết ơn họ. Và phương thức trả ơn hữu hiệu nhất là thực hành Tứ Nhiếp Pháp, là áp dụng bốn phương thức xử thế của Phật dạy. Được như vậy cọng đồng quí vị đang sinh sống thêm hòa hợp, an bình, đồng thời làm rạng danh dân tộc Việt tại xứ người.
Ông Hội Trưởng Trịnh Văn Phú sau khi nghe bài thuyết pháp của Hòa Thượng, chứng kiến được quang cảnh tiếp đón Hòa Thượng và lòng hân hoan của Phật Tử, tâm thần rất phấn khởi. Sáng hôm sau ông đến chùa Diệu Giác, gặp Hòa Thượng, cúi đầu đảnh lễ mà thưa rằng: Bạch ngài: “Con xin thay mặt toàn thể Phật Tử Việt Kiều tại Vientiane, tha thiết cung thỉnh ngài đến thăm Hội Phật Giáo của chúng con, đồng thời cũng xin ngài hoan hỷ bố thí cho thời pháp. Phật Tử của chúng con rất khao khát được nghe giáo lý do các nhà sư Việt Nam giảng. Kính mong ngài thương tình hoan hỷ nhận lời cầu thỉnh của chúng con.”
Nghe lời thỉnh cầu thành khẩn của ông Hội Trưởng, Hòa Thượng không có cách nào từ chối mặc dầu công việc Phật sự tại Huế còn rất đa đoan. Hòa thượng vui vẻ nhận lời, hứa sẽ xuống tàu đi Vientaine sáng ngày mai.
Sáng sớm vào lúc 7 giờ, phái đoàn của Hội An Nam Phật Học cùng sư cụ Diệu Thanh, khai sơn chùa Diệu Giác với ông Hội Trưởng Hội Phật Tử Việt Kiều Vientaine cùng ba cư sĩ chùa Diệu Giác xuống tàu thủy đi Vientaine. Cuộc hành trình bằng tàu thủy từ Savannakhet đến Vientaine mất năm ngày. Khi đến Vientaine ông Hội Trưởng mời phái đoàn cư trú tại chùa Bàn Long, trụ sở của Hội.
Vừa đến chùa, Hòa Thượng đi thẳng vào Chánh Điện lễ Phật nhưng không vái lạy hai vị thần ở hai bên tả hữu của chùa. Phật tử để ý đến từng cử chỉ của Hòa Thượng, thì thầm to nhỏ với nhau, có vẻ thán phục. Họ thấy Hòa Thượng không giống một số vị sư Việt Nam khác lạy bất kỳ hình tượng nào…
Sau khi nghỉ ngơi xong, ông Hội Trưởng ngỏ ý muốn mời Hòa Thượng và phái đoàn đến thăm Vua Sãi, vị lãnh đạo tối cao của Phật Giáo Lào. Hòa Thượng và phái đoàn nhận lời, định 6 giờ chiều hôm ấy đến yết kiến đức Vua Sãi. Nghe Hòa Thượng và phái đoàn nhận lời, ông Hội Trưởng liền đi đến Tòa Vua Sãi để thông báo cho đức Vua Sãi hay.
Chiều hôm ấy, theo lời tường thuật của Hòa Thượng trong Trên Những Chặng Đường: “Khi chúng tôi sắp sửa đến viếng vua Sãi thì một điều làm cho tôi rất ngạc nhiên là đức Xixaket, Vua Sãi của Quốc Vương Lào, cũng vừa đi đến sân chùa Bàn Long. Tôi chưa được diện kiến đức Vua Sãi nên không biết mặt ngài, nhưng khi nghe ông Hội Trưởng nói thì tôi và ông Hội Trưởng vội vàng bước ra sân để đón tiếp ngài. Trong khi người thông dịch vừa giới thiệu giữa tôi với ngài, thì ngài đưa tay nắm chặt lấy tay tôi, rồi đưa tay tôi áp lên trán ngài một hồi lâu. Tôi hết sức ngạc nhiên và cảm động trước cử chỉ lân mẫn của ngài. Nghe tôi bày tỏ sự ngạc nhiên, đức Vua Sãi liền nói: Tôi phải đến thăm ngài trước vì ngài đến xứ tôi. Hơn nữa tôi đến để xin hoãn lại cuộc viếng thăm của ngài lúc 6 giờ chiều nay cho đến chiều mai.
“Sáu giờ chiều ngày mai, đúng hẹn, tôi có mặt tại Tòa Vua Sãi. Vừa đến nơi thì thấy đức Vua Sãi đã ngồi trong ngôi nhà sàn trước Tòa. Thấy tôi đến, ngài bước ra, nắm tay tôi áp lên trán ngài như ngày hôm qua.
“Khi vào Tòa, tôi xin phép được làm lễ yết kiến. Tôi vừa lạy xuống thì ngài cũng lạy làm cho tôi thêm cảm động và kính nể.”
Sau đó đức Vua Sãi hỏi Hòa Thượng về tình trạng Phật Giáo Việt Nam. Hòa Thượng trình bày sơ lược về lịch sử truyền thừa và sinh hoạt của Phật Giáo Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Hòa Thượng nói tại Việt Nam giữa Phật Giáo và dân tộc có sự liên hệ mật thiết, cùng nhau chia xẻ những bước thăng trầm. Hòa Thượng không quên tán dương tín tâm vững mạnh của Phạt tử Lào, ca ngợi phong tục, tập quán của quốc dân Lào.
Sau một thời gian chuyện trò, đức Vua Sãi đứng dậy vào phòng lấy ra quyển sách, nói với Hòa Thượng: Tuần trước có một vị sư Việt Nam, mặc y phục nâu, đến thăm tôi và tặng cho tôi cuốn sách này. Vừa nói đức Vua Sãi vừa đưa cuốn sách cho Hòa Thượng xem. Cầm cuốn sách, mở trang đầu thấy in tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, giở ở trang tiếp đọc vài hàng biết không phải kinh Phật, Hòa Thượng nói: Thưa ngài, đây là kinh sách ngoại đạo chứ không phải kinh Phật.
Đức Vua Sãi tiếp lời: Tôi không biết chữ Nho, nhưng cũng đoán như lời ngài nói vì xem bức tranh trong sách biết không phải của Phật Giáo.
Hòa Thượng nói: Thưa ngài, theo tôi, bất kỳ cuốn sách gì mà trong đó nói đến đạo lý vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch tịnh, niết bàn thì quyển sách ấy là sách Phật, trái lại là kinh sách ngoại đạo.
Nghe xong, Trên Những Chặng Đường ghi: “Ngài vui mừng ôm chặt lấy tôi nói: Đúng quá! Lời ngài nói thật là đúng với kinh sách, đúng với lời Phật dạy.”
“Từ đây, giữa ngài và tôi, mối đạo tình từ buổi ban đầu mới gặp, đã trở nên thân thiết và sâu đậm hơn. Nhìn tôi, ngài vui vẻ nói tiếp:
– Ngài là một viên ngọc. Ở quí quốc có bao nhiêu vị Pháp Sư giống như ngài?
Tôi thành thật trả lời:
– Thưa ngài rất nhiều mà có vị còn giỏi hơn tôi nhiều. Khi nào thuận duyên xin rước ngài qua thăm nước tôi thì sẽ rõ lời tôi vừa mới thưa với ngài.
– Được như vậy thì tương lai Phật Giáo Việt Nam chắc sẽ huy hoàng! Nói xong ngài nắm tay tôi dẫn lên chánh điện lễ Phật. Xong đến một ngôi nhà rộng năm căn chứa đầy tượng Phật, có tượng thì gãy tay, tượng thì gãy chân, tượng sứt tai, sứt mũi. Ngài chỉ cho tôi xem những ngôi tượng bị hư đôi mắt và nói: Những ngôi tượng này trước kia đôi mắt được làm bằng kim cương, nhưng sau đó bị giặc cướp móc mắt lấy đi hết.
– Thưa ngài, ở Việt Nam chúng tôi sau khi Hội Phật Học phát triển, nhiều tượng Phật đúc bằng đồng, nhưng quí vị Hòa Thượng và tôi không chấp nhận việc yểm tâm hoặc điểm nhãn bằng châu báu, vì như vậy rất dễ cho chúng sinh tạo tội lớn.
– Đó là một ý kiến hay, rất sáng suốt. Đức Vua Sãi gật đầu tán trợ.”
Ba hôm sau, theo chương trình định sẵn Hòa Thượng thuyết pháp liên tiếp ba đêm tại chùa Bàn Long, trụ sở của Hội Phật Tử Việt Kiều Vientiane. Đêm đầu Hòa Thượng giảng bài Chân
Tinh Thần Phật Giáo. Đêm thứ hai Nhân Quả Luân Hồi. Đêm thứ ba Chữ Tu Trong Đạo Phật.
Suốt ba đêm diễn giảng, số lượng người nghe rất đông, chứng tỏ lòng hăng say, tinh thần mộ đạo của Phật Tử Việt Nam tại Vientiane rất cao. Sau đó Hòa Thượng được ông Hội Trưởng mời đi thăm một chùa sư nữ. Hòa thượng hơi ngạc nhiên, không ngờ ở Lào cũng có chùa sư nữ, nhưng Hòa Thượng không hỏi mà chỉ nhận lời.
Hòa Thượng và phái đoàn lên xe đi độ chừng hơn một cây số thì đến một khu rừng nhân tạo rất đẹp. Giữa khu rừng là một ngôi nhà sàn to lớn. Ngôi nhà sàn hình như không có ai ở, vì thấy yên tịnh không thấy một bóng người, không nghe một tiếng động, nhưng khi bước vào ngôi nhà kế cận thì thấy một phụ nữ mặc chiếc áo quạ trắng, trên vai vắt một tấm vải trắng xuất hiện. Trên Những Chặng Đường ghi: “Người thông dịch liền giới thiệu đoàn chúng tôi vối vị phụ nữ ấy. Nghe xong bà bước lên trên Ngôi Nhà Sàn đánh ba tiếng trống, tức thì từ bốn phương có những người phụ nữ cũng mặc áo quạ trắng, trên vai vắt tấm vải trắng, đến tập trung trước nhà sàn. Lúc bấy giờ tôi thoáng nghĩ: À… té ra sư nữ ở đây lại có hình thức như thế”.
Tại Lào cũng như tại các quốc gia theo Phật Giáo Nam Tông vào thời điểm ấy, Ni Chúng vẫn chưa được phục hồi. Họ chỉ được thọ tám giới Thúc Xoa Ma Na và y phục của họ màu trắng, Bạch Y Cư Sĩ. Nếp sống của họ không khác chư ni, xa gia đình, sống độc thân, nhưng chưa được khoác y vàng.
“Sau cùng thì thấy có một vị sư độ chừng sáu mươi tuổi, dáng điệu rất thanh thoát trong chiếc áo cà sa màu vàng, khoan thai từ trong nhà đi ra tận cổng đón chúng tôi”.
Người thông dịch vừa giới thiệu xong, vị sư tỏ vẻ hân hoan, không những sẵn sàng hướng dẫn chúng tôi thăm viếng ni viện mà còn yêu cầu tôi nói bài pháp ngắn cho chư ni. Tôi nhận lời. Bài pháp hôm đó là Tứ Niệm Xứ, rất phù hợp cho khung cảnh và hạnh tu của ni chúng tại khu vườn yên tĩnh này.
Tứ Niệm Xứ, bốn lãnh vực quán niệm hay là bốn đối tượng quán niệm. Tu tập phép quán niệm này phải trải qua hai giai đoạn: giai đoạn riêng biệt và giai đoạn dung thông. Giai đoạn riêng biệt là quán chiếu từng đối tượng riêng biệt. Giai đoạn dung thông là thấy sự liên hệ của bốn đối tượng. Bốn lãnh vực quán niệm hay Tứ Niệm Xứ là:
- Quán thân bất tịnh. Hành giả quán niệm xác thân là nơi tập trung của hàng triệu triệu tế bào của da, thịt, máu, mủ, phân, nước tiểu… không có gì là trong sạch để phải đam mê, hệ lụy.
- Quán thọ thị khổ. Hành giả quán niệm mọi cảm thọ đều đau khổ. Trong thế gian không có cái vui chân thật mà chỉ tạm bợ trong giây lát, rốt cuộc đưa đến cái khổ. Thân, tâm, nhận thức, cơm ăn, áo mặc, nhà ở, sắc, thanh, hương, vị, xúc… mọi thọ nhận, mọi cảm thọ đều là gốc nguồn của khổ đau.
- Quán tâm vô thường. Hành giả quán niệm tâm, ý luôn luôn thay đổi, từng phút, từng giây không bao giờ dừng nghỉ, như làn thác đổ.
- Quán pháp vô ngã. Mọi hiện tượng trên thế gian đều do nhân duyên hòa hợp mà sinh, không có cái gì chân thật, độc lập.
Nhờ quán chiếu bốn đối tượng trên hành giả sẽ dần dần xả bỏ mọi ham muốn, diệt được sân hận, si mê, giữ được tâm bình thản trước những oán nghịch của tình đời.
Trong giai đoạn đầu quán chiếu từng đối tượng riêng biết, đến giai đoạn kế tiếp, khi đã bước vào lãnh vực quán chiếu cao, hành giả thấy bốn đối tượng liên hệ với nhau. Khi quán chiếu thân bất tịnh cũng nhận thấy khổ đau, vô thường, vô ngã. Khi quán niệm tâm ý vô thường thì cũng thấy thân thể, cảm thọ và vạn pháp không đứng nguyên một chỗ, không tồn tại vĩnh viễn…
Trên Những Chặng Đường ghi: “Cả chúng chăm chỉ lắng nghe, không có một tiếng động nhỏ nào. Trông thái độ kính cẩn cầu pháp của những vị sư nữ này, tôi rất phục, cảm thấy vui lòng.”
Vừa thuyết giảng xong, người thông dịch viên đến sát bên tai Hòa Thượng thưa nhỏ: Nếu có thể được xin ngài cúng dường cho các vị sư nữ này một ít tịnh tài. Hòa Thượng nghĩ đây có lẽ là phong tục tập quán của xứ Một Triệu Con Voi nên hoan hỷ lấy hai đồng sẵn có trong túi đưa cho vị Sư để chuyển giao cho Ni chúng. Vị sư nhận tiền nói lời cám ơn: “Chúng tôi xin thay mặt cho Ni Chúng cám ơn ngài không những đã có từ tâm giảng pháp cho Ni mà còn tài thí cho họ. Thay mặt đại chúng, tôi xin chân thành bái thọ và sẽ luôn luôn nhắc nhở cho cả chúng thực hành theo lời giảng dạy của ngài.” Nói xong vị sư quay lại dặn dò ni chúng. Toàn thể đê đầu đảnh lễ, rồi lặng lẽ giải tán.
Vi sư mời Hòa Thượng đi xem khu Tịnh Xá. Đây là khu rừng nhân tạo. Cây cối được trồng thành từng dãy, ngay ngắn, cao thẳng tắp, rất sạch sẽ và mát mẻ. Trong khu rừng có hàng trăm cái chòi nhỏ, xây dựng sơ sài, giống như những cái cốc, khoảng cách đều nhau, nơi chư ni cư trú, chuyên lo tu học, hành trì thiền quán.
Vị sư hướng dẫn mời Hòa Thượng bước lên cầu thang của một cái chòi nhỏ. Nhìn vào trong chòi thấy một chiếc chiếu, trên chiếu có mền, gối. Bên cạnh là một cái bàn và một cái ghế dài làm bằng tre. Trên bàn có kinh sách và một bình nước, một ly tách. Tất cả dụng cụ đều rất thô sơ, nhưng sạch sẽ và được sắp xếp rất ngăn nắp, phản ảnh nếp sống đạo hạnh của chư ni ở Khu Vườn Tịnh Xá này
Xem xong Hòa Thượng tỏ ý với nhà sư muốn gặp lại Ni Chúng để nói lời giã từ. Vị sư ấy trả lời: Ngài sẽ gặp họ trong chốc lát. Vừa nói vị sư vừa hướng dẫn Hòa Thượng ra cổng Khu Vườn Tịnh Xá. Vừa tới cổng Hòa Thượng đã thấy những vị ni mắc áo quạ trắng, vai vắt khăn choàng trắng đứng hai hàng chỉnh tề, trên tay người nào cũng cầm một bó hoa mà họ đã hái được trong Khu Rừng Tịnh Xá khi Hòa Thượng cùng vị sư đi tham quan, thấy những cái chòi nhỏ không có người ở.
Hòa Thượng vừa bước tới thì tất cả chúng đều quì xuống, hai tay cầm bó hoa đưa lên ngang đầu. Người thông dịch thưa với Hòa Thượng: Họ đang dâng hoa cúng dường, xin ngài thọ lãnh cho.
Trên Những Chăng Đường ghi: “Thế là vừa đi tới, tôi vừa lần lượt nhận những bó hoa họ đang dâng, đến khi tay tôi không còn cầm được nữa, tôi phải đưa cho những người trong đoàn cầm hộ, nên khi ra về trên tay chúng tôi người nào cũng đầy cả hoa…
“Cuộc viếng thăm và thuyết pháp lần này của tôi ở Savannakhet và ở thủ phủ Vientaine kéo dài cũng gần một tháng trời. Đến cuối tháng bảy năm 1942, tôi mới lên đường trở về Huế.”
Trở về Huế, Hòa Thượng được Hội Đồng Sơn Môn Tăng Già Thừa Thiên, Huế cử làm trú trì quốc tự Diệu Đế.
Hòa Thượng ngoài việc quản trị chùa, còn bận rộn với những chương trình thuyết giảng ở các Khuôn Tịnh Độ xa xôi hẻo lánh. Một trong những nơi ấy là Khuôn An Xuân, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Dân làng An Xuân chưa được thâm tín Phật lý. Mùa thu năm 1942 Hòa Thượng về thôn này diễn thuyết, thể theo lời mời của Khuôn Tịnh Độ. Với ngôn từ bình dị, nhất là với tác phong hiền hòa, oai nghi, khả ái, Hòa Thượng đã chinh phục được da số dân làng, nổi tiếng là bướng bỉnh nhất Huyện Quảng Điền hay có thể nói cả tỉnh Thừa Thiên.
Thuyết pháp xong đến giờ thọ trai. Hàng bô lão trong làng cho người mang đầu heo dâng cúng Hòa Thượng tỏ lòng tôn kính như là đối với ông tiên chỉ. Hòa Thượng đứng dậy từ tốn tiếp nhận, tỏ lời cám ơn hàng bô lão đã có lòng chiếu cố, nhưng khi dùng cơm ngài chỉ xin ít tương và muối mè để dùng, ngài cáo lỗi đã quen dùng chay.
Cuộc viếng thăm dân làng và thuyết pháp tại ngôi chùa làng ở Phe Tây đã mang lại nhiều kết quả cụ thể, đặc biệt là có 4 thanh niên và một cậu bé 12 tuổi phát tâm xuất gia.
Cậu bé sau ngày nghe Hòa Thượng thuyết pháp, nhất là thấy diện mạo của Hòa Thượng, nằng nặc đòi mẹ cho phép lên chùa Tây Thiên thăm Hòa Thượng. Chùa Tây Thiên cách làng An Xuân trên 15 cây số. Chú bé cứ cách vài tháng một lần đòi mẹ cho lên chùa thăm Hòa Thượng. Sáng tinh sương chú đã dậy và đi bộ qua làng Kim Đôi, đến chợ Bao Vinh, lên chợ Đông Ba, qua cầu Tràng Tiền đến cầu Nam Giao, dọc theo dốc Nam Giao đi ngang chùa Báo Quốc, chùa Thiên Minh, chùa Từ Đàm đến Đền Nam Giao, đi xuống con đường dốc rồi lên dốc vào chùa Tây Thiên. Đến chùa cốt để chiêm ngưỡng Hòa Thượng, được hưởng không khí thanh tịnh của chốn thiền lâm. Ở lại chùa vài giờ lại lên đường trở về quê. Về đến nhà thì trời đã tối. Ấy vậy mà chú không thấy mệt. Vài tháng sau lại đòi đi nữa.
Thăm chùa, thăm Hòa Thượng, thăm chúng tăng. Tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh, quang cảnh chùa chiền như có một sức hấp dẫn lạ thường đối với chú bé. Sau thời gian thăm viếng, chú bé xin mẹ ăn chay trường. Mẹ không cho sợ đương con trẻ, còn đi học ăn chay không đủ dinh dưỡng, nhưng chú nhất định ăn chay. Trên ba tháng chú chỉ ăn cơm vời đường cục, với muối ướt, vì mẹ không nấu chay cho ăn để làm chú nản lòng. Nhưng chú vẫn cương quyết, cuối cùng mẹ phải nấu chay cho chú ăn. Ăn chay được vài tháng chú xin mẹ đi tu. Mẹ không cho, chú khóc suốt ngày. Cuối cùng mẹ phải chìu lòng, nhưng mẹ nghĩ chắc chắn chú không thể chịu đựng cảnh sống khổ sở của nhà chùa, chú sẽ về nhà. Sợ nợ công ơn thí chủ, nên mẹ đem gạo vào chùa cho chú ăn. Chú không những chịu đựng được nếp sống thanh đạm, khổ cực của người mới vào chùa tu, phải làm bao nhiêu công quả mà còn cảm thấy sung sướng. Chú hăng say theo thầy học đạo, được thầy thọ ký, ban cho pháp danh Tâm Đức, pháp tự Trí Không…
Hòa Thượng vào thời điểm ấy đã có ít nhất trên 10 đệ tử xuất gia và vô số đệ tử tại gia, cùng khắp nơi trong nước và tại Vương Quốc Lào. Những đệ tử đầu tay của Hòa Thượng lúc bấy giờ là: Trí Thắng, Trí Nghiêm. Trí Diệm, Trí Đăng, Trí Cảnh, Trí Châu, Trí Không… Những vị này sống đúng theo nguyên tắc Lục Hòa, không ai có tiền bạc riêng. Ngay cả áo quần cũng mặc chung với nhau, cục xà phòng cũng dùng chung.
Trở về Huế sau thời gian hoằng hóa tại Lào, Hòa Thượng ngoài nhiệm vụ giảng sư, Hội An Nam Phật Học còn mời Hòa Thượng dạy Phật Pháp cho Đoàn Phật Học Đức Dục do Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập và hướng dẫn từ năm 1940. Đoàn là nơi qui tụ đông đảo thanh niên trí thức cố đô Huế và các đô thị lân cận như Thanh Hóa, Vinh, Quảng Nam, Đà Nẵng. Họ là những thanh niên có kiến thức cao nên dễ dàng và mau chóng tiếp nhận giáo lý Phật.
Đoàn Phật Học Đức Dục đã đào tạo nhiều Phật Tử trí thức, tiền thân của các Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, có tài có đức, đóng góp, xây dựng ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam.
Năm Quí Mùi (1943) nhân dịp Tết Nguyên Đán Hòa Thượng về thăm quê ở Quảng Trị. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm xa cách kể từ ngày Hòa Thượng từ giã gia đình xuất gia cầu đạo. Con đường làng với lũy tre xanh dọc theo dòng sông Thạch Hãn gợi cho Hòa Thượng nhiều kỷ niệm thời thơ ấu.
Hòa Thượng về lưu trú tại chùa Long An, ngôi chùa do thân phụ sáng lập. Được tin Hòa Thượng về, bà con, cô bác, láng giềng hàng xóm tấp nập đến thăm Hòa Thượng suốt ba ngày Tết. Ở chùa Long An được gần một tuần lễ. Chư tăng lần lượt đến thăm và yêu cầu Hòa Thượng đến chùa Sắc Tứ Tịnh Quang lưu trú, thuyết pháp và làm lễ qui y cho đồng bào Phật Tử. Hòa Thượng hoan hỷ nhận lời.
Chùa Tịnh Quang năm 1943 không khác mấy Chùa Tịnh Quang năm 1916 khi Hòa thượng mới được 12 tuổi, trên đường đến trường học thường đi ngang qua chùa. Chính tại đây Hòa Thượng đã gặp vị thầy tương lai của mình, đó là Hòa Thượng Tâm Tịnh. Hình ảnh từ hòa, khả ái, khả kính của Bổn Sư hiện rõ trong đầu óc của Hòa thượng mặc dầu đã 27 năm trôi qua. Cũng tại trước tam quan ngôi chùa lịch sử này vị bổn sư tương lai đã hỏi Hòa Thượng học gì, bắt Hòa Thượng cắt nghĩa những đoạn văn trong Luận Ngữ, đã xoa đầu Hòa Thượng như dấu hiệu thọ ký cho ngài. Bổn sư đã viên tịch nhưng hình ảnh của bổn sư, những lời dạy dỗ của bổn sư Hòa Thượng không bao giờ quên.
Tại Sắc Tứ Tịnh Quang Tự năm Quí Mùi Hòa Thượng đã thuyết pháp trong ba đêm liên tiếp, đã làm lễ qui y cho trên 300 Phật Tử. Tín đồ hăng say đến nghe pháp, đến thăm viếng. Hòa Thượng cảm thấy phấn khởi, nhận thấy tín tâm của Phật Tử tại quê nhà cũng cao không kém các nơi Hòa Thượng đến thuyết giảng.
Trong số những người đến qui y với Hòa Thượng, có một nữ Phật Tử, về sau mới biết là cô Hạnh, người mà hai bên gia đình định kết tóc xe tơ. Trên Những Chặng Đường ghi:
“Rồi vào một buổi chiều vắng khách, có hai thiếu phụ dắt hai em bé chừng 11, 12 tuổi đến thăm, đem cúng một bình trà Tam Hỷ và một gói cam. Hai cô cho biết gia đình đã được quy y vừa rồi, một cô Pháp danh là Tâm Thường, một cô là Tâm Giải cùng ba người con là Tâm An, Tâm Lạc và Tâm Phước.
“Như thường lệ, với những Phật Tử mới quy y, tôi khuyến khích họ cố gắng giữ gìn những giới đã thọ. Tôi cắt nghĩa công năng của việc giữ giới. Đối với hàng phụ nữ, được gần Phật Pháp là điều may mắn. Cần đem áp dụng chánh pháp vào đời sống hàng ngày, biến gia đình bình thường thành gia đình Phật hóa. Xây dựng gia đình để đem lại một mái ấm hạnh phúc. Giữ gìn thiên chức làm mẹ, dạy dỗ con cái nên người. Tâm Thường ngồi im lặng chăm chú lắng nghe, trong khi Tâm Giải có vẻ lơ đãng, tư tưởng không tập trung, mắt nhìn đâu đâu…
“Hai hôm sau tôi đang sửa soạn hành trang để về Huế thì Tâm Thường lại đến. Tôi nghĩ rất đơn giản, tình thầy trò mới quy y, nay biết thầy sắp đi thì thế nào cũng lưu luyến, đó là thông bệnh của tín đồ.
“Sau những lời vấn an thường lệ, Tâm Thường kể cho tôi nghe: Hôm kia hai chị em đến hầu thầy, lúc ra về Tâm Giải có kể một câu chuyện, hình như chuyện liên quan đến đời mình. Tâm Giải kể: Hơn hai chục năm về trước, ngày ấy mình mới 15 tuổi, có một chàng thanh niên đến nhà mẹ mình, người thanh niên đi đôi giày hạ, đội nón gò găng, mặt mày khôi ngô. Cha mẹ đôi bên đã đính ước với nhau và sắp đi đến hôn nhân. Bỗng nhiên chàng bỏ ra đi và để lại một bức thư cho thân phụ, yêu cầu cha chấm dứt sự đính ước. Mình đợi ba năm, sau nghe chàng đi tu hẳn. Mẹ mình tìm thăm đã biết chàng đi tu thật. Đã thấy nơi ăn chốn ở của chàng yên ổn, nên mẹ ép gả cho người khác. Vâng lời mẹ, mình kết duyên với người chồng hiện giờ và đã sinh được năm đứa con. Tuy cuộc sống gia đình vẫn giữ được hạnh phúc, nhưng nay thấy cuộc đời tu hành thanh tịnh, giải thoát của quí thầy rồi nhìn lại đời mình ái ân triền phược, biết đến bao giờ mới có được một ngày thanh thoát…
“Bất ngờ có một đoàn Phật Tử đến thăm. Tâm Thường phải chấm dứt câu chuyện. Thật là may.”
Hòa Thượng cảm thấy may khi có đoàn Phật Tử đến thăm. Ngài không biết phải ăn nói thế nào với Tâm Thường, bạn của Tâm Giải về cô Hạnh ngày xưa?
Công tác Phật sự chồng chất trên vai, nhưng Hòa Thượng không thấy mỏi mệt, hăng say hoạt động, hăng say phục vụ. Ngày 21 tháng 3 năm 1945 Hội An Nam Phật Học trong kỳ Đại Hội lần thứ 13 đổi danh hiệu thành Việt Nam Phật Học Hội và công cử Hòa Thượng giữ chức Chánh Hội Trưởng thay thế bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám xin nghỉ việc. Ngày 31 tháng 3 năm 1945 Hội Đồng Sơn Môn Tăng Già Thừa Thiên, Huế lại suy cử Hòa Thượng làm Trú Trí Quốc Tự Linh Mụ, Huế. Tại Hà Nội Đuốc Tuệ đình bản ngày 15 tháng 8, 1945, danh xưng Hội Phật Giáo Bắc Kỳ được thay thế bằng danh xưng Việt Nam Phật Giáo Hội.
Biến chuyển dồn dập. Từ năm 1943 đến năm 1945 ngoài công tác diễn giảng, đóng góp bài vở cho tờ Viên Âm, cơ quan hoằng pháp của Hội An Nam Phật Học và hướng dẫn Tăng Ni trong các Phật Học Viện, Hòa Thượng chú tâm đến việc xây dựng nông thiền, vì nhận thấy nền tảng kinh tế của Tăng Ni hết sức bấp bênh, nếu không lo chuẩn bị thì việc đào tạo nhân tài, xây dựng cơ sở Phật Giáo khó có thể thành công.
Được sự hỗ trợ của một số Phật Tử, của Ôn Tây Thiên, nhất là với công sức khai khẩn ruộng vườn của một số đệ tử, Hòa Thượng cho thành lập nông thiền tại Bình Điền cách thị xã Huế độ chừng 15km nằm trong dãy Trường Sơn, giữa hai con sông Bồ và sông Hữu Trạch. Suốt gần 3 năm trời không quản gió mưa, không nề sốt rét, một số đệ tử của Hòa Thượng và của Ôn Tây Thiên như thầy Trí Diệm, Trí Đăng, Trí Cảnh, Thiện Mãn… đã ra công chặt cây, cuốc đất, biến đất rừng thành đất canh tác. Công việc đang tuần tự tiến triển, thì Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ.