Theo thuyết Phân kỳ Phật giáo Việt Nam, 1000 năm đầu là thời kỳ “Câu minh… sở chiếu” trên dòng chảy 2000 năm Phật giáo Việt Nam. Qua đó, nhiều mặt sinh hoạt như dòng phái, văn học, đã góp phần tạo nên chân dung toàn cảnh Phật giáo đương thời. Bên cạnh đó, những chủ đề như liệt kê sự kiện, thuyết phân kỳ, chuyên đề tham luận cũng như thống nhất về cách đặt tên văn bản cũng được nói đến. Nay nhằm giới thiệu cho học chúng Tăng Ni và cũng là tư liệu đóng góp cho việc thực hiện biên soạn khoa giáo lịch sử Việt Nam Phật giáo cho các trường tiểu, trung, đại học Phật giáo. Chúng tôi trình bày chủ đề trên đây gồm những nét chính như sau:
1. Phật giáo Việt Nam 1000 năm đầu, nhìn qua chân dung Dòng-Phái
Có hai thiền phái lớn trên dòng chảy 1000 năm đầu Phật giáo Việt Nam đó là thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) và thiền phái Vô Ngôn Thông (Bất ngữ Thông). Ngoài ra còn có thiền phái Khương Tăng Hội (qiàng Sèng Huì) mà người tiếp nối đời thứ 11 của thiền phái nầy là Lôi Hà Trạch, Thầy của Không Lộ (họ Dương)[1]. Tuy nhiên, thông tin nầy cho dù có nhiều sức thuyết phục nhưng chủ đề bàn cãi về nó, cho đến nay vẫn còn chưa ngã ngũ.
Truyền thừa Thiền phái.
– Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi thành hình năm 580 (Canh Tý, Đại Tường 2)
Tổ mở đạo đầu tiên là Tỳ-ni-đa-lưu-chi.
Bản doanh buổi đầu của Thiền phái là chùa Pháp Vân.
Tổ thứ hai tiếp nối Tổ đạo là Pháp Hiền (626).
Thiền phái truyền xuống được 19 đời.
– Thiền phái Vô Ngôn Thông thành hình năm 820 (Nguyên Hòa 3).
Tổ mở đạo đầu tiên là Vô Ngôn Thông.
Bản doanh buổi đầu của Thiền phái là chùa Kiến Sơ.
Tổ thứ hai tiếp nối Tổ đạo là Cảm Thành (860).
Thiền phái truyền xuống được 17 đời.
Tư tưởng Thiền phái
Tư tưởng thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi có tính Thiền-Mật.
Tư tưởng thiền phái Vô Ngôn Thông có tính Thiền thi ca.
2. Phật giáo Việt Nam 1000 năm đầu, nhìn qua chân dung văn học
Bảng thống kê văn học
Tên sách | Tên tác giả | Giải thích thêm |
An ban thủ ý kinh chú giải | Khương Tăng Hội | |
An ban thủ ý kinh tự | Khương Tăng Hội | |
Cựu tạp thí dụ kinh | Khương Tăng Hội | |
Đạo thọ kinh | Khương Tăng Hội | |
Đạo thọ kinh tự | Khương Tăng Hội | Đã mất |
Đạo thọ kinh chú giải | Khương Tăng Hội | |
Đạo phẩm kinh. Cũng gọi là Ngô phẩm (Tiểu phẩm Bát-nhã) | Khương Tăng Hội | Tiểu phẩm Bát-nhã là loại thành hình sớm nhất trong nhóm Sanskrit Bát-nhã, nó được dịch ở Giao Châu |
Lục độ tập kinh | Khương Tăng Hội | Văn hệ kinh Bát-nhã |
Pháp kính kinh | Khương Tăng Hội | |
Pháp kính kinh chú giải | Khương Tăng Hội | |
Pháp kính kinh tự | Khương Tăng Hội | |
Soạn tập bách duyên kinh | Khương Tăng Hội | |
Tạp thí dụ kinh | Khương Tăng Hội | |
Lục độ yếu mục | Khương Tăng Hội | |
Nê hoàn phạm bối | Khương Tăng Hội | |
Sáu lá thư | Thích Đạo Cao + Thích Pháp Minh | 420-470 |
Tá Âm | Thích Đạo Cao | |
Đạo Cao pháp sư tập | Đã mất | |
Tượng đầu tinh xá kinh | Tỳ-ni-đa-lưu-chi | |
Nghiệp báo sai biệt kinh | Tỳ-ni-đa-lưu-chi | |
Tổng trì kinh | Tỳ-ni-đa-lưu-chi | |
Duyên sinh luận | Đại Thừa Đăng | |
Bài Từ Ngọc Lang Qui | Chân Lưu | |
Câu đối với sứ Tống, Lý Giác | Pháp Thuận |
3. Phật giáo Việt Nam 1000 năm đầu, nhìn qua chân dung sự kiện
Bảng thống kê sự kiện
Năm-tháng | Sự Kiện |
247-232 BC | Nhà truyền giáo Phật giáo Asoka có mặt ở Viễn Đông. |
200+ BC | Phật giáo có mặt ở Đồ Sơn (Hải Phòng), điều mà cho đến nay còn để lại dấu tích. |
Vua Hùng thứ 3 | Sư Phật Quang truyền đạo cho Chữ Đồng Tử với Tiên Dung tại núi Quỳnh Vi (cửa Sót). |
8-25 AD | Loạn Vương Mãn Trung Quốc, Giao Châu đón nhận làn sóng di cư lớn từ phương Bắc xuống, Giao Châu có bộ mặt trí thức mới. |
43+AD | Tùy tướng dưới cờ nhà Trưng (40-43) tìm ẩn thân nương cửa Phật. |
180+ | Khâu-đà-la (Ksudra-Mecha) đến Giao Châu. |
168-189 | Cuối đời Linh đế nhà Hán, các bậc “dị nhân phương Bắc lánh nạn chiến tranh tìm sang Giao Châu”. |
168+ | Mâu Tử học Phật ở Giao Châu. |
192 | Nhân mùa hạn năm 192, Man Nương giúp Sĩ Nhiếp cầu được mưa, ông đã làm chùa cho Man Nương. |
200 | Lý Hoặc Luận, một tác phẩm xưa nhất của Phật giáo Viễn Đông. |
207 | 207 Viên Huy-Trần Đức Huy (người Hán) sống ở Giao Châu, gởi lá thư về Hán cho thượng thư lệnh là Tuân Húc, ông ca ngợi Sĩ Nhiếp, nội dung thư có chứa thông tin sinh hoạt Phật giáo Giao Châu. |
210+ | Chu Phù với Sĩ Nhiếp (195-226) trong việc mở rộng nước Phật qua sinh hoạt đời thường. |
200+ | Khương Tăng Hội sinh ở Giao Châu. |
230+ | Khương Tăng Hội dịch kinh ở Giao Châu. |
247 | Khương Tăng Hội truyền giáo Đông Ngô (Nam Kinh). |
247+ | Khương Tăng Hội dịch kinh ở Đông Ngô. |
248 | Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) khởi nghĩa chiếm lại Giao Châu. |
251+ | Khương Tăng Hội dịch Đạo phẩm kinh (Ngô phẩm). |
255 | Cương-lương-lâu-tiếp dịch kinh Pháp Hoa ở Giao Châu. |
280 | Khương Tăng Hội mất |
251+ | Sự gặp gỡ hai dòng chảy Phật giáo Lạc Dương, Bành Thành với Luy Lâu nhìn qua An Thế Cao, Chi Khiêm, Trần Tuệ với Khương Tăng Hội. |
326 | Tôn Xước làm bài tán cho bức tranh trước tháp của Tăng Hội. |
580 | Tỳ-ni-đa-lưu-chi đến Giao Châu. |
580 – | Tỳ-ni-đa-lưu-chi dịch Tượng đầu tinh xá kinh. Dịch Tổng trì kinh. |
594 | Tỳ-ni-đa-lưu-chi mất. |
820 | Vô Ngôn Thông đến Giao Châu. |
981 | Đinh Tiên Hoàng bảo trợ thành lập Giáo hội Phật giáo đầu tiên. |
986 | Thiền sư Pháp Thuận nhận chức Giang lệnh, cải trang làm người chèo đò tiếp sứ Tống Lý Giác đến Đại Việt. |
986 | Thiền sư Chân Lưu làm bài Từ tiễn sứ Lý Giác nhà Tống về nước. |
4. Phật giáo Việt Nam 1000 năm đầu, nhìn qua chân dung chuyên đề tham luận
Những bóng mây mờ nghi vấn còn bao phủ trên nền trời giáo sử Phật giáo Việt Nam, thì qua đó, việc trình bày những chuyên đề tham luận về chủ đề liên hệ đã góp phần rút ngắn khoảng cách dã sử với chính sử; truyền sử với lịch sử; khoảng cách sự kiện với sử kiện. Một bản liệt kê chuyên đề tham luận sau đây giúp làm rõ gam màu chân dung toàn cảnh Phật giáo đương thời.
Bảng liệt kê chuyên đề tham luận
Từ “Bách tử đồng sản duyên” đến truyền thuyết “Trăm trứng” về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, thời điểm và con đường hội nhập.
Lục độ tập kinh, một kho tàng thông tin Phật giáo Việt Nam thời mới vào chưa được khai thác đúng mức. Nội hàm Mâu Tử, Lý Hoặc Luận, với phương pháp luận, biện chứng luận, tính chất giáo học, quan niệm Phật học, chân dung chính trị, xã hội Giao Châu thời Tam Quốc, một cái nhìn tham chiếu. Hiện tượng “trốn việc quan đi ở chùa” sau thời Nhà Trưng 43+. Tín ngưỡng Đạo Mẫu Việt Nam, một dung hợp giữa tín ngưỡng bản địa Việt Nam với tín ngưỡng Phật giáo Ấn Độ. Thiền phái Khương Tăng Hội, những người tiếp nối. Khương Tăng Hội, chiếc cầu thân thiện kết nối tình hữu nghị Phật giáo Việt-Hoa. Khương Tăng Hội, người đặt nền tảng pháp lý cho Phật giáo Đông Ngô. Thiền học Khâu-đà-la, Tu Định với thiền học Giác Hiền[2] – Huệ Viễn (ở núi Lô) trong cách nhìn tham chiếu. “Phật Tứ Pháp – Phật Nàng Mán – Phật Pháp Vân – Phật Việt Nam” trong tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam. Từ tính giao lưu trên dòng chảy Phật giáo Luy Lâu, Lạc Dương với Bành Thành đặt lại thời điểm, ngả đường Phật giáo vào Giao Châu. Ma-ha Kỳ-vực, bậc Thượng nhân đắc đạo trong cái nhìn của Phật giáo Đôn Hoàng. Phật giáo Trung Quốc từ du nhập đến hội nhập nhìn qua giai thoại “Dĩ hỏa thí kinh” (dùng lửa thử kinh). Từ thông tin “xuất nhập ô chung khánh, bị cụ uy nghi, ca tiêu cổ xuy, xa kỵ mãn đạo, Hồ nhân hiệp cốc, phần thiêu hương giả, thường hữu sổ thập, thê thiếp thừa truy bình, tử đệ tùng binh kỵ, đương thời quí trọng.” (Sĩ Nhiếp ra vào thì đánh chuông, khánh, đầy đủ uy nghi, sáo thổi, trống gõ, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát theo xe, đốt hương, thường có vài mươi, thê thiếp đi xe màn, con em theo lính ngựa, đương thời quí trọng). Tìm hiểu về quan niệm viết sử của những cây bút quốc sử triều đình. Tên gọi họ Thích dùng cho người xuất gia có mặt ở Việt Nam từ thời nào. Từ một sử kiện “Sơ liên Tống cảnh Nam Việt hựu độ chi ngụy” (buổi đầu Ngài đến Nam Việt thuộc biên thùy nước Tống, sau đó vượt sông sang đất Ngụy) ở truyện Bồ-đề-đạt-ma đặt lại vấn đề vị tổ Thiền Tông Việt Nam là ai? Ảnh hưởng chính trị, tôn giáo chung quanh việc Cao Đế nhà Tề tặng “năm hòm Xá-lợi” cho Pháp Hiền thiền viện Pháp Vân (Giao Châu). |
5. Phật giáo Việt Nam 1000 năm đầu, nhìn qua chân dung Phân Kỳ
(Xem lại bài: Một thuyết phân kỳ cho Phật giáo Việt Nam)
Nhìn chung:
Vài nét lớn tạo thành chân dung toàn cảnh Phật giáo Việt Nam 1000 năm đầu như thế nhằm cung cấp một mô hình cương yếu để qua đó có thể triển khai rộng hơn, phong phú hơn và chi tiết hơn. Một giới thiệu như thế còn cần giúp bổ sung, chỉ dạy từ những bậc thầy, từ những chuyên gia có thẩm quyền mà một trong những bậc thầy, giới chuyên gia, đó là giáo sư Lê Mạnh Thát, người đã giúp chúng tôi có được hiểu biết sử học Phật giáo Việt Nam như hôm nay.
___________________
[1] Thiền uyển Tập Anh, truyện Không Lộ.
[2] Giác Hiền (Buddhabhadra_Phật-đà-bạt-đà-la) 359-429.