I. DẪN NHẬP:
“Bích Liên Tự” do Hòa thượng Chơn Giám Trí Hải, thuộc đời thứ 40 dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông và đời thứ 7 dòng Thiền Minh Hải Pháp Bảo (thường gọi là Thiền phái Chúc Thánh, Quảng Nam), kiến tạo từ năm Giáp Tuất, 1934 tại thôn Háo Xá, tổng Háo Đức, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nay là ấp Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Do tên chùa là Bích Liên nên phần nhiều Phật tử các giới thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên (gọi chung là Nam Ngãi Bình Phú), cũng như trong các sử liệu liên quan đến sự nghiệp hoằng hóa của Hòa thượng, thường tôn xưng Ngài là Hòa thượng Bích Liên, chứ ít khi nghe hoặc ghi chép đầy đủ pháp danh, pháp tự và pháp hiệu của Ngài là Chơn Giám, Đạo Quang, Trí Hải.
Điều này đã làm cho các thế hệ Tăng Ni và Phật tử về sau, ít biết rõ đến danh hiệu của một vị Cao Tăng Việt Nam hiện đại, một bậc Long Tượng Tăng già uyên thâm, lỗi lạc đã tích cực đóng góp nhiều công sức vào phong trào chấn hưng Phật giáo, trên phương diện văn hóa suốt nhiều năm trong thời gian nửa đầu thế kỷ XX, là một vị Bổn sư đã tận tình giáo dưỡng cho nhiều đệ tử mà sau này phần nhiều các vị ấy đã làm nên những công nghiệp vô cùng lớn lao và hiển hách cho Phật giáo Việt Nam.
Ngoài sự nghiệp mà Hòa thượng đã tận tụy cống hiến và tô bồi cho nền văn hóa Phật giáo và Dân tộc, Hòa thượng còn lập ra một thiền phái mới, thường gọi là dòng Thiền Chơn Giám Trí Hải, với dòng kệ truyền thừa gồm có 8 câu, 40 chữ. Bắt đầu từ chữ Chơn, là pháp danh của Hòa thượng, cũng là chữ thứ 7 theo dòng kệ của Ngài Minh Hải Pháp Bảo (xuất phát từ chùa Chúc Thánh, Quảng Nam).
Sự ra đời của dòng kệ truyền thừa nầy, đã làm cho nếp sinh hoạt của Phật giáo miền Trung thêm phần khởi sắc và hưng thịnh. Xuất phát từ dòng kệ truyền thừa của Chơn Giám Trí Hải, có nhiều bậc Cao Tăng thạc đức đã và đang làm rạng rỡ Tông môn, tiếp nối mạng mạch truyền thừa và phát triển Tông phái của chư Lịch đại Tổ sư trong suốt 2000 năm huy hoàng của lịch sử.
Chúng tôi xin trình bày sơ lược phần tiểu sử của Hòa thượng và chi tiết dòng kệ truyền thừa này như sau:
II. TIỂU SỬ
1. Thân thế:
Hòa thượng họ Nguyễn, thế danh Trọng Khải
Sinh ngày 16.3 năm Bính Tý (ngày 10.04.1876) tại thôn Hóa Xá, tổng Háo Đức, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Nay là ấp Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Thân phụ Hòa thượng là cụ Tú tài Nguyễn Tự, thân mẫu là bà Lâm Thị Hòa Nghị.
Hòa thượng sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu, có truyền thống Nho giáo. Từ nhỏ Hòa thượng đã bắt đầu học chữ Hán với thân phụ, rồi lần lượt theo học với các bậc túc Nho tiếng tăm trong tỉnh lúc bấy giờ.
Trải qua hơn 10 năm theo học, Hòa thượng đã tở ra là một Nho sinh xuất sắc, có nhiều triển vọng trên bước đường khoa hoạn. Thế nhưng sống trong vòng lễ nghi của Nho giáo, lại là người con chí hiếu, nên mới 20 tuổi, Bính Thân, 1896, Hòa thượng phải vâng lệnh song thân lập gia đình với bà Lê thị Hồng Kiều, sinh năm Mậu Dần, 1878, người thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh, cùng huyện.
Sau khi lập gia đình, Hòa thượng vẫn tiếp tục “dùi mài kinh sử”, cho đến năm 31 tuổi, Đinh Mùi, 1907 mới lều chõng vào trường dự khoa thi Hương đầu tiên tại tỉnh Bình Định. Trong khoa thi nầy Hòa thượng chỉ đậu Tú tài, nhưng không vì thế mà sinh ra nản chí, Hòa thượng vẫn cố gắng học tập.
Ba năm sau, lúc 34 tuổi, năm Canh Tuất, 1910, Hòa thượng một lần nữa, lại lều chõng vào trường dự khoa thi Hương cũng tại tỉnh Bình Định, nhưng khoa thi nầy Hòa thượng cũng chỉ đậu thêm một lần Tú tài. (Lúc bấy giờ những người đậu hai khoa Tú tài thường gọi là Tú kép)
Sau hai khoa thi Hương không chiếm được mảnh bằng Cử nhân – Dưới triều vua Gia Long học vị nầy gọi là Hương Cống- Hòa thương cảm thấy số phận đã long đong trên đường khoa hoạn. Từ đó ở nhà mở trường dạy học, vui cùng thú vui với bạn bè cùng bà con trong thôn xóm. Giai đoạn nầy Hòa thượng mới lấy hiệu là Thận Thần Thị và Mai Đình.
Nỗi buồn thi hỏng chưa nguôi thì nỗi buồn lớn lao khác lại ập đến, năm Mậu Ngọ, 1918 bà Hồng Kiều đột ngột qua đời lúc vừa 40 tuổi, để lại cho gia đình hai người con gái.
Đối với một gia đình trung lưu thì kinh tế không phải là một gánh nặng, nhưng hoàn cảnh trống vắng của người thân yêu đã gây nên cho Hòa thượng một nỗi buồn khá sâu đậm. May nhờ có bạn bè thân hữu an ủi, chia sẻ nên Hòa thượng cũng nguôi dần phiền muộn.
Lại có một điều như cơ duyên trợ giúp cho Hòa thượng vuợt thoát khỏi vòng khổ đau, triền phược, là trong thời gian nầy, có một vị Sư đến thăm và đem biếu Hòa thượng một bộ sách Long thơ Tịnh độ. Bộ sách nầy có nội dung xiển dương pháp môn Tịnh độ, là pháp môn niệm Phật để được vãng sinh về cõi Tây phương Cực lạc.
Là một vị Tú tài Hán học, lại giỏi văn Nôm, nên sau khi đọc, Hòa thượng dễ dàng lãnh hội tinh yếu của sách. Bắt đầu từ đó, Hòa thượng càng chuyên tâm nghiên cứu, học hỏi thêm nhiều kinh luận của đạo Phật. Nhờ vậy mà Hòa thượng đã thâm nhập sâu sắc chân lý Vô thường của sự vật, nên chí nguyện xuất gia cầu sự giải thoát đã âm thầm nung nấu trong tâm trí Hòa thượng. Sự mong cầu và tư duy về con đường Đạo giải thoát như đang mở rộng ra trước mặt của một nhà trí thức. Cho nên sau khi sắp xếp chu toàn công việc gia đình, nhất là lo lắng cho hai người con gái yên bề gia thất, không còn việc gì ràng buộc.
Hòa thượng quyết định xuất gia.
2. Xuất gia:
Năm 43 tuổi, Kỷ Mùi, 1919, Hòa thượng lên đường ra Quảng Ngãi, đến chùa Thạch Sơn bái yết Hòa thượng Ấn…? Hoằng Thạc cầu xin thọ giáo. Sau khi làm lễ thế độ, được Bổn sư đặt pháp danh là Chơn Giám, tự Đạo Quang, hiệu Trí Hải, thể nhập đời thứ 40 dòng Thiền Lâm Tế chánh tông và đời thứ 7 dòng Thiền Minh Hải Pháp Bảo.
Suốt hai năm – từ 1919 đến 1921 – Hòa thượng đã không quản khó nhọc, luôn luôn siêng năng, cần cù chấp tác việc chùa cùng đại chúng. Đã xuất thân từ một nhà tri thức Nho học có học vị, tánh tình lại vừa nhu hòa vừa điềm đạm. Nhất là sự thông minh và chăm chỉ trong việc học tập kinh, luật, luận, nên được Bổn sư vô cùng quý mến. Hơn nữa trong việc học tập mới trải qua một thời gian có hai năm mà Hòa thượng đã lãnh hội được tất cả yếu lý của Phật Pháp qua sự truyền dạy của Bổn sư, điều nầy càng làm cho Bổn sư thêm quý mến và kỳ vọng vào tương lai của người đệ tử trí thức cao niên.
Đến năm 45 tuổi, Tân Dậu 1921, Hòa thượng được Bổn sư ban kệ đắc pháp.
Có thể nói đây là trường hợp hy hữu, là một chuyện khá đặc biệt đối với một bậc túc Nho khi lớn tuổi mới xuất gia cầu đạo giải thoát, lại sớm đắc pháp như Hòa thượng.
Nhờ vốn Hán học sẵn có, lại có tác phong của một nhà Nho chân chính đã được tôi luyện lâu năm trong “cửa Khổng sân Trình”, một vị Thầy gương mẫu của nhiều Nho sinh đương thời, nên dù xuất gia năm 43 tuổi nhưng Hòa thượng đã mau chóng trở thành một vị Tỷ kheo uyên thâm giáo pháp, là một vị Tăng già đạo phong trác tuyệt, giới hạnh tinh nghiêm, là một tấm gương sáng chói tiêu biểu cho các vị Sứ giả Như Lai, xứng đáng dự vào ngôi Tăng bảo.
Trí tuệ, tài năng và đức độ ấy, không chỉ là nguồn năng lượng dồi dào để Hòa thượng cống hiến vào công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam suốt một thời gian dài, mà trí tuệ, tài năng và đức độ ấy cũng đã lan tỏa khắp cả các tỉnh Nam Ngãi Bình Phú, cho đến các tỉnh Nam Kỳ lúc bấy giờ.
Vì thế, ít ai trực tiếp gọi tên Ngài, mà thường tôn xưng với niềm cung kính là Hòa thượng Bích Liên.
3. Sự nghiệp hoằng hóa:
Vào năm Mậu Thìn, 1928 Tổ Như Trí Khánh Hòa[1], trú trì chùa Tuyên Linh, Bến Tre, được Sơn môn tỉnh Bình Định cung thỉnh ra giảng dạy tại trường Hương ở chùa Long Khánh, thị xã Quy Nhơn.
Trong dịp nầy Tổ thường gặp gỡ và đàm đạo với Hòa thượng nhiều lần, Tổ vô cùng cảm mến đức độ và tài năng của Hòa thượng. Nhất là Tổ Khánh Hòa lại kém Hòa thượng 01 tuổi nên tình huynh đệ càng gắn bó keo sơn, cả đôi bên đều tâm đắc.
Sau khi trở về miền Nam, Tổ Khánh Hòa liền vận động Tổ Thiên Hải Huệ Quang[2], trú trì chùa Long Hòa ở Trà Vinh, Tổ Như Hiền Chí Thiền, trú trì chùa Giác Viên ở Gia Định, Tổ Như Nhãn Từ Phong, trú trì chùa Giác Hải ở Chợ Lớn… cùng nhiều vị cư sĩ tri thức, thành lập Nam Kỳ nghiên cứu Phật học hội vào ngày 13.7 năm Tâm Mùi (26.8.1931), trụ sở của Hội đặt tại chùa Linh Sơn, số 149 đường Douaumont, Saigon, ngày nay là đường Cô Giang, quận 1, Tp Hồ Chí Minh.
Sau khi thành lập, Hội quyết định xuất bản tạp chí Từ Bi Âm, để tuyên dương Chánh pháp và làm cơ quan vận động, cổ xúy cho phong trào chấn hưng Phật giáo.
Để cho việc xuất bản đạt kết quả khả quan, Tổ Khánh Hòa liền ra Bình Định mời Hòa thượng vào đảm nhận trọng trách Chánh chủ bút Tòa soạn (như Tổng Biên tập ngày nay) và vào Cần Thơ, mời Hòa thượng Nguyễn Chánh Tâm, trú trì chùa Thiên Phước lên làm Chủ nhiệm[3].
Sau gần 05 tháng chuẩn bị, số báo Từ Bi Âm đầu tiên phát hành ngày 24.11 năm Tân Mùi (01.01.1932). Từ Bi Âm phát hành được ba số, thì Hòa thượng lại trở về Bình Định mời thêm được Hòa thượng Như Phước Huyền Ý, Tổ khai sơn Liên Tôn Tự, một bậc Tú tài Nho học, vào trợ giúp Hòa thượng trong trách nhiệm Phó chủ bút.
Tưởng cũng nên biết rằng: Từ Bi Âm là tạp chí viết bằng tiếng Việt của Phật giáo, ra đời sau hai tạp chí Pháp Âm và Phật hóa Tân thanh niên là hai tạp chí đầu tiên của Phật giáo, xuất bản năm 1929 và năm 1930 tại Nam Kỳ.
Từ Bi Âm hoạt động trong điều kiện khá thuận lợi: Về nội dung bài vở, tạp chí là nơi quy tụ nhiều cây bút lỗi lạc trong Sơn môn Tăng già như Pháp sư Giác Nhật, Pháp sư Thiên Dụng ở Nam Kỳ, Tổ Huyền Ý ở Bình Định. Về phía cư sĩ: Hòa thượng lại mời được Thầy giáo Lê Kim Ba, giỏi cả Hán văn và Pháp văn, là một nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm vào cộng tác (Thầy giáo Lê Kim Ba tức Hòa thượng Thích Trí Độ).
Về mặt tài chánh thì Hòa thượng Chủ nhiệm Nguyễn Chánh Tâm đã hiến cũng 35.000 m2 ruộng hạng nhất, trong thời gian 15 năm để lấy tiền cung cấp cho sự hoạt động của Từ Bi Âm và nuôi Tăng đồ ăn học[4].
Qua đó, có thể nói dưới sự chăm sóc và điều hành xuất sắc của Hòa thượng, tạp chí Từ Bi Âm không chỉ đóng góp tích cực vào công cuộc chấn hưng, mà còn làm rạng rỡ cho nền văn hóa Phật giáo và Dân tộc, không chỉ đem lại những thành tựu khả quan cho Phật giáo miền Nam mà còn kích thích cao độ cho các tạp chí Phật giáo miền Trung và miền Bắc tiếp tục ra đời sau đó.
Nhờ có một Ban biên tập lỗi lạc, hùng hậu và sự hỗ trợ đắc lực của Hòa thượng Chủ nhiệm mà tạp chí Từ BI Âm đã phát hành liên tục suốt 7 năm -từ năm 1932 đến năm 1938 (tính theo năm phát hành) mới đình bản, vì những khó khăn gây ra từ phía chính quyền thực dân Pháp lúc bấy giờ.[5]
Năm Giáp Tuất, 1934, Hòa thượng trở về sinh quán ở Bình Định một thời gian để kiến tạo Bích Liên Tự. Cũng từ năm này trở đi, Hòa thượng mới thu nhận đệ tử.
Sau khi công cuộc kiến tạo chùa Bích Liên hoàn tất, Hòa thượng trở lại vô miền Nam tiếp tục công việc ở Tòa soạn cho đến cuối năm Kỷ Sửu, 1937 Hòa thượng giao nhờ Hòa thượng Phó Chủ bút Thích Huyền Ý phụ trách rồi về ở luôn chùa Bích Liên.
Năm Ất Hợi, 1935, Hòa thượng Thị Chí Phúc Hộ trú trì chùa Từ Quang, Phú Yên mời Hòa thượng hợp lực tổ chức và khai giảng Thích học đường tại chùa Tây Thiên, Phú Yên để đào tạo Tăng tài. Tuy chung sức mở trường, nhưng vì bận công việc ở Tòa soạn Từ Bi Âm nên thỉnh thoảng Hòa thượng mới về giảng dạy ở Phật học đường nầy.
Năm Kỷ Sửu, 1937 cũng là năm Đà Thành Phật học hội thành lập và cho xuất bản tạp chí Tam Bảo. Trụ sở của Hội đặt tại chùa Phổ Đà, thành phố Đà Nẵng. Hội cử người vào chùa Bích Liên ở Bình Định cung thỉnh Hòa thượng ra làm Chủ nhiệm tạp chí nầy.
Tam Bảo là tạp chí Phật học thứ hai xuất bản tại miền Trung, sau tạp chí Viên Âm của An Nam Phật học hội, xuất bản tại Huế từ cuối năm Quý Dậu, 1933.
Tạp chí Tam Bảo ra đời đã khuyến khích được phong trào học Phật tại Đà Thành và cũng đã tích cực góp phần vào công cuộc chấn hưng, nhưng rất tiếc Tam Bảo chỉ xuất bản hơn một năm thì phải đình bản, vì không đủ tài chánh.
Cuối năm Mậu Dần, 1938, Hòa thượng trở về chùa Bích Liên tịnh tu và tiếp tục công việc trước tác, dịch thuật.
Qua năm Kỷ Mão, 1939, Hòa thượng Trừng Chấn Chánh Nhơn, trú trì Tổ đình Long Khánh ở thị xã Qui Nhơn, thành lập Phật học viện Long Khánh. Hòa thưọng Chánh Nhơn lại ra mời Hòa thượng vào làm Chủ giảng cho Phật học đường nầy suốt hai năm học – từ năm 1939 đến năm 1941.
Đây là lớp học mà Hòa thượng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và tình cảm cao quý nhất cho các thế hệ Tăng Ni sinh của tỉnh Bình Định lúc bấy giờ. Ngày nay trên nhiều sử liệu liên quan đến Phật học viện Long Khánh còn thấy các vị đệ tử khi nhắc đến công lao giáo huấn của Hòa thượng, tất cả chư vị Tăng Ni thời ấy đều ghi đậm thâm ân và hết lòng cung kính với niềm tự hào khi được ngồi học ở Phật học đường Long Khánh, dưới sự giáo dưỡng tận tụy và chan hòa tình thương của Hòa thượng.
Giữa năm Tân Tỵ, 1941 Hòa thượng lại trở về chùa Bích Liên rồi dành hết thì giờ cho công cuộc trước tác và dịch thuật.
4. Nhiếp hóa đồ chúng:
Trong sự nghiệp nhiếp hóa đồ chúng, Hòa thượng thu nhận nhiều đệ tử xuất gia lẫn tại gia. Đệ tử xuất gia của Hòa thượng có trên 30 vị, đối với hàng đệ tử xuất gia Hòa thượng luôn luôn chăm sóc và tận tụy giáo dưỡng, với kỳ vọng đào tạo nên những bậc Tỷ kheo thực học, thực tu, đủ sức và vững vàng bước đi trên con đường hoằng hóa.
Do đó mà sau này có nhiều vị đệ tử đã làm nên những sự nghiệp lớn lao và kỳ vĩ cho Phật giáo. Tiêu biểu như quý Hòa thượng:
Thích Trí Độ (1896 – 1979) thế danh là Lê Kim Ba, quy y với Hòa thượng năm Canh Thìn, 1940. Hòa thượng là một vị Tăng già suốt đời hoạt động không mỏi mệt cho công cuộc chấn hưng và phát triển Phật giáo, là một vị Giáo thọ tài năng và đức độ quý hiếm, đã dày công giảng dạy và dìu dắt cho quý Hòa thượng Nhật Quang Trí Quang, Hòa thượng Tâm Thị Trí Nghiễm (tức là Hòa thượng Thích Thiện Minh), Hòa thượng Tâm Phật Trí Đức (tức Hòa thượng Thích Thiện Siêu)… ở lớp Cao Đẳng và Siêu đẳng tại Phật học viện Báo Quốc và Đại Tòng lâm Kim Sơn ở Huế.
Thích Huyền Quang, thế danh là Lê Đình Nhàn, sinh năm Canh Thìn, 1920, quy y với Hòa thượng năm Ất Hợi, 1935, có pháp danh là Ngọc Tân, pháp tự Tịnh Bạch và pháp hiệu là Huyền Quang, tức Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN .
Sư bà Thích Nữ Tịnh Viên, thế danh là Võ Thị Kim Đính. Sinh năm Đinh Mão, 1927. Quy y với Hòa thượng năm Tân Tỵ, 1941, có pháp danh là Ngọc Diệu, pháp tự là Hương Quang, pháp hiệu là Tịnh Viên. Hiện là Viện chủ Ni viện Hương Quang, ở thôn Trung Tín, thị trấn Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là một trung tâm đào tạo nhiều Ni sinh xuất sắc cho Ni bộ tỉnh Bình Định suốt một thời gian dài.
Đệ tử tại gia của Hòa thượng thì nhiều không kể hết, nhưng cũng không vì số lượng đông đảo mà Hòa thượng quên sự dạy dỗ. Những khi có cơ duyên thuận tiện Hòa thượng vẫn tìm cách hướng dẫn việc tu học cho từng người một.
Hòa thượng là vị Bổn sư đầy đủ trí tuệ, đức độ và tài năng, là tấm gương sáng chói không riêng cho hàng đệ tử noi theo, mà còn chung cho các thế hệ Tăng Ni và Phật tử thừa hưởng.
5. Trước tác và dịch thuật:
Hòa thượng là vị tăng già uyên thâm Phật phap, tinh thông Hán học, rất giỏi về văn Nôm, cho nên các trước tác và dịch thuật của Hòa thượng để lại tuy có phần khiêm tốn nhưng tất cả điều đóng góp vào nền văn hóa Phật giáo và Dân tộc, không chỉ có giá trị về mặt tư tưởng, mà còn về cả mặt ngôn ngữ nữa.
Các tác phẩm viết bằng Hán văn gồm có:
- Tây song ký
- Tích lạc văn
- Tịnh độ huyền cảnh
- Liêm tông Thập niệm yếu lãm
Riêng hai bộ: Mông sơn thí thực khoa nghi, Quy sơn cảnh sách lại được Hòa thượng dịch từ Hán văn ra văn Nôm. Đây là hai tác phẩm dịch Nôm rất xuất sắc và nổi tiếng trong giới văn học Phật giáo, có thể tiêu biểu cho toàn bộ sự nghiệp văn chương tài hoa của Hòa thượng.
Ngoài những trước tác và dịch thuật nói trên, Hòa thượng còn biên soạn bằng tiếng Việt rất nhiều bài báo có giá trị đăng liên tục trên tạp chí Từ Bi Âm, Tam Bảo trong suốt thời gian các báo này hoạt động.
Ngày nay, bút tích và văn thơ của Hòa thượng còn thấy ghi nơi Bảo tháp của Tổ Như Trí Phước Huệ trong khuôn viên Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định, qua bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt bằng Hán văn như sau:
巍然一高塔
獨坐圖槃東
外示有爲相
中藏無相翁
Âm:
Nguy nhiên nhất cao tháp
Độc tọa Đồ Bàn đông
Ngoại thị hữu vi tướng
Trung tàng vô tướng ông.
6. Những năm cuối đời:
Sau nhiều năm xuôi ngược từ Trung vô Nam và từ Nam ra Trung, để chung vai, chung sức cùng chư Tổ Thiền đức đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo. Tận tụy, miệt mài biên soạn, trước tác nhiều bài vở có giá trị đăng trên các tạp chí Từ Bi Âm, Tam bảo để góp phần xây dựng và xiển dương nền văn học Phật giáo. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn không ngừng hăng hái, tích cực tham gia giảng dạy tại các Phật học đường, với quyết tâm đào tạo nên một thế hệ Tăng già để làm nền móng vững chắc cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Cho đến giữa năm Tân Tỵ, 1941, Hòa thượng mới trở về yên nghỉ và tịnh tu tại Tổ đình Bích Liên.
Suốt thời gian gần 10 năm sau khi trở về chùa Bích Liên, Hòa thượng đều dành hết thời gian vào việc trước tác, dịch thuật và chăm nom giáo dưỡng chúng Tăng.
Đến giữa mùa An Cư kiết hạ, năm Phật lịch 2513, ngày 03.06 năm Canh Dần (07.7.1950) Hòa thượng an nhiên thị tịch tại Tổ đình Bích Liên.
Hòa thượng đã đi vào cõi Niết bàn tịch tịnh, nhưng Thân thế và sự nghiệp hoằng hóa lớn lao của Hòa thượng vẫn còn khắc sâu đậm trong niềm cung kính của Tăng Ni vfa Phật tử suốt cả dải đất miền Trung nước Việt.
III. Dòng kệ truyền thừa:
Kể từ Thiền phái Lâm Tế chánh tôn do Tổ Nghĩa Huyền sáng lập trở xuống, tinh đến nay có tất cả 6 dòng kệ truyền thừa đã và đang ảnh hưởng sâu đậm đến nếp sinh hoạt của Phật giáo tại miền Trung, trong đó có dòng kệ của Hòa thượng Chơn Giám Trí Hải, xuất phát tại Tổ đình Bích Liên, tỉnh Bình Định.
Bài kệ này gồm 8 câu, 40 chữ, có nội dung như sau:
眞玉鴻山照
澄珠碧海圓
理明知性妙
智宓悟心玄
寂緣懷崇了
樂國御金蓮
聖埂皈來日
宗 豐振古傳
Âm:
Chơn Ngọc Hồng Sơn Chiếu
Trừng Châu Bích Hải Viên
Lý Minh Tri Tánh Diệu
Trí Mật Ngộ Tâm Huyền
Tịch Duyên Hoài Túy Liễu
Lạc Quốc Ngự Kim Liên
Thánh Cảnh Qui Lai Nhật
Tông Phong Chấn Cổ Truyền.
Để được rõ hơn sự liên quan giữa dòng kệ Minh Hải Pháp Bảo và dòng kệ Chơn Giám Trí Hải, chúng tôi xin trình bày sơ lược phần tiểu sử và dòng kệ của Ngài Minh Hải như sau:
Hòa thượng Minh Hải Pháp Bảo, thế danh là Lương Thế Ân, sinh giờ Tuất, ngày 28-6 năm Canh Tuất, 1670 tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa.
Năm 9 tuổi – Kỷ Mùi, 1679, ngài xuất gia tại Báo Tư Tân Tự ở Giang Lăng tỉnh Quảng Tây[6]. Năm 20 tuổi – Canh Ngọ, 1690 thọ Cụ túc giới, được Bổn sư đặt pháp danh là Minh Hải, hiệu Pháp Bảo, thuộc đời thứ 34 dòng Thiền Lâm Tế Chánh tông và đời thứ 13 dòng Thiền Vạn Phong Thời Ủy.
(Xin lưu ý: Trong cuốn “Lịch sử Phật giáo xứ Huế” của Thượng tọa Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, xuất bản tại TP.HCM năm 2001, trang 144 ghi rằng “Bản thân Ngài Minh Hải là thuộc dòng kệ của Ngài Đạo Mân, đứng sau Ngài Siêu Bạch Hoán Bích…”
Điều này, chúng tôi thấy không đúng, vì sau chữ SIÊU là chữ MINH (Hạnh SIÊU MINHThiệt Tế…) thì phải thuộc dòng kệ của Ngài Vạn Phong Thời Ủy (đời 21 Lâm Tế) chứ không thể “là thuộc dòng kệ của Ngài Đạo Mân” (đời 31 Lâm Tế) được. Vì kệ của Ngài Đạo Mân hoàn toàn không có chữ SIÊU).
Năm 25 tuổi, Ất Hợi, 1695, Hòa thượng sang Việt Nam tham dự giới đàn tại chùa Thiền Lâm ở Huế. Sau khi giới đàn hoàn mãn, Hòa thượng vân du vào làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – Ngày nay là phường Tân An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam – kiến tạo Chúc Thánh Tự. Một thời gian sau Hòa thượng vào xã Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, cũng ở Quảng Nam kiến tạo thêm Cổ Lâm Tự và lập nên Thiền phái Minh Hải Pháp Bảo, với dòng kệ truyền thừa rất đặc biệt mà các dòng kệ truyền thừa khác không có. Đó là việc lấy 4 câu đầu để đặt pháp danh và 4 câu sau để đặt pháp tự (không phải pháp hiệu). Xin trình bày như sau:
明 寔 法 全 章
印 真 如 是 同
祝 聖 壽 天 久
祈 國 祚 地 長
得 正 律 為 宣
祖 導 行 解 通
覺 花 菩 提 樹
充 滿 人 天 中
Minh Thiệt Pháp Toàn Chương,
Ấn Chơn Như Thị Đồng,
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu,
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường.
Đắc Chánh Luật Vi Tông,
Tổ Đạo Giải Hạnh Thông,
Giác Hoa Bồ-đề Thọ,
Sung Mãn Nhơn Thiên Trung.
Sau 50 năm xả thân hoằng hóa liên tục tại tỉnh Quảng Nam, đến ngày 07-11 năm Bính Dần, 1746 Hòa thượng viên tịch.
* * *
Như thế Hòa thượng Trí Hải có pháp danh ở chữ thứ 7 của dòng kệ là CHƠN, tức CHƠN GIÁM (4 câu đầu) và pháp tự cũng ở chữ thứ 7 của dòng kệ là ĐẠO, tức ĐẠO QUANG (4 câu sau).
Bắt nguồn từ chữ CHƠN, Hòa thượng đã lập nên dòng kệ Chơn Giám Trí Hải, như đã trình bày đầy đủ ở trên.
Dòng kệ này tuy mới xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XX, chưa ảnh hưởng rộng rãi đến nếp sinh hoạt của Tăng Ni và tín đồ như dòng kệ của Thiền phái Thiệt Diệu Liễu Quán ở Tổ đình Thuyền Tôn, Thừa Thiên, hay dòng kệ của Thiền phái Minh Hải Pháp Bảo ở Tổ đình Chúc Thánh, Quảng Nam. Nhưng tính đến nay, cũng đã truyền xuống được 4 đời, từ chữ CHƠN đến chữ SƠN (Chơn – Ngọc – Hồng – Sơn…) và vùng ảnh hưởng cũng khá sâu rộng trên các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, nhất là tỉnh Bình Định.
Tóm lại, dòng kệ truyền thừa của Hòa thượng Chơn Giám Trí Hải, Tổ khai sơn Bích Liên Tự ở tỉnh Bình Định, dù chỉ mới xuất hiện hơn 70 năm trở lại đây, nhưng dòng kệ này cũng đã góp phần làm cho sự phát triển của các Thiền phái Phật giáo tại miền Trung thêm phần khởi sắc và hưng thịnh. Xứng đáng đứng vào vị trí của một Thiền phái trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam.
[divider style=”normal” top=”20″ bottom=”20″]
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Việt Nam Phật giáo sử lược, Thượng tọa Mật Thể, Nxb Thuận Hóa -1996.
- “0 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, HT. Thiện Hoa.
- Tâm Ảnh lục tập 4 và Tiểu truyện tự ghi, Hòa thượng Trí
- Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Thanh Kiểm, bản in năm 1964 tại Sàigòn.
- Thiền phả Thông Thiên Hoằng Giác, bản in trong “Tổ sư Liễu Quán và chùa Thiền Tôn”, Huế-2001.
- Danh Tăng Việt Nam, tập I, Đồng Bổn, Nxb Tp. HCM-1995.
- Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, Nxb Tp.HCM- 2001.
Cùng một số tài liệu khác.
[divider style=”normal” top=”20″ bottom=”20″]
[1] Nhị vị Tổ sư Như Trí Khánh Hòa (1877 – 1947) và Thiện Hải Huệ Quang (1888 – 1956) là hai cây Đại thụ của Phật giáo xứ Nam Kỳ. Công nghiệp hoằng hóa kỳ vĩ của hai Ngài đã làm hưng thịnh và rạng rỡ ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.
Ngày 04-01-1964, Bản Hiến chương của GHPGVNTN (Điều 16, Chương IV) đã quyết định lấy pháp hiệu của Tổ Khánh Hòa đặt tên cho các tỉnh thuộc miền Đông Nam Phần, gọi là miền Khánh Hòa và pháp hiệu của Tổ Huệ Quang đặt tên cho các tỉnh miền Tây Nam Phần, gọi là miền Huệ Quang.
[2] Như trên.
[3] Theo cuốn “Danh Tăng Việt Nam, tập I” của TT. Đồng Bổn, bản in năm 1995 tại Tp.HCM, trang 215 ghi: “Hòa thượng Khánh Hòa được cử làm Đệ nhất Phó Hội trưởng kiêm Chủ nhiệm tạp chí Từ Bi Âm”. Nhưng theo cuốn “50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam” của Hòa thượng Thiện Hoa, bản in năm 1970 tại Sàigòn, trang 35 có đăng một bức hình rất rõ nét với lời ghi chú như sau: “Các vị giúp việc trong tòa soạn Từ Bi Âm:”
- Hàng ngồi:
- Hòa thượng Bích Liên (Chánh Chủ bút)
- Hòa thượng Nguyễn Chánh Tâm (Chủ nhiệm)
- Hòa thượng Liên Tôn (Phó Chủ bút)
- Hàng đứng:
- Giác Nhật (Trợ bút)
- Thiên Dụng (Trợ bút) “
Chúng tôi cho rằng tư liệu lịch sử bằng hình ảnh này rất quý hiếm và hoàn toàn đáng tin cậy.
[4] Sự kiện này chúng tôi căn cứ vào “Tờ nguyện cúng lúa ruộng” do Hòa thượng Chủ nhiệm Nguyễn Chánh Tâm viết tại Sàigòn le 11 Decembre 1932, đăng trong Từ Bi Âm số 25, năm thứ 3, 1933.
[5] Có một tư liệu cho biết, ở Thư viện Quốc gia Pháp, hiện lưu trữ một số Từ Bi Âm, xuất bản tháng 01 – 1945, mang số 229, tại Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam, Sàigòn còn có một số Từ Bi Âm xuất bản tháng 4-5/1945, mang số đôi 232 – 233. Tuy nhiên vì chưa có điều kiện để tìm hiểu, xác minh nên chúng tôi chưa rõ thời gian tạp chí Từ Bi Âm tục bản và đình bản năm nào!
[6] Ghi theo Thiền phả Quốc sư Thông Thiên Hoằng Giác (đời thứ 31 Lâm Tế) tại chùa Thiên Đồng. Bản in trong tập Kỷ yếu “Tổ Sư Liễu Quán và chùa Thiền Tôn” do chùa Thiền Tôn, Huế in năm 2001.
[divider style=”normal” top=”20″ bottom=”20″]
[Tập san Hoằng Pháp, số 17,18, 19]