PHẬT HỌC TINH HOA
Một Tổng Hợp Ðạo Lý
Hòa Thượng Thích Đức Nhuận
Vạn Hạnh, Saigon Việt Nam xuất bản lần đầu năm 1961,
Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới, California xuất bản năm 1999
___________
Phần thứ nhất
Lịch Sử Khái Luận
Chương III
LỊCH SỬ TRUYỀN BÁ
Ánh sáng Chính Pháp bắt đầu chiếu khắp nhân gian, cách nay hơn 2.500 năm, do đức THÍCH CA MÂU NI thành lập Phật giáo ở Ấn Ðộ, sau một thời gian tìm được “bên gốc cây Bodhi”.
45 năm giáo hóa, lần đầu tiên, đức Phật hóa độ cho năm vị Tỳ kheo (Bhikku) rồi lên đến 1,250 vị, lập thành một đoàn truyền giáo, Ðức Phật và các đệ tử vân du khắp đây đó, đi đến đâu là được dân chúng hoan nghênh đến đấy, dòng người tin tưởng theo sau…
Còn cuộc cách mạng nào đẹp hơn thế nữa! Ðức Phật không dùng uy quyền thế lực, Ngài chỉ cảm hóa mọi người bằng giáo lý mầu… Không ai bảo ai, họ tự động kéo đến với đức Phật và tất cả đều được Ngài hóa độ. Bốn giai cấp ở Ấn Ðộ đồng thời phải sụp đổ một lượt, Ngài đã phá tan những thành kiến sai lầm về vũ trụ nhân sinh, về quan niệm cuộc sống, về đạo đức, luân lý, về chính trị, nhất là đã gây một quá trình tiến triển giữa chúng sinh cõi Sa bà (Sabaloka), lấy Ấn Ðộ làm trung điểm. Uy danh đức Phật mỗi ngày thêm lừng lẫy, bọn ngoại đạo (Bà La Môn giáo) sinh lòng ghen ghét tìm đủ cách để chống đối nhưng đã hoàn toàn thất bại. Ánh sáng đạo vàng của đức Phật mỗi ngày thêm tỏa sáng và lan rộng từ những miền heo hút lạnh lẽo xa xôi tới các nước văn minh tân tiến đều đã thấm nhuần, không ít thì nhiều, nguồn giáo lý Giác Ngộ và Giải Thoát.
NGUỒN GIÁO LÝ NHÂN BẢN ÐẠO PHẬT
Sau khi thành đạo, đức Phật thấy việc trước hết, nói theo từ ngữ bây giờ, là thực thi một cuộc cách mạng xã hội toàn diện. Ngài thấy các hệ tư tưởng cũng như sự hiện diện của các giáo phái, các thế lực chính trị đương thời đã không giải quyết được gì cho con người và xã hội. Mà muốn cải tiến xã hội điều căn bản là giáo hóa các vị lãnh đạo tinh thần, để các vị này ý thức trách nhiệm mình và chuyển hóa xã hội: Ðức Phật đã độ cho giới tu sĩ, trong số có năm vị pháp hữu đồng tu với Ngài xưa kia tại rừng Mrigadàyà mà Kaundinya (Kiều Trần Như) làm huấn sư, để khai đạo. Sau ba tháng an cư tại Béranès, số đệ tử mỗi lúc một đông, đức Phật đã giáo dưỡng được số đông đệ tử tu chứng thánh quả A La Hán (Arahat), trong đó có Ananda. Một mặt, nhằm vào trung điểm của cơn lốc xã hội để cảm hóa và điều ngự: các vị đạo trưởng thời danh được đức Phật dang tay tế độ, như: ba anh em ông Kasyapa (Ca Diếp) rồi đến hai ông Sariputra (Xá Lị Phất) và Maudagalyàyana (Mục Kiền Liên). Sau giới tu sĩ là giới cầm quyền, vua Bimbasara (Tần Bà Sa La) của vương quốc Magadha (Ma Kiệt Ðà) và vua Pasenadi nước Kosala đều được đức Phật âu yếm hóa độ. Sau hết là giới tài phiệt, thương nhân và thường dân cũng được đức Phật hóa độ một cách bình đẳng.
Ðạo của đức Phật phát huy tại rừng vắng rồi truyền về các thủ phủ, kinh thành, và cũng chính tự nơi đây tỏa đi khắp nơi khắp chốn. Từ đô thị đạo Phật đã truyền đến thôn dã, do các tăng sĩ sứ giả truyền đạo nhiệt tâm hoằng pháp và do sự hưởng ứng của mọi lớp người ở Ấn Ðộ, từ vua chúa đến thương gia, tỷ phú v.v… rồi đến các giai cấp thường dân đều nhất tâm quy hướng đấng giáo chủ siêu việt của thời đại: Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Công cuộc hóa đạo mà đức Phật chú ý là, tìm một giải pháp hữu hiệu để hóa giải các mối ưu tư của tâm thức con người và các bế tắc của xã hội. Ðức Phật đã bắt mạch cho thuốc rất đúng, đã vạch định một chương trình hành động hợp lý, đáp ứng được hoàn cảnh ngưỡng vọng của mọi tầng lớp xã hội. Ðức Phật đã thẳng thắn chỉ trích những tệ đoan xấu xa trong xã hội. Ðó là sự hành hạ cực hình thân xác một cách phi lý, vì người ta nghĩ rằng cuộc sống này là tạm bợ, điều quan hệ là sau khi chết được nhập vào một thực thể siêu hình đại ngã của Brahama = Phạn Thiên, (linh hồn của vũ trụ). Ðức Phật cũng không quên những hạng người vô lý tưởng, buông trôi kiếp sống trong giòng luân lưu lãng bạc, để kéo họ về thực tế cuộc đời.
Ðấy là những yếu tắc chỉ đạo nhằm xây dựng một xã hội nhân bản văn minh và tiến bộ. Sự phân phối các hàng tăng sĩ đi muôn nơi giáo hóa là đức Phật đã trực tiếp khai sinh ra một cách thức hoằng pháp mới: đó là việc đưa các sứ giả đạo pháp đi vào cuộc đời để trực kiến trực giải các thắc mắc của quần chúng, để giúp mọi người, mỗi người sớm được “chuyển mê khai ngộ”.
Sự nghiệp vĩ đại của đức Phật là sự khai phá rừng lý thuyết âm u tào tạp sẵn có và đã mở ra một hướng đi hợp với lý trí, tình cảm, hành động và khả năng của mỗi người và xã hội loài người.
Ý thức “trung đạo = Majjhimàpatipadà” của đức Phật là một ý thức mới mà từ trước chưa hề có[1]. Thuyết trung Ðạo dạy con người ý thức được cái “khổ” (Dukhha) rồi tự mình chiến thắng nó một cách vinh quang, theo sự diễn biến cụ thể của luận lý biện chứng, là sự quan sát và truy nguyên cái Khổ để tìm cách thoát khổ.
Theo thuật ngữ chuyên môn trong giới Phật học thì, những điều ta vừa diễn tả trên, có tên gọi “Tứ Diệu Ðế: Catuani yasacca” hay là bốn chân lý căn bản: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Tập làm nhân cho Khổ. Ðạo làm nhân cho Diệt. Muốn đạt đến phần nhì của chương trình giải thoát khổ cảnh là Diệt, Ðạo thì phải trải qua phần đầu của chương trình là Khổ, Tập.
Chân lý thứ nhất: SỰ KHỔ (Dukhha). – Cội nguồn của khổ gồm có hai: phần căn bản là các yếu tố nội tại (tức thân ngũ uẩn)[2] và phần phụ là hoàn cảnh chung quanh mà con người (có thể) cố gắng (sẽ) vượt qua được. Phần căn bản của Khổ là sinh, già, ốm, chết. Phần phụ gồm những điều, như: ta phải thân cận, liên hệ với những kẻ mà mình không muốn thân cận; phải xa cách những người mình yêu mến; bất mãn vì điều mình ao ước mà không được. Sự khổ vốn sẵn có lại làm phát sinh cái khổ phiền não, gọi là khổ khổ. Mọi loại khổ phiền não khác như thời tiết: nóng, lạnh, dịch lệ, bão lụt, động đất, chiến tranh… làm cho mất sự vui sướng, gọi là hoại khổ. Khi con người mang theo trong mình cái tính cách vô ngã, vô thường, dời đổi, hợp tan… gọi là hành khổ. Tất cả nỗi khổ não ấy là kết quả tích lũy của cái Nghiệp (karma) luân hồi.
Chân lý thứ hai: NGUYÊN NHÂN SỰ KHỔ (Dukkhasamudaya). Căn nguyên của sự khổ, mà đầu mối tạo ra mọi khổ ở đời là Vô minh, Tham, Sân, Si, Vọng động. Chính đấy là nguyên nhân của sự sa lầy trong sự ngừng đọng ý thức tiến hóa trên chiều hướng giải thoát.
Chân lý thứ ba: SỰ DIỆT KHỔ (Dukkhanirodha hay Nirvàna). – Là sự giải thoát khỏi hết khỏi hết mọi hệ lụy khổ đau, bất luận nguyên nhân gần hay xa nào có thể gây ra sự khổ, làm xao động cuộc sống chân hạnh phúc, và để được mình ra khỏi giòng thác lũ sinh tử. Ái dục và những gì liên quan đến ái dục phải cương quyết loại bỏ.
Chân lý thứ tư: CON ÐƯỜNG DIỆT KHỔ (Dukkhanirodhagàminipatipadà). Ðó là con đường đưa đến sự giải thoát vĩnh viễn kiếp thân đau khổ, gồm có tám nhánh, cũng gọi là Bát Chính Ðạo (Àryàstàstàngamàrganàmàni): Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm và chính định.
Chính Kiến (Samyadrstih). – Sự thấy biết chân chính; trái lại là tà kiến, hiểu biết sai lầm. Chính Tư Duy (Samyaksamkalpah), suy nghĩ chân chính là sự suy nghĩ dựa trên lý trí để là thăng hoa cuộc sống, giải thoát mọi khổ đau. Chính Ngữ (Samyagàh), lời nói chân chính, từ hòa, không đặt điều, xu nịnh, dèm pha, độc ác, là để tránh những gì không đúng như thật, có dụng ý gây đau khổ cho tha nhân và có tính cách diệt mầm mống giải thoát, mầm mống tiến hóa chung, đều không được nói. Chính Nghiệp (Samyakkarnantah), là hành động một cách minh chính để không gây ra sự tổn thương, làm đau khổ cho kẻ khác, hoặc cho chính bản thân. Chính Tinh Tiến (Samyagvàhàmah), khai trừ khỏi tâm thức những ý nghĩ xấu, những hành động xấu, luôn luôn nghĩ, nói, và làm những việc tốt lành. Chính Mệnh (Samyagàjivàh), sự mưu sinh một cách chính đáng, không gây phiền nhiễu hoặc vi phạm đến quyền lợi của những người khác, với ý định cạnh tranh bất chính, trong những mưu mô gây trợ duyên cho các điều kiện sát hại sinh linh, như: nghề bán khí giới, thuốc nổ, làm đồ tể v.v… Chính Niệm (Samyaksmrtih), là sự phản tỉnh, sự nuôi dưỡng thường xuyên một ý thức tốt đẹp, nỗ lực tiêu diệt khổ đau. Chính Ðịnh (Samyaksmàdhih) sự lắng đọng tâm tư để được yên tĩnh, trong sáng; nhằm tập trung các sức mạnh vĩ đại bắt nguồn từ vô thức, hay từ tiềm thức để đưa vào ý thức và làm bừng nở các năng khiếu siêu việt, sáng tạo, hòng cởi mở các vòng dây sinh tử, khổ đau triền miên, tức là GIẢI THOÁT.
Ta thấy “Bát Chính Ðạo” bắt đầu bằng Chính Kiến, Chính Tư Duy để kết thúc bằng Chính Ðịnh. Như vậy là yếu tố tinh thần quyết định đầu tiên. Ta cũng nên nhớ rằng đấy là một sự mới mẻ mà từ trước ở Ấn Ðộ, chưa có. Các giáo phái đương thời, kể cả các nguồn tư tưởng cổ sơ chỉ mới chú trọng đến các vấn đề đạo đức, thúc liễm thân tâm, phần lớn gần như toàn vẹn thuộc về vật chất, hoặc có khuynh hướng vật chất mà thôi, các gian đoạn Phệ Ðà, Phạm Thư và Áo Nghĩa Thư chỉ là những sự mua chuộc, đe doạ và cưỡng bức con người, bắt con người phải phục tòng vào một Ðấng Vô Hình, qua các hình thức thuần túy duy vật, như tu ép xác, hoặc cúng tế các thần thánh bằng những lễ vật cụ thể. Ðạo đức của xã hội đương thời là tận tụy lễ bái, phục vụ thần linh. Ðạo Phật, trái lại, bắt nguồn từ ý thức trước, ý thức đi trước hành động, thanh lọc ý thức là thanh lọc hành động. Ðạo đức, theo quan niệm đạo Phật, là trọng đức thanh khiết để đừng dồn ép con người sa ngã vào vòng danh, lợi và những tham vọng thấp hèn. Nói thế không có nghĩa đạo Phật bỏ quên các yếu tố vật chất phục vụ nhân sinh; nhưng không đặt nặng phần vật chất hơn tinh thần để con người phải nô lệ vì nó.
Chính vì vậy mà ta thấy đạo Phật là trung tâm phát huy đầu tiên ở Ấn Ðộ một tinh thần mới, một nghệ thuật sống rất cao đẹp, mang một yếu tính giáo dục thanh nhã, dưới hình thức các dụ ngôn bóng bảy đầy hiệu năng. Kinh Bách Dụ là kho tàng của loại này. Duyệt xét lại kho tàng văn hóa cổ Ấn Ðộ chúng ta thấy – trừ đạo Phật – các kinh điển của các pháp gia, đạo giáo đều chỉ ghi chép một cách trực tả mà thôi. Ðó là một sự nghèo nàn về kỹ thuật khai hóa.
Bát Chính Ðạo đã mở ra cho ta con đường “Trung Ðạo” rất rộng rãi làm mờ át các con đường nhỏ hẹp của các đạo giáo hiện hữu. Nó mang tính cách toàn diện và phổ cập tính. Do đó, Bát Chính Ðạo vừa giải quyết được các vấn đề thuộc cá nhân lẫn cộng đồng xã hội. Chính vì vậy mà đức Phật, lần chuyển pháp luân đầu tiên, được các bậc thạc đức đương thời có trực giác cho rằng Bát Chính Ðạo là một giải pháp thực tế hữu hiệu nhất để cải hóa con người, xây dựng xã hội.
Ðạo Phật gạt bỏ những gì là cực đoan, tệ đoan, trục lợi, ích kỷ. Hay nói cách khác, về mặt hình nhi hạ, đạo Phật xây dựng Một xã hội người văn minh, giác ngộ và giải thoát bằng con đường Bát Chính Ðạo, nhằm đưa con người vượt lên cao để không còn đắm chìm vào vật chất và khỏi là tù nhân cho xã hội, và bị cuốn theo các sự tranh chấp thấp hèn, chỉ gây ra đau khổ mà thôi; về mặt hình nhi thượng, triết lý đạo Phật là nguồn giải thích, cắt nghĩa hiện tượng siêu hình xuất thế một cách sáng bén. Ðó là hệ thống “Thập Nhị Nhân Duyên = Dvàdasãngah pratityasamutpàdah”[3].
Thập Nhị Nhân Duyên là: Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão Tử. Nếu đi từ trên xuống dưới thì ta thấy Thập Nhị Nhân Duyên sẽ là kết thúc bằng cái chết. Ðó là hậu quả của Nghiệp (Karma). Mà khởi điểm của Nghiệp là Vô Minh (Avidyà), nên phải kết thúc bằng cái chết. Nhưng nếu đi ngược lại từ dưới lên trên, tức là muốn thoát Sinh thì phải cắt đứt Hữu, Thủ, Ái… để tiến lên đến đỉnh chót cây thang Thập Nhị Nhân Duyên là thoát khỏi Vô Minh (giải thoát) tức đã đạt được trạng thái Chân Lý, không còn bị vướng mắc vào vòng nghiệp quả tương đối vay, trả, lặn hụp trong giòng thác lũ sinh tử.
Thập Nhị Nhân Duyên là một hệ thống luân lý có thể tính ngược hay xuôi, có thể tính toàn chuỗi hay phần lẻ (từng đoạn) để tùy nghi áp dụng vào mỗi trường hợp; nó có thể giải thích được các sự vụ về tâm linh, tình cảm, lý trí, hành động, hữu hình hay vô hình của mỗi cá nhân hay đoàn thể, đã tiến hóa hoặc chưa tiến hóa, và ngay cả hoàn cảnh thụt lùi nhanh hoặc chậm nữa. Các bài toán thuộc về cá nhân, gia đình xã hội về kinh tế, chính trị, khoa học v.v… đều có thể giải thích qua công thức Thập Nhị Nhân Duyên.
Ðặc biệt là vào thời đại thánh kinh Áo Nghĩa Thư của Ấn Ðộ, tình trạng tâm linh con người rất đen tối, sự xáo trộn về trật tự gia đình, xã hội, tín ngưỡng, đã bộc phát một cách mãnh liệt ở ngay nội tâm và ngoại giới, gây ra một chuỗi dây chuyền tác hưởng lẫn nhau. Con người lúc ấy chỉ còn là nạn nhân của các thánh kinh và các đạo giáo… Chính vì sự (có thể) áp dụng được một cách rộng rãi “Pháp”[4] của đức Phật mà người Ấn Ðộ thời thượng – từ các vị tổ sư ngoại đạo, vua chúa, phú gia đến bình dân – đều ngưỡng mộ, tin theo và thực hành.
Thập Nhị Nhân Duyên bác bỏ các yếu tố thần quyền can thiệp vào các sự việc ở trần gian, đặc các vị thần linh bình đẳng với con người, trên phương tiện luân lý và nhân quả biện chứng.
Như trên, cho ta thấy, pháp của đức Phật hẳn nhiên đã là Nguồn Sống của mọi sự sống, và là Tình Thương, Ánh Sáng và Niềm Tin là nở hoa cuộc đời…
– Một Nguồn Giáo Lý Nhân Bản Toàn Diện.
SÀRNÀTH
Carved stone umbrella dedicated by Friar Bala Kushan period
KẾT TẬP KINH ÐIỂN
Sau khi đức Phật niết bàn (Nirvàna) được vài tuần[5], các bậc trưởng lão A La Hán; chừng độ 500 vị tự động hội họp nhau lại ở xứ Magadha (Ấn Ðộ); đồng thời suy tôn đức Ma Ha Ca Diếp (Maha Kasyapa) làm Thượng thủ. Ngài Upali là bậc trưởng lão uyên thâm giới luật thì trùng tuyên Luật Tạng mà khi xưa đức Phật chế ra để răn dạy hàng thất chúng đệ tử[6]. Còn ngài Ananda, bậc đa văn đệ nhất và là người hầu cận (thị giả) đức Phật suốt 25 năm, có nhiệm vụ thuyết trình về Kinh Tạng. Tôn giả Purna lĩnh trách nhiệm trùng tụng về Luận Tạng. Kỳ kết tập này kéo dài đúng 7 tháng thì hoàn thành. Tuy nhiên, thuở ấy vẫn chưa chép Tam Tạng, chỉ mới có tính cách ôn lại những lời vàng của đức Phật.
Cuộc đại hội được mệnh danh là: “Ðại Hội Kết Tập Kỳ Nhất”.
Cách Phật nhập diệt khoảng 100 năm, tăng chúng thành Vesàli và Vajji (Ấn Ðộ), vì có sự bất động ý kiến về những điều trong Luật Tạng; đấy là nguyên nhân chính cho sự phân phái sau này:
Trong kinh Ðại Niết Bàn chép, đức Phật cho phép: “Nếu chư tăng đồng ý cùng nhau, là thấy điều nào ít quan trọng, mặc dầu Như Lai đã chế định, nhưng sau chư tăng xét rằng không có thể thụ trì được nữa thì được phép sửa chữa”. Căn cứ vào điều dạy này, một nhóm các thầy tỳ khưu do Ðại đức Vajjiputra đứng đầu trong nhóm, căn bản:
- Không được trữ thức ăn từ ngày này qua ngày khác.
- Phải ăn đúng ngọ.
- Ăn rồi, đã đứng dậy, không được ngồi lại ăn nữa.
- Khi đi qua các làng mạc, có người dâng cúng các thứ vật dụng, nếu ăn rồi không được nhận mà có nhận, phải đem cho kẻ khó.
- Quá trưa, thì không dùng gì cả, dù là sữa hay mật ong cũng vậy.
- Không được uống rượu.
- Chăn, màn phải có kích thước nhất định, không được hẹp quá hay rộng quá.
- Ðã xuất gia, không được đàm thoại đến những việc thế tục.
- Khi ban bố điều gì, phải được sự thỏa thuận của toàn thể Tăng mới được thi hành.
- Không được trữ tiền bạc.[7]
Nhưng, một nhóm khác, do các Ngài Ðại đức Yasas, Acarya, Sabbakami và Revata lãnh đạo gồm 1.200 vị hiện diện, trong đó có 700 bậc trưởng lão xuất sắc cùng họp nhau ở thành Vaisali để nghị định về mười điều của nhóm Vajjiputra đã cải cách, và tất cả các vị này đều không chấp thuận. Vì, kỳ Ðại Hội Kết Tập lần thứ nhất có đầy đủ các vị thánh tăng, đã quyết định: “Tuy đức Thế Tôn đã di huấn, song cũng chẳng nên sửa đổi cho sai điều luật của Ngài đã truyền răn”.
Mặc cho sự phản đối, nhưng ngài Vajjiputra vẫn một mực thi hành những điều luật do nhóm đã tu chỉnh. Ðằng khác, ngài Yasas thì nhất quyết giữ theo mười điều luật đã được các vị thánh tăng nghị quyết, nên mới có sự chia ra hai phái:
(1). Phái do đại đức Yasas giữ giới luật như cũ, gọi là phái Nguyên thủy hay Thượng tọa bộ (Thevavadins).
(2). Phái đại đức Vajjiputra giữ theo mười điều luật do Ðại chúng đã tu chỉnh, tức là phái Tiến thủ, nên cũng gọi là Ðại chúng bộ (Mahasanghikas).
Thế là từ đấy đạo Phật chia ra hai phái rõ rệt: Hai phái này làm cội rễ cho hai mươi bộ phái[8] sau này thành lập.
Như ta đã hiểu kỳ Ðại Hội Kết Tập thứ nhất tại Ràjagriha và lần thứ nhì tại Vesàli, chỉ mới trùng tụng Phật ngôn, chứ chưa chép thành kinh điển gì cả. Kết quả “Ðại Hội Kết Tập Kỳ II” chỉ mới giải quyết những nghi vấn trong giới luật mà thôi.
Thuở đạo Phật được 218 năm, Asoka (A Dục), vị vua anh hùng trị vì toàn cõi Ấn Ðộ, đã làm cho đạo Phật sáng tỏ! Sự nghiệp của hoàng đế Asoka có ba việc lớn đáng kể:
- Lập đại hội kết tập Tam Tạng Thánh Ðiển.
- Tạo Phật Tháp.
- Ký hiệp ước 5 năm ở Cận Ðông để truyền bá Chính Pháp.
Trong Ðại Tạng Luật có ghi: “Khi bọn ngoại đạo thấy chư tăng được nhà vua kính trọng, bọn họ lại giả dối len lỏi vào hàng ngũ Giáo Hội Tăng Già để âm mưu gây rối nội bộ, phá hoại Phật giáo, làm giảm uy tín các vị chân tu thực học…”
Việc xảy ra đến tai hoàng đế Asoka, Vua ra chiếu truyền cho mở cuộc khảo hạch về giáo lý nếu vị Tỳ khưu nào đáp không thông, phải trục xuất khỏi giáo hội. Qua một thời kỳ chọn lọc, trong giáo hội chỉ còn lại những cao tăng tài đức. Ðồng thời, hoàng đế Asoka còn cho triệu tập các vị đại đức lại để kết tập kinh điển một lần nữa tại thành Pataliputra, tức Bihar và Patna ngày nay, do ngài Moggaliputratissa, là bậc chứng ngộ đệ nhất, thuộc lòng Tam Tạng, được bầu làm chủ tịch. Hội thánh kỳ này gọi là “Ðại Hội Kết Tập Kỳ III”.
Truyền rằng với kỳ kết tập này gồm có 1.000 vị đại trưởng lão chọn lọc và kéo dài trong vòng 9 tháng. Về ngôn ngữ thì vẫn dùng tiếng Magadha (Pali) như hai kỳ kết tập lần trước. Nhưng có phần kết quả rực rỡ và rất long trọng.
Trải qua ba thời kỳ ấy, nghĩa là cách 433 năm sau Phật nhập diệt, vua Kaniska, noi gương hoàng đế Asoka, lập hội kết tập Tam Tạng tại Malayajanapada (Tích Lan) cho chư tăng hợp nhất, nhưng không kết quả. Chư tăng giữa hai phái vẫn duy trì theo truyền thống riêng. Vua Kaniska liền cho phép phái Bắc hội tại thành Purusapuri, dùng tiếng bắc Phạn (Sanskrit) để kết tập, cho nên mới có Tam Tạng bằng tiếng Sanskrit. Còn phái Nam thì vẫn giữ như xưa là dùng tiếng Pali để kết tập. Kỳ kết tập này gọi là “Ðại Hội Kết Tập Kỳ IV”.
Cách hai nghìn bốn trăm mười bốn năm (2.414) sau Phật niết bàn, Myanmar (Miến Ðiện) cũng triệu tập một đại hội kết tập kinh điển, nên kỳ kết tập một đại hội kết tập kinh điển, nên kỳ kết tập này gọi là “Ðại Hội Kết Tập Kỳ V”.
Và, cách Phật nhập diệt 2.498 năm, tại Miến Ðiện, một Ðại Hội Kết Tập Kỳ VI được long trọng khai mạc ngày 21.5.1954 đến ngày 25.5.1956 tại thạch động Maha Pasana Guha, cách kinh đô Rangoon mười hai cây số. Kỳ kết tập này cả thảy có 2.500 vị tỳ khưu của hầu hết các quốc gia Phật giáo tham dự, như: Myanmar, Sri Lanka, India, Thailand, Laos, Kampuchia, Tibet, Chine, Japan, Việt Nam v.v…, đặt dưới sự chủ tọa của đức Tăng thống Phật giáo Myanmar.
Thể thức kết tập theo như kỳ nhất, ngoài vị chủ tọa có hai vị Thượng tọa “vấn đáp” tất cả tiết mục trong các Kinh, Luật, Luận.
“Một vị Sư đọc từng điều luật hoặc pháp môn, trong khi ấy những vị khác cầm bản thảo đã kiểm duyệt rồi, vị chất vấn đứng lên hỏi; vị phúc đáp phải trả lời ngay khi đó. Các vị thượng tọa này thuộc nằm lòng và thông hiểu từng chi tiết ba tạng Kinh, Luật, Luận, không thể tưởng tượng được”[9].
Ðại Hội Kết Tập kỳ này được mệnh danh là “Kỳ kết tập thứ VI của lịch sử truyền bá Phật giáo”[10], và chắc chắn sẽ còn có những kỳ Ðại Hội Kết Tập khác nữa. (Ðược biết, kỳ kết tập này do chứng thư số 56 (1950) của chính phủ Miến Ðiện, và chư tăng Phật giáo Miến Ðiện cùng hợp lực tổ chức, sự tổn phí trên 3.500 triệu bạc Việt Nam).
Ðó là một công trình đáng ghi nhớ cho toàn thể Phật giáo Thế giới vậy.
BA TẠNG THÁNH GIÁO
Trong 5 thời thuyết giáo[11] hơn 45 năm trường nói pháp, đức Phật đã để lại những gì? Sự thật như ta đã thấy: khi Phật ở đời chỉ là tùy bệnh cho thuốc, tùy cơ nói pháp chứ không dùng đến kinh sách. Ðức Phật dạy: “Ta nói pháp 45 năm, nhưng thực ra chưa từng viết một chữ”[12], vì tránh sự hiểu lầm cho chúng sinh, vì e rằng: chúng sinh phần nhiều hay cố chấp trong những lời nói, câu văn, mà phải xa đạo! Ðức Phật chỉ trực tiếp giáo hóa, chứ (tuyệt nhiên) không dùng đến văn tự biên chép gì cả. Mãi về sau, khi đức Phật nhập diệt rồi, vì sợ thất truyền… nên các đệ tử mới họp nhau lại để ghi chép những lời vàng giáo huấn của Phật làm thành Ba Tạng Thánh Giáo (cũng gọi là Nhất Thiết Kinh hay Ðại Tạng Kinh). Nghĩa là, tổng quát cả toàn bộ giáo điển đạo Phật, trong đó gồm có hai thể văn: Pali và Sanskrit (Phạn).
“Các kinh điển thuộc văn hệ Pali, khi truyền bá qua Nam phương, lấy đảo Tích Lan làm trung tâm điểm, và qua Miến Ðiện, Thái Lan, Ai Lao v.v… gọi là Nam Phương Phật Giáo.
“Kinh điển thuộc văn hệ chữa Phạm, thì truyền bá qua Bắc phương, lấy trung Ấn Ðộ (hiện nay là lãnh thổ Népal), Tây Tạng, và các nước ở Ấn Ðộ, Trung Hoa làm trung tâm điểm, rồi truyền lần đến các nước Cao Li, Nhật Bản, Việt Nam, v.v… gọi là Bắc Phương Phật Giáo.
“Sở dĩ gọi Nam Phương Phật Giáo, Bắc Phương Phật Giáo, là theo địa lý mà nói, chứ không có ý nghĩa là vạch chia Nam Phương là Tiểu Thừa, Bắc Phương là Ðại Thừa. Chẳng qua là Phật giáo ở Bắc phương phần nhiều đi về lối tung hoành phát triển, mà Nam phương đi về lối nguyên thủy của Phật giáo – tức là Phật giáo lúc ban đầu. Cũng vì trong các thời kỳ kết tập, dùng lời nói, câu văn không giống nhau, và lối truyền bá ra các nơi khác nhau, nên đối với kinh điển kết tập của hai bên hoặc cũng có chỗ dị đồng – tuy chỗ nghĩa lý cốt yếu thì vẫn in nhau” – Trích Phật Giáo Khái Luận, bản dịch của Thích Mật Thể, trang 11 – 12.
Như chúng ta biết: Ðạo Phật là một đạo Giác Ngộ, mà giáo lý của đạo Phật là NHƯ THẬT.
Phần tinh ba của giáo lý ấy được xây dựng trên hai tiêu chuẩn: Từ Bi và Trí Tuệ – một nguồn Ðạo uyên thâm, rất sống và rất sáng, do đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng, cách nay trên hai thiên niên kỷ.
Những lời vàng ngọc giáo huấn của đức Phật sau này được các đệ tử ghi chép thành Ba Tạng Thánh Ðiển:
- KINH (Sutram), là chép những lời thuyết pháp của đức Phật về những giáo lý căn bản, như: Tứ Diệu Ðế, Chân Như, Niết Bàn, Phật Tính, luật Nhân Quả, Luân Hồi, Nghiệp Báo… của chúng sinh trong ba cõi sáu đường, cùng những sự tu chứng của chư Phật, Bồ Tát ở quá khứ, hiện tại và vị lai, tức thuyết minh về nguyên lý Phật học, gồm Giáo, Lý, Hành, Quả[13], đúng chân lý, khế hợp với căn cơ, trình độ của mọi lớp người và mọi trào lưu tư tưởng thời đại.
- LUẬT (Vingayah), là trình bày những nghi thức, phương pháp, giới luật do đức Phật chế định, nhằm hướng dẫn sự tu trì cho các đệ tử y vào đó mà thực hành. Mà căn bản của giới luật là:
- Chấm dứt mọi việc ác,
- Nguyện làm các việc lành,
- Trong sạch ý nghĩ, lời nói và hành động.
Luật Thiện Kiến ghi: “Luật Tạng được coi như sinh mệnh của Phật Pháp”.
- LUẬN (Abhidharma, hay Prajna paramita), là những tác phẩm văn chương nghị luận do các Bồ tát, Thánh tăng trứ tác, biện giải mọi lẽ chính tà, chân vọng, là những đạo lý nghiên cứu về sự vật, nêu rõ Tính, Tướng[14] của các Pháp, cốt làm hiển lộ nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm của Kinh và Luật.
Kho tàng Luận học rất lớn, do sự đóng góp của các triết gia, học giả Phật tử, qua từng thời đại, khiến cho Tạng Luận vốn dĩ đã giàu có đồ sộ lại càng thêm phong phú, sáng, đẹp.
Và, dưới đây, ta hãy tìm về nguồn gốc Ðại Tạng Kinh căn bản được ghi chép bằng Phạm ngữ, văn thể Pali và Sanskrit.
Kinh Tạng Pali (Suttapitaka) gồm có:
- Luật Tạng Vinayapitakam:
– Parajika (Patimokha): Căc Bản Giới.
– Pacithiya (Suttavibhanga): Tiểu Giới (3 quyển).
– Parivara: Phương Pháp Yết Ma và Truyền Giới.
– Mahavagga: Ðại Phẩm.
– Cullagga: Tiểu Phẩm.
- Kinh Tạng Suttapitaka:
– Digha Nikàya: Trường A Hàm.
– Majjhima Nikàyà: Trung A Hàm.
– Samyutta Nikàya: Tạp A Hàm.
– Ànguttara Nikàya: Tăng Nhất A Hàm.
– Khudhaka Nikàya: Tiểu A Hàm. Trong Khudhaka Nikàya có 15 quyển nhỏ:
Kệ và văn tuyển
– Niddesa: Nghĩa Thích.
– Sutta Nipàta: Kinh Tập.
– Therègàthà: Trưởng Lão Kệ.
– Theragatha: Trưởng Lão Ni Kệ.
– Udàna: Tự Thuyết.
– Dhammapada: Pháp Cú Kinh.
– Khuddakapàtha: Tiểu Bộ Kinh.
– Itivuttaka: Như Thị Ngữ.
Loại truyện toàn thân
– Nimànavatthu: Thiên Cung sự.
– Peta vatthu: Ngạ Quỷ Sự.
– Jàtaka: Bản Sinh.
– Apadàna: Thí Dụ.
– Patisambhidàmagga: Vô Ngại Giải Ðạo.
– Cariyàtaka: Sở Hành Tạng.
– Buđhavamsa: Phật Sự.
- Luận Tạng Abhidhammapitaka:
– Dhammasangani: Pháp Tụ.
– Vibhang: Phân Biệt.
– Dhàtukatha: Giới Thuyết.
– Puggalapannatti: Nhân Thi Thiết.
– Kathàvathu: Biện Giải.
– Yamaka: Song Luận.
– Patthàna: Phát Thú.
Ngoài Tam Tạng (Tripitaka) còn có các thánh điển trọng yếu:
– Dipavamsa: Ðảo Sử (..?.)
– Mahàvamsa: Ðại Sử.
– Cùlavamsa: Tiểu Sử.
– Visuddhimgga: Thanh Tịnh Ðạo Luận.
– Milindapanha: Na Tiên Kinh.
– Abhihammatthasangaha: A Tì Ðạt Ma Nghĩa Luận.
Tam Tạng Sanskrit gồm có:
- Kinh Tạng Sùtrapitakam:
– Sad dharmapundarikam: Diệu Pháp Liên Hoa.
– Avatamsaka: Hoa Nghiêm.
– Prajãnapàramità: Bát Nhã.
– Lalikavistara: Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm.
– Suramgama: Lăng Nghiêm.
– Lankàvatàra: Lăng Già.
– Gandavjuhattathagathagunajnana: Viên Giác.
– Maharatnakuta: Ðại Bảo Tích.
– Samàdhiraja: Tam Muội.
– Da’sabhumis’varà: Vô Lượng Thọ.
– Vajirasuci: Kim Cương.
– Mahaparinibbana: Ðại Niết Bàn v.v…
2. Luật Tạng Vinayapitakam:
– Pràtimoksa: Ðại Giới Bản.
– Bodhisatvacaryànirdesa: Bồ Tát Giới v.v…
- Luận Tạng Abhidhammapitakam:
– Prajnãparamitacastra: Bát Nhã.
– Mahàyãnasamparigraha: Nhiếp Ðại Thừa.
– Madhyamikacastra: Tam Luận Tông.
– Yogacaryàbhũmicastra: Du Già Sư Ðịa.
– Da’sabhũmikasũtrasãstra: Thập Ðịa Kinh.
– Abhidharmakosa: Câu Xá.
– Satyasiddhi: Thành Thật.
– Vaibhasika: Tỳ Bà Sa.
– Abhidharmahridaya: A Tỳ Ðàm.
– Dharmaskanda: Pháp Uẩn Túc.
– Àlambanapariksẽcastra: Quán Sở Duyên Duyên.
– Mahayanas’raddhoipada: Ðại Thừa Khởi Tín.
– Vijnãptimutratasid dhi: Thành Duy Thức v.v…[14]
Kinh điển đạo Phật như ta được biết – ngoài Tạng nguyên bản ghi chép bằng hai thể văn Pali và Sanskrit, hiện nay các quốc gia, như: Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan, Ðức, Anh, Pháp, Mỹ, Liên Bang Nga, v.v… cũng đã phiên dịch ra ngôn ngữ của mỗi quốc gia (hoặc dịch trọn Tạng hay chỉ mới dịch từng phần…).
Tại nước Việt Nam ta, đạo Phật truyền bá đến nay đã có trên dưới XX thế kỷ thế mà cho tới ngày nay nước ta vẫn chưa có tạng kinh bằng tiếng Việt!
Chúng tôi đốt hương cầu nguyện Ðạo Phật Việt (sẽ) sớm có một Ðại Tạng Kinh bằng ngôn ngữ nước mình để góp mặt với các quốc gia Phật giáo trên thế giới, và cũng là để xây dựng nền văn hóa dân tộc mỗi ngày thêm sáng, đẹp.
Riêng Luận Tạng (Abhihamma pitaka) được rất nhiều học giới nghiên cứu và thịnh hành nhất vào thế kỷ thứ II, III T.L, và qua nhiều thế hệ tiếp nối, các học giả, văn nghệ sĩ, triết gia Phật giáo đã đóng góp phần mình cho Luận Tạng mỗi ngày thêm to lớn, khác nào sa mạc Sahara, tuy khô khan nhưng… đã làm cho con người đời phải choáng ngợp, kính nể vì cái mênh mông của nó. Những vị đại luận sư như các ngài: Asvaghosa (Mã Minh), Vasubandhu (Thế Thân), Nãgãrjuna (Long Thọ), Asanga (Vô Trước)… là những bậc thánh thời danh, vì chính tên tuổi, tác phẩm của các ngài đã được các triết gia Tây phương đặc biệt lưu tâm nghiên cứu.
Phần tinh ba của đạo pháp đều chứa đựng trong Ba Ðại Tạng Kinh, một nền văn hóa Nhân Bản Giác Ngộ Giải Thoát đã hướng dẫn cho một phần ba nhân loại sống an lành, và biết thương yêu nhau hơn.
MƯỜI HAI BỘ KINH
Trong Ba Tạng Kinh Ðiển của đạo Phật theo thể tài chia làm mười hai bộ. Người Trung Hoa thường gọi Thập Nhị Phần Giáo.
- Tu Ða La (Sustram: Kinh). “Khế Kinh”: Ðức Phật thuyết pháp dùng lối văn trường thiên cho dễ hiểu mà gọn, ta thường gọi là tản văn hay văn xuôi, không có sự cầu kỳ hoa mỹ như những lối văn từ phú… nhưng rất hợp thời, hợp lý, hợp cơ.
- Kỳ Dạ (Geyam: Ứng Tụng, cũng gọi là Mỹ Âm Kinh): tổng luận, chú thích những ý nghĩa của văn trường hàng (văn chỉnh cú). Lối văn thuộc văn từ phú, văn biền ngẫu, có tính cách văn chương, vì đức Phật muốn cho Chính Pháp được truyền bá sâu rộng thì phải dùng mọi thể văn, giúp cho đệ tử dễ ghi nhớ.
- Hòa Già La Na (Vyàkàranam: Thụ ký): Những lời truyền dạy do đức Phật thụ ký, chứng nhận cho các vị Bồ tát, các bậc Thanh văn, đệ tử mai sau thành Phật; và thuyết lý những việc sẽ xảy ra…
- Già Ðà (Gàthàm: Cũng gọi là Ký Chú Kinh hay Phúng Tụng): Nghĩa là không thuật lại văn trường hàng, mà chỉ là từng bài kệ, tức là lối văn thi ca để nói riêng cho mỗi bộ kinh.
- Ưu Ðà La (Udànam: Tán Thán Kinh, cũng gọi là Tự Thuyết): Những kinh do đức Phật dùng trí tuệ xem xét căn cơ chúng sinh rồi tự nói ra các Pháp, không phải đợi có người thưa thỉnh, yêu cầu mới nói.
- Ni Ðà Na (Nidàna: Quảng Thuyết Kinh cũng gọi là Nhân Duyên): Những kinh văn nói về nhân duyên khi đức Phật thuyết pháp và người nghe pháp, hoặc nói rõ những nơi có nhân duyên mà Ngài đến hóa độ. Những kinh văn do đức Phật dạy về “lý căn hội duyên”, khởi điểm của vũ trụ vạn hữu, thuyết lý Nhân Duyên Sinh.
- A Ba Ðà Nà (Avadanam: Diễn Thuyết Giải Ngộ Kinh, cũng gọi là Thí Dụ): Những pháp của Phật nói rất mầu nhiệm, người căn cơ thấp kém khó có thể lĩnh hội, nên đức Phật cần phải lấy sự vật hiện hữu làm tỉ dụ, chứng minh cho đạo lý cao siêu để chúng sinh dễ hiểu. Những lời ví dụ tượng trưng bát ngát trong các kinh điển đạo Phật.
- Y Ðế Mục Ða Gia (Itivrttakam: Như Thị Pháp Hiện Kinh cũng gọi là Bản Sự): Những thuyết giáo của đức Phật nói về sự tu nhân chứng quả của các vị Bồ tát, đệ tử trong các đời quá khứ, vị lai.
- Xà Ðà Gia (Jatakam: Ðản Sinh Kinh hay gọi là Bản Sinh): Lời đức Phật nhắc lại những công hạnh tu chứng ở đời quá khứ của các đức Phật, Bồ tát.
- Tỳ Phật Lược (Vaipulyam: Quảng Ðại Kinh, cũng gọi là Phương Quảng): Những Kinh, cũng gọi là Phương Quảng): Những kinh điển thuộc Ðại Thừa Phương Quảng, với nghĩa lý rộng lớn cao thượng và thâm thúy.
- A Phù Ðà Ðạt Ma (Addhutadharmah: Hy Pháp, cũng gọi là Vị Tằng Hữu): Những kinh điển nói về thần lực của chư Phật thị hiện, cùng những việc bất khả tư nghị trong những nơi nói pháp và những cảnh giới kỳ diệu, hy hữu mà trí người phàm không thể hiểu.
- Ưu Ba Ðề Xá (Upad’sah: Cận Sự Thỉnh Vấn Kinh cũng gọi là Luận Nghị): Những lời văn có tính cách vấn đáp và biện luận cho rõ các lẽ tà, chính, nghĩa là, giữa đức Phật và các đệ tử đàm luận đạo lý bằng cách tranh luận, giải thích từng giảng mục.
Tuy chia ra 12 phần giáo, 3 loại trên là thể tài chính của các Kinh; còn 9 loại sau chẳng qua theo các điều kiện chép ở trong Kinh, lập ra.
Trong 12 phần giáo nói trên không phải Kinh nào cũng có đủ cả, có Kinh chỉ có 5, 6 phần, ấy là tùy theo cơ duyên mà đức Phật nói pháp có sai khác. Nhưng trong tất cả Kinh, không nhiều thì ít, đều có ghi chép mọi kinh nghiệm về giáo lý cũng như công hạnh tu chứng của các đức Phật và đệ tử…
ÐẠI THỪA, TIỂU THỪA.
Ðạo Phật bao giờ cũng chủ trương chỉ có pháp Nhất Thừa. Trong kinh Pháp Hoa (Saddhama – pudarikam) ghi:
“Khắp mười phương các đức Phật, chỉ có pháp Nhất Thừa (Ekayànam), không hai, cũng không ba; trừ khi đức Phật phương tiện nói: “Thập phương Phật độ trung, duy hữu nhất Phật thừa, vô nhị diệt vô tam, trừ Phật phương tiện thuyết.”
Ðức Phật ra đời thuyết pháp ý chính là dạy cho chúng sinh Pháp NHẤT THỪA. Nhưng vì căn cơ của chúng sinh có cao, thấp bởi tư tưởng không đồng: nên giáo lý của Phật cũng theo đó chia ra Ðại Thừa, Tiểu Thừa.
Kinh Lăng Già (Lankàvatàra sutra) chép:
“Ðại Thừa và Tiểu Thừa đều tùy tâm lượng chúng sinh mà đặt tên vậy”.
Chữ Thừa 乘 (Thặng): nghĩa là cổ xe để chuyên chở người ta từ nơi này qua nơi khác. Giáo lý Phật Ðà có đủ công năng, phương pháp dắt đường chỉ lối và chuyên chở chúng sinh từ bến mê mờ lầm lạc tiến lên bờ giác, không còn bị đắm chìm trong biển luân hồi sinh tử. Và, vì sự tu chứng có khác nhau, nên đức Phật đã phương tiện đặt ra năm thừa để hóa độ chúng sinh. Những gì gọi là Năm Thừa?
- Nhân Thừa
- Thiên Thừa
- Thanh Văn Thừa
- Duyên Giác Thừa
- Bồ Tát Thừa.
Như trên đã nói, đấy chẳng qua vì căn tính chúng sinh không đồng, nên đức Phật mới phương tiện nói Pháp năm thừa để tùy cơ hóa độ chứ thực ra duy chỉ có NHẤT PHẬT THỪA .
Nói về Tiểu Thừa (Hirayana) là những hàng đệ tử tu theo lối “tự lợi”, mong cầu sự giải thoát trong phạm vi các nhân, ví như cỗ xe nhỏ, sức vận tải được ít… và như vậy, chưa thể phá trừ được “pháp chấp” (chấp vạn vật là thực tại tuy có sai khác nhưng “pháp thể thường có”) nên chỉ mới trừ được “ngã chấp” (cái chấp có “ta”), bởi giới luật và cách tu của Tiểu Thừa giáo hãy còn nệ vào hình thức (phạm vi tu trì) nên sự tu chứng cũng rất hạn hẹp, cùng tột là chứng thành quả A La Hán; trái lại, những người tu theo pháp môn Ðại Thừa (mahanaya) thì lại căn cứ vào sự hiểu, làm, và thể chứng. Tuy cũng căn cứ vào giới luật tu trì, nhưng đó chỉ là phương tiện nhằm đạt đạo quả: tối cao Phật Ðà. Khi đã giác ngộ, không còn câu nệ ở hình thức nữa, mà chỉ trực giác sự vật bằng những điều mình đã chứng ngộ sự thật, đồng thời giác ngộ mọi người, họ có tâm lượng rộng lớn bao trùm cả thái hư, nên thường lấy việc “lợi tha” làm nhiệm vụ chính (như đức Phật THÍCH CA tu khổ hạnh để tìm chân lý, thấy chân lý, Phật không cần tu nữa mà chỉ cần trực tiếp giáo hóa chúng sinh), bởi họ không còn “chấp ngã”, “chấp pháp”. Quyền Ðại Thừa giáo (chưa hoàn toàn là Ðại Thừa) thì nói rằng “Vạn vật sinh ra đều bởi Tâm[15], vạn tượng trong vũ trụ đều do Tâm phát hiện”. Nên lối kiến giải là “Ngoài Tâm không Pháp, ngoài Pháp không Tâm”.
Giáo pháp Ðại Thừa chủ trương thuyết “không phải có, không phải không” không phải hai (Advaya) tức là không Nhất Nguyên, không Nhị Nguyên như triết học thuần lý chủ trương, cũng không như cái “có” của Tiểu Thừa quan niệm, lại không như cái “không” của Quyền Giáo Ðại Thừa. Ðó mới thực đúng với chân lý của các pháp, vì đã vượt ra ngoài những gì khuôn khổ nhất, cũng ví như cỗ xe lớn, sức chuyên chở được rất nhiều… Luật phái này rộng rãi hơn, không câu nệ, cố chấp, hẹp hòi…
Như trên, cho ta thấy, một bên trọng hình thức, một bên trọng tinh thần, thế tất nhiên tư tưởng không đồng, vì một cớ rất dễ hiểu là: các bậc Trưởng Lão và Ðại Chúng Bộ, do sự bất đồng về 10 điều luật, đã mở màn cho cuộc phân chia thành hai phái: Ðại Thừa – Tiểu Thừa. Cuộc phân chia này xảy ra ngay giữa thời kỳ Ðại Hội Kết Tập Kinh Tạng kỳ II…
Nói về giáo nghĩa, Ðại Thừa và Tiểu Thừa đều có Kinh, Luật, Luận.
- Những kinh điển của Ðại Thừa cũng gọi là Bồ Tát Tạng (Bodhisattavapitakam). Kinh như: HOA NGHIÊM, BÁT NHÃ, PHÁP HOAv… Luật có PHẠM VÕNG, ÐẠI THỪA GIỚI KINH… Luận với những bộ A TỲ ÐẠT MA, KHỞI TÍN, ÐẠI TRÍ ÐỘ, THÀNH DUY THỨC và NHÂN MINH…
- Những kinh điển về Tiểu Thừa gọi là Thanh Văn Tạng (Sràvakapitakam). Kinh như: TRƯỜNG A HÀM, TĂNG NHẤT A HÀM… Luật: TỨ PHẦN, THẬP TỤNG…
- Luận có: CÂU XÁ và THÀNH THẬT…
Sở dĩ có sự phân chia Ðại Thừa, Tiểu Thừa là do tâm lượng chúng sinh có sai khác, nên giáo lý của Phật cũng tùy duyên chia ra có rộng hẹp, cao thấp… nên sự tu chứng cũng do đấy mà có sự khác biệt. Tuy nhiên, chân lý thì đồng nhất bất biến. Tiểu Thừa cùng cực chỉ đạt đến quả vị A La Hán. Còn Ðại Thừa thì tu lên mãi cho đến bao giờ chứng ngộ quả vị tối cao: PHẬT ÐÀ.
Trong kinh điển đạo Phật có chỗ gọi Nhị Thừa giáo tức chỉ cho Thanh Văn và Duyên Giác. Song Thanh Văn lại chia làm 4 quả vị:
- Tư Ðà Hoàn (Srotàpanma)
- Tu Ðà Hàm (Sakrdàgami)
- A Na Hàm (Arigami)
- A La Hán (Arahat)
Duyên Giác duy chỉ có một quả vị: Thanh Văn hay là Bích Chi Phật.
- Những người thực hành “Tam Quy”[16], Ngũ Giới[17], gọi là Nhân Thừa.
- Những người tu theo pháp “Thập Thiện”[18], gọi là Thiên Thừa.
- Những người trực tiếp hay gián tiếp nghe Phật thuyết pháp, hoặc học theo giáo lý “Tứ Diệu Ðế”[19] mà tu hành chứng ngộ, gọi là Thanh Văn (Sràvaka).
- Những người tự mình có đủ trí tuệ hoặc nương nơi giáo pháp xét biết tự thân tâm mình cho đến sự vật trong vũ trụ không cái gì không do nhân duyên sinh, theo phép quán “Thập Nhị Nhân Duyên”[20] tu hành chứng ngộ, gọi là Duyên Giác (Pratyckabuddhi).
- Những người thực hành hạnh Bồ Tát (Boddhisattva) cũng phải nương vào Tứ Diệu Ðế làm quan điểm chính, đồng thời tu các pháp môn “Lục Ðộ”[21] “Vạn Hạnh”[22] để chứng quả vị tối cao: Phật Ðà (Buddha).
(Nhân, Thiên, Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát, gọi chung là năm thừa).
Ðức Phật nói pháp năm thừa chẳng qua tùy theo tâm trí chúng sinh có cao thấp khác nhau, kỳ thực đều qui về một Phật Thừa cả.
Như vậy, dù có chia giáo này giáo khác nhưng vẫn qui về một giáo duy nhất, cũng như nước trăm sông đều chảy về biển cả – Nhất Vị Thanh Tịnh.
ÁNH SÁNG CHÍNH PHÁP TRUYỀN ÐI CÁC NGẢ…,
Ngược dòng lịch sử, ta nhận thấy sau mấy kỳ Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển, đạo Phật đã chia ra hai phái: Ðại Thừa Phật Giáo và Tiểu Thừa Phật Giáo.
Ðạo Phật truyền ra ngoại quốc do hai ngả Nam phương và Bắc phương.
Nam phương truyền Phật giáo Tiểu Thừa:
- Những người truyền bá Phật giáo thuộc nam Ấn Ðộ là nơi Tiểu Thừa Phật Giáo.
- Các dân tộc chịa ảnh hưởng Tiểu Thừa như Sri Lanka, Myanmar, Kampuchia, Lào quốc v.v…
Bắc phương Phật giáo truyền bá Ðại Thừa:
- Những người truyền giáo thuộc bắc Ấn Ðộ, nơi phát xuất Ðại Thừa Phật Giáo.
- Các dân tộc sớm được thấm nhuần Ðại Thừa Phật Giáo như Trung Hoa, Tây Tạng, Mông Cổ, Nhật Bản, Việt Nam v.v…
Dù sao, với điều này ta cũng không thể chối cãi: “Phật giáo là một tôn giáo[23] đứng trên tất cả quốc gia, dân tộc và ngay cả thế giới hệ. Ðó là điều mà hết thảy học giả đông, tây đều công nhận. Do đó, sự truyền bá của Phật giáo bắt đầu từ Á châu rồi tràn qua Âu châu, Mỹ châu, Úc châu, gần khắp toàn thế giới. Tựu trung, người ta lấy Á châu làm bản đồ của Phật giáo. Phật giáo đồ Á châu, trong hơn hai nghìn năm truyền bá, từ sinh hoạt cá nhân, đến tổ chức xã hội đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Ngoài ra, Phật giáo ở Á châu tuy phát triển, nhưng lại có một màu sắc khác. Học giả Âu Mỹ đối với Phật giáo chỉ có thái độ nghiên cứu học thuyết, sự tín ngưỡng hãy còn là một vấn đề do dự, so với truyền bá Chính Pháp ở các nước Á Tế Á thì rất kém…”[24]
Suốt dọc dài lịch sử, cách nay ba trăm năm, đạo Phật đã thâm nhập sâu rộng hơn ở các nước tiến bộ Tây phương: hiện nay ở Ðức, Anh, Pháp, Mỹ… đều có Hội Nghiên Cứu Ðạo Phật, đã thu phục (gần như hầu hết) giới thượng lưu trí thức mà từ trước, họ thường thờ ơ nhìn đạo Phật với cặp mắt lạnh lùng thì; ngày nay, lại tìm hiểu một cách say sưa thích thú. Một người Mỹ, Myriam M. Salanave, trong khi nghiên cứu đạo Phật, đã hết lời xưng tụng: “Ðạo Phật trải mấy nghìn năm lịch sử, không lúc nào ngừng phát triển, vì đạo Phật không những đi song đôi với khoa học, là vì đạo Phật lấy Chân Như làm căn bản, nên không bị các thể tướng điên đảo phá hủy”.
Gần đây, nơi phát tích đạo Phật đã vươn lên một cách mạnh mẽ: Năm 1950, gần 500 đại biểu thuộc 26 quốc gia Phật giáo qui tụ về thủ đô Sri Lanka (Ceylon) để thành lập Hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists). Ðó là một điểm son ghi đậm nét trong trang lịch sử truyền bá Phật giáo thế giới.
Và dưới đây là nguyên văn Lời mở đầu bản Hiến Chương thành lập Hội Phật Giáo Thế Giới:
“Chúng tôi, đại biểu của nhiều nước và của một số đông tổ chức rải rác khắp hoàn cầu, quyết định trong tinh thần thống nhất và kết hợp lực lượng, thành lập HỘI PHẬT GIÁO THẾ GIỚI, với chí nguyện là: hết sức tuân hành Phật Pháp để trở nên những tấm gương huy hoàng của lòng tín ngưỡng linh hoạt, sẽ làm những gì chúng tôi có thể làm để tuyên dương, giáo lý vô thượng của đức PHẬT THÍCH CA MÂU NI, tức là đạo TỪ BI HỶ XẢ có năng lực giải thoát toàn thế giới, bằng cách cảm hóa và hướng dẫn tất cả dân tộc và chính phủ của họ về nẻo sống đạo đức của người Phật tử, là con đường duy nhất của bất cứ thời đại nào, hầu tạo dựng cho nhân loại một cảnh thái bình, một nguồn hạnh phúc vô biên. Vì vậy hôm nay, ngày 8 tháng Asadha, Phật lịch năm 2494, nhằm ngày 6 tháng 6 dương lịch, năm 1950, chúng tôi lập quyết nghị, tự thảo và tự ban hành bản HIẾN CHƯƠNG này”.
Sau đó vài tháng, Hội đã liên tục phát hành khắp các quốc gia Phật giáo trên thế giới hai tờ báo: News letter và The Buddhist World, nội dung với những tin tức và giáo lý phổ thông.
- Năm 1952, ở Nhật Bản cũng triệu tập một đại hội nghị kỳ II để thảo luận về những điều quan trọng: Phát triển đạo Phật ở các nước hội viên và toàn thế giới, theo một thể thức chung, do đại hội ấn định.
- Năm 1954, một đại hội thứ III của Phật giáo thế giới được long trọng khai mạc cùng lúc với Ðại Hội Kết Tập Tam Tạng kỳ VI ở kinh thành hoa lệ Myanmar.
- Năm 1956, tại Kathmandu, thủ đô nước Népal, cũng mở Ðại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ IV, với mục đích thảo luận các vấn đề triết lý, văn chương, nghệ thuật và khoa học…[25]
- Năm 1958, Ðại Hội Phật Giáo Thế Giới kỳ V diễn ra tại Bangkok, thủ đô nước Thailand. Mục đích của đại hội là khai triển Phật giáo tại các quốc gia trên thế giới. (Kỳ đại hội này không có đại biểu Ðạo Phật Việt Nam tham dự).
- Năm 1961, Hội Phật Giáo Thế Giới lại họp đại hội lần thứ VI tại Kampuchia, gồm 180 đại biểu của 33 quốc gia Phật giáo trên thế giới tham dự, dưới sự điều khiển của U Chan Thoon, trưởng phái đoàn Phật Giáo Myanmar. Hội nghị cũng đã biểu quyết nhiều vần đề quan trọng: (1) Xây dựng Học việc Phật giáo liên Á Châu. (2) Khuyến cáo các việc thành lập một phong trào Thanh niên Phật tử ở khắp thế giới. (3) Phúc quyết về ngày Phật Ðản mà Ðại Hội Phật Giáo Thế Giới tại Nhật Bản, năm 1952, đã ấn định (hằng năm) lấy ngày Phật Niết bàn, nhằm ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch là ngày cử hành Phật Ðản trên toàn thế giới. (4) Gửi thông điệp cho Liên Hợp Quốc phản đối việc thí nghiệm nguyên tử, và yêu cầu các cường quốc trên thế giới hoàn thành đình chỉ mọi cuộc thí nghiệm nguyên tử.
Ðặc biệt, Hội nghị kỳ này, ngoài các nước Á châu còn có các quốc gia xa xôi như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hòa Lan, Sweden và nhiều quốc gia Tây phương tham dự.
– Năm 1964, Ðại Hội Phật Giáo Thế Giới kỳ VII họp tại Sarnath (Ấn Ðộ) với sự tham gia của trên 120 đại biểu thuộc 26 quốc gia. Ðại Hội tổ chức tại Sarnath, nơi xưa kia đức Phật đã thuyết pháp.
Các quốc gia có đại biểu tham dự đại hội là: Úc, Myanmar, Tích Lan, Ðài Loan, Tiệp Khắc, Anh, Ðức, Pháp, Hương Cảng, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Ðại Hàn, Ðại Mã Lai, Mông Cổ, Népal, Hồi Quốc, Phi Luật Tân, Thụy Ðiển, Thái Lan, Hoa Kỳ, Nga, Bỉ, Gia Nã Ðại, Phần Lan, Hòa Lan, Trung Hoa Quốc Gia, Việt Nam. Tham dự đại hội còn có sự hiện diện của đức Ðạt Lai Lạt Ma (Tây Tạng), tổng thống Ấn Ðộ, triết gia Radakrishnan, đã đọc diễn văn khai mạc đại hội[26]. Sau đó, đại hội đã thảo luận và biểu quyết những phần chính được tóm lược như sau:
- … Việc đối xử với Phật giáo ở Tây Tạng, Việt Nam và các nước khác.
- Sinh hoạt phát triển văn hóa đạo Phật.
- Hợp tác chặt chẽ giữa hai tông phái Tiểu Thừa và Ðại Thừa.
Ngoài ra, được biết nhân dịp đại hội này, hàng vạn du khách từ nhiều nước đã đến Sarnath chiêm lễ thánh tích nơi đây.
“Phật giáo tồn tại và phát triển xuyên suốt chiều dài hơn 2500, vượt qua những thành trì thiên kiến, đã sống trong lòng mọi quốc gia, chủng tộc. Và ngày nay, nơi đây, mặc dầu đã chậm chân hơn 1000 năm, trải bao thử thách của tiến bộ tri thức, Phật giáo đã tự khẳng định mình, vươn lên là một tôn giáo của vũ trụ một cách vẻ vang… Thật sự là một môn triết học, tâm lý học mang hình thức tôn giáo, đạo Phật chỉ ra những định luật khách quan mà không cần mang tội lỗi ra dọa ai… với đường lối hỷ xả, ngoài giáo luật và bất bạo động, với những phương pháp “hàng phục kỳ tâm” rất tỷ mỷ, Phật giáo đã làm hơn những lời hô hào khuyến thiện suông, về cả phương diện thế gian và xuất thế gian, nghĩa là đời sống nội tâm và cách ứng xử giữa con người (Ethik und Sammlung) đều được phân tích chỉ dẫn tường tận. Trong một thế giới càng ngày càng chật hẹp, điều đó thật sự là một bảo bối của thời đại mới mà Ðạo Pháp (Dharma) tặng cho chúng ta vậy”[27].
Tin tưởng sự bành trướng của đạo Phật, chắc chắn trong tương lai sẽ còn có những đại hội tương tự được diễn ra tại các quốc gia khác nữa[28].
Chúng ta hãy hy vọng và chờ đợi.
__________________
[1] Cách khoảng 600 năm sau đức Phật niết bàn, Bồ tát Long Thọ (Nagarjuna) hệ thống hóa tư tưởng Bát Nhã, đưa ra thuyết lý “Không” nhằm xiển dương giáo lý Trung Ðạo.
Trong Tam Luận Tông (Madhyamika) Bồ tát đề ra 8 cái Không (Bát Bất):
“Bất sinh, diệc bất diệt.
‘Bất thường, diệc bất đoạn.
‘Bất Nhất, diệc bất nhị.
‘Bất lai, diệc bất khú.”
Nguyên văn chữ Phạn:
“Anirodham anutpàdam.
Annucikedam ásàsvatam.
Anekàrtham ananàrtham.
Anàgamam anirgamam.”
Theo thuyết “Bát Bất” trên đây, ta thấy: Vạn pháp do các nhân duyên hội ngộ mà sinh, nên gọi là bất sinh. Khi nhân duyên tán thì vạn pháp phải hủy diệt; nhưng đã không sinh thì làm gì có diệt, vì thế gọi là bất diệt. Và vạn pháp do nhân duyên sinh tất nhiên không tránh khỏi sự đổi thay, gọi là bất thường, vì vạn pháp không thật có nên cũng chẳng có gì là đoạn, nên gọi là bất đoạn. Vạn pháp sinh khởi chẳng giống nhau, như mộng mạ và cây lúa, không phải là một, nên gọi là bất nhất. Nhưng cây lúa là do mộng mạ mà thành, nên gọi là bất dị. Vạn pháp vốn không thật có, nên gọi là bất lai, bất khứ. Theo quan niệm mê chấp của thế gian, người ta cho rằng vạn pháp có sinh, có diệt, có thường, có đoạn, có một, có khác, có lại, có đi…
Vì muốn khai thị cho thế nhân, nên Bồ tát Long Thọ đã dùng tám thứ không là: không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không một, không khác, không lại, không đi để đả pháp những nhận thức sai lầm của thế tục, tức phá bỏ triệt để các chấp tướng, chứ không phải phủ nhận cái “Thực Tướng Vô Tướng” của các pháp. Ðây là lối dùng không môn để đi vào thực tướng Trung Ðạo vậy.
Nền tảng Biện Chứng Pháp của Bồ tát Long Thọ là nguyên lý nhân duyên và ngay từ đó ta đã thấy triết lý “Không” đưa tới chân lý Trung Ðạo.
Ở đầu cuốn Trung Luận, chép:
“Nhân duyên sở sinh pháp
Ngã thuyết tức thị KHÔNG
Diệc danh vi GIẢ danh
Thị danh TRUNG đạo nghĩa”
Vì tính của các pháp là “Không”, chẳng phải vì lý do này hay lý do khác mà nó lại như thế. Chỉ vì tự tính của nó bao giờ cũng vẫn như thế (Pháp nhĩ như thị: Dharmata). Lập thuyết của Tam Luận Tông về chữ “Không” dẫn tới chân lý “trùng trùng duyên khởi” và “một là tất cả”, “tất cả là một” sự sự vô ngại pháp giới của tông phái Hoa Nghiêm…
[2] Ngũ uẩn (Skandha) gồm có 5: Sắc (cơ thể của con người) (thuộc vật chất), Thụ (cảm giác), Tưởng (trí thức), Hành Tâm tư), Thức (nhận thức) (thuộc tinh thần).
- Sắc Uẩn (Rupaskandha) chia làm 5 căn, 5 cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc) và vô biểu sắc.
- Sắc là đối tượng của nhãn căn, gồm có 2 loại: 1. Hiển Sắc như: xanh, vàng, đỏ, đỏ tím, đỏ lợt, biếc, màu lục, vàng sẫm, trắng, ánh sáng, tối, mây, khói, mù (sương) v.v… 2. Hình sắc: Vuông, tròn, dài, ngắn, cao, thấp, thẳng, cong, v.v…
- Thanh là đối tượng của nhĩ căn, chia làm 2: động vật tính (âm thanh: trong, đục, trầm, bổng, cao, thấp, chìm, khản… và vô động vật tính: như khả giải (hữu tình danh) và bất khả giải (phi hữu tình danh).
- Hương là đối tượng của tị căn như: ngọt, hảo hương, ác hương, phương hương (mùi thơm)…
- Xúc là đối tượng của thân căn, như cứng, ướt, ẩm, động hoạt tính (trơn tru), sáp tính (sần sùi), trọng tính, khinh tính, lạnh, đói và khát v.v…
- Thụ Uẩn (Vedanàskankandha): cảm giác, lĩnh thụ v.v…
- Tưởng Uẩn (Samjnàskandha): Các khái niệm, tưởng tượng phân biệt sự vui (lạc thụ), buồn (khổ thụ), không vui không buồn (xả thụ) v.v…
- Hành Uẩn (Samkarandha): Tất cả trạng thái, thái độ sinh hoạt của tinh thần (có tất cả 51 “hành” chia làm 5 loại):
- Tâm Sở Biến Hành: 5
- Tâm Sở Biệt Cảnh: 5
- Tâm Sở Thiện: 11
- Tâm Sở Bất Thiện: 26
- Tâm Sở Bất Ðịnh: 4
- Thức Uẩn (Vijnànaskamdha): Nhận thức, phân biệt v.v…
[3] Xem tiếp phần Nhân Sinh Quan.
[4] Xem đạo Phật là gì?
[5] Có chỗ nói đức Phật diệt độ được 4 tháng mới mở Ðại Hội Kết Tập.
[6] Tỳ khưu (Bhiksuh), Tỳ khưu ni (Bhiksuni), Thức xoa ma na (Sikkhamànà), Sa di (Sràmanerah), Sa di ni (Sràmanerikà), Ưu bà tắc (Upasakah) Ưu bà di (Upasikà).
[7] Về danh mục của 10 điều luật trên, muốn rõ hơn xin xem:
– Luật Tứ Phần q.54, phẩm Thất Bách Tập Pháp Tỳ Ni. (ÐTK, Luật bộ, tập 212, trang 968)
– Luật Thiện Kiến q.1, phẩm Bạt Xà Tử (ÐTK, Luật bộ, tập 214, trang 677).
– Luật Thập Tụng q.60, 61, phẩm Ngũ Bách Tì Khưu Kết Tập Tam Tạng và phẩm Thất Bách Tì Khưu Tập Diệt Ác Pháp ÐTK, Luật bộ, tập 213, các trang 450 – 542, 453 – 456).
Ở đây, chúng tôi chỉ lược lấy ý chính mà không đi sâu vào chi tiết.
[8] A. ÐẠI CHÚNG BỘ (Mahasanghikàh):
Nhất Thiết Bộ (Ekavyahàrikàh)
I. Thuyết Xuất Thế Bộ (Lokottaravàdinàh)
Kế Dận Bộ (Kaukutikàh)
II. Ða Văn Bộ (Bàhusrutiyàh)
III. Thuyết Giả Bộ (Prajnàptivàdinah)
Chế Ða Văn Bộ (Jetavaniyàh)
IV. Tây Sơn Trụ Bộ (Aparásaiyàh)
Bắc Sơn Trụ Bộ (Uttarásailàh)
B. THƯỢNG TỌA BỘ (Sthavathàh):
I. Tuyết Sơn Bộ (Haimavathàh)
II. Ðộc Tử Bộ (Vàtsipoutriyàh)
III. Pháp Thượng Bộ (Dharmottaràh) Hiển Vũ Bộ (Bhadrayaniyàh)
Chính Lượng Bộ (Sànnagarikàh) Mật Lâm Sơn Bộ (Sàmagarikayah)
Hóa Ðịa Bộ (Mahisàsakàh)
Pháp Tạng Bộ (Dhamaguptàh)
Ẩm Quang Bộ (Kàsyapiyàh)
VII. Kinh Lượng Bộ (Sautràntikàh)
Trong 20 bộ phái trên, theo ngài Huyền Trang (Hsan Tsang 600 – 664), đời Ðường, Trung Hoa, dịch bộ Di Bộ Tôn Luân Luận thì, cách Phật Niết bàn chừng 100 – 200 năm, ÐẠI CHÚNG BỘ, lần thứ nhất: chia ra Nhất Thuyết Bộ, Thuyết Nhất Thế Bộ, Kế Dận Bộ, Lần thứ 2: Ða Văn Bộ, Lần thứ 3: chia ra Thuyết Giả Bộ, Lần thứ 4: chia ra Chế Ða Văn Bộ, Tây Sơn Trụ Bộ, Bắc Sơn Trụ Bộ; tức là một bộ phái căn bản, chia thành 8 bộ phái chi mạt. Về THƯỢNG TỌA BỘ, lần thứ nhất: chia ra Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (cũng gọi là Tuyết Sơn Bộ). Lần thứ 2: từ Hữu Bộ chia ra Ðộc Tử Bộ, Lần thứ 3: từ Ðộ Tử Bộ chia ra làm 4 bộ: Pháp Thượng Bộ, Hiền Vũ Bộ (có chỗ gọi là Hiền Hữu Bộ), Chính Lượng Bộ, Mật Lâm Sơn Bộ, Lần thứ 4: Hóa Ðịa Bộ. Lần thứ 5: từ Hóa Ðịa Bộ chia ra Pháp Tạng Bộ. Lần thứ 6: Từ Hữu Bộ chia ra Ẩm Quang Bộ. Lần thứ 7: cũng từ Hữu Bộ chia ra Kinh Lượng Bộ; ấy là một bộ phái căn bản chia ra 10 bộ phái chi nhánh.
Sau khi THƯỢNG TỌA BỘ chia ra Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ rồi, thì thế lực có phần nào yếu kém, phải rời ra ở Tuyết Sơn, nên cũng gọi TUYẾT SƠN BỘ. Tổng cộng cả bộ phái căn bản lẫn chi mạt của Ðại Chúng Bộ và Thượng Tọa Bộ, thành 20 bộ phái, như đã ghi ở trên.
[9] Thời Luận (số đặc biệt kỷ niệm năm 2500 lịch sử Phật giáo).
[10] Cả thảy có đến 12 lần kết tập. Nhưng sáu lần kia có tính cách địa phương, chẳng qua do Giáo Hội Tăng Già của mỗi xứ họp nhau lại ở một chùa viện nào đó rồi cùng nhau chỉnh đốn Tam Tạng và phiên dịch ra chữ của mỗi quốc gia, như Miến Ðiện, Thái Lan, Kampuchia, Ai Lao, Trung Hoa, Nhật Bản v.v… nên những lần ấy không được gọi là chính thức.
[11] Năm Thời Thuyết Pháp.
Theo Ngài đại sư Trí Khải thì đức Phật thuyết pháp chia là 5 thời kỳ:
1. Thời kỳ Hoa Nghiêm (Avatamsaka). – Sau khi mới thành đạo, đức Phật dùng tuệ nhãn nhìn thấy rõ tâm địa các vị đại Bồ tát và các bậc căn trí thượng thừa đã thuần thục, nên Phật nói kinh Hoa Nghiêm để giáo hóa và điều ngự họ. Trong số đó cũng có những hàng tiểu căn nghe, nhưng lại chẳng hiểu đức Phật nói gì cả.
2. Thời kỳ A Hàm (Agamas). – Thời kỳ đức Phật nói kinh “Tứ A Hàm”:
- Dirghàgamsa sutra (Trường A Hàm)
- Madhyamàgamas sutra (Trung A Hàm)
- Ekottarikàgamas sùtra (Tăng Nhất A Hàm)
- Samyaktàgamas sùtra (Tạp A Hàm) và
- Khudhana sùtra (Tiểu Tạp A Hàm) (Tạp Tạng) thì gọi là “Ngũ uyển”. Bộ kinh này đầu tiên đức Phật giảng tại vườn hoa Lộc Uyển (Sarnath), nên sau này còn gọi là Thời kỳ Lộc Uyển, vì căn cơ của các hàng Thanh văn còn thấp kém nên Phật nói Pháp “Tứ Diệu Ðế” (Catuariyasaca = Khổ, Tập, Diệt, Ðạo); diễn giảng trong 4 bộ kinh A Hàm, để giáo huấn các bậc sơ cơ Tiểu Thừa.
3. Thời kỳ Phương Ðẳng (Vaipulya). – “Phương Ðẳng” có nghĩa là thời kỳ thuyết giáo chung cho hết thảy chúng sinh, gồm 4 giáo TẠNG – THÔNG – BIỆT – VIÊN. Về thời kỳ này, đức Phật nói kinh Vimalakirti (Duy Ma Cật) để giáo hóa các bậc Tiểu Căn, rằng giáo pháp thuộc Nhị Thừa giáo chưa phải là chỗ rốt ráo, cùng tột, đã vội cho là đủ, tức Phật có ý quở trách để họ tự biết hối mà hâm mộ giáo lý Thượng Thừa.
- Tạng Giáo, tức Tam Tạng Thánh Giáo.
- Thông Giáo, tức có nghĩa là đức Phật thuyết pháp cho mọi hạng người đều nghe. Hàng đệ tử căn cơ ám độn khi nghe giáo pháp ấy thì “thông” vào Tạng Giáo; bậc căn trí sáng láng, nghe giáo pháp ấy rồi thì được “thông” vào Biệt Giáo và Viên Giáo, nên gọi là Thông Giáo.
- Biệt Giáo, tức là đức Phật nói phép cho hàng Bồ tát, khác với Tạng Giáo, Thông Giáo kể trên và Viên Giáo sau này, nên gọi là Biệt Giáo.
- Viên Giáo, Ðức Phật đối với các bậc Bồ tát có căn trí thông tuệ mà nói ra pháp cao siêu, mầu nhiệm, dạy đủ Viên, Ðốn, cho nên gọi là Viên Giáo.
(Trong 4 Giáo trên, TẠNG, THÔNG BIỆT, là 3 giáo thuộc về Quyền Giáo, VIÊN giáo thuộc về Thật Giáo).
4. Thời kỳ Bát Nhã (Prajnãramita), tức thời kỳ đức Phật nói các kinh Bát Nhã để mở mang kiến, văn, giải, cho hàng Tiểu căn, có tâm hướng thượng; nhưng hãy còn có chỗ cố chấp, chưa dứt bỏ hết được, nên Phật nói pháp “Bát Nhã Không Tuệ” để phá chấp, giúp cho họ không đạt lý CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU của các “Pháp”. (Ðấy chẳng qua là “giả tướng”, chứ thực ra không có cái gì là thật thể hiện hữu trên cõi đời này). Nhờ đó mà hàng Tiểu căn sớm đạt được giải thoát.
5. Thời kỳ Pháp Hoa và Niết Bàn (Saddharmapundarikam – Nirvàna), tức thời kỳ đức Phật nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa và kinh Niết Bàn cho mọi căn cơ, mọi lớp người (từ thượng căn, bậc căn trí thông tuệ, đến trung căn, bậc căn trí trung bình và hạ căn, bậc căn trí thấp kém), tất cả đều được nghe và hiểu, tùy mỗi căn tính chúng sinh; cũng gọi là “HộiTam Qui Nhất” cho đến khi đã thuần thục, nên đức Phật trực chỉ nghĩa Khai, Quyền, Hiển, Thực, tức là chỉ thẳng Thật Tính, Thật Tướng của các “pháp”; không ngoài mục đích: “Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật Tri Kiến” cho chúng sinh đều được chứng đạo quả “Vô Thượng Bồ Ðề = Anuttara Samyak Sambodhi”. Ngoài ra, cũng có những căn cơ vì quá thấp kém thì Phật giảng kinh Niết Bàn để độ tận chúng sinh cùng vào bể “Ðại Hải Thanh Tịnh”, chứng đạo quả “Giác ngộ” và “Giải thoát”.
[12] Câu này ý nói: Chân lý chỉ có một – chân lý là chân lý – ta không thể mô tả nó trên giấy tờ chữ nghĩa, cũng không thể đem Cái Này, Cái Kia làm tỷ dụ. Chỉ khi nào con người trực giác mới thấu hiểu mà thôi.
– Kinh Văn Thù chép lời đức Phật (khẳng định): “Suốt 49 năm Như Lai chưa từng nói một lời. Một lời, là pháp chân thực thường nhiên, không thể diễn nói được, và Như Lai ở trong trạng thái vô sinh, không từ đâu đến và không đi về đâu…”
Ðứng trên lập trường bản thể để xác định: “Như Lai chưa nói một lời”. Nhưng đứng về hiện tượng giới, ta thấy đức Phật Thích Ca, bằng thân hình loài người, đi tu, đắc đạo và nói pháp, giáo hóa chúng sinh trong 49 năm (Kinh điển Tiểu Thừa nói đức Phật thuyết pháp 45 năm), trụ thế 80 năm, rồi nhập Niết Bàn. Nói khác, là con người, hễ có sinh ra là có chết đi. Thì ứng thân Thích Ca bằng thân hình loài người cũng đã chết, cách nay 2515 – 1971. Nhưng Pháp thân Phật (Như Lai) không chết – vì, Như Lai không từ đâu đến và không đi về đâu (… tòng vô sở lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai – Ðức Phật, từ bản thể hiện ra hiện tượng nhưng vẫn không rời bản thể, siêu xuất cả hai mặt mới gọi là Như Lai.)
[13] Giáo: những lời dạy của Phật là Như Thật, đúng chân lý.
Lý: lý giải chân lý.
Hành: thực hành phương pháp thực hiện chân lý. Quả: thể hiện chân lý.
[14] Bảng phân phối mục lục này dựa theo cuốn Tư Tưởng Phật Giáo và bài Phật Giáo Nam Phương (Vạn Hạnh số X. tháng 2, 1966).
[15] Chữ “TÂM”, hiểu theo nghĩa rộng, tức chỉ cho Bản Thể Chân Không Diệu Hữu của vũ trụ vạn hữu…
[16] TAM QUI: Quy y Phật, qui y Pháp, quy y Tăng.
[17] NGŨ GIỚI: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
[18] THẬP THIỆN: không giết hại chúng sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói những lời ác xấu, thêu dệt, dèm pha, hung bạo, không tham, không giận, không si mê.
[19] Tứ Diệu Ðế: Catuariyasacca
- Khổ Diệu Ðế (Dukkha Ariyasacca): Sự khổ ở đời.
- Tập Diệu Ðế (Samudayat Ariyasacca): Nguyên nhân sự khổ.
- Diệt Diệu Ðế (Nirodha Ariyasacca): Sự khổ tiêu diệt (giải thoát: Apavaryah).
- Ðạo Diệu Ðế (Magga Ariyasacca): Phương pháp diệt trừ nguyên nhân sự khổ gồm Tám Con Ðường Chính (Bát Chính Ðạo Ayàstaniga Màrgamàni):
- Samyagdrstih: thấy biết chân chính.
- Samyaksamkalpah: suy nghĩ chân chính.
- Samyagavàk: lời nói chân chính.
- Samyagàjivàh: nghề nghệ chân chính.
- Samyagvyàyàmah: đời sống chân chính.
- Samyaksmrtih: siêng năng chân chính.
- Samyaksmrtih: nhớ tưởng chân chính.
- Samyaksamàdhih: định tâm chân chính.
[20] THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN = Dvàda’sàngah prtiyasamutpàdah. (xin xem mục Nhân Sinh Quan)
[21] LỤC ÐỘ:
- Dànapàramita: Bố Thí.
- Silapàramita: Trì Giới.
- Ksàntiparamita: Nhẫn Nhục.
- Viryanàramita: Tinh Tấn.
- Dhyànapảratkita: Thiền Ðịnh.
- Prajnãparamita: Trí Tuệ.
[22] VẠN HẠNH: làm mọi việc tốt lành có ích lợi cho bản thân và cho chúng sinh.
[23] Phật giáo tuy là một tôn giáo nhưng không có tính cách thần khải, thần quyền – chú thích của người viết.
[24] Trí Quang – Lịch Sử Truyền Bá Phật Giáo, trang VIII
[25] Những hội nghị trên đều có phái đoàn đại diện Ðạo Phật.
[26] Luôn thể, tôi xin trích lược đoạn chính bài diễn văn của Tổng Thống Ấn Ðộ, đọc trước Ðại Hội Phật Giáo Thế kỳ VII, họp tại Sarnath từ 27–11 đến 4-12-1964, để cống hiến quý vị độc giả cùng thưởng lãm.
“… Thật không có gì ý nghĩa và thích hợp hơn kỳ hội nghị lần này tại vườn Lộc Uyển (Sarnath). Vì chính nơi đây, khoảng 2500 năm về trước, Đức Phật đã chuyển pháp luân (Dhamacakkarasutta), truyền giảng bốn chân lý (Khổ, Tập, Diệt, Ðạo) cho nhân loại. Ðây là lần đầu tiên, một người Ấn Ðộ đã điều ngự được lòng sùng bái của nhân loại mà không cần đến một mũi tên, một ngọn giáo.
“Tôi tin tưởng rằng với kỳ hội nghị này đức Phật đã truyền giảng tại nơi đây, tượng trưng bởi “pháp luân” mà chính phủ Ấn Ðộ đã thành kính chọn làm quốc kỳ của mình, sẽ ngày càng sáng rỡ hầu làm ngọn đuốc dẫn dắt nhân loại đang quờ quạng trong bóng tối dầy đặc của tham, sân, si, đến Hòa Bình thịnh vượng.
“Ðức Phật là lý tưởng của nhân loại, là một Người hoàn toàn nhất trong tất cả loài người từ cổ chí kim. Ngài là biểu tượng của những gì thanh cao, sáng suốt và tươi đẹp nhất hiện có ở thế gian.
“GIÁO LÝ CỦA NGÀI LÀ KẾT TINH TẤT CẢ NHỮNG GÌ GỌI LÀ TINH HOA CỦA LOÀI NGƯỜI, NHỮNG GÌ NGÀI DẠY LÀ NHỮNG LỜI NÓI VỀ SỰ THẬT, VỀ VŨ TRỤ VÀ VỀ CON NGƯỜI.
…
“tôi còn nhớ một người bạn của tôi, đại hiền triết Bertrand RUSSELL, của Anh Quốc, đã có lần tuyên bố: “Ðạo Phật hấp dẫn tôi chính vì khía cạnh thực tế (pragmatic), tự do và khoan dung của nó. Nếu tôi cần theo một tôn giáo, tôi sẽ chọn đạo Phật”. Tôi cũng còn nhớ câu chuyện Thủ tướng Anh Winston CHURCHILL kể cho tôi nghe về ảnh hưởng tốt đẹp của bức tượng Phật của ông trong thời đại nhị thế chiến. Ông cho biết là suốt thời kỳ lãnh đạo cuộc chiến tranh chống lại Hitler, bức tượng Phật gia bảo để trên bàn trước mắt ông, đã đem lại cho ông không biết bao nhiêu là an lạc và can đảm. Một tôn giáo như thế, với một vị giáo chủ như thế, nhất định sẽ điều phục nhân loại để kiến tạo Hòa Bình và xây dựng một thế an lạc Từ Bi…”
[27] Trích trong bản chương trình nghị sự giới thiệu sơ lược đạo Phật của Ðại Hội Liên Ðoàn Phật Tử Châu Âu, họp tại Berlin, 9 – 1992- Tạp chí Lotus Blatter 8/92.
[28] “… vào cuối thời mạt pháp, đạo Phật sẽ phục hoạt trở lại” – Kinh Bảo Tích.