LTS. – Gần đây Tập san NCPH nhận được một số bài viết cộng tác của quý độc giả. Trong tinh thần khuyến khích việc biên khảo, nghiên cứu và sáng tác, cũng như mở rộng đối thoại về các vấn đề Phật học, BBT xin giới thiệu bài viết sau đây của Thầy Hải An. Các bài được chọn đăng không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tập san.
Lịch sử Việt nam đã không ít lần ghi lại những sự kiện quan trọng của quá trình dựng nước và giữ nước. Cho đến ngày nay, trải qua bao thăng trầm, Việt nam một đất nước độc lập, có nền văn hoá lâu đời mang đậm bản sắc Phật giáo. Cùng với thời gian, trải qua bao khó khăn dân tộc Việt nam đã dần dần chọn cho mình một ngôn ngữ và chữ viết riêng nhằm loại bỏ sự lệ thuộc ngôn ngữ mà những thế hệ tiền bối đã nỗ lực cố công trong suốt 1000 năm Bắc thuộc.
Ngày nay, người Việt nam nói chung và những người Việt nam theo Phật giáo nói riêng học hỏi, tu tập, tụng niệm, thực hiện các nghi lễ, giảng dạy Phật pháp… tất cả đều đã sử dụng tiếng Việt, chữ Việt là một điều hợp lẽ. Tuy vậy, trong lịch sử thực tế gần 2000 năm đạo Phật đã truyền bá và phát triển trên đất nước ta, bên cạnh sự chuyển biến của chữ viết Việt nam, chữ viết dùng để ghi chép kinh điển Phật giáo ở nước ta chuyển biến không đơn giản. Do hoàn cảnh lịch sử, hầu hết kinh sách Phật giáo truyền tới ta từ trước đến nay đều thuộc dòng bắc truyền Hán tạng do người Trung hoa phiên dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. Người Việt xưa chịu ảnh hưởng ngàn năm Bắc thuộc cũng quen dùng chữ Hán diễn đạt tư tưởng mình nên các Tăng Ni và Nho sĩ đọc kinh sách chữ Hán không gặp trở ngại nào đáng kể. Thế nhưng, cũng như công cuộc truyền bá tư tưởng nào, sự nghiệp xiển dương Phật pháp ở nước ta từ xưa đến nay đều vấp phải một trở ngại lớn lao và cơ bản. Đó chính là hàng rào ngôn ngữ. Điều này có thể nói là kết quả của một quá trình nhiều thế kỷ dân tộc đã trải qua. Những tư tưởng cao siêu trong kinh sách Phật giáo khó có thể thấm sâu trong quảng đại quần chúng Phật tử bình dân do hàng rào ngôn ngữ này. Đó chính là kẽ hở để mê tín dị đoan có thể xen vào làm méo mó hình ảnh, phong trào Phật giáo nước ta.
Lại nữa, từ khi người Việt nam có được chữ viết theo bộ chữ cái La-tinh (chữ quốc ngữ). Cho đến vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, một trong số biến chuyển có liên quan đến chữ viết ở nước ta là sự định hình chữ quốc ngữ, chứng tỏ khả năng có thể dùng để sáng tác cũng như diễn đạt trong mọi lĩnh vực học thuật, tư tưởng của nó… “Ngày nay đất nước Việt nam hoàn toàn độc lập… nguời Việt nam đã có một thứ chữ riêng, đủ sức diễn đạt tư tưởng của dân tộc ta. Chữ quốc ngữ có khả năng phiên dịch các loại sách văn hoá, khoa học, triết học, tôn giáo… của nước ngoài. Đây là một vinh hạnh lớn lao cho xứ sở mình mà tổ tiên ta chưa từng có.” (diễn văn khai mạc lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm, Đà lạt, của HT Thích Thanh Từ.) Cùng với việc chữ Hán không còn thông dụng trong sinh hoạt xã hội, thì đối với cửa Thiền dấy lên làn gió mới chấn hưng Phật giáo của các nhà hoạt động Phật giáo Việt nam mà tiêu biểu là sự cố gắng dịch thuật kinh điển từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ. Đây là bước phát triển với những gương mặt tiên phong đáng kính như: BS Tâm Minh-Lê Đình Thám, cụ Tuệ Nhuận-Mai Quang Thùy, cụ Thiều Chửu… đã in một dấu son trong lịch sử Phật giáo Việt nam cận đại.
Tuy nhiên, đối với công tác dịch thuật, trước tác đòi hỏi trải qua nhiều thời gian và không ít khó khăn. Bởi như trên đã nói, tuy nguồn gốc kinh luận là từ Ấn độ, viết bằng chữ Phạn, nhưng phần lớn có mặt ở nước ta lại là kinh bản Hán tạng. Mà ngôn ngữ Hoa Hán là rất hàm súc, nhưng ngữ pháp thiếu chặt chẽ, vắng mặt các dấu ngắt câu nên dễ gây nhầm lẫn cho người đọc.
Vì chỉ là bước sơ khởi nên không tránh khỏi những hạn chế trong công tác Việt hoá kinh điển (từ chữ Hán). Nhận xét về công việc dịch thuật trong giai đoạn này, tác giả Huyền Cương-Lê Trọng Cường đã viết: “Bước đi ban đầu trong sự nghiệp dịch thuật kinh sách ra tiếng Việt khó tránh khỏi những hạn chế của nó. Hầu hết các bản dịch kinh luận thời ấy tồn tại một tỷ lệ lớn các từ Hán-Việt, và nhất là phong cách biểu đạt còn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của cấu trúc ngôn ngữ Hoa-Hán. Vì vậy, nhìn chung chúng ta còn khá xa vời với tiếng Việt phổ thông hiện đại.”
Như đã thấy, những tư tưởng thâm sâu trong kinh sách Phật giáo đã bị hạn chế ở ngôn ngữ Trung hoa. Và khi đã được dịch ra tiếng Việt, thì đó là một điều đáng mừng cho những tín đồ Phật giáo và cả những ai không thuộc Phật giáo muốn tìm hiểu. Nhưng oái oăm thay, cái tư tưởng ngần ngại khi phải thay đổi một thói quen huân tập bao đời, ‘sính dùng kinh chữ Hán’, đã hạn chế sự nghiệp xiển dương Phật giáo nước nhà. Không phải tất cả, song phần lớn Tăng Ni Phật tử tu tập đọc tụng kinh điển hàng ngày, nhiều người đã có thể thuộc hay cố gắng học nằm lòng các bản kinh dài phiên âm Hán Việt hoặc những câu, những bài chú bằng tiếng Phạn, tiếng Pāli, mà trong đó có mấy ai hiểu được nội dung nói gì, nếu không muốn nói là đôi lúc sự hiểu biết đó còn sai lệch. Đối với họ việc tụng, đọc kinh văn bằng âm chữ Hán là một sở thích và sở trường mà khó khăn lắm mới đạt được. Học và tụng kinh bằng âm Hán Việt thật khó và quá nhiều công phu. Tuy nhiên, nếu tất cả các kinh đều chưa được dịch ra tiếng Việt, thì không có lựa chọn nào khác hơn là phải học và tụng kinh điển qua âm Hán Việt. Trong khi đó bỏ thời gian để học thuộc một bài kinh bằng phiên âm Hán Việt mà chưa hiểu nghĩa của nó, chi bằng cùng một thời gian đó có thể học, tụng được nhiều kinh bằng chữ Việt và tất nhiên là hiểu rõ nội dung của những kinh đó huấn thị điều gì.
Đành rằng, việc học chữ Hán hay một ngoại ngữ nào đó thông qua một bản kinh hoặc bài tụng là một điều hữu ích và đáng làm, nhưng học chữ Hán để đọc, tụng và đặc biệt là hiểu được nghĩa kinh là một việc làm tốn nhiều công phu và kém hiệu quả khi các bản kinh đã được dịch ra tiếng Việt.
Cho đến nay Phật giáo Việt nam sắp hoàn thành Đại tạng Kinh bằng tiếng Việt. Một số tổ đình, Thiền viện ở Việt nam đang tiên phong trong nỗ lực tiến hành sự nghiệp Việt hoá kinh luận bằng cách áp dụng các thời khoá tu tập tụng niệm kinh văn chữ Việt như Nghi thức tụng kinh hai thời: buổi trưa (Tâm kinh Bát nhã) và buổi tối (Nghi thức Sám hối – vua Trần Nhân Tông) được thực hành tại Thiền viện Trúc Lâm, Đà lạt. Cũng như những bản kinh Gươm báu chặt đứt phiền não, Người biết sống một mình, Kinh A-di-đà và kinh Tuổi trẻ và Hạnh phúc… hay cuốn Thiền môn nhật tụng năm 2000 do Đạo tràng Mai thôn biên tập được áp dụng cùng với các buổi Thiền tập hàng ngày tại tổ đình Từ Hiếu, Huế.
Bước đầu còn nhiều khó khăn nên không thể cầu toàn, dù chưa thực hoàn hảo. Và, trong sự thay đổi ban đầu tuy không tránh khỏi chói tai nguời nghe (vì chưa quen, nhất là những bài kinh đã áp dụng trì tụng hàng ngày bằng âm Hán Việt) và còn nhiều thiếu sót, nhưng có mặt của kinh luận tiếng Việt cũng là điều đáng khích lệ lắm vậy.
Hơn bao giờ hết, việc thay đổi một thói quen đã huân tập bao đời bằng việc đọc tụng kinh tiếng Việt đã khó, việc dịch thuật kinh luận Phật giáo lại càng khó hơn. Nhưng để đi đến hiện đại hoá Phật giáo, nhằm đưa đạo Phật ngày càng phát triển hơn ở thế kỷ mới, đòi hỏi phải thực hiện cho được sự nghiệp cao cả là phiên dịch kinh tạng.
Dịch thuật kinh luận Phật giáo quả là một công việc thầm lặng và đầy khó khăn, đòi hỏi người dịch ngoài tri thức uyên áo về Phật học, kỹ năng nhuần nhuyễn trong biểu đạt ngôn ngữ và có nhiều tài liệu tham khảo, còn cần một tinh thần làm việc tự giác giác tha cao cả. Với tinh thần đó dịch thuật kinh luận cũng là tiến hành một cuộc cách mạng lớn lao và bức thiết đối với công cuộc hoằng pháp; nhằm cập nhật hoá ngôn ngữ Phật giáo trong kinh luận, tạo ra công cụ sắc bén để phổ biến Chánh pháp, tránh được những hiểu sai lầm cho người tu, hạn chế những mê tín dị đoan đáng tiếc.
Đức Phật đã từng dạy: “Sau khi Như Lai diệt độ, người nào có thể biên chép, giữ nhận, đọc tụng, cúng dường, giải kinh cho người khác thì người đó được Như Lai lấy áo trùm lên mình…” Qua đó chúng ta có thể biết được điều mà đức Phật muốn nhắm đến, đồng thời được đánh giá cao, không gì khác ngoài sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp. Và đối với Phật giáo Việt nam, có lẽ cần bỏ lại phía sau mình những thói quen, sức ỳ và khuôn mẫu đã lỗi thời, với tinh thần Bi, Trí, Dũng quyết tâm thực hiện Việt hoá việc tụng, giảng và tiến hành nghi lễ Phật giáo để đưa Phật giáo Việt nam tiến kịp thời đại.
[Tập san Nghiên cứu Phật học, số 4, PL 2546]