MỘT CƠ SỞ GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
VIỆT NAM ĐỐI MẶT VỚI THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI [1]Diễn văn của T.T. Thích Minh Châu đọc tại Hội nghị về Hướng Đạo Đại học ở thủ đô Mễ Tây Cơ (Mixico city) ngày 17 cho đến ngày 20-08-1969, nguyên tác do … Continue reading
(MỘT KHÍA CẠNH CỦA SỰ HƯỚNG ĐẠO ĐẠI HỌC)
Kính thưa Ông Chủ Tịch,
Kính thưa quí vị đại biểu và thân hữu.
Chúng tôi cảm thấy vô cùng hân hạnh được đại diện Viện Đại học Vạn Hạnh của chúng tôi trong buổi hội thảo về Hướng Đạo Đại học này trước một cử tọa tôn quí, và giữa nhiều bậc học giả và giáo sư uyên bác của nhiều đại học khác nhau trên thế giới.
Hẳn quí vị cũng đã thừa rõ rằng Việt Nam là một xứ sở chìm đắm trong khói lửa chiến tranh ngót hai mươi năm nay. Bởi thế, đa số sinh viên của chúng tôi đã sinh ra giữa lòng chiến tranh, lớn lên giữa lòng chiến tranh và một số cũng đã bỏ mình trong chiến tranh. Tuổi trẻ thì vốn dễ nhạy cảm xúc động với những gì họ đã nhìn thấy xung quanh họ khi họ chứng kiến sự tàn sát sinh linh con người, sự căm thù của phía bên này đối lại với sự căm thù của phía bên kia, và cả hai phía đều là anh em chị em với nhau nhưng chỉ bị chia rẽ nhau vì những ý thức hệ, khi họ phải chạm mặt với mọi hình thức tham nhũng, hỗn loạn, đồi bại xã hội do những cơ sự chiến tranh manh tâm điều động, tất nhiên họ trở nên chán chường, bất cần, nổi loạn hay đánh mất mọi hy vọng vào những giá trị nhân tính và không còn trông mong gì nữa vào tương lai của tổ quốc họ. Viện Đại học Vạn Hạnh chúng tôi chẳng may ra đời giữa lòng cuộc chiến tranh hiện tại vào năm 1964 và đã lớn lên giữa chiến tranh. Nhưng chúng tôi được may mắn hiểu nhận ra tâm lý của những người sinh viên trẻ tuổi đã tìm đến Viện Đại học chúng tôi, và chúng tôi ý thức ngay rằng sự hướng đạo nào cần phải được thực hiện để dẫn dắt cho thế hệ thanh niên này, nạn nhân của một di hưởng không phải do họ tự tạo nên. Trước hết, chúng tôi ý thức những bổn phận của chúng tôi đối với thế hệ trẻ tuổi này, là làm bất cứ việc gì chúng tôi có thể làm để giúp cho nhẹ bớt gánh nặng hiện tại mà tuổi trẻ đã phải gánh vác. Chúng tôi muốn họ ý thức cảm nhận rằng, giữa sự tàn phá giết người này vẫn hãy còn có những vị giáo sư và những nhà giáo dục luôn luôn sát cánh họ và gần gũi họ, trong ngày mưa dầm hay nắng lửa, và quả thực không thể nào có khoảng cách giữa những thế hệ già và những thế hệ trẻ, khi mà chúng ta được lưu luyến ràng buộc nhau bởi những mối liên hệ thiêng liêng về giáo dục và tình nghĩa huyết thống dân tộc. Chúng tôi biết rằng tuổi trẻ không còn là tuổi trẻ nữa khi họ đã mất niềm hy vọng của thanh xuân, niềm hy vọng bị giết chết đi vì sự bỉ ổi của cuộc chiến tranh dai dẳng này. Bởi vậy một trong những bổn phận đầu tiên của chúng tôi đối với sinh viên là duy trì và đánh dậy cho bùng cháy lên ngọn lửa hy vọng và hưởng thượng trong tâm tư và trí não họ, nếu không thế thì danh từ “thanh niên” trở thành giả tạo nếu không muốn nói là một lời xâm phạm. Không những thế, chúng tôi còn muốn thiết lập Viện Đại học Vạn Hạnh của chúng tôi như một hải đảo kiên cố đứng vững trước những phong ba phá hoại và ngăn chặn lại những ảnh hưởng tai hại do cuộc chiến tranh dai dẳng đem lại. Chiến tranh là sự phủ nhận nhân phẩm con người và giết hại lý tưởng của tuổi trẻ. Chiến tranh có nghĩa là sát hại chẳng cần phân biệt và tàn phá mọi sự không chừa gì lại cả. Đại học nói lên sự tôn trọng những giá trị của con người và vẻ đẹp của sáng tạo và lưu tồn.
Bởi thế Viện Đại học Vạn Hạnh, với những giới hạn riêng của mình và với tất cả khiêm cung, cố gắng hết sức để làm tròn những bổn phận đối với đoàn thể thanh niên và quốc gia. Chúng tôi không những duy trì và khêu bùng ngọn lửa hy vọng trong lòng sinh viên chúng tôi, chúng tôi còn dìu dắt họ trở thành những nhà lãnh đạo tương lai của quốc gia. Không những họ không được bi quan và có thái độ phẫn thế “bất cần đời”, mà họ còn phải gắng sức làm việc và chuyên cần tự đào luyện tinh thần, trí thức và tâm linh ngõ hầu thích nghi vào địa vị phụng sự tổ quốc trong tương lai gần gũi. Bốn năm qua, từ buổi ban đầu của Viện Đại học Vạn Hạnh, chúng tôi biết vai trò dạy dỗ và hướng dẫn thanh niên chúng tôi khó khăn và nặng nề ra sao, nhưng chúng tôi cũng được trải qua bao nhiêu kinh nghiệm của chúng tôi đầy sinh động sôi nổi phấn khởi biết bao, mỗi khi mà chúng tôi nhận thấy rằng sự giáo dục và sự tận tụy của chúng tôi đối với tuổi trẻ không phải là phù phiếm. Chiến tranh ở đây đã kéo dài 20 năm, đó là một thực tế đời sống ở Việt Nam. Những thanh niên và giáo dục cũng có mặt ở đây từ hai mươi năm qua, đó cũng là một thực tế đời sống khác ở Việt Nam. Bất cứ khi nào có giáo dục đại học là có hy vọng cho thanh niên, có hy vọng cho quốc gia.
Từ kinh nghiệm riêng của chúng tôi trong bốn năm có mặt (Đại học Vạn Hạnh mới chỉ được bốn tuổi), chúng tôi muốn lưu ý quí vị một khía cạnh khác của sự hướng đạo Đại học, đó là sự tương quan giữa thầy và trò, giữa giáo sư và sinh viên. Dường như vì sự bành trướng nhanh chóng của giáo dục, khuynh hướng chuyên môn hoá và sự gia tăng phi thường của số lượng sinh viên và môn học được đem ra giảng dạy, sự tương quan giữa giáo sư và sinh viên có khuynh hướng trở thành sự tương quan giữa những kẻ bán kiến thức và khách hàng đến mua kiến thức. Khuôn mặt thực tính của giáo sư dường như đã mất và giáo sư không có sự liên lạc nào khác với sinh viên ngoại trừ sự hiểu biết của ông ta đem bán cho sinh viên. Sự kiện này có hại hơn là có lợi cho những mục tiêu của giáo dục và có thể là một trong những nguyên nhân sâu xa của sự nổi loạn hiện tại của sinh viên. Quả thực đã quá xa hẳn những mục tiêu giáo dục của Đông phương cổ xưa, trong đó những vị giáo sư không những là kẻ ban phát kiến thức mà còn là một biểu tượng đức lý và một hướng đạo tâm linh cho học viên. Đó là tình nghĩa giữa Đạo sư và môn đệ, giữa cha và con, trong đó sư phụ, ngoài bốn phận trí thức còn có một bổn phận tinh thần cũng như tâm linh đối với người được dạy dỗ. Đó là điều cần phải thực hiện nếu chúng ta muốn đạt tới ý nghĩa sâu xa của giáo dục Đại học và khai phá mọi khả tính tiềm năng của sự hướng đạo Đại học. Chúng tôi tha thiết hy vọng rằng buổi hội thảo này sẽ khai phá khía cạnh này trong việc hướng đạo Đại học và tìm thấy ở đó một giải pháp nào đó cho những vấn đề hiện tại của sinh viên.
Kính thưa ông Chủ Tịch, quí vị đại biểu và các thân hữu; với lời tỏ bày ngắn ngủi này, tôi xin phép được kết thúc bài diễn văn của tôi với lời cảm ơn gửi tới Ông Chủ tịch và ban tổ chức buổi hội thảo này đã dành cho Viện Đại học của chúng tôi và cá nhân tôi vinh hạnh được dự Đại hội này.
THÍCH MINH CHÂU
↑1 | Diễn văn của T.T. Thích Minh Châu đọc tại Hội nghị về Hướng Đạo Đại học ở thủ đô Mễ Tây Cơ (Mixico city) ngày 17 cho đến ngày 20-08-1969, nguyên tác do Thượng tọa viết thẳng bằng Anh ngữ, bản dịch Việt văn của Chân Pháp. |
---|