X.
GIÁO DỤC TÌNH CẢM
1. TÌNH CẢM LÀ GÌ?
Trong Đoạn Trường Tân Thanh có kể chuyện ba chị em Thúy Kiều cùng đi du xuân trong ngày hội Đạp thanh, chiều trên đường về gặp nấm mồ vô chủ không ai hương khói. Kiều hỏi, Vương Quan kể cho nàng nghe đó là mồ của một ca nữ nổi danh một thời tài sắc. Qua câu truyện kể, chị thì:
Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa!
Còn em thì:
Vân rằng: chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!
Hai phản ứng khác nhau trước một đối tượng biểu hiện sự khác nhau của hai bản chất. Nói một cách chung, con người bồi hồi trước cái đẹp, cảm động trước một hành vi mà không đợi có sự hiện diện của lý trí trong tác dụng phân biệt, xét đoán, phân tích, đối chiếu, thẩm định hay một môi giới khách quan nào; cái trạng thái tâm lý trực tiếp, đồng nhất của tâm và thân ấy là tình cảm. Hoặc người ta có thể nói tình cảm là những trạng thái tâm lý vui buồn, sợ hãi v.v… phát sanh trước khi có tác dụng của ý thức hoặc vượt qua lãnh vực của ý thức.
Thường thường người ta hay phân biệt tình cảm (sentiment) khác với cảm xúc (emotion). Tình cảm được coi như bản chất của nhân cách và cảm xúc là phản ứng hay sự thể hiện của bản chất trước đối tượng.
Giáo dục tình cảm chú trọng vào bản chất và trở nên một lãnh vực trọng yếu trong giáo dục vì tình cảm qui định hoàn thành nhân cách.
Sau đây là hai đặc tính của tình cảm mà lãnh vực giáo dục này cần ghi nhận:
– Tình cảm có tính chất của một khuynh hướng cố chấp đối với một vài đối tượng. Thí dụ tình cảm yêu ghét không phải chỉ phát hiện một cách đơn thuần và ngưng đọng hoặc tắt ngấm. Khuynh hướng cố chấp đưa đến giai đoạn sau sự ghét là sự tìm đến hoặc khước từ. Trong Lý 12 duyên sanh của Phật giáo cho thấy sự tiến tới từ Ái đến Thủ. Liền sau đó, giai đoạn kế tiếp có sự hiện diện của ý thức.
– Tình cảm đưa đến thái độ và ý chí quyết định nhân cách. Từ tình cảm đến cảm xúc, đến ý thức, đến ý chí, một diễn tiến tâm lý dây chuyền. Về mặt tiềm ẩn sự diễn tiến xảy ra thật nhanh chóng và lờ mờ ranh giới. Tình yêu tổ quốc khiến người công dân cảm xúc trước nạn quốc gia bị xâm lăng, quyết chí vào quân đội để chống giặc giữ nước. Thí dụ trên có thể tạm mượn để cụ thể hóa sự diễn tiến.
2. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TÌNH CẢM
a) Sự hoạt động tự kỷ
Goethe J.W (1749-1832) nói: “Con người từ khi sinh đến khi chết là một chuỗi hoạt động”. Hoạt động là sự hợp nhất của một toàn thể gồm có tinh thần và thể chất.
Trong chuỗi hoạt động đó, cái căn bản duy trì sự sống tồn tại của con người phải nói là nhịp điệu (rhythm), thí dụ hơi thở ra vào, mạch tim đập, sự tuần hoàn của huyết dịch, sự vận chuyển chân tay v.v…
Nhịp điệu, suy rộng ra, còn là hoạt động căn bản của sự tồn tục của vũ trụ: ngày đêm đắp đổi bốn mùa giao hòa, thủy triều lên xuống, tinh tú vận hành. Mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa hè xanh tươi, mùa thu kết trái, mùa đông tàng ẩn để chờ sang xuân (xuân sanh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng). Khổng tử cũng đã nói: “Bốn mùa vận hành, vạn vật sinh sôi nảy nở” (Tứ thời hành yên, bách vật sanh yên).[1]
Hơn nữa nhịp điệu đã đóng một vai trò không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của loài người. Nhịp điệu đã xuất hiện qua nhịp bước chập chùng bên đống lửa của dân man rợ, và nhịp điệu đã tạo nên ma lực thu hút con người văn minh qua âm nhạc và khiêu vũ v.v… Đối với con người, nhịp điệu có một sức kết hợp giữa thật cảm và sự sống để trở thành một trong những yếu tố cơ bản tạo nên nhân cách. Nhịp điệu vì thế đã được ứng dụng vào thể dục, âm nhạc, ca vũ trong lãnh vực giáo dục tình cảm.
Một yếu tố thứ hai về hình thức hoạt động tự phát của con người là sự điều hòa (harmony). Người thiếu điều hòa thì tình cảm của họ sẽ có những lệch lạc như là bất cập hoặc thái quá. Sự thái quá có thể gây ra những xung động, những bạo phát hoặc sự bất tri túc tạo nên những hành động phản xã hội. Khổng giáo chú trọng giáo dục tình cảm đạo đức bằng lễ nhạc, chủ trương tiết độ và điều hòa mọi khía cạnh sinh hoạt của con người và xã hội. Plato thì bảo: “Con người xấu là người thiếu mỹ cảm sai tiết điệu, mất điều hòa”[2]. Còn Shakespeare thì cho rằng: “Người không hiểu âm nhạc có thể là kẻ trộm cắp”[3]. Những trưng dẫn trên đây cho thấy đã có nhiều kinh nghiệm xác nhận tính cách quan trọng và giá trị của nhịp điệu (rhythm) và điều hòa (harmony) trong vấn đề giáo dục nhân cách.
b) Sự giao tiếp ngoại giới
Tình cảm là yếu tố căn bản qui định hành vi con người. Tình cảm lại có sự liên hệ có tính cách hỗ tương ảnh hưởng đối với ngoại giới như người, vật và thiên nhiên.
Vì thế, bước đầu tiên dưới khía cạnh giáo dục này người ta sửa soạn cho các em một hoàn cảnh thuận lợi cho sự phát triển lòng yêu sinh mạng, tức yêu sự sống, bằng cách nuôi gia súc, lập vườn trồng cây cảnh để cho các em tập chăm sóc dưới bàn tay mình. Từ sự yêu thích sự sống ấy sẽ dẫn khởi đến sự biết tôn trọng sự sống. Ở Nhật-bản khoảng 15 năm về trước, việc lập vườn trồng cây và nuôi gia súc tại các trường tiểu học đã là một phương tiện thực thi giáo dục tình cảm trong ý nghĩa nhằm đào tạo nhân cách của trẻ.
Sau đây là kết quả bảng kiểm vấn đã thực hiện tại một trường tiểu học ở Nhật sau khi có chương trình nuôi gia súc ở học đường:
Câu hỏi: Sau khi thực hiện việc nuôi gia súc ở trường em thấy có ích lợi gì?
Trả lời:
– Nhờ đối xử tốt với gia súc, tâm tính các em trở nên hiền hòa dễ dãi, chúng rất dễ thương và các em dần dần thân với chúng (45 em).
– Các em dần dần cảm thấy thích thú đối với chúng nó (14 em).
– Em thấy có ích vì có nhiều tài liệu để học tập như quan sát, tập vẽ, làm văn (17 em).
– Các em trở nên biết đối xử tốt với súc vật (26 em).
– Vì chúng có ích cho chúng ta (10 em).
– Có lợi vì có thể nuôi chúng bằng đồ ăn thừa như rau ráng mà không bỏ phí (23 em).
– Những lúc rỗi rảnh chẳng biết làm gì có thể chơi đùa với chúng (12 em).
Vì đến phiên mình ai cũng phải có bổn phận chăm sóc chúng, do đó các em phải biết vâng lời và phục tùng (21 em).
– Sau khi nhà trường mua gia súc về nuôi, các em có thêm cơ hội gần nhau và thân nhau (12 em)
– Có người cho đến nay có tánh không ưa gia súc, nhờ bắt buộc phải thay phiên nhau chăm sóc, dần dần trở thành thích chúng nó (13 em).
– Không cho gia súc ăn chúng sẽ chết mất, luôn luôn cho ăn thành thói quen mỗi ngày mỗi ngày làm việc gì cũng được (12 em).
– Ở trường biết cách đối xử chăm sóc gia súc nên khi mua về nuôi thì đã quen cách chăn nuôi (15 em).[4]
Sau khi phân loại còn 12 câu đáp trong đó tuy cũng còn những ý trùng hợp nhưng điều đáng chú ý hơn cả là những câu trả lời của các em đa số đã cho thấy rằng nhờ nuôi gia súc, thương yêu, chăm sóc loài vật mà tánh tình các em đã trở nên hiền hòa dễ mến.
Bước thứ hai là giáo dục tình cảm bằng con đường thưởng ngoạn nghệ thuật.
Các loại động vật chỉ sống bằng bản năng không có tình cảm. Chúng biết ăn uống, biết mưu sinh và biết truyền chủng. Nhưng chúng không biết yêu thương, không biết cảm động. Con người hơn loài vật ở nhiều khía cạnh, nhưng khía cạnh quan trọng hơn cả có lẽ là sự biết cảm động. Con người biết bồi hồi trước cái đẹp thiên nhiên của tạo vật và biết cảm động trước cái đẹp của hành vi con người.
Mức độ cảm động tế nhị hay thô lỗ, nhạy bén hay trì độn, phong phú ngay nghèo nàn tùy thuộc vào bản chất tình cảm của con người. Cho nên những người mà tâm hồn cằn cỗi là người thiếu tình cảm. Người thiếu tình cảm là người không biết thưởng ngoạn nghệ thuật. Hạng người nầy tiếp nhận mọi sự như một thứ nhu cầu do bản năng đòi hỏi. Còn nghệ thuật đối với họ là một thứ gì họ không mấy quan tâm, không những không cần thiết mà đôi khi còn trở thành một sự quấy nhiễu phiền phức cho họ.
Trái lại người có tâm hồn cao thượng, có tình cảm phong phú thì cho dẫu cái sự ăn chơi, tuy là điều nhân dục, cũng đòi hỏi phải có nghệ thuật.
Chúng ta hãy nghe Tản-Đà luận về sự ăn ngon như sau:
“Người, ai không ăn; ăn, ai không muốn ngon. Nhân bàn sự ăn ngon.
“Đồ ăn không ngon thời không ngon; giờ ăn không ngon thời không ngon; chỗ ngồi ăn không ngon thời không ngon; không được người cùng ăn cho ngon thời không ngon.
“Đồ ăn ngon; giờ ăn không ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, không được người cùng ăn cho ngon, không ngon. Chỗ ngồi ăn ngon; đồ ăn không ngon, giờ ăn không ngon, không được người cùng ăn cho ngon, không ngon. Được người cùng ăn cho ngon, đồ ăn không ngon, giờ ăn không ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, không ngon.
“Đồ ăn ngon, giờ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, không được người cùng ăn cho ngon, không thật ngon. Giờ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, được người cùng ăn cho ngon, đồ ăn không ngon, không thật ngon. Chỗ ngồi ăn ngon, được người cùng ăn cho ngon, đồ ăn ngon, giờ ăn không ngon, không thật ngon. Được người cùng ăn cho ngon, đồ ăn ngon, giờ ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, không thật ngon.
“Ăn mà có lo nghĩ, sao cho ngon? Có tức giận, sao cho ngon? Có sợ hãi, sao cho ngon? Có thương tủi, sao cho ngon? Có hổ thẹn sao cho ngon?
“Có ăn mà ăn, hồ dễ muốn ngon mà được ngon!”[5]
Còn chơi theo Nguyễn Công Trứ thì phải:
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay!
Tài tình dễ mấy xưa nay?
(Cầm kỳ thi tửu)[6]
Hơn thế nữa, Nguyễn Công Trứ ngồi nơi tửu tịch, nghe hát ả đào bị trùng vây bởi rượu nồng, gái đẹp, đàn ngọt, ca hay mà cảm khái cho cuộc nhân thế phù trầm:
Ngã kim nhật tại tọa chi địa
Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi. Ngàn muôn năm âu cũng thế ni Ai hay hát? mà ai hay nghe hát? (Chữ Nhàn)[7]
Tác giả tự hỏi: nơi ta đang ngồi nghe hát đây, trước ta ai đã từng ngồi? Và bao nhiêu lớp người kẻ trước người sau đã lần lượt đi vào nơi u tịch. Tác giả nghi ngờ sự hiện hữu của mình: ta đang ngồi nghe hát chăng? Hay chính ta là con hát đang đóng trò trên sân khấu phế hưng của cuộc đời?
Đọc đến mấy câu trong bài hát vừa rồi chúng ta phải giật mình trước cái tâm hồn sâu thẳm của người nghệ sĩ.
Người có tình cảm là người sống có nghệ thuật, diễn tả được nghệ thuật. Còn người không tình cảm sống không nghệ thuật, không diễn tả được nghệ thuật mà cả đến không biết thưởng ngoạn nghệ thuật.
Đứng về mặt hậu quả mà nói thì tùy bản chất tình cảm mỗi người có một sắc thái phản ứng khác nhau trước đối tượng ngoại giới. Nhưng đứng về phía tác nhân mà suy luận thì ngược lại người ta có thể tổ chức hoặc sửa soạn đối tượng ngoại giới (thí dụ như nghệ thuật chẳng hạn) để làm phương tiện hun đúc tâm hồn rèn luyện tình cảm. Đó là ý nghĩa của bước thứ hai mà giáo dục tình cảm nhằm khai thác.
Nhà giáo dục tình cảm hướng dẫn trẻ thưởng ngoạn nghệ thuật đặc biệt là âm nhạc, thi ca, hội họa và kể cho trẻ nghe những mẩu chuyện cảm động về cuộc đời cũng như trường hợp sáng tác của nghệ sĩ.
Những bậc làm cha mẹ lưu tâm đến việc làm nảy nở tâm hồn và tình cảm của tuổi trẻ thường đưa con cái đi xem các cuộc triển lãm tranh, dự những buổi hòa nhạc. Ở Nhật-bản, những phim có tính cách giáo dục tình cảm, hằng năm thường được chiếu đi chiếu lại nhiều lần. Thí dụ các phim như My Fair Lady, The Sound of Music v.v… là những phim mà các trường trung học hay chỉ định cho học sinh đi xem và bắt buộc mỗi học sinh phải nộp cho giáo sư phụ trách một bản phân tích và nhận xét về phim đã xem đó.
Ngoài ra, những mẩu giai thoại cảm động về trường hợp sáng tác của các nghệ sĩ cũng nên kể cho các em nghe. Thí dụ như câu chuyện cô gái mù với nhà nhạc sĩ Beethoven trong trường hợp sáng tác bản Moonlight Sonata, hay cuộc sống đam mê nghệ thuật của nhà họa sĩ Van Goch v.v… có thể khiến trẻ sinh lòng ái mộ.
Tào Thực đã sáng tác bài “Chử đậu nhiên ky” trong một trường hợp đặc biệt với lời lẽ bi thiết như sau:
Chử đậu nhiên đậu ky Đậu lại phủ trung khấp Bản thị đồng căn sinh Tương tiên hà thái cấp![8]
Nghĩa là: Nấu đậu bằng củi cây đậu. Đậu kêu khóc ở trong nồi. Vốn cùng một gốc sinh ra. Sao đốt nấu nhau quá gấp rút như thế này!
Bài thơ trên với câu chuyện thất bộ thành thi trong trường hợp anh em tranh quyền có thể so sánh với câu chuyện Nguyễn Huệ từ Bắc-hà vào vây thành Qui-nhơn vì một cuộc xích mích sau khi tam phân lãnh thổ. Có người kể lại rằng khi ấy Nguyễn Nhạc lên thành lấy tay áo lau nước mắt đọc lớn bài thơ rằng:
Ngã tại tiền sinh, nhữ hậu sinh Nhữ ưng vi đệ, ngã vi huynh Lý ưng cộng hưởng trân cam vị
Hà nhẫn tương thương cốt nhục tình!
Nghĩa là: Ta sinh ra trước, ngươi sinh sau. Ngươi phải là phận làm em, ta là anh. Lẽ ra anh em phải cùng hưởng mùi phú quí. Sau lại nỡ làm tổn thương tình cốt nhục như vầy!
Nghe xong bài thơ Nguyễn Huệ quày ngựa hô quân rút về Bắc.
Bài thơ trên, chắc chắn do một quan văn cận thần làm cho Nguyễn Nhạc và hậu nhân tô vẽ câu chuyện để thêm phần kỳ thú. Điều đó không quan trọng, quan trọng là ở ý nghĩa và sự có thể gây cảm động cho người nghe, nhất là giúp cho tuổi trẻ có dịp suy tư về sự hòa ái của tình ruột thịt.
ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU HOẶC THẢO LUẬN
Thưởng ngoạn nghệ thuật như là khía cạnh tác nhân về phương diện giáo dục tình cảm.
___________
[1] Luận Ngữ, Dương Hóa, câu 19.
[2] Plato, The Republic, Harvard University Press, 1946, Book III, tr. 401.
[3] Shita Hodo, Kyoiku gaku, College books, Yushimdo, Showa 37, tr. 29.
[4] Thực tiễn hóa giáo dục tình cảm, Tân Nhật-bản giáo dục hiệp hội, Chiêu-Hòa 32, tr 161-163. Trích dẫn lại.
[5] Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà Tản Văn, Hương Sơn, Hà nội, 1942, số 27, trang 111-112.
[6] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Saigon, 1958, tr 126.
[7] Doãn Quốc Sỹ và Việt Tử, Khảo Luận về Nguyễn Công Trứ, Nam sơn, Saigon, 1960, tr 109.
[8] Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê, 1964, Quyển I, tr 159.
__________________
SÁCH THAM KHẢO
Blau, A. The Diagnosis and Therapy of Health. Amer. J. Psychiat, Vol. 118, N0 8, 1954.
Doãn Quốc Sỹ và Việt Tử. Khảo Luận về Nguyễn Công Trứ. Saigon: Nam sơn, 1960.
Duy Thức Học
Dương Quảng Hàm. Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển. Saigon: Bộ VHGD, 1958.
Đại Học
Eric Ashby. African Universities and Western Tradition.
Fenton, N. Mental Hygiene in School Practice. California: Stanford Univ. Press, 1943.
Harry G. Good và James D. Teller. A History of Western Education. London: The Macmillan, third edition, 1970.
Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa, ban hành ngày 01-4-1967.
John Deway. Human Nature and Conduct. New York: The Modern Library, 1970.
Kun Ueda. Ningenzo to Kyoiku. Meiji, 1971.
Luận Ngữ
M.V.C Jeffrays Glaucon. An Inquiry into The Aims of Education. Pittman, 1950.
Makarenkov. Cahiers de Pédagogie Modern 43.
Miyamoto Seison. Daijô Bukkyô no Seiritsushi Teki Kenkyu. Sanseido, Showa 32.
Niêm Giám của Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục, Nhiệm kì 1.
Nguyễn Hiến Lê. Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, quyển 1 Saigon: Nguyễn Hiến Lê, 1964.
Nguyễn Khắc Hiếu. Tản Đà Tản Văn. Hà nội: Hương sơn, 1942.
Plato. The Republic, book II. Harvard University Press, 1946.
Rena Foy. The World of Education. London: The MacMillan Company, 1969.
Sakae Yamada. Kyoiku Katei no Shin Kenkyu. Bunkosha, 1970.
Shita Hodo. Kyoiku Gaku. College books, Yushimdo, Showa 37.
The Educator’s Encyclopedia. Prentice-Hall, 1969.
W.O. Lester Smith. Education. Penguin books, 1964.
White Head. The Aims of Education. Ernest Benn, 1966.