VI.
VẤN ĐỀ GIÁO DỤC
CỦA CÁC QUỐC GIA HẬU TIẾN
1. ĐỊNH DANH
Từ sau hai trận thế chiến, một số danh từ, nôm na có hoa mỹ cũng có, lần lượt được xuất hiện trên diễn đàn quốc tế để gọi tên cho các nước nhược tiểu (weak nations). Phải chăng đó là do sự tiến bộ về quan niệm của các nước lớn (powerful nations) hay chỉ là ngôn ngữ chính trị dùng với mục đích ve vãn tự ái cho thân phận các xứ này nên đã được nhiều lần cải danh như từ “các nước lạc hậu” (backward countries) đến “các xứ kém mở mang” (under-developed countries) rồi đến “các quốc gia đang phát triển” (developing nations)? Quốc gia nào mà chẳng đang phát triển? Người ta có thể nghĩ như vậy! Danh từ, nếu có nghĩa, cũng chỉ có một phần; thực tế là các “xứ ấy” như thế nào.
Căn cứ theo mức sinh hoạt của thế giới ngày nay, các kinh tế gia thường đồng ý với nhau rằng: “Các xứ ấy” là những xứ mà lợi tức đồng niên cho mỗi đầu người trung bình không tới 2.000 Mỹ kim, tức là khoảng 167 Mỹ kim một tháng hay 106.880$ bạc Việt-nam tính theo hối suất 640$ VN ăn một Mỹ kim.
2. THỰC TRẠNG CÁC VÙNG ĐÓI TRÊN THẾ GIỚI
Thiên nhiên hình như có sự bất công đối với con người trên các phần đất khác nhau của địa cầu. Sự bạc đãi được thấy rõ ràng là các vùng đói trên thế giới đều nằm vào các vùng nhiệt đới và tiếp nhiệt đới. Tính cách nóng bức của khí hậu gây ảnh hưởng bất lợi và không mấy tốt đẹp cho các dân sống miền này về cả hai phương diện sinh lý lẫn tâm lý. Xứ nóng con người dễ mệt mỏi, lười biếng, ít hoạt động, cầu an, hiệu năng làm việc kém lại hay cáu kỉnh và có tâm lý tiêu cực. Ở xứ nóng nhịp độ phát triển sinh lý nhanh hơn bình thường. Các bé gái Ấn-độ 11 tuổi đã có thể sinh nở. Từ đó các hậu quả xã hội như chế độ đa thê, nạn tảo hôn, sự không kiểm soát sinh sản là điều tất hữu. Ngoài ra xứ nóng thường gặp hai đại nạn là hạn hán và thiên tai bão lụt; rắn rết, độc trùng ruồi muỗi sinh sôi nảy nở tạo thêm tính chất hiểm nghèo cho cái quê hương tật dịch và bệnh truyền nhiễm.
Không kể các nền văn minh cổ xưa đã bị chôn lấp ở miền Trung Á, Ấn-độ thì hình như nhờ sự biệt đãi của thiên nhiên dành cho dân ôn hàn đới mà họ đã tiến lên và cầm đầu nền văn minh cơ khí hiện tại. Nền văn minh đó đã khai sinh ra các thứ “đế quốc cũ”, “đế quốc mới”. Qua hai trận Thế chiến hãi hùng họ đã sử dụng cái văn minh đó để sát phạt lẫn nhau, tranh nhau vẽ lại bản đồ thế giới, giành dựt thuộc địa để giải quyết thặng dư của nền kinh tế kỹ thuật quá độ.
Thế là dân các xứ nhiệt đới nhược tiểu, nhiều hơn ai hết cứ phải tiếp tục hứng chịu hai tai họa bởi sự ngược đãi của thiên nhiên và tham vọng tàn ác của các đế quốc.
3. SAU HAI TRẬN THẾ CHIẾN VÀ CÁC PHONG TRÀO DÀNH ĐỘC LẬP
Bọn đế quốc dù cũ hay mới vẫn luôn luôn chưa từ bỏ tham vọng. Dù bị đánh bật ra khỏi xứ hay gọi là trao trả chủ quyền họ vẫn không quên gieo rắc mâu thuẫn vào nội xứ với chủ tâm có dịp can thiệp về sau hoặc đứng sau lưng đóng vai quan thầy viện cớ rằng dân các xứ thuộc địa “chưa đủ tư cách làm dân một nước độc lập”!
Kết quả cuộc tranh đấu thần thánh của Mahatma Gandhi để rồi đưa đến cho bán đảo Ấn-độ đồng văn đồng chủng hai xứ Ấn (India) Hồi (Pakistan) rồi đến Bangladesh và chưa ai biết rồi sẽ đến gì nữa? Mười năm kháng chiến chống Pháp giành độc lập của Việt nam đã đưa đến tình trạng phân chia Nam Bắc, 30 năm tiếp tục cảnh huynh đệ tương tàn và ai biết rồi sẽ còn gì nữa?
Một miền Phi châu với da đen tóc quăn môi dày lại được thành hình một nước cộng hòa da trắng!
Đế quốc đã sử dụng yếu tố tôn giáo, yếu tố chủ nghĩa ý thức hệ, yếu tố chủng tộc để gây mâu thuẫn và chia cắt. Còn bao nhiêu yếu tố khác được áp dụng dưới bao nhiêu hình thức khác mà chủ mưu chắc không ai khác hơn là các đế quốc cũ, mới đã biến dạng dưới các hình thức đồng minh này nọ.
Hồi Thế chiến thứ nhất, Hoa kỳ đứng vòng ngoài chủ trương Châu Mỹ của người Mỹ và theo đuổi chính sách bất can thiệp. Khi sự thể “chẳng đặng đừng” thì Mỹ “ dấn thân”. Thế chiến thứ hai được dập tắt. Phe Phát xít bại trận tan tành xác pháo. Phe Đồng minh đã đảm đương quá nhiều trong hai trận đại chiến vừa qua nên mõi mòn lực lượng. Duy Mỹ mới vào sau nên còn hùng hậu hơn cả. Không những thế mà có thể nói “đây là cơ hội bằng vàng” của Mỹ để phát triển nền kinh tế cũng như chính trị của Mỹ trên trường quốc tế.
Mao Trạch Đông lợi dụng thế cờ Quốc Cộng hợp tác cứu quốc đã thừa thế đánh bật Tưởng Giới Thạch ra khỏi lục địa Trung-hoa. Phe Cộng từ nay được một giải đất mênh mông nối liền từ Âu sang Á.
Hoa-Kỳ bắt tay liên kết các nước Tây phương, phục hồi phe trục(?) đứng đầu khối Thế giới tự do.
Các phong trào kháng chiến bí mật được nuôi dưỡng từ các “thánh địa” lần lượt xuất hiện, trở về, trong đó một số đã trở thành một loại “thay thầy đổi chủ”.
Tình trạng “Thế giới hai phe” đã gây ra bao nhiêu cảnh chiến tranh tương tàn bằng vũ khí ngoại nhân ở các nước nhược tiểu và chậm tiến.
Về phía các cường quốc, chính sách viện trợ để can thiệp vào nội tình có thể trông thấy rõ tại các nước đang còn dằng dai chiến cuộc và chưa tìm ra giải pháp chấm dứt chiến tranh, giải pháp chính trị.
Liên-xô xưa nay vẫn gọi là “thành trì cách mạng vô sản thế giới” cũng đã bị phân toái từ khi có phong trào xét lại và hạ bệ Stalin. “Cơm không lành canh không ngon” với Hoa lục, Liên-xô cố giữ uy quyền với các xứ Đông Âu qua sự đàn áp Hung-gia-lợi và sự can thiệp vào nội tình Tiệp-khắc. Trung-hoa nổi lên phong trào “Văn hóa đại cách mạng” củng cố uy quyền của chính thể và cố lấy lòng các nước Á, Phi và Châu Mỹ La-tinh.
Cái thế “Thế giới hai phe” chuyển thành thế “chân vạc”. Một nước được xoay quanh một số nước chư hầu. Ba chân vạc Mỹ, Nga, Trung-hoa đã bắt đầu những cuộc thử sức mới mà thí điểm của họ là các chư hầu nhược tiểu. Chiến tranh Triều-tiên và chiến cuộc Đông dương, chiến tranh Ấn Hồi chiến tranh Trung đông giữa Ả-rập và Do-thái là trường hợp điển hình tiêu biểu nhất cho công cuộc thử sức của ba chân vạc này.
Những chính phủ giả hiệu, những chính thể trung lập cưỡng ép chỉ là những giải pháp tạm thời cho bọn đàn anh nghỉ mệt. Cho đến khi nào còn lệ thuộc vào các nước lớn trong chiến tuyến của ý thức hệ, các nước nhược tiểu còn làm vật hi sinh.
a) Nhận diện vấn đề
Từ sự ngược đãi của thiên nhiên đến tham vọng của đế quốc, các xứ nhược tiểu chậm tiến hiện đang chịu nhiều tai họa trầm trọng và triền miên, trong số đó có thể kể: Nạn nghèo đói; Sự dốt nát, và Chiến tranh phân hóa.
Gần đây, khi nói đến các nước nghèo đói, nhược tiểu, chậm tiến, người ta thường ngầm đồng ý với nhau rằng đó là các xứ thuộc vùng Á châu, Phi châu và Mỹ châu La-tinh.
Nạn nghèo đói của các quốc gia này là hậu quả của nhiều nguyên nhân như: đất đai cằn cỗi, thiên tai hạn hán, thiếu nước tưới, kỹ thuật canh tác thô sơ, đất bỏ hoang không khai phá v.v… Tuy nhiên quan trọng hơn cả là vấn đề sản lượng mễ cốc và thực phẩm không đủ cung ứng cho một dân số khổng lồ đang ngày một gia tăng theo một nhịp độ thần tốc.
Theo thống kế của Liên-hiệp-quốc, năm 1960 có khoảng 70% dân số thế giới sống tại các quốc gia chậm tiến. Tỉ số này được dự tưởng sẽ lên đến 80% vào năm 2000. Riêng Á châu, nếu đem dân số so với diện tích thì dân số Á châu, kể chung cả miền nam Liên-bang Xô-viết và Đông bộ Iran, đã chiếm đến phân nửa dân số thế giới, trong khi đó diện tích đất đai của họ không đầy 1/6 diện tích đất đai của địa cầu! Cũng theo con số thống kê của Liên-hiệp-quốc thì dân số Á châu năm 1965 xấp xỉ 1,8 tỷ người. Con số này được dự thưởng sẽ tăng lên đến 3,4 tỷ người vào năm 2000; nghĩa là chỉ trong vòng 35 năm dân số Á châu sẽ tăng lên 89%.
Trong số quốc gia Á châu, Trung-hoa và Ấn-độ được coi như hai quốc gia dẫn đầu về số gia tăng nhân khẩu. Người ta tính năm 1800 dân số Ấn-độ mới vào khoảng 50 triệu người nhưng đến năm 1960 đã lên đến 450 triệu người. Để hãm bớt đà gia tốc về dân số, chính phủ Ấn-độ vào khoảng 5 năm trước đây đã chủ trương một chương trình cấp dưỡng cho những người đàn ông tự nguyện hoạn bộ phận sinh dục của mình! Hình ảnh những người đàn ông xếp hàng trước cửa bệnh viện đã được đài truyền hình Nhật-bản đưa lên màn ảnh vô tuyến trong chương trình phóng sự quốc tế. Đó là sự kiện bi đát của nhân loại đáng cho chúng ta suy gẫm.
Nạn đói và sự khan hiếm thực phẩm ở Á châu đã trở thành nguyên nhân chính cho các vấn đề chính trị, kinh tế và giáo dục của các xứ này.
Tình trạng Mỹ châu La-tinh tuy không kinh khủng như Á châu nhưng không phải là không đáng quan ngại. Dân số Mỹ châu La-tinh năm 1965 là 245 triệu người và theo dự tưởng của Liên-hiệp-quốc sẽ lên đến 630 triệu người vào năm 2000; nghĩa là trong khoảng 35 năm sẽ tăng 157%. Mỹ châu La- tinh đã có thời xuất cảng thực phẩm nhưng nay thì điều đó đã trở thành truyện xưa tích cũ.
Về nạn thất học thì cho đến hậu bán thế kỷ 20 trên thế giới có đến 700 triệu người dốt (44% dân số thế giới không biết đọc và viết ngôn ngữ của họ). Theo tài liệu UNESCO, trong số 700 triệu người dốt trên thế giới thì hết 500 triệu người thuộc vùng Á châu, Phi châu và Mỹ châu La-tinh.
Riêng Ấn-độ đã đặt nặng chương trình diệt dốt dưới sự yểm trợ của cơ quan văn hóa Liên-hiệp-quốc, tuy nhiên tiến bước vẫn còn chậm chạp bởi lẽ Ấn-độ là một quốc gia có một dân số khổng lồ với 200 ngôn ngữ khác nhau! Năm 1947, sau khi thu hồi độc lập người ta được biết chỉ có 30% trẻ em Ấn-độ tuổi từ 6 đến 11 được đi học. Đến năm 1961 tổng số người biết chữ cũng chỉ mới đạt được 23%. Số phụ nữ Ấn biết chữ chưa tới 8% vào năm 1951 và mười năm sau cũng mới đạt được vào khoảng 13%.
Mỹ châu La-tinh thì vẫn còn hàng triệu trẻ em không đi học, vấn đề giáo dục cho thổ dân (Indians) vẫn còn bỏ lơ và phụ nữ vấn còn chưa biết chữ.
Phi châu không có cái mật độ dân số như Á châu, đó là điều may mắn nhưng nạn đói kém và thất học cũng vẫn còn là vấn đề lớn của xứ này. Ngoài ra dân Phi châu của hầu hết cựu thực dân địa đều mang một mặc cảm bị xem như là giống dân thấp kém (inferior humans). Cho nên họ dồn nỗ lực vào sự xây dựng một nền giáo dục cao cấp để xóa cái mặc cảm hạ tiện của người da đen mà xưa kia bị coi là tôi mọi thay vì một nền giáo dục đại chúng để đáp ứng nhu cầu cho khối lượng dân số. Một đoạn trong lời tuyên ngôn của Đại học Ghana viết năm 1959 đã nói như sau: “Đại học Ghana sẽ là một trong những đại học tiên phong tiến bộ nhất của thế giới. Là một ngôi vị vĩ đại của Phi châu về học vấn, đại học Ghana sẽ đào tạo những hàng lãnh đạo cho tư tưởng Phi châu, đào tạo học giả và cung ứng nhu cầu phát triển của xứ sở”. (The University of Ghana shall take its place among the foremost universities of the world. As a great African seat of learning it shall give leadership to African thought, scholarship, and development).[1]
Tóm lại ở các nước nhược tiểu, nạn dốt nát vừa là nguyên nhân cũng vừa là hậu quả của sự chậm tiến.
Về nạn chiến tranh phân hóa thì hình như các nước lớn họ có quyền nghĩ rằng đó là một hình thức chiến tranh mới, tất hữu khi mà chiến tranh thế giới lần thứ ba không thể thật sự bùng nổ đại qui mô được. Hình thức chiến tranh này giúp cho các nước lớn giải quyết cho họ những sôi sục chất chứa, những mâu thuẫn và tranh chấp. Vì thế mà hầu như họ đều chấp nhận sự hiện hữu, mọi giải pháp chỉ như là tạm bợ để lắng dịu, bởi chấm dứt thật sự nơi này ắt phải di chuyển đấu trường đến nơi khác. Nhưng cho dù di chuyển đến đâu, nơi đó chắc chắn không phải là một trong những nước có thế lực. Các nước nhược tiểu đã nghiễm nhiên trở thành quê hương của loại chiến tranh này.
b) Đối sách
Đứng trước thực trạng bi thảm của Á châu nói riêng, các xứ nhược tiểu nói chung, đối diện với các vấn đề có tính cách quyết định sự sống còn cũng như định vị cái giá trị trên trường quốc tế, chắc chắn giáo dục hơn tất cả có trách nhiệm trong việc tìm kiếm một hướng tiến cho dân tộc để giải quyết các thực trạng. Vì sao vậy? Bởi lẽ mọi sự phá hoại hay kiến thiết đều bắt đầu từ giáo dục.
Để đóng các vai trò phục hưng và phát triển xứ sở, tư tưởng giáo dục phải được tái định hướng bằng một nhãn quan có tầm xa rộng, thiết thực và tiến bộ. Cái tư tưởng coi giáo dục như một ưu tiên dành cho một số người ưu tú, một thiểu số ở tầng cấp cao trong xã hội tuy ngày nay đã lỗi thời nhưng thật sự vẫn còn tồn tại ở một số các xứ chậm tiến. Người có cơ hội đi học thì muốn trở thành một thứ người cao hơn người trong xã hội. Trong khi xã hội cần những người thợ có chân tài, những khối óc có kỷ năng, những bàn tay khéo léo để thúc đẩy sự tiến bộ, để đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế lạc hậu và xã hội còn phân hóa thiếu đồng nhất thì lớp người ấy còn ước mơ cái học làm quan học để trở nên một hạng người thuộc giai cấp thống trị và bóc lột. Rena Foy trong The World of Education đã có lời nhận định về tình trạng Á châu như sau: “Trong hầu hết các quốc gia Á châu, những ưu tiên không được dành cho sự huấn luyện nhân sự về ngành canh nông và vận tải. Trong một số các quốc gia Á châu, các đại học vẫn tiếp tục cho ra hàng ngàn thanh niên tốt nghiệp về ngành nhân văn học và đào tạo những nghề nghiệp đặc biệt là ngành luật. Họ đã bắt chước lý tưởng giáo dục Tây phương trong khi có ý không cần biết đến những cần thiết căn bản cho sự sống còn trong quê hương của chính họ”. (In most countries of Asia, priorities have not been given to training personnel for agriculture or transportation. In some Asian nations, universities continue to graduate thousands of young persons educated in the humanities and prepared in the professions especially law. They have imitated the ideals of western education while tending to ignore the basic necessities for survival within their own countries)[2]. Phải thực tế hóa giáo dục để làm sao đóng góp vào sự giải quyết nạn đói kém, bệnh tật, dốt nát đó là điều kiện tiên quyết. Có thực mới vực được đạo. Đạo lý hay ho đến đâu mà bụng đói thì cũng không thể thi hành được. Để thoát khỏi tình trạng kinh tế lạc hậu đương nhiên người ta phải nghĩ đến việc học tập kỹ thuật Tây phương. Một câu nói mới nghe có vẻ giản dị gần như hiển nhiên nhưng thật ra đối với các quốc gia Á châu nhất là những xứ nặng nề về một truyền thống triết lý nhân sinh đặc biệt thì đây trở thành một vấn đề đấu trang tư tưởng không kém phần gay cấn. Giáo dục trước tiên phải đóng vai trò tái định hướng tư tưởng bằng một triết lý thực tiễn, một chính sách rõ rệt và một kế hoạch thực thi chặt chẽ. Tình trạng các xứ hậu tiến ngày nay vẫn còn lỏng lẻo trong việc thực thi chính sách. Mặc dầu người ta chấp nhận việc học tập kỹ thuật Tây phương và khởi sự một công cuộc đầu tư trí thức ở ngoại quốc, nhưng số nhân dụng có đáp ứng được là bao. Ở các xứ nhược tiểu đã có rất nhiều thanh niên xuất ngoại du học nhưng một số không nhỏ đã học những ngành theo ý thích mà không theo nhu cầu quốc gia, họ học hành một cách đơn độc chứ không theo một kế hoạch tập thể và đa số học xong ít chịu về nước.
Song song với việc đầu tư trí thức là vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên và tận dụng lao động lực. Đó là những chương trình mà nói gần hơn là thiết lập khu kỹ nghệ, khẩn khoang, định cư, đô thị hóa nông thôn để giải tỏa áp lực dân số đổ xô về thành thị.
Vấn đề quan trọng không kém việc phát triển kinh tế là tái tạo sự đồng nhất hóa tư tưởng quốc gia, tinh thần dân tộc và đạo đức cách mạng.
Ngu dân và chia để trị là hai chính sách căn bản mà không một đế quốc thực dân nào không áp dụng nơi thực dân địa của họ. Vì vậy nhà giáo dục có ý thức sứ mệnh phải nghĩ đến sự phục hồi tư tưởng đồng nhất quốc gia và tái tạo tinh thần dân tộc. Chừng nào chưa ý thức được điều này, chưa thực hiện triệt để điều này, chừng đó chiến tranh phân hóa còn hiện hữu.
Nếu đường sá giao thông là phương tiện nối kết sự sinh hoạt xã hội thì ngôn ngữ văn tự là phương tiện nối kết về văn hóa tư tưởng. Để đồng nhất hóa tư tưởng quốc gia và tinh thần dân tộc việc khởi đầu và cấp bách là dạy chữ quốc ngữ, diệt dốt và giáo dục tráng niên. Về giáo dục học đường cũng phải đồng nhất hóa tổ chức. Học đường là cơ sở giáo dục chung cho tất cả trẻ em không phân biệt nam nữ, tôn giáo, chủng tộc hay giai cấp xã hội.
Giáo dục, ngoài ra, còn nhận lãnh trách nhiệm về sự đào tạo cho thế hệ tương lai tinh thần dân chủ, tinh thần bình đẳng, sự liêm khiết, dự biết gìn giữ thể diện quốc gia, tinh thần trách nhiệm và biết đóng góp cá nhân cho tập thể dân tộc.
Nếu những người có trách nhiệm với giáo dục đều một lòng trung kiên thực thi sứ mệnh ấy, chúng ta chỉ cần hai thế hệ là có thể tạo lập được một xã hội mới nếu không hơn thì chắc chắn cũng đồng đẳng với các nước trên trường quốc tế.
ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU HOẶC THẢO LUẬN
- Nạn đói và sự khan hiếm thực phẩm ở Á châu đã trở thành nguyên nhân chính cho các vấn đề chính trị, kinh tế và giáo dục của các xứ này.
- Ở các nước nhược tiểu, nạn dốt nát vừa là nguyên nhân cũng vừa là hậu quả của sự chậm tiến.
- Mọi sự phá hoại hay kiến thiết đều bắt đầu từ giáo dục.
- Thử tìm biện pháp cho tình trạng sau đây: “Ở các xứ nhược tiểu đã có rất nhiều thanh niên xuất ngoại du học nhưng một số không nhỏ đã học những ngành theo sở thích chứ không theo nhu cầu phát triển quốc gia, hầu hết học một cách đơn độc chứ không theo một kế hoạch tập thể và đa số thì học xong không chịu về nước”.
- Ở các nước nhược tiểu, chừng nào mà tư tưởng đồng nhất quốc gia chưa được phục hồi, tinh thần dân tộc chưa được củng cố, chừng đó chiến tranh phân hóa còn có cơ hội bùng nổ hoặc tiếp diễn.
- Tại sao phải đồng nhất hóa tổ chức học đường? Tại sao học đường phải là cơ sở giáo dục chung cho tất cả con em không phân biệt nam nữ, tôn giáo, chủng tộc hay giai cấp xã hội?
- Tại sao người ta đòi hỏi giáo dục phải nhận lãnh trách nhiệm về sự đào tạo cho thế hệ tương lai tinh thần dân chủ, tinh thần bình đẳng, đức tính liêm khiết, sự biết giữ thể diện quốc gia, có tinh thần trách nhiệm và biết đóng góp cá nhân cho tập thể dân tộc?
___________
[1] Eric Ashby, African Universities and Western Tradition, p.1 – trích dẫn lại.
[2] Rena Foy, The World of Education, The MacMillan Company, London, 1969, tr. 127.