II.
SƠ LƯỢC VỀ NỀN GIÁO DỤC THỜI CỔ
Người thời cổ sống quần tụ thành bộ lạc và sinh hoạt của họ không ngoài hai lĩnh vực là Lao tác và Sùng bái. Những cố gắng giáo dục của họ ta có thể phân tích ra làm hai phương diện:
– Về phần thực hành gồm có sự huấn luyện về nghề nghiệp, các công việc trong gia đình, việc binh bị và thể dục.
– Về phần lý thuyết gồm có sự huấn luyện về tôn giáo, y khoa, nghệ thuật, âm nhạc và văn chương.
Gia đình là tiêu điểm của hầu hết mọi nỗ lực về giáo dục. Trong gia đình, đàn ông giữ phần huấn luyện con trai, đàn bà thì dạy dỗ con gái bằng những công việc thực tiễn và giản dị. Dần dần những tiến bộ được ghi nhận, mô phỏng rồi truyền dần đến những người trong cùng bộ lạc.
Dưới mắt người Tây phương thì chương trình giáo dục của Đông phương hình như chú trọng vào việc duy trì những định chuẩn sinh hoạt hiện hữu và ý thức quốc gia hơn là sự phát triển cá nhân, chú trọng vào sự ổn định xã hội hơn là sự tiến bộ xã hội (Oriental programs of education seem to have been concerned with fixing and perpetuating existing standards and national ideas rather than with the development of the individual, with social stability rather than with social progress).[1]
Thực ra nhận xét trên đây có phần đúng khi quan sát nền giáo dục cổ Trung hoa, Hindu và nền văn hóa Ba tư vì trừ một vài điểm khác biệt, chúng có ba đặc tính tương tự đó là sự hấp thụ truyền thống, duy trì trật tự xã hội và sửa soạn vai trò cá nhân trong đời sống.
Tuy nhiên để có một nhận định khách quan hơn chúng ta không thể không nêu lên hai tính cách đặc biệt có ảnh hưởng lớn đối với nền giáo dục Đông phương đó là Giáo dục Khổng giáo và Giáo dục Phật giáo.
1. GIÁO DỤC KHỔNG GIÁO
Cũng như hầu hết các nền giáo dục thời cổ đều nhằm chinh phục con người, trước tiên bằng cách rèn luyện cho nó trở nên thuần thục, theo khuôn phép rồi sau mới đến các phương diện khác. Giáo dục Khổng giáo bắt đầu với đứa trẻ bằng sự dạy lễ nghĩa, đạo đức rồi sau mới cho học văn chương trau giồi tài an bang tế thế. Thiên mở đầu Bộ Luận ngữ, bộ sách tập hợp những lời dạy của đức Khổng, đã nói về sự học như sau: “Kẻ đệ tử ở trong gia đình thì hiếu thảo ra ngoài thì thuận hòa, cẩn trọng và thành thật, yêu mọi người và giữ lòng nhân hậu. Làm được những điều ấy thừa sức, nhiên hậu mới học văn chương” (Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân. Hành hữu dư lực tắc dĩ học văn)[2]. Trước hết người ta dạy những điều ứng đối (cách thưa gởi đối đáp), tấn thối (nết đi đứng) sái tảo (quét dọn nhà cửa và tưới cây). Khi những khuôn phép này thuần thục rồi, cái học thực sự của người trưởng thành mới bắt đầu. Đó là vào cỡ tuổi 15 mà các nhà giáo dục Khổng giáo thường căn cứ vào lời của đức Khổng: “Ta đến tuổi 15 thì dốc chí vào sự học hành” (Ngô thập hữu ngũ nhi chí hồ học)[3]. Đứa trẻ sẽ được dạy về Lễ Nhạc tức sự cẩn trọng và điều hòa trong nếp sống đạo đức, Xạ Ngự tức phép bắn cung, cỡi ngựa, rồi đến Thư Số tức văn chương và toán pháp. Sự đào luyện các khả năng nêu trên, ta thấy giáo dục Khổng giáo cũng đã nhằm đáp ứng sự phát triển con người về ba phương diện: đức dục (Lễ Nhạc), thể dục (Xạ Ngự) và trí dục (Thư Số). Giai đoạn giáo dục này Khổng giáo gọi là Đại học, tức cái học của kẻ trưởng thành (Đại học giả đại nhân chi học dã)[4]. Cái học của kẻ trưởng thành là làm sao cho sáng tỏ cái đức sáng suốt, làm cho dân trí dân sinh luôn đổi mới, khi nào đạt đến chỗ hoàn toàn mới thôi (Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện)[5]. Muốn được cái thứ bậc ấy thì sự học và sự thực hành phải theo tuần tự trước hết là tu thân thứ đến là tề gia rồi mới trị quốc nhiên hậu mới sáng tỏ được cái minh đức trong thiên hạ (cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả tiên trị kỳ quốc, dục trị kỳ quốc giả tiên tề kỳ gia, dục tề kỳ gia giả tiên tu kỳ thân).[6]
Dưới thời Khổng tử, xã hội nhà Chu là một xã hội phân loạn về chính trị. Các chư hầu không tòng phục nhà Chu và luôn luôn xâm lấn thôn tính lẫn nhau đề đồ vương tranh bá. Trong cảnh lịch sử đó nền giáo dục Khổng giáo đã xuất hiện như một chủ thuyết giáo dục chính trị nhằm vãn hồi trật tự của một xã hội hỗn loạn. Muốn thế trước tiên phải đưa lên một hình ảnh tượng trưng sự thống nhất nhân tâm và xã hội, và Khổng tử đã chủ trương tôn phù nhà Chu như một hình ảnh tượng trưng cho sự thống nhất đó. Khổng tử đã ca tụng cái văn hóa nhà Chu và nói rõ ràng lập trường theo nhà Chu của mình: “So sánh với Hạ, Ân thì văn hóa nhà Chu rực rỡ thay! Ta theo nhà Chu”. (Chu giám ư nhị đại, úc úc hồ văn tai! Ngô tòng Chu)[7]. Khổng tử san định Kinh Thi, là những bài hát ca dao, phong dao mà Khổng tử coi đó như phương tiện phổ biến chủ trương giáo dục rộng rãi nhất trong quảng đại quần chúng. Theo Khổng tử trong ba trăm thiên Kinh Thi có thể nhận định tóm tắt bằng một câu là Tư tưởng không tà vạy (Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi viết: Tư vô tà)[8]. Và luôn luôn đề cao truyền thống tốt đẹp bằng sự ca tụng thuở thái hòa của thời Nghiêu, Thuấn là những vì vua dùng đức trị mà không dùng pháp trị (Đại tai, Nghiêu chi vi quân dã. Nguy nguy hồ duy thiên vi đại)[9] (Thuấn hữu ngũ nhân nhi thiên hạ trị)[10]. Vì theo Khổng tử lấy đức độ mà làm chính trị thì tự nhiên mọi người theo khác nào sao bắc đẩu hội tụ các vì sao khác (Vi chính dĩ đức thi như bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh cung chi).[11]
Ngoài ra giáo dục Khổng giáo còn là một nền giáo dục thực tế nhằm giải quyết các nhu cầu xã hội về đời sống. Mặc dầu chủ trương lễ nhạc nhưng sợ kẻ hậu học hiểu lầm đó là lễ nghi cúng bái của tôn giáo, ngài bảo: “Nói lễ đâu phải là nói đến ngọc lụa! Nói nhạc đâu phải là nói đến chuông trống!” (Lễ vân, lễ vân, ngọc bạch vân hồ tai. Nhạc vân, nhạc vân, chung cổ vân hồ tai)[12]. Khi Quí Lộ hỏi về lẽ sống chết cũng như sự thờ cúng quỉ thần ngài đã từ chối những câu hỏi có tính cách siêu hình ấy mà bảo rằng: “Đã biết hết sự sống là thế nào chưa mà đòi biết đến sự chết? Chưa có thể phụng sự được con người nói chi đến việc phụng sự quỉ thần!” (vị tri sanh yên tri tử… Vị năng sự nhân yên năng sự quỉ).[13]
Những dẫn chứng nêu trên cho ta kết luận rằng giáo dục Khổng giáo đã đánh dấu một sự tiến bộ lớn lao trong nền giáo dục cổ Đông phương với hai tính cách đặc biệt đó là tính cách xã hội và tính cách phi tôn giáo.
Tuy nhiên cái mẫu người lý tưởng mà nền giáo dục Khổng giáo nhằm đào tạo có tính cách cao quí quá khiến đến nỗi về sau nền giáo dục này gần như dành riêng cho một lớp người ở thượng tầng xã hội.
2. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
Xã hội Ấn độ dưới thời Thích Ca Mâu Ni (khoảng 500 năm trước kỷ nguyên Tây lịch) có hai hiện trạng đặc biệt: một thuộc về khía cạnh tư tưởng và một thuộc về khía cạnh xã hội.
Về mặt tư tưởng có thể nói đây là quê hương của nhiều tín ngưỡng tôn giáo như là bái vật giáo, đa thần giáo, nhất thần giáo, vô thần giáo v.v… Theo Phạm-Động Kinh trong bộ Trường A-hàm thì lúc bấy giờ có đến 62 học phái ngoại đạo. Có những tôn giáo chủ trương khoái lạc. Họ cho rằng con người từ ý thức đến hành vi sở dĩ xấu ác tội lỗi là vì khoái lạc không được thỏa mãn. Theo họ nếu khoái lạc được thỏa mãn thì con người sẽ cảm thấy nhẹ nhàng khinh khoái, nếu được no đầy khoái lạc thì con người mới thật sự tự do trước dục vọng, không những không còn bị cám dỗ lôi cuốn mà trái lại còn kinh tởm là đàng khác. Có những tôn giáo thì lại chủ trương ép xác khổ hạnh. Họ ngồi trên bàn chông, phơi nắng, nhịn đói, đứng một chân, quất roi da vào mình v.v… dùng đủ mọi hình thức để hành hạ xác thân. Họ cho rằng thân xác là nguyên nhân của mọi tội lỗi. Nó là con ngựa bất kham phải được trừng trị cho đến tê mê kiệt quệ không còn cảm giác không còn đòi hỏi thấp hèn nữa. Theo họ thân xác là tù ngục giam hãm tinh thần không cho nó thể nhập được với nguồn sống tinh ba của vũ trụ. Thân xác hãy như cây củi khô, phải đốt cho cháy tiêu tan thì khói (tinh thần) mới bốc cao lên tận chín phương trời.
Trong tất cả các tín ngưỡng tôn giáo đang lưu hành tại Ấn độ lúc bấy giờ thì đạo Bà-la-môn là có uy quyền hơn cả. Đạo Bà-la-môn không những ngự trị về mặt học thuật tư tưởng mà còn định đoạt đến cả sự an bài giá trị các giai tầng xã hội.
Về mặt xã hội, theo Bà-la-môn giáo thì tất cả mọi người đều do thần Brahma sinh ra cả. Trong Nguyên nhân tán ca có chép rằng: “Dòng Bà-la-môn được sinh ra từ miệng, dòng vương tộc được sinh ra từ hai cánh tay, thứ dân được sinh ra từ hai mắt và dòng hạ tiện nô lệ được sinh ra từ hai chân của thần sáng tạo” (Rg. X. 92. 12)[14]. Từ huyền thoại được chép trong thánh kinh Phệ đà đó, xã hội Ấn độ đã sống trong sự phân chia vô cùng khe khắt. Học thuật, tư tưởng, tế tự nói chung sinh hoạt văn hóa thì nằm trong tay giai cấp Bà-la- môn. Quyền chính trị nằm trong tay giai cấp vua chúa. Quyền kinh tế thì nằm trong tay giai cấp thương gia. Còn giai cấp hạ tiện nô lệ thì bị khinh miệt xua đuổi như súc vật.
Trong bối cảnh lịch sử đó nền giáo dục Phật giáo đã xuất hiện như một cuộc cách mạng về tư tưởng và cách mạng về xã hội.
Thích Ca Mâu Ni đã từ bỏ nếp sống cao sang để dấn thân tìm đạo rồi cũng từ bỏ nếp sống khổ hạnh để trở lại nếp sống bình thường. Hai cử chỉ ấy là một sự thể nghiệm và minh chứng rằng những kẻ chủ trương khoái lạc cũng như những kẻ chủ trương khổ hạnh đều sai lầm. Bài nói pháp đầu tiên của Thích Ca Mâu Ni tại vườn nai: Tứ Diệu Đề (Cattari Saccani) đã phủ nhận cái gọi là chúa tể sáng tạo của nhất thần giáo cũng như đánh đổ những lập luận ấu trĩ không hợp lý của phiếm thần giáo và đa thần giáo. Đạo lý nhân quả nằm trong thuyết Tứ Diệu Đề giải thích bởi thuyết Thập nhị nhân duyên cắt nghĩa sự sinh thành tồn tục của vũ trụ vạn vật mà không lâm vào ngõ bí như nền triết học Thật tại luận (Realism) trước vấn đề nguyên nhân đầu tiên. Thuyết nguyên nhân và nghiệp của Thích Ca Mâu Ni đã trả lại cho con người cái giá trị đích thực của nó mà xưa kia đã bị thần linh tước đoạt. Nghĩa là con người có trách nhiệm về sự hạnh phúc hay khổ đau bằng hành vi của chính nó chứ không do may rủi, định mệnh hay sự thưởng phạt của thần linh. Vì thế Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy tám con đường hành động chân chính tức thuyết Bát Chính đạo (Atthangiki magga) để cải thiện đời sống cho hiện tại cũng như mai sau.
Thuyết Tứ Diệu Đề và Bát Chính Đạo vừa nêu trên, mặt khác, còn bác bỏ huyền thoại về sự phân chia giai cấp đã ngự trị xã hội Ấn độ từ khi dân Aryan thu phục xứ này. Trong Tiện dân kinh, một bản kinh giải thích về sự hạ tiện hay tôn quí của người dân, có đoạn: “Con người sinh ra không ai là tiện dân không ai là Bà-la-môn cả mà do hành vi của họ làm cho họ trở thành tiện dân hay Bà-la-môn” (Sn. I. 7. Vasala)[15]. Lời tuyên bố của Thích Ca Mâu Ni trong Tiện dân kinh là tiếng sét đánh đổ nhào cái thành trì ngàn năm phân chia giai cấp. Để thực hiện cuộc cách mạng xã hội, Thích Ca Mâu Ni, một vì Đông cung thái tử dòng Sát-đế-lị đã “cầm cái bát của kẻ ăn xin”! Thích Ca Mâu Ni đã tổ chức đời sống Tăng đoàn theo chế độ lục hòa. Đây có thể nói là một mô thức sinh hoạt lý tưởng của một xã hội không tranh chấp. Bà Gotami, theo Tiểu phẩm luật, là người phụ nữ đầu tiên được Thích Ca Mâu Ni độ cho xuất gia, tu học hành đạo với đầy đủ phương diện. Nếu có thể nói đây là quyền lợi thì lâu lắm về sau phụ nữ trên thế giới mới đòi hỏi được cái quyền này.
Nền giáo dục Phật giáo còn nhằm đào tạo một mẫu người lý tưởng dấn thân. Đó là con người Bồ tát đa hạnh. Dù phát hạnh nguyện nào con người Bồ tát cũng được khuyến khích học hỏi năm điều ích lợi (Ngũ minh) để làm phương tiện phục vụ độ sinh. Năm điều ấy là: nội điển, luận lý, ngôn ngữ, y khoa và kỹ thuật. Đây là một ngạc nhiên to lớn nhất cho các nhà nghiên cứu giáo dục, nhất là giáo dục sử học, khi khám phá ra điều này trong nền giáo dục Phật giáo.
ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
- Dưới mắt người Tây phương thì chương trình giáo dục của Đông phương hình như chú trọng vào việc duy trì những định chuẩn sinh hoạt hiện hữu và ý thức quốc gia hơn là sự phát triển cá nhân, chú trọng vào sự ổn định xã hội hơn là sự tiến bộ xã hội.
- Khổng giáo không phải là một tôn giáo mà là một lý thuyết giáo dục chính trị.
- Giáo dục Khổng giáo là một nền giáo dục hiện thật và có tính cách xã hội.
- Mẫu người lý tưởng mà giáo dục Khổng giáo nhằm đào tạo có tính cách cao quí quá khiến đến nỗi về sau nền giáo dục này gần như dành riêng cho một lớp người ở thượng tầng xã hội.
- Sự đóng góp của nền giáo dục Phật giáo cho xã hội.
Điều gì trong giáo dục Phật giáo đã gây một ngạc nhiên to lớn nhất cho các nhà nghiên cứu giáo dục, nhất là giáo dục sử?
_________
[1] The Educator’s Encyclopedia, Prentice-Hall, 1969, p.13.
[2] Luận ngữ, Học nhi, câu 6.
[3] Sđd, Vi chính, câu 4.
[4] Đại học, lời chú của Chu Hi.
[5] Đại học.
[6] Đại học.
[7] Luận ngữ, Bát tu, câu 14.
[8] Sđd, Vi chính, câu 2.
[9] Sđd, Thái bá, câu 19.
[10] Sđd, Thái bá, câu 20.
[11] Luận ngữ, Vi chính, câu 1.
[12] Sđd, Dương hóa, câu 2.
[13] Sđd, Tiền tiến, câu 12.
[14] Miyamoto Seison, Nghiên cứu lịch sử thành lập Đại Thừa Phật giáo, Sanseido, Showa 32, tr.35 – trích dẫn lại.
[15] Miyamoto Seison, Nghiên cứu thành lập Đại Thừa Phật giáo, Sanseido. Showa 32, tr. 39 – trích dẫn lại.