ĐƯỜNG VỀ
ĐÚC KẾT MỘT SỐ PHÁP THOẠI TỪ 1979 – 2000
Thích nữ Trí Hải
________________
Sanh kỳ tâm
Triết lý hành động của Lục Tổ
Lục Tổ Huệ Năng khi nghe kinh Kim Cương đến câu “ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm” thì hoát nhiên đại ngộ, mừng rỡ thốt lên: “Không ngờ bản tánh vốn tự thanh tịnh, vốn bất sinh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không lay động, vốn sanh muôn pháp.”
Với tám chữ cô đọng, đơn giản của kinh văn, Ngài đã hội ý Phật một cách thông minh, đầy sáng tạo để xây dựng một pháp thiền độc đáo sinh động chưa từng có trước cũng như sau ngài. Có thể nói lối hiểu Kinh Kim Cương của Lục Tổ đã “giải oan” cho Phật và lý Bát Nhã rất nhiều. Thông thường nói tới Bát Nhã (mà kinh Kim Cương đại biểu) là người ta nghĩ ngay tới sự khó hiểu, cao siêu, thiên không, vô vi, hay nói trắng ra là lười biếng, không chịu làm gì cả vì chủ trương “sắc sắc không không.”
Khía cạnh tích cực của Bát Nhã “không tức thị sắc,” “sanh kỳ tâm” thì không mấy ai chú ý, do đó đạo Phật thường bị cho là yếm thế bi quan. Nhưng chính khởi từ căn bản chân không mà vạn pháp có thể xây dựng, như trên mảnh đất trống mới có thể cất nhà, trên tờ giấy trắng mới có thể ghi chép. Ngài Huệ Năng đặc biệt chú trọng điểm ấy. Chủ trương của Ngài là tâm tánh vốn tự thanh tịnh, sẵn đủ muôn pháp lành, chỉ cần vận dụng tâm ấy là thành Phật chứ không cần ngồi thiền, quán tịnh hay bất động (một pháp môn thịnh hành đương thời Lục Tổ và vẫn còn cho đến ngày nay.)
Để thống trách những người chấp vào việc ngồi, như thiền sư Trí Hoàng ngồi tới 20 năm, Ngài còn thú vị dẫn lời kinh dạy: “Nếu ai nói Như Lai hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc đi hoặc đứng, kẻ ấy không hiểu Phật.” Câu kệ do Ngài dạy như sau:
Đang sống ngồi không nằm
Chết lại nằm không ngồi
Chỉ là cái xác thối
Có gì công với tội?
Cho ta thấy rằng Ngài cực lực phản đối việc ngồi Thiền, quán không quán tịnh. “Không” mà phải quán thì thành có, đâu còn là Không! Vả chăng, đạo chính nghĩa là con đường, mà con đường là để đi chứ không phải để ngồi. Hành đạo không liên quan gì đến chuyện đi, đứng, nằm, ngồi. Chấp chặt một pháp nào trong đó đều sai.
Ngồi thiền tự nó không có gì sai quấy, khi ta chỉ xem như phương tiện để tiếp sức cho ta kéo dài thời thiền định trong cuộc sống rộn ràng. Nó chỉ bắt đầu sai khi ta xem nó như một cứu cánh và chấp vào việc ngồi đến nỗi ngồi tới 20 năm thì thật quá đáng, cho nên bị Tổ quở. Có thể xem ngồi thiền như sự ăn uống. Ăn uống chỉ có ích do tác dụng của sự tiêu hóa thức ăn để bồi dưỡng cơ thể. Ngồi thiền chỉ có ích ở tác dụng phát sinh trí tuệ soi sáng cuộc đời phiền não tối tăm. Nhưng định và tuệ vốn không hai, ví như đèn và sáng: định là thể như đèn, tuệ là dụng như sáng. Nếu chấp định khác tuệ, hoặc định trước tuệ sau, thì sẽ phát sinh cái bệnh chấp tướng, trong bẩn ngoài sạch, nghĩ một đàng làm một nẻo, hoặc suốt ngày ngồi tham thiền nhập định mà mở miệng ra là nói thị phi thiện ác, tốt xấu hay dở của người (theo Đàn kinh). Bởi thế, theo Tổ Huệ Năng, định đâu tuệ đó hay tuệ đâu định đó, không thể phân rời. Hiểu theo đây thì bất luận đi đứng nằm ngồi hễ rớt định là rớt luôn cả tuệ, cho nên luôn luôn phải được định tuệ soi chiếu mới không lạc vào ma đạo. Niệm thứ nhất bị mê muội là chúng sanh, niệm thứ hai có trí tuệ là Phật, niệm thứ ba lại mê thì trở lại làm chúng sanh. Vì vậy tu hành là phải luôn luôn thắp sáng ngọn đèn tuệ giác trong tâm:
Phiền não ám trạch trung
Thường tu sanh tuệ nhật.
(Lục Tổ, Đàn kinh)
(Trong nhà phiền não tối tăm,
Thường nên phát sinh mặt trời trí tuệ.)
Nói khác đi, phải “sanh kỳ tâm” luôn luôn, nghĩa là luôn luôn tỉnh giác, sáng chiếu. Mà tỉnh giác soi chiếu thì sẽ “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, thấy rõ năm uẩn (gồm thân tâm và cảnh ngoài) đều không phải ta hay của ta, như Tâm kinh Bát Nhã nói. Sở dĩ kinh dạy “ưng vô sở trú” (đừng bám víu cái gì cả) là vì thật sự tuyệt đối không có gì để ta có thể bám víu: “bản lai vô nhất vật”. Bám víu bất cứ gì cũng chỉ như bám víu bào ảnh, mộng tưởng, sương chớp… đặc tính của các pháp hữu vi[1], do đó dễ chuốc lấy khổ đau, tuyệt vọng. “Xưa nay không một vật, thì bụi bám vào đâu?” Tịnh vốn không có tướng, nếu quán tịnh thì bèn thành nhiễm. Do đó ngài Huệ Năng bác luôn cả chuyện quán tịnh hay khán tịnh, một pháp môn dường như Tổ Hoằng Nhẫn vẫn dùng để dạy đại chúng, được ngài Thần Tú trình bày trong bài kệ của ngài, theo đó thì cần giữ tâm cho thanh tịnh, đừng để nó bị mây mờ che lấp. Theo Lục Tổ, tâm đã vốn sẵn thanh tịnh, không cần phải thêm bớt gì cho nó: ở trong động nó không giảm, trong tịnh nó không tăng, nơi thánh nó không sáng hơn, nơi phàm nó không lu bớt. “Sanh kỳ tâm” là luôn luôn sống với cái tâm ấy trong từng hành động uy nghi. Chính vì ngài Huệ Năng sống bằng cái tâm ấy nên Ngài không thấy có gương có bụi, không thấy có phiền não phải trừ, cũng không thấy có Niết bàn phải chứng.
Chính từ căn bản “chân không” của tâm nói trên mà vô số diệu dụng của Phật pháp có thể hiện khởi, nên ngài Huệ Năng mới kinh ngạc thốt lên như khám phá được một kho tàng kỳ diệu: “Nào dè tự tính vốn tự thanh tịnh, vốn không lay động, vốn bất sinh diệt, vốn sanh muôn pháp!” Kho tàng ấy theo kinh mô tả, chính là lục độ[2] của đại thừa giáo, mà tiêu biểu là bố thí[3] và nhẫn nhục[4] được kinh nhắc đến nhiều hơn cả.
Bố thí đến chỗ ba la mật[5] thì không còn thấy mình cho, người nhận và của bố thí (tam luân không tịch), ngay cả cái sự bố thí cũng không. Đó là kinh dạy. Lục Tổ Huệ Năng qua câu kinh “ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm” đã trực nhận một cách sáng tạo rằng, chính từ chân không mà có thể sanh tất cả pháp. Vậy, hiểu theo Đàn kinh, có thể nói chính vì thấy tất cả đều không, mới có thể bố thí đến chỗ triệt để. Nhẫn nhục cũng vậy, vì không thấy có cái tôi, không thấy có cái nhục và người làm nhục nên mới có thể nhẫn tới mức độ gọi là vô sanh nhẫn, nghĩa là không sanh tâm. Quả vậy, nếu còn thấy nhục thì không thể nhẫn, không nhẫn được toàn vẹn (nếu nhẫn được thì đâu còn coi là “nhục”, danh từ bao hàm một sự uất hận). Nhưng nếu đã không có cái nhục, thì nhẫn cũng không còn được gọi là nhẫn. Nhẫn nhục ba la mật, hạnh cao cả nhất, khó làm nhất trong lục độ, cuối cùng dưới ánh sáng của trí tuệ Bát Nhã cũng trở thành không tịch. Nhưng chính trong cái không tịch ấy, triết lý hành động của kinh Kim Cương mới đạt đến mức triệt để, vi diệu khôn lường.
Từ một Bát Nhã phát sinh ra muôn vạn pháp đều không ngoài tâm, cho nên với Lục Tổ, quan trọng là chỗ “vận dụng” như lời Ngài đã dạy ở đầu Đàn kinh: “Tự tánh Bồ đề xưa nay thanh tịnh, chỉ cần vận dụng tâm ấy tức thì thành Phật.” Bát Nhã là để mà sống, hành động, thể hiện, chứ không phải để nói suông. Nói mà không làm thì Bát Nhã trở thành huyễn hóa như sương chớp ảo ảnh, hay người đói mà chỉ ngồi bàn về các thức ăn, thì không thể no được. Miệng nói Bát Nhã mà vẫn sống và sử sự một cách ngu si, mê muội (trong tâm thường mê) thì không phải Bát Nhã. Chủ trương của Lục Tổ là “sống Bát Nhã”: sống Bát Nhã (trí tuệ) thì không thể khởi tâm tà vạy ô nhiễm, và đó là Giới. Sống Bát Nhã thì tâm không thể tán loạn, đó là Định. Sống Bát Nhã thì tâm không ngu si, và đó là Tuệ. Như vậy một Bát Nhã theo ngài, bao gồm cả tam học giới, định, tuệ nên không cần phải lập giới, định, tuệ làm gì.
Nhưng bản tính con người vốn ưa bám víu, sở hữu, dù trong địa hạt tâm linh không có gì để có thể chiếm làm sở hữu. Phật pháp là pháp “không hai”, thế nhưng người ta vẫn ưa tôn thờ một Tam Tạng pháp sư hơn là một người quê mùa không biết chữ, không có bất cứ một danh phận, nhãn hiệu nào. Song kỳ thực chính con người ấy đã làm sống lại đạo Phật, làm sống liạ pháp Thiền bằng chính sự sống và hành động của mình.
Tam học giới định tuệ cũng thế, do khuynh hướng thủ đắc của con người đã trở thành những sở đắc[6] thay vì được thể hiện trong hành động: học giới luật thì muốn thành luật sư, tham thiền nhập định thì dễ đi đến chỗ tà thiền tà định mong khoa trương khoác lác và biểu diễn thần thông, nghiên cứu Bát Nhã thì dễ trở thành triết gia chuyên lý luận. Sự “chuyên môn hóa” đã bóp chết cái sinh động của Phật pháp. Sự xuất hiện của Lục Tổ Huệ Năng, một con người “mọi rợ” thất học đến nỗi tiếng nói chưa sửa[7], nhưng đã làm sống lại đạo thiền, giải oan cho Phật – sự xuất hiện ấy phải chăng tự bản thân đã là một công án kỳ diệu đánh vào khối vô minh của chúng ta, tợ như tiếng quát của Tổ trong Đàn kinh: “Chư Phật diệu lý hà quan văn tự?” (Diệu lý của chư Phật liên quan gì đến văn tự?) Nó nhắc nhở ta đến việc “sanh kỳ tâm”, nghĩa là phải thể hiện Bát Nhã trong mỗi hành động, mỗi hơi thở của đời mình.
______________
[1] Pháp hữu vi: conditioned things
[2] Lục độ: six perfections
[3] Bố thí: generosity
[4] Nhẫn nhục: perseverance
[5] Ba la mật: perfection
[6] Sở đắc: possession
[7] Tiếng nói chưa sửa: chưa lưu loát (tiếng địa phương)
[button color=”orange” size=”medium” link=”https://thuvienphatviet.com/thich-nu-tri-hai-duong-ve-ung-vo-so-tru-va-thien-dinh/” icon=”” target=”true”]Về trang Mục lục[/button]