Vào thời Lý (1009 – 1226), Kinh Kim Cang Bát Nhã đã ảnh hưởng rất lớn trong thời đại này. Các Thiền Sư đời Lý phần nhiều dựa vào giáo lý của kinh Kim Cang Bát Nhã để tu tập, hành đạo và độ đời. Vạn Hạnh Thiền Sư, theo Thiền Uyển Tập Anh, Ngài họ Nguyễn, người làng Cổ Pháp, phủ Thiên Đức, hiện nay là làng Đại Đình, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, sinh khoảng năm 932, thiếu thời thông minh, nghiên cứu hiểu thông trăm luận, xem thường công danh, năm 21 tuổi xuất gia ở chùa Lục Tổ, cùng với Định Huệ thờ Thiền Ông làm Thầy.
Chùa Lục Tổ với tên chùa đã giúp cho ta thấy hướng đi và sự tu học của Thiền Ông và học trò của Thiền Ông là Ngài Vạn Hạnh và Định Huệ đã ảnh hưởng đến tinh thần giác ngộ của Lục Tổ Huệ Năng đối với Kinh Kim Cang Bát Nhã như thế nào rồi.
Ngài Vạn Hạnh đã dạy cho Lý Thái Tổ an bang trị thế bằng tinh thần “vô trú” của Kinh Kim Cang, và chính tinh thần này đã đem lại sự bình trị cho đất nước hơn hai thế kỷ.
Vào ngày rằm, tháng 5, năm Ất Sửu, Thuận Thiên 16 (1025), ở chùa Lục Tổ, Ngài Vạn Hạnh đã gọi đồ chúng đến dặn dò và nói bài kệ thị tịch như sau:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Nghĩa là:
Thân như ảnh, chớp có rồi không
Vạn vật xuân tươi, thu héo mồng
Quy luật thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy đầu cỏ tợ sương hong.
Sau khi, Vạn Hạnh Thiền Sư đọc xong bài kệ thị tịch cho đồ chúng nghe, Ngài còn nói thêm: “Ngã bất dĩ sở trú nhi trú, bất y vô trú nhi trú”. Nghĩa là tôi an trú vào chỗ không an trú, an trú vào chỗ mà ý niệm vô trú không thể tựa vào. Nói xong, Ngài liền xả thân.
Đọc thi kệ và lời dặn cuối cùng của Thiền Sư Vạn Hạnh, ta thấy rõ cách nhìn về nhân sinh và vũ trụ của Ngài đã phản ảnh hết sức trung thực theo tinh thần của kinh Kim Cang Bát Nhã.
Chẳng hạn, câu “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”, Ngài đã sử dụng biểu tượng “điện và ảnh” để diễn tả tính chất vừa hư ảo, vừa bất thực, vừa tạm bợ nhanh chóng của thân phận con người mà bài kệ trong kinh Kim Cang Bát Nhã, Đức Phật đã diễn tả tính chất bất thực và hư ảo ấy của các pháp do duyên khởi hay các pháp hữu vi như sau:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ, diệc như điện
Ưng tác như thị quán.
Nghĩa là:
Hết thảy pháp tương tác duyên khởi,
như mộng, huyễn, bọt nước, ảo ảnh,
như sương và cũng như điện chớp,
hãy thường quán chiếu như vậy.
Thân phận của con người, thân phận của mọi loài, thân phận của cỏ, cây, hoa, lá và ngay cả thân phận của mặt trời, mặt trăng, trái đất, núi rừng và biển cả, nếu đối với không gian vô cùng, thì chúng chỉ là những hạt bụi, những bọt nước, hạt sương; nếu đối với thời gian vô tận, thì sự tồn tại của chúng chỉ là những ráng nắng hay chỉ là những ánh chớp và nếu đối với thực tại vô ngã, thì chúng chỉ là mộng, là huyễn, là ảo ảnh, hoàn toàn không có ngã tính, không có tự thể thực hữu. Chúng có đó, rồi không đó, chúng không đó rồi có đó, đó là cái có, cái không của quy luật nhân duyên, nhân quả vận hành. Và ngay ở nơi có mà không và ngay ở nơi không mà có, đó là cái có và cái không thuộc về quán chiếu Bát Nhã mà Thiền Sư Vạn Hạnh cả một đời thường sống và thường chiêm nghiệm, rồi đúc kết và trao truyền lại cho tất cả chúng ta.
Câu hai: “Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô”, đây là cách nhìn xuyên suốt về quy luật sinh diệt, thăng trầm, tán tụ của mọi sự hiện hữu. Không có sự sinh ra nào mà không có sự hủy diệt kèm theo, không có sự đi lên nào mà không kèm theo sự đi xuống, không có sự vinh quang nào mà không kèm theo sự tủi nhục và không có sự xanh tươi nào mà không kèm theo sự úa tàn.
Đây là quy luật hết sức tự nhiên của các pháp hữu vi, nhưng quy luật này trở thành khắt khe và cay nghiệt đối với những ai chưa từng sống mà chỉ chuẩn bị và săn đuổi sự sống và nó lại càng cay nghiệt hơn đối với những ai đang bám víu vào những gì mà mình đã có, đang có như thân thể, cảm giác, tri giác, hay nỗ lực bám víu vào tiền tài, sắc đẹp, danh vọng,… Và nó lại càng cay nghiệt hơn đối với ai nỗ lực bám víu vào một cái tôi giữa trường đời biến thiên vô tận. Nhưng, quy luật này đối với Vạn Hạnh Thiền Sư, chúng chẳng có gì khắc nghiệt, chúng chẳng có gì để đáng sợ hãi cả. Và điều này ta sẽ thấy Ngài Vạn Hạnh đã nhấn mạnh hay biểu lộ phong thái hành xử của mình một cách ung dung và tự tại qua hai câu cuối:
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Nhậm vận, trong Toàn Việt Thi Lục và Hoàng Việt Thi Tập là “dụng vận”. Trong Việt Sử Tiêu Án là “Tuỳ vận”. Nhậm vận là vận hành theo quy luật tự nhiên; Tùy vận là theo sự vận hành của quy luật và dụng vận là ứng dụng sự vận hành theo quy luật. Hai câu này , Ngài Vạn Hạnh đã nói rõ sự chứng nghiệm tâm linh và phong cách ứng xử của mình đối với mọi hoàn cảnh, hay mọi tình huống xảy ra cho bản thân và xã hội.
Đối với bản thân, sống và chết là quy luật, là lẽ đương nhiên, nên chẳng có gì để ngạc nhiên đối với cái sống và cái chết, dù là chết trong lúc tuổi đang lên hay là chết trong lúc tuổi đã già. Lại nữa, sự mong manh của cuộc sống đời người, không phải là đến khi già nua, mà ngay ở nơi lứa tuổi cường tráng cũng mong manh như những giọt sương hong ở đầu ngọn cỏ vậy. Sự mong manh của cái thịnh hay cái suy, của cái sống hay cái chết, chúng không những không làm cho ta ngạc nhiên, không những không làm cho ta sợ hãi mà còn làm cho ta thanh thản trong khi sống và trong khi chết, trong khi lên và trong khi xuống, trong khi đến và trong khi đi, trong khi tụ và ngay cả trong khi tán nữa.
Đối với xã hội cũng vậy, cái đi sau là tiếp nối của cái đi trước và có thể làm cho xã hội phát triển và cực thịnh, nhưng đồng thời cái đi sau cũng có khi không có khả năng tiếp nối và phát triển cái đi trước, mà còn làm cho cái đi trước lụn bại suy tàn, cụ thể là Lê Long Đỉnh đã không tiếp nối được sự nghiệp của Vua Lê Đại Hành mà đã làm cho triều Lê lụn bại và cáo chung để mở màn cho một Triều đại Nhà Lý.
Thật vậy, sự suy bại của một triều đại, hay sự thay ngôi đổi chủ của một chính phủ, còn nhanh hơn là sự chuyển dịch của một đời người. Nên, Ngài Vạn Hạnh đã cảnh báo cho Lý Thái Tổ hay bất cứ những ai đang nắm quyền lực trong xã hội rằng, không những cái suy của một đời người, hay của một triều đại, chóng tan biến như những hạt sương đầu ngọn cỏ mà ngay cả cái thạnh của đời người hay cái thạnh của một triều đại, cũng dễ tan biến một cách nhanh chóng như vậy không khác.
Do đó, Ngài Vạn Hạnh muốn nói cho tất cả chúng ta biết rằng, chính cái thịnh hay cái suy của con người hay của xã hội, cả hai đều không có tự tính, chúng thịnh hay suy đều lệ thuộc vào quy luật hợp ly của nhân duyên, và nếu ta nắm được quy luật này , thì ta có thể tự chủ được cuộc sống, thăng hoa được bản thân, và nếu ta là người nắm quyền lực của xã hội, thì ta có thể xây dựng và phát triển đất nước, đem lại sự giàu đẹp và văn minh cho xã hội mà chẳng có gì để lo lắng và sợ hãi cả.
Bằng vào sự giác ngộ và nắm vững quy luật là “vạn pháp đều không có tự thể thực hữu và ly hợp là tùy thuộc vào nhân duyên”. Ngài Vạn Hạnh lại nói: “Tôi an trú vào chỗ không an trú, an trú vào chỗ mà ý niệm vô trú không thể tựa vào”. Do nắm vững quy luật mà Kinh Kim Cang đã hiển thị này , nên Ngài đã tự do hành đạo, sử dụng mọi phương tiện mà không hề bị bất cứ phương tiện nào trói buộc. Ngài đã sử dụng thiên văn, địa lý, sấm vỹ và ngay cả việc sắp xếp triều chính, nhưng Ngài vẫn “vô trú” đối với những cái đó. Phải chăng, Ngài Vạn Hạnh đã chứng nghiệm và ứng dụng giáo lý vô trú của kinh Kim Cang Bát Nhã trong mọi hành động cứu nước giúp dân, làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh của mình một cách triệt để. Và do giác ngộ được ngã vô trú, nhân vô trú, chúng sanh vô trú, thọ mạng vô trú, pháp và phi pháp đều vô trú, nên Ngài Vạn Hạnh đã tùy duyên sử dụng vạn pháp để hóa độ chúng sanh mà Ngài không hề bị mắc kẹt đối với một chúng sanh nào hay đối với một pháp nào.
Làm lợi ích cho tất cả chúng sanh mà “vô trú”, nghĩa là không những chỉ vô trú ở nơi những phương tiện của hành động hoặc vô trú ở nơi ý hướng hay mục tiêu của hành động mà còn vô trú ngay cả nơi ý niệm trú hay không trú nữa. Tích cực hành động mà “vô trú”, tinh thần này Đức Phật đã dạy cho Tôn giả Tu Bồ Đề ở trong Kinh Kim Cang Bát Nhã như sau: “Phật bảo, này Tu Bồ Đề! Các Đại bồ tát, nên hàng phục tâm mình như thế này : Nếu có bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh ra từ trứng, từ thai, từ ẩm thấp, từ biến hóa; hoặc loài có hình sắc, hoặc loài không có hình sắc, hoặc loài có tri giác, hoặc loài không có tri giác, hoặc loài không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta hướng dẫn cho họ đều đi vào giải thoát ở trong Niết Bàn tuyệt đối. Làm cho vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh giải thoát như vậy, mà kỳ thực ta không thấy có chúng sanh nào được giải thoát cả. Vì sao? Nầy Tu Bồ Đề! Vì nếu một vị Bồ tát mà còn có những vọng tưởng về một bản ngã, về một con người, về một chúng sinh và về một sinh mệnh thì không còn là vị Bồ tát chơn thực.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ tát thực hành bố thí không nên vướng mắc với bất cứ một thứ gì, nghĩa là không vướng mắc với sắc tướng, mà cũng không vướng mắc ở nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc giác và ấn tượng để bố thí, Bồ tát hãy bố thí mà không vướng mắc ở nơi hình tướng vọng tưởng như thế. Vì sao? Vì Bồ tát bố thí không vướng mắc bởi hình tướng vọng tưởng, thì phước đức của họ không thể nào nghĩ và lường được”[1].
Với tinh thần hành động một cách triệt để, mà tâm vô trú của kinh Kim Cang Bát Nhã, khiến cho chàng trai tiều phu của xứ Rợ Hồ năm xưa ấy, đứng dậy, ứng đáp một cách sắc bén, chớp nhoáng và ngang tàng, chẳng có gì sợ hãi trước Ngũ Tổ giữa cõi tâm tông vô trước rằng: “Phật tính vốn bình đẳng không có Nam Bắc”, khiến cho Ngũ Tổ quát tháo và mỉm cười, rồi sau đó ấn chứng cho chàng trai tiều phu ấy trở thành Lục Tổ Huệ Năng[2].
Đến thế kỷ thứ mười, Vạn Hạnh Thiền Sư đã tu tập tại chùa Lục Tổ, ở làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức của Việt Nam lúc bấy giờ, và sự nghiệp trí thức cũng như sự nghiệp đức hạnh của Vua Lý Thái Tổ cũng đã được Vạn Hạnh Thiền sư giáo dục và tác thành ngay ở nơi ngôi chùa này .
Bởi vậy, không những triết lý hành động của Vạn Hạnh Thiền Sư chuyển tải tinh thần của kinh Kim Cang Bát Nhã, là hành động một cách triệt để mà vô trú, mà ngay cả triết lý và hành động của Vua Lý Thái Tổ cũng chuyển tải tinh thần ấy.
Bằng tinh thần hành động triệt để mà vô trú của kinh Kim Cang Bát Nhã, nên Vạn Hạnh Thiền Sư đã sử dụng tất cả mọi phương tiện để có thể phụng đạo giúp đời, và Vua Lý Thái Tổ cũng bằng tinh thần ấy, để lãnh đạo quốc gia, xây dựng và phát triển đất nước, đem lại hạnh phúc cho muôn dân.
Năm 1018, vua Lý Thái Tổ đã cử Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang Tống để thỉnh Đại Tạng kinh, đến năm 1020 thì Đại Tạng kinh mới đưa về Thăng Long
Năm 1023 vua sai người sao chép thêm một bản Đại Tạng kinh nữa và đến 1027 lại tiếp tục sao chép thêm một bản Đại Tạng kinh nữa.
Năm 1034 vua Tống lại tặng cho triều đình Thăng Long một bộ Đại Tạng kinh nữa, và năm 1036 vua Lý Thái Tông lại cho sao chép thêm một bản Đại Tạng kinh nữa.
Như vậy, vào thời vua Lý Thái Tông tại đất nước Việt Nam chúng ta bấy giờ đã có ít nhất là sáu bộ Đại Tạng kinh, trong đó có một bộ do vua Lê thỉnh từ Tống và năm bộ còn lại do Triều đình Nhà Lý thỉnh hoặc sao chép.
Do đó, vào thời điểm này việc nhu cầu học hỏi kinh điển của mọi thành phần xã hội rất lớn, và lẽ đương nhiên là các dịch bản Bát Nhã và Kim Cang Bát Nhã của các ngài Cưu Ma La Thập, Huyền Tráng, Chân Đế, Nghĩa Tịnh, Lưu Chi,… đã được phổ biến rộng rãi trong giới Tăng Ni, Phật tử cũng như các giới quyền qúy và giới nguyên cứu học thuật, và nó đã được các giới này chiêm nghiệm và ứng dụng vào đời sống.
Ta có thể thấy được sự hỏi chiêm nghiệm này qua Hoàng đế Lý Thái Tông. Sự kiện được ghi lại trong Thiền Uyển Tập Anh như sau: “Bấy giờ Hoàng đế Lý Thái Tông thường tham vấn thiền chỉ với Thiền Lão ở núi Thiên Phúc. Kim chùy vừa giáng thì óc liền thông. Nhưng, những lúc rảnh rỗi việc nước, vua lấy thiền duyệt làm vui, nhân cùng các bậc kỳ túc khắp nơi giảng cứu các chỗ dị đồng. Vua đời trước bảo: Trẫm nghĩ đến nguồn tâm của Phật Tổ, từ xưa thánh hiền chưa khỏi bị chê bai, huống là người hậu học. Nay, Trẫm muốn cùng các đại đức, sơ tỏ ý mình, mỗi vị thuật một bài kệ để xem chỗ dụng tâm ra sao”. Tất cả đều chắp tay đồng ý. Mọi người đang tìm ý, Vua đã làm xong bài kệ:
Bát Nhã chân vô tông,
Nhân không ngã diệc không.
Quá hiện vị lai Phật,
Pháp tánh bản lai đồng.
Nghĩa là:
Bát Nhã thật vô tông,
Người không, ta cũng không.
Phật trước, nay, sau nữa
Pháp tánh bản lai đồng.
Mọi người đều phục Vua có tài ứng đối lanh lẹ. Nội dung của bài kệ ấy, vua Lý Thái Tông đã nói đến Tính không của Ngã và Pháp qua cách nhìn của kinh Kim Cang.
Và đọc Thiền Uyển Tập Anh, ta cũng thấy tư tưởng Không của Kim Cang Bát Nhã cũng đã ảnh hưởng sâu sắc với Thiền sư Định Hương.
Thiền sư Định Hương ở chùa Cảm Ứng, Ba Sơn, phủ Thiên Đức, họ Lã, người Châu Minh. Gia thế tu tịnh hạnh. Thời trẻ đến chùa Kiến Sơ tham học với Thiền sư Đa Bảo.
Sau khi ngộ đạo, đáp ứng lời mời của đô trưởng Thành hoàng sứ Nguyễn Tuân về trú trì chùa Cảm Ứng, tiếp Tăng độ chúng rất đông. Đến ngày 03 tháng 03 năm Canh Dần (1050) triều Lý Thái Tông, sư bệnh, gọi đồ chúng đến từ biệt và đọc bài kệ:
Bản lai vô xứ sở
Xứ sở thị chân tông.
Chân tông như thị huyễn,
Huyễn hữu tức Không Không.
Nghĩa là:
Xưa nay không xứ sở,
Xứ sở là chân tông.
Chân tông huyễn như vậy,
Huyễn hữu là Không Không.
Trong bài kệ Thị Tịch, Thiền sư Định Hương đã nói đến Không Không, như là sự giác ngộ tối hậu của mình, khi chiêm nghiệm về các pháp hữu vi hư huyễn.
Không-không là một trong hai mươi nghĩa Không của bộ Đại Bát Nhã mà Ngài Huyền Tráng đã dịch từ thời đại nhà Đường[3].
Không-không là Tánh không ở nơi cái Không. Tự tính của các pháp là Không đã đành, mà tự tính của cái Không cũng là không và cái ý niệm về Không, cái ý niệm ấy cũng không có tự thể thực hữu, chúng chỉ là huyễn hữu, nên gọi là Không Không.
Lại nữa, tất cả pháp đều là không, ý niệm về cái Không ấy cũng không nốt, vì thế mà gọi là Không Không.
Lại nữa, hữu cũng Không, vô cũng Không, thị cũng Không, phi cũng Không, phi thị cũng đều Không, vì thế mà gọi là Không Không.
Kinh Đại Bát Niết Bàn nói rằng: “Không Không, nó không đồng với sự chứng đắc về Không Không Tam Muội của các hàng Thánh giả Thanh văn.
Bồ tát tu tập về ý nghĩa của Không là như vậy, nên gọi là Không Không[4].
Lại nữa, Trí Độ Luận giải thích, thế nào là Không Không. Tất cả mọi vật đều không, cái không ấy cũng Không, nên gọi là Không Không. Lại nữa, đem Không mà phá vỡ nội Không, ngoại Không, nội ngoại Không, phá vỡ cả ba Không ấy, gọi là Không Không[5].
Lại nữa, đọc Thiền Uyển Tập Anh, ta lại thấy, Tăng Thống Huệ Sinh (?-1064), đã đáp ứng lời mời của vua Lý Thái Tông vào trai tăng ở Đại Nội. Trong dịp này vua nói với Tăng Thống Huệ Sinh rằng:
“Trẫm nghĩ nguồn tâm của Phật Tổ, người học chớ nên chỉ trích nhau, xin cùng thạc đức các phương, mỗi vị bày tỏ điều hiểu biết của mình, để xem chỗ dụng tâm của quý vị ra sao?”. Tăng Thống Huệ Sinh liền đáp ứng bằng bài kệ:
Pháp bổn vô như pháp
Phi hữu diệc phi không
Nhược nhơn tri thử pháp,
Chúng sanh dự Phật đồng.
Tịch tịch lăng già nguyệt,
Không không độ hải chu.
Tri không không giác hữu,
Tam muội nhậm thông chu[6].
Nghĩa là:
Pháp vốn như không pháp,
Không có cũng không không.
Nếu người biết pháp này,
Chúng sanh cùng Phật đồng.
Trăng lăng già lặng lặng,
Thuyền vượt biển không không.
Biết không không, biết có
Thiền định tự viên dung.
Tư tưởng Không Không mà Tăng Thống Huệ Sinh nói cho vua Lý Thái Tông, đó là Tánh Không mà Bát Nhã Tâm Kinh hiển thị rằng: “Trong Tánh Không ấy, không có Sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không có Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không có Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có Nhãn giới cho đến không có Ý thức giới; không có Vô minh cho đến không có cái hết Vô minh; không có Lão tử và không có cái hết Lão tử; không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không có trí, không có đắc, vì không có cái để đắc”.
Hay là nói theo cách của Đại Trí Độ Luận: Không Không, nghĩa là hữu cũng không, vô cũng không, thị cũng không, phi cũng không, phi thị cũng đều không[7].
Từ Không- Không của Tăng Thống Huệ Sinh, ta đi tới tư tưởng Sắc Không của Thái Hậu Ỷ Lan.
Thái Hậu Ỷ Lan là hoàng hậu của vua Lý Thánh Tông đã từng Nhiếp chính trong thời gian vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành năm 1069, và là Thái Hậu của vua Lý Nhân Tông.
Thái Hậu đã từng hỏi thiền sư Thông Biện về ý nghĩa Phật, Tổ và lịch sử phát triển Phật giáo. Thái Hậu Ỷ Lan rất nhân từ đức hạnh, người đời bấy giờ xưng tụng là Quan Âm nữ, nghĩa là người con gái của Bồ tát Quán Thế Âm.
Thái Hậu Ỷ Lan thường mời Quốc Sư Thông Biện vào cung để tham vấn yếu chỉ của thiền và đã hiểu sâu được yếu chỉ, nên Thái Hậu có làm bài kệ ngộ đạo có ghi lại trong Thiền Uyển Tập Anh, trang 21 như sau:
Sắc thị không, không tức sắc,
Không thị sắc, sắc tức không.
Sắc không câu bất quản,
Phương đắc khế chơn tông.
Nghĩa là:
Sắc là không, không tức sắc,
Không là sắc, sắc tức không.
Sắc không đều chẳng quản,
Mới được hợp chơn tông.
Tư tưởng Sắc Không là một trong những tư tưởng chủ yếu của Bát Nhã Tâm Kinh.
Tư tưởng này, trong Tâm Kinh Bát Nhã của Phạn được diễn tả như sau:
“Iha Śāriputra rūpaṃ śūnyatā, śūnyataiva rūpam/ rūpān na pṛthak śūnyatā, śūnyatā yā na pṛthag rūpam/ yad rūpaṃ sā śūnyatā, yā śūnyatā tad rūpam// evam eva vedayā – saṃjñā – saṃskāra – vijñānāni//”.
Nghĩa là:
“Nầy Xá Lợi Tử! Sắc là tánh Không, chính tánh Không là sắc. Sắc chẳng khác tánh Không, tánh Không chẳng khác sắc. Sắc ấy chính là tánh Không, tánh Không ấy chính là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy”.
Và đoạn kinh này trong Bát Nhã Tâm Kinh dịch bản Hán của ngài Huyền Tráng là:
“Xá Lợi Tử! Sắc bất dị Không, Không bất dị sắc; sắc tức thị Không, Không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị”[8].
Nghĩa là:
“Nầy Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc, Sắc chính là Không, Không chính là Sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
Kinh nói:
“Sắc chẳng khác Không,
Không chẳng khác Sắc”.
Là xác định Sắc và Không là hai pháp riêng biệt, nhưng chúng lại thống hợp với nhau không hề tách rời và luôn luôn có mặt trong nhau.
Như vậy, Sắc có mặt ở đâu, thì Không có mặt ở đó; Không có mặt ở đâu, thì Sắc có mặt ở đó. Chúng tương nhập vào nhau và bất nhị.
Lại nữa, Kinh nói:
“Sắc tức là Không,
Không tức là Sắc”.
Hai chữ “tức là” của Kinh xác định rằng: Sắc và Không, không phải là hai, mà chúng cũng không phải là một. Chúng có mặt trong nhau và cùng nhau hiện hữu. Chúng cùng nhau hiện hữu mà “Không” chính là tự thể của chúng.
Như vậy, trong bài kệ ngộ đạo của Ỷ Lan Thái Hậu, hai câu đầu là nêu rõ sự trực nhận chân lý bản nhiên và hai câu sau là phong thái sống và hành động sau khi đã giác ngộ.
Và như vậy, qua những thi kệ ngộ đạo của vua Lý Thái Tông, Thiền sư Định Hương, Tăng Thống Huệ Sinh và Thái Hậu Ỷ Lan, ta cũng còn có Thiền sư Viên Chiếu (999- 1090 ) với thi kệ:
Thân như tường bích bĩ đồi thời
Cử thế hốt hốt thục bất bi
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiện nhậm thôi di.
Nghĩa là:
Thân như tường vách khi xiêu đổ,
Vũ trụ thoáng chốc quen chẳng buồn.
Nếu đạt tâm Không, vô tướng Sắc,
Sắc Không ẩn hiện tự chuyển luân.
Thiền sư Đạo Huệ (?- 1172), thời vua Lý Anh Tông, có thi kệ Thị Tịch nói về sắc thân và diệu thể (tánh không) như sau:
Địa thủy hỏa phong thức,
Nguyên lai nhất thiết không.
Như vân hoàn tụ tán,
Phật nhật chiếu vô cùng.
Hựu vân:
Sắc thân dự diệu thể,
Bất hiệp bất phân ly.
Nhược nhân yếu chân biệt,
Lô trung hoa nhất chi.
Nghĩa là:
Đất, nước, gió, lửa, thức,
Nguyên lai hết thảy Không.
Như mây tan rồi tụ,
Trời Phật chiếu vô cùng.
Lại nói:
Sắc thân cùng diệu thể,
Chẳng hợp, chẳng lìa xa.
Nếu ai cần biết rõ,
Trong lò một cành hoa.
Và thiền sư Minh Trí (?- 1196), học trò của ngài Đạo Huệ, thông minh, hiểu rõ tông chỉ của kinh Viên Giác, Nhân Vương, Pháp Hoa và sách Truyền Đăng, dạy dỗ đồ chúng không biết mỏi mệt, Ngài đã diễn tả tư tưởng Sắc Không qua một dạng không ảnh mà cũng không hình, sắc thân chính là cái không ảnh, không hình ấy, qua bài kệ Thị Tịch như sau:
Tùng phong thủy nguyệt minh,
Vô ảnh diệc vô hình
Sắc thân giá cá thị
Không không tầm hưởng thinh[9].
Nghĩa là:
Gió tùng trăng nước tỏ
Không ảnh cũng không hình
Sắc thân là cái đó
Không – Không tiếng vọng tìm.
Như vậy, ta thấy tư tưởng Không của Bát Nhã đã phát triển sâu rộng trong đời sống đạo, chiêm nghiệm đạo và chứng đạo của các thiền sư đời Lý và ngay cả hàng vua chúa như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tôn, Lý Nhân Tông và Thái Hậu Ỷ Lan.
Và qua sự diễn đạt ngộ đạo về Không, đã được các Thiền sư, cư sĩ, Phật tử đời Lý đọc tụng và hành trì một cách có hiệu quả trong đời sống đạo của chính họ và đã ảnh hưởng đến những sinh hoạt nhất định của xã hội.
Đối với bản thân, tư tưởng Kim Cang Bát Nhã đã giúp cho họ thấy rõ không những Ngã là không mà Pháp cũng không, và không những ý niệm về Ngã là không mà mọi ý niệm về pháp cũng không. Không những ý niệm về ngã đã không mà ý niệm về vô ngã cũng không và không những ý niệm về pháp là không còn, mà ý niệm về vô pháp cũng hoàn toàn vắng bặt. Như vậy, khi họ nhận ra được sự thật đó và họ sống với sự thật đó, thì họ không còn sợ hãi trước cái lẽ sống chết, còn mất, thăng trầm của kiếp người hay những biến thiên của xã hội và cuộc đời.
Các Thiền sư, Vua chúa và Phật tử đời Lý có nhiều thi kệ nói về Lý tánh Bát Nhã, nói về Không, nói về Vô ngã và Vô pháp của kinh Kim Cang, nhưng ta chưa tìm ra được một bản kinh nào thuộc về Văn tự bát nhã, do các ngài chú giải hay dịch thuật cả, điều này chắc chắn có nhiều lý do, mà ta cần chiêm nghiệm và nghiên cứu, để có thể thấy rõ được vấn đề.
Tuy nhiên, vào thời Lý, đất nước ta đã có ít nhất là đến sáu bộ Đại Tạng Kinh được lưu hành, chắc chắn trong đó, các dịch bản kinh Bát Nhã như: Phóng Quang Bát Nhã, do Ngài Vô La Xoa dịch, vào thời Tây Tấn; Quang Tán Bát Nhã, do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch, vào thời Tây Tấn; Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật, Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, Bát Nhã Tâm Kinh, do Ngài Cưu Ma La Thập dịch, vào thời Diêu Tần; Đạo Hành Bát Nhã, do Ngài Chi Lâu Ca Sấm dịch, vào thời Hậu Hán; Đại Minh Độ Kinh, do Ngài Chi Khiêm dịch, vào thời Ngô; Ma Ha Bát Nhã Sao Kinh, do Đàm Ma Ty Cộng Trúc Phật Niệm dịch, vào thời Tiền Tần; Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, 600 cuốn, do Ngài Huyền Tráng dịch, vào đời Đường và rất nhiều kinh thuộc văn hệ Bát Nhã đã được các vị Pháp Sư khác, dịch từ Phạn sang Hán vào thời Tống và trước Tống, chắc chắn các dịch bản này cũng đã được lưu hành tại Việt Nam vào thời Lý, làm nền tảng cho sự học tập, nghiên cứu, ứng xử và chứng ngộ cho Tăng ni phật tử bấy giờ, và nó là chất xúc tác, tạo nên sinh lực làm hưng vượng nền đạo đức tâm linh, văn minh, văn hóa vàng son của dân tộc Việt Nam vào thời đại Nhà Lý.
[1] Dịch dựa theo bản La Thập, tr 749, Đại Chính 8, có đối chiếu với Phạn văn.
[2] Lục Tổ Đại Sư, Pháp Bảo Đàn Kinh, Nguyên, Tông Bảo biên, Đại Chính 48.
[3] Huyền Tráng, Đại Bát Nhã ba la Mật Đa Kinh 5, tr 23, Đại Chính 5.
[4] Đại Bát Niết Bàn Kinh 16, tr 461, Đại Chính 12.
[5] Đại Trí Độ Luận 31, tr 287, Đại chính 25.
[6] Thiền Uyển Tập Anh, tr 57, bản trùng khắc Triều Lê, tháng 4, năm Vĩnh Thạnh thứ 11. Khắc chữ “địch ”. Địch có nghĩa là tiến lên, mở đường, đạo phải, lấy dùng. Nhưng, thầy Lê Mạnh Thát, LSPGVN III, tr 247, Nxb T.P Hồ Chí Minh 2002, đã phiên âm là “chu = 週 ”. Chu mới đúng âm vận của thi kệ nầy. Có thể người khắc bản in đã khắc chữ “chu” thành chữ “địch”. Do đó, tôi đã sử dụng theo cách phiên âm của thầy Lê Mạnh Thát và dịch “thông chu” là viên dung.
[7] Đại Trí Độ Luận 33, tr 287, Đại Chính 25.
[8] Huyền Tráng, Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, tr 848, Đại Chính 8.
[9] Thiền Uyển Tập Anh, tr 24a.