Trong rất nhiều pháp môn tu tập theo giáo lý Phật giáo, thì mỗi một pháp môn tu tập là mỗi một con đường đi về với quê hương của chính mình, là mỗi một con đường đi về với quê hương chư Phật. Và, Tịnh độ cũng là một trong những con đường giúp ta sớm trở về với quê hương ấy.
Ý NGHĨA TỊNH ĐỘ
Chúng ta biết rằng, khi đức Phật Thích Ca giới thiệu cho chúng sanh một thế giới Cực lạc ở phương Tây của đức Phật A di đà và được ghi lại trong Tiểu bản kinh A di đà, đó là một thế giới hoàn toàn vắng mặt khổ đau. Nhưng thế giới Tịnh độ không phải chỉ riêng tịnh độ của đức Phật A di đà, mà tịnh độ là từ chỉ chung cho các cõi khác như, tịnh độ Diệu Hỷ hay Diệu Lạc ở đông Phương của đức Phật A Súc hay là Bất động Phật, đức Phật không bị lay chuyển bởi sóng gió cuộc đời hay bởi biển cả sanh tử luân hồi; có một tịnh độ khác như tịnh độ Đâu Suất của đức Di Lặc, tịnh độ của đức Phật Dược Sư,.v.v….
Tịnh độ, phạn ngữ gọi là Amàla ksïetra; trong đó A là không, màlà là ô nhiễm, nên A + màla nghĩa là không ô nhiễm. Không ô nhiễm là sạch (tịnh). Và thuật ngữ ksïetra dịch là ‘sát’ (cõi, thế giới) hoặc ‘độ’. Như thế, “độ”, chức năng của nó là danh từ, còn “tịnh” là tính từ.
Lại nữa, phạn ngữ cũng có từ Sukhàvati để chỉ cho tịnh độ; trong đó Sukha là lạc (an vui, happiness).
Vậy, Tịnh độ nghĩa là cõi nước thanh tịnh hay thế giới không ô nhiễm; nói cách khác thế giới không cáu bẩn, không nhiễm từ thân thể đến tâm hồn và cõi nước. Thế giới ấy trong sạch từ ngoại tại lẫn nội tại.
A di đà phạn gọi là Amita, có nghĩa là vô lượng, tức là không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Sau thuật ngữ Amita phạn văn có phụ thêm -abha, nghĩa là ánh sáng. Amita + abha = amitàbha, tức là ánh sáng vô lượng (vô lượng quang). Vì vậy, đức Phật A di đà liên quan đến mặt trời và ánh sáng.
Lại nữa, sau thuật ngữ Amita, có phụ thêm chữ -àyus, nghĩa là sống, thọ mạng. Vì thế, Amita + àyus = Amitàyus; dịch là mạng sống không giới hạn bởi không gian và thời gian (vô lượng thọ[1]).
Vậy, Amitàbha hay Amitàyus đều chỉ cho ngài A di đà với ánh sáng vô lượng và thọ mạng vô cùng.
Do đó, ý nghĩa “tịnh độ cực lạc” hay “A di đà” là ý nghĩa diễn tả một cõi nước rất an vui, sung sướng với y báo và chánh báo rất nghiêm lệ, nhằm đáp ứng nguyện vọng của con người.
Nên, việc sùng bái ánh lửa và xem là sự linh thiêng có thể mang lại trường thọ và nhiều may mắn của Ba tư giáo hay Ấn độ giáo là điều đã xảy ra. Hoặc như đạo Nho khuyên mọi người sống với nội dung “tam cương ngũ thường” nhằm đưa xã hội thăng hoa và ổn định; lại như Kyto giáo khuyên tín đồ nên đặt niềm tin vào Thượng đế để được sống lâu và yên ổn… cho đến Phật giáo khuyên mọi người niệm Phật để đến với thế giới hoàn toàn bình an, không còn bị khổ đau nữa, tất cả đều là hoài vọng muôn đời của con người.
MỘT SỐ KINH TIÊU BIỂU CỦA TỊNH ĐỘ TÔNG
hệ thống kinh điển được đề cập đến của tông này gồm bảy quyển[2], trong đó ba quyển được xem là các kinh căn bản và phổ biến nhất, đó là: kinh vô lượng thọ, kinh quán vô lượng thọ và kinh A di đà tiểu bản.
1. KINH VÔ LƯỢNG THỌ[3]
Kinh này được đức Phật Thích ca thuyết giảng và chúc luỵ cho các vị Bồ tát, Duyên giác và các Thanh văn ở núi Kỳ xà quật thành Vương xá.
Đại ý kinh này được tóm tắt như sau:
– Do cơ duyên xuất hiện các vị đại Bồ tát, các vị cổ Phật tại núi Kỳ xà quật và sự thỉnh cầu của các vị trời Đế thích, Phạm vương mà Ngài nói kinh Vô lượng thọ.
– Đức Phật Thích Ca mâu ni nói về hạnh nguyện và công đức của tỷ kheo Pháp Tạng, với 48 lời nguyện rộng lớn. Sự phát nguyện của tỷ kheo Pháp Tạng đã làm chấn động khắp các cõi nước. Nhờ năng lực phát nguyện ấy, trải qua vô số kiếp thực hành hạnh Bồ tát và thành tựu địa vị Phật đà, hiệu A di đà – giáo chủ cõi nước cực lạc ở phương Tây.
– Mô tả cảnh giới của đức Phật A di đà với những kiến trúc nguy nga, lộng lẫy, trang nghiêm và thanh tú. Ở đó, người ta thấy ánh sáng vi diệu vô lượng (quang minh vô lượng), sống lâu vô tận, không sợ cái chết đến rình rập (thọ mạng vô lượng). Thế giới ấy được tạo dựng bởi hạnh nguyện của đức Phật A di đà với hương hoa thắng diệu, các loại chim do ngài A di đà biến hiện ra để thuyết pháp.
– Sau cùng là con đường hướng đến đời sống tu tập để có thể trở về với quê hương tịnh độ. Bằng tâm thanh tịnh, vô nhiễm và lòng tín thành là những chất liệu để tiếp cận với cảnh giới của đức Phật A di đà. Như trong quyển hạ kinh nầy có đoạn:”các chúng sanh nghe danh hiệu tịnh độ đều tín tâm hoan hỷ, cùng một ý nghĩ, hết còn thối chuyển, nguyện được sanh ở nước ấy. Phát ba thứ tâm[4] thì sẽ được vãng sanh.”
Kinh vô lượng thọ rất cần thiết cho những ai muốn tu tập theo pháp môn tịnh độ. Vì nó được ví như như sợi dây thừng dùng để lôi kéo những ai đang chìm dần xuống hang giếng thâm sâu của bùn lầy sanh tử. Do đó, Đức Thế Tôn, khi thuyết giảng kinh nầy, đã nói: “Đời tương lai kinh đạo diệt hết, ta dùng lòng Từ bi thương xót, riêng lưu kinh nầy trong khoảng 100 năm. Nếu chúng sanh nào gặp kinh nầy, tuỳ ý sở nguyện, đều được cứu thoát.”[5]
2. KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ
Kinh Quán vô lượng thọ[6] là một trong ba kinh được đề cập nhiều nhất của tịnh độ tông. Tuy nhiên, ở Trung Hoa, nó là một bộ kinh gây ảnh hưởng lớn trong quần chúng về tín ngưỡng Di đà. Và kinh này được dịch vào triều đại Lưu Tống, do Khương Lương Da Sá dịch (Kalayacas).
Nhân duyên thuyết giảng kinh nầy là Đức Phật nhân cơ hội bà Vi Đề Hy (Vaidehi)[7] thỉnh cầu. Trước cảnh đời “bạc như vôi” mà bà chứng kiến, cảnh con trai là thái tử A xà thế (Ajtacatra) hành hạ cha đẻ và bỏ ông ấy vào ngục tù đói lạnh, không ai thăm viếng, kể cả bà cũng bị nghiêm cấm, nên bà đã rất thất vọng, mong nhờ đức Phật khai mở lối thoát. Đức Thế Tôn đã rất xúc động trước tình cảnh ấy của hoàng hậu Vaidehi, nên ngài đã dạy cho bà niệm Phật A di đà để được vãng sanh về thế giới Cực lạc.
Và Đức Phật dạy rằng: nếu ai muốn sanh về thế giới Cực lạc của đức Phật A di đà thì phải thực hành ba việc sau:
– Phải làm lành bằng cách chu toàn bổn phận của người chồng, người mẹ, người vợ, người dâu, tức phải biết hiếu dưỡng.
– Làm lành bằng cách thọ trì Tam quy, ngũ giới, bát quan trai giới, thập thiện giới,…
– Làm lành bằng cách thực tập Tứ diệu đế, cũng như trong các buổi giảng pháp, đọc kinh điển đại thừa, khuyên người tu hạnh tinh tiến.
Lại nữa, kinh Quán vô lượng thọ, còn đưa ra 16 phương pháp quán tưởng về mặt trời. quán tưởng nước, đất, cây cối, toà sen, sắc tướng, .v.v…
Trong 16 phép quán nầy kết hợp với chín phẩm vãng sanh, gồm: ba bậc thượng phẩm vãng sanh, ba bậc trung phẩm vãng sanh, và ba bậc hạ phẩm vãng sanh.
Muốn được vãng sanh về thượng phẩm thì chúng ta phải từ tâm, không sát hại, nghiêm trì giới hạnh, tụng đọc các kinh Phương đẳng đại thừa, tu hành Lục niệm[8], hồi hướng phát nguyện vãng sanh Tịnh độ gọi là thượng phẩm thượng sanh. Như không đọc các kinh Phương đẳng đại thừa mà hiểu được “đệ nhất nghĩa đế”, tin tưởng sâu sắc vào luật nhân quả, không phỉ báng đại thừa gọi là thượng phẩm trung sanh. Như nếu phát khởi đạo tâm vô thượng, tin nhân quả không phỉ báng đại thừa, tức là thượng phẩm hạ sinh. Ba bậc nầy thuộc về thượng phẩm vãng sanh.
Đối với hạng người tu hành giữ giới cấm, không tạo tội ngũ nghịch, không mắc phạm sai lầm, gọi là trung phẩm thượng sanh. Nếu một ngày một đêm trì giới thanh tịnh (bát quan trai giới), gọi là trung phẩm trung sanh. Còn nếu hạng người chưa thọ giới, nhưng luôn luôn biết hiếu dưỡng cha mẹ, thực hiện nhân từ trong thế gian, khi sắp lâm chung, nghe thấy y báo, chánh báo trang nghiêm của đức Phật A di đà, phát nguyện vãng sanh, gọi là trung phẩm hạ sanh. Đó là ba bậc thuộc trung phẩm vãng sanh.
Còn lại ba phẩm thuộc hạ sanh, là chỉ cho hạng người thiện ác lẫn lộn. Nếu họ gây ác nghiệp, nhưng không bài báng kinh điển đại thừa, hạng này được hạ phẩm thượng sanh. Đối với hạng huỷ phạm giới luật, ăn trộm tài sản của tăng, thuyết pháp bất tịnh như vì danh dự, lợi dưỡng, địa vị mà thuyết pháp, gọi là hạng hạ phẩm hạ sanh.
Trên đây là tóm tắt đại ý của kinh quán vô lượng thọ mà đức Phật đã dạy nhân vụ việc của hoàng hậu Vi đề hy.
3. KINH A DI ĐÀ TIỂU BẢN[9].
Kinh này có tên là Phật thuyết A di đà kinh, 1 quyển, do Ngài Cưu Ma La Thập đời Tần dịch sang Hán văn. Đây là kinh thuộc thể loại “vô vấn tự thuyết”, nghĩa là không có người hỏi, mà đức Phật tự thấy hợp thời, hợp căn cơ mà nói.
Nội dung kinh nầy, đức Phật gọi ngài Xá lợi Phất và đại chúng mà giới thiệu, mô tả và ca ngợi cảnh giới thắng diệu, nghiêm lệ của đức Phật giáo chủ A di đà ở phương Tây. Kinh chép rằng, lúc bấy giờ đức Thế Tôn đang ở tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn cây của Thái tử Kỳ đà, với 1250 vị đệ tử của Ngài. Lúc ấy, đức Phật gọi thấy Xá lợi Phất và bảo: “Từ đây đi qua phương Tây cách khoảng mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới gọi là Cực Lạc, trong cõi ấy có một vị Phật hiệu A di đà, hiện đang thuyết pháp”[10].
Thế giới mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni mô tả và ca ngợi ấy, được tóm tắt như sau:
– Hàng rào được bao bọc bởi bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây và đều làm bằng bốn thứ châu báu, là vàng, bạc, lưu ly và pha lê.
– Hồ ao được tạo nên bởi nước có tám công đức[11], ở đáy hồ toàn bằng cát vàng.
– Đường sá làm bằng bốn thứ châu báu, hai bên đường có vô số lâu đài được tạo nên bởi bảy loại báu[12].
– Hoa sen trong hồ lớn như các bánh xe, mỗi màu sắc đều phản chiếu hào quang rực rỡ, như sen xanh chiếu hào quang xanh, sen đỏ chiếu hào quang đỏ, .v.v….
– Thú tiêu khiển: ở cõi nước đó có dàn nhạc từ không trung vọng xuống, hoa Mạn đà la rải xuống như mưa mỗi ngày sáu lần. Nghe chim thuyết pháp bằng những thanh âm hoà nhã, giọng hót của chúng mang chất liệu của các pháp môn: ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần. Giọng hót của các loài chim do đức Phật A Di Đà hoá hiện ra, như Hạc trắng, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng tần già và Cộng mạng… mỗi khi cất lên đều khiến cho mọi người trong nước ấy nhớ ngay đến Phật, Pháp và Tăng.
– Cách trang trí: Hai bên đường, trên những gốc đỉnh của những toà lâu đài có treo các chuông rung (chuông gió) để mỗi khi có gió nhẹ xao động, các hàng cây, các màn lưới châu báu thì thanh âm vi diệu vang lên như trăm ngàn nhạc khí được hòa tấu, và khiến người dân khi nghe đều nhớ đến Tam bảo.
– Sinh hoạt: Cứ mỗi buổi sáng, dân chúng lấy lẵng hoa để hứng các bông hoa mầu nhiệm từ hư không rụng xuống, sau đó họ đem các lẵng hoa ấy đem đi cúng dường các vị Phật ở các phương khác, trưa về lại bổn quốc, thọ thực rồi kinh hành.
– Thiện tri thức và bạn lữ: Ngoài đức Phật A di đà là thầy, là giáo chủ, dân chúng còn có các bậc thiện tri thức đều là bạn và luôn luôn dìu dắt để cùng thực tập pháp môn niệm Phật.
Vì thế, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khuyên chúng sanh hãy phát tâm niệm Phật trong vòng một đến bảy ngày, đến khi nào “Nhất tâm bất loạn” thì sẽ được sanh về nước Cực lạc của đức Phật A Di Đà.
Và sau cùng là lời khen ngợi của chư Phật mười phương đối với đức Phật Thích Ca; vì đây là pháp môn rất khó tin mà Ngài Thích Ca đã nói được điều đó để mọi người cùng tin tưởng và thực tập. Ngài dạy: “Quý vị hãy tin vào lời tôi đang nói mà cũng là lời của chư Phật đang nói”.
Trên đây là sự trình bày tóm lược về ba Kinh căn bản của tông phái tịnh độ.
TỊNH ĐỘ: THẾ GIỚI BẢN NGUYỆN
Mọi người, khi đề cập đến tư tưởng Bản nguyện, đều cho rằng đó là phạm trù thuộc Phật giáo đại thừa, còn tiểu thừa thì không chấp nhận tư tưởng này.
Tư tưởng của nguyên thủy Phật giáo hay Tiểu thừa Phật giáo rất chú trọng và đề cao sự giải thoát chính mình ngay trong kiếp này và A La Hán vị là quả chứng cao nhất. Đồng thời quan điểm của tiểu thừa giáo lấy việc Tự lực là chính còn Tha lực là phạm trù nằm ngoài khả năng thực chứng.
Xét kỹ thì sự manh nha tư tưởng Bản nguyện phát sinh từ thời Phật còn tại thế, và diễn tả trong các kinh điển thuộc hệ A hàm và Nikaya. Nhưng, đến thời kỳ Phật Giáo Đại thừa xuất hiện thì tư tưởng này mới thật sự hình thành và phát triển. Chẳng hạn, trong tiểu phẩm Bát Nhã có Lục nguyện (Lục Ba La Mật), mười tám nguyện trong kinh A Sơ Phật, 24 nguyện trong kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, 30 nguyện của Đại Phẩm Bát Nhã, 36 nguyện của kinh Vô Lượng Thọ.
Tư tưởng Bản nguyện lấy Bồ đề tâm, Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh làm chủ yếu; nghĩa là đem tâm trong sáng (Tuệ tâm), tâm thanh tịnh vô nhiễm (Thanh tịnh tâm) mà tu tập hóa độ chúng sanh; đem tâm rộng lớn (Đại tâm), tâm chân thật (Chân tâm), tâm bao dung hỷ xả (từ bi tâm) mà cứu độ mọi loài, tâm như thế gọi là Bồ đề tâm. Dùng tâm Bồ đề ấy, phát khởi thệ nguyện rộng lớn, vị tha, trong sáng để cứu giúp chúng sinh, gọi là Bồ đề nguyện. Giúp chúng sinh thực hành các thiện pháp, rồi kiến thiết thế giới Tịnh độ cho chúng sinh quy về gọi là Bồ đề hạnh. Do đó, thế giới Bản nguyện là thế giới được thiết lập trên căn bản của Nguyện lực. Hay nói cách khác, thế giới ấy được thiết lập trên Bồ đề tâm, Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh. Và lẽ đương nhiên, thế giới Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà là thế giới Bản nguyện, bởi thế giới ấy được thiết lập trên căn bản 48 lời nguyện của Phật A di đà khi còn là Bồ Tát Pháp Tạng.
Thế giới Bản nguyện là thế giới vượt thoát mọi ý niệm nhị nguyên, sự hiện hữu của thế giới ấy không phải là sự hiện hữu đối đãi của cái khổ và cái vui. Vì thế, trong kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ hay kinh Quán Vô Lượng Thọ v.v…. đều diễn tả thế giới ấy rất nghiêm tịnh, tráng lệ, không có dấu tích của khổ đau, không có bóng dáng của thù hận, không có con đường thấp kém, sa đọa như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh: “Này Xá Lợi Phất, đất nước ấy vì sao tên là Cực Lạc? Bởi vì dân chúng trong nước ấy không biết khổ là gì, chỉ hưởng thụ mọi thứ an lạc, cho nên cõi ấy được gọi là Cực lạc”[13] (Kinh A Di Đà). Nơi ấy có các vị Phật thường thuyết pháp, có hoa thơm rơi xuống sực nức mùi hương, có chim báu do Phật A Di Đà biến hóa ra để thuyết pháp vi diệu, có nhạc đàn từ hư không vọng xuống, có ao hồ bằng bảy báu với những hoa sen đủ màu tỏa chiếu hào quang, có lâu đài bằng bảy báu, có đường sá bằng phẳng, có cây báu bên đường v.v.. Tất cả đều được xây dựng trên năng lực thệ nguyện của đức Phật A Di Đà. Bởi thế, thế giới Bản nguyện chính là con đường hành đạo của Bồ Tát. Bồ Tát hành đạo như dòng nước chảy không sợ sự ngăn ngại của sự vật, đối tượng, của hàng trúc kín vây quanh, như áng mây nhẹ trôi, dẫu non cao chặn đứng. “Trúc kín đâu ngăn dòng nước chảy, Núi cao đâu ngại áng mây bay”[14].
Vì thế, dầu địa ngục có khủng khiếp và ghê tởm bao nhiêu đi nữa thì bước chân của ngài Địa Tạng không thoái bộ để vào đó cứu quần mê; Ta bà có ô trược đến đâu thì Ngài Anan cũng nguyện vào trước[15], chúng sinh đau khổ bao nhiêu đi nữa thì Ngài Quán Thế Âm cũng nguyện ngồi lắng nghe mà hóa độ để đưa họ về với thế giới không khổ, không đau, không sanh, không tử, không cô đơn buồn chán và thất vọng.
Lại nữa, thế giới Bản nguyện cũng là thế giới của Đạo đức và Văn hóa. Tại sao? Vì thế giới đó không có con người thấp kém mà chỉ có các bậc thượng thiện nhân. Hễ nơi nào có các bậc thượng thiện nhân là nơi đó có Đạo đức, có Văn hóa; còn hễ nơi nào có những kẻ thấp kém, ích kỷ hẹp hòi là nơi đó không có Đạo đức, không có Văn hóa. Nơi mà có những kẻ thấp kém tầm thường, ích kỷ có mặt là nơi ấy đánh mất chủ quyền, nơi mà đời sống hết sức bẩn thỉu, nên thế giới của họ cũng nhơ nhớp ô uế với đầy khổ đau, phiền não và dục vọng… Trái lại, những nơi nào có các bậc thượng thiện nhơn cư ngụ, các vị Bồ tát và Chư Phật an trú thi nơi đó hoàn toàn có tự do, và thật cao thương; môi trường sống của họ cũng hết sức nghiêm tịnh, sạch đẹp, thơm tho và tráng lệ. Điều này được diễn tả trong các kinh nói về Tịnh độ tông, đặc biệt là kinh A Di Đà, kinh Vô lượng thọ v.v….
Tóm lại, thế giới Bản nguyện là thế giới của nguyện lực được thiết lập trên căn bản Bồ đề tâm, Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh để kiến thiết và xây dựng một thế giới, cõi nước có Văn Hóa và Đạo Đức. Bởi ở đó người ta làm đúng với sự thật, nói đúng với sự thật, và suy nghĩ đúng với sự thật. Và đó chính là điểm hấp dẫn thu hút sự tìm tòi và khám phá của con người.
TỊNH ĐỘ: CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TỰ TÂM
Sự tìm tòi, khám phá của con người chính là sự khám phá và chuyển hóa tâm thức. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Tâm như họa sư năng họa nhất thiết hình tượng”[16], nghĩa là tâm ta như người nghệ sĩ có thể vẽ ra vô vàn cảnh vật, hiện tượng đẹp, xấu khác nhau. Tâm chúng ta có thể tạo ra Thiên đường, có thể xây nên Địa ngục. Vì thế, sự hiện hữu của tâm thức chính là sự hiện hữu của hai mặt trái ngược nhau trong tâm thức con người; sự thấp kém và cao thượng.
Nếu tư tưởng của chúng ta vẩn đục, ích kỷ thì đời sống của chúng ta trở nên nhỏ nhen, thấp kém. Trái lại, nếu tư tưởng chúng ta rộng lớn, bao dung và hỷ xả thì đời sống của chúng ta sẽ trở nên cao đẹp, thanh thoát. Và cảnh vật hiện hữu xung quanh chúng ta là sự hiện hữu rất nhiệm mầu, như:“Hoa vô tâm, nước không lưu cánh, Tâm vô niệm, mây chẳng vương tơ”. Khi tâm hồn đã thanh thoát, trong sáng thì cảnh vật trở nên chan hòa, đầy sức sống dâng trào, và đang trôi chảy trong cùng bản thể vô niệm, vô tâm. Thế nên, chuyển hóa tự tâm là con đường gột sạch tư tưởng thấp kém để mở ra con đường cao thượng.
Cũng vậy, tu tập Tịnh độ cốt lấy niệm Phật làm đầu, và niệm Phật chính là gột sạch tư tưởng vẩn đục kia. Mỗi câu niệm Phật là một tư tưởng xấu lắng xuống, một niệm trong sạch dấy lên; nhiều câu niệm Phật thì nhiều tư tưởng xấu được đoạn trừ. Và niệm Phật đến cực điểm của “nhất tâm bất loạn” thì ô nhiễm không còn. Lúc đó tâm ta và Phật không khác và cánh cửa của thế giới Bản nguyện sẽ mở rộng. Nhưng tại sao con người vẫn mãi khổ đau và tuyệt vọng ? Bởi vì con người tạo tác ra nhiều tư tưởng xấu, mãi rong ruổi kiếm tìm một đối tượng hư huyễn mà cho là thật:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Thơ Xuân Diệu)
Hay lời cầu xin của kẻ tuyệt vọng được diễn tả trong hai câu thơ của Huy Cận:
“Sầu đã chín xin người thôi hãy hái
Nhận tôi đi dầu đi ngục thiên đàng
(Nói với thượng đế – Lửa Thiêng – Huy Cận)
Nỗi băn khoăn về cuộc sống toàn mỹ luôn là những ước vọng của hàng triệu người mà thi sĩ là lớp người mạnh dạn nói lên điều đó. Một lớp người sống “chớp giật”, tức là vội vã nắm chặt phút huy hoàng, dầu nó chỉ xảy ra trong tích tắc, bởi sau phút giây ấy là những tháng ngày khổ đau miên viễn. Và một lớp người khác phó mặc cho đời, phó mặc cho sự hoành hành của khổ đau và phó thác cho sự định đoạt của Thượng đế; và tất cả đều đang đau khổ. Nhưng viễn tưởng về một thế giới xa vời không có lý tưởng không phải là cách sống của Phật giáo. Phật Giáo không chấp nhận cách sống như thế; trái lại Phật Giáo đưa ra cách sống tỉnh thức, khi nào con người biết chuyển hóa thân tâm, chuyển khổ đau thành hạnh phúc, chuyển thất vọng thành nghị lực. Bởi vì, hạnh phúc và khổ đau không phải là thực thể ngoài ta, nó tồn tại trong tâm thức chúng ta[17]. Sự có mặt của hạnh phúc và khổ đau giống như bàn tay có úp có ngứa. Cái khổ đau ẩn tàng trong cái hạnh phúc, chẳng khác nào trong rác có hoa. Do đó, người biết tu tập chuyển hóa là người biết vun vén đống rác kia thành những chất liệu tạo nên hoa thơm, sắc thắm. Cũng như khổ đau và tuyệt vọng, biết cách ôm ấp và chuyển hóa thì nó sẽ trở nên hạnh phúc và bình an, lúc đó tâm ta bừng sáng, một sự đổi thay kỳ diệu của sự sống, đẩy lùi tất cả những tiếc nuối, tuyệt vọng và khổ đau. Nói như Albert Camus “… Rồi một ngày kia tâm hồn bừng sáng, và đặt câu hỏi, kể từ đó bắt đầu một cuộc sống mới, chôn vùi cái bóng tối tiếc nuối rã rời và đầy ngơ ngác”. Vì vậy, thanh lọc tư tưởng, chuyển hóa khổ đau, là những gì mà tất cả mọi người cần làm để xây dựng hạnh phúc và để tiếp cận với thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
TỊNH ĐỘ: PHƯƠNG PHÁP THỰC NGHIỆM
Khoa học ra đời thế kỷ 19, đã chứng minh, phân tích rất nhiều vấn đề có liên quan đến nhân quan sinh và vũ trụ quan. Nhưng khoa học vẫn băn khoăn trước vấn đề tâm linh, chứng ngộ, mà đặc biệt là con đường tâm linh chứng ngộ của Phật giáo. Điều này đã được các nhà khoa học, văn hào, triết gia,… nổi tiếng thừa nhận; chẳng hạn như thi sĩ và ký giả nổi tiếng người Anh, Edwin Arnold (1832-1904)[18], Egerton C. Baptist; nhà vật lý học lừng danh được trao tặng giải Nobel về Vật lý năm 1921, người Mỹ, gốc Đức, Albert Einstein (1879 – 1955); Khoa học gia Charles Eliot; hay như Bertrand Russell (1872-1970), nhà toán học, triết học, và là nhà cách mạng Anh, được tặng giải Nobel văn chương năm 1950; hoặc xa hơn như Blaise Pascal (1623-1662) đã từng đoạt danh hiệu là nhà thần đồng toán học, và là nhà vật lý, triết gia người Pháp, ông là sáng chế ra máy tính, và rất nhiều các danh sĩ khác trên thế giới đều rất hâm mộ và ca ngợi triết thuyết và tâm linh Phật giáo[19]. Đặc biệt, ông Albert Einstein nói như sau: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì nó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học, vì Phật giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt hẳn khoa học. Phật giáo là cái cầu nối giữa tôn giáo và tư tưởng khoa học. Mà những điều đó khích động con người khám phá những khả năng tiềm ẩn ngay trong mỗi con người và môi trường xung quanh nó. Phật giáo siêu việt thời gian và mãi mãi có giá trị”[20]. Đúng như thế, “Phật giáo sẽ trường tồn như mặt trời và mặt trăng và loài người hiện hữu trên mặt đất; do đó, Phật giáo là tôn giáo của con người, của nhân loại, cũng như của tất cả”[21]. Có thể nói rằng, sự xuất hiện của khoa học hiện đại chẳng qua chỉ là sự “trùng tuyên” và minh chứng lời dạy và sự thực chứng của giáo lý đạo Phật.
Tâm linh là con đường mà tất cả mọi giai tầng đều hướng đến để tìm hiểu khám phá và thực chứng nó. Nhưng muốn khám phá và thực chứng đời sống ấy, trước hết chúng ta phải có Đức tin. Trong kinh Phật dạy rằng: “Tín vi đạo nguyên, công đức mẫu,…” và Kinh Hoa Nghiêm cũng nhấn mạnh rằng ” Nếu rời khỏi tín căn, tâm thấp kém, ưu tư và hối hận, công hạnh không đầy đủ, thối mất sự tinh cần. Đối với thiện căn mà tâm đã sanh sự đình trụ, đối với một ít công đức tự cho là đã đủ, không thể thiện xảo phát khởi hạnh nguyện”. Lại nữa, trong 37 phẩm trợ đạo, thì yếu tố “tín căn” và “tín lực” là hai yếu tố đứng đầu Ngũ căn và Ngũ lực. Chính đó là những yếu tố làm phát triển thiện căn, dẫn dắt con người vào Đạo và thực hành Chánh đạo.
Hay nói như Luận Đại Trí Độ Luận “Phật pháp mênh mông như biển cả, con người có thể dùng niềm tin để đi vào”.
Niềm tin do đâu mà phát khởi? – Niềm tin phát khởi do bốn trường hợp.
- do Hiện kiến: Niềm tin phát khởi là do nhìn thẳng vào hiện thực – nghĩa là nhìn thấy sanh, lão, bệnh, tử,… là những sự khổ. Đó là những sự khổ hiển nhiên mà mọi người ai cũng thấy và cũng biết. Do thấy và biết như vậy, nên phát khởi niềm tin rằng “khổ đế” là một sự thật hiển nhiên của con người và của tất cả chúng sanh.
- do Chiêm nghiệm và loại suy: nghĩa là dựa vào một sự kiện, một kết quả thực tế, để suy nghiệm nguyên nhân. Chẳng hạn, dựa trên khổ đế để suy nghiệm nguyên nhân của khổ là “tập đế” và tin tưởng rằng”tập đế” là nguyên nhân của mọi khổ đau.
- do Kinh nghiệm và thực hành: Niềm tin phát sinh là do kinh nghiệm của cuộc sống và do sự thực hành. Chẳng hạn, do thực hành “Đạo đế” là con đường thoát khổ, con đường dẫn đến sự hạnh phúc và an lạc.
- do dựa vào lời nói của bậc Thánh: Chẳng hạn, Đức Phật nói “diệt đế” là cảnh giới hạnh phúc an lạc tối thượng, do lời nói ấy của Đức Phật làm phát sinh niềm tin cho những đệ tử của Ngài. Và những đệ tử của Ngài tin tưởng tu tập để đạt được cảnh giới hạnh phúc ấy[22].
Tin[23] không có nghĩa là chấp nhận một quy luật khắc nghiệt nào hay một sự ban thưởng, trừng phạt nào của một đấng tạo thế, thần linh. Tin như thế là mê tín, là cuồng tín, là si tín. Trái lại, nếu đức tin được soi sáng bởi Trí tuệ (chánh kiến) thì Đức tin đó gọi là Chánh tín.
Tin ở sự nỗ lực chuyển hóa thân tâm của mình và tin ở sự chuyên tâm niệm Phật của mình để thể nhập thế giới Tịnh độ, gọi là tự tín. Tin vào trí tuệ của Phật là siêu việt, vượt qua tất cả mọi định kiến và sự giải thoát của Ngài là sự giải thoát khổ đau sanh tử, và nguyện lực của Ngài là con thuyền đưa chúng sanh về tịnh độ, gọi là tha tín. Vì thế, muốn về tịnh độ thì phải niệm Phật. Niệm Phật theo tịnh độ tông, nói chung gồm có bốn cách:
– Trì danh niệm Phật: Nghĩa là hành giả nắm lấy danh hiệu Đức Phật A Di Đà mà niệm. Trì danh niệm Phật, không có nghĩa là niệm Phật bằng miệng mà phải niệm Phật bằng tâm. Chúng ta phải nắm lấy danh hiệu đó bằng trái tim của chúng ta, và qua danh hiệu đó chúng ta thấy Phật có mặt trong tâm ta. Cho nên nói: “khi niệm danh hiệu Phật, lòng mình có sự rung động. Giống như mình gọi tên của người thương mình vậy. Nghe tên người thương, mình cảm thấy rung động, nó làm cho mình khỏe, nó làm cho mình có hy vọng. Niệm Bụt cũng phải như vậy. Niệm Bụt không phải chỉ là gọi tên một cách trống rỗng, mà phải làm cho lòng mình tràn đầy sự tín kính”[24].
– Quán tượng niệm Phật: Nghĩa là nương vào hình tượng của Đức Phật A Di Đà mà niệm lên danh hiệu của Ngài. Qua hình tượng với tướng hảo trang nghiêm thanh tịnh đó, hành giả có thể nhớ đến công hạnh và thệ nguyện độ sanh rộng lớn của Ngài mà niệm đến Ngài. Niệm cho đến khi nào “Nhất tâm bất loạn” thì sẽ được thấy được chư Phật và chư vị Bồ tát.
– Quán tưởng niệm Phật: Bằng trì danh niệm Phật hoặc quán tượng niệm Phật, hành giả có thể đạt tới trạng thái niệm Phật không còn loạn động. Ở đây, hành giả niệm Phật bằng sự quán tưởng, nghĩa là hành giả nhớ đến Phật với thân sắc vàng, hào quang trắng bạch của Ngài A Di Đà, hoặc quán tưởng cảnh giới Cực lạc với đủ thứ nghiêm lệ mà niệm Phật. Niệm Phật bằng sự quán tưởng cũng sẽ giúp hành giả đạt tới niệm Phật tam muội.
– Thật tướng niệm Phật: Qua quá trình hành giả thực tập ngày đêm các phương pháp niệm Phật ở trên, đến giai đoạn này, khả năng niệm Phật của hành giả đã thuần thục, nghĩa là hành giả niệm Phật đến giai đoạn niệm mà không niệm, không niệm mà niệm. Trong mọi động thái của hành giả luôn luôn thể hiện chất liệu niệm Phật; bấy giờ danh hiệu Phật không nằm ngoài tâm của hành giả mà nó như là máu, là tim, là phổi,…v.v…luôn có mặt trong chính cơ thể của hành giả. Phật với Tâm là một.
Nói gọn, Niệm Phật cần phải biết danh hiệu Phật, hình tượng, tướng hảo Phật, quán tưởng Phật, cho đến giai đoạn niệm Phật tự trong tâm. Niệm Phật như thế gọi là niệm Phật có nội dung, gọi là niệm Phật nhất tâm. Cho nên, dầu chưa thác sanh về Tịnh độ, nhưng đường về Tịnh độ đã thật sự có lối.
Ngày xưa, Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát nhờ niệm Phật mà đắc viên thông; trong chương “Đắc Đại Thế Chí niệm Phật Viên Thông”, có ghi rằng: “Tôi nhờ pháp môn niệm Phật mà đắc viên thông, nếu người nào y theo pháp môn này tu hành thì cũng đắc viên thông”. Chính vì thế, khi nhắc đến Bồ tát Đại Thế Chí, chúng ta nhớ rằng: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tại đương lai quyết định thành Phật” (nhớ Phật, niệm Phật, hiện tại và tương lai, chắc chắn thành Phật).
Nếu niệm Phật mà không có nội dung, không có sự nhất tâm thì dễ trở thành niệm Phật trống rỗng và mang chất liệu mê tín. Vậy, niệm Phật như thế nào để nó không trở nên là một sự cầu nguyện mang tính mê tín mà nó biến thành đời sống thực nghiệm?
Không phủ định cho rằng, Tôn giáo luôn đi kèm với sự cầu nguyện, Phật giáo không chấp nhận lối cầu nguyện của quần chúng. Nhưng, Phật giáo phủ định cách cầu nguyện vô lý không dựa đến Chánh kiến. Một lối cầu nguyện vô lý là một sự cầu nguyện không có tính thuyết phục, không có chất liệu của sự sống. Nếu có chăng, Phật giáo chấp nhận sự cầu nguyện thì sẽ khuyên rằng: “Nếu anh, chị cầu nguyện trước Đức Phật, hay Đức Chúa Jesus… thì anh, chị phải gột rửa những tư tưởng thấp kém, sửa đổi tất cả những tật xấu như tham lam, sân giận, trách móc, kỳ thị và bạo động trong tâm đi thì sự cầu nguyện ấy sẽ trở nên có hiệu quả và rất sống động”. Cho nên, niệm Phật là trở về với cõi sáng của tâm thức, “Niệm Phật chính là niệm chân lý, Niệm chân lý tức là niệm tâm. Niệm tâm tức là niệm Phật. Kỉnh Phật tức là kỉnh tâm, khinh Phật tức là khinh tâm mình. Khinh tâm bỏ tâm mà tìm hạnh phúc, tìm chân lý thì không bao giờ có hạnh phúc”[25]. Niệm Phật là niệm chân lý mà con người là hiện thân của chân lý. Con người cũng đầy đủ vạn năng và liên quan mật thiết với vũ trụ. Nho giáo cho rằng: “Nhân thân tiểu thiên địa”. Thân người là bầu trời con, do đó tất cả mọi ý nghĩa, lời nói, mọi cử chỉ và mọi động tác đều ảnh hưởng đến thế giới quan, và tác động đến toàn thể vũ trụ. Nên, sự hiện thân của Đức Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền cho đến cỏ cây hoa lá, chim hót, dòng suối chảy hay bước chân thiền hành lướt nhẹ qua bãi cỏ xanh rờn…đều là hiện thân của Chân lý. Bởi chân lý không tách rời sự sống thực tại. Vì thế, niệm Phật là cơ hội tiếp xúc với chân lý, là để sống chân thật với những gì có mặt và hiện hữu. Do đó, phương pháp niệm Phật là con đường thực nghiệm để khám phá ra những bí ẩn trong lòng thực tại sự sống để thấy được rằng: Quê hương vẫn là đây, Trăng vẫn mảnh trăng này. (Vô vi – Thơ Viên Minh).
TỊNH ĐỘ: CON ĐƯỜNG BỒ TÁT ĐẠO
Trong các con đường của Lục Phàm và Tứ Thánh[26] thì con đường Bồ Tát là con đường tiếp cận gần nhất với Phật Đạo. Bởi vì, Bồ Tát nói cho đủ là Bồ Đề Tát Đỏa, Phạn văn gọi là Bodhisattva.
Bodhi (S), hán phiên âm là Bồ đề, dịch là giác ngộ, tỉnh thức; Sattva (S), hán phiên âm là Tát đỏa dịch là chúng sanh, hữu tình. Do đó, Bodhisattva có nghĩa là chúng sanh có thuộc tính giác ngộ; chúng sanh có nội dung giác ngộ. Bồ tát tuy được giác ngộ nhưng về trí tuệ và đạo hạnh vẫn kém hơn các đức Phật, bởi vì Bồ tát còn chưa gột sạch các vi tế vô minh. Vì thế, Bồ Tát cần phải lập nguyện và lập hạnh để tu tập. Con đường của Bồ Tát là con đường lập thệ nguyện rộng lớn, trên là cầu trí tuệ giác ngộ – Vô thượng Bồ đề, dưới là thực hành hạnh đại bi cứu độ chúng sanh đưa về bến giác. Do đó, trong nội dung của một vị Bồ Tát luôn thể hiện hai chất liệu Trí tuệ và Từ bi.
Tư tưởng của Bồ Tát là tư tưởng xả kỷ và hy sinh, nghĩa là Bồ tát làm giúp chúng sanh vui, giúp chúng sanh hết khổ, và khai mở tuệ giác cho họ mà không cần sự đền đáp và trả ơn. Vì thế, hình ảnh của Bồ tát đi vào đời là hình ảnh rất đẹp, một hình ảnh vĩ đại. Trong mọi hành động, bố trí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, Bồ Tát làm mà không trụ vào tướng, hoàn toàn vô cầu, vô kỷ, vô danh và vô niệm. Chẳng hạn, khi Bồ tát bố thí có nghĩa là Bồ Tát chẳng những hiến tặng cho chúng sanh về tiền tài, phẩm vật (tài thí) hay giúp đỡ chúng sanh trên mặt tu học (pháp thí) mà Bồ tát còn đem đến sự không sợ hãi (vô úy thí) cho chúng sanh. Nên Bồ Tát đến đâu là bình an đến đó, Bồ Tát đến đâu là ở đó khổ đau vắng mặt. Bồ Tát đối với vấn đề trì giới cũng vậy, chẳng những có đời sống luật nghi, luôn chặt đứt mọi gốc rễ của điều ác (Nhiếp luật nghi giới) mà Bồ Tát còn nỗ lực phát huy các thiện pháp (Nhiếp thiện pháp giới) đồng thời Bồ Tát còn thực tập các giới làm lợi ích hết thảy hữu tình (Nhiêu ích hữu tình giới…)[27] v.v….
Bồ Tát làm với tinh thần vô ngã, vô chấp, với chánh kiến, trí tuệ nên không bị mắc kẹt vào danh và sắc. Vì thế, bước đi của Bồ Tát là bước chân vững chãi và thảnh thơi. Bồ tát vào đời để hành đạo như cánh nhạn bay qua đầm lạnh không để lại dấu tích bóng hình, như trong bài thơ của Thiền Sư Hương Hải:“Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy, nhạn vô di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm”[28].
Do đó, tinh thần Bồ Tát là tinh thần xuất thế mà lại nhập thế. “Xuất thế” ở đây không có nghĩa là chạy trốn và bỏ mặc cuộc đời để tìm khoái lạc cảnh thần tiên. Mà xuất thế ở đây, theo Bồ Tát đạo, là con đường tu tập mong cầu tuệ giác vô thượng Bồ Đề. Và “nhập thế” cũng không có nghĩa là vào sống giữa cuộc đời và bị cuộc đời đồng hóa. Mà nhập thế theo tinh thần Bồ Tát là thực hiện hạnh đại bi, vào đời để hóa độ, hóa giải mọi nỗi khổ và niềm đau của chúng sanh và khai mở tâm trong sáng (Phật tâm) vốn sẵn có ở trong mỗi chúng sinh. Giáo sư Minh Chi đề cập về vấn đề xuất thế và nhập thế này như sau: “Người theo đạo Phật không có quyền giấu mình trong hẻo lánh, mà phải mạnh dạn đi ra giữa xã hội, sống một đời chói sáng màu sắc vị tha. Mỗi việc làm, mỗi lời nói cho đến mỗi ý nghĩ của người ấy phải là một bước trở về vô biên… cho đến khi hết thảy cặn bã vị kỷ đều rủ sạch và con người ấy rõ ràng thiết thực thấy mình với vũ trụ tan vào một khối duy nhất bao la”[29].
Bồ tát là biểu tượng của tình thương và sự hiểu biết, con đường Bồ Tát là con đường được trải bằng những đức tính nhẫn nhục vượt khó. Vì thế, ở đâu “hữu cầu” thì ở đó “tất ứng”, thể hiện tinh thần cứu khổ, cứu nạn của Bồ Tát Quán Âm[30]. Sự xuất hiện của Ngài là để ” lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ, Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu, … ngài lắng nghe với tâm không thành kiến, tâm không phán xét, tâm không phản ứng, bằng tất cả sự chú tâm và thành khẩn để ôm lấy và chuyển hóa nỗi khổ đau của mọi người. Ngài luôn thực tập hạnh nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người, để thấy những gốc rễ của mọi khổ đau, để thấy được tự tánh vô thường và vô ngã của vạn vật…”. Để rồi Bồ tát xin làm hạnh của Đất chấp nhận và chịu đựng mọi thứ nhơ nhớp cũng như trong sạch, thể hiện tinh thần của Ngài Địa Tạng “chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề, địa ngục vị không thệ bất thành Phật”[31], và “tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối khổ đau tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự để có thể mang đến những nơi ấy ánh sáng, niềm tin, hy vọng và giải thoát…, nỗ lực diệt trừ những địa ngục còn đang có mặt, và luôn thiết lập liên lạc với những ai không còn lối thoát, với những ai không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình nhân phẩm và quyền được làm người…; nỗ lực tu học để đạt được đức vững chãi và kiên trì của đất, để có thể trở thành trung kiên và không kỳ thị như đất”.
Tinh thần Bồ Tát là tinh thần “biết đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống… Buổi sáng đem niềm vui cho con người, buổi chiều giúp người bớt khổ”. Bồ Tát biết rằng: “Hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình và nguyện thực hiện niềm vui trên con đường phụng sự”[32]. Vì lý do đó, Bồ tát không ngần ngại thiết lập vương quốc Tịnh độ để làm phương sở đi về và chỗ hướng vọng cho tất cả chúng sanh.
Vì vậy, Đức Phật A Di Đà, trong thời kỳ còn là Bồ Tát Pháp Tạng, đã vì lợi ích của hết thảy hữu tình mà phát nguyện thiết lập vương quốc Tịnh độ Cực Lạc với 48 lời nguyện oai hùng. Trong 48 lời đại nguyện đó có lời nguyện Ngài nói rằng: “Thề quyết không thủ ngôi chánh giác nếu khi tôi thành Phật mà trong quốc độ còn có ba ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh” hoặc là: “Thề quyết không thủ ngôi chánh giác, nếu khi Tôi thành Phật mà cung điện lầu gác, cây hoa, cũng như tất cả vạn vật trong quốc độ không ngào ngạt trăm ngàn hương thơm, do vô lượng tạp bảo chung cộng hợp thành, xông ngát từ mặt đất lên đến hư không. Hương thơm ấy phải kỳ diệu hơn tất cả hương trời, tỏa khắp mười phương thế giới và sẽ khiến Bồ Tát ngửi thấy đều dõng mãnh theo hạnh Phật”[33].
Tóm lại, Bồ Tát đạo là con đường của Bồ Tát phát nguyện giáo hóa chúng sanh trên tinh thần xuất thế và nhập thế, tinh thần “hòa quang đồng trần” hay lý tưởng “thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh”. Trên tinh thần và lý tưởng đó, Bồ tát đã thiết lập quê hương Tịnh độ làm phương sở cho chúng sanh quay về nương tựa. Do đó, sự xuất hiện của các vị Bồ tát Quan Âm, Địa Tạng, Phổ Hiền, Đại trí Văn thù hay Bồ tát Thường Bất Khinh, v.v… đều là sự hiện hữu bất diệt để thực hiện tinh thần Bồ tát đạo.
GIỚI THIỆU MỘT VÀI KHUÔN MẶT CỦA TÔNG TỊNH ĐỘ
Chúng ta biết rằng, tông Tịnh độ xuất hiện từ rất sớm ở Ấn độ, Trung hoa cũng như Việt nam. Nhưng vào những thời kỳ sơ khai thì Tịnh độ tông không lan rộng và phát triển như Thiền tông. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì thời kỳ này đức Phật nhập Niết bàn không lâu lắm, các bậc Thánh vẫn còn tại thế nên họ tu tập theo sự hướng dẫn của thầy mình và họ thấy có hạnh phúc; lại nữa phần lớn các thánh giả đều là những vị thiền sư lỗi lạc nên họ chỉ truyền dạy những phương pháp thiền tập mà thôi. Do đó, dù có rất nhiều người biết đến Tịnh độ tông từ rất sớm, nhưng vì thiền tông vào những thời điểm trước đó rất thịnh hành, nên đa phần hành giả đều tu theo thiền tông. Tuy nhiên, vẫn có không ít các thiền sư xiển dương giáo nghĩa tông này và cũng có không ít người theo.
Ở Ấn độ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi còn tại thế, đã đề cập đến thế giới Tịnh độ của chư Phật. Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ VI trước kỷ nguyên, sau Phật nhập diệt, tức vào khoảng thế kỷ thứ II tây lịch, có hai nhân vật quan trọng đã xuất hiện và xiển dương giáo lý đại thừa và mang theo tinh thần khai triển tông Tịnh độ. Đó là Ngài Mã Minh và Ngài Long Thọ.
Tương truyền rằng, Ngài Mã Minh (Asvaghosha), lúc mới sinh ra, các con ngựa gần vùng đó đều hí lên, biểu lộ sự vui mừng, nên song thân ngài đặt tên là Mã Minh. Khi ngài thuyết pháp các con ngựa ở gần đó đều im lặng lắng nghe, buổi thuyết pháp vừa dứt, các con ngựa đồng thanh hí lên như để ca ngợi Ngài. Khi chưa đi tu Ngài đã là một biện sĩ lỗi lạc, một nhà đại văn hào và thi hào nổi tiếng lúc bấy giờ. Sau khi đi tu rồi, Ngài càng trác tuyệt hơn về kiến thức Phật học cũng như đời sống tâm linh. Vì thế, ngài rất được vua Kanishka (Ca Nị sắc Ca) tôn kính.
Ngài là vị tổ thứ mười hai của thiền tông Ấn độ, lại cũng là người xiển dương giáo nghĩa đại thừa một cách mạnh mẽ. Ngài đã trước tác rất nhiều bộ luận như: Đại thừa khởi tín luận, Đại tông địa huyền văn bổn luận, Sự sư pháp ngữ thập tụng, Phật sở hành tán và nhiều các luận giải có giá trị khác. Trong đó, Phật sở hành tán (Buddhacaritakàvya sùtra) được ngài Pháp Hộ (Dharmaraksa) dịch sang Hán văn vào năm 414 đến 421, và được Beal, S.B.E chuyển sang Anh ngữ; Đại thừa khởi tín luận (Mahàyàna Sraddhotpàda Sàstra) do Ngài Chân Đế (Paramartha) dịch sang Hán ngữ vào năm 554 và ngài Dược Xoa Nan Đà dịch vào năm 695 đến năm 700, và được học giả Teitaro Suzuki chuyển sang Anh ngữ năm 1900.
Tư tưởng chủ đạo của ngài Mã Minh là xiển dương giáo lý đại thừa theo tinh thần “khởi tín”. Ngài đề cập đến Tịnh độ như sau: “nếu ai chuyên tâm niệm đức Phật A di đà ở thế giới cực lạc phương tây, đem các căn lành do mình tu được mà hồi hướng nguyện cầu sinh về thế giới ấy thì liền được vãng sanh. Bởi lẽ, người ấy thường được thấy Phật, nên không bao giờ còn bị thối lui. Nếu ai quán pháp thân chân như của đức Phật ấy và thường siêng năng tu tập thì cuối cùng sẽ được sanh về, vì đã an trú trong chánh định rồi”[34]. Do đó, với ngài Mã Minh, các nhà sử học đã đi đến nhận định rằng:”Ngài là người xiển dương và làm hưng thịnh Phật giáo đại thừa tại Ấn độ vào thế kỷ thứ II tây lịch”.
Nhân vật thứ hai là ngài Long Thọ (Nàgàrjuna), xuất hiện vào thế kỷ thứ III, tây lịch. Ngài là người Tỳ đạt bà (Vidharbha) thuộc Nam Ấn độ, ngài rất giỏi về thiên văn, địa lý, toán số, sấm ký và các học thuật của ngoại đạo. Khi xuất gia, ngài theo tiểu thừa, sau chuyển sang đại thừa và hết sức cổ xuý cho phong trào chấn hưng, phát triển đại thừa. Các tác phẩm mà ngài trước tác để xiển dương giáo lý đại thừa như: Trung quán luận, thập trung luận, thập nhị môn luận, đại thừa phá hữu luận, đại thừa nhị thập tụng luận, thập bát không luận, bồ đề tâm ly tướng, v.v…; trong đó, bộ Trung Quán luận có giá trị nhất và được rất nhiều học giả biết đến.
Tư tưởng xiển dương đại thừa được ngài đề cập đến bao gồm cả tư tưởng vãng sanh Tịnh độ, chủ yếu theo ba khuynh hướng:
- Tư tưởng vãng sanh về Tịnh độ Đâu suất của đức Phật Di lặc (Maitreya Buddha)
- Tư tưởng vãng sanh về thế giới Diệu hỷ của đức Phật A sơ (Aksobhya Buddha)
- Và tư tưởng vãng sanh về thế giới Cực lạc ở phương Tây của đức Phật A Di Đà (Amitàbha Buddha)
Vào thời ngài Long Thọ, tư tưởng vãng sanh chỉ y cứ vào 24 lời nguyện theo kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác mà không phải là 48 lời nguyện của Tỳ kheo Pháp tạng.
Nói chung, tư tưởng của ngài Long Thọ về Tịnh độ tông khá hoàn chỉnh, tạo nền móng cho sự phát triển về sau.
Tại Trung hoa, Tịnh độ tông cũng đã có từ rất sớm, nhưng mãi đến thời Đông Tấn (317-418), tông này đã được hình thành có tổ chức và quy tắc rõ ràng do ngài Tuệ Viễn ở Lư Sơn sáng lập.
Ngài Tuệ Viễn (334-416) quê ở Nhạn Môn, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Từ nhỏ vốn thông minh hoạt bát, ngài xuất gia và rất chú trọng đến thiền học, lấy giới, định tuệ làm căn bản tu tập. Ngài sống đời đạm bạc, không cầu danh lợi, chức tước. Có lần, Tể tướng Hoàn Huyền tâu với vua An Đế, Đông Tấn, rằng: “thiên, địa, vương là ba ngôi chí tôn, trời đất để che chở, vua để trị vì trong thiên hạ. Vậy, sa môn phải kính lễ đức lớn của nhà Vua”. Sau đó, ngài dâng thư phản kháng, ngài viết cuốn “sa môn bất bái vương giả luận”[35] để tỏ rõ cái lễ nghi thế gian khác xa với lễ nghi xuất thế.
Tại Lư Sơn, Ngài lập hội niệm Phật, gọi là “Bạch liên xã” gồm 123 người, chủ đích lấy việc chí nguyện lễ bái và niệm hồng danh Đức Phật A Di đà, không phân biệt xuất gia hay tại gia. Đến thời Nam -Bắc triều, Ngài Bồ đề Lưu Chi dịch bộ “Vãng sanh Tịnh độ luận”, do ngài Thế Thân trước tác và nó đã trở thành bộ luận căn bản cho Tịnh độ tông. Về sau, Ngài Đàm Loan (476-542) kế thừa pháp môn này rồi truyền tới ngài Đạo Xước và Thiện Đạo. Ngài Đạo Xước (562-645) và ngài Thiện Đạo (613-681) là hai vị hoàn thành giáo nghĩa Tịnh độ ở Trung hoa bấy giờ. Các tác phẩm của ngài Thiện Đạo như: “Quán kinh sớ” (4 quyển), “Vãng sanh lễ tán” (2 quyển), “Quán niệm Phật môn” (1 quyển), “Ban chu tán” (1 quyển), “Pháp sự tán”,… bao hàm giáo lý tinh yếu về Tịnh độ. Ngoài ra, ngài còn giải thích kinh “Quán vô lượng thọ”.
Về sau, ngài Từ Mẫn (Tuệ Nhật, 680-748) tiếp nối tông này, nhưng chịu ảnh hưởng tinh thần thiền tông. Do đó, tinh thần Tịnh độ rất được phát triển dưới triều đại nhà Đường (618-907), và từ sau ngài Từ Mẫn, giáo nghĩa Tịnh độ có khuynh hướng “thiền tịnh song tu”.
Đến thế kỷ thứ X, dưới triều đại nhà Tống (960-1279), có thiền sư Diên Thọ (904-975) đã sử dụng phương pháp niệm Phật dựa trên nguyên tắc “duy tâm Tịnh độ tâm ngoại vô pháp”(cõi Tịnh độ ở ngay trong tâm, ngoài tâm không có pháp môn ấy”. Và Tịnh độ tông cũng đã âm thầm phát triển theo khuynh hướng ấy, và nó đã hưng khởi mạnh mẽ vào thời nhà Minh (1368-1661), do các ngài Vân Thê- Châu Hoằng (1535-1615), Ngẫu Ích – Trí Húc (1599-1655) và đại sư Ấn Quang vào thời nhà Thanh (1662-1911), cho đến thời Trung Hoa Dân Quốc (1912).
Theo sự nghiên cứu của ngài Junjirò Takakusu, tại Trung quốc, những thẩm quyền về tín ngưỡng này rất nhiều, nhưng chỉ có bốn dòng truyền thừa[36] sau đây được nhìn nhận:
– Dòng I: Phật đồ trừng (người Ấn, ở Trung Hoa, khoảng 310-348) Đạo An (584-708) Huệ Viễn (334-416).
– Dòng II: Bồ đề Lưu chi (Bodhiruci, người Ấn ở Trung Hoa, khoảng 503-535) Huệ Sủng Đạo Tràng Đàm Loan (Doran,476-542) Đại Hải Pháp Thượng (Hôjô,495-508)
– Dòng III: Bồ đề Lưu chi Đàm Loan Đạo Xước (Dôshaku, khoảng 645) Thiện Đạo (Zendô, mất 681) Hoài Cảm (Ekan) Thiếu Khang (Shôkô).
– Dòng IV: Từ Mẫn (jimin, sang Ấn vào đời Đường (618 -907) và tiếp nhận tín ngưỡng Di Đà tại Gandhàra.
Ở Nhật, lịch sử về tín ngưỡng này rất dài, mặc dù Nguyên Tín (Genshin, 942-1017) và Pháp Nhiên (Hônen, 1133 – 1212) là những nhà tiền phong truyền xướng thuyết này. Có một truyền thuyết cho rằng, Thánh Đức thái tử vào triều đại của nữ hoàng Suy Cổ (suiko, 593-628) cũng đã tin Phật A Di Đà. Và người ta đã tìm thấy một trong các bản Nghĩa thích của Thái tử có nhắc đến Tây phương cực lạc. Ngài Huệ An, một Tăng sĩ người Đại Hàn, từng giảng thuyết kinh Vô lượng thọ cho hoàng triều. Vào thời Nara (710-793), có người cho là Hành Cơ đã từng vân du để quảng bá tín ngưỡng này cho quần chúng. Tiếp đó, ngài Giám Chân, một Luật sư người Trung Hoa, đã từng đến Nara vào năm 754, truyền thọ tín ngưỡng Di Đà cho đệ tử người Nhật là Vinh Duệ.
Nhưng trong thời đại Nara, tín ngưỡng này không được giảng dạy có hệ thống, và vì thế ngài Viên Nhân đã lập ra hai cách thức niệm Phật, đứng và ngồi, và giới thiệu một nhạc điệu mô tả cảnh giới Cực lạc.
Sau đó, ngài Nguyên Tín (genshin), trước tác một số luận giải quan trọng về tín ngưỡng này và sáng kiến một nghệ thuật hội hoạ hình ảnh đặc biệt về thế giới cực lạc. Đệ tử của ông là Lương Nhẫn (Ryônin) lập nên một phái chiết trung giữa Thiên thai và Tịnh độ, gọi là Dung thông niệm Phật, mà thực tế là hoà hợp giữa học thuyết Pháp hoa và tín ngưỡng Di đà. Truyền thuyết cho rằng, ông chính là Phật A di đà hiện thân thuyết pháp về chân lý “một trong tất cả, tất cả trong một; một hành động cho tất cả, tất cả hành động cho một”[37]. Sau ngài Lương Nhẫn là ngài Pháp Minh (Hômyô) làm sống dậy tông này năm 1321.
Trước đó, năm 938, Không Dã (Kùy, 903 -972) đến Kyoto và đi khắp các ngõ đường, đến đâu Sư cũng tụng vang các bài tán Phật A Di Đà, do chính ngài sáng tác. Dân chúng gọi Sư là “Thánh chợ” (thị thánh)…
Vào thời Bình An (Heian) Hưng giáo đại sư (kôkyô, 1095-1145), hiệu Giác Tông, một đại sư nổi tiếng ở núi Cao Dã rất sùng bái tín ngưỡng Di Đà và thường khát vọng được thác sinh về thế giới Cực lạc.
Lương Biến (khoảng 1200), một nhà bác học ở chùa Kongôsammaiin (kim cang tam muội viện) tự xưng là tín đồ Di Đà, vân du sang Tanabe, vùng Kỷ y (kii) và cải hoá được ông trưởng làng đánh cá.
Nói chung, Tịnh độ tông tại Nhật khá hưng thịnh và được giới xuất gia lẫn tại gia tiếp nhận một cách sùng tín và gây tiếng vang rất lớn trong quần chúng.
Về Tịnh độ tông tại Việt nam, thật khó xác định niên đại và nguồn gốc khai sáng, và sự ảnh hưởng của tông phái này vào thời nào.
Theo Cao Tăng truyện ghi lại rằng: “Ngài Đàm Hoằng, một danh tăng Trung quốc vào thế kỷ thứ V, là hội viên của hội “Bạch liên xã” tại Lư sơn, đến Giao chỉ để truyền bá giáo lý Tịnh độ. Ngài ở Quảng Lăng, thuộc Tỉnh Giang Tô ngày nay. Từ nhỏ ngài đã xuất gia và là người rất giỏi về Luật học. Khi ngài thâm nhập pháp môn Tịnh độ ở hội “bạch liên xã” thì ngài đến Giao Chỉ, trú tại chùa Tiên Sơn. Tại đây, ngài thường trì tụng “vô lượng thọ kinh” và “quán kinh”-tức là kinh Quán vô lượng thọ. Để củng cố niềm tin cho tín đồ và để chứng nghiệm pháp môn Tịnh độ, nên đến năm Hiến Kiến thứ tư (455, tl), ngài đã lén chất củi tự thiêu ở trên núi, nhưng việc ấy bất thành, các đệ tử phát hiện kịp thời. Tuy vậy, trong lòng Ngài vẫn mang hoài bão ấy, nên nhân cơ hội tất cả mọi người đi dự hội lớn của Làng, ngài lại sắp củi tự thiêu, đến khi mọi người phát hiện thì ngài đã tắt thở. Nhưng đêm đó, dân làng thấy ngài Đàm Hoằng có sắc thân vàng, đi nhanh về phía Tây, gặp ai ngài cũng hoan hỷ chào hỏi. Thấy chuyện lạ, nên dân làng thâu lượm xá lợi của Ngài và dựng tháp tôn thờ…”. Đó là một điển tích, một sự kiện khá thú vị tại Việt nam liên hệ đến Tịnh độ tông tại Việt nam vào thế kỷ thứ V.
Đến thế kỷ XI và XII, Tịnh độ tông được mọi người biết đến nhiều hơn. Và đầu thế kỷ XIII, vào triều Trần, Tịnh độ tông rất thịnh và có sự kết hợp nhuần nhuyễn với Thiền tông. Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần, đã từng khăn gói lên Yên tử sơn để xin xuất gia, nhưng chưa đủ duyên nên phải về kinh đô lo việc triều chính. Ông là vị vua rất mộ đạo[38], nhân đức. Ngoài việc chăm sóc thần dân, lúc rảnh rỗi, ông còn nỗ lực nghiên cứu đạo thiền, tham vấn các bậc cao Tăng kỳ đức để nâng cao nhận thức và thăng tiến nội tâm. Và vì thế, ông trở thành vị Vua anh minh tài giỏi, độ lượng và luôn được mọi người tôn kính.
Về pháp môn Tịnh độ, ông có quan điểm rất sắc sảo đối với pháp môn niệm Phật này, và nó được ghi lại trong Khóa Hư lục, như sau: “Niệm Phật là do tâm phát khởi. Tâm phát khởi về nẻo thiện thì đó là thiện niệm, thiện niệm đã phát khởi thì thiện nghiệp sẽ đền bồi. Tâm phát khởi về nẻo ác thì đó là ác niệm, ác niệm đã phát sinh thì ác nghiệp sẽ ứng nghiệm. Như kính hiện ảnh, như bóng theo hình. Cho nên, Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói: ‘ai mà vô niệm, ai mà vô sinh?’.”[39]
Theo Trần Thái Tông thì vấn đề thiện ác đều do tâm, niệm Phật cũng do tâm. Tâm là ông chủ của mọi kết quả hạnh phúc và khổ đau. Nên, niệm Phật cũng chính là niệm tâm. Và Trần Thái Tông đã đưa ra cách niệm Phật cho ba hạng người, thượng, trung, hạ trí khác nhau.
“Bậc thượng trí thì tâm tức là Phật, không cần tu thêm, niệm tức là bụi trần, không vướng một mảy may, trần và niệm vốn tịnh nên nói là như như bất động. Đó là Phật thân. Phật thân tức là thân ta ấy vậy, không có hai tướng. Tướng và tướng không hai, lặng lẽ tồn tại thường hằng. Tồn tại mà không biết, đó gọi là Phật sống”. Niệm Phật đối với bậc thượng trí là như thế, nhưng không mấy ai đạt được, nên Trần Thái Tông đã đưa ra phương pháp niệm Phật đối với bậc trung trí như sau: “bậc trung trí ắt nhờ vào niệm Phật. Chú ý tinh cần, niệm niệm không quên thì tâm mình thuần thiện. Niệm thiện đã hiện thì niệm ác liền tiêu, niệm ác đã tiêu thì chỉ còn niệm thiện. Dùng niệm mà ý thức về niệm thì niệm niệm đều diệt. Khi niệm đã diệt ắt về chính đạo, lúc mệnh hết qua đời sẽ được niềm vui cõi Niết bàn. Thường Lạc Ngã Tịnh là đạo của Phật.” Đây là phương pháp niệm Phật đối với hàng trung trí, nhưng không phải dễ dàng, nó đòi hỏi cần sự nỗ lực tinh chuyên để đẩy lùi niệm xấu. Nhưng, để dễ dàng hơn cho người mới sơ cơ niệm Phật, Trần Thái Tông đã phải đưa ra một cách thức niệm Phật dành cho hàng hạ trí: “Kẻ hạ trí miệng siêng niệm lời Phật, lòng muốn thấy hình tướng Phật, thân nguyện sinh ở nước Phật, ngày đêm siêng tu, không thoái chí thay đổi, như vậy đến khi mệnh hết qua đời sẽ theo niệm thiện mà được sinh ở nước Phật, sau đó lãnh hội được chính pháp của chư Phật nêu ra mà chứng được bồ -đề cũng vào quả Phật”[40]. Chúng ta phải thấy một điều rằng,
Ngoài Trần thái Tông, chúng ta cũng bắt gặp một nhân vật siêu tuyệt khác của nhà Trần, đó là Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1290), con trưởng của An sinh Vương Trần Liễu, anh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Thượng sĩ là người ý chí siêu phàm, tư tưởng thâm siêu, khí lượng thâm trầm, dung thần nhàn nhã. Ông là một người rất “phá chấp”, một thi sĩ nổi tiếng và là một thiền sư cư sĩ lỗi lạc thời bấy giờ. Qua tác phẩm Thị tu tây phương bối[41] của Tuệ Trung, ta thấy được chất Tịnh độ rất rõ trong ông:
Tâm nội Di Đà tử mạ khu
Đông tây nam bắc pháp thân chu,
Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt,
Sát hải trừng trừng dạ mạn thu.
Dịch là:
Di đà vốn thật pháp thân ta
Nam Bắc Đông Tây khắp chói lòa
Trăng thu ngự giữa trời cao rộng
Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa.
Quả đúng là bậc “thượng sĩ”, ông đã có cách nhìn rất độc đáo và thâm uyên về giáo nghĩa Tịnh độ. Và Di đà theo cái nhìn của Tuệ Trung đó chính là pháp thân thường trú, hễ tâm vắng bặt mọi cuộc săn đuổi, mọi cuộc vong thân thì tâm ấy chính là Phật và luôn toả chiếu khắp các phía Đông Tây Nam Bắc như trăng thu phản chiếu xuống mặt nước trong veo.
Với quan điểm đó về Tịnh độ tông, Trúc Lâm đầu đà, vị vua đời thứ ba của nhà Trần, xuất gia tu tập và trở thành sơ tổ thiền phái Trúc Lâm Yên tử, đã đề cập đến tông này theo cái sở tri và sở chứng của mình:
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến tây phương
Di đà là tính sáng soi, mựa[42] phải nhọc tìm về Cực lạc.”
(Cư trần lạc đạo phú – hồi thứ hai)
Niệm Phật theo vua Trần Thái Tông trong Khóa Hư Lục chỉ đưa ra cách chung chung, mà không có một danh hiệu Phật hay tên của cõi Tịnh độ cụ thể. Nhưng ở đây, vua Trần Nhân Tông đã nói rõ về điều đó, nghĩa là Vua đang đề cập đến Tịnh độ Cực Lạc ở phương Tây của Đức Phật A Di Đà. Muốn về đó, không phải là chuyện khó, hễ lòng mà trong thì Tịnh độ liền có mặt. Tịnh độ và tâm mình không phải hai. Vì thế, người tu theo Tịnh độ không cần đi đâu xa, Tịnh độ có ngay trong lòng như nước có chảy ra trăm nhánh thì rốt cuộc cũng về biển cả, và trăng có bị che khuất bởi mây đen u ám thì trăng vẫn không lìa bầu trời[43].
Và cũng như thế, đệ tam tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Huyền Quang, một nhà thơ và là một học giả lớn, đồng thời là một nhà tâm linh sâu sắc vào thời Trần, đã bày tỏ quan điểm của mình như sau:
Biết được tính ta nên Bụt thật
Ngại chi non nước cảnh đường xa.
(vịnh Vân yên tự phú)
“tính ta” chính là tính Phật; nếu ta thấy được Phật tính thì giữa Phật và ta không hai không khác, nên dầu đường về Tịnh độ có xa cách mấy, ngay cả hơn 10 vạn ức cõi Phật, cũng không làm cho ta lo ngại.
Tịnh độ tông vào thời đại nhà Trần phát triển song song với Thiền tông, tất nhiên ảnh hưởng của Thiền tông thời bấy giờ vẫn lớn hơn. Và từ đó, thiền tông cũng như Tịnh độ tông phát triển song hành, cả Đàng trong lẫn Đàng ngoài, và được mọi người tiếp nhận để thực tập, hành trì cho đến bây giờ.
Do vậy, sự có mặt của tông Tịnh độ có ảnh hưởng rất lớn đối với các tăng tín đồ không chỉ Ấn độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, mà còn tác động rất lớn đến các nước Phật giáo khác trên thế giới. Lại nữa, sự có mặt của Tịnh độ tông đã đang và sẽ mang lại niềm tin bền chắc nhất cho hành giả, và họ xem nó như là con đường hữu hiệu nhất, dễ dàng nhất trong nhiều trong pháp môn thực tập của Phật giáo để trở về với quê hương bình an.
[Tập san Nghiên cứu Phật học TTH số 21, 22]
[divider style=”normal” top=”20″ bottom=”20″]
[1] Kinh Vô lượng thọ quyển thượng: “Vô lượng thọ Phật uy thần quang minh tối tôn đệ nhất”. Đối với Mật giáo là vị Tây phương Tôn trong ngũ Phật – Đông Phương, A Súc Phật; Nam phương Bảo Tướng Phật; Tây phương Di Đà Phật; Bắc phương Thành Tựu Phật và Trung Ương, Tỳ Lô Phật.
[2] Bảy kinh thuộc tịnh độ tông gồm: 1. kinh A di đà (1 q); 2. kinh vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác (4q, do Chi Câu Lâu Sấm, đời Hậu Hán dịch); 3. kinh đại a di đà (2 q); 4. kinh vô lượng thọ (2q); 5. kinh quán vô lượng thọ (1q); 6. kinh xưng tán tịnh độ Phật nhiếp thọ (1q), và 7. kinh cổ âm thanh tâm đà la ni (1q).
[3] Vô lượng thọ kinh 無 量 夀 経 (Sukhàvativyhasùtra), do Khang Tăng Khải đời Tào Nguỵ dịch. Kinh này trước sau có 12 bản dịch, trong đó còn 5 bản và 7 bản bị mất. Các nhà chú thuật kinh này, gồm: 1. vô lượng thọ kinh nghĩa sớ, 1quyển, do Cát Tạng đời Tuỳ soạn; 2. Vô lượng thọ kinh nghĩa sớ, 2 quyển, do Tuệ Viễn dời Tuỳ soạn; 3. Vô lượng thọ kinh ký, 2quyển, quyển thượng hư nát, quyển hạ thất lạc, do Đường Huyền Nhất biên tập; 4. vô lượng thọ kinh liễu nghĩa thuật văn tán, 3 quyển, do Cảnh Hưng đời Đường soạn; 5. Vô lượng thọ kinh tông yếu, 1 quyển, do Nguyên Hiểu ở Tân La soạn; 6. Vô lượng thọ kinh khởi tín luận, 3 quyển, Bành Thanh soạn thuật; 7. Vô lượng thọ kinh hội dịch, 1 quyển, do Nguyên Hội đời Nguỵ dịch. (xem Từ điển Phật học Hán việt, Phân Viện nghiên cứu Phật học, nhà xuất bản khoa học xã hội, 1992, tr.1526-1527)
[4] Tam tâm 三 心, theo kinh Quán Vô lượng thọ, gồm: 1. Chí thành tâm 志 誠 心(tâm chí thành, lòng tha thiết) , 2. Thâm tâm 深 心 (tâm sâu xa, lòng sâu chặt hướng về) 3. Hồi hướng phát nguyện tâm 回 向 發 願 心(lòng phát nguyện quay về). Dùng ba tâm nầy mà tu tập pháp môn tịnh độ chắc chắn sẽ vãng sanh về Cực lạc.
Ngoài ra, để hiểu thêm thuật ngữ “Tam tâm”,chúng ta có các cách giải thích về nó như sau: 1. Căn bản tâm 根 本 心 (chỉ tâm vương, tức a lại da, chứa đựng mọi chủng tử thiện ác, sản sinh ra các pháp nhiễm tịnh; 2. Y bản tâm 依本 心(tâm dựa vào mạt na thức, tức là thức thứ bảy trong tám thức; tâm này là gốc căn bản của nhiễm pháp; 3. Khởi sự tâm 起 事 心(tâm chấp trước vào ngoại cảnh lục thức, như nhãn, nhĩ, … mà khởi lên các nghiệp.
Theo Đại thừa khởi tín luận quyển hạ, có ba loại tâm sau: 1. Chân tâm 眞 心 (無 有 分 別 故, nghĩa là tâm không phân biệt); 2. Phương tiện tâm 方 便 心 (任 運 利 他 故, thông minh trong việc cứu giúp mọi người) 3. Nghiệp thức tâm 業 識 心 (微細 起 滅 故, tâm sinh khởi và huỷ diệt rất vi tế)
Theo Tống kính lục, q89 .III, trong nguyện 18 của kinh vô lượng thọ có nói:”chí tâm, tín nhạo, muốn sanh ở nước ta”, ba điều đó cũng được gọi là tam tâm.
Tam tâm, theo ngài Đạo Xước (Dôshaku, khoảng 645) dựa theo Tịnh Độ Luận Chú, như sau: 1.Thuần tâm 純 心 (tâm chín muồi, tâm thuần tín), 2. Nhất tâm 一 心 (tâm thuần nhất, tâm định tĩnh), 3. Tương tục tâm 相 續 心(tín tâm tương tục không bị pha tạp các niệm xấu).
Trong từng giai đoạn của một trong mười địa của Bồ tát, như Hoan hỷ đại, cho đến Pháp vân địa, cũng được gọi là tam tâm; gồm: 1. Nhập tâm 入 心(tâm mới đi vào trong địa vị đó), 2. Trú tâm 住 心 (tâm đã an trú trong địa vị đó); và 3. Xuất tâm 出 心 (tâm sắp ra khỏi địa vị đó, để tiếp tục Nhập, trú xuất ở địa vị sau).
[5] 當 來 之 世 經 道 滅盡 我 以 慈 悲 哀 憫, 特 留 此 經 只 住 百 歳,其有 眾 生 值 斯 經 者, 隨 意 所 願 皆 可 得 渡。Đương lai chi thế kinh đạo diệt tận, ngã dĩ từ bi ai mẫn, đặc lưu thử kinh chỉ trụ bá tuế, kỳ hữu chúng sanh trị tư kinh giả, tuỳ ý sở nguyện giai khả đắc độ – trích từ Vô lượng thọ kinh.
[6] Quán vô lượng thọ kinh 观 無 量 夀 経 là tên tắt của “Phật thuyết quán vô lượng thọ Phật kinh”, 1 quyển, do ngài Cương Lương Da Sá đời Tống dịch; sách chú sớ của các nhà về kinh nầy như sau: 1. Quán vô lượng thọ kinh sớ, 1 quyển, do Trí Giải đại sư đời Tuỳ thuyết; 2. Quán vô lượng thọ kinh sớ, 2 quyển, do Tuệ Viễn đời Tuỳ soạn; 3. Quán vô lượng thọ kinh sớ, 1 quyển, do Cát Tạng đời Tuỳ soạn; 4. Quán vô lượng thọ kinh sớ, 4 quyển, do Thiện Đạo đời Đường tập ký; 5. Thích quán vô lượng thọ kinh ký, 1 quyển, do Pháp Thông, đời Đường soạn; 6. Quán vô lượng thọ Phật kinh sớ diệu tông sao, 6 quyển, do Trí Lễ đời Tống thuật; 7.Quán vô lượng thọ kinh nghĩa sớ, 3 quyển, do Nguyên Chiếu đời Tống thuật; 8. Quán kinh phù tâm luận, 1 quyển, do Giới Độ đời Tống thuật; 9. Quán vô lượng thọ Phật kinh ước luận, 1 quyển, do Bành Tế Thanh thuật.
[7] Vi đề hy 韋 提 希(vaidehi) dịch là Tư duy, Thắng diệu thân, là hoàng hậu của Vua Tần bà sa la nước ma kiệt đà, là mẹ của Vua A xà thế.
[8] Lục niệm六 念: gồm: 1.Niệm Phật, 2.Niệm Pháp, 3.Niệm Tăng, 4.Niệm giới, 5.Niệm Thí và 6.Niệm Thiên; xem Kinh Biệt Dịch Tạp A Hàm, q9, Kinh Niết bàn q 18, Luận Trí độ q 22, Đại Thừa Nghĩa Chương, q12.
Để hiểu thêm về Lục Niệm theo giới bổn, hành sự sao quyển thượng, gồm:1. Niệm tri nhật nguyệt (nhớ biết ngày tháng thọ giới), 2. Niệm tri thực xứ (nhớ biết chỗ ăn uống, nhớ rõ nơi thỉnh thọ thực, đừng để quên mà làm buồn lòng người thỉnh mời),3. Niệm thọ giới thời hạ lạp (nhớ tuổi hạ từ sau ngày thọ giới), 4. Tri y bát hữu vô đẳng (nhớ biết y, bát, ..v..v…của mình có hay không, biết mấy y thì đủ lượng, bát thế nào là ứng lượng khí), 5. Niệm đồng biệt xứ ( nhớ chỗ ở chung và riêng), và 6. Niệm khang luy (nhớ là mình khỏe hay yếu, nếu không bệnh thì biết là không bệnh để kham việc hành đạo, nếu có bệnh thì phải kịp thời chữa trị).
[9] Kinh A di đà 阿 彌 陀 経 đã được các nhà chú giải rộng ra như sau: 1. A di đà kinh nghĩa ký, 1 quyển, do Trí Khải đời Tuỳ trình bày, Quán Đỉnh ghi chép; 2. A di đà kinh nghĩa thuật, thông tán sớ, 3 quyển, do Khuy Cơ đời Đường soạn; 3. A di đà kinh sớ, 1 quyển, do Trí Viễn đời Tống thuật; 4. A di đà kinh nghĩa sớ văn trí ký, 3 quyển, do Nguyên Hiểu đời Tống thuật, Giới Độ ghi; 5. A di đà kinh cú giải, 1 quyển, do Tính Trừng đời Nguyên cú giải; 6. A di đà kinh lược giải, 1 quyển, do Đại Hữu đời Minh kể; 7. A di đà sớ sao, 4 quyển, do Châu Hoằng đời Minh thuật, 8. A di đà sớ sao sự nghĩa, 1 quyển, A di đà sớ sao vấn biện, 1 quyển, A di đà sớ sao diễn nghĩa, 4 quyển, do Cổ Đức Pháp sư đời Minh diễn nghĩa, Tái Thuận định bản; 9. Tịnh độ dĩ thuyết, 1 quyển, do Đại Huệ đời Minh giải thích; 10. A di đà kinh yếu quyết, 1 quyển, do Trí Húc giải; 11. A di đà kinh thiệt tướng, 1 quyển, do Tịnh Đĩnh soạn;12. A di đà trực giải chính hành, 1 quyển, do Liễu Căn chú; 13. A di đà kinh lược chú, 1 quyển, do Tục Pháp lục chú; 14. A di đà kinh lược giải viên trung sao, 2 quyển, do Đại Hựu đời Minh thuật, Truyền Đăng sao lục; 15. A di đà kinh trích yếu dị giải, 1 quyển, do Chân Trung thuật; 16. A di đà kinh ước luận, 1 quyển, do Bành Thế Thanh thuật; 17. A di đà kinh yếu giải tiện mông sao, 3 quyển, do Trí Húc đời Minh yếu giải, Đạt Mặc Tạo sao lục, Đạt Lâm tham đính; 18. A di đà kinh sớ sao hiệt, 1 quyển, do Chu Hoằng đời Minh sao sớ, Từ Hoà Đình hiệt nghĩa.
[10] Kinh A Di đà tiểu bản, Hán văn: 従 是 西 方 過 十 万 億 佛 度, 有 世 界 名 曰極 樂 其 度 有 佛 效 阿 彌 陀今 現 在 説 法。”Tùng thị tây phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực lạc, kỳ độ hữu Phật hiệu A di đà kim hiện tại thuyết pháp”
[11] Bát công đức thủy 八 功 德 水, gồm :1. Trừng tịnh 澄 淨 (lóng trong); 2. Thanh lương 清 梁 (mát mẽ); 3. Cam mỹ 甘 美 (ngon ngọt); 4. Khinh nhuyễn 輕 軟 (nhẹ mềm); 5. Nhuận trạch 潤 澤 (nhuần láng); 6. An hoà 安 和 (bình an và dung hợp); 7. Trừ cơ khát 除 饑 渴 (trừ đói khát) ; và 8. Trưởng dưỡng chư căn 長 養 諸 根 ( nuôi lớn các căn lành).
[12] Thất bảo 七 寶 gồm: 1. Vàng, 2. Bạc, 3. Lưu ly, 4. Pha lê, 5. Xà cừ, 6. Xích châu (chuỗi ngọc) và, 7. Mã não
[13] Hán văn, trích từ Kinh A Di Đà tiểu bản: 舍 利 拂, 彼 度 何故 名 爲 極 樂 ? 其 國 眾 生 無 有 眾 苦 但 受 諸 樂 故 名 極樂 Xá lợi Phất, bỉ độ hà cố danh vi Cực lạc? kỳ quốc chúng sanh vô hữu chúng khổ đản thọ chư lạc, cố danh Cực lạc.
[14] Hán văn: 密 竹 不 防 流 水 過。 山 高 無 礙 白 雲 飛 “Mật trúc bất phòng lưu thủy quá/Sơn cao vô ngại bạch vân phi” (Thong dong Lục)
[15] 五濁 悪 世 誓 先 入, 如 一 眾 生 未 成 佛, 終 不 於 此取 泥 環 Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập/ như nhất chúng sanh vị thành Phật/chung bất ư thử thủ nê hoàn (đời ác với năm thứ vẫn đục, (tôi) nguyện vào đầu tiên, như có chúng sanh nào chưa thành Phật, không bao giờ (tôi) giữ lấy Niết bàn Phật).
[16] Đoạn khác trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật cũng dạy: ” Nhược nhơn dục liễu tri, Tam thế nhất thế Phật, Ưng quán pháp giới tánh, Nhất thiết duy Tâm tạo – Nếu người nào muốn thấy và hiểu được tất cả các Đức Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai, thì người ấy nên quán chiếu rằng: trong bản chất của pháp giới, tất cả đều do tâm tạo ra.
[17] Trong khi nhìn nhận rằng, trạng thái tinh thần là yếu tố chủ đạo của chúng ta có thể đạt được hạnh phúc, dĩ nhiên chúng ta không thể phủ nhận rằng, những nhu cầu vật chất cơ bản, tất yếu của chúng ta về thức ăn, áo quần, nơi ở cần phải được thỏa mãn, nhưng một khi những nhu cầu này đã được thỏa mãn thì vấn đề hết sức rõ ràng: chúng ta sẽ từ chối nó và đi tìm một cái khác cao hơn, chúng ta cần có một tâm hồn, tâm hồn này là yếu tố cơ bản mà chúng ta cần có để đạt được hạnh phúc hoàn toàn…. Đức Dalai Lama nói: “vì vậy, tôi nghĩ rằng, việc trao dồi, phát huy những trạng thái tinh thần tích cực như lòng thương tử tế và lòng từ bi sẽ giúp chúng ta đạt được hạnh phúc cũng như có được tinh thần khỏe mạnh hơn.” (xem thêm HH Dalai Lama & Howard C. Cutler, Thuật sống trong Hạnh phúc, nxb Trẻ, 2004, tr. 43 & 44)
[18] Trong cuốn The Light of Asia on Life and Teaching of Buddha, E. Arnold nói rằng: “I have often said and I shall say again and again, that between Buddhism and modern science there exists a close intellectual bond” (Tôi đã từng nói và sẽ lặp đi lặp lại mãi, rằng giữa Phật giáo và khoa học hiện đại có sự gắn bó trí thức chặt chẽ)
[19] Xem thêm, Ven. Dr.K.Sri.Dammananda, Buddhism in the eyes of intellectuals.
[20] Nguyên văn Anh ngữ: “If there is any religion that would cope with modern to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism needs no surender its views to science, because it embraces science as well as goes beyond science. Buddhism is the bridge between riligions and scientific thoughts, that stimulates man to discover the latent potentialities within himself and his environnement Buddhism is timeless – xem, Đối thoại với Giáo Hoàng – Gioan Phao Lô II, Giao Điểm xb,1995, tr. 314
[21] Dammananada, Buddhism in the eyes of intellectuals, sđd, bản dịch Thích Tâm Quang, tp.Hồ chí Minh tr.64: “Buddism will last as long as the sun and moon last and the human race exists upon the earth, for it is the religion of man, of humanity as a whole” – Bandaranaike, Cựu thủ tướng Sri Lanka,
[22] Xem Bikkhu Thích Thái Hoà –Niềm tin bất hoại đối với Đức Phật – nội lưu, 1990, tr.15 & 16
[23] Mã Minh, đại thừa khởi Tín luận, hạ, T32n1667, tr590a19: “信 有 四 種: 一 信 根 本, 謂 樂 念 眞 如 法 故。二 信 佛 具 足 無 邊 功 德, 謂 常 樂 頂 禮 恭 敬 供 養, 聽 聞 正 法 如 法 修 行, 回 向 一 切 智 故。三 信 法 有 大 利 益, 謂 常 樂 修 行 諸 波 羅 密 故。四 信 正 行 僧, 謂 常 供 養 諸 菩薩 眾正 修 自 利 利 他 行 故” (Tín hữu tứ chủng: Nhất, căn bản tín, vị nhạo niệm chơn như pháp cố; Nhị, tín Phật cụ túc vô biên công đức, vị thường nhạo đảnh lễ cung kính cúng dường, thính văn chánh pháp như pháp tu hành, hồi hướng nhất thiết trí cố; Tam, tín pháp hữu đại lợi ích, vị thường nhạo tu hành chư ba la mật cố; Tứ, tín chánh hạnh Tăng, vị thường cúng dường chư Bồ tát chúng, chánh tu tự lợi lợi tha cố- Tín có bốn loại: Một là lòng tin căn bản, tức là ưa thích pháp Chân như; Hai là tin Phật có đầy đủ vô biên công đức, tức là thường thích đảnh lễ, cung kính cúng dường, khéo nghe chánh Pháp, như pháp tu tập, hồi hướng về Nhất thiết trí; Ba là Tin vào Pháp có lợi ích lớn, tức là thường ưa tu tập các hạnh ba la mật; Bốn là Tin vào Tăng có phẩm hạnh, tức là thường cúng dường các vị Bồ tát, chánh tu các hạnh lợi mình lợi người)
– Luận Câu Xá, quyển 4, nói rằng: “Tín là khiến lòng trong lặng”
– Đại Thừa Nghĩa Chương quyển 2:”Đối với Tam bảo giữ tịnh tâm, không nghi ngờ thì gọi là Tín”.
[24] Nhất Hạnh, Thiết lập Tịnh độ, kinh A Di Đà thiền giải, nxb Lá Bối, tr.79
[25] Xem Viên Giác – Quan hệ tư tưởng , tr. 33
[26] Lục Phàm: 六 凡 1. 天 界: Thiên giới – chúng sanh cõi trời: Họ là những siêu nhân, nhưng họ không thể giác ngộ hoàn toàn nếu không có giáo thuyết của Phật; 2. 阿 修 羅: A-tu-la, những quỷ thần hiếu chiếu, dù một phần thuộc thiên giới, nhưng chúng được đặt một nửa phần thấp hơn thiên giới; 3. 人 界. Nhân giới, có bản chất dung hòa; 4. 餓 鬼. Ngạ quỷ, những chúng sanh đã chết, gọi cách khác, là những quỷ đói; 5. 畜 生: Súc sanh, có bản chất ngu muội, gồm tất cả vương quốc loài vật; 6. 地 獄, con người bị đọa: ‘chúng sanh địa ngục’ họ là loài ở trong cõi thấp nhất (xem J. TaKakusu – The Essentials of Buddhist Philosophy, sđd, p.138-139)
Tứ Thánh 四 聖: 1. 佛 界: Cảnh giới Phật, một đức Phật không ở trong mười cõi thế gian, nhưng vì Ngài xuất hiện giữa loài người để thuyết giáo lý của ngài, nên ngài cũng được kể vào đây; 2. 菩 薩: Bồ tát giới, một vị Phật tương lai; 3. 緣 覺: Duyên Giác Phật, một vị Phật tự giác ngộ, không giảng dạy cho kẻ khác; 4. 聲 聞: Thanh Văn, một đệ tử trực tiếp của Phật.
[27] Mã Minh, Luận đại thừa khởi tín, hạ, T32n1667,tr.589b26& tr.590b12:又 此 菩薩 一 發 心 後 自 利 利 他 修 諸 苦 行 心 無 怯 弱 尚 不 畏 堕 二 乗 之 地,况 於 悪 道。若 闻 無 量 阿 僧 祇 劫 勤 修 種 種 難 行 苦 行 方 始 得 佛, 不 驚 不 怖。何 況 有 起 二 乗 之 心 及 墮 悪 道 趣,以決 定 信 一 切 諸 法 從 本 已來 性 涅 槃 故…Hựu thử bồ tát nhất phát tâm hậu/tự lợi lợi tha tu chư khổ hạnh/tâm vô khiếp nhược thượng bất uý đoạ nhị thừa chi địa/huống ư ác đạo/nhược văn vô lượng a tăng kỳ kiếp cần tu chủng chủng nan hành khổ hạnh phương thỉ đắc Phật/bất kinh bất bố/hà huống hữu khởi nhị thừa chi tâm cập đọa ác đạo thú/ dĩ quyết định tín nhất thiết chư pháp tùng bổn dĩ lai tánh niết bàn cố (Lại nữa, các Bồ tát ấy sau khi phát tâm tự lợi lợi tha, tu tập các khổ hạnh, tâm không còn khiếp nhược, hoàn toàn không còn sợ đọa vào cõi nhị thừa, huống là ác đạo. Như nghe rằng, cần trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp để tu nhiều hạnh khổ, mới có thể thành Phật, không còn kinh sợ, không còn lo lắng,; làm sao mà còn khởi lên tâm nhị thừa và đọa ác thú được. Vì họ tin chắc chắn tất cả các pháp, từ xưa đến nay, vốn có chất liệu Niết bàn rồi)
云 何 精 進 門,所 謂 修 諸 善 行, 心 不 解 退。當 念 過 去 無 數 劫 來, 為 求 世 間 貪 欲 境 界, 虛 受 一 切 身 心 大 苦。
畢 竟 無 有 少 分 滋 味。 為 令 未 來 遠 離 此 苦。 應 勤 精 進, 不 生 解 怠。
大 悲 利 益 一 切 衆 生, 其 初 學 菩 薩 雖 修 行 信 心, 以 先 世 來 多 有 種 罪 悪 業 障 故。或 為 魔 邪 所 惱, 或 為 世 務 所 纒, 惑 為 種 種 病 緣 之 所 逼 迫。 如 是 等 事 為 難 非 一。
令 其 行 人 發 修 善 品, 是 故 宜 應 勇 猛 精 進, 晝 夜 六 時, 禮 拜 諸 佛,供 養讚 歎 懺 悔 勤 請 隨 喜 回 向 無 上 菩 提。發 大 誓 願 無 有 休 息, 令 悪 障 銷 滅,善 根 僧 長。
vân hà tinh tấn môn/sở vị tu chư thiện hạnh/tâm bất giải thối/đương niệm quá khứ vô số kiếp lai/vị cầu thế gian tham dục cảnh giới/hư thọ nhất thiết thân tâm đại khổ/ tất cánh vô hữu thiểu phần tư vị/vi linh vị lai viễn ly thử khổ/ưng cần tinh tấn/bất sanh giải đãi/đại bi lợi ích nhất thiết chúng sanh/kỳ sơ học bồ tát tuy tu hành tín tâm/dĩ tiên thế lai đa hữu chủng tội ác nghiệp chướng cố/hoặc vị ma tà sở não/ hoặc vị thế vụ sở triền/ hoặc vị chủng chủng bệnh duyên chi sở bức bách/ như thị đẳng sự vi nan phi nhất/linh kỳ hành nhân phát tu thiện phẩm/thị cố nghi ưng dõng mãnh tinh tấn/trú dạ lục thời/lễ bái chư Phật/cúng dường tán thán sám hối cần thỉnh/tuỳ hỷ hồi hướng vô thượng bồ đề/ phát đại thệ nguyện vô hữu hưu tức/linh ác chướng tiêu diệt/thiện căn tăng trưởng.(thế nào là tu tập pháp môn tinh tấn? đó là đối với các việc lành, lòng không giải đãi, thối thất. Phải nhớ rằng, từ vô số kiếp lâu xa đến giờ, vì tham đắm cảnh giới tham dục, nhận lấy rất nhiều khổ nạn về thân và tâm, hoàn toàn chẳng có một chút an lành nào. Vì khiến đời sau xa lìa khổ não này, mà nên cần tinh tấn, đừng có nhác nhớm, đem lòng đại bi, làm lợi ích tất cả chúng sanh; hàng bồ tát sơ học ấy tuy tu tập tín tâm nhưng vì đời trước từng gây ra nhiều tội ác nghiệp chướng, (cho nên đời này) hoặc bị tà ma ác quỷ não hại, hoặc bị công kia việc nọ trói buộc, hoặc bị ốm đau bệnh tật bức bách, các chướng ngại như thế không phải là ít. (Nay) khiến hành giả phát tâm tu tập các điều lành, cho nên cần phải dõng mãnh tinh tấn, ngày đêm sáu thời, lễ bái chư Phật, cúng dường, tán thán, chuyên cần thỉnh cầu sám hối, rồi tùy hỷ hồi hướng về quả vị Bồ đế, phát thệ nguyện lớn không bao giờ ngừng nghỉ, khiến ác nghiệp, tội chướng tiêu diệt, căn lành tăng trưởng)
[28] Hán văn: 鴈 過 長 空, 影 沉 寒 水, 鴈 無 遺 迹 之 意 水 無 留 影 之 心。Nhạn bay ngang trời, bóng chìm đầm lạnh, nhạn không có ý để lại dấu tích, nước không có ý lưu giữ bóng hình – Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận,1, nxb. Văn học, 1992, tr.181
[29] Viện nghiên cứu Phật học Việt nam, Các Vấn Đề Phật Học, ấn hành 1995, tr.181
[30] 觀 音 菩薩 妙 難 殊, 清 凈 莊 嚴 累 劫 修,千 處 有 求 千 處 應, 苦 海 常 作 渡 人 周。Quán âm bồ tát diệu nan thù, thanh tịnh trang nghiêm luỵ kiếp tu, thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng, khổ hải thường tác độ nhơn châu (Bồ tát Quan Âm thật là mầu nhiệm khó đong lường, trải bao kiếp tu hành khó nhọc mới được trang nghiêm thanh tịnh, ngàn nơi mong cầu thì ngàn nơi Ngài ứng hiện, chốn bể khổ Ngài thường làm thuyền đi cứu người).
[31] 衆 生 渡 盡,方 證 菩 提,地 獄 未 空 誓 不 成 佛,chúng sanh độ hết, mới chứng bồ đề, địa ngục chưa không, nguyện chưa thành Phật.
[32] Đạo Tràng Mai thôn biên tập, Thiền Môn Nhật Tụng 2000, tlđd, tr.294
[33] Lời nguyện thứ nhất và thứ ba mươi hai trong 48 lời nguyện của Ngài A di đà khi con thực tập hạnh Bồ tát.
[34] Mã Minh, đại thừa khởi Tín luận, hạ, T32n1667, tr.591b24.若 善 男 子 善 女 人, 専念西 方 極 樂 世 界阿 彌 陀 佛以 諸 善 根 回 向 願 生 決 定 往 生。常 見 彼 佛 信 心 僧 長 永 不 退 轉。於 彼 聞 法 觀 佛 法 身 漸 次 修 行 得 入 正 位. Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhơn/chuyên niệm Tây phương cực lạc giới A di đà Phật/dĩ chư thiện căn/hồi hướng nguyện sanh quyết định vãng sanh/thường kiến bỉ Phật/tín tâm tăng trưởng/vĩnh bất thối chuyển/ư bỉ văn pháp/quán Phật pháp thân/tiệm thứ tu hành đắc nhập chánh vị
[35] Cuốn luận viết về các Sa môn không lễ bái, cầu cạnh các vị vua chúa và các vị có thế quyền.
[36] J. Takakusu, The Essentials of Buddhist Philosophy, chương Tịnh độ tông, bản dịch Tuệ Sỹ, 1973, tr. 319
[37] “one in all, all in one; one acts for all, all act for one” – Takakusu, The Essentials of Buddhist Philosophy, sđd, p.169
[38] Trong thiền tông chỉ nam tự, Vua Trần Thái Tông đã ghi rằng: “… 於 孩 童 有 拭 之 年,捎 闻 禅 师 之 训:则 澄 思 息 虑, 概 然 清 净 有 心 乎 内 教 参 救 於 禅 宗 虚 己 求 师 精 神 慕 道…凡 遇 機 暇 聚 會 耆 德 參 禪 問 道,及 諸 大 教 等 經 無 不 參 究 ” (thả trẩm ư hài đồng hữu thức chi niên, sảo văn thiền sư chi huấn: tắc trừng tâm tức lự, khái nhiên thanh tịnh, hữu tâm hồ nội giáo, tham cứu ư thiền tông, hư kỷ cầu sư, tinh thần mộ đạo,….Phàm ngụ cơ hạ, tụ hội kỳ đức, tham thiền vấn đạo, cập chư đại giáo đẳng kinh, vô bất tham cứu – Trẫm lúc tuổi còn nhỏ, chưa biết gì nhiều, đã nghe loáng thoáng thiền sư dạy bảo, thì tâm lắng trong, an tịnh, bèn chú tâm vào nội giáo, tham cứu đạo thiền, hạ mình tìm thầy, chí thành mộ đạo…..mỗi khi rảnh rỗi, Trẫm lại hội họp các bậc cao đức để tham thiền hỏi đạo. Đến các kinh điển của giáo lý đại thừa không kinh nào mà không nghiên cứu)
[39] Trần Thái Tông, Khoá hư lục, phần Niệm Phật Luận, ghi rằng: 夫 念 佛 者。由 心 所 起。心 起 於 善 則 爲 善 念。 善 念 之 起, 則 善 業 報 之。 心 起 於 悪 則 爲 悪 念。 悪 念 之 生 則 悪 業 應 之。 如 鏡 現 象。似 影随 形。 故 永 嘉 禅 師 有 云: 誰 無 念 誰 無 生。Phù niệm giả, do tâm sở khởi. Tâm khởi ư thiện tắc vi thiện niệm. Thiện niệm chi khởi, tắc thiện ứng báo chi. Tâm khởi ư ác, tắc vi ác niệm. Ác niệm chi sanh tắc ác nghiệp chi. Như cảnh hiện tượng, tợ ảnh tuỳ hình. Cố Vĩnh gia thiền sư hữu vân :”thùy vô niệm, thùy vô sanh”.
[40] Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Thái Tông, phần Bàn Về Niệm Phật, nxb Tổng Hợp, tp. Hồ Chí Minh, 2004, tr.366-367
[41] 心 内 彌 陀 紫 磨 躯 東 西 南 北 法 性身 周長 空 只 見 孤 輪 月,刹 海 澄 澄 夜 漫 秋 Tâm nội Di Đà tử mạ khu, Đông tây nam bắc pháp thân chu, Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt, Sát hải trừng trừng dạ mạn thu.
[42] “mựa” là cách nói theo chữ Nôm, có thể hiểu là “chẳng phải, uổng công”
[43] Mạc đãi Tây phương viễn, Tây phương tại nhãn tiền, Thủy lưu quy đại hải, Nguyệt lạc bất ly thiên. Theo Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Thái Tông, sđd, tr.307, ghi rằng: “Truyện của thiền sư Tịnh Chiếu Đạo Trăn trong Tục truyền đăng lục 9, ĐTK 2077.51.519c18-19, có ghi: Thuỷ lưu nguyên đại hải, Nguyệt lạc bất ly thiên”
1 Comment
Pingback: Nam mô Bụt A Mi Đà- Namo Buddha Amita – Hi la sen