Nguyên tác: Kyabje Lama Zopa Rinpoche
(Đây là một đoạn trích trong “Bài giảng thứ bảy” tại khóa học Kopan lần thứ 33
được tổ chức tại Tu viện Kopan, Nepal, 2000)
Có hai kỹ thuật thiền định để phát triển Bồ đề tâm. Một trong số đó là phát triển lòng vị tha để thành tựu được giác ngộ thông qua kỹ thuật thiền định bảy điểm theo quy luật nhân quả của Đại thừa[1]. Dựa trên nhận thức thấu đáo về sự bình đẳng – tất cả chúng sinh hữu tình đều bình đẳng với chúng ta – chúng ta suy ngẫm về việc tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của ta và họ đã nhân từ với ta như thế nào. Sau đó, chúng ta quyết định đền đáp lòng nhân từ đó và phát triển lòng từ ái, giống như tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con thân yêu mà sự yêu quý đó đã có rất nhiều ở trong trái tim của mình.
Lòng từ ái có nghĩa là tạo ra tình yêu thương đối với mọi chúng sinh mà không hề có sự phân biệt đối xử. Thuật ngữ Tây Tạng dùng để chỉ cho cảm giác đó trong trái tim chúng ta là yi-ong jam-pa . Nó tương tự như nói “thân yêu nhất.” Chúng ta tạo ra tình yêu thương chính xác như vậy đối với hết thảy chúng sinh, thậm chí đối với những người đã ngược đãi ta, hay thậm chí đối với những người mà chúng ta gọi là kẻ thù. Chúng ta tạo ra tình yêu thương đó hướng đến mọi chúng sinh trong sáu cõi mà không có sự phân biệt, không chỉ dành riêng cho con người. Thương yêu từ ái là cảm giác xem mọi chúng sinh là thân yêu nhất.
Chúng ta nhìn những chúng sinh hữu tình là đối tượng thiền định của chúng ta một cách đẹp đẽ. Vẻ đẹp của họ không có hình thể – họ có thể hoàn toàn xấu xí, hay rất ghê gớm – nhưng chúng ta thấy người đó rất đẹp, bởi vì chúng ta đã suy ngẫm về lòng tốt của họ trước đó. Người đó đã thể hiện lòng nhân từ với chúng ta trong những kiếp tái sinh từ vô thỉ, bằng cách làm mẹ của chúng ta.

Nếu người tốt nhất trong cuộc đời này là cha của chúng ta, thì chúng ta có thể sử dụng cha cho việc thiền định này. Nếu dễ dàng thiền định về lòng tốt của người cha hơn, thì hãy nghĩ rằng tất cả chúng sinh đều là cha của chúng ta. Chúng ta có thể thấy rằng trong vô lượng kiếp tái sinh từ vô thỉ, mọi chúng sinh đều đã nhân từ giống như vậy. Nếu cha của chúng ta là người đối xử nhân từ với chúng ta nhất, chúng ta có thể cố gắng tạo ra cùng một cảm giác đó với tất cả chúng sinh và điều đó giúp chúng ta báo đáp lòng nhân từ của họ, bằng cách nhìn thấy cái đẹp của cha khi chúng ta nhìn tất cả chúng sinh. Hoặc chúng ta sử dụng mẹ hoặc bất kỳ ai mà chúng ta cảm thấy nhân từ nhất, tương tự, hãy nghĩ rằng mọi người đã cho chúng ta thấy lòng nhân từ đó.
Nó không được tạo thành. Đây là theo thực tế và nó đã diễn ra như vậy từ vô lượng kiếp tái sinh đối với mỗi hữu tình chúng sinh. Vì vậy, chúng ta có thể nhìn thấy cái đẹp trong mỗi mỗi chúng sinh. Như tôi đã đề cập, ngay cả một người thân thể xấu xí, xấu xí kinh khủng, nhưng khi chúng ta nghĩ đến lòng nhân từ của người đó thì chúng ta cảm thấy yêu mến và khi nhìn vào bên trong sự yêu mến đó, chúng ta sẽ thấy cái đẹp của họ, nó không liên quan gì đến cái đẹp hình thể.
Dường như người mẹ thường được sử dụng trong các bản văn bởi vì bà đã cho chúng ta sự sống ngay khi tâm thức của chúng ta có mặt trên trứng được thụ thai. Mẹ đã chăm lo cho chúng ta chín tháng trong bào thai, nơi mà ý thức của chúng ta đã hoạt động. Chúng ta đã được sinh ra từ mẹ của mình, chúng ta đã được ra bên ngoài từ cơ thể của mẹ, và bản thân điều đó đã là một dạng nhân từ không thể tin được. Ngay cả khi đó là điều duy nhất mà mẹ đã làm – thậm chí khi mẹ đã không làm gì sau đó – thì bản thân điều đó cũng đã là một dạng nhân từ không thể tả được rồi. Mẹ đã không phá thai hoặc suy nghĩ nhiều về sự thoải mái của bản thân để khiến cuộc sống của mẹ trở nên dễ dàng hơn, mẹ đã từ bỏ sự tự do của mình và mẹ chọn chăm sóc chúng ta, mặc dù điều đó khiến cho cuộc sống của mẹ không được thoải mái thậm chí là bất an.
Hãy nghĩ rằng nếu mẹ không chăm sóc chúng ta, chúng ta sẽ không có cơ thể con người quý báu này. Không chỉ vậy, chúng ta sẽ không thể có những thú vui của con người. Đặc biệt, điều quý báu nhất là được gặp, học hỏi và thực hành, Phật pháp, nhờ vậy chúng ta mới có thể thoát khỏi sinh tử luân hồi. Pháp, là lời dạy của Đức Phật, là thứ duy nhất có phương tiện, có con đường trọn vẹn để giải thoát chúng ta khỏi sinh tử luân hồi và không chỉ có vậy, Pháp còn giúp ta đạt được giác ngộ để có thể giải thoát vô số chúng sinh khỏi mọi khổ đau và nguyên nhân của khổ đau, từ đó đưa họ đến giác ngộ. Pháp cho phép chúng ta mang lại lợi ích vô hạn cho chúng sinh. Chúng ta có thể nghĩ rằng tất cả những điều này đều đến từ lòng nhân từ của người mẹ. Tất cả những cơ hội mà chúng ta có ở đây đều là do lòng nhân từ của mẹ mà ra.
Thậm chí tất cả những gì mà mẹ đã từng làm được cho chúng ta đó là chỉ duy nhất mỗi việc sinh ra chúng ta, ngay lúc đó mẹ đã giao chúng ta cho người khác chăm sóc. Hoặc thậm chí khi ai đó đã nuôi nấng chúng ta, và chúng ta nghĩ, “Ôi, mẹ tôi đã bỏ rơi tôi. Mẹ tôi thật khủng khiếp. Người khác đã chăm sóc tôi và điều đó hoàn toàn tồi tệ. Mẹ tôi hoàn toàn tồi tệ”. Chúng ta nhìn thấy lòng nhân từ của người đã nuôi dạy chúng ta, nhưng chúng ta không thấy lòng nhân từ của mẹ. Chúng ta không thấy rằng tất cả những cơ hội mà chúng ta có được bây giờ đều đến từ mẹ – không chỉ riêng là sự hài lòng và thoải mái nhất thời, mà là tất cả những cơ hội không thể tin được để thực hành Pháp, như tôi đã đề cập ở trước. Tất cả những điều này sẽ không thể xảy ra nếu mẹ không chăm sóc chúng ta ngay từ trong bụng.
Bây giờ, chúng ta có thể đang ở trong cảnh giới địa ngục. Chúng ta cũng có thể là một con cá dưới nước, mắc vào lưới của ngư dân, hoặc bất cứ điều gì đó. Hoặc bây giờ, chúng ta có thể là một con sâu bị chim ăn thịt, bị cắt ra từng khúc. Chúng ta có thể ở trong miệng, trong mỏ của những con chim lớn trên bãi biển, trong đại dương. Chúng có những chiếc mỏ khổng lồ. Như con Bồ nông, chúng có cái mỏ dài và rất kinh khủng. Bằng cách nào đó, chúng nuốt trọn con cá và giữ nó ở bên trong. Cho nên, có thể bây giờ chúng ta đang ở đó, chúng ta có thể đang ở trong miệng đó.
Dù sao đi nữa thì bạn cũng không bao giờ biết. Chúng ta có thể là một con muỗi, làm phiền và chọc tức mọi người. Bạn sẽ không bao giờ biết. Chúng ta có thể là một con cá sấu, với cái miệng rất dài và hàm răng được treo ở đây, một thân hình không thể tả được… Hoặc chúng ta có thể là con vật to lớn sống trong bùn, chẳng hạn là một con tê giác. Một con tê giác hoặc một con hà mã nào đó. Chúng ta có thể là bất cứ điều gì đó, chúng ta sẽ không có dịp may mắn như hôm nay.
Khi chúng ta nghĩ như thế, ngay cả khi tất cả những gì mẹ đã làm chỉ là giữ chúng ta chín tháng trong bụng, chăm sóc và sinh nở ra chúng ta, đó là điều không thể tả được. Chỉ riêng mỗi điều đó thôi là đã không thể tả được rồi. Do đó, tất cả những gì mà chúng ta có bây giờ, ngay lúc này, đều là những cơ hội khó có, không thể dễ dàng có được. Tất cả đều xuất phát từ lòng nhân từ không thể nào nói hết của mẹ, vì mẹ đã chăm sóc chúng ta từ trong bụng và đã sinh ra chúng ta. Bây giờ chúng ta có cơ hội thực hành Pháp đều là đến từ mẹ, từ lòng nhân từ của mẹ. Nó phụ thuộc rất lớn vào mẹ. Cũng giống như trái cây mà chúng ta thưởng thức phụ thuộc vào hạt giống đã được gieo trồng, điều này cũng giống như vậy. Tất cả những thoải mái và hài lòng đáng kinh ngạc mà chúng ta đang có và hầu hết những điều hấp dẫn đó là một sự diệu kì – có cơ hội thực hành Pháp để đạt được tất cả hạnh phúc trong đời sống tương lai và giải thoát khỏi luân hồi, đạt tới giác ngộ – tất cả phụ thuộc vào việc mẹ chăm sóc và sinh ra chúng ta, cho chúng ta một thân thể con người.
Chúng ta không thể báo đáp lòng nhân từ ngay cả chỉ mỗi kiếp này nếu như không nghĩ rằng, mẹ đã từng là mẹ của chúng ta trong vô lượng kiếp quá khứ, đã cho chúng ta không chỉ hạnh phúc tạm thời mà còn cho chúng ta có cơ hội thực hành Pháp. Nếu không nghĩ đến điều đó, mà chỉ nghĩ đến lòng nhân từ của mẹ trong cuộc đời này, thì dù ta có hi sinh cả đời vì mẹ, dù ta có từ bỏ mạng sống bằng số lượng nguyên tử trên trái đất này vì mẹ, dù ta hi sinh bao nhiêu mạng sống vì mẹ đi nữa, thì điều đó vẫn không là gì cả. Chúng ta không thể đền đáp hết lòng nhân từ của mẹ, bởi vì mẹ đã cho chúng ta cơ hội khó có này.
Quảng Hương Già Lam, dịch xong ngày 09/09/2021.
________________
[1] “The seven-point technique of Mahayana cause and effect”, đây là một pháp tu theo truyền thống Tây Tạng.