Viện Tăng Thống
Chúc từ
NGÀY VỀ NGUỒN
Nam-mô Thập phương Thường trú Tam Bảo
tác đại chứng minh
Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão,
Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng-già,
Thật là một nhân duyên lớn để có ngày hôm nay, nhân duyên lớn để cảm nghiệm uy đức chúng Tăng hòa hiệp; chúng Tăng trong và ngoài nước, từ các châu lục cùng vân tập về trong ngày Hội này, ngày Hội Về Nguồn với tất cả ý nghĩa sâu xa của từ ngữ. Về nguồn, để hòa mình trong dòng suối truyền thống bao dung nhân ái. Về nguồn, để thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp, thắp sáng tâm tư của chúng đệ tử Phật bước đi không lạc lối, để không bị mê hoặc bởi hư danh và lợi dưỡng, những cặn bã dư thừa mà quyền lực thế gian ban cho; để không mất tín tâm bất hoại nơi Thánh đạo xuất thế mà sẵn sàng khuất thân nô dịch cho bạo lực thế gian.
Về nguồn, để chúng đệ tử Phật cùng hỗ tương sách tấn, cùng hòa hiệp trong bản thể thanh tịnh của Tăng-già, vì sự tăng ích và an lạc của tự thân và của nhiều người, của Chư thiên và nhân loại.
Mỗi dân tộc có những ngày hội truyền thống đặc biệt cho những biến cố lịch sử vui hoặc buồn, trong vinh quang hoặc khổ nhục. Chúng đệ tử xuất gia của Đức Thế tôn, những người đã dứt khoát với những buồn vui thế tục, chỉ tĩnh tâm cho một niềm vui duy nhất; niềm vui của hỷ lạc phát sinh từ Chúng Tăng thanh tịnh hòa hiệp, để là nơi quy hướng và sở y cho một thế giới bất an bị bao phủ trong hận thù, nghi kị.
Cũng có những thời đại, khi mà những biến cố lịch sử đảo điên của một dân tộc đã lôi cuốn chúng đệ tử Phật cùng chung nghiệp hữu lậu theo dòng xoáy bộc lưu, cùng chìm nổi trong thăng trầm, vinh nhục; cũng có khi mà các Thiền sư, những quân vương và Phật tử anh hùng, đã viết nên những trang sử thắm đượm truyền thống bao dung và nhân ái, nhưng cũng có lúc chúng đệ tử Phật lại chỉ có thể viết nổi những trang sử tối tăm của dân tộc và đạo pháp. Và một phần khác bị ngập sâu trong dòng thác hận thù, nghi kỵ đã chia rẽ dân tộc, khó tìm thấy con đường hóa giải, chúng đệ tử Phật tuy đã không quên lời giáo huấn của Thế Tôn rằng, “Những kẻ ấy không biết rằng nơi đây chúng ta sẽ hủy diệt nên phí công tranh luận hơn thua”, rằng “ an lạc thay, chúng ta sống không thù hận giữa những người thù hận”, tuy vẫn không quên, nhưng giải thích theo hướng khả dĩ biện minh cho thực tế được xem như không thể hóa giải giữa những đệ tử Phật.
Cho nên, ngày Hội hôm nay, bốn chúng đệ tử mà tín tâm chưa thoái hóa nơi Tăng-già, đệ tử của Thế Tôn, những vị chánh hành, trực hành và nhu nhuyến hành; bằng uy đức từ bản thể thanh tịnh và hòa hiệp của Tăng-già, xứng đáng là phước điền cho thế gian, là sở y an toàn để thế gian quy ngưỡng, tránh xa những hiểm nguy đe dọa bởi tham tàn và thù hận. Bởi, từ ngữ Tăng-già được dùng để nói về đệ tử của Thế Tôn hàm nghĩa “kết chặt lại những gì có nguy cơ tan rã bởi dị kiến, dị giới”.
Một xã hội mà không có nơi nào để cho tín tâm an trụ, xã hội ấy dễ dàng rơi vào tà kiến điên đảo. Trong một xã hội mà phẩm giá con người không được tôn trọng; trong một xã hội mà quyền lực được dựng lên không còn mục đích hòa giải những mâu thuẫn tranh chấp giữa các thành viên, từ thuở loài người khởi đầu lịch sử đấu tranh vì lợi dưỡng, vì quyền lực. Mỗi con người chỉ là một cọng cỏ yếu ớt gấp mình trước những thế lực tham tàn hung bạo. Không còn nơi nương tựa vững chắc, ngoài những bóng ma chập chờn để bám víu. Một thời, con người được tu dưỡng chánh tín để tự mình là hòn đảo an toàn cho chính mình; một thời giáo nghĩa dẫn vào thể tánh của trí kim cang bất hoại; nay giáo nghĩa ấy được giải thích theo định hướng thời đại; thí, giới, nhẫn, cho một xã hội thu nhập bình đẳng, cho một xã hội an toàn đạo đức, và bao dung; các ba-la-mật ấy, từ Bồ-đề nguyện, Bồ-đề hành, của những con người đơn giản biết chia nửa bát cơm, nhường nửa manh áo cho người cùng khổ; các ba-la-mật ấy trong một thời đại, trong một xã hội mất hướng, đã trở thành những bảng hiệu rao hàng. Đức Phật đã từng trả lời Tôn giả Ca-diếp về tương lai của Chánh pháp rằng, khi vàng giả xuất hiện trên thị trường thì vàng thật biến mất. Con thuyền ngoài khơi không bị nhận chìm bởi sóng gió, bởi giông bão, mà bị nhận chìm bởi chính trọng tải của khối hàng hóa chất đầy trong nó. Cũng vậy, con thuyền Chánh pháp bị nhận chìm không phải do giáo lý lỗi thời, mà do bởi chúng đệ tử Phật chất đầy trong đó bằng hư danh, lợi dưỡng; bằng những giá trị cặn bã của thế gian, pha trộn chánh lý giải thoát và giác ngộ với tin tín, tà giải nông cạn của thế gian, lấy đó làm chuẩn mực để biện minh cho lập trường kiên định không chịu bao dung hòa hiệp với huynh đệ đồng tu.
Ngay từ khởi thủy của xã hội loài người, như Đức Phật đã chỉ rõ, con người đã phải đấu tranh với thiên nhiên để chiếm hữu và tồn tại; đấu tranh với hoàn cảnh, với xã hội, để chiếm hữu, để thống trị, để tồn tại. Lịch sử của mỗi dân tộc, từ những bộ lạc bán khai, cho đến những quốc gia phú cường không hề từ chối tham vọng thống trị và nô dịch các dân tộc nhỏ bé, nhược tiểu. “Ba cõi không yên, như ngôi nhà lửa, đây không phải chỉ là thí dụ ví von, mà mô tả thực trạng thế giới, và rõ nhất là những xung đột quốc tế, tranh chấp quyền lực thống trị thế giới, đang là hiểm họa diệt vong của thế giới loài người. Nhiều biện pháp hòa bình được đề xuất, từ các nhà triết học, các nhà tôn giáo, nhưng chính các đề xuất này cũng trở thành đầu mối xung đột, góp phần vào toàn cảnh xung đột càng khốc liệt hơn. Một vài nơi trong kinh điển Phật giáo đã đánh dấu lịch sử tiến hóa và thoái hóa của xã hội loài người, qua các chu kỳ tiểu tam tai với các tai họa chiến tranh, ôn dịch và cơ cẩn hay nạn đói. Mỗi dân tộc trong một quốc gia cá biệt, trong lịch sử tiến hóa của dân tộc và đất nước mình cũng trải qua từng chu kỳ tiểu tam tai cá biệt. Điều này có thể được chứng minh bằng lịch sử phát triển xã hội của mỗi đất nước. Cho đến khi, chu kỳ tiểu tam tiến lên thành hiện tượng phổ biến toàn cầu, nhân loại đang đứng trước một khúc quanh nghiêm trọng: hoặc sẽ tiến đến hòa bình và tiến bộ, hoặc sẽ bị hủy diệt. Nguyên nhân và hậu quả của nó không phải là những biến cố ngẫu nhiên. Con người sinh ra từ ái dục, được nuôi dưỡng bằng ái dục, nó phải tranh đấu để chiếm hữu và tồn tại; trong đấu tranh, dù với thiên nhiên hay với xã hội loài người, bạo lực luôn luôn được viện đến, và con người cần tập hợp thành khối lớn để phát huy bạo lực. Nếu không gây được mâu thuẫn quyền lợi giữa các cộng đồng, giữa các quốc gia, không thể tồn tại những xung đột gay gắt dẫn đến hận thù; và hận thù là chất liệu nuôi dưỡng chiến tranh. Chiến tranh tất yếu dẫn đến hủy diệt. Tham ái sinh thành và nuôi lớn thế gian; chiến tranh hủy diệt thế gian. Vô minh che mờ tri kiến chân thật, và rồi con người chỉ biết giết nhau để tồn tại, nhưng không nhận thức được tồn tại cho mục đích gì, sống và chết có ý nghĩa gì trong quan hệ nhân quả. Mọi giải thích từ các tư duy triết học và tôn giáo càng làm cho bức màn vô minh, giáo điều và cố chấp, càng dày thêm, và các giải thích ấy lại là nguyên nhân cho những xung đột dẫn đến chiến tranh. Đây là sự thực lịch sử không thể chối cãi.
Nếu con người thấy biết rõ bằng chính con mắt nội tâm trực giác của chính mình, bằng kinh nghiệm chứng ngộ ta là ai trong thế giới này; quy luật nhân quả nào đã dẫn ta đến đây, nơi mà mọi sáng tạo, mọi thành tựu đều dẫn đến hủy diệt. Khi các nhà khoa học hàng đầu của thế kỷ 20 đã phát minh những quy luật vật lý để có thể mang lại cho con người những tiện nghi vật chất khả dĩ làm vơi bớt những khổ nhọc của thân xác; nhưng khi mà thành tựu khoa học đã đạt đến đỉnh cao, các nhà khoa học đã tụ hội về đất nước được xem là đang tiến tới đỉnh cao của thành tựu khoa học, và tại đây, họ đã lên tiếng: “Các nhà khoa học chúng ta đã phạm tội ác với nhân loại.” Những thành tựu khoa học phi thiện phi bất thiện, nhưng chính từ tâm tham lam, thù hận, si mê, con người đã sử dụng nó như là công cụ để gieo rắc cái ác. Cái ác ấy ngày càng tăng trưởng chưa có dấu hiệu tạm ngưng.
Trong cái ác đang diễn ra có nguy cơ đe dọa hủy diệt thế giới; trong cái cực ác hiếm thấy, hay chưa trừng thấy trong lịch sử loài người, thế giới khắp năm châu cũng đang cảm nghiệm những tấm lòng nhân ái, đồng cảm với những khổ đau gây ra từ chiến tranh tàn bạo. Từ hạt giống bao dung nhân ái vừa được gieo ấy, nếu được trưởng dưỡng, nó sẽ hứa hẹn một tương lai thanh bình, an lạc cho một thế giới đại đồng huynh đệ.
Cũng thế, trong cơn đại dịch, một dân tộc đang quằn quại dưới cái ác cực kỳ, của một lớp người bằng vào quyền lực cấu kết phi nghĩa đã bòn rút tận xương tủy của hạng quần chúng thấp hèn; trong cái ác tàn bạo bất nhân ấy, dân tộc này trong tối tăm đã thấy ngời sáng của tình tự bao dung nhân ái, chia sẻ nhau từng bó rau, từng bát gạo. Truyền thống bao dung nhân ái một thời đã đoàn kết toàn khối dân tộc để tồn tại qua những trận chiến hung tàn từ tham vọng quyền lực của nước lớn. Quả thực, dân tộc này, trong bối cảnh lịch sử cá biệt, đã kinh qua một chu kỳ tiểu tam tai, chu kỳ của thảm họa cơ cẩn hay nạn đói, chiến tranh và ôn dịch. Qua đó, cái ác hành và thiện tâm đang là đối lưu của hai dòng thác bộc lưu. Tương lai dân tộc tươi sáng hay tối tăm sẽ được quyết định trong trận chiến thiện ác tương tranh này.
Trong bối cảnh lịch sử đó, Phật giáo Việt Nam sẽ thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp để đồng với dân tộc trong lịch sử thăng trầm, vinh nhục; hay chỉ là những cửa hàng rao bán tà tín, tà giáo, cầu khấn ma quỷ; không chỉ là hiện tượng xã hội phổ biến làm lũng đoạn kinh tế, mà còn ru ngủ, xói mòn sức sống, tự lực vươn lên, của những thế hệ đang lớn.
Chúng đệ tử tại gia được giáo giới thực hành bốn nhiếp sự, để xây dựng cộng đồng hòa hiệp cho một xã hội bình đẳng, cùng nâng cao phẩm giá con người. Chúng đệ tử xuất gia sống chung hòa hiệp bằng sáu pháp khả hỷ, hòa kính, làm sở y an toàn cho một thế giới dẫy đầy biến động hiểm nguy, thường bị nuốt chửng bởi quy luật vô thường hủy diệt. Nhưng khi mà chúng đệ tử Phật không còn biết đến giá trị của những giáo nghĩa ấy, đắm mình trong những giá trị thế tục, tư duy bằng dị kiến, dị giới của thế tục, dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp; đấy là lúc con thuyền Chánh pháp tự đánh chìm ngoài biển khơi bởi trọng tải của chính nó. Sự thực lịch sử đã chứng minh điều đó. Thực trạng của Phật giáo Việt Nam hiện tại đang góp phần không nhỏ cho những xáo trộn xã hội, đang gieo rắc những tà tín, tà giải, quảng bá lan tràn những thực hành mê tín dị đoan, tin tưởng năng lực phò hộ của cô hồn, của ma quỷ, hơn là tin tưởng vào nghiệp quả.
Sau một thời gian dài, mâu thuẫn, tranh chấp, đã xuất hiện trong các cộng đồng đệ tử Phật, dẫn đến tinh trạng phân hóa, chia rẽ trầm trọng đến mức hầu như không có cơ hội hóa giải, dù dẫn chứng một cách trung thực giáo nghĩa từ Pháp và Luật thiện thuyết; các nguyên tắc diệt tránh mà Đức Thế Tôn đã thi thiết, như thảo phú địa, ức niệm tì-ni, cho đến đạo lý sư tư tương thừa, chủng tánh bất đoạn, tất cả chỉ được đánh giá là lời hay ý đẹp trong kinh điển, được lưu trữ trong các thư viện, tàng kinh các.
Vậy nên, kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão, ngày Hội hôm nay, ngày Hội Về Nguồn, trong ý nghĩa thiết thực của từ ngữ, Chư Tôn Trưởng Lão cùng tâm ý tương thông, làm sáng tỏ ý nghĩa cứu cánh của Pháp và Luật thiện thuyết, chỉ rõ giá trị hiện thực của giáo nghĩa được hành trì, để cho uy đức từ bản thể thanh tịnh và hòa hiệp của Tăng-già được nêu cao như là dấu hiệu chỉ đường cho một thế giới an lạc không hận thù, không áp bức.
Chư Tôn Đức, từ trong nước và hải ngoại, cùng vân tập hội diện trong ngày Hội hôm nay, mỗi vị có sở hành riêng biệt, tâm tư và hoàn cảnh riêng biệt; cùng chung tâm nguyện Bồ-đề, vì cứu cánh của tự thân trong chuỗi sanh tử lưu chuyển vô thủy vô chung, vì sự tăng ích và an lạc của nhiều người, của mọi loài chúng sanh; ước nguyện Chư Tôn vận tâm bình đẳng, rải tâm từ đến bốn chúng đệ tử, để cho tất cả hãy quên đi cái đúng và cái sai của ta và người, để cho Chánh pháp bừng sáng trong tâm, soi sáng con đường hành đạo, không thoái chuyển tâm nguyện Bồ-đề trong bản nguyện phụng sự dân tộc và nhân loại.
Kính đảnh lễ hiện tiền chư Đại Đức Tăng-già.
Khể thủ vọng bái
Tì-kheo Thích Tuệ Sỹ