LỜI DẪN
Cuối thế kỷ IX, Việt nam chứng kiến một tình trạng vô cùng phức tạp. Trên lãnh vực chính trị và quân sự. Giao châu thời bấy giờ là địa điểm thử sức của ba thế lực trọng đại. Trung hoa đang là thời đại phân tranh Ngũ quí. Quyền thống trị không tập trung được, nên không thể mở rộng uy lực khống chế của nó. Cơ hội này đã khiến cho các thế lực nhược tiểu trỗi dậy muốn dành thế chủ động. Giao châu lọt vào giữa chân vạc. Phía Nam là Chiêm thành, phía Bắc là Trung hoa, phía Tây là Nam chiếu. Thế lực nào chiếm được vị trí này, có thể khuếch trương ảnh hưởng để khống chế cả ba mặt.
Khi Cao Biền đánh dẹp Nam chiếu, đã hao tổn rất nhiều tâm cơ, để khơi đào hải cảng, xây đắp thành Đại la, thiết lập những địa điểm chiến lược, Xí đồ của ông không phải chỉ cốt củng cố khả năng thống trị của nhà Đường đang hồi mạt vận. Những biến cố về sau, dành cái họa sát thân cho chính Cao Biền, dù Bắc sử không đả động gì đến xí đồ nào của Cao Biền, nhưng ai dám bảo là ông không có dã tâm? Cuộc dấy loạn của Hoàng Sào vốn chỉ đáng coi là một tay lục lâm thảo khấu, mà Cao Biền đã có công trong việc đánh dẹp, chắc chắn cũng đả kích thích những kẻ có mộng ngoảnh mặt về Nam; với tài trí như Cao Biền, không phải là không làm được. Vả lại, công cuộc đào núi lấp biển của Cao Biền đã gây nên những ấn tượng hãi hùng trong lòng dân chúng Việt nam đương thời, mà Thuyền Uyển Tập Anh cho thấy rõ.
Vậy phải nói rằng xí đồ của Cao Biền quyết định là lớn lắm. Có thể nói, xí đồ này mở ra cho dân tộc Việt-nam một con đường sáng. Con đường này trước hết phải khơi dậy một ý nghĩa tự chủ nào đó. Chắc chắn đây không phải là thứ tự chủ theo nghĩa “triều đình riêng một góc trời, gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.” Tự chủ trong ý nghĩa sinh tồn của một dân tộc phải là phản ánh tư thái sinh hoạt của nó, trong điều kiện xã hội, lịch sử và địa lý.
Nếu chúng ta tin được những gì mà Thuyền Uyển Tập Anh nói đến, thì một cuộc vận động dai dẳng cho ý nghĩa dân tộc quả là một sự kiện lịch sử. Nhưng vì đây là tác phẩm chép tiểu sử của các Thiền sư mà cuộc đời vốn như cánh nhạn giữa hư không, đến và đi không vết tích, nên sự khai thác nó không thể tuân theo đường lối thông thường của khoa sử học. Nay chúng ta vẫn chưa có một giải pháp thích đáng.
Bây giờ tạm thời y theo Thuyền Uyển Tập anh với những giả thuyết được rút ra từ nó. Căn cứ theo đây, chúng ta được biết, cuộc vận động cho ý thức tự chủ để mà sinh tồn của dân tộc phải khởi sự một cách có qui cũ kể từ thế kỷ XI, với sự xuất hiện của Khuông Việt và Vạn Hạnh, là lúc thời cơ đã chín mùi. Hai vị thiền sư này, thuộc hai hệ Thiền tông riêng biệt, một cách nào đó, trở thành hai chiều hướng vận động trong lòng quần chúng. Phái Vô ngôn thông của Khuông Việt tập trung rất nhiều văn học cự phách, có gây được phong trào trong tầng lớp thượng tầng tri thức. Trong khi đó, phái Tì ni đa lưu chi của Vạn Hạnh, mà hầu hết các Thiền sư đều có thiên hướng thần bí, giỏi phù sấm, chắc chắn đã ảnh hưởng trực tiếp không ít đến hạ tầng quần chúng. Cả hai mà bắt tay hợp tác, thì một cuộc vận động dân tộc toàn diện không phải là không thể. Họ vận động như thế nào? Đó là điều mà chúng ta chưa biết. Do đó, cần phải tốn nhiều khảo cứu để biết.
Nếu chúng ta không nói quá, thì có thể coi Khuông Việt như là Tiêu Hà của Hán Cao tổ. Ngài đã đem tài vương tá ra phụ lực cho hai triều đại Đinh và Lê, nắm giữ vai trò thiết định triều nghi vương hóa, với tước hiệu Khuông Việt thái sư quả là đắc thể. Thêm vào đó, Thiền sư Pháp Thuận, thuộc phả hệ Thiền Tì ni đa lưu chi, đóng vai dân dã, đón sứ bên ngoài triều đình, đã không nhục mang. Tập anh lại chép, Pháp Thuận quả có dự phần trong việc vận trù quyết sách giúp Lê Đại Hành khi mới sáng nghiệp đế vương; kịp lúc thái bình, lại đảm trách công tác văn hàn, tức vai trò thảo chiếu, mà ngay cả Việt sử tiêu án, vốn có thành kiến không mấy tốt đẹp với các nhà sư, cũng phải lên tiếng khen ngợi. Nhưng cái tài vương tá như Trương Lương đối với Hán Cao tổ, ngồi trong trường vận trù sách lược, quyết thắng ngoài ngàn dặm, phải nói, vai trò của Vạn Hạnh đã nổi bật nhất trong lịch sử. Thành công của Vạn Hạnh đối với Triều Lý, không thể qui cho một người, trong một sớm một chiều. Nó là công trình sống chết của dân tộc trong lịch sử. Chủ đề của TƯ TƯỞNG số này sẽ nỗ lực trong chiều hướng đó.
Nhưng đối với cái công trình không phải một sớm một chiều của lịch sử thì nỗ lực cống hiến của tập san này, trong giới hạn khiêm tốn của nó, quyết không thể là trọn vẹn. Thêm vào đó, hoàn cảnh thống khổ hiện tại của dân tộc ta, không ai có thể làm việc một cách khách quan. Quả có những khổ tâm mà người khảo cứu không thể tiến tới một sự thành tựu khả dĩ. Tuy nhiên, ý thức tự chủ của dân tộc, dù muốn nói theo giọng điệu nào, trong hiện tại, vẫn là vấn đề sống chết của dân tộc. Vậy số đặc biệt về chủ đề NGÀI VẠN HẠNH này chỉ mong nói được một trong ngàn điều không thể nói. Cố nhiên là vì chưa hội đủ khả năng để nói, chứ không vì lý do gì khác.
TƯ TƯỞNG