Cố đô Huế – Sắc tứ Tường Vân tự. Mười ba thế kỷ trôi qua kể từ dạo ấy.
Từ ngày ấy đến nay trong những chốn thiền môn trên cùng khắp năm châu bốn bể, đã có không biết bao nhiêu bài pháp kệ được trao đi truyền đến, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy không phải là việc trao truyền y bát của những dòng thiền lớn nhưng cũng là do chư Tổ, chư Thánh Tăng từ đời trước truyền lại cho môn đồ đời sau. Đã không biết bao nhiêu bậc đại tăng thạc đức thực chứng và hành đạo, đã từng trao truyền tâm pháp cho đệ tử trong tông môn. Tiếc rằng những sự kiện ấy ở Việt Nam rất ít được ghi lại để cho hậu sanh có cơ hội được chiêm nghiệm và hàng Phật Tử thêm tín tâm, tin tưởng vào sự nhiệm mầu của đạo pháp.
Trong số những vị thạc đức tu chứng ở Việt Nam thời nay, ta phải kể đến Đức đệ nhất Tăng Thống Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.
Hòa thượng Thích Tịnh Khiết thế danh là Nguyễn Văn Kỉnh, sinh ngày 17.12.1891 (tức ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão) tại làng Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bào huynh của Ngài cũng đi xuất gia là Hòa thượng Trừng Hương Tịnh Hạnh. Ngài Tịnh Hạnh sinh năm Kỷ Sửu (1889), xuất gia năm 1905, thọ Cụ túc giới năm 1910, từng là Trụ trì tổ đình Tường Vân, Huế. Ngài Tịnh Hạnh viên tịch vào năm 1933.
Năm 15 tuổi (1906) Ngài Tịnh Khiết xuất gia với Hòa thượng Thanh Thái Phước Chỉ (1858-1921). Năm 19 tuổi (1910) Ngài được đặc cách thọ Tỳ kheo Bồ tát giới tại giới đàn chùa Phước Lâm ở Hội An, tỉnh Quảng Nam với pháp danh là Trừng
Thông, pháp tự là Chơn Thường. Năm 1920 Ngài đắc pháp, được Bổn sư ban pháp hiệu là Tịnh Khiết. Năm 1933 Ngài kế vị đảm nhận chức vị trụ trì chùa Tường Vân, sau khi Hòa Thượng Tịnh Hạnh viên tịch. Năm 1938 sau khi xây dựng xong chùa Hội Quán Từ Đàm, An Nam Phật học hội cung thỉnh Ngài kiêm nhiệm trụ trì và chứng minh Đạo sư cho Hội. Năm 1940 Sơn môn Tăng già Thừa Thiên cung thỉnh Ngài làm Giám đốc Đạo hạnh cho Viện Cao đẳng Phật học tại chùa Bảo Quốc. Đầu năm 1951, Ngài chứng minh và chủ tọa Hội nghị thành lập Giáo hội Tăng già Trung Việt tại chùa Linh Quang, Huế. Năm 1959 Đại hội kỳ III của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam họp tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn, Chư tôn đức Hội nghị cung thỉnh Ngài đảm nhận ngôi vị Hội chủ.
Những năm sau đó chính quyền liên tiếp khủng bố và đàn áp Phật Giáo, nặng nhất là ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. Vào ngày 02.02.1962, Ngài Tịnh Khiết đã ký một văn thư gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm và Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, với lời khuyến cáo “Tôi muốn tránh cho lịch sử dân tộc một chấm đen, đồng thời muốn ngăn ngừa một tai họa cho quốc gia, khi mà hàng Phật tử thấy cần bảo vệ đúng mức tôn giáo của mình!”. Thế nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã không chịu lắng nghe mà lại càng tiếp tục khủng bố, đàn áp thêm.
Vì thế, cuộc đấu tranh của Phật giáo mùa hè năm 1963 đã bùng phát mạnh mẽ. Trên cương vị lãnh đạo tối cao, dù đã 72 tuổi, Ngài dấn thân không mỏi mệt để dẫn dắt cho phong trào, vẫn luôn đồng cam cộng khổ cùng chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử để lèo lái cho phong trào đến ngày thành tựu. Đầu năm 1964 Hội nghị của mười một Giáo phái và Hội đoàn Phật giáo tại Sài Gòn cung cử Ngài lên ngôi vị Đệ nhất Tăng Thống GHPGVNTN. Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết viên tịch ngày 25.02.1973 (âm lịch: 23 tháng Giêng năm Quý Sửu), trụ thế 82 tuổi và 63 hạ lạp.
Thuở sinh tiền chí sĩ Sào Nam Phan Bội Châu từng là bạn tâm giao của Ngài. Lúc cụ Phan đang bị thực dân Pháp đưa về an trí tại Bến Ngự, cụ thường lui tới chùa viếng thăm và đàm đạo với Hòa thượng. Trong một dịp cụ Phan vào chùa vấn đạo, Hòa thượng đã biếu cụ một cây hoa ngọc lan. Sau đó, Phan tiên sinh mượn nét tinh khiết và hương thơm của hoa để viết tặng Hòa thượng một bài thơ tán thán mật hạnh vô vi của Ngài. Bài thơ như sau:
Nguyên văn chữ Hán:
前 身 種 出 自 蓬 莱
唯 向 菩 提 院 裏 栽
素 萬 光 争 冬 夜 雪
奇 芳 品 奪 領 頭 梅
真 香 王 者 天 垂 賞
荘 此 嫦 娥 月 暗 猜
唯 佛 從 来 能 識 佛
慇 勤 惠 我 此 花 魁
巢 南
Phiên âm:
Tiền thân chủng xuất tự bồng lai,
Duy hướng bồ đề viện lý tài.
Tố vạn quang tranh đông dạ tuyết,
Kỳ phương phẩm đoạt lãnh đầu mai.
Hương chân vương giả thiên thuỳ thưởng,
Trang thử thường nga nguyệt ám xai.
Duy Phật tùng lai năng thức Phật,
Ân cần huệ ngã thử hoa khôi.
Sào Nam
Bản dịch của thầy Chơn Thiện:
Thân trước vốn người tự cõi tiên
Sao vì trí giác đến rừng thiền,
Sắc màu đông tuyết còn thua thắm
Hương chất hoàng mai lại kém duyên.
Dáng vẻ triều vương trời ái mộ
Hằng nga trang tỉ nguyệt ưu phiền.
Phật duyên tương cảm nên tương ngộ
Cành ngọc lan trao tới cựu hiền.
Bản dịch của Nguyên Hồng:
Giống tự Bồng lai đến cõi này,
Bồ đề viện nội trổ nên cây.
Sắc màu rực rỡ đêm đông tuyết,
Hương toả đầu non tựa lão mai.
Vương giả chân hương trời bủa xuống,
Hằng nga cốt cách nguyệt nhường ngôi.
Chỉ Phật mới hay thân Phật Tổ,
Ân cần trao gửi nhánh hoa tươi.
Văn bia tại bảo tháp của Ngài ở tổ đình Tường Vân có ghi Bài Tưởng niệm do Thiền Sư Quy Thiện ở Huế trứ tác, thay cho Chư Tăng Ni ở chốn thần kinh tán thán công đức Ngài và bào huynh Ngài là Hoà thượng Tịnh Hạnh, ví như anh em hai đại luận sư Vô Trước và Thế Thân thời xưa.
Văn bia ghi như sau:
Hương giang chi nguyệt; Ngự lĩnh chi vân; Sơn xuyên dục tú; Đỉnh xuất Kỳ nhân;
Giác trần thị huyễn; Duy đạo vi trân; Nghi huynh nghi đệ; Vô Trước Thiên Thân;
Chấn khởi thuyền phong; Chiết phục tà thái; Hoả mãn diêm phù; Kỳ huynh nan tái;
Vân án trường thiên; Ba cuồng đại hải; Huệ chúc từ phàm; Duy sư thị lạ;
Vi giáo hội chủ; Vi chúng trung tôn; Giáo lưu nam độ; Thục dự tỉ luân;
Pháp hoằng gia vụ; Đạo kế tông môn; Nghi đoan biểu chính; Mục kích đạo tồn;
Bổng xướng tuỳ nghi; Nhân hàm kính ngưỡng; Thanh tịnh nan danh; Ứng dụng vô lượng;
Phật pháp đống lương; Tông môn bảo chướng; Tuyển Phật tràng trung; Lễ tôn Hoà thượng; Xuân thành hậu tấn; Cửu phụ đức âm; Vô nhĩ biểu thành; Kiền bị chuyết châm;
Nguyệt thuỳ liên nhãn; Phủ giám quy thâm; Vĩnh phụng trần sát; Tương thử thâm tâm.
Nghĩa:
(theo bản dịch của Tâm Quang, Trang nhà GĐPT Việt Nam)
Trăng sông Hương, mây núi Ngự, tinh anh sông núi khéo đúc nên bậc khác thường.
Giác ngộ trần lao như huyễn, chỉ Đạo là quý. Xứng huynh xứng đệ như Vô Trước Thiên Thân. Chấn hưng Thiền phong, chiết phục tà thái. Hóa độ cõi Ta bà đã xong, thì anh Ngài về chầu Phật.
Than ôi! Mây phủ ngất trời, sóng gầm biển lớn. Đuốc tuệ thuyền từ chỉ còn Ngài làm chỗ cậy nương. Làm Pháp chủ Giáo hội, làm bậc Chúng trung tôn. Giáo pháp lưu truyền đất Nam mấy ai sánh kịp. Xem việc Hoằng pháp là việc nhà, nối tiếp Đạo thống Tông môn. Hình nghi đoan chánh, mắt trừng ánh đạo, đánh hét tùy cơ. Người người kính ngưỡng.Thanh tịnh khó bàn, ứng dụng vô lượng, đống lương của Phật pháp, bình phong che chở Tông môn.Trong trường tuyển Phật, suy tôn Hòa thượng. Kẻ hậu lai ở cố đô từ lâu nương nhờ ân đức, không biết lấy gì bày tỏ, xin cung soạn bài Châm vụng về này, ngưỡng mong Ngài hạ cố chứng giám lòng thành.
Nguyện đem thâm tâm này vĩnh viễn phụng sự chúng sanh!
Câu chuyện độc đáo ghi lại khả năng nhìn thấu suốt sự việc 42 năm sau của một bậc chứng ngộ là Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Tăng Thống Thích Tịnh Khiết có liên quan mật thiết đến tấm bia này.