Cuộc đối đầu giữa người dân Việt với quan lại người Hán diễn ra trên hai mặt. Một là những cuộc kháng chiến bằng gươm giáo; hai là một luồng sóng đối kháng ngầm chảy mãi mãi trong tâm thức cộng đồng của dân tộc. Các vị thần linh được truyền tụng từ ngàn năm trước luôn luôn có mặt trong đó con sóng ngầm này.
Trong cuộc tranh đấu chống chính sách đô hộ hà khắc, người Việt có một chỗ dựa tinh thần là những tín ngưỡng cổ truyền, với các vị thần thánh riêng; trong đó có những thần linh biểu lộ qua các hiện tượng tự nhiên; hay những nhân vật được dân tôn kính, thờ cúng. Chia sẻ với nhau những niềm tin và nghi lễ do cha ông truyền lại tạo nên tình liên đới giữa những người đồng chủng. Họ cảm thấy và biết chắc chắn họ không giống người Hán. Những quan lại từ phương Bắc tới không thờ phượng những thần thánh của dân mình; thế nào cũng có lúc người Việt thấy đám quan quân này bị thần linh trừng phạt bằng tai nạn hay bệnh tật. Rồi mỗi khi vùng lên tranh đấu, người dân Việt biết họ sẽ được các thần linh của mình phù trợ. Nhiều hào kiệt đã hiển linh trở thành các vị thần tiếp tục bảo vệ dân lành; các chiến sĩ khi xung trận đều biết như vậy. Người Việt tin rằng Chử Đồng Tử đã trở về giúp Triệu Quang Phục, Bà Triệu hiển linh cho Lý Bôn thấy; thần Trương Hống đã gửi một thông điệp qua Lý Thường Kiệt ở sông Cầu, khiến tướng sĩ nức lòng chống quân nhà Tống.
Vai trò tác động của tín ngưỡng đối với những người lính sắp ra trận là một hiện tượng bình thường, đời xưa cũng như ngày nay, trong chiến trận cũng như trong đấu trường thể thao. Nhiều cầu thủ trước khi ra sân đá bóng cũng chắp tay cầu nguyện; hoặc hôn hình ảnh vợ, con mình; không khác gì các người lính trước khi xung phong. Niềm tin kích thích con người can đảm hơn. Chia sẻ một niềm tin giúp mọi người đoàn kết với nhau hơn. Nếu đó lại là một niềm tin vào cõi thiêng liêng, vô hình và vĩnh cửu, thì hai tác dụng trên càng mạnh.
Loài người cần tin vào một cõi thiêng liêng vượt lên trên thân phận hèn mọn của mình. Từ mấy chục ngàn năm trước đây, tín ngưỡng bộ lạc thành hình khi nhiều người nghĩ rằng tông tộc của mình phải có một vị thần của riêng, giúp mình khi chiến đấu với bộ tộc khác. Các cuộc chiến bộ tộc trở thành cuộc chiến giữa các thần linh; hễ có chiến tranh là mời thần thánh dự chiến. Các bộ lạc họp lại, dân số đông hơn, vị thần của một sắc dân mạnh nhất được đưa lên bảo trợ cho tập họp mới. Loài người sống trong tín ngưỡng bộ lạc mấy chục ngàn năm như thế trước khi có những tôn giáo phổ quát, không phân biệt sắc tộc.
Tôn giáo phổ quát cho cả loài người xuất hiện muộn màng. Phải đợi tới Zarathrusta người Ba Tư đi bước đầu, rồi những người Do Thái tiếp tay mở ra một cánh cửa mới, đưa một vị thần linh chung, lớn nhất và duy nhất, vào đền thờ của nhân loại. Từ đó nhiều bộ tộc có thể thờ chung một Thượng Đế, thủ lãnh cả vũ trụ, không thuộc riêng sắc dân nào. Tôn giáo nhất thần phổ biến từ miền Cận Đông, Trung Đông đã lan khắp thế giới.
Nhưng ở những nơi khác nhiều nhóm dân vẫn nuôi dưỡng niềm tin vào các thần linh của riêng họ, làm chỗ dựa thiêng liêng khi họ gặp khó khăn. Nơi nương tựa chắc chắn nhất là chính tổ tiên của mình.
Các dân tộc đều đặt ra những huyền thoại về nguồn gốc tổ tiên, vì thờ cúng tổ tiên cũng là một tập tục tự nhiên và phổ biến. Trang bị với những chuyện kể về lịch sử tổ tiên nhuốm màu thiêng liêng và huyền bí, người ta nuôi lòng tự tin, can đảm. Nhiều sắc dân đã sáng tác các huyền thoại về nguồn gốc dân tộc trong thời gian họ đang bị một giống dân khác nô lệ hóa, hay đang lo bị người ngoại quốc tiêu diệt. Người Do Thái bắt đầu kể chuyện Sáng Tạo Trời Đất và nguồn gốc tổ phụ Abraham trong thời gian họ trốn chạy khỏi cuộc sống làm nô lệ ở Ai Cập, lang thang trong sa mạc Sinai. Cuộc hành trình kéo dài 40 năm khiến nhiều người bắt đầu nản chí, muốn bỏ cuộc, chắc có nhiều người đòi trở lại Ai Cập, sống đời nô lệ cho yên thân. Khi ông Moses báo cho các đồng bào của ông biết họ phải chịu những khó khăn này là vì họ đã được Đấng Jehovah chọn và thử thách, thì nhiều người tin tưởng, cảm thấy họ có thể nhẫn nhục can đảm hơn. Ông Moses còn báo cho đồng bào ông biết dân Do Thái thuộc dòng chính, từ con người thủy tổ là Adam cho nên đã được Thượng Đế “chọn.” Lối giải thích này vẫn thỏa mãn tinh thần bộ tộc cổ sơ, vì trước mắt vị thần chung là Thượng Đế dân Do Thái vẫn có một địa vị riêng, cao hơn các sắc dân khác.
Người Lạc Việt đã tạo ra các truyền thuyết để biết sắc dân mình gốc từ đâu ra, như câu chuyện Mẹ Trăm Con, nguồn gốc từ thần thoại Ấn Độ và cũng phổ biến khắp vùng Đông Nam Á. Lại đặt thêm huyền thoại tổ tiên mình là Rồng và Tiên, để chứng tỏ dân mình cũng có một lịch sử lâu dài; đồng thời giải thích dân tộc gồm cả hai ngành, lên núi và xuống biển. Đời sau lại thêm vào những chi tiết như Lạc Long Quân thuộc dòng dõi vua Thần Nông bên Tàu. Nhân vật huyền thoại Thần Nông vốn được thờ phượng ở miền Nam Trường Giang còn miền Bắc là nơi phát xuất văn minh Hoa Hạ vẫn quen thờ Hoàng Đế.
Văn minh Ấn Độ cung cấp một chuyện tích giúp dân ta sáng tạo ra những huyền thoại, sau đó còn thêm Phật giáo với những tư tưởng cao siêu, đồng thời cũng là một tín ngưỡng quyền năng, với những pháp sư biết trổ tài phù phép. Phật giáo tới rất sớm, góp phần hình thành bản sắc tinh thần của dân Lạc Việt, giúp cho bản sắc đó vững chắc và mạnh mẽ khi tiếp xúc với Nho Giáo. Nhưng trước khi đạo Phật vào nước ta, nước Văn Lang đã là nơi các thần thánh cư ngụ rất đông đúc, do lòng tin của dân Việt vào thiên nhiên và các nguồn sinh sống của mình: Núi và sông nước. Các nhân vật lịch sử có công giữ nước cũng được ghép với những vị thần đã được dân chúng thờ phượng từ lâu; vì người Việt tin vào linh hồn bất tử. Lê Mạnh Thát thấy trong Tiền Hán Thư và Sử Ký chuyện Hán Vũ Đế (140 – 87 TCN) được một người Việt là Dũng Chi nói về hiệu nghiệm trong việc « thờ quỷ » và bói gà ; chữ « quỷ » hiểu là linh hồn người chết. Sau đó, « Vua tin. Tục thờ quỷ và bói gà bắt đầu dùng từ đó. » Các ngôi mộ cổ, từ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên đào được ở Lũng Hòa (Phú Thọ) đến Lạch Trường (Thanh Hóa) đều chôn nhiều đồ vật “tùy táng” chứng tỏ, trước khi người Hán tới, người Việt tin rằng vẫn còn linh hồn sau khi chết. Do đó người Việt thờ cúng tổ tiên.
Tục thờ cúng tổ tiên của một họ dẫn tới việc thờ phụng vong hồn các anh hùng của cả dân tộc. Trong thời Bắc thuộc, Hai Bà Trưng và các tướng của hai bà; rồi Bà Triệu, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, hai anh em Trương Hống và Trương Hát, đều được lập đền thờ như thần, nhiều vị được hóa thân nhập vào những thần linh cũ. Các vị “thần” này giúp thúc đẩy tinh thần đề kháng chế độ tham tàn và chính sách Hán hóa. Benedict Anderson, trong sách đã dẫn, nhận xét rằng hai thứ cộng đồng tưởng tượng là dân tộc và tôn giáo giống nhau vì cả hai đều giải đáp nỗi thắc mắc của con người trước cái chết cũng như mối lo âu trước tính chất vô thường mà hiện tượng sống chết gây ra. Tôn giáo giúp người ta đối diện với tính bất định, vô thường, chuyển hóa nỗi xao xuyến này thành niềm tin ở một cõi trường cửu, vĩnh hằng. Ý thức dân tộc cũng đóng vai trò tương tự, trong phạm vi thế tục. Một dân tộc nối đời trước với đời sau, hướng đến tương lai trong khi suy ngẫm về quá khứ. Người ta rất dễ cảm thấy mình phải “yêu nước” vì yêu cha mẹ, tổ tiên, những người đã chết. Vì tín ngưỡng và tinh thần dân tộc đều có nguồn gốc thiêng liêng như vậy cho nên nhiều phong trào dân tộc tự đồng hóa được với các tôn giáo. Như ở Việt Nam có thời kỳ người Công Giáo hay nêu châm ngôn “Thiên Chúa và Tổ Quốc;” người Phật Giáo thì tuyên dương “Đạo Pháp và Dân Tộc.” Khi thay thế một tôn giáo bằng một lý thuyết thế tục; thí dụ có người đề ra một khẩu hiệu như “yêu nước là yêu một chủ nghĩa” nào đó, thì khó thành công, vì những lý thuyết không tạo được xúc động sâu xa và bền chặt như các tôn giáo.
Các anh hùng được dân thờ phượng đã nuôi dưỡng tinh thần đề kháng của dân Việt suốt thời gian nước ta bị chiếm đóng. Trong buổi lập quốc sơ khai họ còn tiếp tục được đưa ra để tác động tinh thần, nuôi dưỡng mối quyết tâm bảo vệ nền tự chủ.
Thần núi hộ quốc
Đọc cuốn Thần, Người và Đất Việt, Giáo sư Tạ Chí Đại Trường, ta thấy những tín ngưỡng dân gian đã giúp người Việt xác định bản sắc của mình khác người Hán. Nhiều vị thần linh đất Việt có khi đóng vai đối lập với các thần thánh được đưa từ phương Bắc qua. Các thần linh đã được người Việt biến thành các vị “thần hộ quốc.” Tín ngưỡng cổ truyền thúc đẩy tinh thần đề kháng khi người dân ghép nối hình ảnh các anh hùng với các vị thần linh đã được thờ.
Giống như mọi giống dân thời sơ khai, tổ tiên người Việt thờ cúng các vị thần biểu tượng cho các hiện tượng thiên nhiên. Thí dụ, tục thờ thần núi, thần đá. Những huyền thoại, cổ tích như Cao Lỗ, Ông Đống là dấu tích của tín ngưỡng thờ đá. Thần Cao Lỗ (Cao lớn sừng sững) có khi xuất hiện như một vị quân sư của Thục An Dương Vương, đã hiện lên giúp vua chế tạo ra nỏ thần. Vị thần này cũng được gọi là Đô Lỗ hoặc Thạch Thần, như ghi trong Việt Điện U Linh tập (1329). Cuốn sách của Lý Tế Xuyên kể một cuộc tranh chấp giữa một vị Thổ thần (được người Hán thờ phượng) với một vị thần bản địa gọi là Thạch Khanh (Ông Đá). Thần núi Tản Viên, dưới một hình thức khác là Sơn Tinh, cũng được thờ như vị thần linh bảo trợ cho các người lãnh đạo Việt Nam. Vị thần núi này trở thành gần gũi người Việt hơn, khi ông “xuống trần,” cưới một vị công chúa con Hùng Vương. Đương nhiên, làm con rể thì thần Tản Viên phải lo bảo vệ đất đai do các vua Hùng để lại! Các quan cai trị người Hán có khi lợi dụng danh nghĩa của thần núi Tản Viên, có khi núp bóng thần sông Tô Lịch, để chinh phục lòng tin của dân chúng.
Nhiều sự tích kể chuyện những vị thần đá được nhân cách hóa, thành các tướng quân giữ gìn đất nước. Hình ảnh Sơn Tinh làm phép cho núi lên cao, lên cao mãi, Thủy Tinh dâng nước lên không thể nào làm ngập, tượng trưng sức chiến đấu bền bỉ của giống dân ở vùng đất bồi hai bên sông Cái (Hồng Hà). Một vị thần đá khác là Ông Đống, có lúc được biến thành nhân vật Phù Đổng Thiên Vương dẹp loạn cứu dân. Ông được ghi rõ địa chỉ ở làng Gióng, với một tiểu sử đủ chi tiết. Hình ảnh cậu bé làng Phù Đổng vươn lên thành một ông khổng lồ là biểu tượng sức mạnh của một dân tộc nhỏ bé và bất khuất. Vị thần núi, thần đá này đã xuất hiện và được thờ phụng qua nhiều đời; có thể từ khi các sắc dân Nam Á và Thái gặp nhau trên vùng đất này. Tạ Chí Đại Trường nhận xét tên Phù Đổng giống như tên gọi núi đá trong tiếng Tầy-Thái là “Pù Đống.” Truyền thuyết nói rằng người Việt đời xưa vẫn ném đá vào một cái “Cột đồng Mã Viện,” dần dần đắp cao thành một đống đá lớn cũng là do một tục lệ tỏ lòng kính ngưỡng các vị thần đá và núi. Người ta thể hiện lòng tôn kính bằng cách chất thêm các tảng đá mới lên, cho ngọn núi biểu tượng của vị thần mỗi ngày một lớn hơn.
Các vị thần sông nước
Sau các thần đá, hiện tượng pha trộn thần linh với các nhân vật lịch sử cũng thấy trong phong tục thờ các vị thần liên quan đến sông, nước, đầm lầy. Dân Lạc Việt sống gần sông, biển, đánh cá, vẽ mình, và ruộng đất vùng châu thổ Bắc Việt là do phù sa các con sông Hồng Hà và Thái Bình đắp nên. Tục lệ thờ thần sông, thần nước, còn lưu truyền hàng ngàn năm sau khi độc lập. Bà Chúa Mẫu Thoải cũng từ thủy cung mà lên. Khi Lý Thái Tổ dời kinh đô ra La Thành, làm lễ tế trời đất đã rót rượu xuống sông, đó cũng là một hình thức tạ ơn các vị thần dưới nước.
Sử nước ta kể chuyện ông Hàn Thuyên, vào thế kỷ 13 viết bài Văn Tế Cá Sấu bằng Chữ Nôm, tức là chữ của người Việt sáng chế ra khi muốn viết những tiếng không có trong chữ Hán. Học chữ Nôm khó, chỉ học được sau khi đã biết chữ Hán rồi. Sử sách nhắc đến sự kiện này khi kể tên Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, là những tác giả đầu tiên hay dùng thứ chữ Nôm để viết thẳng tiếng nói của dân mình, trong khi phần lớn người đi học chỉ cần học đọc và viết chữ Hán. Có thuyết cho rằng chữ Nôm được chế ra từ thời Sĩ Nhiếp, vì gia đình ông đã ở Thương Ngô (Quảng Tây), dân ở đó cũng dùng một thứ chữ riêng để ghi tiếng nói địa phương của họ; giống cách người Việt đặt ra chữ Nôm. Nếu Sĩ Nhiếp đã chịu theo tín ngưỡng địa phương, khi ra đường dùng nghi vệ với các vị “Hồ tăng” thì trong thời gian 40 năm ở nước ta gia đình ông chắc cũng đã tập nói tiếng Việt. Trong Bắc Ninh Dư Địa Chí của Đỗ Trọng Vĩ, Đỗ Tuấn Anh dịch, có ghi lại tấm bia đời Lê Ý Tông, trong niên hiệu Vĩnh Hựu (1735 – 1740) tại đền thờ “Học Tổ Sĩ Vương,” tức là Sĩ Nhiếp, tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Bia viết rằng Sĩ Nhiếp “…dịch sách dạy người trong nước khiến cho biết được âm Bắc, âm Nam…” (nguyên văn: Dịch âm nghĩa, giáo quốc nhân, sử tri Nam Bắc chi âm,…). Nếu tin vào lời văn bia này thì chắc Sĩ Nhiếp đã cho dịch sách từ chữ Hán (âm Bắc) sang chữ Việt (âm Nam). Nếu vậy thì chắc một hình thức chữ Nôm đã xuất hiện vào thời đó.
Nhưng tại sao khi tế thần cá sấu Hàn Thuyên lại phải viết bằng chữ Nôm, để xướng, ngâm bài văn tế bằng âm tiếng Việt? Tại sao không dùng chữ Hán, đã quen viết, dễ dàng và nhanh chóng hơn? Chúng ta cũng biết sau này khi viết văn cúng tế, âm chữ Hán nghe đạo mạo, kính cẩn hơn. Nhiều chùa của người Việt qua thế kỷ 21 vẫn chỉ tụng kinh theo âm chữ Hán vì lý do đó. Việc viết chữ Nôm là một cố gắng đặc biệt của người soạn văn tế; vì chưa có các bản mẫu để theo. Chữ Nôm khó học hơn chữ Hán, lại dễ đọc lầm vì chưa thống nhất. Số người đọc được chữ Nôm cũng ít hơn. Tại sao Hàn Thuyên phải viết bài văn Tế Cá Sấu bằng Chữ Nôm? Trong sử không giải thích; nhưng chúng ta có thể đoán: Vì lý do có một tín ngưỡng cổ truyền.
Có lẽ Hàn Thuyên không được lựa chọn, ông bắt buộc phải viết bằng Chữ Nôm. Vì tế cá sấu là một tục thờ cúng có trong dân gian từ lâu, nhiều thế kỷ trước khi người Việt gặp người Hán; còn được truyền lại cho tới đời Trần. Vì là một tín ngưỡng cổ truyền, người dân bình thường khi khấn vái sẽ chỉ dùng tiếng mẹ đẻ. Họ có thể dùng một bài khấn có sẵn từ nhiều đời cha ông truyền lại, hoàn toàn bằng tiếng Việt. Nếu làm lễ tế Thần Cá Sấu mà không dùng tiếng Việt thì có thể mắc tội phạm thánh! Thần Cá Sấu đã quen nghe tiếng Việt từ mấy ngàn năm rồi, ngài sẽ không hài lòng nếu nghe khấn bằng “tiếng ngoại quốc!”
Hơn nữa, người ta không chỉ đọc một bài văn tế. Văn tế phải được ngâm nga theo các giai điệu từ nhiều đời truyền lại. Các giai điệu này đều chịu ảnh hưởng của dân ca, dân nhạc. Người Việt cầu kinh trong nhà thờ khác với người Pháp, dù khi đều dùng chữ La Tinh. Phật tử ba miền Bắc, Trung, Nam tụng kinh với các giai điệu khác nhau, nghe thấy có ảnh hưởng dân ca ba miền.
Cho nên trong tín ngưỡng cổ truyền của dân Việt, mỗi vị thần được khấn khứa một cách riêng, mỗi lễ nghi dùng một âm điệu khác nhau, nếu ngâm, xướng sai là phạm tội. Bài văn tế ngâm bằng tiếng Việt thì có thể hợp với giai điệu cũ dễ hơn là viết bằng chữ Hán. Trong gia tài âm nhạc của dân Việt, từ hai, ba ngàn năm trước, đã có nhiều giai điệu dành riêng cho các nghi lễ thờ phụng, mỗi vị thần được lễ với một giai điệu và cách hòa âm riêng biệt. Đọc văn tế bằng tiếng Việt sẽ đáp ứng cả hai nhu cầu thông tin này.
Câu chuyện Hàn Thuyên viết văn tế chứng tỏ tục thờ Thần Cá Sấu đã có từ rất xưa, trong thời gian dân Việt còn sống bên sông, biển, theo tục vẽ mình.
Bốn, năm ngàn năm trước, vùng châu thổ sông Hồng còn đầy sông, lạch, đầm lầy. Đó là sinh môi của cá sấu. Người miền núi thờ Thần Hổ, thì người sống ở sông rạch, đầm nước thờ cá sấu. Con rồng của người Việt là do hình con cá sấu biến dạng; còn người Tàu vẽ con rồng dựa theo hình ảnh loài rắn nước, thuồng luồng. Lạc Long Quân thuộc giống rồng, có thể là biểu tượng cho một sắc tộc sống tại vùng đầm lầy ven biển. Hàn Thuyên viết bài văn Tế Cá Sấu chứng tỏ ít nhất đến giữa thế kỷ 13 phong tục thờ phượng này vẫn còn. Tín ngưỡng cổ truyền thờ rồng, thờ cá sấu trải qua một ngàn năm Bắc thuộc vẫn chưa biến mất.
Có rất nhiều đầm lầy trong những vùng đất mới bồi ở vùng ven biển. Một vị thần của đầm nước đã được ghép vào nhân vật có thật trong lịch sử là Triệu Quang Phục. Triệu Việt Vương được lập đền thờ sau khi được nối vào dòng dõi các vị thần linh sông nước. Ông được biết đến qua các cuộc đánh du kích trong đầm “Nhất Dạ.” Đây là một cái tên đã được ghi nhận từ đời Chử Đồng Tử, trước đó hơn ngàn năm. Dựa vào huyền thoại này dân chúng tôn ông làm Dạ Trạch Vương; trạch nghĩa là cái đầm lầy. Mối liên hệ này tăng thêm mạnh hơn khi kể chuyện Triệu Quang Phục từng ăn chay, lập đàn cầu đảo, được Chử Đồng Tử hiện xuống báo ứng.
Nhân vật Triệu Quang Phục kéo dài được thời kỳ tự chủ của nước ta kể từ khi Lý Bôn chết cho đến lúc quân Lương sang tấn công, tất cả gần 70 năm, nhưng trong chính sử của người Trung Hoa họ không nhắc đến tên ông. Ngược lại, huyền thoại và dã sử của dân Việt kể rất nhiều về ông, đưa ông lên hàng thần thánh. Ông được nuôi sống mãi trong lòng dân Việt trong các thế kỷ sau, thành một biểu tượng của ý chí phục quốc.
Hai vị thần sông, thần nước đóng vai hộ quốc quan trọng nhất, được thờ phượng từ thời Bắc thuộc, là hai anh em Trương Hống và Trương Hát. Theo Bắc Ninh Dư Địa Chí của Đỗ Trọng Vĩ, Đỗ Tuấn Anh dịch, thì ông em tên húy là Xướng ; trong tỉnh Bắc Ninh có 12 ngôi đền thờ anh em họ Trương này ; ngôi đền nổi tiếng nhất là bên sông Cầu, tên chữ Hán là Như Nguyệt.
Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam là ba chi lưu đổ vào sông Thái Bình, qua sông Bạch Đằng trước khi chảy ra biển. Đó phải là những con sông thiêng liêng đối với người Lạc Việt định cư ở châu thổ sông Thái Bình trong nhiều ngàn năm. Trong quá khứ u linh trải bao đời của dân Việt, những con sông quan trọng đó chắc phải có những vị thần bảo hộ. Theo Việt Điện U Linh tập; ông anh Trương Hống là vị thần lo trông coi sông Cầu, quan trọng hơn sông Thương thuộc trách nhiệm của ông em, Trương Hát. Hai vị thần này có lúc hiện thân là hai vị tướng của Triệu Quang Phục, đã tử trận và hiển linh nên được dân thờ. Mà chính Triệu Việt Vương cũng từng là một vị “thần nước” giáng sinh, nên khi chết đi được lập đền thờ ở ven biển. Giáo sư Lê Hữu Mục, trong lời giới thiệu bản dịch Việt Điện U Linh Tập đã nhấn mạnh tới vai trò “hộ quốc” của các vị thần, vượt trên các phe đảng đang tranh quyền: “Trương Hống, Trương Hát là bộ tướng của Triệu Việt Vương, đã vì Triệu Việt Vương mà thà chết…; Lý Phục Man là thuộc tướng của Lý Nam Đế, chết đi vẫn tiếp tục ủng hộ Lý Thái Tổ, phù trợ cho dân gian.”
Chính trên bờ con sông Cầu, còn gọi là sông Như Nguyệt này, vào thế kỷ 11 Lý thường Kiệt cho biết đã được thần báo mộng với lời xác định “Nam quốc sơn hà Nam đế cư.” Vị thần trấn nhậm con sông Cầu là Trương Hống.
Trong Việt Điện U Linh Tập có mười chuyện những vị thần có nguồn gốc thần thoại như Hậu Thổ phu nhân, thần Đồng Cổ, thần Long Độ, thần Khai Nguyên, thần Phù Đổng, Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, vân vân. Giáo sư Lê Hữu Mục xếp vào loại “những bậc hạo khí anh linh.” Ông nhận xét, “Các thần đều một lòng sốt sắng cứu khổn phò nguy, thường sẵn sàng hiển linh báo mộng cho vua chúa biết đường lành phải theo, điềm dữ phải tránh; các thần lúc nào cũng tìm cơ hội để tham dự vào việc của triều đình, giúp cho nhà vua tránh được những bước khó khăn,…” Dân Việt Nam đã sống dưới sự bảo trợ của những bậc hạo khí anh linh như vậy, nâng đỡ tinh thần tổ tiên chúng ta trong những năm bị người nước ngoài cai trị.
Cao Biền chịu thua
Cho nên các quan lại người Hán phải đối phó với cả những thần linh của đám dân bản địa khi họ tới trị nhậm ở Giao Châu. Họ thường theo đường lối “mềm nắm, rắn buông.” Nếu có thể, họ tìm cách trừ yểm các vị thần bản xứ, để người dân mất chỗ nương tựa. Nếu không được, họ sẽ thờ lạy các vị thần đó để “quốc hữu hóa” cả thần thánh, mời thần vào hàng ngũ phục vụ thiên triều. Một nhân vật nổi tiếng, trong nỗ lực của các quan lại muốn “chế ngự,” hoặc nếu không được thì “lợi dụng” các vị thần phương Nam, là Cao Biền.
Tất nhiên, muốn trừ yểm các thần linh bản xứ các quan lại phương Bắc có thể cầu viện các thần thánh trong thế giới tín ngưỡng của người Trung Hoa, đưa thần thánh từ “thiên quốc” sang trấn áp thần của dân bản xứ. Nhiều viên quan đã học, đã biết các thuật phù thủy theo “Đạo giáo.” Đạo giáo là một tín ngưỡng bình dân, dựa trên các tư tưởng do Lão Tử để xướng, dần dần tạo dựng cả một hệ thống thần thánh và phát minh các kỹ thuật phù thủy, trấn áp ma quỷ, tấn công các thần thánh “ngoại đạo.” Người Hán truyền bá Đạo giáo, đem các thần thánh Trung Hoa sang lập đền thờ ở nước ta, vì nhu cầu tín ngưỡng của họ. Họ cũng tìm cách phù phép, “trấn yểm” các nơi coi là “linh địa,” tức là có triển vọng sẽ sinh ra anh hùng hào kiệt ở nước Nam. Chỉ cần phô trương chút pháp thuật là đủ cho nhiều người tin và sợ rồi. Đến thế kỷ 21 nhiều người Việt vẫn còn lo có người Trung Quốc âm mưu trấn yểm các “huyệt tốt” ở Việt Nam; một cô kiến trúc sư đã viết trên các mạng internet, rồi được truyền đi khắp nơi!
Cao Biền (821 – 887) dòng dõi một võ tướng đời Đường, được phong làm tiết độ sứ cai trị cả Giao Châu (nước ta) và Quảng Châu (Quảng Đông bây giờ). Năm 866 Cao Biền chỉ huy trận chiến thắng được quân nước Nam Chiếu xâm lăng. Nam Chiếu (ở tỉnh Vân Nam bây giờ) lúc đó là một vương quốc lớn, đã tràn sang cả Tứ Xuyên, lấn chiếm Miến Điện; nhưng đã thất bại khi đánh nước ta, mặc dù có lúc chiếm được thủ phủ La Thành. Cao Biền đã xây đắp lại La Thành, một ngôi thành nhỏ bên bờ sông Tô Lịch, đổi tên là Thành Đại La. Trước khi rời khỏi Giao châu năm 875, theo các truyền thuyết kể, Cao Biền đã thi thố nhiều quyền thuật, dùng phép phù thủy học từ Đạo giáo để “yểm” các địa điểm coi là “huyệt tốt” ở nước ta. Mục đích của ông ta là làm suy yếu các vị thần thánh bản xứ, triệt tiêu không cho đất nước này sinh ra được nhân tài. Những chuyện này đều hoang đường, nhưng có ảnh hưởng trong tâm lý người dân. Có thể coi đó là những thủ đoạn tuyên truyền của một vị quan cai trị người Hán biết ảo thuật, phù phép. Nhiều người Việt Nam đến nay vẫn tin các truyền thuyết này. Năm 2006 các nhà khảo cổ đào được một cọc gỗ lim trong vùng Hà Nội, nhiều người bàn tán rằng có thể đó là một cây cọc do Cao Biền đời xưa chôn dưới lòng sông Tô Lịch để trấn yểm.
Một câu chuyện được Cao Biền cho truyền tụng là ông đã được “thần” giúp trong cuộc chiến chống quân Nam Chiếu cũng như khi xây La Thành. Đặc biệt, đó lại là những vị thần “gốc Việt.” Cao Biền kể hai đêm nằm mộng thấy hai vị thần. Một là Lữ Gia, vị tể tướng đã khuyên ông vua sau cùng nhà Triệu, dòng dõi Triệu Đà, không nên phục tòng nhà Hán; hai là một vị tướng khác, em kết nghĩa của Lữ Gia. Trong mộng, hai vị thần này hứa sẽ giúp Cao Biền đánh quân Nam Chiếu. Câu chuyện cho thấy một viên quan cai trị người Hán được nhờ vả các thần thánh địa phương. Đó cũng là một cách biện minh địa vị của ông ta, vì đã được các vị thần bản xứ công nhận. (Ngày nay còn đền thờ Lữ Gia ở xã Đường Hải, Hưng Yên). Cao Biền cũng nói về một giấc mộng khiến ông ta quyết định địa giới của Thành Đại La, kể rằng ông ta trông thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng chạy một vòng vẽ ra con đường chu vi của ngôi thành. Ngày nay còn đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm, Hà Nội, là nơi tập trung cộng đồng người Hoa trước năm 1954. (Câu chuyện này có lúc được kể cách khác; nhân vật nằm mộng là Lý Công Uẩn chứ không phải Cao Biền).
Cao Biền sáng tác một số chuyện về mình để người ta sợ, ngoài chợ, ngoài đường lại vẽ ra thêm những chuyện khác, thổi phồng tài phù thủy của ông ta. Trong dân gian còn kể những chuyện Cao Biền dùng kiếm thần chém đầu hòn núi hình “Con Rùa” bên thôn Thái Bảo (Làng Giạm, Bắc Ninh). Chém mạnh đến nỗi “đầu rùa” văng xa tới tận thôn Phương Lưu cách 2 cây số, nổi lên thành mô đất. Lại thêm chuyện Cao Biền rắc hạt đậu biến thành quân lính; chuyện ông cưỡi diều giấy đi xem địa thế nước ta để yểm các long mạch. Có thể đoán Cao Biền đã dùng các chuyện hoang đường đó nhằm tiêu diệt ý chí chống đối của dân Việt. Điều không ngờ là việc tuyên truyền này còn tác động ăn sâu trong tâm lý người mình, truyền qua nhiều đời. Ở các quận Phù Mỹ, Phù Cát, tỉnh Bình Định cũng có những tảng đá được dân địa phương truyền tụng là do Cao Biền xếp đặt để trấn yểm! Ở Phú Yên cũng có một độn cát cao không bao giờ tan dù bị gió thổi, cuốn; người dân gọi là Mả Cao Biền. Có câu ca dao: “Ngó lên núi Cả thấy mả Cao Biền, thấy đôi chim nhạn đang chuyền cành mai.” Ta thấy sức mạnh của tuyên truyền đáng nể, vì trong thế kỷ thứ 9, hệ thống đô hộ của nhà Đường chưa tiến vào đến địa phận hai tỉnh này, lúc đó còn thuộc nước Chiêm Thành.
Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Thiếu Khang đã trình bầy một số truyền thuyết được người Việt Nam đời xưa đặt ra, với mục đích “phản tuyên truyền” các hoạt động “chiến tranh tâm lý” của Cao Biền (tạp chí Xưa và Nay tháng 9, 2009). Có chuyện kể Cao Biền nằm mộng thấy Thần Núi Tản Viên và thần Cao Lỗ nhưng bị hai vị thần mắng mỏ. Người Việt còn truyền tụng với nhau mấy chuyện chứng tỏ các vị thần của mình đã xuất hiện, đã phá các bùa trấn yểm của vị Tiết độ sứ họ Cao. Việt Điện U Linh Tập kể Cao Biền bị thần sông Tô Lịch cảnh cáo, hóa phép cho nổi giông bão nổi lên, đành chịu thua, than rằng: “Ôi linh khí nước Nam không thể tưởng tượng được!”
Trong dân gian còn nhiều điều truyền tụng nhằm hạ thấp giá trị của nhà “đại phù thủy” phương Bắc. Thí dụ, Thành ngữ “Cao Biền dậy non” để chỉ những người làm việc hấp tấp, nửa chừng, không có kết quả. Chuyện kể trước khi ra trận Cao Biền thường làm phép “sinh tạo, clone” ra thêm lính tráng; nhưng vì các “âm binh” của ông đứng “dậy” sớm quá, ngay lúc còn “non” cho nên không làm được tích sự gì cả! Hình ảnh “Cao Biền dậy non” chắc phải do óc đề kháng của người dân nghĩ ra, chế nhạo các thủ đoạn mê hoặc vô ích của các nhà phương thuật khác.
Nhưng người Việt Nam cũng rất công bằng đối với Cao Biền. An Nam Chí Lược kể có một tấm bia năm 870 ghi công trạng Cao Biền, trong đó ghi công ông đã xin chuyển ngũ cốc từ Trung Quốc sang An Nam để cứu đói. Ông được người Việt phong là Cao vương, mặc dù ông chưa bao giờ xưng vương. Lý Thái Tổ cũng không quên công trình của Cao Biền, khi viết chiếu dời đô đã nhắc đến “Cao vương cố đô Đại La thành.” Vị vua khai sáng nhà Lý cũng gọi ông là “Cao Vương” cho thấy ông ta có uy tín thật trong lòng dân chúng. Theo Lê Mạnh Hùng, trong Nhìn Lại Sử Việt (tập I) thì Cao Biền đã làm nhiều việc ích lợi, “đào sông, khơi ngòi, mở đường lộ, lập quán trọ cho khách đi đường” và củng cố hệ thống đê điều vây quanh thành Đại La ngăn lũ lụt.
Đạo Giáo không thịnh hành
Sự tích Cao Biền và các pháp thuật của ông cho thấy Đạo Giáo từ Trung Quốc được truyền bá ở Việt Nam trong đời Đường; nhưng chắc đã bắt đầu sớm hơn, từ đời Hán. Trong số các quan cai trị đời Hán sang Việt Nam có Trương Tân (nhậm chức năm 201) cũng là một đạo sĩ được sử ghi là “thích việc quỷ thần.” Sĩ Nhiếp, khi còn sống đã mời các nhà sư đốt nhang cùng đi trong các cuộc du hành, sau khi chết được dân kính trọng tôn là “vương” và lại được đem thờ trong đền miếu Đạo Giáo. Vào đầu thế kỷ thứ 8 thì vua nhà Đường chính thức cho lập đền thờ Đạo Giáo ở khắp nơi, kể cả Giao Châu.
Các di dân và quan lại, lính tráng người Hán sang nước ta chắc đều tiếp tục thờ cúng các thần linh có sẵn của họ. Chính quyền chắc cũng muốn khuyến khích, đưa các vị thần thánh phương Bắc tới chiếm chỗ của các vị thần đã được dân bản xứ thờ từ trước. Nếu không vì chủ ý muốn đồng hóa dân bản xứ thì cũng do lòng tự tôn của họ. Đạo Giáo là sinh hoạt tín ngưỡng, khác với Đạo Gia phổ biến tư tưởng Lão Trang trong giới trí thức. Tín ngưỡng này lên mạnh trong đời Hậu Hán (25 – 220), với những đạo sĩ nổi tiếng như Trương Đạo Linh (34 – 156 Công Nguyên).
Đạo Giáo là một truyền thống thờ phượng của người Trung Hoa đã có từ đời nhà Thương, do các “phương sĩ” được coi là có “pháp thuật” chủ trì. Về sau họ biến chế triết lý của Lão Tử thành một tôn giáo phổ thông. Trong đền miếu Đạo Giáo người ta thờ những vị thần linh đặc biệt, chỉ có người Trung Hoa tin tưởng và lễ bái, như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân, và những vị thần nhỏ khác tổ chức như một triều đình. Ai cũng có thể tới đền, miếu cầu khẩn khi có những ước vọng mà họ tin rằng thần thánh có thể giúp họ toại nguyện. Một số thần thánh khác cũng được đưa thêm vào đền miếu theo nhu cầu của tín đồ, như các vị anh hùng Quan Vũ, Nhạc Phi, hoặc các vị Phật Quan Thế Âm, Di Lặc, vân vân.
Nhưng chúng ta phải ngạc nhiên khi thấy sau cả ngàn năm Bắc thuộc Đạo Giáo không phát triển được trên mảnh đất Việt Nam như đã phổ biến rất mạnh ở miền Nam Trung Quốc. Đi khắp nơi bên Trung Quốc nếu thấy khói hương mù mịt ở những nơi thờ tự, tín đồ chen chúc nhau đến vái lạy, cầu khấn, thì đa số là các Đạo Quán; còn số chùa thờ Phật rất thưa thớt. Cho tới ngày nay Đạo Giáo vẫn được sùng bái khắp Trung Quốc, nhiều hơn Phật Giáo. Ngược lại, ở Việt Nam thì phần lớn nơi thờ tự là chùa chiền; số đền miếu ít ỏi thường dành cho tín đồ gốc Trung Hoa. Nếu lập đền, miếu, thì người Việt cũng không hay thờ các vị thần gốc Trung Hoa mà lại thờ các thần thánh Việt, từ Đức Thánh Trần đến Bà Chúa Liễu Hạnh.
Đứng trước việc phổ biến Đạo Giáo của các quan lại và người Hoa di cư trong mười thế kỷ Bắc thuộc, người Việt có thể đã phản ứng bằng cách quay về thờ cúng chăm chỉ hơn các vị thần trong truyền thống của mình. Nếu thấy chưa đủ, họ tăng thêm số thần linh, đưa các anh hùng cứu quốc lên thành những vị thần. Đặc biệt là trong số các vị thần Việt có rất nhiều phụ nữ, như các cô công chúa con gái của Hùng Vương, hay các nữ tướng của Hai Bà Trưng, rồi sau này thêm các cô con gái Đức Thánh Trần, tức anh hùng Trần Quốc Tuấn. Đây cũng là một điểm khác biệt giữa văn hóa người Hán và văn hóa của người Việt Nam chung gốc với nhiều sắc dân Đông Nam Á. Đạo Giáo ở Trung Quốc không thờ nhiều nữ thần như người Việt; trong Bát Tiên Quá Hải chỉ có một phụ nữ là Hà Tiên Cô, bảy vị kia đều là đàn ông. Có khi trong các đền, miếu, Đạo quán, khi cần một hình ảnh phụ nữ người Trung Hoa thờ thêm Phật Bà.
Mật Tông phổ cập
Đạo Giáo truyền vào Việt Nam có thể đã gây một ảnh hưởng gián tiếp, là giúp cho Mật Tông trở thành một hình thức đạo Phật được phổ cập rất mạnh trong thời Bắc thuộc. Mật Tông đề cao quyền năng siêu nhiên của một số tăng sĩ. Đây có thể là một phản ứng, để người dân tin tưởng ở các pháp sư có khả năng đối chọi với các vị phù thủy theo Đạo Giáo. Trong sử, hình ảnh các nhà sư thường đi đôi với các quyền phép. Tự phả chùa Đại Thiền, thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ghi chuyện vị sư gốc Ấn Độ tên là Khâu Đà La (Kshudra). Ông đã cắm chiếc gậy xuống đất, rút gậy lên thì nước phun ra như suối, nhờ thế giúp dân làng thoát cơn hạn hán. Chuyện Quốc sư Từ Đạo Hạnh vào thời lập quốc cũng được mô tả có phép thần thông, ông sai đóng đinh lên cột gỗ rồi lấy ngón tay rút đinh ra, thách thức sứ thần Trung Quốc, để khuất phục họ.
Những chuyện về quyền năng siêu nhiên của các nhà sư khiến Giáo sư Nguyễn Đăng Thục đưa giả thuyết rằng Phật Giáo đã truyền vào nước ta cùng một lúc với Ấn Độ Giáo, còn gọi là đạo Bà La Môn. Các “tăng sĩ” chép trong sử, như ông Khâu Đà La, cũng là pháp sư Bà La Môn. Người Ấn Độ vẫn coi Phật Giáo như một ngành cải cách trong Ấn Độ giáo; cho nên một pháp sư Ấn Độ Giáo có khi cũng là tăng sĩ. Ấn Độ Giáo đã phát triển rất mạnh ở miền Đông Nam Á, gần nước ta nhất là tại các vương quốc Champa và Khmer, còn để lại các di tích nguy nga. Người Việt về sau cũng đưa ra miền Bắc mấy vị thần Ấn Độ Giáo được người Champa thờ phượng, như các nữ thần Thiên Y Na, nữ thần Po Yan Dari. Nhưng không thấy dấu vết của Ấn Độ Giáo bành trướng ở phía Bắc sông Gianh. Có lẽ vì đó là một tôn giáo xưa nay không chủ trương truyền bá ra ngoài. Mà cũng vì người Việt thời xưa chắc đã có sẵn một hệ thống các thần linh đầy đủ, đáp ứng nhu cầu thờ cúng rồi.
Trong tự phả chùa Đại Thiền câu chuyện kể bà A Man có con với Khâu Đà La. Bà cũng trở thành một vị “thánh mẫu,” được cả Cao Biền “phong thần” và các đời sau còn cúng lễ. Việc ông quan tiết độ sứ phong thần cho bà cũng là do chính sách “bảo hộ cả thần thánh” của các vua chúa đời trước! Hội rước bà Man Nương cử hành mỗi năm vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch còn tiếp tục cho đến thế kỷ 20. Qua chuyện bà A Man, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục nghĩ rằng Mật Giáo Ấn Độ (Trantism), với đặc điểm là coi trọng các nữ thần, được truyền vào nước ta cùng thời với đạo Phật. Trantism Ấn Độ Giáo đã được pha vào Mật Tông của Phật giáo nước ta, thích hợp với tập quán xã hội có sẵn của dân Việt là tôn trọng vai trò người phụ nữ.
Trong câu chuyện Khâu Đà La và Man Nương còn thêm những tình tiết cho thấy khi mới đến Phật Giáo cũng hòa nhập vào các tín ngưỡng cũ của người Việt, như tục thờ Thần Đá. Thí dụ, đứa con của Man Nương và Khâu Đà La được người cha đặt vào trong cây rồi khép lại. Đời sau vớt được cây đó từ dưới sông lên, cưa làm bốn khúc, tạc bốn pho tượng Phật, đặt tại bốn ngôi chùa, lấy tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Riêng tảng đá hóa sinh của đứa bé lấy từ thân cây ra được dựng tại chùa Pháp Vân, sau gọi là Thạch Quang Phật. Qua các chi tiết này chúng ta thấy trong những thế kỷ đầu tiên, Phật giáo vào nước ta được pha vào tín ngưỡng thờ thần cây, thần đá, cả thần sông nước, và các hiện tượng thiên nhiên mây, mưa, sấm chớp. Quá trình “địa phương hóa” Phật Giáo này giúp cho nền tảng tín ngưỡng cổ truyền của người Việt vững chắc hơn. Đạo Phật giúp dân Việt thêm sức mạnh khi phải đương đầu với làn sóng văn hóa và tín ngưỡng của Hán tộc. Trong dân gian, các ngôi chùa làng củng cố mạng lưới xã hội. Trong lớp người có học, kinh kệ giúp đời sống trí thức phát triển.