Vào đầu thế kỷ 20, trong khi đế quốc Anh còn đang cai trị cả bán đảo Ấn Độ, nhà thơ Allama Muhammad Iqbal đã thúc giục những người Hồi Giáo trên bán đảo phải tập hợp lại dựng thành một quốc gia; nếu không họ sẽ bị tan biến trong biển tín đồ Ấn Giáo. Iqbal viết: “Các dân tộc sinh ra từ trái tim của thi sĩ.” Ông kêu gọi các “đồng đạo” phải giữ lấy tâm hồn dân tộc, nếu không thì: “… các ngọn núi cũng biến thành những cọng rơm, cuốn theo cơn gió thổi.”
Hồn Dân Tộc
Trong một ngàn năm Bắc thuộc, chắc phải có những thi sĩ người Việt giống như Muhammad Iqbal. Trong hai thế kỷ đầu, thời Bà Trưng, Bà Triệu, người Việt hát những câu lục bát: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương-Người trong một nước phải thương nhau cùng;” mà Sở Cuồng Lê Dư thấy ghi trong Thế phổ đời Bà Trưng. Tình dân tộc như những ngọn lửa nhen nhúm trong trái tim từng người, dần dần kết tụ thành ý thức tập thể của một dân tộc, chờ đến lúc bùng lên.
Sử thần Lê Văn Hưu ca ngợi Hai Bà Trưng như sau: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc, xưng vương dễ như giở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi tớ người Tàu, mà không biết xấu hổ với hai người đàn bà họ Trưng.”
Ý kiến này quá khe khắt, nhưng sử gia đã nêu lên những yếu tố tâm lý quan trọng tạo thành ý thức dân tộc của người Việt: Tổ tiên chúng ta “biết xấu hổ;” không chịu “cúi đầu làm tôi tớ” cho người ngoại quốc. Trong các thế kỷ sau đó vẫn là động lực mạnh nhất thúc đẩy người Việt chiến đấu bảo vệ độc lập. Bây giờ là thế kỷ 21, dân tộc cũng có thể phục hưng nhờ “biết xấu hổ” và “không chịu cúi đầu.” Những chuyển động lớn trong xã hội Việt Nam đang biểu lộ cả hai tinh thần đó.
Lê Văn Hưu yêu nước, nhưng quá nệ vào tài liệu, sách vở, nên đã viết nặng lời. Thực ra, người Việt giành được độc lập nhờ suốt ngàn năm vẫn chiến đấu, không chịu “cúi đầu bó tay làm tôi tớ” cho người Hán.
Tại sao sử gia phê phán vội vàng như vậy? Vì người chép sử chỉ chú ý đến những biến cố được ghi lại trong sách cũ, phần lớn do người Trung Hoa viết. Các cuộc nổi loạn, cướp thành, giết quan quân đô hộ, những người xưng vương, xưng đế được người Trung Hoa ghi lại như các “nhiễu động địa phương” lẻ tẻ. Các sử gia Trung Hoa khó nhìn thấy công cuộc bảo tồn nòi giống Việt, vận động tiến tới độc lập là một công trình tập thể và lâu dài. Chuyển động chính nằm trong đời sống văn hóa. Trong làng mạc, giữa ruộng đồng, trên sông, trên biển, bao nhiêu thế hệ suốt một ngàn năm vẫn kiên trì, bền bỉ trau giồi tiếng nói, lưu truyền các sự tích, giữ gìn nếp sống và hồn tính dân Việt. Các sử gia người Hán không thể thấy những “phần mềm” chìm ẩn này.
Những chuyển động lặng lẽ, âm thầm bên trong các lũy tre làng tích lũy vào ký ức tập thể dân Việt. Những thi sĩ nông dân cất giọng hát, sáng tác tại chỗ các câu vè, rồi trong đó nẩy ra những hạt ngọc được truyền đi. Những thầy tu nêu gương đạo hạnh trong đời sống hàng ngày; nhìn vũ trụ với con mắt thản nhiên sắc không vô tướng. Rất nhiều nông dân áo vải không chịu cúi đầu làm nô lệ, có lúc uất ức quá đã đứng lên dùng gậy gộc chống lại gươm đao, khi chết đi được dân lập miếu thờ làm thần. Các cụ già nhớ chuyện cũ kể lại cho con cháu. Có người ngồi kể sự tích Lạc Long Quân với Âu Cơ, chuyện thần Kim Quy xây thành Cổ Loa, và tặng nỏ thần. Có người kể sự tích các vị tướng của Hai Bà Trưng tuẫn tiết, lập đền thờ hàng năm cúng vái. Có người hát lên những câu ca dao tưởng ngợi ca Bà Triệu. Các nghệ sĩ biến tảng đá, gốc cây thành tượng thần, tượng Phật, thờ cúng trong các miếu, các chùa. Nhiều thế hệ cùng nhau dựng lên một nếp sống văn hóa làm nền tảng xây dựng ngôi nhà dân tộc. Nền tảng văn hóa giúp dân Việt gắn bó với nhau, chia sẻ một tình tự gọi là Hồn Nước, theo nghĩa chữ “Ethos” trong tiếng Hy Lạp (iθɒs). Bao nhiêu thế hệ nuôi dưỡng một ngọn lửa âm thầm nóng đỏ, chờ ngày bùng lên.
Nền văn hóa xây ngôi nhà chính trị
Một quốc gia ra đời nhờ sự kết hợp của hai yếu tố, văn hóa và chính trị. Thiếu một trong hai điều kiện này thì quốc gia khó vững. Ernest Gellner (Conditions of Liberty: Civil Society and Its Rivals, London: Allen Lane, 1994) đã nhìn lại lịch sử các nước Châu Âu khi trình bày hiện tượng này. Khi ý thức về bản sắc dân tộc (văn hóa) đã đủ vững chắc, lại được xác định bằng một tổ chức quản lý xã hội (chính trị) phù hợp, thì lập quốc dễ dàng.
Các sắc dân ở phía Tây châu Âu nhờ những cơ duyên may mắn đã lập thành quốc gia tương đối sớm hơn các nhóm người ở giữa và phía Đông. Các dân tộc đó đã thành hình như thế nào? Bắt đầu là những hào kiệt chiếm lấy một lãnh thổ, xưng vương hiệu, sau này thành các nước Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Cương của vực các vương quốc thành hình lại trùng hợp với địa bàn sống của những nhóm dân đã chia sẻ với nhau một nền văn hóa riêng, qua nhiều đời. Nền tảng văn hóa biểu hiện trong tiếng nói, phong tục, thức ăn, quần áo, và các tập quán đặc thù. Việc lập quốc cũng không dễ dàng, còn trải qua nhiều thử thách, tranh chấp và trao đổi giữa các ông vua. Có lúc cả một vùng Aquitaine dân Pháp sống lại được đặt dưới quyền ông vua nước Anh ở một hòn đảo cách xa; sau cuộc chiến 100 năm mới trả lại cho vua nước Pháp. Các nước Hòa Lan, Bỉ thay đổi bản đồ nhiều lần, tùy theo thế lực giữa các ông vua chung quanh.
Nhưng nói chung, các nước Tây Âu hành hình nhờ cái nền nhà văn hóa và cái khung nhà chính trị đặt lên trên ăn khớp với nhau. Nền móng văn hóa của mỗi nhóm dân càng vững chắc hơn. Dân tộc và quốc gia hợp nhất. Vua Anh đã cai trị vùng Aquitaine nhưng dân ở đó vẫn sống văn hóa Pháp. Có lúc vua Pháp coi mình làm chủ cả Tây Ban Nha, đặt một người anh em lên làm vua; nhưng họ không bắt được dân địa phương dùng ngôn ngữ Pháp.
Tới khu giữa lục địa châu Âu như Đức, Ý, dân ở các vùng này đã nuôi dưỡng những nền văn hóa đặc thù, trong ngôn ngữ, phong tục, tình cảm, qua hàng ngàn năm. Nhưng họ không may mắn bằng các nước ở phía Tây, vì thiếu những sườn nhà chính trị chắc chắn lâu bền. Các đế quốc liên tiếp thay nhau chiếm đóng, người dân lúc thuộc đế quốc này, mai lại theo ông hoàng đế khác. Các vương hầu mặc cả và trao đổi với nhau xem ai được cai trị nhóm dân nào. Các định chế chính trị họ xây dựng đều tạm bợ, không đủ lâu dài. Nhưng trong lòng người dân, với một nền văn hóa có sẵn, nhu cầu tự xác định bản thể dân tộc vẫn luôn náo nức. Tới thế kỷ 19, từ 1789 đến 1830, tinh thần “cách mạng” đánh thức cả châu Âu. Họ thấy có thể thay đổi! Những nhóm dân nói tiếng Ý, nói tiếng Đức sôi sục ý chí lập quốc. Vì họ thấy rõ ràng mình đã có một nền văn hóa đáng hãnh diện mà chưa dựng lên được một cái khung nhà chính trị đúng kích thước! Nói như Ernest Gellner, đó là những “cô dâu văn hóa” đang chờ một “chàng rể chính trị” đến xin cưới! Hai trăm năm sau, sau năm 1990, các dân tộc nằm trong Liên bang Xô viết hay Liên bang Nam Tư cũng nôn nao lập quốc như vậy.
Người Đức và người Ý còn may mắn hơn các sắc dân ở phía Đông Âu châu. Bởi vì cả vùng này bị các Đế quốc Habsburg (Áo-Hung), Đế quốc Nga hay Đế quốc Ottoman chia cắt, giành giật nhau suốt lịch sử. Khi các đế quốc này suy yếu, cuối thế kỷ 19, thì số phận của họ lại tùy thuộc những cuộc mặc cả giữa các nhà ngoại giao của các “siêu cường,” những Von Metternich hoặc De Talleyrand. Đầu thế kỷ 19, các dân tộc ở Đông Âu nôn nóng đòi lập quốc. Nhưng đến năm 1867 Hungary mới được “tự trị” trong Đế quốc Habsburg; năm 1878, các nước Serbia, Romania và Montenegro mới độc lập, khi các hoàng đế Nga, Áo thắng trận thưởng công họ đã nổi lên đuổi quân đế quốc Ottoman. Mãi tới thế kỷ sau, năm 1909, mới đến lượt Bulgaria độc lập. Nhiều dân tộc ở Đông Âu độc lập chậm hơn, phải chờ đến những hội nghị quốc tế khác trong thế kỷ 20. Nhiều dân tộc còn bất hạnh hơn nữa; sau khi giành được độc lập rồi, đến giữa thế kỷ 20 lại rơi vào trong đế quốc Liên Xô; sau năm 1989 mới độc lập thật sự, dựng ngôi nhà chính trị mới trên nền tảng văn hóa cũ của mình.
Những phân tích của Ernest Gellner trên đây giúp chúng ta hiểu thêm một phần tại sao dân tộc Việt Nam vẫn còn trong khi dân các vùng bên kia biên giới đã bị đồng hóa, sáp nhập vào Trung Quốc. Tổ tiên người Việt nuôi dưỡng được một nền nhà văn hóa đủ vững; đến thế kỷ thứ 10 bắt đầu dựng lên ngôi nhà chính trị. Sau đó lại có vài thế kỷ để xây căn nhà thêm vững chắc. Gia tài văn hóa của dân Việt có sẵn từ trước; gìn giữ và bồi bổ từ hàng ngàn năm thời kỳ Đông Sơn qua thời Hán thuộc; tạo thành nền tảng cho ý thức dân tộc và ý chí tự chủ, sẵn sàng chờ ngày dựng lên một ngôi nhà chính trị của mình.
Các sắc dân láng giềng gần nhất ở phía Bắc, hoặc thiếu cơ hội xây dựng nền tảng văn hóa, hoặc không có dịp ghép nền văn hóa vào một cái khung chính trị riêng, cho nên sau cùng bị nuốt vào Trung Quốc.
Những ông vua Nam Chiếu, Đại Lý, Nam Hán, Ngô, Sở cũng từng thiết lập triều đình riêng một góc trời. Nhưng bên dưới các ngôi nhà chính trị này, dân chúng dưới quyền họ gồm nhiều nhóm, họ không chia sẻ với nhau một nền văn hóa thuần nhất. Ở một tỉnh Quảng Đông, những đợt di dân từ miền Bắc xuống, họ đi nhiều nhóm rất đông rồi quần tụ lại; nhiều tiếng nói, nhiều phong tục; quá khứ khác nhau, cả đến thức ăn cũng khác nhau. Cho nên họ chưa có ý thức một cộng đồng tưởng tượng, nuôi những niềm hy vọng chung cho tương lai. Ngôi nhà chính trị của các ông vua khó đứng vững, vì khung nhà được dựng trên nền móng chưa đủ chắc. Các ông vua không có sẵn một mối ràng buộc lâu đời với người dân; chính họ chắc cũng không có ý định tạo dựng tinh thần dân tộc, vì có thể đi ngược với quyền thống trị của họ. Họ chỉ nhắm chiếm quyền, mở rộng vùng kiểm soát; và còn nuôi tham vọng thâu tóm cả “thiên hạ.” Khi các ông vua thất trận, triều đại sụp đổ, thì những sườn nhà chính trị họ dựng lên cũng tan tành; chính người dân sống trong đó cũng không thiết tha, tiếc nuối, muốn dựng lại.
Những sắc dân Tráng (Choang), dân Tiều, dân Hẹ, dân Âu Việt, Mân Việt, dân Ngô vốn rất đông người; nhưng tại sao tự họ chưa tạo thành dân tộc đủ mạnh để giành quyền tự chủ? Có lẽ vì họ gồm nhiều sắc dân đa tạp sống chung trên cùng một vùng đất, chưa hội đủ các điều kiện địa dư và lịch sử để tạo được mối ràng buộc chặt chẽ, như người Việt ở vùng châu thổ sông Hồng và sông Mã. Nền nếp xã hội dựa trên gia tộc, bộ tộc, đề cao tình máu mủ ruột thịt, đến khi gặp biến thì khó kết hợp với nhau vì thuộc các sắc dân khác biệt. So với họ, người Việt Nam may mắn hơn, vì dân Việt tương đối đông đảo hơn và thuần nhất hơn, số di dân người Hán đến cũng ít hơn. Trong thế kỷ đầu Công Nguyên, nước ta đã có hàng triệu dân, đại đa số cùng gốc Lạc Việt. Nhiều quốc gia thành lập trong các thế kỷ 19, 20 cũng chỉ bắt đầu với dân số nhỏ như vậy thôi.
Những dân tộc ở Đông Âu cũng may mắn hơn các sắc dân phức tạp sống ở miền Nam Trung Quốc. Cả hai vùng đều bị các hoàng đế từ xa đem quân tới chiếm rồi thay nhau cai trị. Nhưng tại Đông Âu có nhiều đế quốc cạnh tranh, lên xuống, giành giật lẫn nhau. Các đế quốc Áo-Hung, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ lại khác biệt nhau về văn hóa, nhất là về tôn giáo và ngôn ngữ. Họ không đủ thời giờ để đồng hóa các sắc dân địa phương, dù có thể nuôi ý muốn.
Ở Trung Quốc thì khác. Các hoàng đế Tần, Hán tiến quân tới đâu là vừa dựng lên một khung nhà chính trị, vừa tràn ngập địa phương với nền văn hóa Hoa Hạ. Các hoàng đế vốn là “dân ăn mì” ở miển Hoa Bắc xuống thống trị “dân ăn gạo” miền Hoa Nam với một cái khung nhà chính trị thuần nhất. Lâu lâu chủ nhà thay đổi nhưng khung nhà vẫn như cũ. Các triều đại sau tiếp tục sử dụng cả hai di sản này. Sống hàng ngàn năm dưới cùng một mái nhà Hoa Hạ, các sắc dân nhỏ khó gỡ ra. Mỗi lần dựng lên một cái khung nhà mới cho riêng mình, như Đại Lý, Nam Hán, vân vân, thì chẳng bao lâu lại bị giật sập! Cùng thời gian đó, người Hán củng cố cái nền nhà bằng văn hóa của họ, vốn đã rất vững, mỗi thế kỷ lại kiên cố hơn. Văn hóa cổ truyền của các dân tộc nhỏ ngày càng yếu, trở thành thiểu số, dưới áp lực dòng chính là văn minh sông Hoàng. Các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Mãn Thanh thống nhất Trung Quốc thừa kế cả nền tảng văn hóa lẫn khung nhà chính trị được dựng lên từ đời Hán, đời Đường. Khi nhà Thanh sụp đổ, thì ván đã đóng thuyền tất cả, một quốc gia mới chính thức ra đời trùm lên cả lục địa; trong đó mọi người tự nhận họ là dân Trung Quốc.
Trong hai ngàn năm đó nền văn hóa riêng của người Việt vẫn được gìn giữ và bồi đắp thêm. Dựa trên nếp sống có nguồn gốc vùng Đông Nam Á lại được văn minh Ấn Độ tiếp sức, tổ tiên chúng ta đã thoát khỏi làn sóng Hán hóa nhờ bền chí và cũng nhờ may mắn. Thế kỷ thứ mười, cô dâu văn hóa Việt Nam thành hôn với chú rể là quốc gia Đại Cồ Việt! Cô dâu bừng tỉnh dậy sau giấc ngủ trằn trọc một ngàn năm. Giống như thi sĩ thức dậy trong trại tù nhìn thấy: “Mặt trời hồng như trăng-Thức lòng ta buổi sớm-Gió mát thổi rộn ràng-Gọi nghe biển dậy sóng.” Và cô dâu đã hát như Thanh Tâm Tuyền: “Vang vang trời vào Xuân-Ta bật kêu mừng rỡ-Tim ta đã cháy đỏ-Rực sáng ánh trăng ngần!”
Trái tim của dân tộc vẫn cháy đỏ suốt một ngàn năm chờ tới ngày được chàng Sơn Tinh tới “Đưa nàng về dinh.” Nhưng khi “mẹ đón cha về, duyên thề chắp nối” thì cô dâu văn hóa Việt Nam cũng đã lớn lên, khác hẳn hình ảnh thời nước Văn Lang cũ. Ở thế kỷ thứ 10, dân tộc đã học hỏi, tiếp nhận thêm từ văn minh Ấn Độ, Trung Hoa, nền tảng càng thêm vững chắc.
Một sức mạnh giúp dân tộc Việt tồn tại và phát triển là tinh thần cởi mở, sẵn sàng đón nhận cách sống mới mà không mang mặc cảm kỳ thị. Tinh thần bao dung, cởi mở và tò mò học hỏi giúp các dân tộc mạnh hơn. Người Việt không ghét bỏ, không từ chối những điều đáng học hỏi. Trần Thái Tông đã nêu tấm gương đó. Khi Trần Quốc Tuấn khích lệ tướng sĩ, ông đã nêu các tấm gương trong sử ký Trung Hoa. Khi Nguyễn Trãi hạch tội quân Minh, ông nhân danh đạo lý Nho Giáo. Văn hóa một dân tộc cũng giống một dòng sông được rất nhiều phụ lưu từ bao nhiêu nguồn suối đổ vào. Các nền văn hóa rực rỡ và lâu bền nhất không tự sinh, tự phát mà cũng không đóng băng, đứng yên tại chỗ, trừ khi đã chết, chỉ còn là những phế tích trong viện bảo tàng. Văn hóa Việt Nam là một thực thể sinh động, đã thành hình liên tục suốt mấy ngàn năm, và còn chuyển hóa, biến thái không ngừng.
Không thể nói có MỘT nguyên nhân nào đã khiến dân Việt Nam đứng vững sau bao nhiêu thế kỷ như vậy. Tìm hiểu các yếu tố hỗ trợ cho tinh thần độc lập của người Việt, chúng ta chỉ cố gắng để hiểu hơn một chút nhưng không thể tham lam đi tìm một căn nguyên giải thích tất cả hiện tượng này với những tương quan nhân quả như trong một bộ máy đồng hồ.
Nếu muốn nêu lên một nguyên nhân lớn nhất, động cơ mạnh nhất thúc đẩy người Việt giữ gìn độc lập đối với Hán tộc, thì chúng ta chỉ có thể nói, như dân mình vẫn quen nói từ mấy ngàn năm nay: Nhờ Phúc Ấm của Tổ Tiên!
Lý do khiến dân Việt Nam vẫn giữ được một quốc gia độc lập, là vì tổ tiên mình, không ai bảo ai đã quyết định như vậy. Nói như Lê Văn Hưu, vì tổ tiên chúng ta “biết xấu hổ” và “không chịu cúi đầu.” Người Việt nào cũng cảm thấy như Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô Đại Cáo: “Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ nên được như thế!” (Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tương âm hựu, nhi trí nhiên dã; 是由天地祖宗之靈有以默相陰佑而致然也). Trong huyết quản chúng ta dòng máu nóng của ông cha ngàn năm trước vẫn cồn cào chuyển động. Thi sĩ Hữu Loan sống cảm giác đó khi đứng trên Đèo Cả (tên một bài thơ): “Máu thiêng sôi dào dạt-Từ nguồn thiêng-Ông Cha.”
Chính tổ tiên, trong hai ngàn năm qua, đã quyết định nước mình không thể biến mất, dân mình không chịu an phận làm dân Trung Hoa. Không một cá nhân hay một nhóm người nào quyết định; đây là một lựa chọn tự nhiên, không cần ai thuyết phục ai. Trong những cuộc nổi dậy thời Bắc thuộc, người Việt Nam sẵn sàng hy sinh đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi nước mình. Nguyện vọng lớn nhất của họ là gì? Họ muốn con cháu mình, các thế hệ sau mình vẫn còn là người Việt, không thành người Hán! Sau này khi ông vua mời các phụ lão tới họp Hội Nghị Diên Hồng thì chắc mục đích cũng không phải để hỏi ý kiến dân trước khi quyết định chiến hay hòa. Ông vua chỉ muốn nhìn thấy mặt các cụ để yên lòng, biết rằng toàn dân thống nhất ý chí giữ nền độc lập. Ý thức “biết xấu hổ” và “không chịu cúi đầu” có thể khơi động cuộc phục hưng nước Việt Nam bây giờ.
Phục hưng bắt đầu từ văn hóa
Trong thời gian cuốn sách này đang thành hình, người Việt Nam ở trong và ngoài nước đang tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi quần đảo Hoàng Sa và các các thuộc Trường Sa đã bị Trung Quốc chiếm. Trong không khí sôi nổi, nhiều người tỏ ý lo mình có thể “mất nước!”
Phải tin rằng nước Việt không bao giờ mất được. Ngàn năm thời Bắc thuộc đã không mất thì ngàn năm tới chắc chắn sẽ không mất. Hiện nay, bên cạnh nước Việt Nam cũng không phải chỉ có Trung Quốc là cường quốc duy nhất, như thời Bà Trưng, Lý Bôn hay Ngô Quyền.
Điều đáng lo lắng không phải chỉ là mình còn được độc lập hay không; mà nên lo nước mình chậm tiến quá, trong khi những nước chung quanh, kể cả Trung Quốc, đang cố tiến rất nhanh. Đáng lo là dù nước mình vẫn còn nhưng dân mình không đuổi kịp các nước trên thế giới về kinh tế, chính trị và cả văn hóa. Tổ tiên chúng ta giành lấy độc lập không phải để con cháu sau này chịu sống mãi như một nước nghèo hèn. Nếu biết xấu hổ, người Việt Nam không thể cúi đầu chịu nhục như vậy.
Nước Việt Nam cần được phục hưng. Cần làm sao cho dân mình đủ ăn đủ mặc, được học hành, được sống tự do, và nền đạo lý trong xã hội không suy đồi hơn nữa. Để nước mình có thể đứng ngang hàng với các nước vùng Á Đông đã phát triển!
Nói đến phát triển, người ta thường chỉ nghĩ đến việc cải tổ cơ cấu và thi hành các chính sách kinh tế hiệu quả hơn. Nhưng khi nhìn lại một ngàn năm dựng nước, chúng ta còn thấy yếu tố văn hóa quan trọng hơn cả. Muốn phát triển, mỗi dân tộc cần một nền tảng tinh thần, mọi người tin tưởng lẫn nhau và tự tin vào vận mệnh chung.
Phân tích quá trình “Phát triển ở Thế giới Thứ Ba” (Third-World Development, 1989), Giáo sư Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh “phục hưng văn hóa” là “nhu cầu tuyệt đối” để các nước “còn nghèo” mở cánh cửa phát triển. Muốn tiến bộ về kinh tế, phải xây dựng được một định chế chính trị cho dân chúng thấy đáng tin cậy. Nhờ lòng tin vào tương lai, nhờ biết luật pháp công minh, ai cố sức làm thì được hưởng, người ta sẽ nỗ lực làm việc. Một định chế chính trị được dân tin phải dựa trên một nền tảng tinh thần. Nguyễn Quốc Trị khẳng định, “Không một xã hội nào có thể tồn tại nếu thiếu một nền tảng tinh thần.” Những nước như Nam Hàn và Singapore thành công trong quá trình phát triển nhờ có những chính quyền biết phục hưng văn hóa, làm sống lại các giá trị tinh thần truyền thống làm quy tắc ăn ở với nhau, và điều hợp với những giá trị mới tiếp thụ từ phương Tây. Nhờ nền nhà văn hóa đó, các định chế chính trị, kinh tế mới vững chắc.
Nguyễn Quốc Trị thấy một lý do chính khiến nhiều quốc gia nghèo đã thất bại không phát triển kinh tế, là tình trạng tinh thần của cả xã hội suy yếu: Người dân không tin vào guồng máy cai trị, và cũng không còn tin tưởng lẫn nhau. Niềm tin mất vì các giá trị nền tảng cũ đã tàn, mà những giá trị mới chưa thành hình để lấp vào khoảng trống đó.
Nền nếp đạo lý cũ không những bị bỏ rơi, mà có khi còn bị thù ghét, hô hào xóa bỏ. Hậu quả là chất keo văn hóa từng gắn bó mọi người trong một mạng lưới, bao gồm các quyền lợi và nghĩa vụ vẫn được mọi người công nhận trong quá khứ, nay đã biến mất. Những cái xấu vẫn bị nền đạo lý cũ kiềm chế nay được thả lỏng, có cơ hội nẩy sinh mạnh hơn. Trong khi đó, người ta chưa cố gắng xây dựng nền nếp đạo lý mới phù hợp với kinh tế thị trường. Những giá trị trong thế giới ngày nay đã thành hình nhờ thể chế dân chủ: Tôn trọng luật pháp; tôn trọng các ý kiến bất đồng; công việc của người cầm quyền phải minh bạch, công khai; phải tránh xung khắc giữa quyền lợi công và tư. Đó là nếp sống, là nền tảng văn hóa của các xã hội dân chủ đã ra đời và chuyển biến, cải thiện liên tục cùng với kinh tế tư bản ở Âu châu. Các tập quán chung của xã hội và định chế chính trị lần lượt được đặt ra để ngăn ngừa không cho kinh tế tư bản chi phối tất cả đời sống xã hội.
Kinh tế có thể thay đổi rất nhanh, còn nếp sống văn hóa thì chuyển hóa chậm hơn. Các nước Âu Mỹ đã mất mấy thế kỷ tạo nên lối sống dân chủ của họ hiện nay.
Khi bắt đầu thay đổi kinh tế, vì nền tảng văn hóa cũ đã mất, văn hóa mới chưa thành, nên người ta bị lôi cuốn vào những tệ nạn vẫn đi kèm theo kinh tế tư bản lúc khi chưa được thuần hóa. Kinh tế tiến lên vì mọi người tìm lợi lộc, động cơ thúc đẩy là kích thích lòng tham. Nếu không có ý thức đề phòng, thì dần dần công việc kiếm tiền tự nó trở thành một giá trị áp đảo. Người có tiền được xã hội kính trọng, tư lợi trở thành mục tiêu của đời sống. Những giá trị đạo đức cổ truyền trước kia vẫn dùng để kiềm chế lòng tham và óc vị kỷ bị quên dần, vì ai cũng chỉ lo kiếm tiền. Khi nhìn lên, người dân thấy giới quyền quý, giầu sang không theo những quy tắc đạo lý cổ truyền nữa, chỉ thấy tham nhũng, đầu cơ, vì luật lệ kinh tế chưa minh bạch.
Trong buổi giao thời, xã hội chưa tạo được và chưa đủ thời giờ tập luyện những thói quen mới, như tôn trọng luật pháp, tránh quyền lợi công và tư xung khắc, và chấp nhận những ý kiến bất đồng. Những người cầm quyền biết họ không được dân tin, phải dùng bạo lực đe dọa, hoặc dùng lợi lộc mua chuộc để bảo vệ quyền hành.
Dần dần không mấy ai còn tin một trật tự tinh thần để chia sẻ với nhau. Niềm tin chung đã mất, chất keo gắn liền xã hội đã tan rã. Như Mạnh Tử mô tả, khi người trên không có đạo lý nào để theo, người dưới không có luật lệ nào ràng buộc (thượng vô đạo quỹ, hạ vô pháp thủ), thì một quốc gia khó tồn tại được.
Khoảng trống tinh thần này đưa tới tình trạng phi luân (anomie). Không còn tin có các quy tắc luân lý, người dân chỉ biết sợ bạo lực, ai cũng chỉ lo cho mình và gia đình mình, thụ động và thờ ơ đối với xã hội chung quanh. Không nhìn đâu thấy người thực sự lo cho công ích, mà cũng không hy vọng mình có thể làm gì để xây dựng công ích. Bản hợp đồng xã hội truyền thống bị xóa mất.
Tình trạng văn hóa trống rỗng là lý do khiến nhiều nước nghèo trong thế giới thứ ba thất bại trên con đường phát triển. Những nước Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore đã cố bảo vệ hệ thống các giá trị luân lý cổ truyền ngay lúc mới bước vào đường phát triển kinh tế; cho nên họ đã thành công.
Muốn phát triển trong thế kỷ 21 này cần xây dựng lại một niềm tin, một niềm hy vọng chung cho cả dân tộc. Chỉ khi được tự do hội họp, tự do phát biểu, chúng ta mới có cơ hội cùng tham dự một phong trào phục hưng tinh thần như vậy. Chế độ dân chủ tự do không bảo đảm sẽ xây dựng nên tín nhiệm xã hội. Các chế độ độc tài thường gian trá, chắc chắn sẽ làm mất niềm tin tưởng, đưa tới tình trạng phi luân lý. Khi đuợc sống tự do dân chủ mọi người biết mình phải tôn trọng luật pháp. Tập dần dần thành thói quen, nhìn người khác có thể tin rằng họ cũng tôn trọng luật pháp như mình. Như Schelling viết: “Tôi có thể tin anh nếu biết tôi có thể kiện anh ra tòa.” Biết có thể tin vào luật pháp, miềm tín nhiệm chung sẽ tự nhiên nẩy nở.
Ta về cho kịp độ xuân sang
Một trăm năm trước, Phan Châu Trinh đã nhìn thấy điều mà Nguyễn Quốc Trị mới nêu ra năm 1988: Phục hưng dân tộc phải bắt đầu từ văn hóa. Phong trào Duy Tân phát động ở Quảng Nam nêu lên ba khẩu hiệu: “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh.” Văn hóa (dân khí, dân trí) quan trọng nhất. Phải xây dựng lại niềm tin ở chính mình, phải nâng cao trình độ hiểu biết của người dân. Kinh tế (hậu dân sinh) sẽ đến sau. Những mục tiêu này bây giờ còn cần thiết hơn một trăm năm trước.
Nhiều người bi quan nhận xét dân mình đánh mất cái thói quen biết hổ thẹn; cũng không còn cái khả năng biết nổi giận trước cái xấu và cái ác diễn ra trước mắt. Mỗi cá nhân vẫn nổi giận khi bị người khác đi xe lấn đường, cũng biết hổ thẹn khi mặc cái quần rách. Nhưng đối với nhiều chuyện lớn, với những điều đáng xấu hổ chung thì lại bỏ qua dễ dàng. Hoàn toàn lãnh cảm trước cảnh những đồng bào oan khuất kéo nhau đi kêu cứu. Lãnh đạm trước cảnh các em bé đi học mà đói xanh xao vì thiếu ăn, trước cảnh các trẻ em năm, mười tuổi không được đi học vì cha mẹ không đủ tiền nộp cho các trường công lập. Chắc chúng ta phải nhìn nhau tự hỏi: Cái gì gây ra tính lãnh đạm tập thể này? Ông bà mình ngày xưa có thờ ơ như thế hay không?
Nếu chúng ta không nghĩ mình đã may mắn sinh ra ở nước Việt Nam, thì ít nhất cũng phải ước mong con cháu sau này sẽ có người, có lúc cao hứng thốt lên: May mắn thay, sinh làm người Việt Nam! Nghĩ đến tổ tiên, phải thấy đó là một bổn phận.
Có thể bắt chước Tú Xương mà chúc Tết cả nước ăn ở với nhau “Sao được cho ra cái giống người!” Sống làm sao cho ra con người có phẩm giá. Thực hành điều ước nguyện của Tú Xương cũng không khó lắm. Chỉ cần sống bình thường với những quy tắc mà tổ tiên vẫn dậy: Lá lành đùm lá rách. Đói cho sạch, rách cho thơm. Hoặc những quy tắc mà loài người ở khắp nơi đang tập cho nhau: Tôn trọng người hàng xóm của mình. Coi mọi người đều bình đẳng.
Cuốn sách hướng dẫn nhập quốc tịch Australia nhấn mạnh đến một đặc điểm của nước Úc là “xã hội công bằng.” Quy tắc “công bình” được giải thích là ở nước Úc ai có khả năng và cố gắng làm việc thì đời sống sẽ khá hơn, mà không cần phải cha mẹ giầu có hoặc gia đình quyền thế. Việc thực hiện quy tắc này tùy thuộc cách tổ chức chính quyền, hệ thống giáo dục, tư pháp, luật lệ kinh tế, sao cho mọi người có cơ hội tiến thủ như nhau.
Nhưng cũng không phải chờ đợi sau khi cả xã hội thi hành các quy tắc lớn như vậy thì mới có thể sống tử tế. Cứ tử tế với nhau ngay trong đời sống, trong cách cư xử với xóm giềng, ngay với những khách qua đường không quen biết. Văn hóa thuần mỹ thể hiện trong các hành vi nho nhỏ, không cần các khẩu hiệu lớn lao và trừu tượng. Trong cuốn sách chỉ dẫn về nhập quốc tịch, chính phủ Anh quốc dặn dò các công dân mới một điều: “Nhớ giữ cho cái vườn nhà mình sạch sẽ đàng hoàng; đến ngày đổ rác thì nhớ đem thùng rác hay túi rác ra đường, mà chỉ để ở chỗ dành riêng cho rác, và không đem ra quá sớm trước giờ ấn định.” Những hành vi nho nhỏ đó, khi trở thành thói quen hàng ngày, sẽ tạo nên một xã hội tử tế.
Người Việt Nam có thể sống tử tế với nhau, ngay bây giờ. Mỗi người cứ sống cho tử tế, rồi người khác sẽ theo. Dù thấy còn có người không tử tế, mình vẫn giữ tư cách con người tử tế. Phục hồi một nếp sống thuần hậu, ngay thẳng, chánh trực; sống lại các giá trị đạo lý mà Chu An, Nguyễn Đình Chiểu; Phan Châu Trinh đã sống. Chúng ta sẽ trở về ngôi nhà cũ của tổ tiên; đứng trước bàn thờ sẽ khấn khứa, xin nguyện cố gắng giúp các thế hệ sắp tới có thể nói: May mắn thay, sinh làm người Việt Nam, như Ngô Thời Nhiệm hơn 200 năm trước đã nói!
Ý thức dân tộc cháy đỏ một ngàn năm đã giúp người Việt Nam không bị xiêu bạt mất hồn tính, không bị cuốn chìm vào biển người Trung Hoa. Chúng ta vững lòng tin tưởng ở tương lai, vì người Việt Nam vẫn sống trong Nguồn Thiêng Ông Cha như Hữu Loan còn thấy dạt dào trong máu.
Vào thế kỷ thứ mười, tổ tiên chúng ta đã rộn ràng chờ mùa xuân lập quốc. Giờ đây, dân tộc cũng đang chuyển mình, lòng náo nức như một thi sĩ sắp được về nhà sau “mười năm mặt sạm soi khe nước-ta hóa thân thành vượn cổ sơ.” Trong lòng thi sĩ nghe thấy: “Tiếng biển lời rừng nao nức giục-Ta về cho kịp độ xuân sang” (Ta Về, Tô Thùy Yên). Ngày về sắp đến rồi. Cái gì tới chỗ cùng cực, sẽ phải thay đổi. Một dân tộc đang rạo rực chờ mùa Xuân trở lại.
[button color=”orange” size=”medium” link=”https://thuvienphatviet.com/chan-van-do-quy-toan-dung-vung-khong-khuyu-chan/” icon=”” target=”true”]Về trang mục lục[/button]