40. NIỆM & CHÁNH NIỆM
Niệm (smṛti; sati; 念; mindfulness) là một trạng thái tâm, tức tâm sở. Một đặc điểm của tâm sở là chỉ sinh khởi khi có CẢNH, là đối tượng làm sở duyên hay cái được vin níu. Vì thế luận Câu-xá định nghĩa: Niệm là sự không bị mơ hồ đối với cảnh được tâm nắm bắt, giúp tâm không quên cảnh.
Vì là một tâm sở cho nên tất cả phàm phu, không kể Phật tử hay không phải Phật tử, đều có loại công năng này. Với một đồ tể chẳng hạn, thì cảnh là con vật trước mặt đang chờ giết mổ hoặc đang bị giết mổ. Nếu người đồ tể không bị mơ hồ, tức biết rõ trước mắt mình là một con bò chứ không phải một con gà; đồng thời không quên rằng đó là con bò đang chờ mình giết mổ, thì người đồ tể đó được xem là có Niệm. Nhờ có Niệm nên các thao tác giết mổ đạt được độ chính xác cao, đồng thời tiết kiệm được nhiều thời gian. Vào các thập niên giữa thế kỷ trước, Nhật-bản đã ứng dụng nguyên lý này vào lãnh vực sản xuất. Kết quả là nền công nghiệp đã đạt được năng suất cao chưa từng thấy; nhưng cuối cùng Nhật-bản đã phải hủy bỏ phương pháp này vì tỷ lệ tự tử của công nhân khi về nhà càng ngày càng cao do áp lực công việc.
Với một Phật tử đang thực hành Thân niệm xứ chẳng hạn, thì cảnh chính là sắc thân của mình chứ không phải của người khác; đồng thời người này biết rõ sắc thân mình chính là cảnh đang được quán sát chứ không phải là thọ, hay, tâm, hay pháp; vì thế Thánh điển mới dạy là “quán thân trên thân”. Trong trường hợp này, PG gọi là có “chánh niệm” (right mindfulness); nhưng trong trường hợp đầu thì chỉ có “niệm” (mindfulness).
Đức Phật dạy về Đạo đế là con đường giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau của luân hồi sinh tử. Để hỗ trợ cho người tu trên con đường này, ngài thiết định 37 pháp; trong đó có 8 pháp đều có hình dung từ “chánh” (samyak; samma; right) đi kèm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, CHÁNH NIỆM, chánh định. Sở dĩ phải thêm chữ “chánh” là để phân biệt với các công năng bình thường của phàm phu. Vì thế khi tám pháp này hợp lại để tạo thành con đường tu tập thì có tên là “āryamārga” (thánh đạo, noble path), hay “āryāṣṭāṅgamārga” (thánh đạo tám chi; the eightfold noble path).
Trong kinh Brahmajāla, đức Phật dạy có ngoại đạo nhập định đến cả ngàn năm nhưng vẫn không giải thoát, vì đó chỉ là định chứ không phải chánh định. Với các chi còn lại cũng thế, nếu hành động chỉ để nhằm thỏa mãn các tìm kiếm an lạc nhất thời chứ không đưa đến giải thoát sinh tử luân hồi thì đó không phải là “chánh nghiệp” mà chỉ là nghiệp của phàm phu; nếu niệm mà chỉ giúp tâm trí tập trung để tăng năng suất làm việc hay sở đắc các cảm thọ an lạc nhất thời thì đó chỉ là “niệm” (mindfulness) của phàm phu chứ không phải “chánh niệm” (right mindfulness) của người tu tập.
41. NIỀM TIN TRONG PHẬT PHÁP
Khi được người dân Kalama hỏi làm thế nào để biết được Pháp nào đúng Pháp nào không đúng, đức Phật dạy rằng hãy tự mình thực chứng chứ đừng dựa vào bất kỳ chuẩn mực nào nằm ở ngoài. Từ đó, người ta thường cho rằng tu học trong PG là “không nên tin vào bất cứ điều gì khi tự thân chưa kiểm chứng được.”
Tuy nhiên, trong một bối cảnh khác, đức Phật lại dạy rằng hãy tin vào giác ngộ của ngài cũng như mười phẩm tính của một vị Toàn giác là Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Trước lời dạy này, chúng ta phải làm thế nào? Có ai trong chúng ta có thể thực chứng tất cả những điều trên? Và nếu chưa thực chứng thì chúng ta có tin đức Phật là bậc Toàn giác, là Thầy của chư thiên và loài người, v.v.? Chắc chắn là tất cả những ai đã quy y Tam Bảo đều tin những điều trên, bởi vì nếu không tin thì chúng ta nương tựa vào Phật-Pháp-Tăng để làm gì!
Thế nhưng, nếu tin thì chúng ta có đi ngược lại với những gì ngài đã dạy cho dân chúng Kalama ở thành Kesaputta không? — Chẳng ngược lại gì cả. Nếu có cái gì đó gọi là mâu thuẫn, phi lý, nghịch lý giữa hai lời dạy của cùng bậc Giác ngộ thì đó hoàn toàn là sản phẩm từ đầu óc nhị nguyên của chúng ta chứ tự thân Phật pháp thì luôn luôn hoàn chỉnh ở đầu, ở giữa, và ở cuối. Chúng ta đọc kinh Kalama, chúng ta rút ra lời dạy của đức Phật làm kết luận cuối cùng “đừng tin nếu chưa thực chứng” như trên. Chúng ta đeo bám kết luận này làm nền tảng chánh lý “của ta”; và từ đó thản nhiên phê phán tất cả những gì không đúng với nền tảng này là “sai”, là “tà pháp”, là “ngoại giáo”, là “phi phật thuyết”, v.v., mà không hề biết rằng cái của ta chẳng phải là chánh pháp gì cả.
Nếu đọc kỹ bản kinh trên chúng ta sẽ thấy một sự thật rất hiển nhiên: những pháp mà đức Phật khuyên người dân Kalama “đừng vội tin trước khi thực chứng” không còn là Pháp được ngài tuyên thuyết nữa, mà đã trở thành loại pháp được các sa-môn và bà-la-môn sử dụng để tranh giành ảnh hưởng cũng như vật phẩm cúng dường từ dân chúng thành Kesaputta. Với loại “pháp” không do ngài trực tiếp nói ra, mà chỉ được những con người như thế lan truyền thì không thể tin nếu tự thân mình chưa thực chứng giá trị của nó. Vì thế, chúng ta không thể tùy tiện lấy kết luận đó làm thành chuẩn mực tu tập mang tính phổ quát trong PG được.
Tín tâm trong PG không hời hợt, nông cạn như những gì thế gian gọi là “niềm tin”, mà là một thiện căn được tô bồi qua nhiều đời nhiều kiếp. Ngày nay, nếu ai trong chúng ta có thể niệm lên một danh hiệu Phật mà thấy hoan hỷ, thân quen, thì phải biết rằng đó không phải là thành quả chỉ trong một sớm một chiều mà có được.
42. TẠO NGHIỆP
Tư (思) được dịch nghĩa từ chữ Phạn “cetanā”. Tư là ý chí, ý định, quyết định, quyết tâm, cơ tâm (intention, volition, stimulus). Luận Câu-xá chia tiến trình sinh khởi và vận hành của tâm sở này thành 2 giai đoạn: thẩm quyết & phát động.
(i) Thẩm quyết tư là thẩm lự và quyết định. Khi chúng ta suy nghĩ và rồi quyết định sẽ nói hay làm một điều gì đó thì PG gọi hành động này là “nghiệp” (karma; action). Vì hành động này xảy ra trong tâm chứ chưa phát lộ ra ngoài nên còn gọi là “ý nghiệp”.
(ii) Phát động tư: sau khi ý nghiệp đã hình thành, tức đã quyết định như thế như thế, thì chính quyết định này sẽ dẫn phát 2 hành động kế tiếp là “ngữ nghiệp” và “thân nghiệp”.
Như vậy, xét theo tiến trình vận hành thì chúng ta có trình tự:
Ý nghiệp → Ngữ nghiệp/Thân nghiệp/Ngữ-Thân nghiệp.
Tuy nhiên, hành động thuộc ý thì khó nhận biết hơn các hành động thuộc ngữ và thân, cho nên Thánh điển có khi dựa vào Tướng của nghiệp để nói là “thân-ngữ-ý”. Chúng ta cần minh định rõ ràng điều này để tránh những sai lầm không đáng có trong tu tập.
XỬ LÝ TƯ: Khi biết được tư là nguồn gốc của nghiệp, hoặc “tư chính là nghiệp” như đức Phật đã dạy, thì chúng ta, nếu muốn giải quyết vấn đề tạo nghiệp, phải học cách xử lý tư trước. Theo PG, không có một hiện tượng nào tự nó sinh khởi, mà luôn luôn sinh khởi dựa vào nhân duyên. Theo các phân tích trong văn học A-tì-đàm (Abhidharma) nói chung thì những suy nghĩ và quyết định của chúng ta thường sinh khởi từ các nhân-duyên sau:
– Thức: Chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, ngửi, nếm, xúc chạm, biết về cái gì đó nên mới suy nghĩ và quyết định như thế như thế.
– Thọ: Khi nhìn thấy, …, như thế thì 1 trong 3 loại cảm thọ là khổ, lạc, hoặc không-khổ-không-lạc sinh khởi. Vì sự sinh khởi của các cảm thọ như thế nên dẫn phát Tư sinh khởi như thế.
– Tưởng: Khi chỉ nhận biết các cảnh qua tướng trạng, chứ không phải thực thể, của chúng thì chúng ta gán lên chúng các phẩm tính chúng vốn không có. Vì tưởng rằng cảnh có những giá trị như thế như thế nên khởi Tư như thế như thế.
– Tâm hành: Tư khởi là do các tâm sở bất thiện như tham, sân, si, v.v.; hoặc các tâm sở thiện như vô tham, vô sân, vô si, v.v.
Trên đây là tất cả các nhân-duyên dẫn đến sự sinh khởi của tư. Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ tránh được những phát biểu ngu xuẩn về tu tập, đại loại như “Phật dạy tư là nghiệp, vì thế tôi chỉ cần điều phục tư là đủ; bày đặt học hành cho nhiều thứ, lắm chuyện!”, vân vân và vân vân.
TU TẬP OAI NGHI: Bốn Nhiếp Pháp là các pháp giúp người học thanh tịnh thân tâm. Từ chỗ nhờ thân tâm thanh tịnh mà trở thành biểu tượng của Pháp, đồng thời có thể làm nơi nương tựa cho những người chưa học. Vì thế, làm cho người chưa học mất niềm tin vào Pháp là một trong các nghiệp đại bất thiện trong PG. Trong bốn pháp này, “ái ngữ” thuộc ngữ nghiệp, tức hành động thiện thuộc về ngôn ngữ. Vì là ngữ nghiệp cho nên ái ngữ lưu xuất từ tâm từ bi. Tâm từ bi là loại tâm hướng đến người khác, tất cả đều vì niềm vui và nỗi buồn của người khác. Vì thế, muốn tu tập ái ngữ thì phải tu tập từ bi trước. Nếu chỉ tập trung vào rèn luyện thanh âm và ngôn ngữ thế gian mà bỏ qua nền tảng từ bi thì lúc đó “ái ngữ” trở thành “ý ngữ”. Ý ngữ (綺語) là một thuật ngữ của PG Trung Hoa, dùng để chỉ cho những lời nói thêu dệt, đường mật, nhẹ nhàng, êm ái, mê hoặc lòng người. Trong PG không có loại ngôn ngữ này mà chỉ có “sư tử hống” hoặc tương tợ thế, như “hét” (và “gậy”) trong Thiền tông (Zen). Vì thế, khi tu tập oai nghi chúng ta phải thật cẩn trọng về điều này. Chúng ta sinh vào thời không có Phật nên số lượng tà sư “nhiều như cát sông Hằng”. Là phàm phu, chúng ta không thể phân biệt chính xác đâu là tà đâu là chính. Vì thế, cách duy nhất để tránh tạo ác nghiệp là trước khi nói hay làm, chúng ta hãy tự hỏi mình
“ĐỂ LÀM GÌ?”
Nếu biết rằng “nói và làm” của chúng ta đều từ tâm từ bi mà lưu xuất thì chắc chắn mọi hành động thường nhật của chúng ta không bao giờ bị rơi vào ác nghiệp.
43. KIẾN & CHÁNH KIẾN
Hôm trước, khi bàn đến thành ngữ “như thực tri kiến”, tôi có trích dẫn một lời dạy của đức Phật được bảo lưu trong Thánh điển Pali: “Tất cả đều có” là một cực đoan; “tất cả đều không có” là một cực đoan khác. Lời dạy này còn được bảo lưu trong Thánh điển A-hàm chữ Hán. Không chỉ thế, lời dạy này còn được ngài Quán Thế Âm trích dẫn khi nói chuyện với ngài Xá-lợi-phất: “bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”. Không chỉ thế, vào thế kỷ thứ II, cũng tại Ấn-độ, lời dạy này đã được ngài Long Thọ khai triển thành 4 cặp phạm trù đối đãi: Bất sinh bất diệt, bất đoạn bất thường, bất nhất bất dị, bất khứ bất lai.
Lời dạy của ngài rõ ràng là thế, và được chư Tổ giải thích rõ ràng như thế; tuy nhiên, vẫn có bạn thắc mắc, đại khái là “tại sao Phật lại dạy như thế; cái gì có là có, cái gì không là không; sao lại nói là ‘không phải có’ cũng ‘không phải không’.”
Hôm nay chúng ta sẽ khảo sát một lần nữa vấn đề này. Nhưng tôi xin nói trước là khả năng tôi có hạn. Nếu sau khi tôi trình bày mà các bạn vẫn thấy không thỏa mãn thì hãy đi hỏi người khác.
Chúng ta hãy hình dung trên nền nhà một xưởng chế tạo xe hơi là một đống ngổn ngang các thiết bị, động cơ, v.v. được rã ra từ một chiếc xe. Vì tận mắt chứng kiến không có một chiếc xe nào cả nên chúng ta kết luận “không có chiếc xe”. Và chúng ta cho rằng đã nhìn thấy đúng thực tại “như nó là”.
Sau khi được các người thợ lắp ráp các thiết bị, động cơ, v.v., lại với nhau thì chúng ta nhìn thấy một chiếc xe, chứ không phải là đống phụ tùng các thứ nữa; và chúng ta kết luận “có chiếc xe”. Một lần nữa chúng ta lại cho rằng đã nhìn đúng thực tại “như nó là”.
Trên đây là cái nhìn của phàm phu chúng ta; và chúng ta tin rằng chúng ta đã có cái nhìn đúng hay “chánh kiến” (nhớ là chánh kiến trong nháy nháy).
Bây giờ chúng ta đọc lại thật kỹ lời dạy của đức Phật một lần nữa:
(i) “Kaccāna, những ai thật sự nhìn thấy sự HỦY DIỆT của thế giới bằng cái biết như thực thì thế giới này không phải là CÓ.”
– “những ai” không nhằm chỉ cho hạng phàm phu vô minh, ngu muội, cuồng ngạo như chúng ta, mà để chỉ cho những ai
– “nhìn thấy bằng cái biết như thực”: cái biết như thực là cái biết không còn bị phiền não và vô minh che lấp của một bậc giác ngộ;
– “nhìn thấy sự hủy diệt”: ngay trong hình tướng được phàm phu chúng ta cho là “có” đó thì bậc giác ngộ đã nhìn thấy sự hủy diệt của nó. Vì thế mà đức Phật đã dạy trong kinh Kim Cang: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”.
Như vậy, chỉ các bậc giác ngộ mới có thể nhìn thấy “thế giới này không có”. Tuy nhiên, đây vẫn không phải là Chánh kiến. Nếu đeo bám vào cái nhìn như thế để cho là thế giới “không có” thì lại rơi vào vô minh. Bởi vì
(ii) “Kaccāna, những ai nhìn thấy sự TẬP KHỞI của thế giới bằng cái biết như thực thì thế giới này không phải là KHÔNG CÓ.” (Với lời dạy này các bạn có thể tư duy độc lập bằng cách đối chiếu với lời dạy trên).
Và rồi đức Phật kết luận những ai nhìn thấy như thế mới gọi là có Chánh Kiến.
Từ bài học trên, chúng ta có thể rút ra được rất nhiều điều. Ở đây, tôi chỉ muốn nhắc với các bạn một điều: Tất cả những gì các bạn đã đọc được, đã nghe được thuộc loại phỉ báng Pháp, như “Thánh điển Pali là kinh điển tiểu thừa”; “Thánh điển Đại thừa là phi phật thuyết” — tất cả những phát biểu như thế, cho dù được nói hay viết ra bởi bất kỳ ai, cũng đều xuất phát từ những cái thấy ngu muội, cuồng ngạo, của phàm phu. Tại sao chúng ta biết? Trong tất cả các Thánh điển còn được bảo lưu hiện nay trên thế giới, các bậc giác ngộ không hề nhìn thấy như thế.
44. PHÀM & THÁNH
Trong số 8 chúng này, khi một phàm phu (pṛthagjana; ordinary person) cắt đứt được 3 kết sử “hữu thân kiến”, “nghi”, và “giới cấm thủ” thì trở thành thánh (āryapudgala; noble person); và chính thức tham dự vào hàng ngũ các thánh giả. Từ đó tăng-già được chia làm 2 hạng: thánh tăng (ārya-saṃgha) & phàm tăng (saṃvṛti-saṃgha).
THÁNH TĂNG bao gồm tất cả các thánh giả từ hàng Dự Lưu cho đến A-la-hán—hay còn gọi là Ứng Cúng, tức xứng đáng được cúng dường. Thánh tăng cũng bao hàm luôn chư Phật và các Đại Bồ-tát bởi vì tất cả đều phải trải qua quá trình tu tập các thánh quả nói trên. Thánh tăng là một cộng đồng bao gồm các “thành viên” đã đoạn trừ hữu thân kiến và ngã chấp, tức không còn phân biệt “ta-người” nữa, cho nên có thể kết thành một khối hòa hợp được luận Câu-xá mô tả là “saṃghī bhavanti abhedatvāt” (trở thành một sự hòa hợp không gì phá vỡ được). Và Thánh điển Pali còn bảo lưu một lời tán thán của đức Phật về cộng đồng này, “sukhā saṅghassa sāmaggi” (sự hòa hợp của tăng-già thì an lạc.) Chính vì phẩm tính hòa hợp này mà tăng-già trở thành 1 trong ba nơi nương tựa quý giá của một người Phật tử.
PHÀM TĂNG bao gồm tất cả các “thành viên” của tăng-già chưa đoạn trừ được 3 kết sử đầu tiên như đã nói trên, vì thế vẫn còn ngã kiến và ngã sở kiến. Do 2 loại tà kiến này nên còn nhìn thấy “ta-người” và “của ta – của người”. Từ 2 cái thấy này mà phát sinh các vọng tưởng đảo điên, như “phật giáo nguyên thủy”, “phật giáo phát triển”, “phật giáo nam tông”, “phật giáo bắc tông”, v.v. Tất cả các khái niệm này đều sinh khởi từ Phàm tăng, chứ không phải Thánh tăng vì không hề tìm thấy trong các Thánh điển hiện đang còn được bảo lưu. Để khuyến cáo về những phân biệt không đúng Pháp tương tợ như trên, đồng thời sách tấn Phàm tăng tu tập, đức Phật đã khẳng định, “samaggānaṁ tapo sukho” (sự tu tập mang tính cộng đồng, hòa hợp mới an lạc).
45. Ý THỨC SAI BIỆT
Chúng ta học Pháp qua hai cách: nghe & đọc.
NGHE: khi nhĩ căn tiếp xúc với âm thanh thì nhĩ thức phát sinh. “Nhĩ thức” là cái biết có 1 âm thanh vang lên như thế. “Nhĩ căn” là công năng nghe, hay còn gọi là “thính lực”, của mỗi người. Nhĩ căn không phải là lỗ tai thịt chúng ta nhìn thấy; vì người chết hoặc người điếc vẫn còn lỗ tai nhưng không thể nghe vì không có nhĩ căn. Như vậy, sở dĩ có cái biết về âm thanh là nhờ có sự tiếp xúc giữa công năng nghe và âm thanh. Đây gọi là lý duyên khởi: cái này có nên cái kia có.
ĐỌC: khi nhãn căn tiếp xúc với chữ viết thì nhãn thức phát sinh. “Nhãn thức” là cái biết có 1 hình dạng và màu sắc như thế. “Nhãn căn” là công năng nhìn thấy, hay còn gọi là “thị lực”. (Phần còn lại các bạn hiểu theo cách ở trên.)
Ý THỨC: khi nhĩ thức [hoặc nhãn thức] diệt thì nó lập tức trở thành “ý căn”. (Phật học gọi “lập tức” là vô gián–không bị gián đoạn, hoặc ngay sát-na kế tiếp). Nhờ ý căn tiếp xúc với âm thanh [hoặc hình-màu] do nhĩ thức [hoặc nhãn thức] cung cấp mà ý thức phát sinh. Ý thức là cái biết về những gì được 5 cái biết của mắt-tai-mũi-lưỡi-thân cung cấp vào thời điểm hiện tại hoặc từ vô lượng vô số kiếp trong quá khứ.
Trên đây là trình bày khái quát về tiến trình sinh khởi và vận hành của Thức trong một phàm phu. Chúng ta tìm hiểu thêm qua 2 trường hợp sau:
(i) Có 2 âm thanh /a/ & /i/ nối tiếp nhau. Khi nhĩ căn tiếp xúc với 2 âm thanh này thì cái biết của tai sinh khởi: nghe được âm thanh /ai/. Dù các bạn là người Việt hay người Anh thì cũng đều nghe 1 âm thanh như nhau. Nếu có gì khác thì chỉ khác về cường độ hoặc trường độ của âm thanh do “thính lực” của mỗi người khác nhau.
Tuy nhiên khi dữ liệu âm thanh này được “nạp” vào tâm và trở thành đối tượng được ý thức nhận biết thì mỗi người sẽ có 1 ý thức khác nhau về dữ liệu này, dựa vào kinh nghiệm quá khứ. Nếu các bạn là người Việt thì các bạn sẽ biết âm thanh đó là “Ai” trong “Ai đó” chẳng hạn. Nếu các bạn là người Anh thì sẽ biết đó là “I” trong “Here I am” chẳng hạn. Như vậy, cùng 1 âm thanh như nhau, nhưng 2 người có 2 ý thức khác nhau.
(ii) Có 2 mẫu tự /A/ & /N/ nằm kề nhau. Khi nhãn căn tiếp xúc với 2 “hình dạng” này thì cái biết của mắt sinh khởi: thấy hình ảnh /AN/ có màu gì đó. Cùng một hình-màu đó nhưng ý thức của một người Việt biết chữ sẽ biết đó là chữ “AN” trong “an lạc” chẳng hạn. Nhưng với một người Pháp biết chữ thì sẽ ý thức đó là chữ “AN” (năm) trong “nouvel an” (năm mới) chẳng hạn.
Trên đây mới chỉ là điểm khởi đầu của chuỗi nhận thức sai biệt của mỗi người trước cùng một cảnh được tri nhận. Cho dù những người tri nhận cùng là người Việt biết chữ đi nữa thì sự sai biệt về ý thức vẫn xảy ra. Loại ý thức gì sẽ sinh khởi trong các bạn khi nghe hoặc đọc được nhóm từ “QUÁN VÔ NGÔ?
— Với người đã có kinh nghiệm về Pháp trước đó thì có thể là: “À, một trong 4 niệm xứ: quán pháp vô ngã.”
— Với người thường đi nhậu thì có thể là: “À, một quán nhậu mới mở tên là Vô Ngã đây!”
— Với người có thần kinh thị lực cấu tạo khác thường thì có thể là: “Ủa, ngã dzô quán là sao?” …
___________________