Trò chơi và lời tiên tri
Năm tôi học lớp nhì (nay là lớp bốn), trường làng, giờ giải lao, thầy giáo bảo, trong lớp có Nhiều học sinh dong tay, trong đó có tôi. Những người dong tay lần lượt lên ngồi ngay giữa lớp để cho những người có khả năng vọc cười, tìm mọi cách làm cho người ngồi yên ấy phải bật cười.
Trong những người ngồi yên ấy, không ai là không bật cười, bởi những người có khả năng vọc người khác cười ấy, họ có khả năng vọc cười một cách rất thiện xảo, chỉ có mình tôi là bất động từ đầu đến cuối.
Thầy giáo tuyên bố trong cuộc chơi nầy, em Trí (tên tôi) thành công. Và thầy giáo còn nói, em Trí có khả năng làm thầy tu trong tương lai.
Như vậy, theo thầy giáo ngày ấy, cho rằng: Thầy tu phải là người có khả năng ngồi bất động trước những ồn ào và giễu cợt của mọi người.
Cỏ là lá
Học xong tiểu học, tôi xin cha mẹ xuất gia. Cha mẹ tôi đồng ý và đưa tôi đến chùa Phước Duyên-Huế, xin thầy trú trì cho tôi được xuất gia. Được thầy đồng ý mà không có điều kiện nào cả, bấy giờ tôi và cha mẹ tôi hết sức vui mừng.
Cha mẹ tôi ký thác tôi cho thầy, rồi lạy thầy, chào ra về và dặn tôi: “Tu là khó lắm, con đã ưa, thì phải cố gắng làm cho được, và ba mẹ cũng cố gắng tu để giúp con. Và con phải luôn luôn biết vâng lời thầy dạy. Thầy là người cha tinh thần đó nghe không. Con hãy gắng lên, ba mẹ về nhé!”.
Tôi rươm rướm nước mắt, chắp tay tiễn đưa cha mẹ ra khỏi cổng chùa và đứng yên lặng đưa mắt dõi nhìn theo cha mẹ với hai tâm trạng, một tâm trạng ưa tu và một tâm trạng còn tiêng tiếc, cho đến khi cha mẹ đi khuất dạng, tôi từ tam quan đi vào, thầy bảo, Trí lấy chổi quét sân chùa đi con!
Như vậy, bước đầu hành điệu của tôi là quét lá sân chùa.
Ở nhà, tôi chưa bao giờ biết cầm chổi để quét nhà và sân, kể cả giặt áo quần, vì tất cả việc ấy đều có các chị tôi, còn tôi chỉ biết ăn, học, chơi và nghịch.
Vì là chưa bao giờ cầm chổi để quét, nên từ cách cầm chổi đến cách quét đều là lúng túng, nên thầy tôi đã dạy cho tôi bài học hành điệu đầu tiên là quét.
Thầy tôi dạy cho tôi cách cầm chổi và cách quét, phải đưa những lát chổi nhanh, mềm và nhẹ, không nên quét ngược gió, quét lá đến những chỗ thấp un lại và hốt đổ sau vườn chè để làm phân cho cây.
Lại nữa, mỗi khi quét phải biết quét từ chỗ cao đến chỗ thấp, để những chỗ thấp ấy lâu ngày cũng biến thành chỗ cao, nhìn vào thấy đẹp, nghe không Trí!
Nghe lời thầy dạy, trong lòng rộn lên những nỗi vui mừng, vì ở nhà có khi nào mình được cha mẹ dạy cho mình cách quét này đâu. Ngay cả năm năm học ở trường làng cũng không nghe thầy cô nào dạy cho mình quét sân, quét nhà kiểu này cả.
Tôi vui sướng và thực tập mỗi ngày, thỉnh thoảng nỗi nhớ nhà gợn lên trong tâm, tôi hát nghêu ngao, lát chổi không chủ động. Thầy tôi nhìn thấy vậy và hỏi: Trí, một tuần rồi, con quét đã được chưa? Tôi bỏ chổi xuống, chấp hai tay, dạ bạch thầy, tạm được.
Thầy cười và nói: “Được đâu mà được, còn lâu lắm con ạ”.
Một tuần sau nữa, thầy lại hỏi Trí quét sân chùa đã sạch chưa con?
Tôi chắp tay cúi đầu và thưa: Kính bạch thầy, dạ sạch!
Thầy cười và nói: “Sạch đâu mà sạch”. Nghe thầy dạy, tôi nhìn lui, nhìn tới, nhìn qua, nhìn lại trên sân chùa không còn một chiếc lá nào, mà sao thầy nói với mình sân chùa chưa sạch.
Biết ý tôi băn khoăn, thầy dạy: “Trên sân chùa, mới sạch lá, chứ đâu đã sạch cỏ. Sân chùa có cỏ, làm sao gọi là sân chùa sạch được. Trước sân chùa, cỏ cũng là lá đó con à!”.
Như vậy, mới ở chùa hành điệu một tuần, tôi đã học đến hai bài học, một bài là “quét”; và một bài học “cỏ là lá”. Hai bài học thật hết sức thực tế và thâm trầm.
Tiếng chuông đã ngân tròn
Như vậy, mỗi ngày qua là mỗi ngày tôi cầm chổi quét lá và nhổ cỏ sân chùa. Tối hôm ấy, thầy gọi tôi lên phương trượng và dạy tôi cách thỉnh chuông.
Thầy ngồi đó, thật yên lặng, và trao cho tôi dùi chuông Gia trì, rồi bảo tôi đánh vào cái chuông.
Tôi lúng túng và đánh theo bản năng. Nghe tiếng chuông, thầy cười và nói: “Đánh chuông như vậy, thì chuông cũng sợ và người nghe chuông cũng hư lỗ tai”.
Thầy dạy, trước khi thỉnh chuông con phải đứng thật yên lắng hay ngồi thật yên lắng, tập trung tâm ý lại, theo dõi ba hơi thở vào và ra thật sâu, sau đó chắp tay vái, nắm dùi chuông lên, với ý thức rõ ràng, đưa dùi chuông chạm nhẹ vào chuông để thức chuông, sau đó đưa dùi đánh nhẹ vào chuông và chuông sẽ ngân lên tiếng.
Rồi ta phải tập trung tâm ý để theo dõi tiếng chuông ngân lên ngắn hay dài, âm phát ra thanh hay đục, tiếng ngân lên tròn hay chưa tròn.
Thầy dạy: Thỉnh chuông là cả một công phu tu tập. Nếu ta thỉnh chuông với tâm như thế nào, thì tiếng chuông sẽ phản hồi đúng như tâm ta vậy.
Ta thỉnh chuông với tâm vội vã, thì tiếng chuông cũng vội vã như tâm ta vậy; ta thỉnh chuông với tâm đằm thắm, sâu lắng, thì tiếng chuông ngân lên cũng sâu lắng, đằm thắm như tâm ta vậy. Ta thỉnh chuông với tâm nguyện rộng lớn, thì tiếng chuông ngân lên, lan xa và rộng lớn như tâm ta vậy. Và ta thỉnh chuông với tâm ý thức trọn vẹn, thì tiếng chuông ngân lên cũng trọn vẹn như tâm ta vậy.
Nên, con hãy thực tập thỉnh chuông mỗi ngày.
Như vậy, mỗi ngày đi qua, là mỗi ngày tôi thực tập thỉnh chuông gia trì và đại hồng chung sớm tối.
Sau một thời gian thực tập, thầy tôi gọi tôi và dạy: ‘Tiếng chuông gia trì và đại hồng chung điệu thỉnh, đứng xa nghe đã tròn”.
Nghe lời thầy dạy, trong lòng vui mừng, đầy khích lệ, nhưng thật ra chưa đủ để tự tin.
Thi kệ đầu tiên
Đáng lẽ thầy trao cho tôi, thi kệ đầu tiên là “Tảo Giác” (dậy sớm), để học thuộc lòng và thực tập, nhưng không. Thầy lại trao cho tôi bài kệ đầu tiên ở trong Mông sơn thí thực, và buộc học thuộc lòng.
Bài kệ ấy là:
“Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế, nhất thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo”.
Nghĩa là:
Nếu người nào muốn biết
Tất cả Phật ba đời
Nên nhìn tính vũ trụ
Tâm tạo thành tất cả.
Thi kệ thầy trao buổi sáng là buổi chiều phải thuộc nhuần nhuyễn để trả bài.
Bấy giờ, suốt lá, nhổ cỏ, gánh nước, dọn cơm, rửa chén bát, thỉnh chuông, lau bàn ghế… hay làm bất cứ công việc gì, tôi đều phải lẩm nhẩm trong miệng cho thuộc.
Tối lại gọi lên dò thi kệ, thầy hỏi: Điệu đã thuộc thi kệ chưa? Bạch thầy! Con đã thuộc. Đọc đi xem. Tôi đọc thuộc lòng nhuần nhuyễn. Nhưng thầy gạn lại và hỏi, điệu học thuộc lòng như vậy, trong đó, điệu có biết chữ “Phật” nằm câu mấy? Tôi ngần ngừ, thầy cười và nói: xuống học tiếp, tối mai trả bài.
Đúng, tối mai trả bài, thầy không hỏi tôi chữ “Phật” mà thầy hỏi chữ “Quán”, nằm câu mấy trong bài kệ? Tôi lại ngần ngừ, thầy cười và nói: “Điệu thấy chưa, thuộc mà chưa thuộc”.
Thầy dạy: xuống học tiếp, tối mai dò nữa nghe chưa.
Đúng, tối mai dò bài, thầy không hỏi tôi, chữ “Phật” và chữ “Quán”, mà thầy hỏi tôi chữ “Tâm” nằm ở đâu? Tôi nói ngay dạ bạch thầy, chữ “Tâm” nằm chữ thứ tư trong câu thứ tư.
Thầy tôi lắc đầu và nói: chưa thuộc bài, đi xuống hỏi các sư huynh, khi nào điệu cảm thấy thuộc bài thì lên gặp.
Tôi vái thầy, đi lui, suy nghĩ không biết thuộc bài là thuộc cái gì nữa?
Ba ngày sau, thầy gọi lên, dò tiếp bài kệ. Thầy hỏi: Điệu đã thuộc bài kệ chưa? Tôi đứng chấp tay im lặng. Thầy nói: điệu đọc bài kệ và dịch nghĩa xem. Tôi dạ, liền đọc thuộc lòng và dịch nghĩa bài kệ cho thầy nghe, giống như thầy đã từng dịch. Thầy không khen, không chê mà lại hỏi. Trong bài kệ ấy chữ “Nhân” nằm ở đâu. Tôi dạ, bạch thầy, nằm thứ hai trong câu đầu.
Thầy cười và nói: Điệu chưa thuộc bài đâu nhé, phải học tiếp bài kệ ấy cho thuộc. Thầy nói: điệu xuống xúc cát đổ vào nơi cái khay, đem lại đây, thầy dạy cho mà học.
Vái thầy để lui. Vừa đi, tôi lại vừa suy nghĩ: học gì mà học cát ở nơi khay, lạ nhỉ?
Đúng, bấy giờ tôi chẳng hiểu một tí ý gì của thầy dạy cả.
Tôi cố gắng đem cái học và cái thông minh ở đời để hiểu lời thầy dạy, nhưng chẳng hiểu được cái gì. Cái học ngoài đời, cái học trong đạo, cái dạy ngoài đời và cái dạy trong đạo khác nhau quá mức, vừa đi, tôi vừa suy nghĩ như thế, với tâm trạng của một chú điệu đầy háo hức và tò mò!
Phật Tâm trên cát
Vâng lời thầy, tôi xuống xúc cát đổ vào một cái khay và đem lên trình thầy, với tâm đầy háo hức.
Bài kệ đầu tiên ấy, thầy viết bằng chữ Hán trên giấy, từng nét chữ rõ ràng, trao cho tôi và nói: Điệu hãy nhìn đây, bắt chước mà viết. Viết bên trái trước, bên phải sau, trên trước, dưới sau. Và thầy liền đưa ngón tay viết ngay chữ “Phật” và chữ “Tâm” trên cát cho tôi xem, rồi thầy lại xóa và viết tiếp chữ “Nhân” và chữ “Tâm” cho tôi xem; rồi thầy lại xóa và viết tiếp chữ “Quán Phật” cho tôi xem, rồi thầy lại xóa và lại viết chữ “Quán Tâm” cho tôi xem, rồi thầy lại xóa và hỏi Điệu đã biết cách viết chưa?
Tôi dạ và thưa thầy rằng: con thấy chữ “Quán” ( 觀 ) sao viết nhiều nét, khó nhớ và khó viết quá!
Thầy cười và nói: mới viết không mà đã thấy khó, huống chi là “Quán”! Nhưng, không sao, chẳng có gì khó cả, nếu đã quyết tâm!
Tôi dạ, thầy nói: Điệu hãy bưng khay cát vào phòng, ngồi yên lắng một mình để tiếp tục viết và học đi!
Vâng lời thầy, tôi bưng khay cát vào phòng ngồi một mình và bắt đầu đưa ngón tay viết chữ trên cát. Mắt tôi đăm nhìn từng nét, miệng lẩm bẩm “Phật” rồi xóa; cứ như thế tay tôi viết “Phật”, mắt tôi nhìn “Phật”, miệng tôi lẩm bẩm “Phật”, rồi đưa tay xóa cát; và đến lược viết chữ “Tâm” cũng vậy, rồi tôi viết ghép hai chữ “Phật Tâm”, mắt tôi nhìn “Phật Tâm”, miệng tôi lẩm bẩm “Phật Tâm”, “Phật Tâm”, “Phật Tâm”…, rồi xóa đi và viết lại.
Cứ như vậy mà viết, càng viết thấy lòng mình càng vui, thấy tay mình càng nhuyễn và chữ mình càng đẹp so với bước khởi đầu.
Và tôi lại viết ghép ngược lại, thay vì viết “Phật Tâm”, tôi lại viết “Tâm Phật”. Tay tôi viết “Tâm Phật”, mắt tôi nhìn “Tâm Phật”, miệng tôi lẩm bẩm “Tâm Phật”, cứ như vậy, hết viết đến xóa, hết xóa đến viết không biết bao nhiêu lần!
Trong quãng đời hành Điệu, thầy tôi đã dạy tôi viết “Phật Tâm” trên cát, tôi không những vâng lời thầy viết “Phật Tâm” mà còn viết ngay cả “Tâm Phật”, trên cát để cúng dường thầy nữa.
“Phật Tâm và Tâm Phật” đã gắn liền với quãng đời hành Điệu của tôi.
Quãng đời ấy, là quãng đời của tôi có thật, nhưng xin quý vị đọc mà đừng tin, vì sự kiện ấy là của một thời gian đã đi qua, nó đã trở thành nắng mưa, sương gió, và mây trời đang rong chơi giữa cõi vô cùng, mà thực tại hiện tiền là quý vị đang đọc tôi viết “Phật Tâm và Tâm Phật” trên giấy mà không phải là trên cát…!