Diễn văn của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Viện Trưởng Viện Hóa-Đạo GHPGVNTN, đọc trong lễ kỷ-niệm lần đầu tiên (8/12 Kỷ dậu, Phật Lịch 2513) ghi ân các bậc tiền bối hữu công trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, hậu bán thể kỷ 25
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Thưa Quý Liệt vị,
Như mọi người đã biết, cách đây hơn thế kỷ, Dân tộc Việt Nam mất chủ quyền độc lập từ ngày thực dân Pháp mang quân sang xâm chiếm nước ta. Cũng từ ngày đó, Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo dân tộc, có mặt trên đất nước này gần 2000 năm lịch sử, đã đau đớn bước vào con đường suy vong chung với dân tộc!.
Tuy nhiên, hoàn cảnh tủi nhục chung ấy đã thúc đẫy lòng yêu nước mến đạo của dân tộc, nên đã có những Anh Hùng cách mạng đứng lên chống lại ách thực dân, giành độc lập cho xứ sở. Cũng trong tinh thần ấy, Phật giáo Việt Nam cũng có những Bậc Tăng sĩ, Cư sĩ nhiệt tâm với tiền đồ Đạo pháp, đã tìm mọi cách khôi phục lại truyền thống tín ngưỡng của dân tộc bằng mọi cách, để duy trì truyền bá chánh pháp, giữ lại những đạo lý luân thường, phong tục tập quán Văn minh cổ truyền của đất nước, đã chịu nhiều ảnh hưởng Phật giáo, hầu đóng góp công nghiệp tranh thủ chủ quyền và sinh tồn cho Tổ quốc và Đạo pháp, chống lại những gì phi Dân tộc do ngoại bang mang đến.
Thưa Quý Liệt Vị,
Hôm nay, đã đến lúc chúng ta những người thừa kế có nhiệm vụ kiểm điểm lại sự nghiệp của tiền nhân, đồng thời kính cẩn ghi vào “Lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại” những thành tích riêng biệt của những bậc Tiền Bối, hữu công trong Phong trào Chấn hưng Phật giáo, để chúng ta noi theo đó mà tiếp tục giữ gìn, và để cho những hậu côn, tương lai của chúng ta noi gương học hỏi.
Bởi các lẽ trên, trong đại hội Cư sĩ toàn quốc kỳ I vừa rồi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã chính thức công bố một Tuyên cáo liên quan nhiều vấn đề quá khứ, hiện tại và vị lai, cả đối nội cũng như đối ngoại của Giáo hội, trong đó điểm đầu tiên nhất: Giáo hội long trọng ghi nhận công đức lớn lao của các bậc Tăng sĩ, Cư sĩ tiền bối hữu công trong sự nghiệp Chấn hưng Phật giáo, từ gần nửa thế kỷ qua tại–Việt Nam. Và tiếp theo đó một quyết định của Giáo hội đã được ban hành ngày 16/12/1969, thiết lập ngày kỷ niệm hàng năm, đối với các Thánh Tăng đại sĩ, các vị Cư sĩ Bồ Tát tại gia, thuộc các miền Nam Trung Bắc và Nam Bắc Tôn hữu công, trong quá khứ hoặc hiện tại, vào dịp lễ kỷ niệm Đức Phật Thành Đạo, mùng 8 Tháng 12 âm lịch.
Hôm nay, để cuộc lễ đầu tiên vừa mới thiết lập đầy đủ ý nghĩa, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và toàn thể Phật giáo đồ thành tâm tưởng niệm:
– Quý vị sáng lập các Hội, các Đoàn, và các cơ sở Văn hóa Xã hội có mục đích khuyến khích nghiên cứu, giáo dục, học tập chánh pháp và thực hành theo chánh pháp;
– Quý vị sáng lập và Chủ trì các cơ quan đào tạo Tăng tài, các vị Pháp sư, Giảng sư, Giáo sư hữu công, hữu danh, v.v…
– Quý vị phiên dịch kinh điển, trước tác và ấn hành các Văn phẩm, họa phẩm, điêu khắc, ca nhạc, kiến trúc v.v… có giá trị liên quan trực tiếp, gián tiếp trong việc phổ biến giáo lý hình ảnh màu sắc Đạo Phật;
– Quý vị sáng lập và chủ trì các cơ quan ngôn luận, truyền bá và Việt hóa giáo pháp.
– Quý vị đã hy sinh tánh mạng vì hộ trì chánh pháp, quý vị kiến tạo và duy trì các Tòng lâm, các danh lam thắng tích Phật giáo, quý vị Phụng thủ Tam Tạng Thánh Giáo;
– Quý vị hằng Tâm hằng Sản, hữu danh, vô danh, Quý vị hộ trì Tam Bảo đã đóng góp xứng đáng, quý giá cho các Phật sự trong quá khứ v.v…
Đại khái, chúng ta ghi nhớ công đức quý vị đã có công duy trì, truyền bá xây dựng Phật giáo Việt Nam, trong thời kỳ đen tối của Lịch sử Dân tộc và Đạo pháp, dưới sự phong tỏa, kỳ thị, kiểm soát của thực dân và các thế lực tay sai từ 1920 đến nay. Pháp hiệu, phương danh và tiểu sử của các vị ấy sẽ được thiết lập sau, vì phải hết sức thận trọng, cân nhắc để xác định đúng mức công nghiệp có tính cách và giá trị lịch sử của các Ngài, hầu tránh những lỗi lầm thiếu xót trước khi đưa Quý Ngài vào lịch sử. Nhất là tìm hiểu sâu xa sự liên hệ giữa sự Chấn hưng Phật giáo với sự quật cường của Dân tộc đã nhịp nhàng như thế nào, để chứng minh rằng: Dân tộc và Đạo pháp có sự gắn liền và bất khả phân, đồng an đồng nguy, trong quá trình lịch sử; để chúng ta thêm tin tưởng và dấn thân phục vụ cho tương lai, bất cứ trong lãnh vực nào mà dân tộc cần đến.
Thưa quý Liệt vị,
Tục ngữ có câu: “Cây có gốc, nước có nguồn”. Quả vậy, Giáo hội PGVNTN chúng ta được thiết lập đến nay tuy mới 6 năm tròn, nhưng nó đã được thai nghén trưởng dưỡng từ gần nữa thế kỷ trước. Chúng ta là những người thừa hưởng sự nghiệp vẻ vang của tiền nhân để lại. Do đó chúng ta, những người hiện tại, có nhiệm vụ làm thế nào trang sử Phật giáo Việt Nam của thời vàng son Đinh Lê Lý Trần, và thời Chấn hưng cận đại, được nối liền và sáng chói tới tương lai!
Có như thế, mới mong được đền đáp phần nào công ơn xây dựng của tiền hội, chúng ta cần phải cố gắng và hy sinh nhiều hơn nữa trong tương lai, mới mong giữ vững được những công trình sự nghiệp cao cả của tiền nhân để lại.
Trước khi dứt lời, chúng ta hãy giành một phút mặc niệm và cầu nguyện cũng như hồi hướng công đức giữ Đạo, dựng Đạo của các vị Tiền Bối cho Hòa Bình đất nước và sự trường tồn của Giáo hội.
Trân trọng kính chào Quý Liệt Vị.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
VIỆN HÓA ĐẠO GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
243, Sư Vạn Hạnh Số: 0176–VHĐ/VP/QĐ
CHOLON
VIỆN TRƯỞNG VIỆN HÓA ĐẠO
– Chiếu Giáo chỉ ngày mồng 8 tháng 12 Phật lịch 2509 (14-12-65) của Đức Tăng Thống Ban Hành Hiến chương G.H.P.G.V.N.T.N. được tu chỉnh bởi đại hội khoáng đại kỳ II,
– Chiếu Biên bản đại hội G.H.P.G.V.N.T.N. kỳ III, ngày 20-08-68, lưu nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo G.H.P.G.V.N.T.N
– Chiếu giáo chỉ số 08 ngày 20-08-68 phê chuẩn và tấn phong Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo của Đức Thắng Thống.
– Chiếu Tuyên cáo ngày 01-12-1969 của Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
– Chiếu Biên bản phiên họp Hồi đồng Viện Hóa Đạo ngày 12-12-69.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: – Nay trân trọng thiết lập ngày kỷ niệm pháp định các vị Tăng sĩ, Cư sĩ Tiền bối thuộc Nam Bắc Tôn tại Nam Trung Bắc, hữu công trong Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, trong hậu bán thế kỷ 20, Phật Lịch (1920-1963 Dương lịch).
Điều 2: – Ngày kỷ niệm trên được ấn định vào ngày mồng 8 tháng Chạp âm lịch, nhằm ngày Thành đạo của Đức Bổn Sư.
Điều 3: – Các giáo phái Phật Giáo Nam Bắc Tông trong Giáo hội, các Ban Đại diện Giáo hội và các cấp nhiệm vụ lập danh sách và tiểu sử các vị Tiền bối hữu công, trình lên Giáo hội Trung Ương, để ghi vào sử Phật giáo Việt Nam cận đại.
Điều 4: – Quý vị Phó Viện Trưởng, Tổng Thư Ký, Tổng vụ trưởng, Tổng vụ Tăng sự, Tổng vụ Cư sĩ, Tổng vụ Thanh niên chiếu nhiệm vụ thi hành quyết định này.
Phật lịch 2513–Sài gòn, ngày 16 tháng 12 năm 1969.
(ấn, ký)
Thượng Tọa Thích Thiện Hoa
Nơi nhận:
– Các Tổng vụ, Vụ.
– Các cơ quan trực thuộc Viện Hóa Đạo.
– Các B. Đ. D. Giáo hội các cấp trong ngoài nước “để chiếu hành”.